Thánh Lễ vẫn có thể được cử hành bằng tiếng La tinh, vì đó là ngôn ngữ chính thức của Giáo hội. Trong nhiều nguyện đường, đền thánh, và thậm chí cả giáo xứ, Thánh lễ vẫn tiếp tục được cử hành bằng ngôn ngữ này. Trên thực tế, Công đồng Vatican II đã khuyến khích sử dụng tiếng La tinh. Các bài thánh thi và lời cầu nguyện bằng tiếng La tinh vẫn được giữ lại ngay cả trong các Thánh lễ trong đó các ngôn ngữ bản địa được sử dụng.

(Ảnh sưu tầm từ Internet)

Thánh lễ đầu tiên được cử hành theo ngôn ngữ của Chúa Kitô, nghĩa là ngôn ngữ Aram cổ đại. Khi thánh Phêrô, vị giáo hoàng đầu tiên, đến Roma, thủ phủ của đế quốc, tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ được các học giả sử dụng, và sau đó nó trở thành ngôn ngữ được dùng trong Phụng vụ trong nhiều thế kỷ. Thần học và triết học đều được dạy bằng ngôn ngữ này. Tiếng Latin được coi là ngôn ngữ phổ thông của người dân. Ý kiến ​​thần học thời đó cho rằng Phụng vụ thánh, Thánh lễ, nên sử dụng ngôn ngữ học giả, như một dấu hiệu của phẩm giá.

Sau thời bình Constantine (từ sau chiếu chỉ Milan 313), Giáo hội được hợp thức hóa và mở rộng nhanh chóng. Đại khái, điều này trùng hợp với sự sụp đổ của Đế chế La Mã ở phương Tây và sự phát triển của các ngôn ngữ bản địa. Tiếng La tinh sau đó trở thành ngôn ngữ của các học giả, thần học gia và triết gia; và do đó, Thánh lễ sau đó đã được dịch sang tiếng La tinh. Trong Đế quốc phương Đông, thủ phủ là Constantinople, tiếng Hy Lạp vẫn được giữ lại.

Trong nhiều thế kỷ, tiếng La tinh thường được sử dụng trong các tài liệu của Giáo hội, Giáo luật, bài đọc sách thánh, cử hành bí tích và cầu nguyện. Tiếng Latinh đã và là ngôn ngữ chính thức của Giáo hội. Chỉ trong thời gian gần đây, Tòa Thánh mới cho phép các ngôn ngữ bản địa được sử dụng để cử hành các Bí tích. Tuy nhiên, việc sử dụng này không có cách nào làm giảm tầm quan trọng của tiếng La tinh trong Phụng vụ.

Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 149-50.