Ảnh từ Internet

Như vậy, chúng ta đã xem xét ý nghĩa của các bí tích khai tâm: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Các bí tích này đưa một người vào Giáo Hội, và Bí tích Thánh Thể tiếp tục nâng đỡ những người theo Chúa Giêsu trong đức tin của họ. Bây giờ, chúng ta đến với các bí tích chữa lành: Sám Hối và Xức Dầu Bệnh Nhân. Các bí tích này nhìn nhận rằng cộng đoàn Kitô hữu được tạo thành từ những con người không hoàn hảo và cần lãnh nhận ơn tha thứ và chữa lành. Giáo Hội không phải là một cộng đoàn hoàn hảo, nhưng là một cộng đoàn của người bị tổn thương và tội lỗi. Chỉ khi nào chúng ta nhận ra tình trạng tổn thương và tội lỗi của chúng ta thì chúng ta mới trở nên tự do để được chữa lành và yêu thương. Đây là các bí tích nhằm hỗ trợ người Kitô hữu trong tiến trình này.

BÍ TÍCH THỐNG HỐI

 

  1. ĐỨC GIÊSU VÀ SỰ THA THỨ

Bất cứ ai dù chỉ nhận thức một cách mơ hồ về Chúa Giêsu Kitô cũng biết rằng ơn tha thứ nằm ở trọng tâm trong sứ điệp của Ngài. Đức Kitô đã đi vào một thế giới tội lỗi với thông điệp về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu đối với con người nơi chính hoàn cảnh của họ: bất toàn, đôi khi rất tốt, đôi khi rất yếu đuối, có khi yêu  thương vô điều kiện nhưng có khi lại xấu xa khủng khiếp. Chúa Giêsu đến với chúng ta như chúng ta thực sự là: có nhu cầu chữa lành và tha thứ. Đây là một trong những chủ đề lớn của Phúc Âm. Chúa Giêsu được gọi là bạn của những người tội lỗi. Ngài tuyên bố Ngài đến không phải vì người công chính nhưng vì người tội lỗi.

           

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Chúa Giêsu kêu gọi những người tội lỗi đi theo Người. Kẻ thù lớn nhất của con người có thể không phải là tội nhưng là sợ hãi, điều đó cho thấy chúng ta muốn mình phải hoàn hảo trước khi chúng ta có thể làm bất cứ điều gì. Đâu là những lo sợ mà bạn có ở giai đoạn này trong cuộc sống bạn?

Nếu Giáo Hội là một cộng đoàn của những người tội lỗi, điều đó cũng có nghĩa là một cộng đồng của sự tha thứ, vì Giáo Hội vừa nhân bản vừa thiêng liêng, vừa tội lỗi vừa thánh thiện. Sự thánh thiện của Giáo Hội không có nghĩa là các thành viên đều hoàn hảo, nhưng đúng hơn là họ sẵn sàng tha thứ cho nhau. Sứ mạng của Hội Thánh là sứ mạng của Chúa Giêsu. Chúng ta phải trở thành một dân phản ánh lòng thương xót và lòng từ bi của Thiên Chúa cho thế giới. Theo Tin Mừng Gioan, sau khi sống lại Chúa Giêsu đã gặp các môn đệ và nói với họ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em… Hãy lãnh nhận Thánh thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20. 21-23).

 

  1. THỐNG HỐI THỜI GIÁO HỘI SƠ KHAI

Không có Bí Tích Giải Tội thời Giáo Hội sơ khai. Rửa tội là bí tích để lãnh ơn tha tội. Như chúng ta đã thấy, Rửa Tội biểu lộ một người đã từ bỏ tội lỗi để sống một đời sống mới trong Đức Kitô. Tuy nhiên, từ bỏ tội lỗi không có nghĩa là từ bỏ nó hoàn toàn. Kitô hữu vẫn bất toàn, đầy tội lỗi và cần sự tha thứ, nhưng không ai thấy cần thiết một diễn tả bí tích nào khác về sự tha thứ này cho bằng Bí Tích Rửa Tội. Người ta tin rằng Thiên Chúa sẽ tha thứ tội lỗi và hơn thế nữa, các Kitô hữu đã tha thứ cho nhau.

Tuy nhiên, sau một thời gian Giáo Hội phải đối mặt với những vấn đề mới. Với những Kitô hữu đã phạm tội nghiêm trọng và tự tách mình ra khỏi cộng đoàn thì Hội Thánh phải làm gì với họ? Thánh Phaolô đã giải quyết vấn đề này trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Tại Côrintô có Kitô hữu đã có quan hệ tình dục với mẹ kế của mình. Phaolô khuyên các nhà lãnh đạo trục xuất anh ta khỏi cộng đoàn. Hành vi của anh ta chỉ ra rằng phép rửa của anh ta là gian lận. Nhưng những người đó đã phạm tội nghiêm trọng và mong ước được nhận lại vào cộng đoàn. Giáo Hội phải làm gì để giúp họ?

 

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn nghĩ gì về lời khuyên của Thánh Phaolô? Trong hoàn cảnh nào thì nên bị phạt vạ tuyệt thông? Tại sao Giáo Hội rút phép thông công một người nào đó?

Vào thế kỷ thứ ba bắt đầu xuất hiện Bí Tích Sám Hối trong Giáo Hội. Nó chỉ dành cho những người đã phạm những tội nghiêm trọng nhất: ngoại tình, giết người hoặc bỏ đạo (từ chối đức tin công khai, vì các cuộc bách hại Giáo Hội). Tội nhân sẽ thú nhận tội lỗi với Giám Mục và thường với toàn thể cộng đoàn. Anh ta sẽ được mời tham dự Thánh Lễ nhưng sẽ ra về sau phần phụng vụ Lời Chúa. Tội nhân thường mặc áo vải gai và rắc tro hoặc xiềng xích để tỏ dấu mang án phạt và cái chết bởi tội lỗi. Các giai đoạn sám hối được xác định bởi cộng đoàn địa phương, và thời hạn vô cùng đa dạng (từ nhiều tuần đến nhiều năm). Bí tích Sám hối này có thể được nhận chỉ một lần trong đời, vì Giáo Hội sợ rằng nếu nhận lãnh nhiều lần hơn sẽ gây nhạo báng lòng thương xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hầu hết các Kitô hữu không bao giờ thực hiện trọn vẹn việc sám hối vì họ không thể làm bất cứ điều gì để đảm bảo là nó trọn vẹn. Đó là một Bí Tích rất ít người từng có kinh nghiệm. Điều này bắt đầu thay đổi do một tục lệ của các đan sĩ ở Ireland, và đã được du nhập vào châu Âu. Các tu sĩ có thói quen nói chuyện với một vị linh hướng về việc cầu nguyện và tội lỗi của họ. Các vị linh hướng đã làm một cuốn cẩm nang sám hối, trao cho các tu sĩ để giúp họ lớn lên trong Chúa Thánh Thần và thoát khỏi tội lỗi của họ. Việc đền tội được xếp vào mục lục theo các hành vi phạm tội. Lúc đó, việc thực hành này không chính thức là Bí Tích Sám Hối, nhưng chỉ là một thực hành rất cá nhân và riêng tư để lớn lên trong đức tin, và việc thực hành này được lan rộng khắp châu Âu. Ở thời kỳ đầu, nó đã bị lên án bởi các nhà lãnh đạo Giáo Hội, nhưng vẫn rất phổ biến đến nỗi cuối cùng đã được chấp nhận (khoảng giữa thế kỷ 17).

Hình thức xưng tội cá nhân được xây dựng trên nhiều ý tưởng khác nhau: trước hết, sự cần thiết cho việc hối hận và ăn năn vì tội lỗi; thứ hai, cần phải làm việc đền tội cho những tội lỗi của một người; thứ ba, năng quyền ban bí tích của linh mục để tha tội cho một người khỏi tội lỗi của họ (Vị linh mục tha thứ nhân danh Chúa Kitô và trong thân thể của Giáo Hội). Hình thức này được sinh ra từ một ý tưởng tuyệt vời nhưng dễ bị lạm dụng theo luật lệ. Ăn năn đau buồn thật sự thì luôn luôn cần thiết, nhưng điều này đôi khi đánh mất ý niệm xưng thú và làm việc đền tội. Các yếu tố cộng đoàn thường bị đánh mất khi thực hành xưng thú riêng tư giữa linh mục và hối nhân.

Để phù hợp với tinh thần của Đồng Vatican II, gần đây bí tích này đã được đổi mới. Hiện nay, Sám hối thường được cử hành như một phần cử hành của cộng đoàn về ơn tha thứ của Thiên Chúa. Bí tích Sám Hối đã giữ lại được rất nhiều yếu tố truyền thống đồng thời làm mới lại cách hiểu về các yếu tố ấy. Hối nhân được mời gọi đi xưng tội với một linh mục “mặt đối mặt” hơn là ở trong sự kín đáo của tòa giải tội. Nhấn mạnh vào tình yêu và ơn tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa và lời mời của Ngài để lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến. Năng quyền của các linh mục để tha thứ được hiểu trong bối cảnh của một cộng đoàn tha thứ và một Thiên Chúa tha thứ. Việc xưng thú trở nên ít tính pháp lý hơn (không chỉ bận tâm vào “danh sách các tội lỗi”). Hối nhân nên nói chuyện về bản thân hơn là việc chỉ đơn giản liệt kê danh sách các tội lỗi. Cuối cùng, việc sám hối không phải là một trừng phạt nhưng là cách thiết thực để giúp con người vượt qua tội lỗi của mình và lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa. Việc đền tội nên phù hợp với từng người và nhu cầu của họ (thay vì ra “một việc đền tội cho tất cả các tội”: hãy đọc mười Kinh Lạy Cha và mười Kinh Kính Mừng!).

 

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đâu là đánh giá cá nhân của bạn trong thực hành bí tích này? Nó có hữu ích không? Hữu ích ra sao?

 

  1. CÁC CÂU HỎI ĐẶC BIỆT

Tại sao chúng ta phải nói chuyện với một linh mục? Phải chăng chúng ta không thể nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa? Tất nhiên chúng ta có thể. Tội lỗi chúng ta có thể được tha thứ qua nhiều cách khác ngoài Bí Tích Giải Tội. Giáo Hội dạy rằng chúng ta phải đi xưng tội chỉ khi chúng ta đang ở trong một tình trạng tội nghiêm trọng hoặc chết người. Bí tích không miễn trừ cho chúng ta phải nói chuyện với người mà chúng ta đã làm tổn thương hoặc xúc phạm. Điều này hết sức quan trọng. Nếu tôi làm tổn thương mối quan hệ của tôi với một người nào đó, tôi cần phải làm nhiều hơn là đi xưng tội. Tôi nên nói với người đó rằng tôi rất tiếc và xin lỗi.

Ngay cả khi chúng ta không có tội trọng, thì lý tưởng là nên lãnh nhận bí tích thống hối một cách thường xuyên. Nó buộc chúng ta xem xét lại các mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và người khác. Nó áp đặt một quá trình tự xét mình có thể rất hữu ích cho sự phát triển của một người. Hiểu biết chính mình và thách đố chính mình là các yếu tố quan trọng cho sự trưởng thành cá nhân cũng như cho sự trưởng thành thiêng liêng. Ngoài ra, có thể cũng rất hữu ích khi nói chuyện với một người khác về những vấn đề của mình. Các linh mục có thể ban Bí Tích Giao Hòa, bảo đảm rằng bạn không phải là người duy nhất có vấn đề và đưa ra lời khuyên hữu ích.

Bao lâu chúng ta phải cử hành bí tích này? Giáo Hội dạy chúng ta phải đi xưng tội mỗi năm ít là một lần nếu chúng ta phạm tội trọng. Tất nhiên, đó là mức tối thiểu. Giáo Hội rất khuyến khích Kitô hữu xưng cả các tội nhẹ. Việc thường xuyên xưng tội có thể tùy thuộc vào các cá nhân và nhu cầu của họ. Theo các vị linh hướng, cứ hai hoặc ba tháng xưng một lần thì dường như là một đề nghị hợp lý.

