Ảnh từ Internet

 

Môn học: Triết học Tôn giáo
Giáo sư: Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, S.J.
Học viên: Nguyễn Hữu Minh Vương, S.J.

Mạc khải vẫn luôn là đề tài muôn thuở của thần học. Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, ngành khoa học thánh đã cố công tìm lời giải đáp thỏa đáng trước câu hỏi về mạc khải. Cứ ngỡ mạc khải là chuyện của riêng thần học, nhưng không, mạc khải cũng là đề tài hấp dẫn của triết học, cụ thể trong địa hạt triết học tôn giáo. Cha Karl Rahner, S.J., một thần học gia lỗi lạc thế kỷ 20, đồng thời là một triết gia có tiếng thuộc trường phái siêu nghiệm, cũng đã thích thú với chủ đề mạc khải. Hearer of the Word là một trong những tác phẩm của ngài thể hiện sự giao thoa giữa thần học và triết học có bàn đến huyền nhiệm mạc khải. Tuy nhiên, trong phạm vi triết học tôn giáo, bài viết dưới đây chỉ khảo sát Hearer of the Word dưới khía cạnh chân lý tự nhiên để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về khả thể của mạc khải. Và câu trả lời của Rahner là “có”, để rồi mạc khải được xét như cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người.

 

1. [Dẫn nhập] Khởi đi từ tựa đề Kẻ Lắng Nghe Lời

Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi tựa đề bản dịch Anh ngữ 1994 (NXB Continuum) của tác phẩm Hӧrer des Wortes – Karl Rahner (1941) đã đổi khác so với bản dịch 1969 (NXB Herder and Herder). “Hearer of the Word” đã thay thế “Hearers of the Word” và kèm thêm phụ đề “Laying the Foundation for a Philosophy of Religion.” Dù không thể nói tựa đề 1994 chính xác hơn tựa 1969, nhưng ý vị ở chỗ nó đã chuyển ngữ Hӧrer về số ít – Hearer.[1] Kẻ lắng nghe lời vì thế không phải là một ai đó không xác định (A Hearer), cũng không phải là đám đông (Hearers). Thế nên, xem ra ai cũng là kẻ nghe lời, nhưng việc nghe lời lại diễn ra riêng tư chứ không đại trà ô hợp. Trong khi đó, lời (the word) chỉ có một mà thôi. Từ kẻ nghe lời, có thể thoáng thấy một tương quan. Đây là cách Rahner đặt vấn đề về mạc khải trong tương quan giữa Thiên Chúa (chủ thể của lời) và con người (kẻ nghe).

Trong lãnh địa triết học tôn giáo, vấn đề được đặt ra: Liệu mặc khải có thể có hay chăng? Và Rahner trả lời: Có. Như thế, trong khi bàn đến khả thể mạc khải giữa Thiên Chúa và con người xét như cuộc gặp gỡ theo tư tưởng của Karl Rahner, bài viết sẽ tập trung vào vai trò của Thiên Chúa xét như bước trung tâm của mạc khải (bước 3). Bên cạnh đó, các bước khác cũng được tiến hành đối xứng: vai trò của con người trong cuộc mạc khải (bước 2 & bước 4); đồng thời là sự chuẩn bị và sự hoàn tất của cuộc gặp gỡ (bước 1 & bước 5). Để dễ tiếp cận hơn, có thể hình dung câu chuyện mạc khải như một vụ mùa, nơi đó có bước dọn đất, làm đất, gieo hạt, đất gặp hạt và mùa gặt.

2. Bước 1 [A – Dọn đất]: Giới thiệu về hữu thể

Thật ra, Rahner đã có một bước dẫn dài trước khi bàn đến khả thể mạc khải. Ông đã dành phần I để đặt triết tôn giáo và thần học cạnh nhau. Điều cần quan tâm ở đây là nền tảng chung của hai ngành khoa học mà ông lưu ý. Trong khi nhằm giải quyết vấn đề tri thức luận, cả hai đều đặt nền trên siêu hình, có lẽ vì cùng hướng lên đối tượng siêu việt. Đồng thời, triết tôn giáo và thần học đều liên quan đến bản chất con người xét như chủ thể thiết yếu xúc tiến cả hai khoa học này.[2] Như thế, nền tảng chung của thần học và triết tôn giáo là siêu hình học và nhân học, được kết hợp thành nhân học siêu hình (metaphisical anthropology), là nơi “con người khi hiểu về mình như những hữu thể trong cuộc hiện hữu lịch sử, vẫn tìm kiếm cuộc mạc khải bất ngờ của Chúa.”[3] Từ đây, Rahner chính thức dọn đất cho vụ mùa triết học mang tên mạc khải.

Khởi đi từ nhân học siêu hình, cũng là “bản thể học về tiềm năng con người trước mạc khải,”[4] thật am hợp khi Rahner chọn nói về hữu như một lời mở màn, vì “điểm khởi cho siêu hình học là câu hỏi: hữu (being) của hữu thể (beings) là gì?” [5] Ông khẳng định rằng con người không thể tránh trả lời câu hỏi về hữu vì câu hỏi này luôn luôn và nhất thiết thuộc về sự hiện hữu của mình. Chính trong sự hiện hữu ấy mà câu trả lời về hữu đã được ngầm định. Gợi nhớ Tôma Aquinô, Rahner nói thêm, “khi biết bất cứ điều gì, ta cũng đã sở hữu một thứ đồng-tri-thức vô ngôn về hữu như điều kiện cho mọi tri thức về các hữu thể đơn lẻ.”[6] Như thế, biết cái gì cũng là biết về hữu, và những cái biết lẻ tẻ ấy chỉ thực hữu trong cuộc hiện hữu nhân sinh mà thôi.

Vậy hữu là gì? Rahner trả lời: Bản chất của hữu là biết và được nhận biết trong một sự đồng nhất uyên nguyên (original unity), hay nói cách khác, là sự-tự-hiện (self-presence) hay cuộc hiển sáng (luminosity).[7]  Giải thích về điều này, trước hết, dựa vào hiện sinh con người, Rahner cho rằng:

Khi tra vấn về hữu của mọi hữu thể, con người thừa nhận rằng mình đã có một cái biết sẵn có về điều gì đó nói chung. (…) Dù lạ lùng nhưng hữu mà con người tra vấn cũng đã luôn là hữu mà mình biết. (…) Dưới chiều kích siêu hình, hữu đã luôn được nhận biết, nên có thể mặc nhiên khẳng định rằng hữu toàn thể, một cách cơ bản có thể tri nhận.[8]

Thật vậy, một hữu thể có bản chất không thể nhận biết là một mâu thuẫn, bởi vì không thể tra vấn điều gì đó khi người ta hoàn toàn không biết gì về nó. Điều này ngụ ý rằng mọi hữu thể xét như đối tượng của tri thức, thiết yếu đã có sự quy chiếu nội tại với tri thức và với kẻ nhận thức. Sự quy chiếu nội tại này là phát biểu tiên thiên và nhất thiết, nó chỉ khả thi khi hữubiết thiết lập một sự đồng nhất uyên nguyên.

Như thế, ngoài “được nhận biết”, hữu còn mang chiều kích “biết” nơi mình. Hữubiết liên quan đến nhau, vì một cách nguyên sơ, nơi nền tảng của mình, chúng là một thực tại. Hữu là biết; là biết trong sự đồng nhất nguyên sơ với hữu, thế nên hữubiết về hữu thể của người nhận thức.[9] Nói cách khác, hữu là biết về chính mình. Để giải thích về điều này, Rahner nại đến lời của Tôma: reditio subjecti in seipsum. Theo đó, “biết nhất thiết diễn ra qua việc quay vào chính mình của chủ thể nhận thức, là đến-với-chính-mình, là sự-tự-hiện.”[10] Chính hành động quay vào mình làm nên sự-tự-hiện hay cuộc hiển sáng của hữu.

Tuy nhiên, sự-tự-hiện hay cuộc hiển sáng cũng được phân cấp trật, tương ứng với độ đậm đặc (intensity) của hữu. Rahner gọi đây là tính loại suy của hữu. Nếu cách chung hữu mang nghĩa là cái biết quay vào chính mình, vì thế tự hiện diện với chính mình, hiển sáng trong chính mình và cho chính mình,[11] thì ở mỗi cấp độ, mức độ quay về, hay mức độ sở hữu hữu thể của hữu lại khác nhau. Con người vì thế trổi vượt hơn sự vật nhưng thua kém hữu thuần túy. Điều này lý giải tại sao con người vẫn cần đến mạc khải trong khi hữubiết đã là một nơi nguồn cội, tức là con người chưa sở hữu hữu thể ở mức thượng thừa, không cùng đẳng cấp với hữu thuần túy. Thế nhưng, vẫn còn đó vấn nạn liệu việc hữu thuần túy hiển sáng cực đại có loại trừ khả thể mạc khải? Đây là vấn đề cốt lõi sẽ được bàn đến trong bước 3. Nhưng trước hết, cần kinh qua bước 2 trong việc tìm hiểu đặc tính của kẻ nhận biết hữu trong cuộc hiển sáng.

3. Bước 2 [B – Làm đất]: Con người mở ra

Khởi từ phân tích siêu hình, bước 1 đã thông qua bản chất hiển sáng và các cấp trật của hữu. Giờ đây, bước 2 sẽ bàn về bản chất của kẻ đã cật vấn hữu là gì. Nói rõ hơn, con người cần điều gì để nhận chịu cuộc hiển sáng của hữu thuần túy hay sự mạc khải?

Về phần con người, điều kiện thiết yếu cho khả thể mạc khải là “sự khai mở trước cuộc tỏ bày của hữu tộc bậc qua lời hiển sáng.”[12] Sự khai mở này là tiền giả định tiên thiên cho khả thể đón nghe lời. Đến nỗi mà, nói theo nhân học siêu hình, “là người cũng là sự khai mở tuyệt đối cho hữu, hay nói cách khác, con người là tinh thần.”[13] Tinh thần không có nghĩa là phi vật chất, hay tinh thần theo tư tưởng của Hegel.[14] Nhưng sự khai mở hướng về mọi hữu thể khả hữu nói chung và hữu tột bậc nói riêng là yếu tố quyết định con người là tinh thần. Rahner gọi sự khai mở này là điều kiện siêu việt thực tồn nơi chủ thể nhận thức, có trước mọi tri thức xét như điều kiện tiên thiên của khả thể mạc khải.

Để giải thích về điều này, Rahner dùng đến khái niệm Vorgriff. Vorgriff hay sự-tiền-niệm (pre-concept)[15] là “năng lực tiên thiên được ban cùng với bản chất con người.”[16] Được hiểu như năng lực tiền-nắm-bắt, Vorgriff là chuyển động năng động của tinh thần hướng đến phạm vi tuyệt đối của mọi đối thể khả hữu khả tri. Vượt quá các khách thể đơn lẻ để đạt đến cái tổng thể, Vorgriff trước hết là điều kiện cho khả thể của khái niệm phổ quát và của sự trừu xuất. Nó làm cho con người ý thức bằng việc khai mở một chân trời, nơi nhận biết các khách thể đơn lẻ của tri thức con người. Chân trời này là vô hạn, đến mức mọi đối tượng khả tri khả hữu đều không thể lấp đầy, duy chỉ có hữu vô hạn của Thiên Chúa mới có thể lấp đầy mà thôi. Thế nên, không chỉ mở ra với các đối thể khả hữu, Vorgriff còn là khả năng mở ra đến hữu vô hạn. Thật ra, Vorgriff chỉ là điều kiện, hay môi trường nội tại để con người mở ra hướng lên tuyệt đối. Cách chung, Vorgriff dọn đường để con người lần tìm về Thiên chúa. 

Tóm lại, năng lực siêu việt của tri thức con người ngưỡng vọng lên hữu thuần túy là bản chất căn bản khiến con người là tinh thần. Đây là chiều từ dưới lên, còn chiều trên xuống thì sao? Liệu hữu thuần túy với bản chất hiển sáng cực đại đã nhất thiết tỏ hiện thì con người có cần đến mạc khải qua lời nữa chăng?

4. Bước 3 [C – Gieo hạt]: Thiên Chúa tự do ban lời

Tựa như ánh sáng tự bản chất chiếu tỏa mọi hướng, Thiên Chúa, hữu tột bật với bản chất hiển sáng đã vẫn luôn là Đấng tỏ lộ.[17] Thế nhưng, Thiên Chúa cũng ẩn giấu, chí ít có lúc không được nhận biết bởi con người. Rahner cho rằng có một sự chênh lệch giữa hữu con người có thể tra vấn và hữu họ phải tra vấn.[18] “Từ phải này nói lên rằng hữu thể vẫn là điều ẩn giấu đối với con người, vì nếu biết hết rồi thì đâu phải (cần thiết) truy tìm nữa.”[19]

Trước hết, sự ẩn giấu của Thiên Chúa được giải thích thông qua sự mù tối (blindness) của con người, tức là qua cấu trúc của hữu thể tinh thần.[20] Thật vậy, năng lực siêu việt của Vorgriff nơi con người dù mở ra đến vô hạn và hướng đến hữu vô hạn, nhưng nó không thể tỏ bày cái vô hạn nơi chính mình.[21] Nói cách khác, dù Thiên Chúa đã luôn hiển sáng, con người tự mình không thể nắm bắt Ngài là Đấng vô hạn, thậm chí họ cũng chỉ có thể biết có cái vô hạn bằng con đường phủ nhận những cái hữu hạn mà thôi. Như thế, khả thể mạc khải vẫn còn nguyên.

Vậy bằng cách nào con người có thể tiếp cận Thiên Chúa? Rahner tiếp tục bằng việc nhắc lại rằng câu hỏi hữu là gì luôn dính dáng tới những hữu thể đơn lẻ trong cuộc hiện hữu nhân sinh. Vì vậy, “bằng chứng siêu hình học được đặt trên tính thiết yếu vốn được tỏ lộ nơi hiện hữu con người.”[22] Sự hiện hữu con người dù tình cờ (contingent) hay bị quăng ném (thrown)  nhưng thiết yếu, đến nỗi, “chỉ khi khẳng định sự hữu hạn và quăng ném của chính mình, con người mới tìm được đường tiếp cận sự vô hạn đích thực của hữu.”[23] Rahner tiếp tục, chỉ có ý chí (will) mới có thể khẳng định hay đặt định sự tình cờ một cách tuyệt đối như thế.[24] Nói khác đi, nơi tận nền móng của hiện hữu nhân sinh, con người khám phá ra bên trong sự siêu việt ban sơ hướng về hữu một hành vi nhất thiết của ý chí. Nhưng hành vi này chỉ có thể là hành vi ý chí tự do (free voluntary act).[25] Tóm lại, hiện hữu con người dù hữu hạn và tình cờ nhưng nhất thiết phải được khẳng định một cách tuyệt đối bởi ý chí tự do; và Rahner cho rằng đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa.[26] Như vậy, chính khi khẳng định hiện hữu của mình, con người có cơ may tiếp cận Thiên Chúa, nếu Ngài muốn!

Con người vẫn luôn mở ra trước cuộc hiển sáng của Thiên Chúa; Thiên Chúa vẫn là điểm tới trong khung trời Vorgriff của con người, nhưng, là quyền năng tự do, Ngài lại xuất hiện lờ mờ trước cái hữu hạn.[27] Nghĩa là Thiên Chúa chưa hoàn toàn được biết, và nếu tri thức hữu hạn nhận biết Ngài thì cũng bởi chính Ngài tự do tỏ lộ mà thôi. Rahner diễn giải, con người đứng trước Thiên Chúa vốn là ngôi vị tự tỏ bày một cách tự do. Ngặt một nỗi khi gặp gỡ một ngôi vị tự do tự trị, tri thức con người lại trôi tuột vào cõi vô tri, vì chính sự tự do khiến ngôi vị ấy chỉ tỏ bày những gì ngài muốn. Trong mối tương quan với con người, Thiên Chúa hoàn toàn ở thế thượng phong. Con người chỉ có thể nhận biết Ngài do bởi chính Ngài và từ chính Ngài. Tựa như hạt giống luôn là yếu tố tiên quyết để lên cây và sinh hoa kết trái, trong khi đất chỉ là môi trường, đợi chờ để đón nhận hạt giống.

Như thế, qua năng lực siêu việt, con người không đơn thuần đứng trước hữu tuyệt đối bất di bất dịch, nhưng trước vị Thiên Chúa mà hành động tự do hướng đến con người của Ngài vẫn chứa đựng những khả thể thực sự, và chất chứa trong con người năng lực nhận biết chúng.[28]

Với tự do như thế, liệu Thiên Chúa sẽ chủ động liên hệ với con người? Bằng cách nào? Ngài có thể làm sáng tỏ yếu tính thánh thiêng? Rahner không dám trả lời, ông đành chờ đợi tri thức hậu nghiệm rút ra từ cuộc mạc khải thực sự của Chúa.[29] Tức là, chỉ khi nào được Chúa mạc khải thì con người mới có thể trả lời rốt ráo những câu hỏi kia. Hữu thể tinh thần của con người không bao giờ là một đòi buộc khiến Chúa phải mở lời. Thiên Chúa có thể lên tiếng hoặc im lặng, nhưng về phần mình, con người phải chầu chực trước Thiên Chúa sống động và tự do, nếu không, con người sẽ không còn là tinh thần nữa, vì “tự bản chất sâu xa, con người không thể dửng dưng trước cuộc mạc khải bất ngờ của Thiên Chúa hằng sống.”[30]

Tắt một lời, mạc khải đơn giản là hành động tự do của Thiên Chúa, luôn luôn và nhất thiết là sự tỏ bày yếu tính của Ngài. Thiên Chúa có tự do để ẩn hoặc hiển trước con người dù rằng Ngài đã và luôn hiển sáng. Như thế, giả thiết Thiên Chúa đã tự ý và tự do gieo lời vào đất vốn đã có đủ điều kiện để tiếp nhận lời, về phần mình, con người sẽ phản ứng ra sao?

5. Bước 4 [B’ – Đất gặp hạt]: Con người đáp trả

“Có thể mô tả Mặc Khải như hành vi và tiến trình Thiên Chúa “tặng quà” cho con người và đức tin là hành vi và tiến trình con người “nhận quà” từ Thiên Chúa.”[31] Dù trong phạm vi triết học Rahner không đề cập đến đức tin, nhưng con người vẫn là những chủ thể tự do trước “món quà” là lời mạc khải.

Để giải thích điều này, Rahner trở lại với hành động tự do. Hành động ấy vốn dĩ

không là việc đặt định một cái gì khác bên ngoài, hay một vài hiệu quả phân biệt và đối kháng với chính hành động tự do. Đúng hơn, đó là sự hoàn thành của bản chất mỗi người. (…) Thế nên, hành động tự do là sự trở lại chính mình, một sự-tự-hiện nơi chính mình.[32]

Hành động tự do mang tính tự hiện hoàn hảo nhất, vì thế cũng hiển sáng nhất trong chính nó và cho chính nó. Tức là, sự hiển sáng của hữu tuyệt đối là cực đại, nhưng chỉ luôn cực đại với chính nó mà thôi. Với chính mình, hữu là ánh sáng, nhưng với kẻ khác, hữu là bóng tối. “Nó chỉ trở nên hiển sáng và khả tri với kẻ khác khi kẻ ấy cùng thực hiện hành động tự do, hay khi kẻ ấy yêu hành động đó.”[33] Như vậy, yêu là cùng hành động, cùng thông dự vào ý chí tự do. Nhưng trước đó, theo Rahner, ý chí tự do tự hiện chính là tình yêu. Tức là, nơi Thiên Chúa đã phát xuất tình yêu, cũng là ý chí tự do ngài dùng để sáng tạo cái hữu hạn. Và giờ đây, con người được mời gọi cùng hành động tự do, tức cùng yêu như Ngài để có thể tri nhận cuộc hiển sáng của Ngài. Yêu và biết gắn kết đến nỗi, “tình yêu được xem như là ánh sáng của hiểu biết,” hay “hiểu biết là sự phát tỏa hiển sáng của tình yêu.” [34] Nhờ tình yêu, con người có thể biết Thiên Chúa. Thêm nữa, vì hữu biết vốn dĩ là sự thống nhất nơi cội nguồn, tức là con người đã phần nào đó biết về hữu trong khung trời siêu việt của mình, nên mặc nhiên con người đã có một tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Nhưng làm thế nào tình yêu ấy có thể lớn lên hoặc nhỏ lại? Rahner giải thích bằng cách nại đến quyết định tự do của con người.[35] Có nghĩa rằng tùy thuộc vào chọn lựa của con người mà cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong cuộc mạc khải có khả hữu hay không. Với mỗi phản ứng tự do trước các giá trị đơn lẻ, con người thiết lập cho mình trật tự tình yêu; và trật tự này có khớp với trật tự tình yêu đích thực được Thiên Chúa thiết lập hay không còn tùy thuộc vào tính đúng hay sai của mỗi phản ứng.

Với tự do, con người chọn hướng yêu cho mình. Và tùy mỗi hướng yêu, con người có thể hoặc không thể làm cho khả thể mạc khải thành sự. Tiếp tục giả thiết con người đã tự do tiếp nhận Lời bằng hướng yêu đúng đắn, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người sẽ đi đến hồi kết với cánh đồng ngày mùa, nơi mạc khải diễn ra.

6. Bước 5 [A’ – Mùa gặt]: Nơi diễn ra mạc khải

Đến đây, Rahner coi như đã thành công trong việc đặt nền cho triết học tôn giáo khi chứng minh được khả thể mạc khải. Vấn đề còn lại là chỉ ra nơi mạc khải diễn ra, nơi con người tìm thấy Thiên Chúa.[36]

Dĩ nhiên, “nơi chốn” của mạc khải khả hữu không thể được xác định theo cách mà nó giới hạn ngay từ đầu những khả thể của mạc khải. Tức là, con người không thể nhận biết nó như thể nó nói cho con người một cách tiên thiên nội dung của mạc khải thánh.[37] Tuy nhiên, “sự khai mở tuyệt đối với hữu phải là khoảnh khắc nội tại của nơi chốn mạc khải khả hữu này,” hay rõ hơn, “chính con người là nơi chốn của mạc khải khả hữu.”[38] Vậy ra, nơi gặp gỡ ấy không đâu khác hơn là chân trời siêu việt Vorgriff của con người vốn mở ra đến vô hạn với hữu tuyệt đối. Xa hơn, Rahner cho rằng nơi chốn của siêu việt con người vẫn luôn là nơi chốn lịch sử. Vì thế, nơi chốn của mạc khải khả hữu cũng luôn luôn và nhất thiết là lịch sử loài người.[39]

Với phương tiện tỏ lộ lời, Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại. Ngay từ đầu, Rahner đã khẳng định: Sự thống nhất tột cùng của hữubiết là tiền giả định cơ bản về mối tương giao của hữu tột bậc thuần túy trong “sự thánh thiêng” của nó với loài người qua cuộc chuyện trò, qua lời.[40] Nghĩa là cuộc mạc khải lời đã manh nha từ thuở đầu, và rồi được hiện thực hóa trong lịch sử nhân loại, với không gian và thời gian. Như thế, để con người có thể đón nhận mạc khải, Lời thánh thiêng phải hóa thành lời phàm trần để đi vào lịch sử nhân loại.[41] Vụ mùa mạc khải vì thế được thành toàn nơi cánh đồng lịch sử.

7. [Kết luận] Mở ra từ tác phẩm Kẻ Lắng Nghe Lời

Năm bước tiếp cận khả thể mạc khải được luận bàn trên đây đã khép lại, mở ra cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người. Tuy nhiên, năm bước ấy không biểu đạt một tiến trình tuần tự, trái lại, chúng chỉ giúp dễ đi vào cuộc gặp gỡ giữa kẻ lắng nghelời vốn là tương quan hai chiều mang tính lồng ghép và đan xen. Thêm nữa, cấu trúc đối ngẫu cân xứng đã được vận dụng trong bài viết nhằm nêu bật tính tương tác giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nơi đó, Thiên Chúa – chủ nhân của lời – chiếm vị trí trung tâm của câu chuyện mạc khải. Cặp đối xứng trong cùng minh họa chỗ đứng của con người, vừa chuẩn bị sẵn sàng, vừa tự do tiếp nhận lời. Cặp đối xứng ngoài cùng diễn tả cuộc gặp gỡ: một bên tiềm tàng với hữubiết, bên kia hiện thực nơi lịch sử loài người. Cuộc gặp gỡ giữa ân sủng và tự nhiên này không như hai bàn tay vỗ vào nhau nhưng như giọt mưa hòa tan vào biển lớn.

Sẽ không thỏa mãn với những ai mong tìm nơi Kẻ Lắng Nghe Lời luận chứng về hiện hữu của Thiên Chúa. Nếu có, đó chỉ là kinh nghiệm hiện sinh về provisional knowing đối với hữu. Chắc hẳn Karl Rahner chỉ ước mong đặt nền cho triết học tôn giáo của mình bằng việc đi tìm câu trả lời liệu mạc khải có khả hữu hay không. Như thế, xem ra ông đã giả thiết có Thiên Chúa rồi mới tiếp tục chứng minh khả thể mạc khải. Dầu vậy, Rahner thật tinh tế ở chỗ chỉ thừa nhận “khả thể” mạc khải, tức xác định mạc khải có thể diễn ra chứ không khẳng định nó chắc chắn diễn ra. Khởi đi từ nhân học siêu hình, Rahner đã đi sâu hơn vào khung trời siêu hình. Vụ mùa mạc khải vì thế vẫn tiếp tục mở ra, không theo trình tự thời gian nhưng đan xen và tương tác.

Sau cùng, phải chăng khả thể mạc khải của Rahner chỉ là suy biện hậu nghiệm thay vì trực giác tiên thiên? Có lẽ ngụp lặn trong bầu khí Ki-tô giáo, ông đã chịu ảnh hưởng từ chính niềm tin vào mạc khải qua nguồn Thánh Kinh và Thánh Truyền. Hay nói cách khác, dường như Rahner đã khởi đi từ mạc khải để tìm hiểu khả thể mạc khải bằng con đường triết học. Kẻ lắng nghe lời biết đâu lại chính là Rahner?

Tóm lại, với Kẻ Lắng Nghe Lời, Karl Rahner đã mở ra khả thể mạc khải để thiết lập cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa xét như chủ thể của lời hay chủ nhân của mạc khải vừa mang bản chất hiển sáng, vừa ẩn giấu và hoàn toàn tự do trong tư cách ngôi vị yêu thương để ngỏ lời với con người. Đối lại, con người đã tiềm tàng nơi mình một cái biết về Ngài, và đồng thời cũng mở ra với chân trời siêu việt ngưỡng vọng lên Ngài. Tuy nhiên, con người cũng có tự do để thông dự vào tình yêu của Thiên Chúa, tức là hành động với ý chí tự do để có thể tiếp nhận mạc khải. Dù không nói rõ, nhưng phải chăng những loại năng lực tiềm tàng, siêu việt và tự do của con người cũng được chính Thiên Chúa ban cho trong cuộc tạo sinh thuở đầu? Và chính khi các điều kiện từ hai phía được thỏa mãn, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người được thành toàn.

***

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Rahner, Karl, Hearer of the Word, Joseph Donceel dịch, New York: The Continuum, 1994
  2. Rahner, Karl, Hearers of the Word, Michael Richards dịch, New York: Herder & Herder, 1969
  3. Hồng, Đậu Văn, Giáo Trình Hữu Thể Luận, tập II [bản để sửa], lưu hành nội bộ.
  4. Thi, Vũ Uyên, S.J., “Đọc Tác Phẩm Hearer of the Word Trong Sự Đối Chiếu Với Kant” [chưa xuất bản], Thủ Đức: Học Viện Dòng Tên, 2008
  5. Tính, Nguyễn Hai, S.J., “Đức Tin Kitô Giáo Các Chiều Kích và Đặc Tính Quy Kitô,” đăng tại https://dongten.net/noidung/13716#_ftn3
  6. http://dict.tuchemnitz.de/dings.cgi?service=deen&opterrors=0&optpro=0&query=H%F6rer&iservice

[1] Danh từ Hӧrer trong tiếng Đức vừa là số ít, vừa là số nhiều. Nghĩa tương ứng của nó trong tiếng Anh là hearer(s), listener(s), student(s), receiver(s)…

http://dict.tu-chemnitz.de/dings.cgi?service=deen&opterrors=0&optpro=0&query=H%F6rer&iservice=, truy cập ngày 14.03.2017.

[2] Karl Rahner, Hearer of the Word, Joseph Donceel dịch (New York: The Continuum, 1994), 4.

[3] Rahner, 23.

“[…] a metaphysical anthropology in which we understood ourselves as the beings who, in our historical existence, look out for an eventual revelation of God.”

[4] Rahner, 23.

“[…] an ontology of humanity’s obediential potency for revelation […].”

[5] Rahner, 24.

“Metaphysics is the question about the being of beings as such […].”

Có lẽ Rahner muốn có một sự phân biệt tinh vi ở đây: hữu thể (beings) chỉ đến những thực thể đơn lẻ, trong khi hữu (being) nhằm ám chỉ thực tại uyên nguyên, đơn nhất và phổ quát.

[6] Rahner, 26.

