Bản văn này diễn ra vào lúc thánh Phao-lô đang giải thích hoàn cảnh của mình cho tín hữu Phi-líp-phê (1:12-26). Ngài bị cầm tù, nhưng sự tù đày của ngài lại có lợi cho Tin mừng vì nó thúc đẩy người khác giảng dạy về Đức Ki-tô. Mặc dù có những lời giảng dạy bắt nguồn từ tham vọng cá nhân và làm gia tăng đau khổ của thánh Phao-lô, nhưng ngài không cảm thấy phiền bởi vì Đức Ki-tô vẫn đang được rao giảng. Được tín hữu Phi-líp-phê khuyến khích, thánh Phao-lô tiếp tục hân hoan và tự tin rằng ngài sẽ được giải thoát. Nhưng thậm chí nếu phải bị kết án tử, ngài vẫn tin rằng bất kể điều gì xảy ra với ngài thì Đức Ki-tô cũng sẽ được tôn vinh.

Thánh Phao-lô đã đạt tới một cảnh giới cao siêu trong đời sống tông đồ của mình: kể cả sự sống lẫn cái chết đều không thể tách rời ngài khỏi Đức Ki-tô và không thể ngăn cản ngài khỏi việc rao giảng Tin mừng. Tin mừng sẽ vẫn được loan báo dẫu cho ngài chết đi. Quả vậy, cái chết của ngài thậm chí có thể làm cho Tin Mừng được sinh hoa kết trái hơn gấp bội.

Liên quan đến hoàn cảnh của mình, thánh Phao-lô trình bày chính ngài như một tấm gương đáng noi theo cho tín hữu Phi-líp-phê, những người đang gặp phải sự chia rẽ trong cộng đoàn. Đây là lý do tại sao đoạn thư lại kết thúc với một câu vốn lại là một khởi đầu cho một phân đoạn mới, “Chỉ có một điều là anh em hãy ăn ở làm sao để xứng với Tin mừng của Đức Ki-tô” (1:27). Nếu tín hữu Phi-líp-phê muốn biết thánh Phao-lô muốn nói gì, họ phải nhìn vào chính ngài như một tấm gương để noi theo: Ngài là một người đã thủ đắc niềm vui và bình an trong tù dù đang phải chờ đợi bản án liên quan đến sự sống và cái chết của mình.

Để hiểu đoạn thư này, độc giả phải ý thức bối cảnh của thánh Phao-lô. Nhờ đó, độc giả sẽ ý thức rằng sự thành công của Tin mừng không tùy thuộc vào nỗ lực của con người nhưng tùy thuộc vào sự nối kết với Lời Chúa. Hơn nữa, những ai ôm ấp sự khôn ngoan của Tin mừng sẽ được Chúa ban sự bình an và hân hoan trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong S.J.

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 49 – 50.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *