Các Giêsu hữu là những linh mục Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên), một dòng tu được thành lập bởi Thánh Inhaxiô thành Loyola vào năm 1540 s.C.N. Ngài từng là một người lính Tây Ban Nha (sinh năm 1491), và ở tuổi ba mươi đã bị thương trong một trận chiến bởi một viên đại bác làm gãy chân phải. Vì không có tivi, rađiô, Internet, điện thoại di động, hoặc Ipod, Thánh Inhaxiô được tùy ý đọc bất cứ thứ gì sẵn có trong suốt thời gian hồi phục và dưỡng thương lâu dài của mình. Tất cả các sách mà các nữ tu trao cho ngài là Kinh Thánh và Hạnh Các Thánh. Vì chân của ngài đã không được chữa trị đúng cách, các bác sĩ phải bẻ gãy chân ra một lần nữa (không có thuốc gây mê) và sắp xếp lại các xương. Điều đó có nghĩa ngài có thêm thời gian dưỡng thương. Thế nên, ngài cũng đọc nhiều hơn.

Trong quá trình hồi phục, Thánh Inhaxiô đã xác quyết rằng tốt hơn là nên trở thành chiến sĩ của Đức Kitô thay vì chỉ là một chiến sĩ cho các vua chúa trần gian. Khi sức khỏe đã hoàn toàn hồi phục, ngài đã dành cả đêm để cầu nguyện; và sau khi làm việc xưng tội chung, cũng như theo truyền thống của tinh thần hiệp sĩ, ngài đã quỳ gối trước đền thờ Đức Mẹ để bày tỏ lòng biết ơn vì đã giúp ngài hồi phục. Ngài đã từ bỏ dao kiếm và tặng bộ đồ đắt tiền của mình cho người nghèo. Sau đó ngài bắt đầu lập một dòng mới trong Giáo hội, Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên).

Khẩu hiệu của Thánh Inhaxiô và các Giêsu hữu là ad majorem Dei Gloriam (cho vinh danh Chúa hơn). Dòng Tên được thành lập nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của Giáo hội. Ngoài việc tuyên khấn ba lời khuyên phúc âm (khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục), họ cũng tuyên thệ lời khấn thứ tư là hoàn toàn vâng phục và phục vụ Giám mục Rôma (Đức Giáo Hoàng). Lời khấn thứ tư này khiến các Giêsu hữu có biệt danh là “lính bộ binh của Đức Giáo Hoàng” hoặc “những chiến sĩ tinh nhuệ của Đức Giáo Hoàng”. Họ không bao giờ thực sự chiến đấu trong quân đội để bảo vệ Lãnh địa Giáo Hoàng, nhưng đã chiến đấu trong những cuộc chiến thiêng liêng để tiêu diệt lạc giáo và bảo vệ các giáo thuyết chính thống của Công giáo.

Khi cuộc Cải Cách Công giáo diễn ra như là kết quả của Công đồng Trentô (1545-1563) để thực thi các sắc lệnh của Công đồng (vốn để giải quyết những lạm dụng trong Giáo hội được những Nhà Cải Cách Tin Lành phanh phui và để bác bỏ những giáo thuyết sai lầm mà những Nhà Cải Cách Tin Lành đã tạo ra), các Giêsu hữu đã sẵn sàng và hào hứng lao vào làm việc. Sử dụng những công cụ như Linh Thao và vì luôn đảm bảo rằng mọi thành viên của Dòng Tên đều được giáo dục và huấn luyện kỹ lưỡng nhất (lấy bằng cấp cao nhất có thể), họ đã có thể đi loan báo cũng như giảng dạy một cách hiệu quả và thuyết phục khắp Châu Âu. Thậm chí ngày nay, nhiều trường và đại học có uy tín nhất cũng được thành lập và điều hành bởi các Giêsu hữu.

Sự thành công trong việc truyền giáo của các Giêsu hữu ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ Latinh, cùng với sự trung thành mãnh liệt của họ đối với Rôma đã nổi tiếng đến độ cuối cùng họ bị tấn công và nghi ngờ theo cùng một cách thức như Hội Opus Dei phải chịu ngày nay. Dòng đã bị giải thể bởi Đức Clêmentê XIV vào năm 1773 sau khi Bồ Đào Nha, Pháp, Vương quốc Hai Sicilia, Parma, và Tây Ban Nha trục xuất họ vào năm 1767. Hội dòng bị giải thể không phải vì lạc giáo hoặc bởi bất kỳ hoạt động trái luân thường đạo lý nào, nhưng đúng hơn là bởi sự đố kỵ về kinh tế đối với những “mối liên hệ” mà các Giêsu hữu đã thiết lập khắp thế giới nhờ công cuộc truyền giáo của họ. Trong quá khứ, số phận tương tự cũng đã từng xảy ra đối với Dòng Hiệp Sĩ Đền Thờ khi Vua Pháp (Philip IV) tịch thu tài sản của họ để bù vào ngân khố trống rỗng, và cáo buộc họ khiến hội dòng bị giải thể, trớ trêu thay, cũng bởi một vị Giáo Hoàng Clêmêntê, Đức Clêmêntê V, vào năm 1314. Đức Giáo Hoàng Piô VII đã khôi phục lại Dòng Tên vào năm 1814.

Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên đôi khi được gọi là “giáo hoàng đen” vì chiếc áo dòng màu đen thường được các Giêsu hữu mặc và cũng ám chỉ đến sức ảnh hưởng của Dòng Tên trong Giáo hội.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *