Lúc đầu, những cuộc Thập Tự Chinh được các Kitô hữu kêu gọi nhằm lấy lại từ tay Hồi giáo các nơi thánh của Kitô giáo ở Đất Thánh. Đạo Hồi khởi đầu vào thế kỷ VII trong vùng đất mà ngày nay gọi là Ả Rập Saudi. Hồi giáo lan rộng khắp vùng Cận Đông cho đến Địa Trung Hải. Các quốc gia, vốn đã từng là Kitô hữu, đã ngã xuống bởi đao kiếm và theo Hồi giáo. Phần phía Đông của Đế chế Rôma (Đế chế Byzantine với nền móng là Constantinople) bị đe dọa bởi sự xâm lăng của Hồi giáo hoặc Đế chế Ottoman. Cuối cùng, Constantinople đã sụp đổ và trở thành thành phố Istanbul.

Đầu tiên, người Hồi giáo ở Palestine tỏ ra hòa nhã với các Kitô hữu đi hành hương đến các đền thánh, vốn là những nơi ghi khắc lại các dấu tích khác nhau của cuộc đời Chúa chúng ta. Những người Hồi nắm quyền đã nhận ra đó là một mối lợi tài chính và vì thế các Kitô hữu đã được đối xử khoan dung. Tình trạng này chẳng được bao lâu. Một bộ tộc hiếu chiến, những người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc bộ tộc Seljuk, đã xâm lăng Palestine. Như mọi người Hồi sùng đạo, họ không thể chịu được sự tồn tại của các Kitô hữu trong vùng đất của họ. Những báo cáo về các nhà thờ và nơi thánh bị thiêu rụi, các Kitô hữu bị giết hại và tất cả các loại bách hại khác đã đến tai của các Kitô hữu Tây Phương. Dựa trên các thỉnh nguyện từ Hoàng đế Kitô hữu Byzantine, Đức Giáo Hoàng Urban II và vua nước Pháp, trong Công đồng Clermont, đã kêu gọi mọi Kitô hữu cầm lấy vũ khí nhằm đoạt lại Giêrusalem từ tay những kẻ ngoại đạo. Phần thưởng cho những hy sinh của họ sẽ là sự chúc lành của Thiên Chúa.

Đã có chính yếu tám cuộc Thập Tự Chinh hết thảy. Cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên được xem là thành công nhất. Nó hợp nhất giới hoàng thân quốc thích, giới quý tộc, giới giáo sĩ và người dân nói chung. Cuộc Thập Tự Chinh này đã hoàn thành mục tiêu đề ra: giải phóng Giêrusalem và lấy lại các nơi thánh của Kitô hữu ở Palestine. Sau đó, xuất hiện những thành-bang Kitô giáo và những người hành hương một lần nữa đã có thể du hành vào vùng đất ấy. Constantinople, vốn nằm ngay trước mặt Đế chế Hồi giáo, đã được giải phóng. Tuy nhiên, điều này chỉ duy trì được một thời gian ngắn. Vào năm 1270, nhiều thành quả đạt được từ cuộc Thập Tự Chinh đã bị mất và Giêrusalem một lần nữa lại rơi vào vòng kiểm soát của Hồi giáo.

Nếu xét như một chiến dịch quân sự, những cuộc Thập Tự Chinh được xem như thất bại. Thế nhưng, chúng lại thành công ở những khía cạnh khác. Đầu tiên, chúng hợp nhất mọi người vì một lý do thiêng liêng – để cứu lấy Đất Thánh. Thứ đến, chúng đem lại cho Tây Phương những đồ vật chất lượng hơn đến từ Đông Phương, chẳng hạn các loại tơ lụa và gia vị. Thêm nữa, những bản văn cổ của triết gia Aristotle đã được tái khám phá, được chuyển ngữ, và chúng khơi dậy một sự phát triển triết học ở Tây Phương. Cuối cùng, các cộng đoàn Kitô hữu, chẳng hạn cộng đoàn Maronites ở Lebanon, đã tái liên kết với giáo triều.

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 270.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *