Martin Heidegger
(1889-1976)

Môn học: Hữu Thể Học
Giáo sư: Đậu Văn Hồng
Học viên: Nguyễn Hữu Minh Vương, S.J.

Trong khi con người thời đại hôm nay đang muốn duy-vật-vô-thần hóa mọi sự, kinh nghiệm về cái vật của Heidegger lại gợi lên một “không gian thánh” giữa lòng tạo vật, mời gọi người ta có cái nhìn thuần linh hơn trước sự vật. Vậy, kinh nghiệm cụ thể này của Heidegger được diễn tả như thế nào? Liệu có một sự nối kết nào đó giữa giữa cái vật của Heidegger với triết Đông và với Kitô giáo hay không?

 

DẪN NHẬP – BƯỚC CHUYỂN TƯ TƯỞNG CỦA HEIDEGGER

“Đừng đếm tuổi đời bằng năm tháng, nhưng hãy đếm bằng những người bạn” (John Lenon). Nếu hiểu “những người bạn” là những mối tương quan giữa người với người, thì có lẽ Martin Heidegger (1989 – 1976) – một trong những triết gia vĩ đại người Đức – đã “đếm tuổi đời” mình bằng cách đó khi ông hoài trăn trở về thể thức hiện hữu mở ra của Dasein, hay cuộc hiện-hữu-với của người với người.

Dầu vậy, cuộc đời Heidegger cũng có thể được đếm bằng số lượng bài viết và tác phẩm triết học: 160 cả thảy, ròng rã hơn 60 năm từ 1910 đến 1973![1] Trong dòng lịch sử rất riêng ấy, một cách tương đối có thể chia tư tưởng của ông thành hai giai đoạn tiềnhậu.[2] Nếu ở giai đoạn tiền, Dasein, cái-có-đó, cái bị quăng vào thế giới, là vấn nạn hữu thể được khơi lên xét như hữu thể trong thời gian với hữu hạn tính, thì ở Heidegger giai đoạn hậu, tư tưởng ấy đã chuyển thành thái độ của con người trước hữu thể. Có thể nói, nếu trọng tâm của Heidegger giai đoạn tiền là Dasein của Hữu Thể Học – truy tìm hữu thể, thì Heidegger giai đoạn hậu xem ra là Logos của Siêu Hình Học – đợi chờ hữu thể tỏ lộ. Bước chuyển này cách nào đó có thể nhận thấy nơi chuỗi tác phẩm của ông. Từ mùa hè 1943, Heidegger bắt đầu cho ra đời cuốn Aletheia (Heraclitus, Fragment B 16) và liền sau đó là Logos (1944 – 1950), các tác phẩm bàn về thi ca (1944-1947), Language (1950) và The Thing (1950). Theo một nghĩa nào đó, Heidegger đã trải qua một cuộc hoán cải triết học, từ chủ động tìm biết hữu thể đến bị động đợi chờ hữu thể tự tỏ lộ; không còn tìm chân lý nhưng để chân lý tự mạc khải.

Nếu cách chung, tư tưởng của Heidegger đã chuyển từ Dasein sang Logos, thì với riêng khảo luận The Thing đặt trong bầu khí Logos, có thể nói đó là sự chuyển biến từ hữu thể sang cái vật (the thing), bởi vì Logos có thể tỏ hiện nơi cái vật. Theo hướng này, bài viết sẽ tập trung giới thiệu cái vật là gì, kế đó là các chiều kích của cái vật, và sau cùng ước ao mở ra những cánh cửa về sự nối kết giữa cái vật của Heidegger với triết Đông và với Kitô giáo.

I. CÁI VẬT LÀ GÌ?

Đứng trước câu hỏi Cái vật là gì? người ta dễ bị cuốn vào chiều hướng định nghĩa sự vật, muốn nắm bắt cái vật bằng hệ thống khái niệm của mình. Immanuel Kant có nói về “vật-tự-thân” vốn bất khả tiếp cận bởi kinh nghiệm để phân biệt với vật-cho-ta, tức cái vật xét trong thế giới hiện tượng. Heidegger xem ra cũng đã cho độc giả một câu trả lời rạch ròi trong tác phẩm What is a thing? (1935-1936), nơi đó ông khái lược sự vật thành ba nghĩa khác nhau: (1) hữu thể trong-tầm-tay như hòn đá, thanh gỗ…; (2) cái được gọi tên như kế hoạch, quyết định…; và (3) bất cứ cái gì không phải hư vô.[3] Tuy nhiên, khi tư tưởng đã đi vào cuộc biến chuyển, Heidegger đã không còn chủ động tiếp cận sự vật theo lối tri thức luận như trước. Dường như ông lần bước rón rén hơn và để cái vật tỏ lộ như chính nó là.

1. Cái vật và vấn đề gần – xa

Heidegger tiếp cận cái vật khởi đi từ vấn đề gần – xa. Thời đại của công nghệ đã thu hẹp mọi khoảng cách trong không gian và thời gian. Thế nhưng, gần-xa Heidegger muốn nói đến không hề mang nghĩa vật lý. Khoảng cách ngắn không bao hàm sự-gần (nearness) nơi nó hay khoảng cách lớn không hẳn gồm chứa sự-xa (remoteness).[4] Đúng thôi, xa mặt chưa chắc cách lòng; có khi diện đối diện mà lòng lại xa. Với Heidegger, điều đáng sợ là khi mọi khoảng cách đã được chinh phục, sự-gần của cái vật vẫn vắng bóng. Bản chất sự-gần không thể nắm bắt trực tiếp. Ta chỉ có thể vươn đến nó thay vì trả lời gần là gì. Nhưng tại sao ông lại đề cập đến sự-gần ở đây? “Gần với ta là điều mà chúng ta gọi là cái vật.”[5] Tuy nhiên, “cái vật không “ở trong” sự-gần, như thể sự-gần là thứ chứa đựng.”[6] Như thế, cái vật đối với Heidegger không còn đơn thuần là sự vật trong-tầm-tay hay trước-tầm-tay theo nghĩa hầu như vật lý, nhưng là cái-gần-với-ta vốn thiên về nghĩa tương quan. Dường như Heidegger muốn nói rằng cái vật là cái mà ta lưu tâm đến bất chấp khoảng cách xa gần. Chúng ta đợi chờ nó tỏ cho chúng ta về chính nó. Nói cách khác, sự-gần là điều kiện để Logos tỏ lộ ra nơi cái vật trước chủ thể nhận thức. Tiếp đến, Heidegger phân tích “cái bình” và có bước dẫn tài tình để từ cái bình khám phá bản chất của cái vật.

2. Tiếp cận cái vật qua đại biểu cái bình

Cái bình có quai (jug) là một vật. Nó là một thứ gì đó dùng để chứa một thứ khác trong nó bằng đáy bình và thành bình. Cái bình là thứ tự-giữ-vững, tự đứng trên chính nó. Điều này khiến cái bình mang tính tự lực và độc lập. Cái bình có thể trở thành khách thể (object) nếu ta đặt nó trước mình và đưa nó vào tâm trí theo hình mẫu tổng hợp. Tuy nhiên, cái bình với vật tính của cái vật không gồm chứa nơi hữu thể của nó một khách thể được mẫu thức hóa.[7] Nói cách khác, cái bình, một cái vật, không là khách thể, không thể định nghĩa theo khách thể tính của khách thể. Cái bình là cái bình chẳng can hệ gì đến việc ta hình mẫu hóa nó trong tâm trí mình. Cái bình là cái bình không phụ thuộc vào chủ thể nhận thức.

Heidegger cho rằng “việc tác thành khiến cái bình trở nên chính nó. Tuy nhiên, sự tác thành lại không tạo nên bản chất của cái bình.”[8] Trong quá trình thành hình, cái bình phô ra trước người tạo tác vẻ ngoài của nó, nhưng chiều kích để cái-bình-là-cái-bình hay cái-bình-sự-vật (jug-thing) là điều không thể nắm bắt và chỉ có thể suy tư cách thích hợp bằng việc chiêm ngắm vẻ ngoài của nó. Theo Heidegger, đó là lý do vì sao Plato chỉ tri nhận sự hiện diện của sự vật nhờ vẻ ngoài và không tìm hiểu gì thêm về bản chất của chúng như Aristotle và các tư tưởng gia kế cận quan niệm.[9]

Theo Heidegger, bản chất của cái vật cũng chính là vật tính của cái vật. Vật tính của cái bình nằm nơi hữu thể của nó xét như cái bình chứa, và ta chỉ ý thức được bản chất chứa đựng của cái bình khi làm đầy cái bình.[10] Cứ ngỡ đáy bình và thành bình làm nhiệm vụ chứa đựng, nhưng không, theo Heidegger, sự trống rỗng hay khoảng không mới là sự chứa đựng của cái bình. Khoảng không của cái bình là yếu tố khiến cái bình là cái bình chứa. Thế nên, vật tính của cái bình không nằm ở vật chất mà là ở khoảng không chứa đựng.[11] Vậy làm thế nào để khoảng không của cái bình có thể chứa đựng? “Nó chứa đựng bằng cách lấy những gì được đổ vào nó.”[12] Đúng hơn, khoảng không chứa đựng theo phương cách kép: lấy (taking) và giữ (keeping). Tuy nhiên, sự chứa đựng kép của khoảng không lại ngưng đọng ở sự đổ ra, hay, sự hợp nhất của lấy giữ được xác định bằng sự đổ ra (outpouring). Và vì “đổ ra từ cái bình là cho đi,”[13] nên bản chất của khoảng không chứa đựng được tập hợp trong sự cho đi. Thật lạ lùng, sự chứa đựng của cái bình diễn ra trong sự cho đi của việc đổ ra sau khi lấy giữ, nhờ đó cái bình trống lưu giữ bản chất của nó do bởi món quà được đổ ra.[14] Nếu ở giai đoạn tiền, Heidegger cho rằng con người hơn vật vô tri ở thể thức hiện hữu mở ra và trao tặng, thì bây giờ, chính cái vật trong nhãn quan mới của ông cũng mang nơi mình thể thức trao tặng tương tự.

Sự cho đi của việc đổ ra có thể trở thành một thức uống: nước hoặc rượu. Bản chất của cái vật nằm ở món quà đổ ra này, để rồi Heidegger rút ra kết luận: “Cái vật là quy tụ (gathering).”[15] Ông lý giải: Dòng suối cư ngụ nơi dòng nước đổ ra. Đá sỏi cư ngụ nơi dòng suối. Nơi đá sỏi có sự hiện diện thầm lặng của đất. Đất lại nhận mưa và sương từ trời. Như thế, nơi dòng nước của con suối, trời và đất kết ước. Tương tự với rượu nho; đó là hoa trái được nuôi dưỡng bởi dưỡng chất của đất và ánh nắng của trời. Nơi rượu nho đất và trời giao duyên.

Chính nước hay rượu mới là điều làm cho cái bình là cái bình, sự vật là cái vật. Nơi món quà đổ ra, cái bình hiện diện như cái bình; cái bình hiện diện như cái vật. Nhưng cái vật hiện diện như thế nào? Thưa, bằng cách cái vật hóa (the thing things). Cái vật hóa lại là quy tụ (gathering).[16] Với Heidegger, bản chất của cái bình hay của cái vật được xác định không hệ tại ở nguyên nhân chất thể hay mô thể, tác thành hay cứu cánh theo Aristotle. Đó là một huyền nhiệm gọi về cả vũ hoàn. Trong món quà đổ ra, Thiên, Địa, Thần, Nhân cùng nhau cư ngụ, làm nên các chiều kích của cái vật.

II. CÁC CHIỀU KÍCH CỦA CÁI VẬT

Theo Heidegger, sự cư ngụ (staying) nơi món quà đổ ra là việc mang bộ tứ đi vào sự thuộc về nhau của chúng.[17] Và nơi sự cư ngụ này, chúng được kết ước và ký thác vào nhau theo tính đơn nhất (onefoldness). Món quà đổ ra lưu giữ sự đơn nhất của bốn chiều kích. Cái vật chất chứa bộ tứ hợp nhất; vì thế Thiên, Địa, Thần, Nhân được xét đến trong sự đơn nhất.

1. Thiên

Với Heidegger, Thiên là bầu trời, là vận hành của mặt trời, là bước chuyển dời của mặt trăng, là sự lấp lánh của các vì sao, là bốn mùa đắp đổi, là ánh sáng và chạng vạng của ngày, là bóng tối và tờ mờ của đêm, là sự ôn hòa và biến động của thời tiết, là những áng mây trôi và sắc xanh sâu thẳm của bầu trời.[18] Dường như Thiên của Heidegger chỉ đơn thuần là vũ trụ tự nhiên, từ đó cộng tác với đất mẹ để sản sinh hoa trái cho ruộng vườn, làm nên tặng phẩm của sự đổ ra.

2. Địa

Với Heidegger, Địa là đất, nơi cưu mang các công trình, nơi nuôi dưỡng các sản phẩm. Địa giữ gìn nước và đá, thực vật và động vật. Nơi cái bình hay cái vật, có sự hiện diện của đất mẹ, cụ thể nơi món quà đổ ra là nước hoặc rượu. Có thể nói Thiên-Địa kết hợp tạo thành trục thứ nhất, một tương quan thiết yếu hiện diện nơi món quà đổ ra.

3. Thần

“Thần là những sứ giả đưa tin của Thượng Đế,” là những Vị Bất Tử (Immortals).[19] Thần hiện diện như Đấng mà tặng phẩm đổ ra sẽ được dâng lên. Tặng phẩm đổ ra của cái bình dành cho sự hiến thánh, là của lễ dâng lên các Vị Bất Tử. Đó là tặng phẩm đích thực. Vì thế lực ẩn tàng của Thần, ngài nổi lên và xuất hiện như ngài là. Điều này tách ngài khỏi mọi sự so sánh với tạo vật đang hiện hữu khả giác. Xem ra Heidegger đã công khai thừa nhận sự tồn tại của một thế lực siêu nhiên nơi cái vật.

4. Nhân

Nhân là người. Nhân mang tính khả tử vì họ có thể chết.[20] Đúng hơn, Nhân là ắt tử vì rốt cuộc họ phải chết. Heidegger cho rằng chỉ có con người mới chết (die), còn động vật thì diệt vong (perish); và chết nghĩa là có khả năng chết như cái chết. Phải chăng Heidegger muốn nói rằng con người có ý thức về cái chết, tương tự quan điểm của Schopenhauer: “Con vật sống mà không thực biết cái chết. (…) Ở con người, cái xác tín kinh khủng về cái chết phát hiện đồng thời với lí trí”[21]? Tuy nhiên, có lẽ cái chết đối với Heidegger cần được hiểu dưới ánh sáng của Sein und Zeit: “Chết là một khả tính đặc thù của hữu thể; đó thật là vấn đề hữu thể của chính Dasein. Hiển nhiên, xét theo bản thể học, cái chết được thiết lập bởi thuộc-ngã-tính (mineness) và sự hiện hữu.”[22] Rõ hơn, cái chết mang tính riêng tư, dành cho riêng tôi. Không ai lấy cái chết khỏi tôi hoặc chết thay cho tôi. Ông còn cho rằng Siêu Hình Học thường xem con người như sinh thể (animal) hay hữu thể sống. [23] Thậm chí khi lý trí (ratio) chiếm ngự bản chất sinh thể (animalitas), hữu thể người vẫn được định nghĩa bởi sự sống và kinh nghiệm sống. Trái lại, với Heidegger, các hữu thể sống có lý trí trước hết phải trở nên những kẻ ắt tử.

Ông nói thêm rằng cái chết là thánh điện của Hư Vô (the shrine of Nothing), tức là, cái chết chẳng bao giờ là điều gì đó đơn thuần tồn tại, nhưng nó lại hiện diện, thậm chí như mầu nhiệm của chính Hữu Thể. Là thánh điện của Hư Vô, cái chết che giấu nơi nó sự hiện diện của Hữu Thể. Nó che chở Hữu Thể. Trong khi đó, Ắt tử là những kẻ hiện diện trong sự che chở của Hữu Thể. Như thế, cái chết – thánh điện của Hư Vô trở thành tấm màn nhung phủ lấp cả Hữu Thể lẫn con người. Điều này vừa gợi lại tư tưởng giai đoạn Heidegger tiền với Dasein và giới hạn ắt tử của mình, vừa như thể mở ra chân trời mới sau cái chết, vì cái chết cất giấu Hữu Thể nơi mình.