Nhưng lời này có lẽ ít nhiều liên quan đến cặp phạm trù Form – Matter của Aristotle, vì thật ra Toma cũng đã vận dụng tư tưởng của Aristotle vào tư tưởng của mình.

[7] Rahner, 28, 30.

[8] Rahner, 29.

“First, when we inquire about being of all beings, we admit that we have already a provisional knowing about something in general. (…) Mysterious though it may be, the being we inquire about is also always already the being we know about. (…) In metaphysics being is always already known, we thereby implicitly affirm that all being is basically knowable or intelligible.”

[9] Rahner, 29.

[10] Rahner, 33.

“Knowing essentially takes place through the return of the knowing subject into itself; it is coming-to-oneself, a self-presence.”

[11] Rahner, 35.

[12] Rahner, 41.

“Human nature must possess an openness for the utterance of ultimate being in the luminous word.”

[13] Rahner, 41.

“To be human is to be an absolute openness for being, or, to say in one word, the human is spirit.”

[14] Tinh thần theo Hegel mặc lấy 3 hình thức: (1) tinh thần với tư cách là chủ thể, chăm lo cho hoạt động của tư tưởng; (2) tinh thần hiểu theo nghĩa đối thể được phô diễn ra; (3) tinh thần tuyệt đối, tinh thần tự phô diễn mình ra cho chính mình trong 3 phạm vi: nghệ thuật, tôn giáo và triết học.

Đậu Văn Hồng, Giáo Trình Hữu Thể Luận, tập II [bản để sửa], lưu hành nội bộ, 60.

[15] Karl Rahner, Hearers of the Word, Michael Richards dịch (New York: Herder & Herder, 1969), 49.

[16] Rahner, Hearer, 47.

“It is an a priori power given with human nature.”

[17] Rahner, Hearer, 65.

[18] Rahner, Hearer, 66.

[19] Giuse Vũ Uyên Thi, S.J., “Đọc Tác Phẩm Hearer of the Word Trong Sự Đối Chiếu Với Kant” [chưa xuất bản] (Thủ Đức: Học Viện Dòng Tên, 2008), 38.

[20] Rahner, Hearer, 64.

[21] Rahner, Hearer, 59.

[22] Rahner, Hearer, 66.

“Thus the evidence of metaphysics is based upon the necessity revealed in human existence.”

[23] Rahner, Hearer, 67.

“Only by resolutely assuming our own finiteness and thrownness do we find access to being’s true infinity.”

[24] Rahner, Hearer, 68.

[25] Rahner, Hearer, 69.

[26] Rahner, Hearer, 69-70.

[27] Rahner, Hearer, 71.

[28] Rahner, Hearer, 72.

“Through transcendence, as it occurs in us in its human form, we do not merely stand before the absolute being as semper quiescens [always at rest], but before the God for whose free activity with regard to us there still remain actual possibilities and in us the power of knowing them.”

[29] Rahner, Hearer, 72.

[30] Rahner, Hearer, 73.

“That is why, on account of our innermost nature, we cannot remain indifferent with regard to an eventual revelation of the living God.”

[31] Nguyễn Hai Tính, S.J., “Đức Tin Kitô Giáo Các Chiều Kích và Đặc Tính Quy Kitô,” đăng tại https://dongten.net/noidung/13716#_ftn3, truy cập ngày 13.03.2017.

[32] Rahner, Hearer, 80.

“Now, a free act is originally not so much the positing of something else, of something external, of some effect which is distinct from and opposed to the free act itself. It is rather the fulfillment of one’s own nature […]. Thus it is a coming to oneself, a self-presence in oneself.”

[33] Rahner, Hearer, 80.

“It can become luminous and understandable for another only when that other co-performs this act as free act, when the other loves it.”

[34] Rahner, Hearer, 81.

“Thus love is seen to be the light of knowledge,” and “knowledge is but the luminous radiance of love.”

[35] Rahner, Hearer, 85.

[36] Rahner, Hearer, 91.

[37] Rahner, Hearer, 92.

[38] Rahner, Hearer, 93-94.

“…the absolute openness for being as such must be an inner moment of this place of a possible revelation,” and “…that the only thing we can say about the place of a possible revelation is that we ourselves are to be this place.”

[39] Rahner, Hearer, 94.

[40] Rahner, Hearer, 41.

[41] Rahner, Hearer, 134.