“Làm phép”[1] giữ một vị trí riêng trong số tất cả các á bí tích do Giáo Hội lập ra vì lợi ích mục vụ. Như một việc cử hành phụng vụ, làm phép dẫn các tín hữu đến việc ca ngợi Thiên Chúa. Bằng việc làm phép, các tín hữu cũng có thể thánh hóa những hoàn cảnh, sự kiện, con người và những điều khác trong cuộc sống của họ. Làm phép là những dấu chỉ có nền tảng lời Chúa và được thực hiện bởi những động cơ của đức tin. Chúng nhằm tuyên bố và biểu lộ đời sống mới trong Chúa Kitô mà bắt nguồn và thăng tiến trong các bí tích của Giáo hội. Trên hết, làm phép là dấu chỉ của những hiệu quả thiêng liêng đạt được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội.

Trong nghi thức làm phép hiện nay, nghi thức gồm ba phần: thứ nhất, công bố Lời Chúa, và thứ hai, ca ngợi sự tốt lành của Thiên Chúa, và cầu xin Ngài giúp đỡ. Cuối cùng là những lời cầu nguyện và nghi thức thích hợp cho mỗi việc làm phép. Các dấu chỉ bề ngoài thường được sử dụng là giơ tay ra và đặt tay, làm dấu thánh giá, rảy nước thánh và đôi khi, xông hương, dấu chỉ của sự tôn kính và vinh dự.

Chất lượng cuộc sống được nâng cao nhờ những phương tiện khác nhau vượt qua khoảng cách và giúp mọi người có thể đến với nhau trong các cuộc gặp gỡ, thăm viếng và các hình thức tiếp xúc xã hội khác. Làm phép là cơ hội để ca ngợi Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những lợi ích đó và cầu xin cho những người sẽ sử dụng chúng được an toàn.

Sách các phép dành các yếu tố đặc biệt cho nghi thức làm phép xe hoặc phương tiện giao thông khác tại nhà thờ, để xin phép lành của Chúa như một bảo đảm được Thiên Chúa che chở an toàn trong mọi cuộc hành trình. Nghi thức này thường được một linh mục hoặc phó tế chủ trì, nhưng có thể được cử hành bởi một thừa tác viên giáo dân hoặc một giáo dân, trừ phép lành Thánh Thể. Giáo dân cử hành luôn luôn phải dùng nước thánh đã được một linh mục hoặc phó tế làm phép.

Làm phép những đồ vật thông thường, như xe cộ, là một biểu tượng phong phú của đức tin. Mọi thứ chúng ta có đều là do Thiên Chúa ban, và chúng ta chỉ là những người quản lý trông coi chúng. Khi một đồ vật được làm phép, nó nhắc nhở chúng ta về ân sủng và hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Không có ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta không thể tồn tại, chúng ta cũng không thể sở hữu những thứ vật chất này. Do đó, mọi sự là để cho vinh danh Thiên Chúa toàn năng. Làm phép các đồ vật phải đến từ một đức tin sâu xa. Đó là một dấu chỉ bên ngoài của một niềm tin thực hành Công giáo về sự quan phòng của Thiên Chúa Cha chúng ta.

[1] Từ thông dụng trong tiếng Việt để chỉ việc thánh hóa một nơi, một vật nào đó, chẳng hạn, làm phép ảnh tượng, phép nhà, xe…

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 165-166.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *