Mặc dù vắn gọn, thư 1 Thê-xa-lô-ni-ca lại phong phú về thần học. Những chủ đề quan trọng nhất của nó bao gồm sự tuyển chọn, sự bắt chước, lời kêu gọi sống một đời sống thánh thiện, ngày trở lại gần kề của Đức Chúa, và ba nhân đức đối thần làm nên đặc tính của đời sống mới của các tín hữu (tin, cậy, và mến). Tuy nhiên, bài đọc đã chọn đọc thư Thê-xa-lô-ni-ca vào cuối năm phụng vụ bởi vì giáo huấn của nó về parousia. Vì thế, chủ đề này, hơn các chủ đề khác, phải được các nhà giảng thuyết lưu tâm.

Parousia là từ được chuyển ngữ từ một từ Hy Lạp với ý nghĩa “hiện diện,” nhưng nó thường được sử dụng để ám chỉ sự trở lại của Đức Ki-tô vào thời sau hết khi mà người sẽ có vai trò như một người được Thiên Chúa sai đến vào ngày chung thẩm. Niềm tin chắc chắn rằng Đức Ki-tô sẽ trở lại là trung tâm trong thần học của thánh Phao-lô, điều này dẫn đến câu hỏi: thánh Phao-lô có sai lầm không? Theo tôi, thánh Phao-lô đã sai, nhưng ngài lại không lầm. Ngài sai bởi vì Đức Ki-tô đã không trở lại vào thời ngài còn sống, nhưng ngài không lầm khi tin rằng Đức Ki-tô sẽ trở lại và đóng một vai trò quyết định trong chiến thắng sau cùng của Thiên Chúa.

Thách đố khi giảng 1 Thê-xa-lô-ni-ca là học cách tái suy nghĩ về lời tuyên xưng trong thánh lễ, “Đức Ki-tô sẽ trở lại.” Nếu nó chỉ hiểu thuần túy theo nghĩa đen (Đức Ki-tô đang đến trên các tầng mây trời), hầu hết các tín hữu thời nay sẽ chẳng hiểu gì mấy. Tuy nhiên, lời giáo huấn lại có ý nghĩa sâu sắc khi các nhà giảng thuyết tuyên xưng rằng hành động sau cùng của việc cứu độ vẫn chưa diễn ra, và khi nó diễn ra, Đức Ki-tô sẽ đóng vai trò trung tâm. Thực ra, parousia đảm bảo rằng Giáo Hội có một tương lai vốn lệ thuộc vào Thiên Chúa và Đức Ki-tô của ngài.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong S.J.

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 60-61.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *