Cuộc Đại Ly Giáo của Giáo hội Đông Phương là một trong những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử Giáo hội. Giống như những cuộc ly giáo sau này, nó xảy ra vì lý do chính trị dưới cái mác học thuyết Giáo hội. Giáo hội Đông Phương, có trụ sở ở Constantinople, bắt đầu trở thành một Giáo hội chính quyền của Hoàng đế, trong khi đó Giáo hội Tây Phương, có trụ sở ở Rôma, dựa vào thế lực của các vua Pháp và Hoàng đế của Đế chế Rôma Thần Thánh.

Sự chia rẽ diễn ra vì một vấn đề về chính trị và quản trị của Giáo hội. Ignatios là Thượng Phụ của Constantinople từ 847-858 và là con trai của Hoàng đế Byzantine Michael. Ông nhậm chức chỉ vừa sau làn sóng bài thánh tượng thứ hai kết thúc (lạc giáo chống lại việc dùng ảnh tượng hoặc hình ảnh của Đức Kitô và các thánh) vốn kéo dài từ 814-842. Vì quá nhiệt thành trong việc phục hồi lại ảnh tượng và tính chính thống của Giáo hội Đông Phương trong Đế chế Byzantine ở Đông Phương, ông đã dẫm chân lên một vài vị, trong đó có Tổng Giám Mục Syracusa, là người đã gửi thỉnh nguyện lên Giám Mục Rôma, Giáo Hoàng Lêô IV, để xin giúp đỡ. Điều này đã gây ra sự căng thẳng giữa Giáo hội Đông và Tây Phương. Sau đó, Ignatios bị phế truất vào năm 858 và được thay thế bởi Photios, người được Hoàng đế Michael III đặt lên (không phải Hoàng đế Michael, vốn là cha của Ignatios). Ignatios đã gửi thỉnh nguyện lên Đức Giáo Hoàng Nicholas I giống như Tổng Giám Mục Syracusa trước đó đã gửi cho Đức Giáo Hoàng Lêô IV. Photios đã bị phế truất vào năm 967 khi Hoàng đế bị sát hại, và Ignatios đã tái tuyên bố chức vụ Thượng Phụ Giáo hội Constantinople từ 867-877. Khi ông qua đời, Photios đã trở lại làm Thượng Phụ từ 877-886. Mưu đồ chính trị qua lại giữa Hoàng đế Byzantine và Giáo Hoàng ở Rôma chỉ tiếp tục leo thang khi các Thượng Phụ ở Constantinople bị rơi vào vòng phong tỏa và kiểm soát chặt chẽ của Hoàng đế Đông Phương. Mặt khác, Đức Giáo Hoàng cũng không có đối thủ thế tục nào từ sau khi những người man di (barbarian) tiêu diệt các Hoàng đế Rôma vào năm 476.

Mối tương quan giữa Giáo Hoàng ở Rôma và Thượng Phụ của Constantinople trở nên tồi tệ nhất vào thế kỷ XI. Thượng Phụ Michael Cerularius đã xem các tín hữu Công giáo Latinh là những kẻ lạc giáo bởi vì họ sử dụng bánh không men khi cử hành Thánh Lễ trong khi các Kitô hữu Đông Phương có truyền thống chỉ sử dụng bánh có men. Sicily trước đó đã nằm trong sự kiểm soát của Byzantine hàng thế kỷ cho đến khi người Norman thôn tính và thiết lập nên các phong tục và hàng giáo sĩ của Giáo hội Latinh (Tây Phương). Đức Giáo Hoàng Lêô IX vào năm 1048 tìm cách tái thiết lập sự kiểm soát đối với bán đảo Italia và khuyến khích-hoặc, nếu cần thiết, ép buộc – Giáo hội Byzantine trở về Đông Phương, ít nhất là về Constantinople và để Giáo hội Tây Phương cho Giám mục Rôma điều hành.

Vào năm 1052, Thượng Phụ Cerularius đã đóng cửa toàn bộ nhà thờ Latinh ở Constantinople để trả đũa việc các nhà thờ Byzantine Hy Lạp ở Sicily bị “Rôma hóa” theo như cách nói của ông. Đức Giáo Hoàng Lêô đã gửi Hồng y Humbert như vị đại diện cho mình đến để giải quyết mọi chuyện. Trong khi đó, Cerularius đã bắt đầu khuấy động sự chống đối Giáo hội Latinh bằng cách than phiền rằng Giáo Hoàng Rôma đã thêm cụm từ “Đức Chúa Con” (filioque) vào Kinh Tin Kính Nicea (325 s.C.N) mà không có thẩm quyền xác đáng. Mặc dù Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền ấy xét như Người Đứng Đầu Tối Cao của Giáo hội và người Kế Vị của Thánh Phêrô, nhưng trong thực tế chính Giáo hội Công giáo ở Tây Ban Nha vào thế kỷ VI đã thêm cụm từ ấy vào Kinh Tin Kính Nicea, sau đó nó đã trở nên thịnh hành và phổ biến hơn ở Tây Phương theo thời gian.

Đến ngày nay, Giáo hội Chính Thống Đông Phương và Giáo hội Công giáo Byzantine loại bỏ cụm từ “và Đức Chúa Con” (filioque trong tiếng Latinh) khỏi Kinh Tin Kính và chỉ đọc rằng Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha mà ra”. Tuy nhiên, Giáo hội Tây Phương (Latinh) vẫn giữ nguyên cụm từ này và tuyên xưng vào mỗi ngày Chúa Nhật cùng những ngày lễ trọng rằng Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra”. Như vậy, một cuộc tranh luận thần học có phạm vi nhỏ, filioque, đã trở thành bình phong để cả Cerularius và Humbert đặt dấu chấm hết cho mối tương quan giữa Đông và Tây Phương.

Hồng y Humbert, đại diện cho Đức Giáo Hoàng Lêô IX, đã vào Vương cung Thánh đường Sophia (1054 S.C.N) ở Constantinople và để lại sắc chỉ tuyệt thông của Giáo Hoàng dành cho Thượng Phụ Cerularius trên bàn thờ. Và từ đó, cuộc Ly Giáo giữa Đông và Tây Phương đã chính thức bắt đầu.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 272-274.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *