Henry David Thoreau (1817 – 1862)

(Hình từ internet)

Môn học: Triết Học Đạo Đức
Giáo sư: Phạm Văn Ái, SJ
Học viên: Lê Văn Luận, SJ

Thuật ngữ bất tuân dân sự (civil disobedience) được triết gia người Mỹ Henry David Thoreau sử dụng lần đầu tiên trong bài tiểu luận “Bất tuân dân sự” (Civil Disobedience) vào năm 1848. Bất tuân dân sự với đặc trưng chống lại đường lối sai trái của quốc gia bằng cách thế hòa bình đã trở thành một lối hành xử đầy tính nhân văn để công dân vốn thấp cổ bé họng cất lên tiếng nói phản biện của mình trước nhà cầm quyền có trong tay 2 công cụ chất chứa quyền lực là luật pháp và quân đội. Với mục đích tìm về nền tảng đạo đức của hành vi này, bài viết chỉ giới thiệu khái quát và nhận định về bất tuân dân sự theo quan điểm của 3 trường phái đạo đức học: luật tự nhiên theo Thomas Aquinas, bổn phận luận theo Kant và học thuyết đạo đức về khế ước xã hội của các triết gia Châu Âu thế kỷ XVII – XVIII.

 1. Dẫn nhập

Năm 2014, tại Hồng Kông, cuộc biểu tình ôn hòa của giới sinh viên nhằm phản đối lại luật bầu cử mà chính quyền Bắc Kinh áp đặt lên đặc khu hành chính Hồng Kông đã tạo được ấn tượng tốt đẹp cho những ai khao khát đấu tranh chính đáng cho công bằng. Hơn hai thế kỷ trước đó, Tổng thống Thomas Jefferson cũng đã cho rằng: “Khi sự bất công trở thành luật pháp, việc bất tuân cũng trở thành nghĩa vụ”.[1] Bất tuân dân sự với đặc trưng chống lại đường lối sai trái của quốc gia bằng cách thế hòa bình đã trở thành một lối hành xử đầy tính nhân văn để công dân vốn thấp cổ bé họng cất lên tiếng nói phản biện của mình trước nhà cầm quyền có trong tay 2 công cụ chất chứa quyền lực là luật pháp và quân đội. Bất tuân dân sự có thể được nhìn dưới nhiều góc nhìn khác nhau của chính trị học, luật học hay đạo đức học; tuy vậy, với mục đích tìm về nền tảng đạo đức của hành vi này, bài viết chỉ giới thiệu khái quát và nhận định về bất tuân dân sự theo quan điểm của 3 trường phái đạo đức học. Cụ thể, luật tự nhiên theo Thomas Aquinas, bổn phận luận theo Kant và học thuyết đạo đức về khế ước xã hội của các triết gia Châu Âu thế kỷ XVII – XVIII sẽ được dùng cho mục đích phê bình này.

2.  Khái quát về Bất tuân dân sự

Bất tuân dân sự là một thái độ tích cực từ chối không tuân thủ những luật lệ nào đó bị cho là thiếu công minh mà vẫn không sử dụng đến bạo động chống chính phủ. Các hình thức phản đối chính phủ có thể là không đóng thuế, biểu tình ôn hòa, hay chiếm cứ bất hợp pháp một cơ sở. Để nói lên quan điểm ủng hộ tiếng nói của lương tâm và sự công bằng, cho dù người tham gia bất tuân dân sự có thể chịu hình phạt vì phạm luật, nhưng nhất quyết họ không dùng vũ lực để chống lại nhà cầm quyền của mình. Bất tuân dân sự thường có 4 đặc tính cơ bản: (1) đấu tranh vì lẽ công bằng; (2) có thông điệp rõ ràng cho những hành vi đấu tranh của mình (cách trực tiếp hoặc gián tiếp); (3) được thực hiện cách công khai; và (4) đấu tranh phi bạo lực.[2]

Thuật ngữ bất tuân dân sự (civil disobedience) được triết gia người Mỹ Henry David Thoreau sử dụng lần đầu tiên. Thoreau đã viết bài tiểu luận “Bất tuân dân sự” (Civil Disobedience) vào năm 1848 sau một đêm bị nhà nước bắt giam vì ông không đóng thuế trong nhiều năm với lý do nhằm phản đối chiến tranh Mỹ – Mêxicô và nạn nô lệ đang phát triển tại Mỹ. Với ông, người phục tùng nhà nước cách tốt nhất không phải như quân nhân phục vụ bằng sức mạnh thể lý, cũng không phải như tầng lớp trí thức phục vụ đất nước bằng trí tuệ, nhưng như là số ít các anh hùng, những người yêu nước, các vị tử đạo… phục vụ quốc gia với cả lương tâm của mình dù họ thường bị chính phủ coi là kẻ thù.[3] Có thể thấy rằng quan niệm về bất tuân dân sự của Thoreau đặt trên tiền đề cơ bản: lương tâm con người chính là nền tảng để xây dựng pháp luật và phát triển đất nước. Ông viết rằng “nên giáo dục tinh thần tôn trọng lẽ phải hơn là giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật”[4]. Khi nhà nước đi ngược lại với những nguyên tắc của lương tâm, công dân có quyền bất tuân các quy định ấy.

Thực ra, Thoreau hay những nhà đấu tranh bất bạo động được biết đến nhiều ở thời hiện đại như Mahatma Gandhi bên Ấn độ, Nelson Mandala ở Nam Phi, mục sư Martin Luther King ở Mỹ là những người hiện thực hóa tư tưởng về bất tuân dân sự. Phần dưới đây của bài viết sẽ tìm về nguồn gốc và đánh giá tư tưởng về bất tuân dân sự dưới góc nhìn của các trường phái đạo đức học chính yếu bao gồm luật tự nhiên, bổn phận luận và học thuyết về khế ước xã hội.

3. Phê bình bất tuân dân sự theo quan điểm của các trường phái đạo đức học

3.1. Theo quan điểm của luật tự nhiên

Thánh Thomas Aquinas trong khảo luận về luật của bộ Tổng luận thần học đã xác định: luật con người không đương nhiên có hiệu lực tuyệt đối và không ràng buộc lương tâm trong mọi trường hợp. Về vấn đề này, thánh nhân đã dẫn chiếu lại câu nói của thánh Augustine để chứng minh nhận định của mình về sự giới hạn của luật con người: “Một luật không công bằng thì không phải là luật”.[5] Nếu nhà nước ra một luật bất công, công dân không có nghĩa vụ tuân hành. Luật được xem là bất công khi trái với mục đích phục vụ lợi ích chung, đi ngược lại với tiêu chuẩn của luật vĩnh cửu, luật tự nhiên hoặc luật thánh. Tuy không trực tiếp nói đến việc bất tuân pháp luật như một quyền chính đáng của công dân, nhưng khi phân chia luật con người nằm ở nấc thang cuối cùng trong hệ thống chiều dọc của 4 loại luật, Thomas Aquinas mở lối cho việc bất tuân pháp luật. Tất nhiên, bất tuân ấy là bất tuân dân sự phi bạo lực theo tinh thần Kitô giáo: thà chịu bách hại bởi thế lực xấu hơn là làm điều xấu. 3 thế kỷ sau đó, thánh Thomas More (1478-1535) trở nên một nhân chứng cụ thể cho tinh thần bất tuân này khi sẵn sàng chịu chết vì không đồng thuận với việc ly hôn của Vua Henry VIII ở nước Anh, cũng như phản đối quyết định của nhà Vua đòi giành lấy quyền tối cao trên hàng giáo sỹ Anh thời đó.[6]

Tóm lại, khi đặt luật con người trong hệ thống đạo đức học vốn đặt nền tảng trên lý trí đúng đắn và lương tâm con người, thánh Thomas Aquinas cho rằng bất tuân dân sự là điều hợp với lẽ phải để công dân góp phần xây dựng đất nước bằng việc sống đúng theo tiếng lương tâm. Về sau, David Thoreau trong bài tiểu luận bàn về Bất tuân dân sự cũng biện luận cho tính chính đáng của bất tuân dân sự dựa trên nền tảng của lương tâm.

“Bổn phận duy nhất tôi có quyền thừa nhận là luôn luôn làm những việc mà tôi cho là đúng. Người ta nói đúng rằng đoàn thể không có lương tâm; nhưng đoàn thể của những người có lương tâm thì có lương tâm. Luật lệ không bao giờ làm cho người ta trở thành công chính hơn, chính vì tôn trọng pháp luật mà ngay cả những người đứng đắn cũng thường xuyên, liên tục trở thành tác nhân của sự bất công…”[7]

3.2. Theo quan điểm về bổn phận luận của Kant

Hạt nhân tư tưởng cơ bản trong đạo đức học của Immanuel Kant bao gồm 2 nguyên tắc: (1) tính phổ quát của quy luật đằng sau hành vi đạo đức và (2) việc tôn trọng phẩm giá con người.[8] Khi nói đến bất tuân dân sự trong góc nhìn này, bên chống đối thường viện dẫn yếu tố đầu tiên về tính phổ quát của quy luật hành xử để lên án bất tuân dân sự. Lý luận chống đối được đưa ra là nếu hành vi bất tuân dân sự trở thành một quy luật phổ quát, đất nước sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và sẽ nhanh chóng suy tàn.[9] Đây là dạng lý luận về luật trượt (slippery slope argument) thường được trưng dẫn trong các tranh biện của trường phái đạo đức duy hiệu.

Thoạt tiên, lý luận về luật trượt này có vẻ hợp lý vì người dân có thể bắt chước hành vi bất tuân để gây tê liệt hoạt động quản lý của nhà nước và làm cho đất nước trì trệ trong các mặt chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội. Thêm nữa, nếu việc bất tuân pháp luật trở thành một quy luật phổ quát, việc nhà nước thay đổi chính sách pháp luật theo ý hướng của nhóm bất tuân không còn ý nghĩa. Khi đó, không ai tôn trọng luật ấy cả, người ta có thể bất tuân pháp luật bất cứ khi nào.

Tuy vậy, nếu suy xét kĩ, ta thấy rằng phương châm áp dụng trong bất tuân dân sự không phải là bất tuân pháp luật cách tự tiện nhưng chỉ không tuân theo những luật bất công hoặc không tuân theo một luật nào đó để gián tiếp truyền thông điệp phản đối một chính sách bất công. Ở đây có thể đơn cử hai trường hợp. Trước tiên là cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông năm 2014 của giới sinh viên. Sinh viên biểu tình chiếm lấy khu trung tâm nhằm phản đối quyết định mang tính áp đặt của Bắc Kinh khi buộc các ứng viên tham gia cuộc bầu cử năm 2017 phải có sự chấp thuận của một ủy ban do Bắc Kinh chỉ định. Trước đó, Thoreau ở thê kỷ XIX cũng không tuân theo luật thuế vì ông cho rằng đóng thuế là gián tiếp ủng hộ cho chiến tranh phi nghĩa ở Mêxicô. Dễ thấy rằng phương châm trong bất tuân dân sự là lên án và loại trừ bất công, việc bất tuân luật lệ chỉ là một phương tiện để thể hiện phương châm ấy. Đấu tranh trong bất tuân dân sự là đấu tranh cho lẽ phải và cho phẩm giá con người chứ không phải vì một lợi ích riêng nào đó. Chính vì thế mà người đấu tranh chỉ chọn phương pháp đấu tranh bất bạo động. Họ có thể tự nguyện tuyệt thực, sẵn sàng chịu bắt bớ và chịu các hình phạt của nhà nước để tiếng nói phản đối của mình gây được sự chú ý và mang lại hiệu quả. Đường hướng đấu tranh rõ ràng và cao thượng ấy không dễ trở thành một luật trượt gây hại đến xã hội như bên chống đối đề cập. Thêm nữa, lý luận chống đối có vẻ tự mâu thuẩn. Nếu không đấu tranh bằng bất tuân dân sự, hậu quả gây ra cho xã hội còn đáng sợ hơn khi hành vi thõa hiệp với bất công làm xuất hiện những nhà nước chuyên quyền và những xã hội vô cảm trước thiệt thòi mà người khác hứng chịu. Tóm lại, bất tuân dân sự hợp với mệnh lệnh tuyệt đối của Kant vì phương châm đấu tranh bất bạo động trước bất công với những điều kiện khắt khe đi kèm có thể trở thành quy luật phổ quát và mục đích đấu tranh là nhằm hướng tới việc tôn trọng phẩm giá con người.

3.3. Theo quan điểm của thuyết khế ước xã hội

Theo quan điểm của trường phái khế ước xã hội, đạo đức là những quy luật trong xã hội điều chỉnh hành vi của con người, được người có lý trí bình thường chấp thuận, mang lại lợi ích cho các bên liên quan và được các bên tự nguyện tuân theo.[10] Như vậy, trong một quốc gia, luật pháp nhà nước trở thành những quy luật đạo đức. Bên chống đối biện luận rằng khi công dân sống trong đất nước và được hưởng nhiều phúc lợi mà nhà nước đem lại, nghĩa vụ đạo đức của công dân chính là tuân theo mọi luật mà nhà nước ấy ban hành ra.

Ta dễ thấy rằng, trong cái nhìn của học thuyết về khế ước xã hội, lợi ích hỗ tương như là tiêu chuẩn ưu tiên của quy luật đạo đức. Tuy vậy, xét cho cùng, lợi ích không phải là tiêu chuẩn duy nhất. Bên cạnh lợi ích, quy định đưa ra cũng phải hợp với lý trí của một người bình thường mới có thể trở thành luật ràng buộc. Nói khác đi, luật trong khế ước xã hội cũng phải hòa hợp với luật tiên thiên nào đó về đạo đức mà mỗi người đều có thể chân nhận. Trong trường hợp của bất tuân dân sự, luật lệ bị vi phạm là những luật bất công. Điều này cho thấy đây không phải là một sự phá vỡ khế ước cho bằng quy định được đề cập đến không hòa hợp với lý trí để trở thành luật mà công dân phải tuân theo.

Thêm nữa, trong học thuyết về khế ước xã hội, điều kiện ràng buộc là mỗi bên phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình. John Locke cho rằng công dân có nghĩa vụ tuân hành luật pháp khi nhà nước cũng thực hành nghĩa vụ của mình là bảo vệ các quyền tự nhiên và cơ bản của công dân.[11] Đấu tranh trong bất tuân dân sự, như đã đề cập trên, là những đấu tranh chống lại bất công trong vấn đề nhân quyền, phân biệt chủng tộc hay tự do dân chủ… Như vậy, quyền bất tuân khế ước của công dân đã phát sinh khi nhà nước vi phạm nghĩa vụ bảo vệ công dân của mình qua việc đưa ra những luật hoặc chính sách bất công.

  1. Kết luận

Khi đọc tiểu luận về Bât tuân dân sự của Thoreau, Mục sư Martin Luther King đã thừa nhận: “bất hợp tác với cái ác cũng có giá trị đạo đức như việc hợp tác với điều tốt vậy.”[12] Bất tuân dân sự đã chứng minh được sức mạnh của nó trong lịch sử khi Ghandi dành lại được độc lập cho Ấn Độ mà không phải trả giá bằng máu và mạng người, khi Nelson Mandala phá vỡ được nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi sau 26 năm chịu tù đày, khi mục sư Luther King đòi lại quyền bình đẳng cho người gốc Phi ở Mỹ. Sức mạnh ấy đến từ đâu nếu nó không mang trong mình một nền tảng đạo đức vững chắc với nhiều góc nhìn khác nhau của luật tự nhiên, của mệnh lệnh tuyệt đối hay ngay cả của khế ước xã hội. Trong xã hội ngày nay, khi người ta tiếp tục nói đến những nhà nước chuyên quyền cách hiện đại và tinh vi, thiết tưởng Bất tuân dân sự là một phương pháp đấu tranh vừa hiệu quả, vừa nhân văn của con người.

 

[1] Câu nói này thể hiện lại ý tưởng của Thomas Jefferson trình bày trong bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, và thường được trích dẫn như phát ngôn của Thomas Jefferson <http://www.monticello.org/site/research-and-collections/when-injustice-becomes-law-resistance-becomes-duty-quotation>.

[2] Brownlee, Kimberley, “Civil Disobedience”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2013 Edition), Edward N. Zalta (ed.), <http://plato.stanford.edu/archives/win2013/entries/civil-disobedience/>.

[3] Henry David Thoreau, Luận về dân sự bất hợp tác, Phạm Trường Nguyên dịch <http://phamnguyentruong.blogspot.com/2011/02/henry-david-thoreau-1817-1862-luan-ve.html>

[4] Thoreau, Luận về dân sự bất hợp tác.

[5] Thomas Aquinas, Summa Theologica, q. 96

[6]Civil Disobedience.” International Encyclopedia of the Social Sciences. 1968. Encyclopedia.com. 27 Feb. 2015 <http://www.encyclopedia.com>

[7]  Thoreau, Luận về dân sự bất hợp tác.

[8] Vũ Uyên Thi, SJ, “Lý thuyết đạo đức của Kant”, Dòng Tên Việt Nam, <http://dongten.net/noidung/42036>

[9] Peter Suber, “civil disobedience”, Philosophy of Law: An Encyclopedia, vol II, Christopher B. Gray (ed.), Garland Pub. Co, 1999, p.110-113.

[10] James Rachels, The Elements of Moral Philosophy, Mcgraw-Hill, 2013, p. 87.

[11] Alex Tuckness, “Locke’s Political Philosophy”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2012 Edition), Edward N. Zalta (ed.), <http://plato.stanford.edu/archives/win2012/entries/locke-political/>.

[12] M. L. King, Morehouse College (Chapter 2 of The Autobiography of Martin Luther King, Jr.)