Câu 40: Các nhà ngụy biện là ai?

Ở Hy Lạp, vào thế kỷ thứ V và đầu thế kỷ thứ IV trước công nguyên, các nhà ngụy biện xuất hiện do sự phát triển của việc kiện tụng và hệ thống giáo dục. Bạn có thể mường tượng một nhà ngụy biện là người vừa có tài ngôn ngữ để biện hộ vừa có khả năng huấn luyện người khác nữa. Các nhà ngụy biện muốn thể hiện mình cách công khai để được trả tiền dạy người dân Hy Lạp bằng cách nào thành công trong đời sống công cộng và dân sự của họ. Họ liên tục “đi lưu diễn,” và một số nhà ngụy biện trở nên rất nổi tiếng. Xét về khía cạnh trí thức, các nhà ngụy biện là điểm giao giữa những người theo chủ nghĩa thực dụng (trong nghĩa phổ biến khi sử dụng thuật ngữ này, chứ không theo nghĩa triết học) và những người theo thuyết tương đối. Trong thời đại của chúng ta, một người theo chủ nghĩa thực dụng thì thực tế, họ được thúc đẩy bởi kết quả hơn là những nguyên tắc “khoa trương” hay những lý thuyết trừu tượng. Và một người theo chủ nghĩa tương đối thì tin rằng: không có những chân lý tuyệt đối hay những giá trị phổ quát, nhưng đơn giản chỉ là vì nó phù hợp với từng cá nhân, và điều mà họ ước muốn.

Câu 41: Tại sao những nhà ngụy biện đóng vai trò quan trong trong lãnh vực triết học?

Các nhà ngụy biện không có được sự trọng vọng, và những người kế nghiệp họ trong suốt thời cổ đại, đặc biệt là Plato, đã không dành nhiều vinh danh cho những đóng góp của họ đối với triết học. Tuy nhiên, đánh giá đó có lẽ không hoàn toàn công bằng đối với họ. Không giống như các triết gia Tiền Socrates, vốn là những người chỉ tập trung vào thế giới tự nhiên chứ không phải con người, các nhà ngụy biện lại quan tâm tới bản chất của con người và những vấn đề của con người. Các nhà ngụy biện là những nhà nhân quyền đầu tiên trong triết học Tây Phương. Chúng ta cần lưu ý rằng, phần lớn tư tưởng của họ đã không đồng thuận với sự khôn ngoan vô tận được Plato coi trọng, và đa phần việc họ được mô tả đều phát xuất từ Plato.

Các nhà ngụy biện là những nhà trí thức nơi công cộng, họ phổ biến sự khôn ngoan và tri thức hiện hành, với một vài cải biến so với nguyên gốc. Những lãnh vực mà họ nhấn mạnh đến bao gồm: ngữ pháp, lý thuyết về ngôn ngữ, đạo đức học, triết học chính trị và các học thuyết, tôn giáo, ý niệm về các thần, bản chất con người và nguồn gốc nhân loại, phê bình văn chương, toán học, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, những suy tư về thế giới tự nhiên đã được các nhà Tiền Socates phát triển.

Câu 42: Đâu là những ý tưởng chủ đạo của các nhà ngụy biện?

Trước hết và trên hết, các nhà ngụy biện nổi dậy chống lại ý niệm của các nhà Tiền Socates khi cho rằng một số thực tại tối hậu không giống với điều chúng ta tri nhận và kinh nghiệm trong thế giới khả giác, nhưng trong một số ý nghĩa nào đó dẫn đến việc chúng ta thực sự tri nhận và kinh nghiệm. Các nhà ngụy biện đã nâng tầm quan trọng của thế giới vốn đã xuất hiện cho con người tồn tại, hay trong thế kỷ hai mươi triết gia Jürgen Habermas (1929- ) khi gọi thế giới này bằng một danh xưng thân thuộc: “thế giới đời sống” (mặc dù Edmund Husserl [1859 – 1938] đã sáng chế ra thuật ngữ này). Tất cả các nhà ngụy biện nghĩ rằng nhân đức có thể được chỉ dạy, điều này có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể tham dự vào việc quản trị, bất luận địa vị xã hội hay tình trạng kinh tế của họ. Trong nghĩa đó, các nhà ngụy biện đã tác động đến nền dân chủ Hy Lạp cổ đại.

Các nhà ngụy biện khẳng quyết rằng: niềm tin về mặt luân lý nên có những lý do dựa trên lý trí và có khả năng bảo vệ trong việc lập luận hữu lý. Trong những cuộc bàn luận của họ về luân lý, bản chất con người thường bị xã hội hay quy ước đối chọi, và các nhà ngụy biện  đứng về phía bản chất con người.

Cuối cùng, cũng cần lưu ý rằng các nhà ngụy biện thực hành trong truyền thống truyền khẩu, Socrates cũng đã đưa lối thực hành này đến một mức độ hoàn thiện tối hậu mà không có một nhà triết gia hay trường phái nào có thể so sánh được trong hàng thiên niên kỷ kể khi ông qua đời.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 20-21.