1. Bài đọc

7 Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết.
Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.

8 Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng
còn hơn cả vương trượng, ngai vàng.
Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan.

9 Đối với tôi, trân châu bảo ngọc
chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan,

vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan,
cũng chỉ là cát bụi,
và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.

10 Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp,
đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng,
vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.

11 Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.

2. Tìm hiểu bản văn

Đoạn trích nằm trong phần thứ hai của bộ sách Khôn Ngoan, nói về nguồn gốc, bản chất của Đức Khôn Ngoan và cách thế để có được ơn này (Kn 6-9). Tác giả của bộ sách (được gán là vua Sa-lô-môn) cho rằng Đức Khôn Ngoan là thuộc tính của Thiên Chúa; do đó mà Đức Khôn Ngoan được coi trọng hơn bất kỳ điều gì trên đời. Điều này được thể hiện ở đoạn trích bài đọc 1 hôm nay (Kn 7,7-11).

Đức Khôn Ngoan có giá trị vượt hẳn bất cứ điều gì trên cõi đời này. Rõ ràng, đoạn sách này cũng như một số đoạn khác (x. G 28,15-19; Cn 3,14-15; 8,10-11.19) cho thấy rõ ý nghĩa mà bản văn muốn nhắm tới; chính là đề cao giá trị vượt trội của Đức Khôn Ngoan. Trong đoạn (Kn 7,7-11) này, nhân vật chính cầu xin ơn Khôn Ngoan được cho là vua Sa-lô-môn vì vua này cũng đã từng xin Chúa cho mình ơn Khôn Ngoan (1 V 3,4-15). Khi đó, vua đã được khen vì biết trân trọng và xin điều đẹp lòng Đức Chúa. Một cách rõ hơn, Đức Khôn Ngoan trong đoạn trích bài đọc 1 hôm nay (Kn 7,7-11) được đánh giá vượt trội hơn hẳn trân châu, bảo ngọc hay vàng bạc (câu 9).  Thêm vào đó, có lẽ vì yếu tố bối cảnh sách Khôn Ngoan được viết, dù ở Ai Cập nhưng chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hy-lạp, thậm chí được viết bằng chữ Hy-lạp, nên những hình ảnh quen thuộc được ưa chuộng trong văn hóa ấy cũng được thêm vào: sức khỏe, sắc đẹp,… (câu 10). Kể cả ánh sáng cũng không thể so bì được với Đức Khôn Ngoan. Ánh sáng đời này có thể thay đổi, nhưng ánh sáng lấp lánh, rực rỡ của Đức Khôn Ngoan trong chiều kích siêu nhiên không bao giờ tàn lụi. Như thế, tất cả những điều vừa đề cập đều chẳng thể nào sánh được với giá trị của Đức Khôn Ngoan. Khi có được Đức Khôn Ngoan, của cải, mọi sự tốt lành tự khắc kéo đến (câu 11). Bởi lẽ, Đức Khôn Ngoan là mẹ sinh ra những điều tốt lành khác và làm người ta vui thỏa, như sẽ thấy ở câu 12 của chương này. Hơn nữa, người có được Đức Khôn Ngoan thì biết điều gì mình nên làm và điều gì cần tránh, biết mình thuộc về Đấng nào và sau khi chết mình muốn đi về đâu. Nhờ biết con đường đúng đắn để đi, người ấy sẽ hạnh phúc tròn đầy và sâu thẳm trong tâm hồn. Ý nghĩa của đoạn này phần nào gợi cho chúng ta về cuộc tranh luận triết lý về cuộc sống hạnh phúc giữa phái Tiêu Dao với phái Khắc Kỷ. Cuối cùng thì những sự giàu có ở trong tâm hồn mới là thứ làm cho người ta hạnh phúc. Sự giàu có nội tâm ấy chính là Đức Khôn Ngoan, điều mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng cho những ai thành khẩn cầu xin Người.

Đọc lại ý nghĩa đoạn trích bài đọc 1 hôm nay dưới ánh sáng Tin Mừng, chúng ta hiểu rõ thêm về giá trị của Đức Khôn Ngoan. Chàng thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 10,17-30) đi tìm cho mình sự sống đời đời. Anh được Chúa Giê-su tỏ cho thấy con đường để có được hạnh phúc viên mãn của sự sống mai hậu. Đó là một lời mời gọi đón nhận Đức Khôn Ngoan mà Thiên Chúa mong muốn cho con người. Đức Khôn Ngoan ấy chính là hiểu biết hơn về con đường của người môn đệ Chúa Ki-tô và can đảm chọn lựa bước đi trên con đường ấy. Tuy nhiên, đứng trước việc chọn lựa giữa Đức Khôn Ngoan và của cải đời này. Chàng thanh niên ấy lại đưa ra một quyết định thiếu sáng suốt, khi đặt giá trị của Đức Khôn Ngoan thấp hơn những của cải đời này. Cái khôn trong chọn lựa ấy của anh ta chỉ là cái khôn lanh của loài người chứ chẳng phải là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa ban.

Qua bài đọc (Kn 7,7-11) hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi nhận thức rõ hơn giá trị của Đức Khôn Ngoan và can đảm cầu xin cho được ơn này. Đức Khôn Ngoan ấy là điều vượt trội hẳn so với những gì chóng qua ở đời này. Giá trị của nó nằm ở chiều kích siêu nhiên, cùng đích mà con người cần hướng về. Cùng đích ấy là việc hiểu biết điều Thiên Chúa đang chờ đợi nơi mỗi người, chính là việc chạy đến với Thiên Chúa để được kết hiệp mật thiết với Ngài.

Giuse Tuân. Vũ Chí Thành, Sj

 

Tham Khảo

Brown, R. E., Fitzmyer, J. A., & Murphy, R. E. (1996, c1968). The Jerome Biblical commentary (7:7-14). Englewood Cliffs, N.J.: Prentice-Hall (electrical edition).

David Winston, The Wisdom of Solomon, The Anchor Bible – DoubleDay, 1979, tr.167-169.

CGKPV, Kinh Thánh – ấn bản 2011, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tr.1385-1387. 1402.