Tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng (papal infallibility) là một tín điều trọng thể được xác định tại Công đồng Vaticanô I (1868-1870). Công đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Lumen Gentium #25, Giáo luật số 749 của Bộ Giáo luật 1983 và Giáo Lý của Hội Thánh Công giao #891 giải thích tín điều này như sau: “Ðức Giáo Hoàng được hưởng quyền giáo huấn vô ngộ do chức vụ khi, với tư cách là mục tử và tôn sư tối cao của các tín hữu, để giúp họ giữ vững đức Tin, ngài khẳng định cách chung quyết phải tuân theo một đạo lý thuộc về đức Tin hay phong hóa”. Đặc sủng (quà tặng) bất khả ngộ được thực thi chỉ khi nào Đức Giáo Hoàng tuyên bố từ thượng tòa (ex cathedra) những gì về đức tin và phong hóa, hay khi ngài, cùng với tất cả các Giám mục trên thế giới, đưa ra một giáo huấn.

Tính bất khả ngộ không phải là không phạm tội (vô tội) và cũng không phải là sự thần hứng (mỗi một lời nói ra đều do ý muốn và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần). Không giống như sự linh hứng của Kinh Thánh, nơi Thiên Chúa hướng dẫn các thánh ký chỉ viết những gì Ngài muốn họ viết, tính bất khả ngộ chỉ muốn nói rằng giáo huấn được tuyên bố không hề có bất cứ một sai lầm nào về tín lý hoặc luân lý. Giáo huấn hoàn toàn đúng đắn và không mâu thuẫn với những gì đã được xác định là đúng về đức tin và luân lý. Tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng có nghĩa là người Công giáo tin rằng Đức Giáo Hoàng không thể đưa ra một giáo huấn phổ quát cho các tín hữu mà giáo huấn đó lại có thể sai lầm được.

Điều này không có nghĩa là mọi ý tưởng hay phán xét, quan điểm, quyết định của Đức Giáo Hoàng đều được linh hứng hoặc luôn luôn đúng. Điều này cũng không có nghĩa là về mặt cá nhân Đức Giáo Hoàng không thể không phạm sai lầm hoặc phạm tội, vì lịch sử đã chứng minh cho ta thấy nhiều ví dụ. Phạm sai lầm là đưa ra một phán đoán tệ hại, như khi phải nói gì hoặc làm gì, khi nào và như thế nào. Tính bất khả ngộ không tác động đến các phán đoán khôn ngoan hoặc thậm chí cả tri thức khoa học hoặc triết học. Nhưng đúng hơn, tính bất khả ngộ chỉ đơn thuần có nghĩa là Chúa Thánh Thần bảo vệ Giáo hội và Đức Giáo Hoàng để không đưa ra bất kỳ một giáo huấn sai lầm nào về đức tin và luân lý nếu giáo huấn đó được áp dụng cho toàn Giáo hội phổ quát.

Dù Đức Giáo Hoàng ủng hộ đội tuyển Đức hay Ý tại World Cup thì chẳng có liên quan gì đến tính bất khả ngộ. Ý kiến ​​cá nhân của ngài về các chính sách quân sự, kinh tế hoặc chính trị vẫn có thể sai lầm. Chỉ khi ngài nói với tư cách là mục tử và thầy dạy tối cao thì tính bất khả ngộ về một giáo huấn luân lý hoặc tín lý mới xảy ra. Hai ngàn năm qua, chỉ có hai vị Giáo Hoàng thực hiện điều này: Đức Piô IX vào năm 1854 khi ngài xác định tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và Đức Piô XII vào năm 1950 khi ngài xác định tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.

Tính bất khả ngộ thông thường của Đức Giáo Hoàng (Ordinary papal infallibility) được thực hiện khi các ngài chính thức giảng dạy cho Giáo hội hoàn vũ những gì đã được các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm và các Giám mục trên thế giới hợp nhất với Đức Giáo Hoàng dạy dỗ một cách nhất quán và vững bền. Khi Đức Gioan Phaolô II tuyên bố vào năm 1994 (Ordinatio Sacerdotalis) rằng phụ nữ không thể được truyền chức hay lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, đây là một giáo huấn không thể sai lầm nhưng không phải là giáo huấn được tuyên bố từ thượng tòa (ex cathedra). Đây chỉ là một sự phân biệt mang tính kỹ thuật nhưng chính xác. Các tuyên bố từ thượng tòa là Huấn Quyền đặc biệt của Đức Giáo Hoàng. Bởi vì cho đến nay chỉ có hai tín điều được tuyên bố từ thượng tòa, điều này cho thấy tuyên bố từ thượng tòa là rất đặc biệt và hiếm xảy ra như thế nào. Huấn Quyền thông thường của Đức Giáo Hoàng lại thường xuyên và “thông thường” hơn, và như trong trường hợp của Ordinatio Sacerdotalis, nội dung giảng dạy hoặc giáo huấn là không thể sai lầm nhưng tự nó không phải là một tuyên bố đặc thù. Mọi người phải lấy ý chí và lý trí mà kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Đức Giáo Hoàng, dù khi ngài không tuyên bố từ thượng tòa, như được giải thích trong Hiên Chế Lumen Gentium #25 của Công đồng Vaticanô II và trong Giáo luật #752 và #892 của Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *