Charlemagne (Carolus Magnustrongtiếng Latinh) và Carloman là các hoàng tử của Pippin, vua xứ Franks. Khi vua cha qua đời, quyền cai trị lãnh thổ của vương quốc được chia đều cho hai hoàng tử. Sau cái chết của Carloman, Charlemagne đã thừa hưởng những lãnh thổ còn lại. Lúc này, dân Lombards (một tộc người Đức có nguồn gốc ở phía Bắc Âu) đã không ngừng xâm phạm Lãnh địa Giáo Hoàng (Papal States). (Ghi chú về Lãnh địa Giáo Hoàng: có một thời gian trong lịch sử, Đức Giáo Hoàng là nhà cầm quyền không chỉ về mặt thiêng liêng mà còn về mặt thế tục. Sau khi Đế quốc La mã bị chia cắt bởi người Goths và Vandals, lãnh thổ xung quanh Rôma nằm dưới sự cai trị của các Đức Giáo Hoàng, cho nên xuất hiện thuật ngữ Lãnh địa Giáo Hoàng. Trước đó nhiều năm, Hoàng đế đã di chuyển sang Constantinople, thủ phủ của Đế chế Đông Phương. Ở Tây Phương, các vương quốc nhỏ hơn đã phát triển. Lãnh địa Giáo Hoàng vẫn tồn tại cho đến biến cố thống nhất nước Ý bắt đầu vào những năm 1870. Lãnh địa này chính thức kết thúc với Hiệp ước Lateran, Mussolini thừa nhận vùng đất xung quanh Vatican như một quốc gia độc lập.)  

Đức Giáo Hoàng Hadrian đã thỉnh cầu Charlemagne giúp giải quyết vấn đề người Lombard. Charlemagne đã băng qua dãy Alps và đánh bại chúng. Sau chiến thắng ấy, ngài đến Rôma và đã nhận được nhiều trọng vọng của Đức Giáo Hoàng. Sự can thiệp của Charlemagne đã mang lại cả những kết quả tốt lẫn hậu quả xấu trong Giáo hội. Hệ quả tốt đầu tiên là việc các kẻ thù của Đức Giáo Hoàng đã bị tiêu diệt và bất kỳ kẻ thù nào trong tương lai của Lãnh địa Giáo Hoàng cũng sẽ phải chiến đấu với Đế quốc Frank. Thứ hai, thời ấy có một tôn giáo mới được thành lập từ vùng Ả Rập (Hồi giáo) đang bắt đầu càn quét qua vùng Bắc Phi và đi vào Tây Ban Nha. Nhờ sự tập quyền của Charlemagne và sự bành trướng vương quốc của ông, Kitô giáo đã được bảo vệ.

Nhưng cũng có những hậu quả xấu. Charlemagne đã không biết cách tách biệt việc quản trị ra khỏi công việc của Giáo hội. Ông không ngừng can thiệp vào chuyện của Giáo hội và cho rằng ông có quyền làm như vậy. Ông tỉ mỉ điều khiển mọi thứ, từ việc bổ nhiệm Giám mục cho một giáo phận đến việc thâu nhận các ứng sinh cho tu viện. Từ quan điểm quân sự và thậm chí chính trị, Đức Giáo Hoàng luôn tỏ ra nhân nhượng với vua. Sau đó, khi có nhiều vị quân vương Công giáo nổi lên ở các quốc gia khác nhau, một bất cập đã xuất hiện: Đức Giáo Hoàng sẽ đứng về phía nào?

Dù sao đi nữa, người kế vị của Hadrian, Đức Giáo Hoàng Lêô III, đã bị các kẻ thù đánh cho một trận thừa sống thiếu chết vào năm 799. Một lần nữa, Charlemagne đã ra tay giải cứu bằng cách sắp đặt một vệ sĩ bên cạnh Đức Giáo Hoàng. Sau đó, vua đã đến Rôma và tham dự Lễ Giáng Sinh ở Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, nơi Đức Giáo Hoàng Lêô III đã tôn phong ngài là Hoàng đế. Charlemagne đã được tôn vinh là Hoàng đế mới của Đế chế Rôma Thần Thánh, vốn là một di tích của Đế chế La mã cũ, và ngài được ban cho quyền được hiện diện ở các cuộc bầu cử Giáo Hoàng cũng như có thẩm quyền trên toàn thành phố Rôma và Lãnh địa Giáo Hoàng.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *