Bạn có thể mệt mỏi khi người ta hỏi về điều gì bạn muốn làm lúc bạn lớn tuổi hơn. Lựa chọn đó thường dựa trên nhiều nhu cầu và mối quan tâm khác nhau: tài chính, cá nhân, tình cảm, tri thức và tâm linh. Đôi khi chúng ta làm việc vì chúng ta cần một công việc và phải kiếm tiền để ăn uống hay học hành. Những lúc khác chúng ta làm theo con tim và tâm hồn của mình. Chúng ta cảm thấy “được mời gọi” đến với một mối tương quan hoặc loại công việc nào đó. Một nghề nghiệp theo nghĩa đen là một “lời mời gọi”. Theo nghĩa tôn giáo, đó là tiếng gọi từ Thiên Chúa. Lý tưởng nhất là chúng ta nên cố gắng hết sức để phân biệt điều gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm với cuộc đời của mình và chúng ta nên sống những điều đó như thế nào. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ thực sự nghe thấy một tiếng nói hoặc nhận được lời nhắn qua một bức thư từ Thiên Chúa. Nhưng, trong tinh thần cầu nguyện, chúng ta phải quyết định nơi nào Thiên Chúa muốn cuộc đời của chúng ta đi đến. Bởi vì chúng ta chỉ là con người, chúng ta cố gắng hết sức để khám phá ra ước muốn của Thiên Chúa dành cho mình, nhưng chúng ta phải mở rộng khả năng để Thiên Chúa có thể gọi chúng ta theo những hướng mới trong suốt cuộc đời mình. Tuy nhiên, một số lựa chọn của chúng ta là những cam kết hay ơn gọi vĩnh viễn. Trong số đó, Giáo Hội nhìn nhận hai bí tích: bí tích hôn nhân và bí tích truyền chức thánh. Cách đặc biệt hai ơn gọi này là “dấu chỉ” tình yêu của Thiên Chúa đối với toàn thể cộng đồng Kitô hữu và với thế giới. Giống như tất cả các dấu chỉ bí tích khác, chúng ảnh hưởng hoặc mang lại hiện thực điều chúng biểu hiện. Ân sủng của Thiên Chúa được “hiện thực” qua các bí tích này (và tất cả bí tích).

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Bạn có cho rằng hầu hết mọi người nghĩ đến hôn nhân như một ơn gọi trong ý nghĩa tôn giáo của từ ngữ này, tức là, như một lời mời gọi từ Thiên Chúa không? Bạn thì sao? Tại sao có hoặc tại sao không?

HÔN NHÂN

Ngày nay hôn nhân đang ở trong tình trạng bị vây hãm. Gần một phần hai các cuộc hôn nhân kết thúc bởi việc ly hôn. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là hầu hết những người ly hôn lại tái hôn. Ngay cả khi các cuộc hôn nhân thất bại, người ta trở lại để tìm kiếm tiếp. Có một cái gì đó về hôn nhân mà hầu hết mọi người chỉ đơn giản là không thể sống mà không có nó.

 

CHÚA GIÊSUHÔN NHÂN

Vào thời Chúa Kitô, hôn nhân không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề đối với nhiều người ngày nay. Các cuộc hôn nhân được gia đình đặt để và sắp xếp. Cơ cấu xã hội là gia trưởng, và phụ nữ là tài sản của nam giới. Một cuộc hôn nhân bao gồm việc chuyển giao tài sản, với việc gia đình nhà chồng trao tài sản hoặc các dịch vụ cho người vợ. (Điều này không có nghĩa là phụ nữ bị đối xử như món ăn hay đơn thuần chỉ là một đồ vật). Lệnh cấm ngoại tình có rất ít liên hệ đến sự trung tín trong đời sống phái tính vì tình yêu. Nó liên quan hơn đến việc vi phạm tài sản của một người.

Chúa Giêsu không lập gia đình, và Ngài nói rất ít về hôn nhân. Những tuyên bố quan trọng nhất của Ngài về hôn nhân là một phần của cuộc tranh luận trong Do Thái giáo liên quan đến quyền ly dị của người đã lập gia đình. Theo sách Torah, một người đàn ông có quyền ly dị vợ mình nếu cô ấy phạm tội ngoại tình và vì một số điều “bất hợp pháp”. Anh ta phải đưa cho cô ấy giấy ly dị . Nếu cô ấy muốn ly dị anh ta, cô ấy chỉ có thể làm như vậy nếu anh ta bằng lòng với đòi hỏi của cô.

Vào thời Chúa Kitô có hai trường phái tư tưởng khác nhau về quyền ly hôn của người chồng. Theo rabbi Hillel, ly hôn được phép vì bất cứ điều gì mà người chồng không hài lòng. Còn theo rabbi Shammai, ly hôn chỉ được phép trong một số rất ít trường hợp. Chúa Giêsu không chấp nhận lập trường nào cả.

Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? ” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? ” Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10: 2-9).

Chúa Giêsu lấy lập trường lý tưởng nhất trên làm tiêu chuẩn. Ngài tin rằng kế hoạch của Thiên Chúa vào lúc khởi đầu công trình tạo dựng đã thay thế ngay cả luật Môsê. Như một giáo huấn lý tưởng của Chúa Giêsu, lập trường của ngài về hôn nhân rất đòi buộc và khó khăn hơn những đòi hỏi của luật Do thái.

Trong Phúc Âm Mátthêu, Chúa Giêsu lặp lại cùng một thông điệp nhưng bao gồm một ngoại lệ cho phép ly hôn trong trường hợp “hành vi dâm ô” (có thể là ngoại tình) về phía người vợ. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, thì không nên tái hôn. Rất có thể điều này phản ánh thực tế trong Giáo Hội hơn là những lời của Chúa Giêsu (vì ngoại lệ trên không được đề cập ở bất cứ nơi nào khác nữa), nhưng chúng ta không thể chắc chắn rằng liệu Chúa Giêsu có cấm ly dị tuyệt đối hay bao gồm một ngoại lệ đối với luật lệ này hay không.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Bạn có nghĩ rằng Chúa Giêsu thực tế trong giáo huấn của Ngài hay không? Có nên cho phép ly hôn không? Nếu có, trong hoàn cảnh nào thì được phép?

TÌNH DỤC VÀ HÔN NHÂN

Qua lịch sử Giáo Hội, rõ ràng đối với các vị lãnh đạo Giáo Hội rằng mục đích chính của hôn nhân và tình dục là sinh và giáo dục con cái. Một số nhà thần học, kể cả thánh Âu Tinh, tin rằng tình dục bản chất là tội lỗi, ngay cả trong hôn nhân. Tuy nhiên, tình dục được phép trong hôn nhân vì lý do tốt đẹp (sinh con cái). Các thần học gia khác dạy rằng tình dục có một vai trò thứ hai là nâng cao tình yêu và sự hiệp nhất vợ chồng.

Trong thế kỷ XX, một số người bắt đầu nói về lý do thứ hai này như là lý do chính cho hành vi vợ chồng trong hôn nhân. Chính yếu là một sự diễn tả tình yêu tương hỗ vợ chồng và là để xây dựng tình yêu giữa họ. Công đồng Vatican II đã dạy rằng hành vi vợ chồng trong hôn nhân có hai mục đích cơ bản: như một sự diễn tả tình yêu và sự cam kết lẫn nhau và vì sự sinh sản con cái. Hai mục đích này thì ngang bằng nhau. Công đồng tiếp tục dạy về tính vĩnh viễn của hôn nhân và vai trò đặc biệt của con cái trong hôn nhân. Những điều này thường được xem như là ý nghĩa hiệp nhất và sinh sản của hành vi vợ chồng. Dưới đây là một số lời dạy trọng tâm từ Công đồng Vatican II. (Nếu ngôn ngữ nghe có vẻ hơi lạ lùng, thì hãy nhớ rằng đó là một tài liệu của Giáo Hội được dịch từ tiếng Latinh, tất cả các đoạn văn được trích ra từ Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium Et Spes).

“Ðấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Ðời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại” (Diễn nghĩa: hôn nhân không chỉ đơn giản thuộc con người, nó cũng mang tính thánh thiêng, và Giáo Hội có một vai trò quan trọng trong hôn nhân. Hôn nhân được gọi là “giao ước” chứ không phải là một hợp đồng nhằm để nhấn mạnh tới sự cam kết cá nhân, hơn là hợp pháp. Dĩ nhiên, sự ưng thuận không thể rút lại này có nghĩa là bạn không thể thay đổi ý định của mình. Đó là một cam kết vĩnh viễn.)

“Tình yêu này được biểu lộ và hoàn hảo cách đặc biệt qua những động tác riêng của hôn nhân. Bởi vậy, những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quí và chính đáng. Ðược thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự trao hiến hỗ tương, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn.” (Diễn nghĩa: Thánh Âu Tinh đã sai. Tình dục trong hôn nhân thì tốt đẹp. Thánh Âu Tinh cũng sai lần nữa. Một mục đích của tình dục là giúp đỡ đôi bạn đời lớn lên trong tình yêu và sự hiệp nhất. Tình dục không chỉ là để sinh con cái.)

” Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ.”

(Diễn nghĩa: Con cái là một phần rất quan trọng trong kế hoạch hôn nhân của Thiên Chúa.)

 “Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cuộc sống chung và vẫn giữ được giá trị cùng đặc tính bất khả phân ly của mình.” (Diễn nghĩa: Hôn nhân vẫn là một bí tích và thực sự tốt đẹp ngay cả khi không có con cái được sinh ra từ cuộc hôn nhân đó)

 Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Với bạn con cái quan trọng như thế nào (nếu) bạn kết hôn? Bạn muốn có bao nhiêu người con? Bạn nghĩ gì khi có thêm con cái?

LỐI HIỂU THỜI NAY VỀ HÔN NHÂN
Để hiểu được vai trò của hôn nhân trong đời sống của người Kitô hữu và Giáo Hội, thì cần nhận ra một nguyên tắc quan trọng này: tình yêu đích thực của con người là một “bí tích” (theo nghĩa rộng) của tình yêu Thiên Chúa. Thánh Gioan viết:
Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. (1 Ga 4: 11-12)
Cách tốt nhất để đảm bảo sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta là yêu thương nhau. Trong tất cả tình yêu nhân loại, con người được ban cho một nơi tôn kính đặc biệt như là một bí tích của Hội Thánh. Đây là hôn nhân. Hôn nhân kết hợp tất cả tình yêu nhân loại nên một. Đó là một cuộc hôn nhân của tình bạn. Những người yêu nhau mà không phải là những người bạn thì sẽ bị thiêu cháy như ngọn nến trong đêm. Nhưng nó còn hơn cả tình bạn. Những người kết hôn cũng là những người yêu nhau. Họ ở  “trong tình yêu.” Họ tìm cách hợp nhất với nhau trong chính hữu thể của mình. Sự thân mật này là một sự gần gũi về tình dục và cá vị. Nhưng họ còn hơn cả những người yêu nhau. Tình yêu của đôi vợ chồng bị ràng buộc với nhau nhiều hơn sự thâm mật về tình dục và tình bạn riêng tư. Nó cũng ràng buộc với nhau bởi tình yêu điều kiện. Đó là một tình yêu không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn bởi vẻ kém hấp dẫn, bởi điều tồi tệ hơn cũng như điều tốt hơn. Nói cách khác, tình yêu vốn ràng buộc đôi vợ chồng không thể thay đổi như một cảm giác lãng mạn hay đam mê. Đó là một tình yêu phản chiếu thần linh: vô điều kiện và vĩnh cửu.

Hôn nhân đối với người Kitô hữu là bí tích. Đó diễn ra công khai trong nhà thờ, không phải vì nhà thờ đẹp, hoặc bởi vì mẹ bạn mong chờ, mà bởi vì chúng ta không chỉ vui mừng vì tình yêu của đôi vợ chồng, mà còn vì niềm tin của họ nữa. Đôi vợ chồng mời gọi tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa vào cuộc đời của họ để làm cho họ thêm phong phú với một chiều kích khác của cuộc sống, đó là sự kết hợp trong tinh thần. Cuộc hôn nhân của họ không chỉ là một bước đi vào giai đoạn mới của cuộc đời. Đó thực sự là một “sự kiện cứu độ” qua đó ân sủng của Thiên Chúa có thể lớn lên trong cuộc sống của họ, và tình yêu của họ dành cho nhau có thể là một dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa đối với cộng đồng rộng lớn hơn.

Trước đây chúng ta đã đề cập rằng các bí tích không chỉ được cử hành mà chúng phải được sống. Điều này rất đúng đối với hôn nhân. Đôi vợ chồng phải sống bí tích của họ. Là vợ chồng, họ là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô trong cộng đồng Giáo Hội và thế giới qua việc sánh đôi bên nhau, nói chuyện, sống, hít thở, và yêu thương nhau.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận
Liệt kê 10 điều mà bạn tìm kiếm ở nơi người bạn đời.

NGHI THỨC HÔN PHỐI

Hầu hết mọi người nghĩ rằng linh mục cưới cho hai người. Trên thực tế, đôi vợ chồng cưới nhau. Đôi vợ chồng là các thừa tác viên bí tích. Linh mục (hoặc phó tế) là nhân chứng chính thức của Hội Thánh. Trọng tâm của buổi lễ là lời thề hứa của đôi vợ chồng (ngày nay các cặp vợ chồng không thường tự tay viết) và việc trao nhẫn cho nhau. Bởi bản chất tròn, chiếc nhẫn tượng trưng cho tính vĩnh viễn của tình yêu. Ngoài ra, có các bài đọc từ Kinh Thánh (nếu muốn, thì lấy từ các nguồn khác,). Lý tưởng là họ có một vai trò rất tích cực trong việc lựa chọn các bài đọc và chuẩn bị cho nghi thức. Nghi thức có thể là một phần của Thánh lễ (được gọi là Thánh lễ hôn phối) hoặc có thể được tổ chức ngoài trời.

Phản tỉnh cá nhân và Thảo luận

Một số người không thấy giá trị của “giấy tờ”. Họ cảm thấy như thể họ có thể sống với người bạn đời mà không cần có sự phức tạp của hôn nhân. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các mối quan hệ này có tỷ lệ thất bại cao hơn nhiều so với các cặp cưới nhau. Tại sao bạn nghĩ đó là một vấn đề?

 

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
Như chúng ta đã thấy, bí tích là dấu chỉ của ân sủng Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa Kitô trong cộng đoàn. Qua việc thánh hiến của bí tích truyền chức thánh, phó tế, linh mục và giám mục trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa.
CHÚA GIÊSU ​​VÀ CHỨC TƯ TẾ
Vào thời Chúa Kitô, chức tư tế Do Thái giáo là một trong những chức có quyền hành trong đền thờ ở Giêrusalem và có thẩm quyền chính trị ngang qua hội đồng Do Thái giáo được gọi là thượng hội đồng. Tư tế được gọi là Sa-đốc và phận vụ chính của họ liên quan đến việc tế lễ tại đền thờ. Chúa Giêsu và các tông đồ không phải là thành viên của tầng lớp tư tế.

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu được xem như là một vị thượng tế trong thư Do Thái. Tác giả của thư Do Thái muốn cho thấy rằng Chúa Giêsu đã dâng hy tế cuối cùng này: đó là chính Ngài. Ngài không dâng máu các con dê, bò hay cừu, nhưng là máu của chính mình. Lễ tế này là một sự thay đổi toàn bộ dòng chảy của thế giới. Lễ tế này mang lại một giao ước mới giữa Thiên Chúa và dân của Người.
CHỨC THÁNH NGÀY NAY
Tất cả những ai lãnh nhận bí tích rửa tội đều được rửa trong chức tư tế của Chúa Kitô và tất cả đều được mời gọi thi hành sứ vụ trong các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, trong Hội Thánh có một số người được chọn cho một sứ vụ độc nhất và đặc biệt qua chức thánh. Chức thánh là một bí tích ba cấp bậc. Chức thánh được trao cho phó tế, linh mục và giám mục. Vai trò của phó tế đã không còn nữa trong Hội Thánh cho đến gần đây. Có hai loại phó tế. Những ai chuẩn bị cho chức linh mục trở thành phó tế ngay trước khi họ trở thành linh mục. Đây là phó tế “chuyển tiếp” đã tồn tại từ lâu trong Hội Thánh. Phó tế vĩnh viễn đã được Hội Thánh phục hồi kể từ Công đồng Vatican II.

