Phải chăng việc tuân giữ Mười Điều Răn là tất cả những gì Thiên Chúa yêu cầu chúng ta? Không! Tránh tội là điều tốt và cần thiết cho hạnh phúc ở đời này và đời sau; tuy nhiên, tránh tội chỉ là một nửa của phương trình. Nếu bạn đi gặp bác sĩ và được thông báo tin vui rằng bạn không có bệnh, phải chăng điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn khỏe mạnh? Không bị bệnh hay thương tật là điều rất quan trọng, nhưng bất kỳ bác sĩ giỏi nào cũng sẽ dặn bạn phải trau dồi những hành vi lành mạnh. Nếu không muốn điều tiêu cực thì phải thêm vào những điều tích cực. Tập thể dục, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý sẽ thúc đẩy và duy trì sức khỏe tốt, cũng như sẽ giúp chống lại bệnh tật. 

Cả làm việc lành  tránh điều ác cùng tạo nên toàn bộ phương trình. Nếu chỉ có một vế thì sẽ không đủ. Chúng ta phải làm cả hai, giống như phải tránh những gì không lành mạnh và làm những gì có lợi cho sức khỏe để giữ cho cơ thể ở trạng thái tối ưu. Hãy xem tội lỗi như căn bệnh của linh hồn. Tội trọng là tội khiến người ta chết đi vì nó giết chết sự sống của ân sủng. Ân sủng đối với linh hồn giống như máu đối với tim hay oxy với phổi. Tội trọng loại bỏ sự sống khỏi linh hồn bằng cách giết chết ân sủng. Tội trọng giống như một khối u ác tính trên linh hồn. Tội nhẹ ít gây chết người hơn và giống như một khối u lành tính. Mặc dù lành tính nhưng chẳng ai muốn khối u ấy mọc trên mặt của mình. Thế nên, các Kitô hữu cũng cần phải để tâm đến những tội nhẹ chứ không chỉ những tội trọng. 

Mười Điều Răn giúp chúng ta tránh tội, nhưng điều gì sẽ giúp chúng ta làm việc tốt? Các nhân đức luân lý sẽ giúp chúng ta ở điểm này. Ngay cả những người Hy Lạp và La Mã ngoại giáo cũng nhận ra giá trị của việc sống một đời sống nhân đức. Ví dụ, triết học Khắc Kỷ của người La Mã tán thành việc sống các nhân đức mang tính cá nhân và cộng đồng để thúc đẩy sự hòa hợp nơi con người, gia đình và nhà nước (hoặc đế chế). 

Các triết gia cổ đại và các nhà thần học Kitô giáo thời kỳ đầu đã chắt lọc được bốn nhân đức trụ cột, vốn là những nhân đức vô giá đối với một cuộc sống tốt lành về mặt đạo đức. Chúng được gọi là nhân đức “trụ” (cardinal), xuất phát từ gốc Latinh của từ cardo, có nghĩa là “bản lề.” Như thế, đời sống đức hạnh xoay quanh bốn nhân đức này. Đó là sự khôn ngoan (prudentia trong tiếng Latinh; phronésis trong tiếng Hy Lạp), công bằng (iustitia trong tiếng Latinh; dikaiosyné trong tiếng Hy Lạp), dũng đảm (fortitude trong tiếng Latinh; andreia trong tiếng Hy Lạp), và tiết độ hay chừng mực (temperantia trong tiếng Latinh; sóphrosyné trong tiếng Hy Lạp). 

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 184.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *