Từ “luyện ngục” không có trong Kinh Thánh, mà ngay cả từ “kinh thánh” cũng vậy. Công Giáo không dựa trên tiền đề duy Kinh Thánh (sola scriptura), nhưng tìm thấy nhiều hạt giống giáo lý của mình trong nhiều đoạn văn Kinh Thánh cũng như trong Thánh Truyền. Những đoạn trong sách Ma-ca-bê quyển thứ 2 chương 12:42-46 là những đoạn quan trọng (Ma-ca-bê là một trong những sách Đệ Thứ Luật (Deuterocanonical books) không có trong Kinh Thánh Tin Lành nhưng bị liệt vào danh sách Ngụy Thư (Apocrypha; xem Câu hỏi 17): “Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng hy lễ tạ tội ; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng nếu ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông xin dâng hy lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.”

Chuyện đang diễn ra ở đoạn trích này là Giu-đa Macabê đã dẫn đầu một cuộc nổi dậy thành công chống lại Vua An-ti-ô-khô IV là Ê-pi-pha-nê của Siry-a từ năm 167 đến 160 trước CN. Một số người lính của ông đã hy sinh và người ta khám phá ra rằng một vài người trong số họ đeo những tấm bùa hộ mệnh quanh cổ như là một dấu chỉ của sự may mắn. Theo luật Mô-sê, những điều này hoàn toàn bị cấm, vì các điều răn cấm bất cứ ảnh tượng nào; mà những huy hiệu này lại có hình của một vị thần dân ngoại. Vì thế, những người lính này phạm tội thờ ngẫu tượng. Họ chết trong tội dù cho đã chết vì chiến đấu cho sự tự do của đồng bào và tôn giáo của họ.

Thay vì để mặc họ chết trong tội, 2 Macabê 12, 42-46 thuật lại việc Ma-ca-bê đã dâng hy lễ đền tội (khẩn cầu) cho những người lính đã hy sinh. Ông cũng đoan chắc rằng những hy lễ này được dâng để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho họ. Đây là một ví dụ về giáo lý liên quan đến việc cầu nguyện cho người đã qua đời. Lời cầu nguyện cho người đã qua đời chỉ tốt đẹp và cao quý khi chúng thực sự tạo ra một hiệu quả tốt cho các linh hồn. Nếu một người ở trong hỏa ngục, không lời cầu nguyện nào có thể cứu được họ; nếu họ đã ở trên thiên đàng, lời cầu nguyện không còn cần thiết nữa. Nhưng nếu có một nơi thứ ba, một nơi trước khi lên thiên đàng, nơi những người tội lỗi được thanh luyện và vào thiên đàng một khi đã được sạch, thì tại sao không gọi nơi ấy là luyện ngục (purgare trong tiếng La-tinh)?

Luyện ngục không phải là hoả ngục chờ phóng thích hay hoả ngục với một thời gian giới hạn. Nó không phải là một vùng biên của hoả ngục, đủ gần để ngửi thấy mùi hôi thối, nghe thấy tiếng khóc than, và cảm thấy sức nóng, nhưng đủ xa để rời khỏi đó khi thời gian đến. Đúng hơn, luyện ngục là vùng biên của thiên đàng, đủ gần để nghe giai điệu và tiếng hát thiên đàng, cảm nhận mặt trời ấm áp và ngọn gió tươi mát, và ngửi thấy hương hoa ngạt ngào, nhưng đủ xa để khát vọng và ước muốn cho một ngày được thực sự ở trên thiên đàng.

Luyện ngục không phải là một nhà tù linh hồn hay phòng tra tấn. Các linh hồn trong luyện ngục muốn ở đó giống như một bác sĩ phẫu thuật muốn tẩy sạch trước khi phẫu thuật và cũng như bệnh nhân muốn bác sĩ phẫu thuật tẩy sạch khi phẫu thuật. Đôi khi, cáu bẩn dưới các móng tay và cần một chút cố gắng để tẩy rửa nó. Đôi khi một vết bẩn cũ tốn thời gian tẩy rửa hơn vết bẩn mới. Luyện ngục là hình phạt tạm thời do hậu quả của tội. (Xem Câu hỏi 248)

Tội có thể phải trả bằng án phạt đời đời (hỏa ngục) hay tạm thời (luyện ngục). Những tội không thể tha thứ và những tội trọng đã được tha thứ vẫn còn một thứ dính bén nào đó – những ký ức luyến ái của tội nhân đối với những tội đã phạm. Luyện ngục là tình trạng thanh luyện nơi linh hồn tách mình ra khỏi những tội đã phạm. Niềm tin vào sự tồn tại của luyện ngục là một tín điều. Tuy nhiên, việc không ai hoặc mọi người đều phải xuống luyện ngục lại không phải là giáo lý của Giáo Hội. Vài người có thể chịu án phạt tạm thời ở đời này (người ta thường nói về những người này, “Anh ta chịu thanh luyện ở đời này”); người khác có thể phải thanh luyện ở đời sau.

Cảm giác khó chịu của luyện ngục là ở rất gần thiên đàng nhưng lại chưa hoàn toàn ở đó. Hy vọng và niềm vui của những người ở trong luyện ngục là biết chắc rằng một ngày nào đó họ sẽ được lên thiên đàng. Đó là một bảo đảm.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 79-80.