Phó tế vĩnh viễn không phải là phó tế chịu chức  như một bước để tiến tới linh mục. Họ là những người đã thể hiện việc cam kết và phục vụ trước đây trong Hội Thánh và được chịu chức như một dấu chỉ của việc phục vụ cộng đồng Kitô hữu. Phó tế phải được ba mươi lăm tuổi. Họ có thể kết hôn hoặc độc thân. (Nếu độc thân mà chịu chức, họ phải giữ độc thân.) Họ có thể chứng hôn và rửa tội. Họ công bố Phúc Âm và có thể giảng lễ. Sứ vụ cụ thể mà họ thực hiện có thể phụ thuộc vào nhu cầu của cộng đoàn hoặc tài năng riêng của họ. Theo truyền thống, phó tế có một vai trò đặc biệt trong việc phục vụ người nghèo, nhưng họ cũng có thể dạy dỗ, khuyên bảo, thăm viếng những người bệnh tật và người già, v.v. Tất nhiên giáo dân cũng có thể thực hiện những việc này. Như vậy, điều độc đáo nhất về phó tế là vai trò phụng vụ. Tuy nhiên, việc phục vụ của phó tế cho cộng đồng cũng là một dấu chỉ cho sứ vụ của tất cả những người chịu phép rửa.

Linh mục có nhiều trách nhiệm trong Hội Thánh, nhưng trọng tâm của chức tư tế là Thánh lễ. Linh mục là chủ tế và là người giảng lễ trong Thánh lễ. Linh mục cũng cử hành bí tích rửa tội, giải tội, và chứng hôn. Vì bí tích Thánh Thể và các bí tích khác đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành cộng đoàn Kitô hữu, vai trò của linh mục không chỉ là chức năng về bí tích. Linh mục phải công bố Phúc Âm và áp dụng nó vào cuộc sống của tín hữu trong cộng đoàn. Ngài thường hiện diện với giáo dân trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc đời họ: lúc sinh, lúc mất, lúc kết hôn. Tương tự, nhiệm vụ của ngài là lãnh đạo và hướng dẫn cộng đoàn, quan sát cộng đoàn để mọi nhu cầu của cộng đoàn phải được phục vụ. Đó là vai trò của linh mục trong việc xây dựng thân thể Chúa Kitô như là bí tích và như là cộng đoàn. Ngoài ra, việc phục vụ của linh mục sẽ thay đổi tùy theo khả năng riêng của họ. Một số người tham gia vào việc giáo dục, những người khác trong việc tư vấn hoặc thăm viếng người ốm đau, v.v.

Vai trò của giám mục chủ yếu là giảng dạy và “cai quản” Hội Thánh. Giám mục là người đứng đầu Giáo Hội địa phương trong mỗi giáo phận. Ngài là “người giám sát”, và nhiệm vụ của ngài là giảng dạy nhân danh Hội Thánh. Mỗi giám mục được coi là “đại diện của Chúa Kitô” và là người kế vị các Tông Đồ. Như chúng ta đã thấy trong chương về các mô hình của Hội Thánh, Hội Thánh phổ quát được cai quản bởi các giám mục trên thế giới trong sự hiệp nhất với giám mục đứng đầu là giám mục của Rôma.

Câu hỏi để đánh giá

  1. Ơn gọi là gì?
  2. Mô tả định chế hôn nhân tồn tại vào thời của Chúa Kitô.
  3. Lập trường của người Do Thái về ly hôn là gì? Giáo huấn của Chúa Giêsu là gì? Giáo huấn của ngài dựa trên điều gì?
  4. Giáo Hội xem mục đích chính của tình dục là gì trong suốt phần lớn lịch sử của mình?
  5. Công đồng Vatican II đã dạy gì về ý nghĩa của việc quan hệ vợ chồng?
  6. Tại sao Công đồng lại đề cập đến hôn nhân như một giao ước?
  7. Các yếu tố chính trong lễ cưới là gì?
  8. Ba cấp bậc của bí tích chức thánh là gì?
  9. Các chức năng chính của phó tế, linh mục và giám mục trong Giáo Hội là gì?