Học viên: Đaminh Phan Văn Quỳnh, S.J.

Môn học: Hữu Thể Luận II

Giáo sư: Lm. Phaolô Đậu Văn Hồng

Dẫn nhập

Khi tìm hiểu về bộ môn Hữu Thể Luận, người ta thường không thể bỏ qua công việc tìm hiểu chủ đề ‘cái đơn nhất’ như tâm điểm hữu thể luận trong bài thơ của Parmenides.[1] Nhưng bên cạnh chủ đề trọng tâm ấy, điều liên quan đến DoxaAletheia cũng là chủ đề được nhiều người quan tâm và đầu tư nghiên cứu.[2] Khi tiếp cận với bài thơ của Parmenides, người viết cũng cảm thấy được lôi cuốn vào chủ đề DoxaAletheia này. Cụ thể hơn, người viết được lôi cuốn để chiêm ngắm và để bước vào cuộc hành trình vươn lên địa hạt của Aletheia vốn được nhà tư tưởng kinh qua và nỗ lực giới thiệu cho độc giả của mình. Nhưng để đi vào cuộc chiêm ngắm và dấn thân ấy, người viết thấy phải trải qua hai bước cơ bản, thứ nhất là hiểu về đôi nét tính chất cơ bản và hướng đến của hành trình qua việc hiểu về chuyến du hành của kẻ được gọi mời; thứ hai là thử nhìn hành trình ấy như một nỗ lực học biết cân đo dư luận (Doxa) để được nhấc lên nhận thức Chân Lý (Aletheia); và trước khi kết luận, người viết cũng xin nói đôi điều mình ghi nhận nơi tư tưởng của Parmenides.

 I.      Hiểu về chuyến du hành của kẻ được gọi mời

Những con ngựa thắng yên cương thường chuyên chở tôi, đi xa thật xa theo như lòng khao khát mạnh mẽ, những con ngựa ấy giờ đây lại một lần nữa đang phóng tôi về phía trước. Chúng đã mang tôi đi và đã đưa tôi lên đường lộ của Nữ Thần… Chính trên đường lộ ấy mà này đây tôi được lôi đi.[3]

Ngay từ những lời đầu tiên trong Lời tựa của bài thơ, độc giả có thể bị thu hút ngay để suy tưởng về một chuyến du hành nào đó mà người ta, cụ thể là Parmenides, được khơi hứng, được mời gọi để dấn bước. Nhưng cũng ngay lập tức, họ nhận thấy những khó khăn khi lên đường tìm kiếm một lối hiểu về chính hành trình ấy. Sở dĩ người ta khó đưa ra một lối diễn nghĩa xác đáng cho hành trình này là vì những ngôn ngữ diễn tả hay liên quan đến chuyến hành trình mang đậm chiều kích biểu tượng. Tuy thế, những khó khăn cách nào đó không thể hoàn toàn cản ngăn công việc tìm hiểu thông điệp bên trong những ngôn từ đã được thốt ra, bởi lẽ, nói một cách nghiêm minh, bất cứ biểu tượng nào cũng chất chứa khả năng gọi mời suy tưởng.[4]

Nhưng như được trình bày ở trên, rằng ngôn ngữ của bài thơ đậm đặc chiều kích biểu tượng, nên có lẽ vì thế mà từ đó đã xuất hiện nhiều lối diễn nghĩa khác nhau về chuyến hành trình. Ví dụ như đối với những người nghiêng theo trường phái Plato, họ cho rằng đó là hành trình mà Parmenides đang bước đi từ chốn Đêm Đen sang nơi ngập tràn Ánh Sáng; với nhiều học giả khác thì đó là hành trình chuyển rời từ Ánh Sáng thường nhật của địa hạt phải chết sang Đêm Tối bất diệt của một Thế Giới Âm Ty Huyền Bí; nhiều học giả lại cho rằng hành trình này vượt xa khỏi sự phân biệt giữa Ánh SángĐêm Đen, vượt xa khỏi lãnh địa của kinh-nghiệm-khả-giác (sense-experience).[5] Cũng có một khả thể khác được đưa ra để diễn nghĩa về hành trình của Parmenides, rằng đó không gì hơn là một lộ trình thực tế, có thật, không phải một lộ trình mang tính chất phúng dụ.[6] Thực ra, nếu chỉ dừng lại ở Lời tựa của bài thơ với những hình ảnh biểu tượng, thì độc giả vẫn khó để tìm thấy một lối hiểu xác đáng về cuộc du hành này. Nhưng nếu đi xa hơn vài bước, nghĩa là tiến tới tiếp cận những lời lẽ được đặt trên môi miệng Nữ Thần, ở một số mẩu văn kế tiếp, vốn đề nghị con đường suy tưởng, cụ thể là suy tưởng về ‘cái có đó’, ‘cái hiện hữu’, thì người ta có thể nghĩ đến hành trình của Parmernides như một hành trình đậm đặc chiều kích triết học. Có lẽ cũng từ chính lối nhìn này mà có người đã diễn giải mấy câu đầu của Lời tựa như sau:

Nguồn cảm hứng triết học đầy thi vị trong tôi, trí tưởng tượng và khả năng tri hiểu của tôi, như thể những con ngựa đầy tốc lực, có khả năng dẫn dắt tâm trí tôi, bao lâu con tim tôi còn khao khát, đã dẫn tôi vào đường lộ của Nữ Thần. Con đường ấy hướng dẫn kẻ có trí hiểu và kiếm tìm tri thức được biết mọi sự. Niềm cảm hứng trong tôi dẫn đưa tôi, và những Trinh Nữ, những Nữ Tử của Thái Dương chiếu sáng con đường của lý trí trong tôi vốn đang kiếm tìm Chân Lý.[7]

Bên cạnh việc người ta có thể thấy rõ chiều kích triết học nơi chuyến hành trình của Parmenides, thì qua những lời lẽ trên đây, họ hầu như cũng nhận ra hướng đi của cuộc hành trình. Đó không phải là hành trình không dẫn tới phương nào, nhưng đúng hơn, nó là một hành trình xuyên thấu: xuyên qua những bóng đêm dày đặc của dư luận, để chuyển sang vùng ánh quang rực rỡ của Chân Lý, và đạt đến một ‘chốn cư ngụ’ đặc biệt, mà ở ‘chốn cư ngụ’ ấy, nhà tư tưởng gặp gỡ uy quyền của trí tuệ, uy quyền ấy không ứng xử với tư cách nhà giáo huấn thuần túy, nhưng với cả năng lực tiếp đón và giáo huấn.[8]

Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh vượt qua những bóng đêm dày đặc của dư luận để tiến về vùng rực rỡ ánh quanh của Chân Lý, và nếu đi xa hơn một chút và chỉ nhìn thấy sự kiện nhà tư tưởng đã vượt qua ngưỡng cửa vốn được Dikè[9] canh phòng cẩn mật để rồi đạt được một ‘chốn cư ngụ’ đặc biệt, thì người ta có thể có cảm tưởng như thể Parmenides chỉ cần một lần kinh qua chuyến hành trình như một cuộc phiêu lưu kỳ thú, và ở ‘chốn cư ngụ’ đặc biệt ấy, cuộc hành trình đã thành tựu, và như thể cuộc dấn thân tìm kiếm sẽ dừng lại tại đó, nơi kinh nghiệm ấy. Thực ra, khi đã tiến vào và ở bên kia ngưỡng cửa, nhà tư tưởng vẫn tiếp tục được lắng nghe những lời giáo huấn, vẫn tiếp tục được hướng dẫn, được gọi mời lên đường tìm kiếm, suy tưởng. Và như thế, cuộc đời nhà tư tưởng cũng giống như một hành trình nỗ lực rèn luyện không ngừng, sửa soạn mình để được nhấc lên với “Đường Nẻo của Chân Lý”, cũng gọi là Aletheia.

 II.   Hành trình cuộc đời như một nỗ lực học biết cân đo dư luận (Doxa) để được nhấc lên nhận thức Chân Lý (Aletheia)[10]

Trước nhiều lối diễn giải lộ trình của Parmenides, có những học giả đã mạnh dạn cho rằng lộ trình ấy là một lộ trình có thật,[11] và như thế, nó là kinh nghiệm rất riêng, rất độc đáo của chính nhà tư tưởng. Kinh nghiệm ấy chẳng những là “một cuộc phiêu lưu mang tính thiêng liêng” nhưng còn là “kinh nghiệm tự thân,” là một kinh nghiệm tri thức sâu đậm đã len thấm vào cuộc sống và nay được đưa ra truyền đạt để những người khác có thể tái chiếm dụng hoặc tái sở đắc hóa.[12] Kinh nghiệm ấy đòi phải được sao lặp và tái diễn nhiều lần để ngày càng thêm bám chặt vào trong tâm trí, bởi lẽ nếu chỉ một lần mà thôi thì tâm trí không thể nào đạt tới khả năng “quan chiêm mọi sự như thể đó là sự vật rất gần cho dầu xa đến mấy, những sự vật hiện diện một cách bám chặt vào nơi tâm trí.”[13] Kinh nghiệm ấy hay cuộc hành trình ấy như một tiến trình của công việc học hỏi để có thể khởi đi từ lãnh địa của Doxa, vươn lên tới Aletheia, để “từ khắp mọi nơi tiến vào tất cả mọi sự.”[14] Và như vậy, để tìm hiểu sâu hơn, và để rút tỉa những ích lợi từ cuộc hành trình của Parmenides, có lẽ người ta không thể tránh né công việc khó khăn nhưng thiết yếu, đó là nỗ lực đi tìm lối hiểu khả thi về Doxa trong tương quan với Aletheia, và nhận ra một lối đào luyện giúp hướng tới Aletheia.

1.      Đi tìm một lối hiểu về Doxa trong tương quan với Aletheia

Như đã nói trong phần dẫn nhập, việc hiểu về Doxa trong tương quan với Aletheia là một trong những chủ đề trọng yếu trong bài thơ của Parmenides, và chủ đề ấy có sức lôi cuốn đặc biệt sự quan tâm của nhiều học giả. Chính vì thế, đã có nhiều lối giải thích về Doxa trong tương quan với Aletheia, có những lối giải thích cho thấy một góc nhìn hoàn toàn tiêu cực đối với Doxa, rằng nó chỉ là một tập hợp của những ngôn trình trống rỗng, sai lầm, ảo giác, giả mạo, không đáng tin cậy, v.v.[15] Cũng có những lối giải thích Doxa hoàn toàn tích cực. Họ xem Doxa như là “vinh quang của hữu thể,” và theo lối diễn giải này, “DoxaAletheia chỉ là hai mặt bổ túc cho nhau của một tấm mề đay.”[16] Nhưng thực ra, hạ bệ hay phục hồi vinh dự cho Doxa một cách thái quá, người ta có thể rơi vào nguy cơ trở thành nạn nhân cho chính lập trường cực đoan mình đang bảo vệ.[17] Bởi lẽ, nếu hạ bệ Doxa quá đáng, người ta sẽ giải thích làm sao cho sự việc Doxa trở thành khái niệm được Nữ Thần đưa vào giáo huấn nhà tư tưởng?[18] Còn nếu khôi phục vinh quang của Doxa quá đáng, nghĩa là đặt nó ngang hàng với Aletheia, vốn là cái hiển nhiên, hoàn toàn đáng tin cậy, thì việc Nữ Thần mời gọi đào luyện để “từ khắp mọi nơi tiến vào tất cả mọi sự”[19] còn mang ý nghĩa gì? Như thế, độc giả của Parmenides được mời gọi đi tìm một lối giải thích trung dung về ý nghĩa của Doxa trong tương quan với Aletheia.

