Bản văn này thuộc về mục mà trong đó thánh Phao-lô đã giao cho Ti-mô-thê trách nhiệm cuối cùng (6:2b-21). Nó bắt đầu với một cảnh báo về sự nguy hiểm của giáo lý sai lạc và lòng yêu thích sự giàu có (6:2b-10) và kết thúc với một lời kêu gọi dành cho những người có của rằng họ hãy cậy dựa vào Thiên Chúa hơn là tài sản của họ (6:17-19). Bài đọc ngày hôm nay, vốn diễn ra ở giữa lời cảnh báo và kêu gọi nói trên, cảnh báo Ti-mô-thê về những điều này và kêu gọi anh theo đuổi “sự công chính, lòng đạo đức, đức tin, tình yêu, sự kiên nhẫn, và hiền lành” (6:11). Sau đó, nó đòi buộc anh “tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (6:14). Khi kêu gọi Ti-mô-thê làm những điều ấy, thánh Phao-lô nhắc anh về lời tuyên xưng cao đẹp của Đức Ki-tô Giê-su trước tòa tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô và cho rằng đã đến lúc Ti-mô-thê noi theo mẫu gương này.

Một bài đọc như thế này cho thấy rằng Các-Lá-Thư-Mục-Vụ đã trung thành biết bao đối với truyền thống của các thư Phao-lô. Vì thế, dù chúng tìm kiếm cho Giáo Hội một chỗ đứng trong xã hội, chúng không khuyến khích Giáo Hội hoàn toàn khuôn theo xã hội ấy. Hơn thế nữa, Các-Lá-Thư-Mục-Vụ lại ý thức một cách hăng say rằng Đức Ki-tô Giê-su sẽ xuất hiện một lần nữa; hệ quả là chúng nhắc các tín hữu rằng họ phải sống trong một sự căng thẳng mang tính cánh chung vốn theo kèm sự sống giữa sự phục sinh và ngày Đấng Cứu Chuộc hiện ra lần cuối cùng.

Bản văn này sẽ có ý nghĩa đặc biệt cho những thừa tác viên tin mừng bởi vì nó kêu gọi họ bắt chước lời tuyên xưng cao đẹp mà Đức Ki-tô đã thực hiện trước tòa tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô. Bởi vì mọi tín hữu phải thực hiện lời tuyên xưng cho riêng mình, những lời của thánh Phao-lô cũng áp dụng cho họ. Bằng cách gợi nhớ đến trách nhiệm của thánh Phao-lô dành cho Ti-mô-thê, các nhà giảng thuyết có thể trao một nhiệm vụ tương tự cho các cộng đoàn của mình, nhắc họ nhớ rằng các tín hữu sẽ không thể đạt được sự thành toàn của mình trước ngày Đức Ki-tô trở lại. Trong khi họ chờ đợi ngày vinh quang ấy, nhiệm vụ của họ là thực hiện một lời tuyên xưng cao đẹp của đức tin, như Chúa Giê-su đã thực hiện trước tòa tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô.

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 166 – 167.