“Thiên Chúa ở đâu trong những đau khổ của con người” là cuộc vật lộn hiện sinh của Jurgen Moltmann với Thiên Chúa khi ông chứng kiến và trải qua hầu hết những đau khổ của con người trong trại tập trung Aushwitz ở Đức, trong cuộc chiến ở Hamburg, và trong các nhà tù chiến tranh ở Anh Quốc. Chính cuộc thai nghén đau đớn này đã giúp Moltmann mở ra một cái nhìn mới đi ngược lại với cái nhìn truyền thống về một Thiên Chúa toàn năng, siêu việt nhưng vô cảm vốn chịu ảnh hưởng của nền tư tưởng và triết học Hy Lạp. Trong bài tiểu luận này, tác giả khai triển quan điểm và lý luận của Moltmann về một Thiên Chúa đang đau khổ (the suffering God); đồng thời, dựa trên ý kiến của các thần học gia và phản tỉnh cá nhân, tác giả cho thấy những mảnh sáng tối của bức tranh về Thiên Chúa mà Moltmann muốn khắc họa.

DẪN NHẬP

Bạo lực, sự ác và đau khổ đang là một thực trạng bao phủ gần như mọi nơi trên thế giới mà chúng ta đã và đang sống. Trên các mặt báo hằng này, trong các bản tin thời sự chúng ta có thể thấy vô số những tình huống chiến tranh và bạo lực đang diễn ra trong từng khía cạnh của cuộc sống. Trước thực trạng này, đau khổ và sự ác luôn luôn là một trong câu hỏi lớn đối với đức tin Kitô Giáo nói riêng và với đời sống con người nói chung. Bởi vì nó không chỉ làm người ta đặt vấn đề về ý nghĩa cuộc sống nhưng còn làm cho người ta thắc mắc về chính thực tại Thiên Chúa. Do đó trong những thập niên gần đây, nhiều nhà thần học đã không ngừng suy tư phản tỉnh để giúp con người thấy được ý nghĩa của nó trong cả lãnh vực đức tin lẫn cuộc sống.[1] Những câu hỏi quen thuộc chẳng hạn như: Thiên Chúa có đau khổ trước các nỗi thống khổ của con người không? Nếu đau khổ thì Ngài đau khổ thế nào? Cụ thể ở đây là nơi biến cố cứu độ của Đức Kitô nơi thập giá, Thiên Chúa ở đâu, Người có đau khổ với Con của Người không?

Trong nỗ lực thử tìm câu giải đáp cho các vấn nạn được nêu ra ở trên, người viết sẽ tập trung tìm hiểu tư tưởng của thần học gia Jurgen Moltmann nói về sự đau khổ của Thiên Chúa nơi biến cố thập giá hay trong các đau khổ của con người. Như chính Moltmann đã thừa nhận, quan điểm về “Thiên Chúa chịu đóng đinh” là chính cuộc vật lộn cá nhân của ông với Thiên Chúa. Đó là kinh nghiệm đau khổ, đen tối trước sự ẩn mình của Thiên Chúa trong cuộc sống.[2] Với mục đích và giới hạn của bài viết như thế, trong phần đầu tiên của bài luận, người viết sẽ cố gắng khai triển quan điểm và lý luận của Moltmann khi ông khẳng định Thiên Chúa là Đấng đau khổ (the suffering God). Phần thứ hai sẽ là một vài ghi nhận cho thấy những điểm sáng trong tư tưởng của Moltmann đồng thời đưa ra những phê bình “cần đặt lại” của Moltmann dưới nhãn quan của các thần học gia công giáo. Và cuối cùng là một vài những suy tư phản tỉnh cá nhân trong mục vụ trước vấn đề đau khổ của con người trong tương quan với đời sống đức tin

QUAN ĐIỂM CỦA JURGEN MOLTMANN VỀ VIỆC THIÊN CHÚA ĐAU KHỔ NƠI BIẾN CỐ THẬP GIÁ VÀ CUỘC SỐNG HIỆN SINH

Đặt Lại Quan Niệm Về Thiên Chúa Của Moltmann

Vừa chứng kiến vừa trải qua những đau khổ mà con người phải đối diện trong trại tập trung Aushwitz, sự khốc liệt của chiến tranh tại Hamburg, và sự tàn độc trong trại tù chiến tranh ở Anh Quốc, Moltmann đã từng đặt nghi vấn: “Tại sao Thiên Chúa để cho những điều như thế xảy ra?” “Thiên Chúa ở đâu? Ngài ở xa tít trời cao, hay Ngài vẫn luôn ở bên chúng ta giữa các đau khổ”[3] Ở đó ông cũng nghiệm thấy tiếng kêu của Đức Kitô Giêsu trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con” (Mc 15, 34) dường như cũng là tiếng kêu của chính ông và tha nhân trước các đau khổ. Như thế, phải chăng Thiên Chúa là Đấng vô tâm vô tình, không quan tâm gì đến nhưng khổ đau của nhân thế? Hay cũng có thể Người đang đồng cảm với nỗi đau của chính họ; Người cũng đang âm thầm đau khổ với họ trong mọi biến cố đau thương xảy ra?

Thật vậy, trong khi Thiên Chúa vẫn được nhìn nhận như là Đấng Toàn Tri, Toàn Thiện thì đau khổ làm cho người ta cảm thấy lung lay, nghi ngờ trong việc tin tưởng vào Thiên Chúa. Phải chăng Người chỉ giống như một người quản lý “rạp hát thế giới” đầy bạo lực này? Hay Thiên Chúa trong Đức Kitô cũng chính là nhân vật trung tâm trong vở kịch bi thương của thế giới ấy?[4] Từ mối căng thẳng này, Moltmann cho rằng cần phải đặt lại quan niệm về Thiên Chúa. Cụ thể ở đây là Thiên Chúa trong biến cố Đức Kitô chịu đóng đinh hay trong tương quan với nỗi đau của con người cách chung. Đối với Moltmann, vấn đề về Thiên Chúa chỉ trở nên rõ ràng khi con người phải đối diện với đau khổ:

Chính trong đau khổ mà mọi vấn đề về Thiên Chúa mới phát sinh; vì sự đau khổ bất khả đạt thấu (incomprehensible suffering) đặt Thiên Chúa của con người vào trong sự nghi ngờ…Vì một Thiên Chúa để cho người vô tội đau khổ và cho phép cái chết vô nghĩa xảy ra thì không đáng được gọi là Thiên Chúa.”[5]