Với lựa chọn tìm kiếm một lối giải thích trung dung về ý nghĩa của Doxa trong tương quan với Aletheia, người ta có thể hiểu rằng khi vận dụng lý lẽ để sử dụng hạn từ này theo nhiều cách khác nhau, thì đó chẳng qua là do tính chất đa phức gắn liền với ngữ nghĩa của hạn từ này.[20] Thực tế, trong bài thơ, khi Nữ Thần mời gọi nhà tư tưởng học biết “cả con tim bất khả chuyển lay của Chân Lý đã được mài bào rất tròn trịa, và cả những niềm tin của những người phàm lụy tử, nơi không hề chất chứa một điều gì là chắc chắn,”[21] thì ắt hẳn nơi Doxa, có chất chứa điều gì đó đáng trân quý vốn có khả năng giúp người ta vươn lên với Aletheia, nhưng đồng thời cũng rõ ràng rằng Doxa không tuyệt đối ngang bằng Aletheia. Nếu vậy thì rất hợp lý để người ta chấp nhận dung mạo đa phức của Doxa:[22] Trước hết, Doxa như một nhận thức trước (pré-savoir) hay sự lĩnh hội sẵn trước (pré-compré hension). Đây là tính bộc phát và tính hồn nhiên của một trạng thái nhận thức và của một dư luận, mà qua đó người ta đạt tới một nhận thức mà chưa thể nói rõ nhận thức ấy hệ tại chỗ nào và dùng để làm gì. Thứ hai, Doxa mang dung mạo phi-nhận-thức (non-savoir) hay của vô tri (nescience) và có lẽ của sự ngu dốt thông thái (docte ignorance). Đây là một khía cạnh mang tính lay gọi và mời mọc đối với trí tuệ, giúp trí tuệ nhận ra nhu cầu thông hiểu. Và ngoài ra, người ta cũng có thể thấy một dung mạo khác của Doxa, đó là dung mạo của thành kiến (préjugé) hay sự kháng cự nhận thức (anti-savoir). Đây là “chướng ngại vật tri thức luận,” một chướng ngại được minh họa khá rõ nét qua hình ảnh ngõ cụt của lý trí qua mẩu văn số VI, khi người ta rơi vào nẻo đường thứ ba vốn nghĩ rằng hữu và vô hữu cũng như nhau. Trên lối nẻo thứ ba này, người ta không ngừng lùi bước trên đường tới Aletheia.

 Đến đây, có thể tạm nói rằng, chúng ta đã tìm ra một lối nhìn khá quân bình về ý nghĩa của Doxa trong tương quan với Aletheia, một lối nhìn không quá nghiêng chiều về ‘cực âm’ hay ‘cực dương’ của Doxa, nhưng nhìn nó trong một tổng thể, cả tích cực và khuyết hụt, được đặt để trong lời giáo huấn của Nữ Thần. Và sau khi tim ra và chọn một lối nhìn quân bình về Doxa, công việc tiếp theo đòi người ta dấn bước tìm hiểu đó là lên đường tìm lời giải đáp cho câu hỏi “nhà tư tưởng phải đào luyện ra sao hầu chuẩn bị mình, để được nhấc bổng lên lãnh địa Aletheia?”

2.      Và nhận ra một lối đào luyện để được nhấc bổng lên với Aletheia

Có một điều đặc biệt thú vị khi chiêm ngắm cuộc hành trình của Parmenides, một hành trình đầy nỗ lực của nhà tư tưởng hướng về Aletheia, đó là sự xuất hiện của Nữ Thần, của các Nữ Tử của Thái Dương. Những Nữ Tử của Thái Dương soi đường chỉ lối, và chính Nữ Thần đã ân cần đón tiếp, đã đưa tay nắm lấy tay nhà tư tưởng và ngỏ lời giáo huấn ông.[23] Như thế để được vươn tơi Aletheia, nhà tư tưởng phải có lòng khao khát và nỗ lực dấn thân triết học một cách bền bỉ, không ngừng, nhưng bên cạnh đó, ông vẫn cần đến một tha lực nào đó, với một ngôn ngữ đặc biệt, như một lời mạc khải hướng dẫn ông.

Trước tiên, về phía nhà tư tưởng, dường như trong ông, có một trực giác về một cái hữu nào đó là đơn nhất, là tuyệt đối, là hiển nhiên, là tròn đầy, là không thể hủy diệt, bất khả chuyển lay,[24] là cái thuộc về lãnh địa của Aletheia, hoàn toàn đáng tin cậy, làm tiêu chuẩn để kiểm tra, cân đo, và nhận định những điều thuộc về ý kiến, dư luận của quần chúng. Để từ đó, ông không dừng lại với những gì thuôc về cái nhiều, cái khuyết hụt, cái không đáng tin cậy, cái thuộc về địa hạt Doxa, nhưng với con tìm ngập tràn niềm khao khát, ông lên đường tìm kiếm, suy tưởng. Nhà tư tương không ngừng học tập để biết ra khỏi những gì tầm thường, xoàng xĩnh, hầu đủ sức nên khác với “đám đông bao gồm những con người vô tri không chút hiểu biết,”[25] và để cho những gì thuộc về địa hạt Aletheia không ngừng được lặp lại, được len thấm vào trong tâm trí, vào cuộc sống của mình.

Thứ đến là về phía Nữ Thần. Hẳn là các nhà chú giải không thể gọi Ngài bằng một danh xưng cụ thể, nhưng chỉ gọi Ngài là Nữ Thần, bởi có lẽ chính Parmenides cũng không có ý nói đến một vị thần cụ thể vốn quen thuộc trong truyền thuyết, chẳng hạn như thần Homer, Hesiod, các vị thần trong truyền thuyết Babylon hay của vùng Lưỡng Hà Địa,v.v. Nhưng hình như ông chỉ muốn trình bày kinh nghiệm suy tưởng của mình trên cấp độ của ngôn ngữ mạc khải,[26] thứ ngôn ngữ vốn có sức mạnh cuốn hút và vén mở cho ông suy tưởng về một cái hữu tròn đầy và xứng danh nhất. Ngôn ngữ ấy đã chỉ cho nhà tư tưởng biết những điều phải học, đó là “con tim bất khả chuyển lay của chân lý đã được mài bào rất tròn trịa” và “cả những niềm tin của những người phàm lụy tử.” Ngôn ngữ ấy chỉ ra con đường để suy tưởng, “là (nó) có đó hay hiện hữu, và không có đó hay không hiện hữu là điều bất khả hữu;” và con đường phải tránh, “là (nó) không có đó hay không hiện hữu, và không có đó hay không hiện hữu là điều tất yếu;” đồng thời cũng cảnh báo việc dấn thân vào một con đường[27] có thể khiến người ta lui bước.

Vẫn biết là về phía nhà tư tưởng, ông phải nỗ lực vươn mình, tiến tới khi đã được Nữ Thần, với những ngôn từ mạc khải, giới thiệu cách chung một “dàn bài” những điều phải chú ý, học hỏi và rèn luyện, nhưng cụ thể, nhà tư tưởng phải làm gì? Sau khi giới thiệu ‘người môn đệ’ lối nẻo phù hợp cho công việc tra vấn, Nữ Thần ra lệnh cho nhà tư tưởng sử dụng lý trí (reason) để phán đoán, suy xét những điều Ngài gọi là bất ổn.[28] Ở đây, việc sử dụng lý trí để phán đoán, suy xét, cân đo, phân định có thể được xem là điều thiết yếu mà người môn sinh phải tập trung đào luyện, bởi lẽ dường như Nữ Thầm đảm bảo với người môn sinh của mình rằng người môn sinh đang sở hữu ít nhất một khả năng vốn có thể biến mình ngang hàng với bậc thần minh (nghĩa là có khả năng đụng chạm đến lãnh địa của Aletheia, của cái có đó, cái đơn nhất, cái tròn đầy, cái bất khả diệt vong – theo thiển ý của người viết), khả năng ấy chính là năng lực của lý trí.[29]

Đến đây, chúng ta có thể đưa đến một tóm kết nho nhỏ về việc đào luyện và chuẩn bị mình để được nhấc bổng lên lãnh địa của Aletheia. Trong cuộc đào luyện ấy, nhà tư tưởng cần phải góp phần mình bằng một nỗ lực suy tư triết học không ngừng nghỉ, với lòng khao khát cháy bỏng của con tim tinh tế vốn có thể nhận ra lời thì thầm của một ‘tha lực’ biểu lộ qua một thứ ngôn ngữ mang chiều kích mạc khải. Và nhà tư tưởng cũng không quên đào luyện khả năng phán đoán, suy xét, phân định, cân đo của lý trí, vốn được xem như năng lực của con người, có thể nâng nhà tư tưởng lên lãnh vực của Chân Lý – Aletheia.

 III.             Một vài ghi nhận cá nhân

Sau khi tìm hiểu và nhận ra đôi nét về cuộc hành trình của Parmenides, khởi đi từ lãnh địa Doxa, của những ý kiến, những dư luận, hướng về ‘chốn cư ngụ’ thuộc địa hạt Aletheia, người viết xin được đưa ra đôi dòng ghi nhận.

Thứ nhất, người viết nhận thấy rằng trong một cách thức nào đó thì cùng với Heraclitus, Parmenides có thể được xem là một trong những người người xây những viên gạch đầu trong nền móng của ngôi nhà Hữu Thể Học. Cả Parmenides và Heraclitus hình như đã cùng trực giác được một cái có đó, là đơn nhất (Parmenides) hay là cái một, điều khôn (Heraclitus) vốn là cơ bản, là siêu việt, đồng thời là nguyên lý, là tiêu chuẩn cho mọi cái khác, cái nhiều, để rồi cả hai nhà tư tưởng cùng nỗ lực lên đường, vươn tới. Hình như cả hai cùng khởi sự suy tư từ một thế giới của tự nhiên, của những điều khả giác để vươn lên thế giới của khả tri. Bên cạnh đó, lối đi của hai nhà tư tưởng có đôi chút điều khác biệt. Lối nẻo của Parmenides có vẻ đậm đặc tính luận lý hơn khi ông tập trung vận dụng lý trí để suy xét, phân định, cân đo dư luận nhằm rời bỏ cái nhiều, cái xoàng xĩnh, cái không đáng tin, vốn đến từ thế giới của đám đông bao gồm những con người vô tri không chút hiểu biết,[30] để suy tưởng đến điều thuộc về Chân Lý – Aletheia. Trong khi đó, với Heraclitus, ông nỗ lực thức tỉnh bằng cách luyện tập để nhìn ngắm, để lắng nghe, để thâu nhận từ cái nhiều trong thiên nhiên vũ trụ cái một nào đó, để được kéo lên một thế giới cao sâu hơn.

Thứ hai, lối nẻo Parmenides rèn luyện để vươn lên cái đơn nhất siêu việt, tròn đầy, hoàn hảo, bất diệt[31], dường như là một gợi hứng cho nhiều nhà tư tưởng về Hữu Thể Luận sau này, chẳng hạn như Heidegger, Eugen Fink, Jean Beaufret,v.v, và đặc biệt là Plato, một gương mặt ngời sáng gần kề thời đại của ông. Người ta có thể nói rằng ‘cái có’ hay ‘hữu thể’ của Parmenides cách nào đó đã ươm mầm cho ý niệm Eidos – Chân Thiện – của Plato. Như đã trình bày ở phần trên, trong suy tưởng của Parmenides, có cái gọi là hữu thể tròn đầy và bất biến, thuộc về địa hạt của Aletheia, thuộc về bình diện khả tri[32], và như thế, nó chỉ có thể đạt được nhờ trí năng. Nếu cái đơn nhất là thế, thì những đặc điểm của nó cũng được chất chứa trong điều mà Plato mô tả về Eidos trong lý thuyết của mình. Người ta có thể nói rằng Plato không chỉ thừa hưởng ý niệm về cái đơn nhất trong tư tưởng của Parmenides để rồi phát triển thành cái Eidos của mình, nhưng chính hành trình vươn tới và đụng chạm vào thế giới của cái đơn nhất của Parmenides cũng dường như được in dấu trong hành trình con người bước ra khỏi “cái hang” để hướng về phía “ánh sáng mặt trời”[33] của Plato.

Như vậy, lược qua hành trình vươn lên của Parmenides và đôi dòng ghi nhận trên đây, người ta có thể nhìn thấy rõ hơn và hầu chắc nhận thức ấy dẫn đến một sự chân nhận vai trò và những đóng góp mang tính nền móng và khơi gợi của tư tưởng gia Parmenides trong dòng lịch sử triết học, đặc biệt hơn, trong bộ môn Hữu Thể Luận.

Kết luận

Dấn thân vào cuộc chiêm ngắm kinh nghiệm mà ở đó thấp thoáng bóng hình của chiều kích thiêng liêng[34] đồng thời đậm đà tính chất triết học nơi cuộc hành trình đào luyện, chuẩn bị mình để được vươn lên tới địa hạt của Aletheia của tư tưởng gia Parmenides, người ta dường như dễ dàng được thuyết phục rằng kinh nghiệm ấy tràn đầy sức sống, giàu sức khơi gợi, và gọi mời suy tưởng. Một kinh nghiệm như thế có năng lực lôi cuốn, khuyến khích con người không dừng lại ở nơi những gì tầm thường, bất trắc, xoàng xĩnh, nơi những gì thuộc về ý kiến, dư luận, đa tạp, nhưng nỗ lực vươn mình hướng về cái đơn nhất, chỉ là một, là tròn hảo, là tất cả, để rồi với trí năng như điều được phú bẩm, họ có thể sống và suy tưởng như những ‘bậc thần minh’ trong địa hạt của Chân Lý – Aletheia. Và dường như với Parmenides, việc vươn lên như thế nơi con người giúp họ sống xứng danh con người nhất. Bên cạnh đó, về phương diện đào luyện, qua thái độ bị động[35] và tâm thế thụ hưởng của nhà tư tưởng, độc giả của Parmenides phần nào cũng nhận ra tinh thần sẵn sàng đón nhận và vận dụng những trợ lực từ nhiều phía hay từ nguồn tha thể nào đó, để được vươn lên tới địa hạt Aletheia.

Footnotes:

[1] Bài thơ thường được biết đến với danh xưng “Bài Thơ Của Parmenides – The Poem of Parmenides” hay “Bài Thơ về Thiên Nhiên của Parmenides – The Poem of Nature of Parmenides.”

[2] Christopher John Kurfess, Restoring Parmenides’ Poem: Essays Toward A New Arrangement Of The Fragments Based On A Reassessment Of The Original Sources, (Mānoa: University of Pittsburgh, 2012), 133.

[3] Parmenides, Bài Thơ Của Parmenides, mẩu văn số I, do tác giả Đậu Văn Hồng chuyển ngữ Việt văn. Xem Đậu Văn Hồng, Tìm Về Cội Nguồn Hữu Thể Luận, (Lưu hành nội bộ: 2014), 95. Trong bài viết này, các trích dẫn từ mẩu văn đầu tiên đến hết mẩu văn số VIII của bài thơ của Parmenides, người viết xin được trích theo bản Việt văn của tác giả Đậu Văn Hồng trong tác phẩm Tìm Về Cội Nguồn Hữu Thể Luận.

[4] Đậu Văn Hồng, Tìm Về Cội Nguồn Hữu Thể Luận, (Lưu hành nội bộ:2014), 97.

[5] Arnold Hermann, To Think Like God: Pythagoras and Parmenides – The Origins of Philosophy, (Las Vegas: Parmenides Publishing, 2004), 164-165.

[6] Arnold Hermann, 165.

[7] Parmenides, The Poem of Parmenides, bản Anh ngữ, không rõ tên dịch giả của bản Anh ngữ. Nguồn: http://www.parmenides-of-elea.net/Parmenide’s_poem.pdf, truy cập ngày 22.03.2019.

[8] Đậu Văn Hồng, 100.

[9] Dikè: Trong nhiều bản Anh ngữ, Dikè được chuyển ngữ thành Justice, và Công Lý trong nhiều bản Việt ngữ.

[10] Xin tạm gắn Aletheia với “Đường Nẻo của Chân Lý – Way of Truth;” Doxa với “Đường Nẻo của Dư Luận- Way of Opinion.” Xem Christopher John Kurfess, 133.

[11] Arnold Hermann, 165.

[12] Đậu Văn Hồng, 98-99.

[13] Parmenides, mẩu văn số IV. Xem thêm Đậu Văn Hồng, 99.

[14] Parmenides, mẩu văn số I.

[15] Arnold Hermann, 169.

[16] Đậu Văn Hồng, 111.

[17] Đậu Văn Hồng, 113.

[18] Parmenides, mẩu văn số I.

[19] Parmenides, mẩu văn số I.

[20] Đậu Văn Hồng, 114.

[21] Parmenides, mẩu văn số I.

[22] Đậu Văn Hồng, 120-121.

[23] Parmenides, mẩu văn số I.

[24] Parmenides, mẩu văn số VIII.

[25] Đậu Văn Hồng, 103

[26] Đậu Văn Hồng, 101.

[27] Parmenides, mẩu văn số I, IV, và VI.

[28] Arnold Hermann, 167. Xem thêm Parmenides, mầu văn số II, VI, VII.

[29] Arnold Hermann, 167

[30] Đậu Văn Hồng, 103

[31] Parmernides, mẩu văn số VIII.

[32] Christopher Kurfess, The Truth about Parmenides’ Doxa, (Getysburg College: 2016), 5.

[33] Plato, Cộng Hòa, Đỗ Khánh Hoan dịch (NXB Thế Giới, Quý I – 2013), 492-493.

[34] Đậu Văn Hồng, 98-99.

[35] Tạm gọi dạng bị động này là bị động tích cựu, vốn giúp nhà tư tưởng thụ nhận, thừa hưởng nguồn trợ lực từ một “Nữ Thần” hay từ “những nữ tử của Mặt Trời.”

Thư Mục Tham Khảo

Hermann, Arnold. To Think Like God: Pythagoras and Parmenides – The Origins of Philosophy. Las Vegas: Parmenides Publishing, 2004.

Hồng, Đậu Văn. Tìm Về Cội Nguồn Hữu Thể Luận. Lưu hành nội bộ, 2014.

Kurfess, Christopher John. Restoring Parmenides’ Poem: Essays Toward A New Arrangement Of The Fragments Based On A Reassessment Of The Original Sources. Mānoa: University of Pittsburgh, 2012.

Kurfess, Christopher. The Truth about Parmenides’ Doxa. The Cupola: Getysburg College, 2016.

Parmenides. Parmenides-of-elea.net. không ngày tháng. http://www.parmenides-of-elea.net/Parmenide’s_poem.pdf (đã truy cập 03 22, 2019).

Plato. Cộng Hòa. Dịch bởi Đỗ Khánh Hoan. NXB Thế Giới, 2013.