Độc thân là một kỷ luật mà Mẹ Hội Thánh nối kết chức linh mục với chức giám mục. Trong lễ điển Latinh hay Giáo Hội Công Giáo Rôma, khi một người nam được gọi làm linh mục, người ấy cũng được mời gọi sống độc thân. Đó là hai lời mời gọi riêng biệt từ Thiên Chúa nhưng sánh đôi với nhau. Trong nửa cuối thế kỷ XX, đặc biệt là sau công đồng Vatican II, kỷ luật này đôi khi bị công kích và chỉ trích, do vậy, điều quan trọng là phải xác định được độc thân là gì. Độc thân là lời tuyên thệ chính thức và long trọng để không bao giờ kết hôn. Những người sống độc thân (cả nam và nữ) từ bỏ quyền kết hôn để hiến dâng hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội. Đức khiết tịnh (tiết chế không quan hệ tình dục) tất nhiên bao hàm trong đời độc thân, vì tình dục được dành riêng cho hôn nhân.

Trong ngôn ngữ thông thường hiện đại, các thuật ngữ này đã được dùng theo một kiểu đồng nghĩa. Tất cả mọi người, dù là độc thân, hay kết hôn, chịu chức thánh, hay được thánh hiến, tu sĩ, hoặc góa bụa, đều được mời gọi sống khiết tịnh theo bậc sống cụ thể của mình. Chẳng hạn, một người đàn ông đã có vợ phải kiềm chế những suy nghĩ hay ham muốn không trong sạch – cám dỗ anh ta phạm lời thề hôn nhân. Nhân đức khiết tịnh là lời mời gọi cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, độc thân là một ơn gọi từ Thiên Chúa để sống một lối sống kỷ luật đặc biệt. Nó không phải là một giáo điều của Giáo hội. Trong thời Giáo Hội sơ khai đã có các giáo sĩ đã kết hôn. Thật vậy, nhiều tông đồ (kể cả thánh Phêrô) đã lập gia đình.

Trong Giáo Hội Đông Phương, hoặc theo Công Giáo Byzantine ngoài Hoa Kỳ và Giáo Hội Chính Thống, các giáo sĩ có thể kết hôn, nhưng chỉ một lần và trước khi chịu chức. Tuy nhiên, một người Công Giáo Chính Thống hoặc Byzantine có ý định làm giám mục hoặc vào đan viện thì người ấy phải sống độc thân. Ngay cả các linh mục Anh Giáo và mục sư Tin Lành đã kết hôn chuyển sang Công Giáo cũng có thể được thụ phong linh mục và do đó trở thành những linh mục đã kết hôn, nhưng chỉ nếu họ đã kết hôn trước khi được phong chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Các giáo sĩ chưa lập gia đình từ các truyền thống Kitô Giáo khác có thể được phong chức linh mục Công Giáo nếu họ chuyển sang Công Giáo, nhưng một khi được phong chức, họ phải sống độc thân. Luật độc thân là quy tắc trong Giáo Hội Tây Phương (La tinh) kể từ thời công đồng Elvira (năm 306), và nó đã trở thành bắt buộc vào năm 1075 bởi Đức Giáo Hoàng Gregory VII. Giáo hội Đông Phương và Byzantine vẫn xem việc độc thân là một tùy chọn đối với các linh mục; đối với các giám mục, các ngài luôn xuất thân từ hàng tu sĩ khấn độc thân.

Đấng Cứu thế, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đã không kết hôn. Ngài không hề cưới Maria Magdalene hoặc bất cứ người phụ nữ nào khác; và giữa họ cũng không hề có chuyện tình cảm lãng mạn. Trái với những gì cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci kể, một thứ chuyện tưởng tượng hư cấu, và kỳ quặc. Đức Kitô không hề kết hôn, ngoại trừ một cách huyền nhiệm với Giáo Hội. Thánh Kinh không hề nói đến vợ của Chúa Giêsu, và Thánh Truyền vẫn bảo vệ quan điểm độc thân trần thế của Đức Kitô. Ngài là chàng rể và Giáo Hội là hiền thê thiêng liêng của Ngài. Theo cách thức siêu nhiên này, Chúa Giêsu, là Chúa và là Đấng Cứu Độ, là dành cho tất cả mọi người, mọi thế hệ và mọi chủng tộc cho đến tận thế. Một linh mục giữ kỷ luật độc thân là một người đang bắt chước Chúa Giêsu Kitô, linh mục thượng phẩm.

Quy chiếu Kinh Thánh kinh điển cho đời sống độc thân là thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu Cô-rin-tô 7: 32- 33, “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi.” Đoạn thánh thư này không có ý hạ thấp giá trị hôn nhân; đúng hơn, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để tâm hoàn toàn của linh mục vào Chúa và dân của Ngài trong trách nhiệm thánh thiêng của linh mục. Thánh Phaolô thực sự hiểu rằng linh mục sẽ phải là anh em và là cha của tất cả mọi người, chức linh mục không phải là một công việc hành chánh, mà là một ơn gọi bền bỉ phải sống cả đời.

Luật độc thân linh mục cung cấp một kỷ luật giúp các linh mục chú tâm trọn vẹn cho Chúa và cho Giáo Hội của Ngài. Việc giữ kỷ luật này nơi mỗi cá nhân linh mục như thế nào lại là một câu chuyện khác. Tất cả chúng ta có thể đã từng chứng kiến ​​các giáo sĩ đã kết hôn. Chúng ta cũng có thể đã từng thấy những lời khấn hứa và cam kết bị vi phạm, nhưng những bi kịch này không làm suy giảm ý nghĩa của  việc sống độc thân. Kỷ luật độc thân ngụ ý rằng linh mục, người hành động nhân danh Đức Kitô, đã kết hôn với Giáo Hội. Một linh mục được gọi là “Cha” vì ngài có nhiều con cái qua các bí tích. Ngài sinh ra con cái thiêng liêng qua bí tích Rửa Tội; ngài nuôi dưỡng con cái mình bằng bí tích Thánh Thể và chữa lành họ bằng bí tích Sám Hối và Xức Dầu.

Đòi hỏi độc thân linh mục có thể được Đức Giáo Hoàng tương lai thay đổi; tuy nhiên, suy xét các sinh hoạt hiện tại, đời sống giáo sĩ và chứng tá lớn lao mà đời sống độc thân bày tỏ về Nước Thiên Chúa, kỷ luật này sẽ còn duy trì trong nhiều năm. Nên lưu ý rằng không một linh mục nào từ bỏ một điều gì đó hoặc từ bỏ chính mình mà không nhận lại được những quà tặng thiêng liêng tuyệt vời và lớn lao hơn. Thật vậy, kỷ luật độc thân là một quà tặng cho phép linh mục chăm sóc cho một gia đình lớn hơn. Nó cũng đòi hỏi sự hy sinh. Hôn nhân cũng đòi hỏi sự hy sinh. Trong hôn nhân, người chồng hy sinh những ước muốn, đam mê và ý riêng của mình vì người bạn đời; và người vợ cũng vậy. Trong đời độc thân, linh mục tự nguyện từ bỏ đời sống gia đình để phục vụ Thiên Chúa và giáo dân, những người sẽ trở thành gia đình của ngài.

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 131-33.