“Tội trọng” có nghĩa là gì? Tội trọng là khi một người làm điều gì gây thiệt hại nặng nề hoặc đe dọa phá hủy mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và người khác. Không có danh sách chính thức của những tội như vậy. Trong các trường hợp thông thường, dưới đây là những sai trái nghiêm trọng:

  • Một người hoàn toàn chối bỏ tương quan của mình với Thiên Chúa, chối bỏ cầu nguyện và bí tích Thánh Thể khi người đó thật sự biết rõ điều đó.
  • Thực hiện những hành động biểu lộ sự cố chấp và thành kiến ​​chống lại người khác vì chủng tộc, tôn giáo, giới tính, v.v.
  • Sử dụng người khác như phương tiện tình dục.
  • Có hành vi bạo lực làm tổn thương người khác về thể chất hoặc bằng lời nói.
  • Lạm dụng rượu hoặc thuốc.

Để một điều gì đó trở thành tội trọng, một người phải có tự do để chọn. Như vậy, có sự khác biệt về việc đánh người của một kẻ côn đồ so với việc đánh người do bạn mất bình tĩnh. Kẻ côn đồ được nhiều tự do hơn để chọn lựa. Còn bạn vẫn sai nhưng chỉ một phần là do lựa chọn cá nhân.

Kết luận. Bí tích Giải Tội phải là một bí tích trợ giúp để chúng ta lớn lên trong mối tương quan với Thiên Chúa. Đức tin Kitô giáo là một “cuộc hoán cải liên tục.” Chúng ta phải tiếp tục tiến sâu hơn vào cuộc sống của tình yêu Thiên Chúa và hoàn toàn ra khỏi lòng yêu mình. Sám hối là bí tích của sự tăng trưởng liên tục này. Nó càng được thực hành trong tương lai, nó càng đoạn tuyệt với tội lỗi của quá khứ. Bí tích này được bắt nguồn từ các Tin Mừng của Chúa Kitô: chúng ta được Chúa Cha yêu thương một cách vô điều kiện.

 

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

Bệnh tật không loại trừ ai. Một số người may mắn hơn những người khác và rất ít bị bệnh. Những người khác lại sinh ra trong một cuộc sống đầy đau khổ và gặp những thách đố thể lý. Bệnh tật có thể là về thể chất, tâm thần hay tình cảm, và nó thật sự có thể làm suy nhược tâm hồn, cơ thể, tâm trí và tinh thần của chúng ta. Đi vào một thế giới đầy bệnh tật, Chúa Giêsu đã đến như một người chữa lành, như một người mang đến lòng thương xót và tình yêu cho những người đau khổ. Tuy nhiên, Ngài cũng đến với chúng ta như một con người không tránh khỏi đau khổ, và Ngài đã đến để thấu hiểu sự tận cùng của đau khổ. Trên thập giá Ngài đi vào đau khổ với cảm giác xao xuyến và bị bỏ rơi. Trong những khoảnh khắc đau khổ tồi tệ nhất của chúng ta do bệnh tật, chúng ta biết rằng Chúa Kitô cũng đã từng trải qua như vậy. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta những gì chúng ta có thể chưa bao giờ được biết đến nếu không có Ngài: đó là bệnh tật và đau khổ có thể được biến đổi bởi đức tin để đi vào một tình yêu và tin tưởng và là cách đưa chúng ta đến gần Chúa hơn.

 

  1. ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CHỮA LÀNH

Như chúng ta đã thấy, các phép lạ thường được Chúa Giêsu thực hiện nhất là các phép lạ chữa lành. Quyền năng của Thiên Chúa hiện diện nơi Chúa Kitô chính là quyền năng chữa lành. Chúa Giêsu không chỉ tha thứ tội lỗi (hình thức sâu xa nhất của chữa lành), nhưng Ngài còn chữa lành người bệnh, người què, người phong hủi và người bị quỷ ám. Ngài thậm chí còn khiến người chết sống lại. Vào thời Chúa Giêsu, hầu hết người Do Thái tin rằng dị tật thể lý là kết quả trừng phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi của người đó hoặc của cha mẹ người đó. Chúa Giêsu bác bỏ hoàn toàn cách giải thích này. Không phải mọi sự xảy ra là do Thiên Chúa, nhưng có nhiều điều trái với ý muốn của Thiên Chúa. Bệnh tật thì trái ngược với Nước Thiên Chúa, khi tất cả đều được hoàn thiện trong Nước Trời. Như vậy, Chúa Giêsu không rao giảng một thông điệp của sự đau khổ và phần thưởng ở đời sau. Thay vào đó, Ngài đã chữa lành. Phép lạ chữa bệnh của Ngài là dấu chỉ cho thấy triều đại Thiên Chúa đã đến gần.

 

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Có nhiều “thầy thuốc” vẫn còn hiện diện trong Giáo Hội. Phép lạ được cho là xảy ra tại những nơi như Lộ Đức, nơi có một đền thờ cho Đức Maria. Bạn đã bao giờ gặp ai từng thừa nhận được chữa lành bởi phép lạ chưa? Bạn có nghĩ rằng có sự chữa lành như vậy không? Tại sao chúng có thể xảy cho một số người này nhưng không phải cho một số khác?

 

Xức dầu cho bệnh nhân thời Giáo Hội sơ khai

Sứ mạng của Giáo Hội là để thực hiện các công trình và sứ điệp của Chúa Giêsu và làm cho Chúa Kitô hiện diện trên thế giới. Tất nhiên, điều này bao gồm việc Ngài chăm sóc các bệnh nhân và những người hấp hối. Phép lạ chữa bệnh được cho là do các tông đồ, và Phaolô đề cập đến các phép lạ và việc chữa bệnh là một trong những món quà do Chúa ban cho cộng đoàn (1Cr 12, 28). Trong các thư Tân Ước đã có đề cập đến việc thực hành xức dầu và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Điều này có thể được tìm thấy trong các thư của Giacôbê:

Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. ( Gc 5, 13-15).

Đoạn này đã trở thành nền tảng cho bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Như trong các phép lạ của Chúa Giêsu thường làm, nơi đoạn văn này có một mối liên hệ giữa việc chữa bệnh và tha thứ tội lỗi.

Trong vài thế kỷ đầu của Giáo Hội, chúng ta tìm thấy ở nơi này nơi kia việc Giáo Hội xức dầu bệnh nhân như là một trong những hình thức mục vụ người đau yếu. Thực tế, việc sử dụng dầu và ý nghĩa của dầu, cùng với việc xức dầu đã thay đổi phần nào. Ở một số nơi, Bí tích Xức Dầu được hiểu như là sự chữa lành thiêng liêng hay sự tha thứ, ở những nơi khác đó là để chữa bệnh thể lý. Đầu thế kỷ thứ năm, Đức Giáo Hoàng Innocent viết về việc thực hành xức dầu như một “Bí tích” được ban bởi một linh mục hoặc một giáo dân với dầu đã được Giám mục thánh hiến.

Có thời kỳ, bí tích này trước hết dành cho những người hấp hối hơn là cho các bệnh nhân. Đó là tục lệ trao của ăn đàng cho người hấp hối trong các nghi thức cuối cùng, và nhiều người cũng yêu cầu được hòa giải hoặc sám hối tại thời điểm đó. Dần dần các linh mục thực hiện các nghi thức cuối cùng cũng bắt đầu xức dầu cho người hấp hối. Lúc đầu, điều này có thể đã được thực hiện với hy vọng có thể chữa lành bệnh của họ; tuy nhiên, chẳng bao lâu nó được xem như một cách để chuẩn bị cho cái chết. Vào thời trung cổ nó đã không còn được gọi là Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân nhưng là xức dầu cuối cùng.

 

  1. BÍ TÍCH XỨC DẦU HÔM NAY

Xức dầu bệnh nhân vẫn còn là bí tích của người sắp chết cho đến khi được sửa đổi sau Công Đồng Vatican II, khi Giáo Hội đã tìm cách khôi phục lại mối liên kết ban đầu của bí tích này với thừa tác vụ chữa lành. Nghi thức sửa đổi được hoàn thành vào năm 1974 và bao gồm một số hình thức khác nhau cho các dịp khác nhau. Khi một người gần chết, họ vẫn có thể được đón nhận với sự hòa giải và hiệp thông (Rước Mình Thánh trở thành nghi thức sau cùng). Cũng có thể ban Bí tích Xức dầu cho những người có bệnh ít nghiêm trọng tại nhà hoặc trong khi cử hành Thánh Lễ (trong Thánh Lễ được coi là nơi lý tưởng). Tuy nhiên, vì người bị bệnh thường không thể tham dự Thánh Lễ với cộng đoàn đông người. Trong trường hợp này, việc cử hành bí tích có thể thức như sau.

Trước hết, linh mục chào đón người bệnh, rồi rảy nước thánh, sau đó nói một vài lời về bí tích và hướng dẫn anh ta hoặc cô ta cầu nguyện để xin sự tha thứ tội lỗi mình đã phạm. Tiếp theo là đọc Kinh Thánh để nhận ra quyền năng của Thiên Chúa trên bệnh tật và lời mời gọi tin tưởng vào Ngài. Theo sau là một bài giảng ngắn gọn. Sau đó vị linh mục dâng một loạt các lời cầu nguyện và đặt tay lên người bị bệnh. Cuối cùng, linh mục xức dầu trên trán, bàn tay của bệnh nhân và cầu nguyện: “Nhờ việc xức dầu thánh này, xin Chúa với tình yêu và lòng thương xót của Ngài cứu giúp anh/chị nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa giải phóng anh/chị khỏi tội lỗi và nâng đỡ anh/chị. Mọi người hiện diện cùng nhau đọc kinh Lạy Cha (nếu muốn) người bệnh rước Mình Thánh Chúa.

 

Phục vụ người bệnh. Ngoài những thay đổi trong việc cử hành bí tích, còn có thay đổi nhắm đến việc phục vụ người bệnh. Trong quá khứ, “nghi lễ cuối cùng” thường được tiếp cận với một cảm giác sợ hãi và kinh hoàng như thể tất cả hy vọng đã bị mất hết. Việc canh tân bí tích này đã làm sống lại sứ vụ của Giáo Hội đối với người bệnh, người già và người sắp chết. Tuy nhiên, bí tích Xức Dầu chỉ là một phần của sứ vụ này, một sứ vụ bao gồm việc thăm viếng, cầu nguyện, tư vấn, chia sẻ vui buồn với những người đang cần được sẻ chia.

 

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Linh mục là thừa tác viên của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Tuy nhiên, toàn thể Giáo Hội

có trách nhiệm với người bệnh và người hấp hối trong cộng đoàn. Bạn có thể

trở nên một phần của sứ vụ này như thế nào?

 

Câu hỏi ôn tập:

  1. Bạn sẽ mô tả thái độ của Chúa Giêsu đối với tội lỗi như thế nào?
  2. Khi nói rằng chúng ta đều là tội nhân, điều này có nghĩa gì?
  3. Nguồn gốc của Bí tích Hòa giải trong thời kỳ đầu của Giáo Hội là gì?
  4. Bí tích Sám hối đã phát triển trong Hội Thánh sơ khai như thế nào?
  5. Việc cử hành bí tích sám hối trước đây khác với ngày nay như thế nào?
  6. Cuối cùng, Bí tích Sám hối đã trở nên riêng tư hơn công khai như thế nào?
  7. Tại sao chúng ta được cho làm một việc đền tội khi nhận Bí tích Giải tội? Mục đích của nó là gì?
  8. Đâu là lợi ích để thú nhận tội lỗi của chúng ta với một linh mục? Tại sao không chỉ nói chuyện với Thiên Chúa?
  9. Bình thường, một người phải lãnh Bí tích Giải tội trong bao lâu?
  10. Tại sao chữa lành là một phần quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu? Các phép lạ chữa lành của Ngài có ý nghĩa gì?
  11. Quan niệm về người bệnh của Chúa Giêsu khác với những người cùng thời với Ngài như thế nào?
  12. Chúng ta có thể tìm thấy đoạn văn nào trong Tân Ước là nền tảng của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân?
  13. Ý nghĩa của Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân đã thay đổi vào thời trung cổ như thế nào? Và được gọi là gì?
  14. Nghi thức mới của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân bao gồm cả thực hành cổ xưa và cả thực hành truyền thống như thế nào?
  15. Hãy mô tả việc cử hành bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân ngày nay.

Chuyển ngữ: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 216-226.