Ảnh từ Internet

Môn Học: Phân định-Đồng hành thiêng liêng-Tư vấn mục vụ
Giáo Sư: Nguyễn Đức Hạnh, S.J.
Học Viên: Trương Đình Sáng, S.J.

Lương tâm, phân định và đồng hành thiêng liêng là ba khía cạnh có liên hệ mật thiết với nhau giúp cho người tín hữu sống triển nở đời sống đức tin của mình. Bài viết này trình bày ý nghĩa khái quát của ba khía cạnh này và vai trò hỗ tương của nó trong đời sống đức tin của người tín hữu công giáo.

Dẫn nhập

Trong đời sống đức tin, mọi tín hữu Công giáo luôn ước mong mình tìm thấy và làm đúng thánh ý của Thiên Chúa. Tiến trình tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa đặt tín hữu trước những cuộc chọn lựa, có khi khó để đưa ra được một quyết đinh dứt khoát và đúng đắn. Muốn có được những chọn lựa đúng, họ cần phải có những tiêu chuẩn và phương pháp. Một trong những tiêu chuẩn và phương pháp giúp người công giáo tìm đúng thánh ý của Thiên Chúa đó là: tiếng nói của lương tâm. Lương tâm, phân định và đồng hành thiêng liêng có sự liên hệ mật thiết với nhau. Đây được xem là những phương tiện hữu hiệu giúp tín hữu có thể đạt đến sự hoàn thiện Kitô giáo, nhắm đến đức ái trọn hảo. Trước hết, bài viết sẽ nêu định nghĩa khái lược về lương tâm, phân định và đồng hành thiêng liêng, sau đó là nói tới mối liên hệ giữa chúng và cuối cùng là một tóm kết.

Định nghĩa

  • Lương tâm theo quan niệm Công giáo

Nơi thẳm sâu của lương tâm, con người nhận thấy một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, đó gọi là tiếng nói lương tâm. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Quả thật con người có lề luật được Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người và chính con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy nữa. Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ. Nhờ lương tâm, lề luật được thực hiện trong sự yêu mến Thiên Chúa và anh em, và được biểu lộ cách kỳ diệu.[1] Người khôn ngoan, khi lắng nghe tiếng lương tâm có thể nghe được tiếng nói của Thiên Chúa.[2]

  • Phân định thiêng liêng

Trong Linh thao, thánh Inhã nói, phân đinh là những quy tắc để cảm thấy và nhận biết cách nào đó những chuyển động khác nhau vốn gây ra trong linh hồn điều tốt để đón nhận và điều xấu để loại bỏ.[3] Chúng ta có thể hiểu phân đinh thiêng liêng là phân biệt hoạt động của các thần (thiêng liêng) trong tâm hồn của ta để đưa ra những quyết định hay chọn lựa sống. Phân định thiêng liêng là một việc làm rất cần thiết trong đời sống đức tin Kitô giáo nhằm giúp tín hữu sống theo Thánh Ý của Thiên Chúa. Việc phân định thường bao gồm các hành vi nhận thức và hành vi phân biệt hoặc phán đoán. Vì thế, trong việc phân định thiêng liêng, cả việc nhận thức và phán đoán đều quan trọng. Mục đích của phân định là đạt tới một tình yêu sáng suốt, dẫn tới sự tự do đích thực.[4]

  • Đồng hành thiêng liêng

Đồng hành thiêng liêng là trợ giúp mục vụ dành cho cá nhân mang trong mình khát khao được tăng trưởng trong tương quan với Chúa, muốn tìm biết ý Chúa trên đời mình. Chúng ta có thể hiểu nôm na đồng hành thiêng liêng là việc gặp gỡ đối thoại thân thiện giữa hai người trong mối tương quan ngôi vị, để cùng giúp nhau đạt đến sự tự do của con cái Chúa, sự hoàn thiện Kitô giáo, thông qua việc lắng nghe, phân định, và đặc biệt là cùng nhau cầu nguyện.[5] Mục đích của việc đồng hành thiêng liêng là giúp người ta lớn lên trong đời sống thiêng liêng, thông qua mối tương quan sâu sắc với Thiên Chúa, đặc biệt qua Đức Kitô, nhận ra kế hoạch của Người trên cuộc đời họ, nhận ra Người đang làm việc trong chính bản thân họ.[6]

Mối liên hệ giữa lương tâm, phân định và đồng hành thiêng liêng

Lương tâm, phân định và đồng hành thiêng liêng đều nhắm đến sự hoàn thiện trong đức tin Kitô giáo, một sự trưởng thành và tự do nội tâm, giúp một người có khả năng đưa ra những quyết định và chọn lựa đúng và có trách nhiệm hơn. Có thể ví cả ba như là một tiến trình giúp tín hữu hướng đến sự hoàn thiện trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

Thứ nhất, một người muốn sống đúng và sống theo Thánh ý Thiên Chúa họ cần phải biết những nguyên tắc phổ quát. Phẩm giá của nhân vị bao hàm và đòi sự ngay chính của lương tâm. Lương tâm đúng đắn giúp người tín hữu nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa trong sâu thẳm lòng mình, giúp họ tìm kiếm và thực thi điều thiện hảo và xa tránh điều xấu. Một lương tâm đúng đắn là lương tâm có khả năng nhận biết những nguyện tắc luân lý để hướng mình đến đời sống hoàn thiện theo đức tin Kitô giáo. Bước này, tín hữu, người trên đường hướng tới sự hoàn thiện phải lấy lương tâm đúng đắn của mình để làm tiêu chuẩn cho chọn lựa sống của mình. Ở bước này việc chọn lựa của con người thường dừng ở cấp độ nhân bản, đúng sai, được làm và không được phép làm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hay hậu quả của tội làm cho lương tâm người ta không còn nhạy bén trước điều thiện. Lương tâm của họ bị che khuất nên không dễ để nhận ra đâu là điều tốt nên làm và đâu là điều xấu cần phải tránh. Có khi họ lẫn lộn giữa tốt và xấu, nên có thể chon lựa sai với lương tâm, điều Thiên Chúa đặt để trong lòng họ. Đối với đức tin Kitô giáo, người tín hữu không chỉ dừng lại ở cấp độ đúng sai, được phép làm hay không được phép làm, nhưng họ con phải vươn tới khao khát và làm theo những gì Thiên Chúa muốn.

Thứ hai, sau khi tín hữu với tiếng nói lương tâm, họ đã nhận ra các nguyên tắc luân lý, họ cần phải biết cách áp dụng các nguyên tắc ấy vào trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình. Thông qua phân định, nghĩa là duyện xét lại hành trình sống và chọn lựa của mình để nhận ra những tác động của Chúa và ý Chúa, qua việc phản tỉnh nhằm cân nhắc các lý lẽ và các lợi ích. Đó là phân định thiêng liêng. Vì, phân định là tiến trình tìm, đọc lại chuyển động nội tâm để nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa trong sâu thẳm của lòng người, vừa đọc lại hành trình sống đức tin của mình dưới cái nhìn của Chúa. Đây là bước thứ hai của đời sống đức tin tức là áp dụng nguyên tắc, qua việc phân định người ta biết áp dụng những nguyện tắc luân lý mà với lương tâm họ đã nhận biết vào trong hoàn cảnh sống đặc thù.

Theo E. Malatesta: “Qua từ ‘phân định thần khí’, người ta hiểu đó là tiến trình qua đó chúng ta xem xét, dưới ánh sáng của đức tin và trong độ tương hợp của đức ái, bản chất của những tâm trạng thiêng liêng mà chúng ta cảm thấy nơi chính mình và được người khác cảm nhận. Mục đích của việc xem xét ấy là xác định, trong chừng mực có thể được, đâu là những tâm trạng đưa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa để phục vụ Người và tha nhân trong một sự toàn thiện lớn hơn, và đâu là những tâm trạng đưa đẩy chúng ta đi xa mục đích đó.”[7] Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho người tín hữu để hướng dẫn họ đến cùng đích cuối cùng là tình yêu của Ngài. Hằng ngày, Ngài còn đụng chạm trực tiếp đến lý trí và cảm xúc của họ, nói với họ qua những suy nghĩ và tình cảm của họ cũng như thông qua sự quan phòng của Ngài đối với thế giới. Bằng cách trực tiếp hay qua trung gian người khác, Ngài dạy họ nhận ra tiếng nói của Ngài và cách hiểu những lời đó.[8]

Thứ ba, đồng hành thiêng liêng một việc rất cần thiết và quan trọng đối với mọi tín hữu Công giáo, nhất là những người muốn tiến xa trên đường nhân đức. Những người muốn thăng tiến trong đời sống đức tin, họ không chỉ dừng ở mức làm điều lành trách điều dữ. Nên họ chọn cho mình một vị đồng hành với ước muốn giúp họ càng ngày càng trở nên nhạy bén hơn với con đường yêu mến và phục Chúa và con người cách tự do hơn. Để nhờ sự trao đổi, bàn hỏi với vị đồng hành, họ sẽ được sự trợ giúp và hướng dẫn hữu ích hơn. Đồng Hành Thiêng Liêng cũng rất cần thiết khi người Thụ Hướng đang trong tình trạng khủng hoảng, bối rối (lương tâm hoài nghi), họ cần thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn ấy để có được lương tâm sáng tỏ, đúng đắn, xác tín. Khi có được Lương Tâm Xác Tin và Đúng Dắn, họ tự quyết lựa chọn của mình.

Bên cạnh đó, đồng hành thiêng liêng còn giúp đương sự tìm được một tiếng nói khách quan hóa của tiếng nói lương tâm và việc phân định. Bởi trong thực tế, con người khó tránh được những chủ quan, nên người đồng hành đóng vai như là một tiêu chuẩn khách quan bên ngoài, hay đại diện cho sự xác chuẩn của Giáo hội để đương sự tham khảo. Trong đời sống thiêng liêng (đức tin) chẳng ai dám nghĩ và tự hào rằng mình là người hoàn thiện và trọn hảo đến nỗi không cần một sự trợ giúp hay hướng dẫn của người khác. Nên một tín hữu khôn ngoan nên chọn cho mình một vị đồng hành đủ tài, đủ đức, đủ thiêng liêng và có kinh nghiệm để trao đổi và học hỏi là việc cần thiết. Vị đồng hành sẽ cùng với mình trước mặt Thiên Chúa phân đinh và chọn lựa, để giúp mình chắc chắn hơn trong hành trình đức tin của mình.

Có lẽ Vị Đồng Hành tốt nhất cho mọi tín hữu là Chúa Thánh Thần. Nên tín hữu cần lắng nghe Lời, suy niệm và cầu nguyện với Lời của Chúa. Để qua việc chiêm ngắm này họ nhận ra những ý muốn của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, và nhìn thấy cách thức Thiên Chúa hoạt động trong thế giới và trên cuộc đời họ. Nhờ chiêm ngắm Thiên Chúa, họ nhận ra các nguyên tắc phổ quát và ý muốn của Thiên Chúa trên cuộc đời họ và được thêm ơn hiểu biết và yêu mến Ngài hơn. Đó là tiến trình để Lời Chúa đi vào cuộc đời, để cho Lời biến đổi đời mình.

Tóm kết

Tóm lại, lương tâm, phân định và đồng hành thiêng có sự liên hệ mật thiết với nhau trong đời sống đức tin. Tiếng nói lương tâm là bước giúp tín hữu nhận biết các nguyên tắc phổ quát, tức là những nguyên tắc luân lý, còn phân định là bước áp dụng các nguyên tắc phổ quát ấy vào trong những hoàn cảnh cụ thể, của các trạng huống của cuộc sống. Và đồng hành thiêng liêng là bước đưa người tín hữu thường xuyên gặp gỡ Thiên Chúa, chiêm ngắm Ngài để hiểu rõ hơn về nguyên tắc phổ quát và để biết áp dụng các nguyên tắc ấy hoàn cảnh sống một cách tốt và hợp với ý Chúa hơn, nhờ một trung gian uy tín.

Trên con đường hoàn thiện theo đức tin Kitô giáo, mỗi tín hữu phải trải qua biết bao chọn lựa, không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ dàng để đưa ra một quyết định sáng suốt và dứt khoát. Do đó, họ cần phải lắng nghe tiếng nói và lời mời gọi của lương tâm, vì đó là tiếng của Thiên Chúa nói với chính mình. Nhưng trong thực tế không phải lúc nào người ta cũng có một lương tâm sáng suốt trong mọi hoàn cảnh. Nên Thiên Chúa đã ban cho tín hữu, qua truyền thống của Giáo Hội những khí cụ hữu hiệu để giúp họ phân biệt đâu là ý Chúa, đâu là những cám dỗ của ma quỷ, đó là phân định thiêng liêng. Sự phân định cũng là một cách thức để giúp người tín hữu nhận ra thánh ý của Chúa trong cuộc đời họ. Nhờ phân định họ nhận ra sự hoạt động của các thần đang hướng họ về đâu, về với Thiên Chúa và tình yêu của Ngài hay họ đang bị mà quỷ hay thần dữ chi phối và kéo họ xa rời tình yêu của Ngài.

Hơn nữa, đời sống đức tin mang chiều kích cộng đoàn, để người tín hữu Kitô không bao giờ bước đi một mình và cảm thấy cô đơn. Việc đồng hành là sự liên đới cần thiết trong đời sống đức tin. Vì qua việc đồng hành thiêng liêng giúp tín hữu luôn cảm nhận được Thiên Chúa luôn bước đi với và bên cạnh để nâng đỡ, hướng dẫn và khích lệ mình trên hành trình sống đức tin. Nhờ đó, tín hữu càng ngay càng được tự do để yêu mến, phục vụ và bước sát gót Chúa hơn trong đời sống đức tin của mình.

[1] Xem Công Đồng Vatican II, Gaudium Et Spes, 16, Bản dịch Việt Ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, 2012.

[2] Sách Giáo Lý Hôi Thánh Công Giáo, số 1777, bản dịch Viêt Ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, 2012.

[3] Xem, Thánh I-nhã, Linh Thao, số 313.

[4] Xem. Thomas Green, SJ. Sự Phân Định Thiêng Liêng, Desclee de Brounwer, 1991, (lược trích từ bản dich Việt Ngữ không rõ tác giả bản dịch và nhà xuất bản, tủ sách thiêng liêng), Tr 32.

[5] Xem. Fr F. Antonisamy, An introduction to Christian spirituality, tr. 171 (trích lại từ Lm Giuse Phạm Quốc Văn. OP, Trên Đường Emmau – Một Thoáng NhìnVề Việc Đồng Hành Thiêng Liêng).

[6] Xem, Lm Giuse Phạm Quốc Văn. OP, Trên Đường EmmauMột Thoáng Nhìn Về Việc Đồng Hành Thiêng Liêng, tr 18.

[7] Xem, Thomas Green, SJ. Sự Phân Định Thiêng Liêng, Desclée de Brounwer, 1991, (lược trích từ bản dich Việt Ngữ không rõ tác giả bản dịch và nhà xuất bản tủ sách thiêng liêng), tr. 53.

[8] Jules J. Toner, SJ, A Commentery on Saint Ignatius’ Rules for the Discernment of Spirits (Bản dịch của các tập sinh và cha Giáo Lê Quang Chủng 2006, tài liệu lưu hành nội bộ) tr 7.