(từ Internet)

Các bí tích này được gọi là các bí tích khai tâm Kitô giáo bởi vì khi lãnh nhận các bí tích này, một người được liên kết và hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Một người được khai tâm hoàn toàn vào cộng đồng đức tin bằng việc lãnh nhận cả ba bí tích này. Tư cách thành viên có những đặc quyền, cũng như nhiệm vụ và nghĩa vụ của nó. Các thành viên được khai tâm trọn vẹn được mong đợi sẽ tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật và xưng tội.

Sau khi Hoàng đế La Mã Constantine ra sắc chỉ Milan (năm 313, sau Công Nguyên), Giáo Hội có thể bước lên từ những hang toại đạo và được tự do thờ phượng. Giáo Hội có thể mở rộng các hoạt động truyền giáo và dẫn đưa mọi người về với Thiên Chúa. Ngoài ra, sau khi Hoàng Đế Lã Mã cải đạo, việc trở thành Kitô hữu trở nên thời thượng. Khi đó, hình thức bách hại đạo, trên thực tế, lại diễn ra chống lại những người ngoại giáo. Điều này dẫn đến việc rất đông người muốn gia nhập Giáo Hội thánh thiện, công giáo và tông truyền; khi ấy, một chương trình dự tòng cần phải được phát triển. Chương trình dự tòng ngày nay của chúng ta, được gọi là nghi thức khai tâm Kitô giáo dành cho người trưởng thành, dựa trên thời kỳ sơ khai trong lịch sử Kitô Giáo.

Những người dự tòng trưởng thành chưa được phép vào trong nhà thờ, họ chỉ vào trong cửa nhà thờ. Họ sẽ chứng kiến ​​phần đầu của Thánh Lễ, hay phụng vụ Lời Chúa, từ lối vào nhà thờ. Sau bài giảng, những người dự tòng sẽ ra về để được hướng dẫn thêm, trong khi phụng vụ “tín hữu” hay bí tích Thánh Thể vẫn được tiếp tục. Phần này được gọi là phụng vụ “tín hữu” vì chỉ có những người được rửa tội mới có thể tham dự. Ngày nay, những người dự tòng trong Nghi Thức Khai Tâm Kitô Giáo dành cho những người trưởng thành (RCIA –  Rite of Christian Initiation of Adults) ngồi trong nhà thờ; sau lời nguyện tín hữu và trước phụng vụ Thánh Thể, họ ra về để được hướng dẫn thêm.

Chính trong Đêm Vọng Phục Sinh, những người dự tòng này mới được mời ở lại tham dự toàn bộ Thánh Lễ. Trong cử hành Thánh Thể này, họ sẽ lãnh nhận các bí tích Rửa Tội (cho những người chưa được rửa tội), Thêm Sức và Rước Lễ. Sau khi lãnh nhận các bí tích này, họ là những thành viên được khai tâm hoàn toàn trong Hội Thánh Công giáo. Đối với những người đã được rửa tội khi còn là trẻ sơ sinh hoặc trẻ em, các bí tích khai tâm được đặt so le trong khoảng thời gian mười năm. Sau bí tích Rửa Tội, các em được chuẩn bị để rước lễ đầu tiên khi lên bảy tuổi. Việc lãnh nhận bí tích Giải Tội là một phần của sự chuẩn bị này. Sau mười tuổi, nhưng thường là trước mười tám tuổi, các em chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Khi lãnh nhận bí tích này, các em được khai tâm đầy đủ và được coi là thành viên hoàn toàn của Giáo Hội. Các bí tích khai tâm được gọi như vậy bởi vì ý hướng của những bí tích này là: khai tâm tín hữu.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 109-110.