Tượng thánh giá (crucifix) là những thánh giá (cross) có tượng chịu nạn (thân xác) của Chúa Giêsu để tượng trưng cho biến cố lịch sử Ngài đã bị đóng đinh vào thập giá. Chỉ một mình thánh giá, không có tượng chịu nạn, đã là biểu tượng của Kitô giáo từ thời xa xưa. Chính công cụ thi hành án tử hình và sự tra tấn khủng khiếp của Đế chế La mã ngoại giáo đã trở thành biểu tượng về Đấng Cứu Thế bị đóng đinh đầy yêu thương và tha thứ.

Người Công giáo không phải là những Kitô hữu duy nhất sử dụng thánh giá trong nhà thờ để thờ phượng mang tính cộng đồng hoặc trong nhà riêng vì lòng đạo đức cá nhân. Các Kitô hữu Chính Thống giáo Đông Phương, Anh giáo (thuộc thể chế Giám mục – Episcopalian) và Tin Lành Luther cũng sử dụng thánh giá, trong khi hầu hết các Kitô hữu Tin Lành Cải Cách sẽ chỉ có một cây thánh giá và không bao giờ có tượng chịu nạn. Những người chống tượng thánh giá coi đó là một sự phủ nhận bệnh hoạn đối với sự Phục Sinh (và một số người cực đoan thậm chí coi đó là thờ ngẫu tượng), trong khi ý định thực sự của những tôn giáo Kitô sử dụng tượng thánh giá là để nhắc nhở các tín hữu rằng Chúa Giêsu thực sự và đích thật đã chết một cái chết khủng khiếp để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Sự Phục Sinh không bị phủ nhận nhưng chỉ muốn nhấn mạnh đến cuộc Khổ Nạn và Cái Chết; cách đặc biệt trong thần học Công giáo, chính nơi bàn thờ, Thánh Lễ được coi là sự tái hiện không đổ máu của đồi Canvê.

Mục đích chính của tượng thánh giá không phải là để gây sốc hoặc làm các tín hữu sợ hãi, nhưng để nhắc nhở họ về cái giá chung cuộc phải trả cho phần rỗi của họ. Giá cứu chuộc rất đắt đỏ. Chúa Giêsu đã hy sinh chính mạng sống của Ngài, cũng như Ngài đã chịu đựng một cái chết đau đớn và khủng khiếp để chúng ta có thể lên thiên đàng. Tượng thánh giá giúp chúng ta nhận ra một thực tế rằng tội lỗi đã khiến chúng ta bị hư mất và chỉ có cái chết của Đấng Cứu Thế mới có thể cứu chúng ta. Cử hành việc thờ phượng vào Chúa Nhật (chứ không phải vào ngày Sabát, tức thứ Bảy) và gọi đó là ngày của Chúa là cách mà các Kitô hữu tôn kính sự Phục Sinh.

Thánh giá bắt đầu xuất hiện trong nghệ thuật và phượng tự Kitô giáo ngay sau khi tôn giáo này được hợp pháp hóa bởi Hoàng đế La mã Constantine vào năm 313 s.C.N với Chiếu chỉ Milan. Tuy nhiên, thánh giá đã không trở nên phổ biến và thông dụng cho đến thế kỷ V s.C.N, khi Đế chế La mã sụp đổ (năm 476 s.C.N). Cái gọi là Thời Kỳ Đen Tối đã bắt đầu bởi các cuộc xâm lược của người Barbarian và Cái Chết Đen (Bệnh Dịch Hạch) vào giữa thế kỷ XIV khiến nhiều người trong thời Trung cổ khao khát được giải thoát khỏi trái đất này cùng với tất cả những đau đớn và khổ sở của nó. Tuy nhiên, việc nhìn ngắm và chiêm niệm tượng thánh giá đã giúp nhiều người kiên trì trong thời gian thử thách và gian khổ. Mệnh lệnh của Đức Kitô trong Maccô 8:34 hãy vác thập giá mình mà theo Ngài được nhắc nhở một cách sâu sắc ở bất cứ nơi nào tượng thánh giá được trưng bày. Như Thánh Phaolô đã nói trong chương thứ sáu của thư tín gửi tín hữu Rôma: “Con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô” và “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta”. Tượng thánh giá không chỉ nhắc nhở chúng ta rằng Đức Kitô đã chết, mà chúng ta cũng phải “chết cho chính mình”; cái tôi của chúng ta phải chết đi để Đức Kitô có thể hiển trị nơi đó. “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi “(Galát 2:19-20).

Khi được đặt trong bối cảnh với những gì Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói trong Tin Mừng: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”(Gioan 3:30), việc chết cho chính mình được các Kitô hữu Công giáo coi là cái chết của cái tôi – buông bỏ ý mình để mặc lấy thánh ý Thiên Chúa. Tượng thánh giá nhắc nhở các tín hữu về giá trị của tình yêu hiến tế.

Hầu hết các tượng thánh giá đều có một dấu hiệu phía trên tượng Chúa Kitô bằng dòng chữ INRI. Đây là những chữ viết tắt của của một câu Latinh IESVS NAZARENVS REX IVDAEORVM (không có chữ “U” trong tiếng Latinh cổ, vì vậy chữ “V” được dùng để thay thế) có nghĩa là: GIÊSU NADARÉT, VUA DÂN DO THÁI (xem Gioan 19:19). Phongxiô Philatô đã ra lệnh dán tấm biển này bằng tiếng Latinh, tiếng Hípri và tiếng Hy Lạp.

Các tượng thánh giá của Công giáo Byzantine và Chính Thống giáo Đông Phương có thêm một điểm khác biệt – một thanh ngang ngắn (đại diện cho dấu hiệu INRI) ngay phía trên chỗ giao nhau giữa thanh ngang chính và thanh thẳng đứng, và một thanh ngang ngắn nữa ở phía dưới (chỗ bệ để chân).

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *