Lòng đạo đức là một trong bảy ơn Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Rửa Tội và được củng cố trong bí tích Thêm Sức. Những ơn này giúp ta tuân theo sự ảnh hưởng và gợi hứng của Thiên Chúa. Cùng với ơn hiểu biết, lo liệu, khôn ngoan, sức mạnh, và kính sợ Thiên Chúa, những ơn này khiến chúng ta ngoan ngùy với chuyển động của ơn sủng. Lòng đạo đức chính là sự tôn kính, giúp chúng ta thờ phượng Thiên Chúa.

Không nên nhầm lẫn lòng đạo đức với “phái mộ đạo” (pietism), vốn là một phong trào Luther phát xuất từ Đức vào cuối thế kỷ XVII. Mục sư Jacob Spener tìm cách khôi phục và làm sống dậy lòng sốt sắng của Kitô hữu bằng cách thúc đẩy đời sống thiêng liêng cá nhân nhờ việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Phong trào này cũng ảnh hưởng đến các giáo phái khác, chẳng hạn như Giạo hội Giám Lý (Methodists).

Lòng đạo đức cũng có thể là sự sùng kính. Bên cạnh Thánh Lễ, các Kitô hữu cũng bày tỏ niềm tin của mình vào Thiên Chúa bằng nhiều hình thức thực hành tôn giáo, như cầu nguyện với Chúa Giêsu, Đức Maria, các thánh và thiên thần; tôn kính các thánh tích của các thánh, các lời cầu nguyện, và các kinh cầu; viếng mộ thánh; rước kiệu; đọc kinh Mân Côi; và đi đàng thánh giá. Lòng đạo đức kéo dài đời sống phụng vụ của Giáo hội, nhưng không bao giờ thay thế được.

Lòng đạo đức cũng được coi trọng trong Giáo hội. Đã từng có nhiều phong trào đạo đức trong Giáo hội. Phong trào đan tu bắt đầu ở Ai Cập sau sự sụp đổ của La mã và chú trọng vào từng ẩn sĩ riêng lẻ. Nhiều tín đồ đã tìm đến những nơi xa lánh khỏi nền văn minh để ở một mình với Chúa. Mục đích là để có được tương quan sâu xa hơn với Thiên Chúa nhờ vào sự cô tịch của mình.

Ở phương Tây, đan viện đã mặc lấy một hình thức khác – cộng đoàn. Thánh Benêđictô Cả được coi là đấng sáng lập đan viện phương Tây với cách phân chia thời gian của mình. Ngài chia thời gian biểu của các đan sĩ thành các giờ làm việc, các giờ cầu nguyện và các giờ nghỉ ngơi. Vào cuối thời Trung cổ, có một phong trào suy tư và cầu nguyện triệt để nổi lên là “Devotio Moderna” (Tân Mộ Đạo). Các Kitô hữu đã chán với những diễn đạt mang tính trí thức cao và phức tạp về đức tin vốn dường như quá xa vời đối với cuộc sống thường nhật của họ. Trào lưu mới này đã đưa ra một loại hình thiêng liêng dễ cảm thụ, đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của người Kitô hữu. Một trong những tác phẩm kinh điển nhất của phong trào này là Gương Chúa Kitô do Thomas A. Kempis biên soạn. Tác phẩm này nhấn mạnh rằng linh đạo đích thực chính là việc noi gương Chúa Kitô bằng cách suy niệm đời sống trần thế thánh thiện của Ngài.

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 262-263.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *