Ảnh từ Internet

Môn học: Triết học Con người
Giáo sư: Phạm Trung Hưng, S.J.
Học viên: Phạm Quang Khanh, S.J.

Từ xưa tới nay, thiện và ác luôn là đề tài thu hút sự chú ý của biết bao người, nhất là những ai khao khát kiếm tìm chân lý. Thiện và ác không chỉ tồn tại trên lý thuyết, nhưng gắn chặt với đời sống của mỗi con người. Chính vì thế, người ta không ngừng đặt vấn đề về bản chất con người. Con người là xấu xa hay con người là tốt lành? Đây là một câu hỏi không dễ để tìm lời đáp. Từ một tình huống xảy ra trong đời sống thường ngày liên quan tới người nhiễm HIV, bài viết này như một nỗ lực tìm hiểu bản chất con người bằng một cái nhìn mang tính cảm thông.

Dẫn nhập

Kết thúc buổi gặp gỡ cuối tuần, nhóm bạn trẻ ngồi lại bàn tính với nhau về chuyện đi làm từ thiện. Mọi người tỏ ra hứng thú và sôi nổi: “Chúng ta sẽ đi đâu? Chúng ta sẽ làm gì?” Một giọng nói vang lên: “Chúng ta sẽ đi thăm trung tâm chăm sóc những người nhiễm HIV!” Chưa kịp dứt lời, gợi ý đó đã bị phản đối dữ dội: “Nghĩ sao mà bảo tụi tôi đi thăm những người nhiễm HIV?” Bầu không khí sôi nổi bỗng trở nên tĩnh lặng khác thường. Phải chăng mỗi người, từ đáy lòng của mình, đang cố gắng đi tìm lý do người ta tương quan với nhau, dựa trên bản chất con người? Phải chăng bản chất con người là ích kỷ hẹp hòi? Phải chăng bệnh nhân HIV không xứng đáng là “con người” để đi thăm viếng?

  1. Phải chăng bản chất con người là ích kỷ hẹp hòi?

Từ xưa tới nay, xã hội không thiếu gì những người sống quy kỷ, nhỏ nhoi. Họ chỉ biết quan tâm tới lợi ích riêng của mình mà không màng tới nhu cầu của người khác. Không ít kẻ sống trong nhung gấm lụa là, nhưng đôi mắt tâm hồn lại bị mù lòa trước những cảnh đời bất hạnh lầm than. Họ quan niệm rằng mình thuộc về một đẳng cấp khác, một thế giới khác; rằng những người nghèo hèn bệnh tật không có trong danh sách bạn bè tương giao của họ. Chẳng thế mà nhiều người ăn xin, nhiều khách lỡ đường luôn bị phũ phàng từ chối khi cầu cứu chủ nhân của những ngôi nhà cổng rộng tường cao.

   Sự ích kỷ hẹp hòi không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân, nhưng còn lây lan mạnh mẽ ra cả cộng đồng. Từ châu Âu tới Châu Á, từ châu Mỹ tới châu Phi, đâu đâu người ta cũng nghe nói đến chuyện cá lớn nuốt cá bé. Ngoài việc cố gắng vơ vét tài nguyên khoáng sản, một số nước lớn còn muốn thôn tính cả lãnh thổ của các nước nhỏ.

Nham hiểm hơn, nhiều khi sự ích kỷ hẹp hòi của con người lại được ngụy trang tinh vi dưới những vỏ bọc tốt lành. Khối kẻ làm việc từ thiện mà chẳng bao giờ nghĩ tới người mình giúp đỡ. Họ chỉ lo vun vén cho danh tiếng và hoàn thiện khả năng của mình. Khi ấy, tha nhân trở thành phương tiện để họ trục lợi. Nực cười làm sao khi chứng kiến cảnh đoàn khách từ thiện yêu cầu trẻ em tại cô nhi viện đứng chờ hàng giờ giữa trưa hè oi ả để họ quay phim chụp ảnh làm tư liệu cho hoạt động từ thiện của mình.

Còn nữa, con người tham gia các nhóm, các phong trào chưa hẳn vì muốn góp công góp sức xây dựng xã hội, nhưng là để tìm kiếm những điều “ích lợi” cho bản thân. Nhiều sinh viên tham gia chiến dịch mùa hè xanh, chiến dịch sinh viên tình nguyện là để nhắm tới một bảng điểm đẹp khi ra trường. Nhiều cầu thủ bóng đá sẵn sàng phủi áo ra đi, vô ơn bạc nghĩa với câu lạc bộ đã đào tạo mình để đến một bến đỗ mới nhằm tìm kiếm tiền lương cao hơn, danh tiếng lẫy lừng hơn.

Tất cả những gì đề cập trên đây dường như hỗ trợ đắc lực cho quan niệm của Thomas Hobbes, rằng bản chất con người là xấu xa. Trong đời sống thường ngày, con người thậm chí còn gọi nhau như những con vật: “ngu như lợn”, “xấu như khỉ”…Con người nghĩ về mình và nghĩ cho mình. Họ gặp nhau, sống với nhau không phải vì nhau, nhưng là vì những “lợi ích” riêng. Có thể nói, “tự bản tính chúng ta không tìm kiếm xã hội vì xã hội, mà vì chúng ta có thể nhận được danh dự hay lợi lộc của xã hội.”[1] Đồng tình với Thomas Hobbes, Tuân Tử nại vào các bằng chứng như thầy dạy, luật pháp và triết lý để khẳng định rằng: “con người sinh ra đã hư hỏng, xấu xa. Chúng ta đều tham lam và tư lợi, ghanh ghét với người khác.”[2]

Tuy nhiên, nếu cho rằng bản chất con người là xấu xa, là ích kỷ, thì làm sao ta có thể lý giải cho vô vàn những điều tốt đẹp vẫn đang ngày đêm đua nở trong xã hội loài người?

Nơi trường học, biết bao đôi bạn cùng tiến ngày ngày sát cánh bên nhau, cùng giúp đỡ nhau mà chẳng màng đến lợi danh. Nơi công trường nhà máy, công nhân chia sẻ với nhau những nhọc nhằn vất vả. Nơi trạm xá nhà thương, biết bao người hy sinh một đời nam thanh nữ tú để âm thầm phục vụ và chăm sóc bệnh nhân một cách nhưng không. Họ đâu có quan tâm và để ý tới lợi ích của bản thân. Rồi nữa, từ nông thôn cho tới thành thị, người ta chia vui với nhau, cùng nhau nâng ly trong những tiệc mừng song hỉ; họ cũng giúp nhau lau khô lệ sầu trong lúc tang gia mất mát. Chẳng những vậy, có người còn sẵn sàng lao mình xuống dòng nước xiết cứu người lạ mặt để rồi mãi mãi vĩnh biệt cuộc đời. Và còn bao tấm gương tốt đẹp khác…

Chừng đó dẫn chứng đủ cho thấy bản chất con người là tốt đẹp. Mạnh Tử đã từng tranh luận gay gắt với nhiều triết gia khác để bảo vệ quan điểm của ông, rằng bản chất con người là tốt đẹp: “Trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi”[3] (Lòng trắc ẩn, người ta ai ai cũng có.)

Hóa ra, nói rằng bản chất con người là xấu cũng có phần đúng, và bản chất con người là tốt cũng có phần đúng. Tuy nhiên, cả hai cách hiểu này đều chưa đầy đủ. Bởi lẽ trong con người, ta không chỉ thấy tính quy kỷ (tức là xấu xa) và tính hướng tha (tức là tốt đẹp), nhưng còn có hoạt động của một yếu tố khác là lý trí. Với Plato, lý trí giống như người cầm cương điều khiển cỗ xe được kéo bởi hai con ngựa mang tên ham muốn và tinh thần.[4] Theo đó, trong trường hợp nêu lên ở đầu bài viết, phần lý trí của kẻ không muốn đi thăm người nhiễm HIV đã không làm chủ và điều khiển được con ngựa ham muốn là tính ích kỷ của mình. Kết quả là, thay vì quyết định đi thăm viếng bệnh nhân HIV để làm từ thiện, người ấy lại từ-thiện.

  1. Phải chăng bệnh nhân HIV không còn xứng đáng là người?

Xét về mặt thể xác, bệnh nhân HIV đúng là một người bệnh, tức là đang có vấn đề về sức khỏe. Vậy, hễ như một người có vấn đề về sức khỏe mà không còn được coi là người nữa, thì thử hỏi trên thế giới này có bao nhiêu người thực sự là người? Bởi lẽ, ai dám chắc rằng mình không bao giờ gặp vấn đề về sức khỏe. Sinh lão bệnh tử là chuyện của bao đời nay. Chẳng lẽ, hôm nay tôi bị bệnh thì tôi không còn là người; ngày mai khi hết bệnh, tôi sẽ lại là người? Khi tôi trẻ, tôi là người vì tôi không có bệnh; ngược lại khi về già, tôi không còn là người nữa vì tôi có bệnh?

Còn nếu như bệnh nhân HIV không xứng đáng là người bởi vì con vi-rút HIV, thì đâu là sự khác biệt giữa vi-rút HIV và các con vi-rút khác liên quan tới tính người của con người. Đồng ý rằng, vi-rút HIV thực sự nguy hiểm cho sức khỏe của con người; nhưng nó đâu phải là vi-rút nguy hiểm nhất. Có những thứ vi-rút khác làm cho nhiều người suy nhược tinh thần, và sức khỏe cũng vì đó mà suy tàn theo, mặc dù họ không hề bị nhiễm HIV. Vậy thì, ai sẽ là người hơn?

Xét về nguyên nhân nhiễm HIV, nguồn bệnh có thể là do chủ thể dại dột tiếp xúc với ma túy, sử dụng thuốc phiện. Đó là sai lầm cá nhân của người bệnh. Nhân vô thập toàn, con người yếu đuối nên dễ mắc phải sai lầm. Chẳng ai dám vỗ ngực tự hào rằng mình không bao giờ mắc phạm sai lầm. Vậy, nếu hễ mắc sai lầm mà không còn là người nữa, thì liệu có ai còn là người nữa không? Ngoài ra, bệnh nhân HIV cũng có thể là nạn nhân: chồng lây bệnh cho vợ, mẹ lây bệnh cho con…Trong trường hợp này, họ hoàn toàn bị động và thật đáng cảm thông. Vậy, liệu có hợp lẽ khi coi những nạn nhân như vậy không phải là con người? Ngoài ra, nguyên nhân lây nhiễm HIV của nhiều người có thể đến từ sự hy sinh và phục vụ âm thầm của họ. Họ quảng đại sống chung với người HIV, chia sẻ đời sống và phục vụ bệnh nhân. Họ đồng hóa mình với bệnh nhân và sống cho bệnh nhân đến độ mang lấy chính căn bệnh của đối tượng mà mình phục vụ. Nếu ta coi họ không phải là con người, thì liệu rằng trên thế giới này còn ai dám phục vụ đồng loại nữa không? Còn ai muốn làm bác sĩ? Còn ai muốn làm y tá?

Xét về tinh thần và lý trí, chẳng ai dám chắc rằng tất cả những người nhiễm HIV đều kém hơn người không nhiễm. Bao người sống trong cảnh nhà lầu xe hơi, nhưng lại tìm đến cái chết trong đường cùng tuyệt vọng. Tinh thần của họ thật thảm hại. Ngược lại, dù mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nhưng nhiều bệnh nhân HIV lại thể hiện một nghị lực phi thường. Họ vượt lên nghịch cảnh để sống yêu đời và yêu người. Họ làm gương sáng, khích lệ tinh thần của bao người trong xã hội.

Quý giá hơn, có những bệnh nhân HIV thể hiện một niềm tin tuyệt đối vào Đấng Siêu Việt khi cận kề cái chết. Nơi họ, ta thấy một niềm hy vọng, không dừng lại ở đời này, nhưng hướng tới một thế giới mới bên kia cuộc đời. Thật xúc động biết bao khi chứng kiến cảnh những bệnh nhân HIV hoán cải gia nhập đạo Công Giáo với một niềm tin vô cùng mạnh mẽ. Chẳng lẽ, họ không còn là người nữa sao?

Như vậy, cho dù tách rời từng mảng của con người để xem xét, ta cũng không thể nào cho rằng bệnh nhân HIV không xứng đáng là người. Thế nhưng, con người đâu phải là một sự tách biệt như vậy. Thân xác không phải là toàn bộ con người; tinh thần cũng chẳng phải toàn bộ con người. Con người là một “tổng thể đầy đủ”[5], “một sự thống nhất không thể phân chia.”[6] Vì lý do đó, bệnh nhân HIV là con người thực sự, và họ xứng đáng được người khác viếng thăm.

Kết luận

Tựu trung lại, “lúa tốt và cỏ lùng”[7] vẫn luôn tồn tại trong mỗi con người. Lúa tốt sẽ có cơ hội sinh hoa kết trái hay cỏ lùng nổi loạn chen ngang sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát của lý trí. Tuy nhiên, nhiều khi trong thực tế, dù lý trí có sáng suốt tới đâu đi chăng nữa, thì con người cũng không dám vỗ ngực tự tin rằng lúa tốt sẽ chắc chắn trổ bông. Bởi lẽ mỗi người, dù ít hay nhiều đều đã kinh nghiệm được điều mà thánh Phao-lô đề cập trong thư Roma: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.”[8] Thực tại này đưa con người ý thức hơn về giới hạn của bản thân. Tự sức mình, con người không thể sống tốt, nhưng con người cần tới một Đấng Siêu Việt. Trong tương quan với Đấng ấy, con người không chỉ biết mình, nhưng còn biết người, biết rằng mỗi người đều có giới hạn. Và con người, dù là bệnh nhân HIV hay bất kỳ một ai trên trần gian này đều là một “huyền nhiệm”[9] cần được “từ thiện”, chứ không phải là một “vấn đề”[10] cần phải “từ-thiện.”          

[1] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn and Lưu Văn Hy trans. (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 583.

[2] Diane Morgan, Triết học và tôn giáo phương Đông, Lưu Văn Hy trans. (Hà nội: NXB Tôn Giáo, 2005), 205.

[3] Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học Phương Đông. (Hồ Chí Minh: XNB Từ điển bách khoa, 2006.), 296.

[4] X. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn and Lưu Văn Hy trans. (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 58.

[5] M.James C.Crabbe, From Soul to Self. (London & New York: Routledge, 1999), 54.

[6] M.James C.Crabbe, From Soul to Self. (London & New York: Routledge, 1999), 54.

[7] Mt 13,24-43.

[8] Rm 7,19.

[9] Từ ngữ của triết gia Gabriel Marcel.

[10] Từ ngữ của triết gia Gabriel Marcel.