(Hình ảnh từ Internet)

Ngày nay, do sự nhầm lẫn đáng kể trong các vấn đề liên quan tới tôn giáo, thậm chí cả những vấn đề cơ bản nhất như sự hiện hữu của Thiên Chúa, sự bất tử của linh hồn con người, hay khả thể của Đức Tin và thiên tính của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, nên sẽ là vô cùng hữu ích khi suy tư về các nguyên lý nền tảng của Đức Tin Công Giáo.

Những năm gần đây, hầu như mọi điều trong Kinh Tin Kính Nicene, kinh mà chúng ta thường đọc trong mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật, đều đã bị một số thần học gia cũng như các nhà nghiên cứu đặt vấn đề và nghi ngờ, nên tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là chúng ta hãy bắt đầu loạt bài viết này bằng các bài về Kinh Tin Kính.

Chúng ta hãy khởi sự với khái niệm của Công Giáo về Đức Tin. Trong mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật, trước khi chúng ta tiến lên lãnh nhận Mình Máu Chúa Ki-tô trong lúc Hiệp lễ, Giáo Hội mời gọi chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi qua việc đọc kinh Tin Kính của các Tông đồ. Chúng ta bắt đầu kinh ấy bằng những từ ngữ rất quan trọng vốn tuyên bố với tất cả mọi người rằng chúng ta là các Ki-tô hữu vững tin: “Tôi tin kính một Thiên Chúa.” Vậy, Đức Tin đã làm cho chúng ta thành các Ki-tô hữu, hay những người môn đệ của Đức Ki-tô, Đức Tin đó có nghĩa là gì?

Trước nhất, chúng ta phải nhận thấy rằng Đức Tin là một quà tặng siêu nhiên của Thiên Chúa. Trước khi một ai đó có thể tin, người ấy phải lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa – mà ân sủng của Thiên Chúa tức là một món quà nhưng không Thiên Chúa dành tặng cho con người. Chính Chúa chúng ta đã nói trong Tin Mừng theo thánh Gioan: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy.” (Ga 6,44) Điều này áp dụng trước hết với việc khơi dậy niềm tin trong dân ngoại, cũng như áp dụng với sự thánh thiêng cao vời của các vị thánh và của Đức Trinh Nữ Maria.

Thứ hai, Đức Tin vừa là một hành vi nội tâm và chủ quan nơi tâm trí cũng như ý chí của người tin, vừa là nội dung khách quan của điều được tin. Do vậy, khi chúng ta nói rằng Jane có Đức Tin, chúng ta có ý nói rằng, về khía cạnh nội tâm, cô ấy đón nhận mặc khải mà Thiên Chúa tỏ lộ về chính Ngài cho cô ấy ngang qua Giáo Hội của Ngài. Đức Tin này mang lại cho Jane sự bảo đảm về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho cô. Nó giúp cô tự tin và hy vọng về tương lai của mình. Đồng thời, Đức Tin cũng lấp đầy trái tim Jane với tình yêu dành cho Thiên Chúa, Đấng đã trao ban chính mình cho con người. Theo nghĩa này, chúng ta đang nói về tình trạng tâm trí bên trong của Jane.

Thế nhưng, từ “Đức Tin” còn đề cập tới nội dung, hay là điều được tin. Theo thánh Phao-lô, ngoài việc là một quà tặng của Thiên Chúa, Đức Tin còn xuất phát từ việc rao giảng của các Tông đồ và của những ai được các ngài sai đi. Ở đây, tôi đề nghị các bạn hãy lấy cuốn Kinh Thánh trong gia đình của mình và đọc chương 2 và chương 3 của sách Công Vụ Tông Đồ. Nơi đó, các bạn sẽ tìm thấy nét phác thảo ngắn gọn nhưng đầy đủ về Đức Tin Ki-tô giáo theo nghĩa khách quan. Đức Tin được các Tông Đồ giảng giải là như thế này:

Thiên Chúa Cha đã sai chính con của Ngài là Đức Giê-su xuống thế gian để cứu con người khỏi tội lỗi và cái chết như lời các ngôn sứ đã tiên báo từ lâu. Đức Giê-su là Đấng tốt lành, Đấng đến để chữa lành những kẻ đau yếu, nhưng các nhà lãnh đạo Do Thái đã khước từ Ngài và đẩy Ngài tới cái chết. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Đức Giê-su sống lại và tất cả chúng tôi làm chứng về sự phục sinh của Ngài. Vì thế, anh em hãy ăn năn hối lỗi, hãy tin vào Tin Mừng và hãy chịu phép rửa và anh em sẽ được giải cứu khỏi quyền lực sự dữ.

Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng vào ngày Lễ Ngũ Tuần, sau khi thánh Phê-rô thuyết giảng bài giảng Ki-tô giáo đầu tiên, ba ngàn người đã tin theo và được rửa tội. Từ lúc đó, họ trở nên “các thụ tạo mới” bởi vì họ được giải phóng khỏi tội lỗi và được đắm chìm trong sự hiểu biết và tình yêu của Thiên Chúa hằng sống.

Chuyển ngữ: Quang Khanh, S.J.

Nguồn: Kenneth Baker, S.J., Fundamentals of Catholicism: Volume I (USA: Ignatius Press, 1995), pp. 17-18/227. (Electronic book).