Thánh Lễ và bảy bí tích không được đem ra buôn bán, cũng như thừa tác viên không được tính phí khi cử hành bí tích. Nếu không, đó sẽ là tội mại thánh (simony). Tội mại thánh là tội khi ai đó yêu cầu phải trả tiền cho một hình thức phục vụ tôn giáo hoặc cố gắng bán các ơn ích thiêng liêng, ơn sủng, phép lành hoặc bí tích. Bổng lễ là sự đóng góp của các tín hữu cho linh mục cử hành Thánh Lễ với một ý lễ cụ thể do người xin lễ yêu cầu, hoặc để chỉ cho linh hồn của một người đã qua đời (Thánh Lễ được dâng vào ngày tạ thế của một người thân yêu, của một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè; hy vọng rằng nếu linh hồn của họ ở trong luyện ngục, Thánh Lễ này sẽ có thể giúp được họ cách nào đó) hoặc vì lợi thiêng liêng của một người còn sống. Bổng lễ không phải là tiền boa, thuế, lệ phí, hoặc chi phí bởi vì Thánh Lễ không thể được mua hoặc bán (nếu không sẽ phạm tội mại thánh). Hầu hết các bản tin của giáo xứ đều liệt kê các Thánh Lễ hàng ngày và thời gian với tên của một người cụ thể. Tên đó là ý lễ được yêu cầu bởi người xin lễ. Linh mục dâng Thánh Lễ cầu nguyện cách riêng cho người đó, còn sống hay đã qua đời.

Thực hành quyên góp tiền xin lễ bắt đầu khi Đế chế La mã hợp pháp hóa Kitô giáo vào năm 313 s.C.N với Chiếu chỉ Milan dưới thời Constantine. Các giáo sĩ được miễn nghĩa vụ quân sự và để các ngài không phải lang thang tìm kiếm công ăn việc làm thế tục nuôi thân, dân chúng bắt đầu tự sáng kiến tặng một món tiền khiêm tốn cho linh mục để tỏ lòng biết ơn vì đã cử hành Thánh Lễ theo ý họ xin.

Một vài hành vi lạm dụng ngay lập tức buộc Giáo hội phải ban hành luật nghiêm khắc để kết án việc buôn bán bổng lễ, tức là linh mục cử hành một Thánh Lễ nhưng lại thu nhiều bổng lễ hoặc quà tặng như thể vị ấy đang dâng nhiều Thánh Lễ riêng lẻ vậy. Mỗi linh mục chỉ được phép nhận một bổng lễ mỗi ngày và cho một Thánh Lễ. Nếu linh mục cử hành hai Thánh Lễ trở lên trong một ngày, thì phải nộp những bổng lễ dư ra cho giáo phận hoặc để làm bác ái. Linh mục không được từ chối dâng lễ nếu người xin lễ không gởi bổng lễ hoặc không có tiền để gởi. Tại các giáo xứ ở Hoa Kỳ, mức chi tiêu thông thường là 10 đô. Và vì các linh mục cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, nên các ngài có thể được nhận ba mươi bổng lễ cho một tháng.

Giáo phận biết rằng mỗi linh mục đều nhận được một bổng lễ cho mỗi Thánh Lễ hàng ngày; mức lương thông thường của linh mục sẽ được cân nhắc và các ngài sẽ nhận được tiền lương hàng tuần, hai tuần một lần hoặc hàng tháng để chi tiêu sinh hoạt. Các linh mục triều dùng tổng thu nhập này để trả thuế, mua quần áo, thanh toán tiền mua xe cho ngân hàng, trả tiền bảo hiểm ôtô, v.v.

Đóng góp tự nguyện (jura stolæ) là những khoản đóng góp hoặc dâng cúng quảng đại hơn của tín hữu dành cho các linh mục hoặc phó tế để tỏ lòng biết ơn và trân trọng lòng tốt của các vị này. Những khoản đóng góp này thường được tặng trong những dịp ma chay cưới hỏi, rửa tội, làm phép nhà, v.v, và mức độ của khoản đóng góp tùy theo quyết định của người dâng tặng. Các linh mục và phó tế bị cấm yêu cầu hoặc đòi hỏi những khoản đóng góp này, nhưng theo phong tục và quy ước hiện nay, hầu hết người Công giáo đều nhận thấy mức lương của các giáo sĩ eo hẹp như thế nào, và những “món quà” này được đánh giá rất cao. Chỉ các linh mục tu sĩ (phân biệt giữa tu sĩ nam nữ và các giáo sĩ triều) khấn khó nghèo mới không sở hữu gì và không phải trả thuế. Các giáo sĩ triều không tuyên khấn khó nghèo và được trả một mức lương rất khiêm tốn. Bổng lễ và những quà tặng trong lễ cưới, rửa tội giúp các ngài thanh toán các chi phí phát sinh không có trong tiền lương. Các giáo sĩ triều phải đóng thuế liên bang, tiểu bang, địa phương và an sinh xã hội, đồng thời thường phải nộp thuế ước tính mỗi năm. Một số giáo phận đã loại bỏ tất cả các bổng lễ và các khoản đóng góp tự nguyện bằng cách chuyển tất cả các đóng góp và dâng cúng của giáo dân cho giáo xứ hoặc thùng tiền hỗ trợ người nghèo, và thay vào đó sẽ trao cho các giáo sĩ một mức lương khiêm tốn nhưng hợp lý.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *