MƯỜI ĐIỀU RĂN: HÔM QUA VÀ HÔM NAY

Chúng ta đã thấy rằng đức tin không chỉ đơn thuần là niềm tin thuộc lý trí. Chúng ta phải làm nhiều hơn là nói rằng chúng ta tin vào Thiên Chúa; chúng ta phải sống đức tin của mình. Chương này sẽ xem xét các giá trị và nguyên tắc vốn là cốt lõi của tính môn đệ Kitô giáo. Chúng ta sẽ bắt đầu từ căn bản, từ nền tảng là: mười điều răn. Các điều răn này không đại diện cho các mức độ cao nhất của luân lý Kitô giáo, nhưng chúng cung cấp nền tảng cho luân lý Kitô giáo. Đó là những giá trị và luật lệ cơ bản mà Chúa Kitô xây dựng. Các điều răn này có trước Chúa Kitô hơn một ngàn năm. Ý nghĩa nguyên thủy của chúng không phải lúc nào cũng có thể áp dụng cho ngày hôm nay, nhưng tinh thần và ý nghĩa cơ bản đằng sau các điều răn này là vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài không đến để hủy bỏ lề luật mà kiện toàn lề luật. Chúng ta sẽ xem xét “mười” điều răn cổ điển của Israel và cố gắng áp dụng chúng vào cuộc sống trong thế kỷ này.

MƯỜI ĐIỀU RĂN

1. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, Ngươi không được có thần nào khác ngoài Ta. Ban đầu giới răn này truyền cho người Do Thái phải đặt Đức Chúa trên hết các thần. Họ không được thờ phượng các thần của dân ngoại, nhưng chỉ thờ phượng một mình Ðức Chúa mà thôi. Giá trị của điều răn thứ nhất là lòng trung tín. Tội chống lại điều răn thứ nhất là việc thờ ngẫu tượng. Ngày nay, chúng ta phải tự hỏi bản thân chúng ta là những Kitô hữu trung tín với Thiên Chúa nghĩa là gì và thờ ngẫu tượng nghĩa là gì. Dường như lòng trung tín căn bản có nghĩa là một cam kết với Thánh Thể, với việc cầu nguyện, và với đời sống sống động của tình yêu, tha thứ và phục vụ. Sống trung tín với Thiên Chúa giống như là trung thành với một người bạn hoặc người phối ngẫu. Đó không chỉ đơn giản là hành động. Lòng trung tín đến từ con tim. Do đó chúng ta phải tiếp tục phát triển mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và giữ cho nó mở ra cho sự tăng trưởng và phát triển liên tục. Việc thờ ngẫu tượng có thể liên quan đến những việc mê tín dị đoan hoặc cúng tế, nhưng đối với hầu hết mọi người, cám dỗ của việc thờ ngẫu tượng là đặt điều gì đó trong cuộc đời như là ưu tiên hàng đầu trên cả Thiên Chúa. Trong văn hoá của chúng ta sẽ luôn có cám dỗ coi sự thành công và thoải mái về vật chất là thần tượng của chúng ta. Những người khác bị lún sâu vào quyền lực, lạc thúc hay tình dục. Chúng ta phải tự hỏi bản thân điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta. Nếu nó không có liên quan gì đến tình yêu, thì nó không liên quan gì đến Thiên Chúa, và đó là ngẫu tượng.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận.

Ý nghĩa của việc đặt Thiên Chúa là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời bạn là gì? Nó có nghĩa là trở thành một linh mục hay nữ tu phải không? Có nghĩa là dành thời gian rảnh rỗi của bạn để cầu nguyện không? Điều đó có ý nghĩa gì đối với bạn?

2. Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng. Ban đầu giới răn này cấm dùng tên Thiên Chúa để nguyền rủa kẻ thù hoặc để phù phép. Giá trị liên kết với điều răn này là tầm quan trọng của việc tự kiểm soát ngôn từ của chúng ta. Tội gắn với nó là “lời nguyền rủa” hay ngôn từ bị lạm dụng. Là những người đi theo Chúa Kitô, chúng ta cố gắng quan tâm đến cuộc đời của mình hết mức. Chúng ta quan tâm đến những gì chúng ta làm, suy nghĩ và nói năng. Giới răn này áp dụng cho những điều chúng ta nói. Ngôn từ có thể rất mạnh mẽ. Ngôn từ của chúng ta cho thấy chúng ta là ai và chúng ta tin tưởng điều gì. Ngôn từ của chúng ta khuôn đúc mối tương quan của chúng ta với người khác. Giới răn này không dạy chúng ta phải thận trọng trong việc thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc của mình nhiều cho bằng nó ​​khuyên chúng ta phải cẩn thận với những từ ngữ có tiềm năng gây nguy hại. Rất dễ dàng có các thói quen xấu khi chúng ta sử dụng ngôn từ của mình, đặc biệt là trong thời niên thiếu. Hầu hết mọi người nghĩ: “Có gì đâu; đó chỉ là lời nói.” Và phần lớn là họ nói đúng. Dùng những ngôn từ xúc phạm là một vấn đề về lối hành xử tồi tệ hơn bất cứ thứ gì khác.

Tuy nhiên, vấn đề có thể sâu hơn thế. Nguyền rủa người nào đó, hoặc dùng tên của Thiên Chúa vô cớ, còn tệ hơn là cách cư xử xấu. Đó là sự thiếu tôn trọng đối với người khác hoặc Thiên Chúa. Khi chúng ta lạm dụng người khác về lời nói, hậu quả có thể tệ hại hơn là lạm dụng về thể lý. Chúng ta đang tấn công nhân phẩm và giá trị của họ. Nếu chúng ta dễ giãi dùng tên Thiên Chúa bằng những biểu thức như “Thiên Chúa nguyền rủa nó” hay “Giêsu Kitô!”  thì thật là thiếu tôn trọng về một thực tại rất thiêng liêng và thánh thiện. Có lẽ đó chỉ là một thói quen xấu, không có bất kỳ sự thiếu tôn trọng nào, nhưng ngôn ngữ đó tạo ra một thái độ và tâm thái thiếu thận trọng và thiếu tôn trọng.

Thảo luận và phản tỉnh cá nhân

Bạn dùng miệng lưới mình như thế nào trong những ngày này? Bạn sử dụng nó để hạ bệ hay để xây dựng? Có ai mà bạn nghĩ về người đó bằng những ngôn từ tử tế và yêu thương không?

3. Nhớ giữ ngày Sabát. Đối với người Do Thái, điều này có nghĩa giữ các ngày thứ Bảy mà Thiên Chúa đã ban (thực ra từ buổi hoàng hôn vào thứ Sáu đến hoàng hôn thứ Bảy). Ngày Sabát cấm mọi loại công việc và cần thời gian để cầu nguyện. Đó là để cho thấy sự ưu tiên dành cho Thiên Chúa trong cuộc sống của họ bằng cách từ bỏ mọi mối quan tâm thế tục. Giá trị của điều răn này là tầm quan trọng của việc cầu nguyện và dành thời gian cho Chúa. Tội chống lại điều răn này là dính bén vào những mối quan tâm của chính mình.

Người Kitô hữu không giữ ngày Sa-bát theo cách như người Do Thái. “Sa-bát” của chúng ta là Chúa Nhật, ngày phục sinh. Tuy nhiên, chúng ta không bị ràng buộc với tất cả các luật của Torah cấm nhiều loại hoạt động. Người Kitô hữu dự phần vào bữa tiệc Thánh Thể vào Chúa Nhật và tránh làm việc vào ngày này nếu có thể. Yếu tố quan trọng của điều răn này là chúng ta dành thời gian cho mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Tất cả các mối tương quan phụ thuộc vào đời sống hiệp thông và chia sẻ. Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa không khác gì. Nếu chúng ta không có thời gian cho người khác hoặc không có thời gian cho Thiên Chúa, chúng ta rõ ràng là quá bận tâm với những sở thích và mối quan tâm của chính mình. Giới răn về ngày Sa-bát nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cầu nguyện của con người, chiêm ngắm niềm vui và sự tốt đẹp của cuộc sống, và đề cao về vẻ đẹp của cuộc sống. Nó nhắc nhở chúng ta rằng có nhiều điều trong cuộc sống hơn những mối quan tâm thực tại và lợi ích riêng của chúng ta. Ngày Sa-bát chỉ ra ý nghĩa của sáu ngày khác trong tuần và đón mừng món quà sáng tạo của Thiên Chúa.

Thảo luận và phản tỉnh cá nhân

Bạn có dành thời gian đặc biệt để cầu nguyện không? Bạn sử dụng thời gian rỗi của bạn như thế nào? Bạn có nghĩ rằng nó được sự dụng tốt không? Sự cam kết của bạn với Bí tích Thánh thể sâu đến mức nào?

4. Hãy thảo kính cha mẹ. Hệ thống thẩm quyền của người Do Thái được dựa trên sự tôn trọng dành cho các bậc trưởng lão của cộng đồng. Họ là những người chia sẻ truyền thống với con cái của họ và là người giám sát cuộc sống của nhóm gia đình. Giới răn này cũng ngụ ý trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi họ già đi. Chúng ta sống trong một nền văn hoá thần tượng tuổi trẻ. Chúng ta được cho biết rằng chúng ta nên nhìn, cảm nhận, suy nghĩ và hành động trẻ trung. Những công dân lớn tuổi thường bị lãng quên và bỏ rơi khi họ cần nhất. Giới răn này nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải chăm sóc và tôn trọng cha mẹ chúng ta. Trong một nền văn hoá mà người cao tuổi cảm thấy như là “gánh nặng”, chúng ta nhớ lại lời của Thánh Phaolô rằng bằng cách gánh vác gánh nặng của nhau, chúng ta chu toàn luật của Đức Kitô. Mặc dù điều răn này đôi khi được đề cập đến dưới hình thức vâng phục, điểm mấu chốt của nó thực sự là thảo kính và tôn trọng.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Các mối tương quan của chúng với cha mẹ thường trải qua hàng loạt sự chuyển tiếp. Thời niên thiếu đôi khi là một thời điểm khó khăn trong mối tương quan này. Bạn mô tả mối tương quan của bạn với bố bạn như thế nào? Điểm mạnh và yếu thế là gì? Tại sao? Nếu bạn có thể thay đổi một điều về tương quan đó, đó sẽ là gì? Bạn mô tả mối tương quan với mẹ như thế nào? Điểm mạnh và điểm yếu của nó là gì? Tại sao? Bạn sẽ thay đổi gì về mối quan hệ này nếu có thể? Theo bạn, “thảo kính” cha mẹ nghĩa là gì?

5. Ngươi không được giết người. Giới răn này không cấm tất cả hình thức giết người. Israel không phải là dân tộc hoà bình: họ có án tử hình, chiến đấu trong chiến tranh, và tin vào quyền tự vệ. Giới răn này cấm giết người. Dĩ nhiên, giới răn cũng cấm chúng ta ngày hôm nay.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta giải thích điều răn này một cách triệt để hơn. Trong Phúc Âm của Mátthêu, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói:

Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. (Mt 5: 21- 22).

Lời giải thích của Chúa Giêsu có nghĩa là việc tránh giết người khác là chưa đủ.Chúng ta phải tránh hận thù trong trái tim cũng như trong hành động thể lý. (Khi Chúa Giêsu cảnh báo chống lại sự giận dữ, Ngài không nhắm đến cảm xúc cho bằng đến con người mang con tim cứng cỏi thù hận). Tương tự như vậy, Chúa Giêsu đã cảnh báo chống lại việc dùng “lời nói lăng mạ”. Nói cách khác, có nhiều cách để giết người khác. Chúng ta có thể giết chết và nghiền nát tinh thần của họ bằng lời nói cũng như nắm đấm của chúng ta.

Ngoài ra, Chúa Giêsu vượt qua giới răn này với một tinh thần bất bạo động bao gồm tình yêu đối với kẻ thù và một sự sẵn lòng bị giết hơn là giết người.

Rốt lại, điều răn này thách thức chúng ta vượt qua việc không giết người. Chúng ta phải tránh mọi hình thức giết người – những hình thức trong trái tim, thân thể, tâm trí hay tinh thần. Đời sống con người được đánh giá không chỉ về mặt sinh học mà còn về mặt tinh thần. Điều này có nghĩa chúng ta có nghĩa vụ phát huy một tinh thần bất bạo động trong chính chúng ta, trong Giáo hội và trên thế giới. Một tinh thần như vậy chống lại sự thông thái thông thường rằng “có thể làm đúng.” Nó tìm kiếm một tầm nhìn khác về cuộc sống hơn là dựa trên sức mạnh quân sự và “tự do” để lạm dụng người khác và chính chúng ta. Lạm dụng ma túy và rượu, phá thai, băng đảng và bạo lực đường phố, bạo lực gia đình, tự sát, bạo lực đối với phụ nữ, bạo lực có động cơ chủng tộc và phổ biến vũ khí hạt nhân là tất cả các hình thức mà điều răn này bị vi phạm ngày hôm nay. Giới răn này buộc chúng ta phải thách thức một trong những điều dối trá lớn lao của lịch sử – là giết chóc và bạo lực có thể được sử dụng để đạt đến thành công.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Đâu là những cách thức mà “vương quốc của sự chết” là một phần của thế giới bạn? Trong những cách nào, bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn với cuộc sống và học cách khẳng định nó?

6. Ngươi không được ngoại tình. Trong Cựu Ước, ngoại tình liên quan đến quyền sở hữu của chồng trên vợ mình. Người vợ không có quyền nào đối với chồng. Do vậy, người chồng phạm tội ngoại tình khi anh ta có quan hệ tình dục với một người phụ nữ đã có gia đình. Cả người phụ nữ và bạn tình của cô ta đều có thể bị giết vì tội ngoại tình. Chúa Giêsu đòi hỏi giới răn này phải được thực hiện thêm một bước nữa: ngoại tình bao gồm việc ham muốn người phụ nữ khác. Lời của Chúa Giêsu hướng về người nam, và Ngài cảnh cáo họ vượt qua những đòi hỏi của luật pháp:

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình.28 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi (Mt 5,27-28).

Lời dạy này là điển hình của Chúa Giêsu, người nhấn mạnh rằng chúng ta phải thay đổi không chỉ hành vi của chúng ta mà cả trái tim chúng ta nữa. Chúng ta phải đi đến tận gốc rễ của vấn đề này. Chúa Giêsu tái khẳng định giáo huấn truyền thống nhưng thách thức những người đi theo mình đi sâu vào trong trái tim.

Chúa Giêsu có ý gì khi Ngài cấm thái độ ham muốn? Ngài không nói về về việc thu hút tính dục. Ngài đang đề cập đến thái độ hoặc tình trạng của con tim mà coi phụ nữ là đồ vật và sử dụng họ để thỏa mãn tình dục.

Ngài đang thách thức chúng ta kiểm tra mối tương quan của chúng ta với người khác giới. Chúng ta đang có tìm kiếm tình bạn và sự gần gũi đích thực hay đơn giản chỉ là tìm kiếm một ai đó để đáp ứng nhu cầu riêng của chúng ta, tình dục và cảm xúc?

Trong Phúc âm của Gioan một nhóm người mang theo một người đàn bà bị bắt gặp đang  ngoại tình tới bức tường thành phố để ném đá cho chết. Chúa Giếu nói với họ “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8: 7). Vì thế, trong khi Chúa Giêsu nghiêm khắc khi phạm tội ngoại tình, Ngài cũng có lòng trắc ẩn khi đối xử với tội nhân. Điều quan trọng cần lưu ý là Chúa Giêsu bảo vệ quyền của phụ nữ trong cả hai trường hợp này. Luật Do Thái làm việc mù quáng ủng hộ người nam, nhưng Chúa Giêsu thách thức sự khôn ngoan hiện tại và đứng lên vì phẩm giá và giá trị của người nữ.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Bạn nghĩ gì về giới răn của Chúa Giêsu để thanh luyện con tim cũng như hành vi của chúng ta? Điều này có khả thể không hay quá lý tưởng? Chúa Giêsu nói lên lời nhận xét về ham muốn tình dục nơi người nam. Người nữ có cần lời dạy như vậy không? Người nữ có khuynh hướng tính dục đối với người nam không? Nếu vậy thì làm thế nào? Từ nền tảng thuộc thế kỷ này của chúng ta, những hiểu biết sâu sắc nào chúng ta có thể mang lại cho cuộc thảo luận này?

7. Người không được trộm cắp. Dường như khó để tìm được ý nghĩa rõ ràng của điều răn này, nhưng các học giả tin rằng ban đầu nó khônh chỉ đề cập đến trộm cắp tài sản mà còn đến việc bắt cóc. Nhìn tích cực nhất, điều răn này là một thách thức đối với lòng trung thực và việc tôn trọng tài sản của người khác. Có vẻ lòng sự trung thực như vậy có thể dễ dàng bị cuốn đi với một ý nghĩ rằng “mỗi người đều làm điều đó.” Điều răn này thường được áp dụng cho những thứ gian lận như kiểm tra bài, trộm cắp của cửa hàng, nâng giá vật tư từ công việc, và gian lận thuế thu nhập. Điểm chính yếu của vấn đề là vi phạm quyền hoặc tài sản của người khác. Ngoài ra, một người trộm cắp là xâm phạm bản thân mình. Tất cả các hành động của chúng ta xác định chúng ta là ai. Một người trộm cắp đã xác định mình bằng hành động như vậy: anh ta hoặc cô ta là một tên trộm.
Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Một người bạn làm việc tại một cửa hàng địa phương và đề nghị bạn phải giảm hai mươi đô la giá mua của bạn: Bạn nói gì và tại sao? Bạn có cơ hội để mua một hệ thống âm thanh trị giá năm trăm đô la với giá ba trăm đô la vì nó bị đánh cắp. Bạn có mua không? Tại sao có hoặc tại sao không?

8. Ngươi không được làm chứng dối chống lại người thân cận. Ban đầu giới răn này đề cập đến hệ thống pháp luật của người Do Thái. Nếu có thể tìm thấy hai nhân chứng làm chứng chống lại ai đó, thì người đó bị kết án. Chứng gian có thể làm cho một người bị giết. Nếu người làm chứng gian bị phát hiện, người đó sẽ bị kết án với án dành cho người mà họ đã nói dối. Chúa Giêsu làm cho điều răn này tốt hơn. Thay vì bị buộc phải nói sự thật bằng lời thề, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng chúng ta phải nói sự thật bất cứ lúc nào. Lời thề là không cần thiết cho những người như vậy.
“Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả… hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt: 33-37).

Điều răn này cấm việc khai gian, nhưng đối với người Kitô hữu, nó cũng cấm mọi việc nói dối bất cứ lúc nào. (Tất nhiên, điều này giả định rằng người đó có quyền hợp pháp để biết sự thật.)

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Bạn có phải là người mà lời nói của bạn có thể tin cậy được?

9. Ngươi không được ước muốn vợ của người thân cận. Từ chính yếu trong điều răn này là “ham muốn.” Từ tiếng Anh có nghĩa là ước muốn ai đó. Từ tiếng Do thái có cùng ý nghĩa, nhưng nó cũng bao gồm một ý nghĩa trong đó nó không chỉ là một ham muốn. Nó bao gồm một sự sẵn sàng dành được cho chính mình. Điều răn này tương tự điều răn về ngoại tình. Không chỉ ở hành động mà còn ở những gì ở trong lòng. Do đó, cần xem xét gốc rễ của tội lỗi nằm trong lòng con người và những ham muốn những gì mà không có.

 10. Ngươi không được tham muốn của cải người thân cận. Điều răn này cũng tương tự như điều răn trước trong việc cấm “ham muốn”. Tuy nhiên, điều này này cũng đề cập đến điều răn thứ bảy và luật chống trộm cắp. Điều răn cuối cùng này duyệt xét lòng tham và ghen tị thường là việc trộm cắp từ người khác. Nếu chúng ta nhìn vào hai điều răn cuối cùng nhau, chúng ta thấy luật cấm “ham muốn” vốn dẫn đến ngoại tình và trộm cắp. Các điều lệnh này làm cho chúng ta kiểm duyệt lại thái độ và tinh thần của chính mình. Chúng ta có thường ghen tị với tài sản và các mối tương quan của người khác không? Liệu chúng ta có sống đời mình khi so sánh mình với người khác, thay vì cố gắng sử dụng đợi sống, quà tặng, tài sản và các mối tương quan của chúng ta không?

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận
Có một sự khác biệt giữa “ham muốn” và mơ ước. Ham muốn có nghĩa là một thái độ ghen tị hoặc đố kỵ, muốn một cái gì đó thuộc về người khác. Mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn hoặc một cuộc hôn nhân tốt hơn, vv, là điều tự nhiên. Ham muốn là không nhìn nhận, chấp nhận hay biết ơn về tất cả những gì chúng ta có. Bạn đã bao giờ “ham muốn” cái gì không?

CHÚA GIÊSU KÊU GỌI YÊU THƯƠNG: BỐN LOẠI TÌNH YÊU

Như chúng ta đã thấy, mười điều răn đại diện cho các lề luật và giá trị căn bản của hành vi đạo đức. Chúng cung cấp một nền tảng để nhận biết và thực hành điều gì là đúng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mời gọi những người theo Ngài phải vượt trên những đòi hỏi của lề luật để đi đến với con tim và đến với những đòi hỏi của tình yêu. Vì chúng ta đã xem xét các sứ điệp và giáo huấn căn bản của Chúa Giêsu trong phần trước của cuốn sách, nên ở đây chúng ta sẽ tập trung vào hai yếu tố của sứ điệp: lời mời gọi yêu thương và sứ điệp của các mối phúc.

Trọng tâm sứ điệp của Chúa Giêsu là lời mời gọi yêu thương. Tuy nhiên, sứ điệp này rất dễ bị đánh mất và bị hiểu lầm bởi vì từ ngữ “tình yêu” có rất nhiều ý nghĩa khác nhau trong văn hoá của chúng ta. Chúng ta sử dụng cùng một từ để mô tả cách chúng ta cảm nhận về gia đình, vật nuôi, sở thích và thức ăn. Trước khi chúng ta duyệt xét ý nghĩa từ ngữ tình yêu trong Tân Ước, chúng ta hãy xem xét ngắn gọn những cách chính yếu mà từ này thường được sử dụng ngày nay. Sau đây là bốn loại tình yêu khác nhau:

Tình cảm: Đây là tình yêu mà chúng ta trải nghiệm như một cảm giác ấm áp và gần gũi. Chúng ta có thể cảm nghiệm được những tình cảm dành cho bạn bè, gia đình, vợ chồng và thậm chí cả vật nuôi. Tình cảm là trọng tâm của tình yêu, là phần khiến cho tình yêu rất đáng được thỏa mãn và đáp đền cách cá vị.