Nếu Thiên-Địa là trục thứ nhất thì Thần-Nhân tạo thành trục thứ hai diễn tả tương quan giữa kẻ dâng hiến và Đấng được dâng hiến vốn cũng có mặt nơi tặng phẩm đổ ra. Khi nói đến một trong bốn chiều kích, Heidegger đòi ta phải nghĩ đến ba chiều kích còn lại trong sự đơn nhất của bộ tứ. Cái này phản chiếu cái kia. Sự phản chiếu đính kết bốn làm một, đến nỗi chẳng cái nào còn mang nơi mình tính đặc thù tách biệt. Như vậy, các chiều kích dù bốn nhưng chỉ là một, một nhưng vẫn là bốn.

III. NHỮNG CÁNH CỬA MỞ RA

1. Công thức Thiên-Địa-Thần-Nhân và cuộc gặp gỡ với tư tưởng Đông Phương

Thật lạ khi bộ tứ Thiên-Địa-Thần-Nhân của Heidegger rất giống tam tài Thiên-Địa-Nhân của triết Đông. “Thuyết tam tài – học thuyết về sự thống nhất giữa thiên địa nhân (nguyên) là gốc của Nho giáo và Đạo giáo.”[24] Thiên là khoảng không bao la hợp thành từ 3 yếu tố : Nhật, Nguyệt, Tinh. Địa được cấu thành bởi thủy, hỏa và phong. Nhân phản ánh chủ thể con người với các mối quan hệ xã hội.[25] Chương 21 sách Trung Dung trong Tứ Thư cho rằng khi con người tiến hóa tới bậc thánh nhân, họ có thể sánh ngang với hai năng lực Thiên-Địa để kết thành bộ ba tam tài Thiên-Địa-Nhân,[26] một sự kết hợp hoàn hảo. Dễ thấy rằng giữa Thiên-Địa-Nhân của Heidegger và của triết Đông có những nét tương đồng, đặc biệt Thiên của hai bên đều mang tính tự nhiên đơn thuần chứ chưa có yếu tố thần linh trong đó. Về điểm khác biệt, Heidegger đã thêm vào Nhân yếu tố chủ chốt “ắt tử”. Trong khi Thiên-Địa-Nhân của triết Đông là một năng lực vận vào con người, thì Thiên-Địa-Thần-Nhân của Heidegger lại được tìm thấy nơi cái vật. Và trong khi bộ tam của cả hai chưa có yếu tố thần linh, Heidegger đã thêm Thần vào để rồi gần như chuyển mạch tư tưởng của mình sang một hướng khác.

2. Có chăng một mối liên hệ giữa cái vật của Heidegger và niềm tin Kitô giáo?

Phải chăng Heidegger đã đạt đến tầm mức thần bí khi thêm chiều kích Thần vào bộ tam Thiên-Địa-Nhân của triết Đông? Nếu Eidos Thiện của Plato có thể được xem là kết quả của sự linh hứng, thì cuộc khám phá Logos tỏ hiện nơi cái bình của Heidegger cũng có thể là kết quả của mạc khải. Trong mắt Heidegger, cái bình không còn là cái bình, cái vật không còn là sự vật của giai đoạn đầu. Cái vật là cả một mầu nhiệm, quy tụ và hợp nhất bộ tứ trong món quà đổ ra. Cái nhìn này của Heidegger rất gần với kinh nghiệm của cha Teilhard de Chardin (1881 – 1955). Ngài nói rằng thực tại là một cái gì đơn nhất đang tàng ẩn dưới những gì tạp đa. Cái không thể nắm bắt ẩn giấu dưới cái gần gũi; cái thiêng liêng ẩn tàng dưới lớp áo vật chất.[27] Quả thật, “đối với những ai biết nhìn, thì ở trần gian này, không một cái gì là phàm tục cả.”[28]

Nhưng làm thế nào để phổ quát hóa trường hợp cái bình cho vạn vật, nhờ đó gặp thấy Thiện-Địa-Thần-Nhân nơi chúng? Có lẽ đây không phải là vấn đề để suy luận logic, nhưng là mầu nhiệm đòi ta tiếp tục chiêm ngắm và đợi chờ Logos tỏ lộ nơi từng sự vật. Vậy tại sao lại là cái bình chứ không là một sự vật nào khác? Có thể Heidegger mượn lại cái bình từ Đạo Đức Kinh của Lão Tử,[29] nhưng liệu có nối kết nào giữa cái bìnhchén rượu của Đức Giêsu trong Thánh Kinh? Có thể, vì Heidegger ít nhiều đã ngụp lặn trong môi trường đức tin Công giáo. Nếu tạm thay thế “cái bình” bằng “chén rượu”, ta sẽ thấy sự trùng hợp lạ lùng. Chén rượu không đơn thuần là chén rượu, đối tượng của giác quan. Chén rượu quy tụ và hợp nhất Thiên-Địa-Thần-Nhân nơi mình trong món quà đổ ra. Rượu là sản phẩm của Thiên-Địa; rượu cũng được Nhân dâng lên Thần. Hơn thế, chén rượu còn diễn tả một thực tại siêu vượt. Rượu là hiện thân của Đức Giêsu, Đấng mang bản tính Thần-Nhân, Đấng nối kết Thiên-Địa. Như thế, nơi chén rượu cứu độ, cũng là nơi Đức Giêsu, bốn chiều kích Thiên-Địa-Thần-Nhân đã hội tụ. Nếu đây đúng là điều Heidegger muốn ám chỉ thì lời buộc tội “kẻ vô thần” dành cho ông trở thành nỗi oan khôn vơi. Có khi nào trong lúc đợi chờ Logos tỏ lộ, ông đã bắt gặp và trở về với đỉnh cao niềm tin Kitô giáo? Và thực tế khi gần đến cuối đời, ông đã thừa nhận Thiên Chúa tồn tại.[30]

KẾT LUẬN

Trong khi tiêu đề của tác phẩm là Cái vật (The Thing), xem ra Heidegger không tìm hiểu bản chất của sự vật là gì cho bằng khám phá xem ta bắt gặp gì nơi sự vật. Việc hành triết của Heidegger đã trở thành cuộc chiêm niệm, và ông đã khám phá ra cả chân trời mầu nhiệm được tỏ hiện nơi cái vật qua đại biểu cái bình. Cái bình không chỉ là cái bình vật chất, nhưng là một sự quy tụ nơi món quà đổ ra, làm nên cuộc hội ngộ của bộ tứ Thiên-Địa-Thần-Nhân trong sự đơn nhất. Đó là Logos ẩn tàng nơi cái vật. Bước chuyển từ hữu thể sang cái vật cũng là bước chuyển từ Dasein sang Logos; từ việc chủ động lấy mình làm tâm điểm để khám phá đến thụ động đón nhận thực tại tự khai mở.

Trong khi con người thời đại hôm nay đang muốn duy-vật-vô-thần hóa mọi sự, kinh nghiệm của Heidegger lại gợi lên một “không gian thánh” giữa lòng tạo vật, mời gọi người ta có cái nhìn thuần linh hơn trước sự vật. Nhưng như bí mật chú cáo dành tặng Hoàng Tử Bé, trước mầu nhiệm của thực tại, “người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.”[31]

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Heidegger, Martin, The Thing, trong Poetry, Language, Thought. New York: Haper & Row, 1971
  2. Chardin, Pierre Teihard de, Cảnh Vực Thần Linh. NXB Tôn Giáo, 2009
  3. Chính, Vũ Kim, Triết Sử Cận Hiện Đại, Học Viện Dòng Tên (lưu hành nội bộ)
  4. Heidegger, Martin, Being and Time, Joan Stambough dịch. New York Press, 1996
  5. Heidegger, Martin, What Is a Thing?, W.B.Barton dịch. Chicago: Henry Regnery Company, ?
  6. Lão Tử Đạo Đức Kinh, Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch. NXB Văn Học, 1991
  7. Saint-Exupéry, Antoine de, Hoàng Tử Bé, Trác Phong dịch, Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn, 2013
  8. Schopenhauer, Authur, Siêu Hình Tình Yêu Siêu Hình Sự Chết. NXB Văn Học, 2006
  9. Tuấn, Lý Minh, Trung Dung trong Tứ Thư Bình Giải. NXB Tôn Giáo, 2011

Websites:

  1. Tùng, Phó Đức, “Thuyết Tam Tài và những nguyên tắc chung của kiến trúc Á Đông,” http://vanhoaphuongdong.co/threads/thuyet-tam-tai-va-nhung-nguyen-tac-chung-cua-kien-truc-a-dhon.1254/
  2. 11. http://think.hyperjeff.net/Heidegger/
  3. http://tranhdongcaocap.com.vn/tam-tai-triet-ly-thien-dia-nhan-ns141

[1] http://think.hyperjeff.net/Heidegger/ truy cập ngày 28.03.2017

[2] Theo giáo sư Vũ Kim Chính, tùy theo việc nhấn mạnh về onto (coi trọng cái da của dasein, da đi tìm sein trong tương quan thời gian và tra vấn) hay ontology (coi trọng cái sein, cái da chỉ để sein tỏ lộ) để tạm chia tư tưởng của Heidegger thành 2 giai đoạn tiền hậu. x.Vũ Kim Chính, Triết Sử Cận Hiện Đại, Học Viện Dòng Tên (lưu hành nội bộ), 153.

[3] Martin Heidegger, What Is a Thing?, W.B.Barton dịch (Chicago: Henry Regnery Company, ?), 6.

[4] Martin Heidegger, The Thing, trong Poetry, Language, Thought (New York: Haper & Row, 1971), 164.

[5] Heidegger, The Thing, 164.

[6] Heidegger, The Thing, 175.

[7] Heidegger, The Thing, 165.

[8] Heidegger, The Thing, 166.

[9] Plato kinh nghiệm mọi thứ hiện diện như khách thể của sự tác thành. Ông đòi chủ thể phải nâng mình lên cao trong nhận thức để có thể chạm đến Eidos vốn là thực tại đích thực của sự vật khả giác.

[10] Heidegger, The Thing, 166.

[11] Heidegger, The Thing, 167.

[12] Heidegger, The Thing, 169.

[13] Heidegger, The Thing, 169.

[14] Heidegger, The Thing, 170.

[15] Heidegger, The Thing, 172.

[16] Heidegger, The Thing, 172. Trong tiếng Đức cổ, thing (ding) cũng có nghĩa là gathering.

[17] Heidegger, The Thing, 171.

[18] Heidegger, The Thing, 176.

[19] Heidegger, The Thing, 176.

[20] Heidegger, The Thing, 176.

[21] Authur Schopenhauer, Siêu Hình Tình Yêu Siêu Hình Sự Chết (NXB Văn Học, 2006), 105-106.

   [22] Martin Heidegger, Being and Time, Joan Stambough dịch (New York Press, 1996), 223.

[23] Heidegger, The Thing, 171.

[24] Tiến sĩ Phó Đức Tùng, “Thuyết Tam Tài và những nguyên tắc chung của kiến trúc  Á Đông,” http://vanhoaphuongdong.co/threads/thuyet-tam-tai-va-nhung-nguyen-tac-chung-cua-kien-truc-a-dhon.1254/ truy cập ngày 30.05.2017. Kinh dịch biểu trưng thuyết này qua ba vạch của bát quái : trên là thiên, giữa là nhân, dưới là địa.

[25] http://tranhdongcaocap.com.vn/tam-tai-triet-ly-thien-dia-nhan-ns141 truy cập ngày 30.05.2017

[26] Lý Minh Tuấn, Trung Dung trong Tứ Thư Bình Giải (NXB Tôn Giáo, 2011), 1341.

[27] Pierre Teilhard de Chardin, Cảnh Vực Thần Linh (NXB Tôn Giáo, 2009), 141tt.

[28] Chardin, 59.

[29] x. Lão Tử Đạo Đức Kinh, Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch (NXB Văn Học, 1991), 76-78.

[30] Trong bức thư trả lời cho một sinh viên được đính kèm với The Thing như phụ lục, Heidegger nói rằng: “Tình trạng mặc định của Thiên Chúa và thần linh là sự vắng mặt. Nhưng sự vắng mặt không phải là hư vô, đúng hơn, chính xác đó là sự hiện diện, nhưng trước hết phải bị chiếm đoạt trong sự phong phú tròn đầy ẩn tàng nơi những gì đã được quy tụ trong lời giảng của Đức Giêsu.” X. Heidegger, The Thing, 182. Và trong một bài phỏng vấn ngày 23 tháng Chín, 1966 (được xuất bản sau đó), ông đã công khai tuyên xưng rằng: “Chỉ có Chúa mới cứu được chúng ta.”

[31] Antoine de Saint-Exupéry, Hoàng Tử Bé, Trác Phong dịch (Hà Nội: NXB Hội Nhà Văn, 2013), 77.