Tình bạn: Tình bạn là mối liên kết tình yêu giữa những người được hiệp nhất vởi bởi có chung mối quan tâm, bận tâm, sư tôn trọng và sự chăm sóc. Tình bạn thường “về” cái gì đó. Nghĩa là, có một yếu tố chung mang bạn bè lại với nhau. Bạn bè phát triển để chia sẻ sự tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm. Theo bản chất của nó, tình bạn là mở ra cho nhiều người. Tình bạn mà có tính loại trừ thì không lành mạnh.

Tình cảm lãng mạn: Đây là tình yêu mà chúng ta nói đến khi nói rằng chúng ta đang “yêu”. Đó là một khát vọng kết hợp với người khác. Đó là sự thân mật và cởi mở được sẻ chia. Tình yêu này cũng bao gồm cả tình dục và sự kết hợp. Tình cảm lãng mạn (Tiếng Hy Lạp gọi là “eros”) không giống như tình bạn ở chỗ nó là độc chiếm. Nó dành cho hai người.

Tình yêu tự hiến: Đây là từ tình yêu được sử dụng trong Tân Ước để mô tả tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đó là tình yêu vô điều kiện. Nó chấp nhận lỗi lầm và giới hạn của người yêu. Nó bao gồm tình yêu cả kẻ thù của mình. Trong khi ba loại tình yêu trên là quan trọng, chúng bằng cách nào đó phải hợp nhất với tình yêu tự hiến để trở thành thật sự tròn đầy.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Hãy nêu lên tựa đề mười bài hát có từ “tình yêu”, trong đó có bốn loại tình yêu ở trên?

TÌNH YÊU TRONG TÂN ƯỚC

Ý niệm tình yêu đã tồn tại trong giáo huấn của Chúa Giêsu và trong Hội Thánh sơ khai là gì? Chúng ta sẽ tóm tắt ngắn gọn một số yếu tố chính:
1. Chúng ta được yêu mến. Đối với Chúa Giêsu, Thiên Chúa là nguồn mạch của tất cả tình yêu, và trọng tâm của Tin mừng là Thiên Chúa yêu thương con cái của Ngài một cách vô điều kiện. Trách nhiệm của chúng ta đối với tình yêu bắt đầu với trực giác rằng chúng ta được yêu mến. Thánh Gioan mô tả điều này trong một bức thư của ngài:
Tình yêu cốt ở điều này:
không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. (I Ga 4: 10-11).
Chúa Giêsu mặc khải tình yêu này trong tất cả những gì Ngài làm và đặc biệt là trong cái chết của Ngài trên thập giá.
2. Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người khác thì không thể tách rời. Khi Chúa Giêsu được hỏi về giới răn lớn nhất trong các giới răn, Ngài kết hợp cả hai giới răn:

Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12: 29-31).

Sự khôn ngoan của Đức Kitô được bày tỏ khi Ngài không bằng lòng phán tách hai giới răn lớn lao này. Đối với Chúa Giêsu, chúng ta không thể có giới răn này mà không có giới răn kia. Người Kitô hữu phải yêu mến và phục vụ Thiên Chúa. Họ phải đặt để Người trên hết trong cuộc sống của mình. Họ phải cầu nguyện và tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa cho họ, nhưng họ không thể lạc lối trong mối tương quan của họ với Thiên Chúa. Họ phải cho phép mối tương quan hệ chuyển đổi cách thế họ đối xử với mọi người. Thánh Gioan nói thẳng thắn rằng:

Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối;
vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa
mà họ không trông thấy (1 Ga 4:20).

3. Chúng ta phải yêu thương như Thiên Chúa yêu thương: vô điều kiện. Đây là điều thực sự khó khăn. Chúng ta phải yêu thương vô điều kiện, chấp nhận mọi giới hạn của người khác, tha thứ tội lỗi cho họ. Chúng ta thậm chí phải yêu kẻ thù của mình.

Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5: 44-48).

Chúa Giêsu làm nhiều hơn nói về tình yêu của kẻ thù; Ngài sống điều đó. Cuối cùng, Ngài đã ban ban sự sống của mình cho mọi người, kể cả những người đã đóng đinh vào thập tự giá, Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23:34).

4. Tình yêu là tình yêu trong hành động. Chúa Giêsu luôn làm rõ rằng những lời đạo đức không phải là điều Chúa muốn từ chúng ta. Ngài muốn chúng ta làm theo ý muốn của Ngài. Khi được hỏi về ý nghĩa của việc yêu thương người lân cận, Chúa Giêsu kẻ dụ ngôn Samari nhân hậu. Tình yêu đích thực vươn đến với mọi người. Đó là tình yêu trong hành động.

Tình yêu có nghĩa là vươn đến những người cần nhất. Trong sứ vụ và sứ điệp của Chúa Giêsu, chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho những người cần nhất. Có lẽ điều này được nói rõ nhất ở Mátthêu chương 25, trong cảnh phán xét cuối cùng. Các tiêu chuẩn để vào vương quốc của Thiên Chúa được liệt kê như sau:

Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25: 35-36).
Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Kiểu tình yêu nào trong năm kiểu tình yêu trong Tân Ước là điểm mạnh nhất của bạn? Tại sao? Kiểu tình yêu nào là điểm yếu nhất của bạn? Tại sao?

CÁC MỐI PHÚC

Chúa Giêsu tuyên bố rằng Ngài không đến để bãi bỏ lề luật và các tiên tri, nhưng để kiện toàn chúng. Giáo huấn của Ngài đòi hỏi nhiều hơn lề luật vì nó đòi buộc thay đổi nội tâm. Ngài đến không chỉ để thay đổi hành vi của chúng ta, nhưng quan trọng hơn là thay đổi trái tim của chúng ta. Việc kiện toàn lề luật và các tiên tri được tuyên bố rõ ràng trong bài giảng nổi tiếng trên núi (Mt 5-7). Trong ba chương này, chúng ta tìm thấy một bản tóm tắt tuyệt vời về ý nghĩa của việc trở nên người đi theo Chúa Giêsu. Bài giảng trên núi bắt đầu bằng những mối phúc mô tả các thái độ và hành động của những người được Thiên Chúa ban phúc. Mỗi mối phúc bao gồm hai phần: thái độ hiện tại và sự kiện toàn trong tương lai. Chúng ta sẽ phân tích các mối phúc này và áp dụng chúng vào trong việc đi theo Chúa Giêsu ngày hôm nay.
1. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ. “Người nghèo trong tâm hồn” có liên quan đến người nghèo nhưng không nhất thiết phải giống nhau. Người nghèo trong tâm hồn là người khiêm nhường: những người nhận ra sự phụ thuộc hoàn toàn của mình vào Thiên Chúa. Trong văn hoá của chúng ta, chúng ta thường hiểu nhầm khiêm nhường là những người không nghĩ về mình nhiều. Khiêm nhường thật là sự chân thật. Những người khiêm nhường nhìn thấy bản thân mình thực sự là gì. Họ nhận ra rằng điểm mạnh của mình là quà tặng từ Thiên Chúa. Họ nhận ra rằng họ có những điểm yếu và các hạn chế. Trên hết họ nhận ra rằng thế giới không xoay quanh họ. Họ là thụ tạo, chứ không phải Thiên Chúa. Ngược lại với người khiêm tốn là những người tự hào và kiêu ngạo, ho có một cái nhìn sai lầm về mình, nhìn xuống các sinh vật khác của Thiên Chúa như thể họ Thiên Chúa phần cách nào đó.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Người khiêm nhường biết điểm mạnh và điểm yếu của mình. Lập một danh sách các điểm đó của bạn.

2. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Chúa Giêsu có vẻ như nói rằng phiền muộn là điều tốt trong mối phúc này. Đó không phải là vấn đề. Tuy nhiên, những ai đang đau khổ và buồn rầu, có thể có được niềm hy vọng trong tình yêu Thiên Chúa. Họ không nghĩ mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Chỉ có những ai yêu mến và chăm sóc người khác mới có thể thấy được nỗi buồn thật sự trong cuộc đời. Đây là nỗi đau hay nỗi buồn thánh thiện vì nó được sinh ra từ tình yêu.

3. Phúc thay ai thấp hèn (hiền lành), vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Người thấp hèn ở đây đề cập đến những người không có đất đai và tài sản. Họ là những người nghèo và người bị tước đoạt. Trong Cựu Ước, họ được gọi là “anawim”. Chúa Giêsu đã làm đảo lộn sự khôn ngoan thông thường vốn xem phúc lành của Thiên Chúa khi giàu có và thay vào đó lại Ngài nói ngược lại: chính người nghèo được ban phúc lành cách đặc biệt. Tại sao Ngài lại nói điều này? Vì hai lý do: Thứ nhất, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng việc chối bỏ người nghèo là sai trái; thứ hai, trở nên nghèo có thể làm cho người ta khiêm tốn hơn và nhìn nhận Thiên Chúa là nơi họ cậy dựa vào. Không có nghi ngờ gì về sự giàu có trong Phúc Âm bị xem như là một trở ngại để bước vào Nước Thiên Chúa.

4. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Mối phúc này thách thức chúng ta nhìn vào các mục tiêu của chúng ta trong đời sống. Điều gì là điều chúng ta đang đói khát? Chúng ta thực sự muốn gì trong cuộc sống? Chúa Giêsu nói rằng đó phải là sự thánh thiện. Không chỉ vậy, nhưng nếu chúng ta thực sự muốn thánh thiện, cuối cùng chúng ta sẽ có được nó. Nhưng ai muốn trở nên thánh thiện và trở nên thánh thiện nghĩa là gì? Một phần của vấn đề là chúng ta có khuynh hướng coi sự thánh thiện là thứ gì đó chán ngắt và cắt rời khỏi thế giới thực. Tuy nhiên, hình ảnh mà Chúa Giêsu trình bày trong Tin mừng là một trong những điều rất liên quan đến thế giới. Đó là điều bắt nguồn từ tình yêu.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Bạn đang đói khát những gì trong giai đoạn này của cuộc đời bạn?

5. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Trọng tâm và linh hồn của sứ điệp Chúa Giêsu là tha thứ, vậy nên mối phúc này không phải là điều ngạc nhiên. Chúa Giêsu tuyên bố rằng Thiên Chúa là Đấng thương xót và sẵn sàng tha thứ những tội lỗi nặng nề nhất của chúng ta. Tình yêu của chúng ta phải phản ảnh tình yêu Thiên Chúa: đó phải là lòng thương xót.

6. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Mối phúc này giống như điều răn lớn của Israel mà Chúa Giêsu đã nói là điều răn đầu tiên. Tâm hồn trong sạch có nghĩa là dâng hiến cho Thiên Chúa. Người có tâm hồn trong sạch không để cho Thiên Chúa chiếm một chỗ trong cuộc sống của họ hoặc một mảnh trong trái tim của họ. Người có tâm hồn trong sạch hiến dâng hoàn toàn đời sống và con tim của họ cho Thiên Chúa. Tất cả những kiểu tình yêu khác chỉ có ý nghĩa vì tình yêu dành cho Thiên Chúa.

7. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Người Kitô hữu có một ơn gọi trở nên người xây dựng hòa bình trong một thế giới bạo lực. Một trong những lời nói dối lớn nhất của lịch sử là: bạo lực và chiến tranh là cách hợp lý để đối phó với xung đột. Đó không phải cách của Chúa Giêsu, Đấng đã nói với những ai theo Ngài rằng hãy vất bỏ đao kiếm của mình. Lời kêu gọi rõ ràng của Chúa Giêsu đối với việc xây dựng hoà bình không có bạo lực là một điều mà các Kitô hữu đã làm ngơ trong suốt lịch sử.

8. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Trong mối phúc này, Chúa Giêsu phá hủy huyền thoại về tôn giáo “cảm thấy tốt”. Đối với một số người, tôn giáo là một cách để cảm thấy hạnh phúc. Chúa Giêsu nói rằng tôn giáo có thể mang lại sự bách hại và khước từ. Phúc cho những ai không sợ sống đức tin của mình giữa sự khước từ và bách hại đó. Ở Hoa Kỳ, các Kitô hữu ít khi cảm thấy sự bách hại và khước từ. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, nhiều người vẫn còn mất mạng sống vì đức tin và các giá trị tin mừng.

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

Đâu là mối phúc mà bạn thấy thách đố nhất? Tại sao?

Các câu hỏi ôn tập

  1. Các điều răn đóng vai trò gì trong hệ thống giá trị của một Kitô hữu?
  2. Điều răn thứ nhất cấm người Do Thái là gì?
  3. Kêu danh Thiên Chúa vô cớ nghĩa là gì?
  4. Khi nào là ngày sabát và mục đích của ngày sabát là gì?
  5. Điều căn bản đối với điều răn tôn vinh cha mẹ là gì?
  6. Có phải điều răn thứ năm cấm mọi hình thức giết người không?
  7. Chúa Giêsu đã nhận xét gì về điều răn thứ năm?
  8. Luật Do thái về tội ngoại tình như thế nào? Chúa Giêsu đòi hỏi những ai theo Ngài đi xa hơn luật này như thế nào?
  9. Tại sao đối với người Do Thái “không nghe chứng gian” là rất quan trọng?
  10. Từ “thèm muốn” nghĩa là gì đối với người Do Thái?
  11. Hãy mô tả bốn kiểu tình yêu.
  12. Năm yếu tố về “tình yêu” trong Tân ước là gì?
  13. Ai là “người nghèo trong tâm hồn”?
  14. Tại sao Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai sầu khổ?”
  15. “Người có tâm hồn trong sạch” nghĩa là gì?