Từ đây, Moltmann chỉ ra cho thấy quan niệm về Thiên Chúa của Kitô Giáo từ trước đến nay, do bị ảnh hưởng của triết học Hy Lạp, triết học duy danh và duy tâm, đã gán cho Thiên Chúa những đặc tính như bất cảm thụ (apatheia), bất biến và vô cảm.[6] Vì họ cho rằng nếu thiên tính có khả năng đau khổ, thì sẽ mất đi tính thánh thiêng của Thiên Chúa và chẳng còn gì khác biệt với các loài thọ tạo. Nói một cách khác, những đặc tính như bất khả cảm thụ, bất biến, duy nhất và độc lập (united and self-sufficient) là đặc tính của Thiên Chúa. Những đặc tính này trái ngược với những tính dễ thay đổi, đau khổ, phân chia của con người và thọ tạo. Chính vì lý do này, xuyên suốt dòng lịch sử thần học Kitô Giáo từ thời các giáo phụ, người ta đã cố gắng bảo vệ những đặc tính như bất biến, bất khả cảm thụ của Thiên Chúa. Như thế thần học truyền thống đã luôn khẳng định rằng: “bản thể Thiên Chúa (The divine subtance) không thể chịu đau khổ, nếu không sẽ không còn đặc tính tuyệt đối của Thiên Chúa nữa.”[7] Đồng thời họ cũng nỗ lực tìm ra cách dung hòa mâu thuẫn giữa biến cố thập giá Đức Kitô và đặc tính tuyệt đối, bất biến, và vô cảm của thần tính nơi Thiên Chúa bằng cách đưa ra thuyết hai bản tính của Đức Kitô. Tuy nhiên, theo Moltmann, nếu quan niệm như trên đức tin Kitô Giáo dường như đi vào ngõ cụt. Vì nếu Thiên Chúa không có khả năng đau khổ, và nếu chúng ta chỉ nhìn cuộc khổ nạn của Đức Kitô chỉ như là thảm kịch mang tính nhân loại (human tragedy), thì Thiên Chúa sẽ trở thành Đấng lạnh lùng, thờ ơ và không có tình yêu.[8] Điều này cho thấy mâu thuẫn mà thần học từ trước đến nay cố gắng dung hòa vẫn còn đó. Theo Moltmann, phải chăng “cần phải hiểu sự đau khổ của Đức Kitô cũng là sự đau khổ của Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn (the passionate God).”[9] [10] Xác tín như vậy nên thay vì khởi đi từ quan niệm Thiên Chúa bất khả cảm thụ thì ông khởi đi từ quan niệm Thiên Chúa là Đấng trắc ẩn. Thay vì khởi đi từ giáo lý cổ truyền về Thiên Chúa, vốn bị ảnh hưởng của siêu hình Hy Lạp, Moltmann thấy nên nhấn mạnh tới khía cạnh sử tính của Thiên Chúa nơi cuộc thương khó Đức Kitô.

Vậy ông lý luận ra sao sau khi định hướng như trên? Phần dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn lập luận của Moltmann về Thiên Chúa đau khổ nơi biến cố thập giá của Đức Kitô

Moltmann Hiểu Thế Nào Về “Thiên Chúa Đau Khổ”?

Lấy biến cố thập giá như là điểm khởi và điểm trung tâm, Moltmann nhận định như sau: “Các truyền thống thần học luôn coi thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô trong phạm vi cứu độ học.[11] Nơi đó, truyền thống thần học nhìn nhận thập giá Đức Giêsu chỉ bó hẹp trong khung cảnh và viễn tượng đi tìm một nền tảng cho sự cứu độ. Theo Moltmann, điều này đúng đắn nhưng nếu chỉ coi biến cố thập giá trong ý nghĩa cứu độ học như thế thì có nguy cơ chưa đạt tới một ý nghĩa thập giá mang tính tận căn. Do đó, ông cho rằng biến cố thập giá trước hết phải đưa người ta ta đến việc chất vấn: “Đâu là ý nghĩa của thập giá Đức Kitô đối với chính Thiên Chúa?”[12] Nói một cách khác, Moltmann không đồng ý với việc chỉ nhìn biến cố thập giá như một điều gì chỉ liên hệ tới nhân loại mà bỏ quên tương quan giữa Chúa Con và Chúa Cha. Ông cũng không nghĩ biến cố thập giá chỉ tập trung vào Đức Giêsu như một mẫu gương về vâng phục trong đau khổ mà còn phải coi đó như một tuyên bố về Thiên Chúa (a statement about God).[13] Cái chết của Đức Kitô đối với Moltmann đặt lại một quan niệm về Thiên Chúa so với những gì trước đây người ta vẫn nghĩ.

Dựa vào chính kinh nghiệm hiện sinh của mình, Moltmann xác tín rằng Thiên chúa cũng đang đau khổ với Đức Kitô chịu đóng đinh và với những con người đang đau khổ. Do đó, ông cho rằng thập giá của Đức Kitô chính là nền tảng vững chắc cho mọi giáo hội, mọi tín hữu và mọi thần học gia. Thập giá phải là tiêu chuẩn của mọi thần học Kitô Giáo. Đó là tiêu chuẩn của chân lý.[14] Bởi vì ý nghĩa của biến cố thập giá chính là việc Thiên Chúa can dự vào lịch sử của cuộc thương khó của Đức Kitô nếu không sẽ chẳng có bất cứ hoạt động cứu độ nào phát xuất ra từ cái chết của Ngài. Nhưng liệu Thiên Chúa can dự vào biến cố thập giá thế nào, nếu Người không chịu đau khổ cùng với Đức Kitô?[15] Hơn nữa, Moltmann còn cho rằng làm sao đức tin Kitô Giáo có thể được hiểu cuộc vượt qua của Đức Kitô như là sự mạc khải của Thiên Chúa nếu thần tính không chịu đau khổ? Để giải quyết những nghi vấn trên, Moltmann tập trung suy tư của mình về sự mạc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh và trong nhiệm cục cứu độ hơn là vào các định đề có từ truyền thống vốn bị ảnh hưởng của triết học Hy Lạp. Phần dưới đây là những lập luận chi tiết về quan niệm Thiên Chúa đau khổ

Thiên Chúa đau khổ vì cuộc khổ nạn của Đức Kitô là biến cố giữa Thiên Chúa với Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa mạc khải chính mình.

Tìm về với Kinh Thánh, Moltmann thấy rằng cả lịch sử của Israel cho thấy một Thiên Chúa biết cảm thương (pathos). Việc sáng tạo, giải phóng, lập giao ước, cứu chuộc đều xuất phát từ sự cảm thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa giải phóng dân khỏi ách Ai Cập, nuôi dân trong sa mạc và không ngừng hướng dẫn dân trong Đất Hứa. Với lòng thương xót của mình, Thiên Chúa đã không ngừng mời gọi dân Israel trung thành và giữ giao ước với Người.[16] Do đó Thiên Chúa của Israel khác với các vị thần của thần thoại vốn đầy cảm tính, lệ thuộc vào sự bợ đỡ của con người. Trong khi đó, sự cảm thương của Thiên Chúa cho thấy sự tự do của Người trong việc thông dự vào những vui buồn sướng khổ của nhân sinh. Hiểu như thế, một đàng Moltmann cho thấy quan niệm về Thiên Chúa mà thần học Kitô Giáo đã bị bóp méo và ảnh hưởng từ các triết gia Hy Lạp về Thiên Chúa. Ông không tán thành quan điểm chủ thể tuyệt đối của siêu hình học Do Thái như Jehuda Halevi, Maimonides, và Baruch Spinoza khi cho rằng Thiên Chúa là Đấng Vô Cảm, không yêu không ghét, không vui buồn, đau đớn.[17] Đàng khác, ông cũng không đồng ý với quan niệm của vô thần về Thiên Chúa như là kẻ lừa gạt, một người thích đau khổ, một kẻ bạo Chúa…[18] Đối với Moltmann, cả hai cách hiểu về Thiên Chúa của cả người vô thần lẫn hữu thần liên quan đến tính bất biến của Thiên Chúa ở trên đều không phù hợp. Nói một cách rõ hơn, Moltmann phê bình rằng vì quá tập trung vào việc bảo vệ chiều kích thiên tính của Thiên Chúa nên thần học hữu thần đã “sơ tán” thần tính của Thiên Chúa khỏi biến cố thập giá của Đức Giêsu. Từ đó cho rằng Thiên Chúa không thể đau khổ và không thể chết.[19] Cụ thể ở đây, chúng ta có thể thấy Moltmann không đồng ý với giáo phụ Cyril de Alexanria và thánh Thomas Aquinas khi các vị chỉ coi đau khổ của Đức Kitô trên thập giá là thuộc về nhân tính.[20] Tương tự vậy, Moltmann phê bình người vô thần lại quá tập trung quá nhiều tới chiều kích nhân loại, nên cho rằng một Thiên Chúa dửng dưng với đau khổ của nhân sinh như trên chỉ là một Thiên Chúa thiếu thốn, nghèo nàn, bất lực và thậm chí là một kẻ tàn ác, hoặc là Thiên Chúa không hiện hữu.[21] Không tán đồng với hai lối nhìn trên, Moltmann cho rằng đỉnh cao của việc tỏ lộ tình thương của Thiên Chúa chính là nơi thập giá của Đức Kitô. Ông cho rằng trọng tâm của các thần học Kitô Giáo phải nói về Thiên Chúa trong biến cố thập giá của Đức Kitô. Biến cố ấy là biến cố của Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa mạc khải chính mình. Thập giá cho thấy khoảnh khắc phân rẽ tột cùng nhất của các ngôi vị Thiên Chúa. Tuy nhiên cũng chính khoảnh khắc ấy là giây phút cho thấy mối dây hiệp nhất nên một giữa Cha và Con nhờ Thánh Thần.[22] Đây là biến cố xảy ra ở chính “nội tại” của Thiên Chúa. Nơi đó, Ba Ngôi Thiên Chúa hình thành nên chính mình. Thiên Chúa không chỉ hành động hướng ra bên ngoài nhưng là hành động nội tại nơi Thiên Chúa. Nói cách khác, nơi biến cố thập giá của Đức Kitô, Thiên Chúa chịu đau khổ nơi chính mình.[23] Giải thích cho điều này, Moltmann diễn giải lại vào những gì thánh Gregory thành Nyssa đã viết như sau:

“Khi Đức Giêsu chịu đóng đinh được gọi là ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’, nghĩa là đây là Thiên Chúa, và Thiên Chúa là đây. Thiên Chúa không lớn hơn trong tình trạng ô nhục này. Thiên Chúa cũng không vinh quang hơn trong sự tự nộp này. Thiên Chúa cũng không mạnh mẽ hơn trong sự bất lực này.”[24]

Moltmann giải thích cách rõ ràng hơn rằng:

Trong cuộc khổ nạn của Con, chính Chúa Cha chịu đau khổ bị bỏ rơi. Trong cái chết của Con, cái chết cũng ập đến trên chính Chúa Cha và Người đau khổ về cái chết của Con mình qua tình yêu dành cho người Con bị bỏ rơi. Hệ quả là những gì xảy ra trên thánh giá phải được hiểu như là biến cố giữa Thiên Chúa với Con Thiên ChúaThiên Chúa hiện diện và mạc khải chính mình trong sự nộp mình của Đức Giêsu, cũng như trong cuộc thương khó và cái chết trên thập giá.[25]

Tuy nhiên, khi nói như trên, Moltmann cũng nhấn mạnh rằng khi phát biểu “Thiên Chúa chết” hay “Thiên Chúa đau khổ” chúng ta không thể hiểu theo kiểu giản lược nhưng phải hiểu theo chiều kích Ba Ngôi. Vì khi Người Con đau khổ và chết trên thập giá, Chúa Cha cùng đau khổ với Ngài, nhưng không theo cùng một cách thức. Chính ở điểm này mà Moltmann cho rằng ông khác với Karl Barth và Karl Rahner. Vì ông cho rằng hai thần học gia trên không nhấn mạnh và phân biệt đủ về chiều kích Ba Ngôi ở đây.[26] Do đó, đối với Moltmann, ông cho rằng cần phải cho thấy sự phân biệt của Ba Ngôi nơi biến cố thập giá. Và đây là một sự nghịch lý vì một đàng Thiên Chúa “chết” trên thập giá nhưng đàng khác lại không chết. Điều này chỉ có thể hiểu theo một cách ẩn dụ.[27] Nói một cách khác, Thiên Chúa không chỉ siêu việt nhưng còn nội tại. Người vừa đau khổ vừa chống lại sự đau khổ. Vì lẽ ấy, Moltmann không hiểu sự đau khổ của Thiên Chúa theo quan niệm của khổ phụ thuyết (patripassianism). Vì dù cho Chúa Cha có đau khổ nhưng sự đau khổ của Chúa Cha trong cái chết của Người con thì khác với sự đau khổ và hấp hối của Người Con bị Chúa Cha bỏ rơi. Cũng vậy, Moltmann cũng không đồng ý với thuyết thần thụ nạn (theopaschism) coi cái chết của Đức Giêsu như là cái chết của Thiên Chúa.[28] Thế nên, đối với Moltmann thay vì nói rằng: Đó là “cái chết của Thiên Chúa” thì đúng hơn nên phát biểu là “cái chết trong Thiên Chúa”.[29]

Ngoài ra, trong nhãn quan của Moltmann, cái chết của Đức Kitô trên thập giá là biến cố của Ba Ngôi trước khi biến cố ấy được nhìn nhận là hệ trọng đối với sự cứu độ thế giới.[30] Hiểu như thế, trước khi biến cố thập giá cho thấy giá trị cứu độ thì đó đã là mạc khải về chính Ba Ngôi Thiên Chúa và về mối liên hệ tương tại (perichoresis) giữa các ngôi vị Thiên Chúa.[31] Hơn nữa, cũng trong biến cố thập giá này, Moltmann phê bình những người quá chú trọng tới thuyết hai bản tính của Đức Giêsu và giải thích về biến cố thập giá chỉ như là sự tự hủy mình của Ngôi Con. Trong khi đó đối với Moltmann, biến cố thập giá phải được hiểu trong hữu thể của Thiên Chúa (God’s being), cả theo chiều kích Ba Ngôi lẫn chiều kích ngôi vị (both trinitarian and personal terms). Nơi đó, chiều kích ngôi vị của Đức Giêsu phải hiểu nó trong sự trọn vẹn của Ngôi Con nhập thể, chứ không chỉ theo bản tính con người.[32] Đồng thời, biến cố thập giá của Người Con cũng là mạc khải của toàn bộ Ba Ngôi. Biến cố này chỉ có thể được trình bày như là biến cố của Thiên Chúa trong chiều kích Ba Ngôi.[33] Thậm chí Moltmann còn đi xa hơn khi ông khẳng định rõ ràng “ý nghĩa của thập giá Con Thiên Chúa trên đồi Calvê đụng chạm đến chính tâm điểm của Ba Ngôi nội tại.”[34] Nói một cách rõ hơn, Ba Ngội nội tại chỉ trở hoàn thiện nơi biến cố thập giá. Hiểu như vậy, Moltmann cũng giải thích về những lập luận của công đồng Nicea chống lại Arius như sau:

Thiên Chúa không thể thay đổi nhưng tuyên bố này không phải tuyệt đối nhưng chỉ là một kiểu so sánh (simile). Thiên Chúa không thể thay đổi như thọ tạo thay đổi…Lối nói phủ định về sự thay đổi chẳng qua chỉ là để phân biệt giữa Thiên Chúa và con người, thay vì là rút ra kết luận rằng Thiên Chúa không thể thay đổi trong nội tại của Người. Nếu Thiên Chúa không chịu tác động từ các thọ tạo hay ý chí của mình và thay đổi cách bị động như các thọ tạo khác, thì điều này không có nghĩa là Người không còn tự do để thay đổi chính mình.”[35]

Tương tự như vậy, Moltmann minh chứng cho thấy thần học huyền nhiệm của Giáo Hội Phương Đông cũng đã không bó hẹp trong giáo thuyết hai bản tính nhưng mở rộng hơn. Ông đồng ý với quan điểm này khi cho rằng việc tự hủy không chỉ dành riêng cho Ngôi Hai mà cả là của cả Ba Ngôi:

“Sự tự hủy…(và) công trình Chúa Con nhập thể là ng trình của toàn thể Ba Ngôi Chí Thánh, ở đó Đức Kitô không bị tách riêng ra…Thập giá….vừa phân rẽ vừa nối kết các ngôi vị (Thiên Chúa) trong tương quan với nhau, cũng như phác họa các ngôi vị theo một cách thức cụ thể. Những gì xảy ra trên thập giá cho thấy mối tương quan giữa Đức Giêsu, Người Con với Chúa Cha và ngược lại.”[36]

Nói tóm lại, Đối với Moltmann để có thể hiểu được Thiên Chúa đau khổ, người ta phải hiểu được tầm quan trọng về cái chết của Đức Giêsu đối với Chính Thiên Chúa. Ở đó, biến cố thập giá trở thành biến cố mạc khải của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nơi thập giá, người ta sẽ thấy được các sự phân rẽ lẫn kết hiệp trong các mối tương quan của Ba Ngôi nội tại.[37]

b. Thiên Chúa là tình yêu nên Người đã chọn lựa chủ động thông dự vào đau khổ của thập giá Đức Kitô.

Nếu như ở phần trên, Moltmann khởi đi từ cuộc khổ nạn của Đức Kitô để cho thấy sự thông dự và tương tại của Ba Ngôi trong sự đau khổ, thì ở đây Moltmann lại cho thấy chính bản chất tình yêu của Thiên Chúa là điều căn cốt giúp ông khẳng định Thiên Chúa đau khổ. Thật vậy, Moltmann lý luận rằng các giáo phụ đã thiếu xót khi chỉ nhìn nhận có hai khả thể: hoặc là Thiên Chúa không có khả năng đau khổ hoặc là Người phải lệ thuộc hoàn toàn vào đau khổ. Ở đây, Moltmann đề nghị một khả thể thứ ba là sự đau khổ của tình yêu say đắm nơi Thiên Chúa. Với tình yêu này, Thiên Chúa tình nguyện để mình được mở ra với thọ tạo khác và cho phép chúng ảnh hưởng trên Người.[38] Như thế, trong khi siêu hình hữu thần khăng khăng rằng Thiên Chúa không thể bị chi phối, ảnh hưởng bởi các đối tượng Người yêu, nghĩa là các đối tượng ấy chẳng là nguyên nhân làm cho Thiên Chúa đau khổ hay sướng vui; Moltmann cho rằng Thiên Chúa dù không đau khổ như thọ tạo đau khổ vì sự bất toàn của chúng, thì Thiên Chúa hoàn toàn tự do và có thể tình nguyện chủ động thông dự vào đau khổ. Người yêu thương với trọn vẹn hữu thể của Người; và Người có thể đau khổ từ tình yêu dạt dào và sung mãn của Người.[39] Nói một cách khác, việc Thiên Chúa đau khổ không diễn tả sự bất toàn trong hữu thể của Thiên Chúa như người ta lo ngại nhưng đúng hơn nó xuất phát từ chính sự tròn đầy của hữu thể Thiên Chúa. Trong tình yêu và sự tròn đầy của hữu thể mình, Ba Ngôi thể hiện sự hiệp thông liên đới trong đau khổ. Như thế, sự đau khổ không đe dọa hay làm nguy hại đến hữu thể của Thiên Chúa. Đó chính là sự đau khổ chủ động mà Thiên Chúa sẵn sàng “mở” chính mình để cho người khác đụng chạm, và tác động đến Người. Hơn nữa, theo Moltmann nếu Thiên Chúa không có khả năng mở ngỏ chính mình trong việc chấp nhận cho người khác ảnh hưởng đến mình thì Người cũng không có khả năng yêu.[40] Nhưng nếu Người có khả năng yêu người khác thì cũng có nghĩa rằng Người cũng có khả thể đón lấy những đau khổ kéo theo vì tình yêu ấy:

Có loại đau khổ cam chịu thì cũng có loại đau khổ tình nguyện vì tình yêu. Nếu Thiên Chúa không có khả năng đau khổ trong bất kỳ trường hợp nào, thì suy cho cùng Ngài cũng không có khả năng để yêu. Nếu Tình yêu là sự chấp nhận người khác không phải chỉ khi người ấy tốt lành thì tự nơi tình yêu ấy đã gồm chứa khả thể chia sẻ sự đau khổ và tự nguyện chịu đau khổ như là những khía cạnh khác của người ấy (as a result of the otherness of the other).”[41]

Hơn nữa vì Thiên Chúa là tình yêu mà tình yêu thì không bao giờ đơn lẻ một mình. Trong tình yêu luôn có người yêu và đối tượng được yêu. Và nói theo Moltmann, bản chất của tình yêu là hỗ tương, liên đới. Trong tình yêu hỗ tương này, Chúa Cha đau khổ trong tình yêu của Người về sự đau buồn và cái chết của Người Con. Người Con tình nguyện từ bỏ chính mình vì tình yêu. Như thế, tính năng động của tình yêu giữa các ngôi vị Thiên Chúa được thể hiện nơi biến cố thập giá này. Đó là biến cố cho thấy mối tương quan giữa các ngôi vị Thiên Chúa với nhau. Ở đó, có một sự tự nguyện và trao hiến cho nhau vì tình yêu. Như thế, nếu Thiên Chúa đau khổ xuất phát từ tình yêu thì không có gì mâu thuẫn với bản tính của Người. Thật vậy, dựa vào Kinh Thánh (Gal 2, 20), Moltmann cho thấy cả Chúa Cha và Con đều là người chủ động trong biến cố thập giá. Nơi ấy, Người Con đi vào biến cố thập giá cách tự nguyện chứ Ngài không đau khổ cách bị động.[42] Ngài đã kêu gào: “lạy Cha, sao cha bỏ rơi con?” Tiếng kêu gào này, theo Moltmann, cho thấy chính Thiên Chúa trên thập giá. Đức Giêsu không chỉ như là một nạn nhân, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài là Con Thiên Chúa đau khổ và chết bầm dập trong sự vô tội. Chúa Cha đau khổ, tổn thương khi nhìn Con đau và chết. Do đó, Moltmann viết rằng: “Con đau khổ hấp hối chết, còn Cha đau khổ về cái chết của Con.”[43]

Hơn nữa Moltmann còn đẩy quan điểm này đi xa hơn khi khẳng quyết: “Hữu thể của Thiên Chúa ở trong sự đau khổ và sự đau khổ thì ở trong chính hữu thể của Thiên Chúa.”[44] Theo nghĩa đó, ông cho rằng “vấn đề về Thiên Chúa và vấn đề về đau khổ không thể tách rời nhưng đi liền với nhau.[45] Hiểu như thế, biến cố thập giá là biến cố Thiên Chúa đã không dung thứ cho Con Một Mình (Rm 8, 32) cũng có nghĩa là Thiên Chúa đã không dung thứ cho chính mình. Người Con đau khổ trong tình yêu bị Chúa Cha bỏ rơi khi Ngài chết. Chúa Cha đau khổ trong tình yêu buồn sầu vì cái chết của Người Con. Thánh Thần hoạt động trong sự trao nộp và tự hiến của Chúa Cha và Người Con. Như thế, trong việc bị bỏ rơi của Người Con, Chúa Cha cũng bỏ rơi chính mình. Trong sự trao nộp của Người Con, Chúa Cha cũng trao nộp chính mình. Nói một cách khác, trong nhãn quan của Moltmann, đau khổ và tình yêu có một mối liên hệ, thậm chí là đồng hóa với nhau. Và như vậy đối với ông, chính nhờ mối tương quan tình yêu nơi khổ giá của Đức Giêsu mà người ta có thể hiểu về Ba Ngôi một cách rõ ràng hơn chứ không còn là một điều gì trừu tượng hay những ý niệm rỗng.[46] Nói theo ngôn ngữ của Moltmann, “bất cứ ai thực sự nói về Ba Ngôi là nói về thập giá của Đức Kitô chứ không phải là nói về một điều gì bí nhiệm từ trời cao.”[47] Nói cách ràng hơn, biến cố thập giá đã cung cấp nội dung cho thần học Ba Ngôi, làm cho Giáo Lý về Ba Ngôi trở nên gần gũi.

Nói tóm lại, đối với Moltmann, biến cố thập giá cho thấy Ba Ngôi Thiên Chúa diễn tả sự hiện hữu mình như là tình yêu. Ở đó Ba Ngôi thông hiệp và trao hiến cho nhau. Chúa Cha cùng đau khổ với Con của mình trong tình yêu.[48] Nói một cách khác, chính trong tình yêu, Thiên Chúa đã cùng nhau thông phần vào đau khổ nơi biến cố thập giá của Chúa Con. Và Như vậy, Thiên Chúa cũng đau khổ với Chúa Con. Phần tiếp theo dưới đây là lập luận của Moltmann về tương quan của Thiên Chúa với những người đau khổ

Đau khổ của con người là đau khổ của Thiên Chúa

Như đã nói ở trên, trong nhãn quan của Moltmann, ý niệm đau khổ được gắn chặt với hành động yêu thương của Thiên Chúa. Trong tình yêu và sự đau khổ ấy, Ba Ngôi thể hiện sự liên đới trong các mối tương quan nội tại lẫn ngoại tại.[49]Thế nên, dựa vào tư tưởng của Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Philiphê chương hai, Moltmann cho rằng Thiên Chúa trong ngôi vị của Chúa Con đã đi vào trong sự giới hạn và bất toàn của con người. Người không chỉ đi vào trong đó mà còn chấp nhận và ôm lấy tất cả hiện sinh của con người vào trong hữu thể của mình…để mọi người đều có thể tham dự vào trong Người với toàn thể đời sống của họ.[50] Chính trong tình yêu này, Thiên Chúa đã đau khổ với con người. Hiểu như thế, Moltmann cho rằng Ba Ngôi Thiên Chúa thông dự vào trong đau khổ của con người, giống như một người có lòng thương cảm với sự đau khổ của người khác sẽ thông dự vào đau khổ của người ấy, và nhận lấy đau khổ của người ấy làm của mình. Thật vậy, ông giải thích rằng:

“Đó chính là đau khổ của Đấng Tạo Hóa khi Người gìn giữ thế giới này và chịu đựng những mâu thuẫn và đối nghịch của nó, để duy trì nó trong sự sống. Đó cũng là sự đau khổ đặc biệt của Đức Kitô khi Ngài ở trong cộng đoàn với chúng ta và tự hiến chính mình cho chúng ta, chịu đau khổ để cứu chuộc chúng ta. Và cuối cùng, đó cũng là sự đau khổ của Thánh Thần trong “cơn đau đẻ” để tái sinh sự sống mới cho thọ tạo.”[51]

Đối với Moltmann, Thiên Chúa đau khổ là câu trả lời duy nhất có thể giải đáp cho những vấn đề mà con người phải trải qua trong cuộc sống của mình. Vì “Mọi câu trả lời khác sẽ là lời báng bổ, không thể có câu trả lời nào khác về vấn đề nhức nhối này.[52] Ở một nơi khác, Moltmann cũng nói tương tự:

“Sự đau khổ của một đứa trẻ vô tội, đơn độc là một lời bác bỏ mạnh mẽ về Thiên Chúa toàn năng và nhân từ ở trên trời. Vì một Thiên Chúa để cho người vô tội phải chịu đau khổ và để xảy ra những cái chết vô nghĩa thì không đáng được gọi là Thiên Chúa.”[53]

Theo đó, đối với Moltmann, thập giá không chỉ mạc khải về sự cảm thông của Thiên Chúa đối với người đau khổ nhưng còn cho thấy hành động liên đới của Người với những con người bị bỏ rơi và đau khổ ấy. Ông cho rằng người nào càng có kinh nghiệm về Thiên Chúa thì người ấy càng nghiệm ra rằng lịch sử của thế giới này chính là lịch sử của Thiên Chúa. Thật vậy, những khoảnh khắc mạc khải rõ ràng nhất chính là những thời khắc trải qua đau khổ. Chẳng hạn những tiếng than khóc khi bị lưu đầy ở Ai Cập, tiếng kêu của Đức Giêsu trên thập giá… Hiểu theo nghĩa đó, Moltmann cho rằng: Thiên Chúa đau khổ với chúng ta, Thiên Chúa đau khổ từ chúng ta, Thiên Chúa đau khổ vì chúng ta. Chính những kinh nghiệm này về Thiên Chúa mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi.”[54] Ở một chỗ khác, Moltmann cũng diễn tả tương tự khi ông thể hiện sự đồng quan điểm với Jon Sobrino đề cập tới kinh nghiệm của Dietrich Bonhoeffer (1906-1945) và của Tổng Giám Mục Oscar A. Romero (1917-1980) về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân của Người trước các đau khổ, nghèo đói vá áp bức như sau:

“Thập giá của Ngài đứng giữa các thập giá của chúng ta như dấu chỉ cho sự thông dự của Thiên Chúa trong đau khổ của chúng ta… Trong đám đông bị đóng đinh của lịch sử, Thiên Chúa bị đóng đinh cũng ở đó với ông. Trong ánh mắt của những người nghèo, người bị áp bức ông nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của Thiên Chúa.[55]

Như thế, dù Moltmann nhận thức rằng quan điểm của mình mâu thuẫn với thần học Kitô Giáo từ trước đến nay, nhưng ông vẫn tin tưởng rằng Thiên Chúa phải là Đấng cảm thương và đau khổ trước nỗi đau của con người. Đàng khác, ông cũng cho rằng đau khổ và những thách đố của kiếp nhân sinh là một điều gì đó vượt quá khả năng giải quyết của con người. Đối với ông, đau khổ còn hơn là một vấn đề vì nó là “một vết thương mở của cuộc sống” (the open wound of life). Nơi đó cho thấy người tin không chỉ dựa vào nội dung các câu trả lời về vấn đề đức tin có tính hời hợt; nhưng đó là một kinh nghiệm sống còn mà người tin được mời gọi trải qua. Càng tin người ta càng có kinh nghiệm về những đau khổ trong thế giới này thì càng khám phá ra cuộc khổ nạn của Thiên Chúa với thế giới.[56] Theo đó, Moltmann cho rằng đau khổ của toàn bộ thọ tạo trở thành một khía cạnh không tách rời khỏi Thiên Chúa. Câu hỏi về Thiên Chúa và vấn nạn về đau khổ là chung một vấn đề và có liên hệ đến nhau. Moltmann thậm chí đã đi tới khẳng quyết “Thiên Chúa và sự đau khổ thuộc về nhau, giống như trong thế giới này, tiếng kêu gào của Thiên Chúa và sự đau khổ được nghiệm thấy trong đau đớn thuc về nhau.”[57] Nói một cách khác, Moltmann đã đồng hóa vấn nạn đau khổ của nhân sinh với câu hỏi về Thiên Chúa. Thay vì lý luận như những người vô thần là Thiên Chúa vô tâm, không mủi lòng trước các biến cố đau khổ, Moltmann cho thấy Thiên Chúa đang chống lại và liên đới với con người trong các đau khổ mà họ phải gánh chịu: “Đó thích thực là Thiên Chúa… Chính Ngài bị treo trên giá.[58] Đối với ông, đối diện với vấn đề đau khổ trong thực tại đời sống con người là đặt mình đứng trước một câu hỏi mở, chưa tìm thấy lời đáp. Vì lời đáp cho vấn nạn ấy nằm ở tương lai, trong hy vọng cánh chung khi con người đồng hóa mình hoàn toàn với Đức Kitô chịu đóng đinh. Lúc đó, Thiên Chúa sẽ hoàn tất, chữa lành và xoa dịu tất cả những đau khổ đã và đang diễn ra.

Nói tóm lại, trước những đau khổ và quẫn bách của con người, người ta có thể mất niềm tin vào Thiên Chúa công bình và yêu thương. Tuy nhiên đối với Moltmann những khoảnh khắc như thế rõ ràng cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Làm sao Thiên Chúa có thể dửng dưng như người bàng quan, không cảm thương, không quan tâm gì đến những nỗi đau của người chịu bất công, không có tiếng nói? Nếu Thiên Chúa là Đấng yêu thương và trắc ẩn như Người đã khẳng định trong Kinh Thánh, ắt hẳn Người không những phải nhận thức về những đau khổ của con người. Thậm chí chính Người cũng trở thành nạn nhân “chủ động” chịu đau khổ như thế. Đối với Moltmann, nơi thập giá, Thiên Chúa mang lịch sử đau khổ vào trong lịch sử của Người và mở ra một tiến trình dẫn đưa con người thoát khỏi mọi đau khổ. Đó là lý do tại sao ông tuyên bố: “Trong thập giá của Đức Kitô, mầu nhiệm tự trao nộp của Thiên Chúa được tỏ lộ, vì đây là mầu nhiệm của chính Thiên Chúa. Đó cũng là mầu nhiệm của Ba Ngôi mở ra với thế giới, với thời gian và với nhân loại: Mầu nhiệm của tình yêu tìm kiếm của Thiên Chúa.”[59]

MỘT VÀI GHI NHẬN VÀ PHÊ BÌNH LIÊN HỆ TỚI QUAN NIỆM CỦA MOLTMANN DỰA TRÊN CÁC THẦN HỌC GIA CÔNG GIÁO

Một vài điểm đáng ghi nhận của Moltmann về quan niệm Thiên Chúa đau khổ

Trước hết, chúng ta phải chân nhận rằng lối hiểu của Moltmann về biến cố thập giá của Đức Giêsu đã góp phần làm cho người ta ý thức hơn về chiều kích Ba Ngôi Thiên Chúa nơi mầu nhiệm thập giá. Đồng thời trong nỗ lực nối kết thần học thập giá với thần học Ba Ngôi, Moltmann đã đóng góp giúp cho người ta hiểu hơn phần nào Ba Ngôi Thiên Chúa cũng như về tương quan tương tại giữa Ba Ngôi. Đúng theo nhận định của Brian O. McDermott,[60] đóng góp lớn của Moltmann là luận điểm Chúa Cha phải được nhìn nhận đầy đủ và phải can dự một cách thân mật trong đau khổ và trong cái chết của Đức Giêsu. Tư tưởng này của ông đã góp phần khơi gợi và giúp người ta ý thức hơn về mạc khải của Thiên Chúa nơi thập giá. Khỏi cần phải nói, chắc hẳn nhiều người sẽ thừa nhận rằng những ảnh hưởng và gợi hứng của Moltmann đã thôi thúc các thần học gia đương đại tập trung suy tư nhiều hơn về thần học Ba Ngôi lẫn thần học thập giá. Bản thân Moltmann ông cũng thấy được sức ảnh hưởng này khi ông kể ra hoàng loạt những thần học gia đương đại đang suy tư về vấn đề trên. [61]

Kế đến, khi lấy Kinh Thánh như là nguồn để soi sáng cho tranh luận liên quan đến Thiên Chúa đau khổ, Moltmann đã cho thấy Thiên Chúa rõ ràng phải là Đấng hay động lòng trắc ẩn, cảm thương trước nỗi khốn khổ của dân Người. Nếu bản tính Thiên Chúa là như thế, thì chẳng có gì có thể phủ nhận sự đau khổ và đồng cảm của Thiên Chúa Cha trước cuộc khổ nạn của Con Người. Đồng thời, việc Moltmann nhấn mạnh tới đặc tính tình yêu của Thiên Chúa cũng góp phần khơi gợi và giúp cho người ta ý thức về tình thương của Thiên Chúa, cách đặc biệt trong những lúc bi đát nhất của cuộc sống.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng quan điểm của Moltmann về Thiên Chúa đau khổ không chỉ làm sáng lên chiều kích Ba Ngôi nhưng nó còn mở hướng giúp cho những người đang chịu đau khổ cảm thấy được sự an ủi, đồng cảm của Thiên Chúa giữa những hoàn cảnh khốn khó của họ. Bởi vì lịch sử khốn khó của đời họ đã được tháp nhập vào lịch sử của Thiên Chúa.[62] Theo đó, ông khơi gợi nên phần nào trong những con người đau khổ và lầm than những tia sáng của niềm hy vọng và cậy trông vào Thiên Chúa, Đấng không chỉ chung chia đau khổ với họ và còn đang cùng họ tiến tới viễn tượng cánh chung. Nơi đó mọi đau khổ và tang tóc sẽ không còn. [63]

Đó là một vài những ghi nhận liên quan đến tư tưởng của Moltmann về Thiên Chúa đau khổ. Phần dưới đây chúng ta sẽ điểm qua một vài phê bình liên quan đến tư tưởng này.

Những phê bình của các thần học gia công giáo về quan niệm Thiên Chúa đau khổ của Moltmann

Mặc dù nhìn nhận những cố gắng và đóng góp của Moltmann khi bàn luận về Thiên Chúa đau khổ, nhưng nhiều thần học gia công giáo đã không đồng ý với lập luận của ông. Đối với họ, quan điểm của Moltmann về Thiên Chúa đau khổ còn có nhiều “lỗ hổng” cần phải đặt lại.

Trước hết là phê bình về phương pháp tiếp cận có vẻ duy lý và mang tính thuyết hình nhân (anthropomorphisms) của Moltmann.[64] Trong nhận định của mình, Johann Baptist Metz phê bình những thần học gia quan niệm về Thiên Chúa đau khổ (trong đó có Moltmann) như sau: Đối với ông, có quá nhiều vấn đề còn tồn đọng ở đây. Cụ thể, Metz thấy rằng khi nỗ lực bàn về Thiên Chúa đau khổ cuối cùng các thần học gia này đã biến Thiên Chúa thành một bản sao hoàn hảo về sự đau khổ và bất lực của con người. [65] Đối với ông, thần luận (theodicy) không phải là tìm một giải pháp cho vấn đề mang tính ý niệm của sự dữ. Ngoài ra, Metz cũng cho rằng lối tiếp cận như thế có lẽ bị ảnh hưởng nhiều từ Hegel nên đã giản trừ và nhìn Thiên Chúa chỉ như là ý niệm và mang tính suy lý. [66] Tương tự như vậy, trong tài liệu “Thần học, Kitô học và nhân chủng học” được Ủy Ban Thần Học Quốc Tế soạn thảo năm 1982, các thần học gia công giáo cũng đưa ra một vài phê bình liên hệ đến quan niệm Thiên Chúa đau khổ theo kiểu của Hegel mà Moltmann bị ảnh hưởng. Tài liệu cũng cảnh báo việc sử dụng lý trí tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa, dù có thể gặp được, nhưng đừng quên nó có giới hạn. Ngoài ra, tài liệu này nhắc nhở phải lưu ý tới cách diễn tả theo kiểu thuyết hình nhân (anthropomorphisms) trong Kinh Thánh khi dùng Kinh Thánh như nền tảng cho quan niệm về sự đau khổ của Thiên Chúa.[67] Qua tài liệu, các thần học gia cũng minh định rõ ràng rằng các giáo phụ nhấn mạnh tới sự bất cảm thụ (apatheia) của Thiên Chúa nhưng không phủ nhận lòng trắc ẩn (compassion) của Người trước đau khổ của nhân loại. Thật ra các giáo phụ muốn dùng từ apatheia để đối ngược lại với từ pathos – dùng để chỉ một xúc động ngoài ý muốn, hay bị kích động từ bên ngoài.[68] Thêm vào đó, lập trường của Ủy ban Thần Học Quốc Tế còn cho rằng Hội Thánh vẫn xác quyết thiên tính nơi Đức Giêsu và Thiên Chúa không thể có cảm xúc.[69] Như thế phải chăng ở đây Moltmann đã hiểu lầm tư tưởng của các giáo phụ về tính bất biến và bất cảm thụ của Thiên Chúa. Hệ quả là ông khăng khăng đòi đặt lại về quan niệm Thiên Chúa cũng như coi nhẹ giáo thuyết hai bản tính của Đức Giêsu như chúng ta đã bàn ở trên. Ngoài ra, khi phê bình thuyết hai bản tính và nhấn mạnh tới Chúa Cha đau khổ như thế, Moltmann có nguy cơ tách biệt biến cố thập giá ra khỏi các biến cố khác của đời sống Đức Giêsu, chẳng hạn như nhập thể, cuộc sống công khai và phục sinh. Làm như vậy, phải chăng Moltmann đã đánh mất đi chiều kích sử tính của Đức Giêsu, cũng như không không lưu tâm đủ đến chiều kích ngôi vị nơi Thiên Chúa. Do vậy ông cũng có thể đánh mất đi vai trò Đấng Trung Gian duy nhất của Đức Kitô trong mầu nhiệm cứu độ.

Kế đến là quan niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi thành hình nơi biến cố thập giá: Theo nhà thần học John J O’Donnell, Moltmann đã sai lầm khi nhấn mạnh thái quá tới hành động của Chúa Cha mà quên rằng Chúa Con tự trong chính hữu thể của mình là vâng phục. Sự vâng phục này không phải là một sự vâng phục cưỡng bách nhưng đó là sự vâng phục của tình con thảo vốn có từ đời đời.[70] Do đó, thập giá là nơi Chúa Con diễn tả sự vâng phục vốn vẫn đã được thực hiện từ trước vô cùng. Vâng phục như là sứ mạng Người Con phải hoàn thành. Chính ở điểm này Donnell đã so sánh và cho thấy sự khác biệt giữa quan niệm của Moltmann và Balthasar trong quan niệm về Ba Ngôi nơi biến cố thập giá. Trước hết, đối với Moltmann, sự phân rẽ giữa Cha và Con trên thập giá như biến cố cấu thành nên Ba Ngôi. Thế nên dù Moltmann có cho rằng Ba Ngôi tương tại (perichoresis) từ đời đời nhưng Ba Ngôi Nội tại vẫn cần biến cố thập giá để mạc khải và “hoàn thiện” mình. Với ông, nhận thức và quan niệm về Ba Ngôi nội tại phải được xây dựng trên nền tảng là kinh nghiệm cứu độ nơi thập giá Đức Kitô.[71] Trong khi đó, Balthasar chỉ cho rằng sự phân rẽ ấy vốn đã có từ đời đời trong sự vâng phục với tình con thảo của Con. Do vậy, Balthasar cho rằng biến cố thập giá chỉ là diễn tả rõ ràng nhất sự phân rẽ và hợp nhất giữa Ba Ngôi. Nó giúp thể hiện sâu xa nhất về Ba Ngôi chứ không là biến cố nội tại hình thành nên Ba Ngôi như Moltmann quan niệm.[72] Tương tự như cách hiểu của Balthasar và Donnell, tài liệu “Thần Học, Kitô Học Và Nhân Chủng Học” được Ủy Ban Thần Học Quốc Tế cũng lưu ý rằng sự đau khổ phân rẽ và niềm vui hiệp nhất của Cuộc Vượt Qua đã nằm trong ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa từ trước.[73] Như thế phải chăng từ quan niệm lệch lạc như trên mà lối hiểu của Molmann dẫn đến hệ lụy sau đây:

Thiên Chúa lệ thuộc vào sự dữ, vào lịch sử và Người bất lực trước chúng: [74] Thật vậy, coi Thiên Chúa như là biến cố, Moltmann nhìn Thiên Chúa chỉ đạt tới hoàn hảo trong viễn cảnh cánh chung. Bởi vì ông chủ trương Thiên Chúa theo phiếm thần thuyết (panentheism)[75], nên Người chỉ đạt tới sự hoản hảo khi mọi thọ tạo đạt tới hoàn hảo. Thập giá chỉ như là yếu tố chính trong tiến trình trở nên hoàn hảo của Thiên Chúa. Vì hiểu như thế nên Helen F. Bergin nhận xét rằng quan điểm của Moltmann cho thấy dường như Thiên Chúa cần sự đau khổ để diễn tả chính mình.[76] Gerald O’Collins trong một tác phẩm của mình, cũng đưa ra một nhận xét tương tự. Đối với O’Collins, khi Moltmann cho rằng biến cố thập giá ảnh hưởng hay thậm chí định hình nên (contistutes/creates) đời sống nội tại của Ba Ngôi, lối nói ấy chẳng khác nào Thiên Chúa cần một tiến trình có tính lịch sử để để trở thành Ba Ngôi.[77] Đồng quan điểm với hai học giả trên, Metz và Schillebeeckx cũng đưa ra nhận xét tương tự và thậm chí còn đẩy vấn nạn đi xa hơn. Theo Metz, nếu bàn luận về sự đau khổ của Thiên Chúa theo cách Moltmann diễn giải sẽ dẫn đến sự tình trạng “đau khổ không bao giờ chấm dứt” (an eternalization of suffering). [78] Nói một cách khác, Thiên Chúa trở lên bất lực trước sức mạnh của sự dữ. Còn đối với Schillebeeckx, ông cũng phê bình rằng Moltmann giải quyết vấn đề đau khổ bằng cách vĩnh viễn hóa đau khổ trong Thiên Chúa (eternalizing suffering in God). Theo Schillebeeckx, người ta không thể tìm kiếm nền tảng của đau khổ trong Thiên Chúa được. Vì nếu thế, làm sao Thiên Chúa có thể cứu người khác nếu chính Người cũng cần được giải cứu khỏi đau khổ hay Người cũng đang trong cảnh khốn khó như ta.[79] Schillebeeckx thêm rằng không thể quy cho Thiên Chúa vừa là Đấng khởi đầu cho sự sống vừa là Đấng khởi đầu cho việc hủy diệt sự sống. Nói một cách khác, đau khổ và sự dữ không có nguồn gốc trong Thiên Chúa. Đối với Schillebeeckx, Thiên Chúa thì tốt lành tuyệt đối (pure positivity).[80] Như thế ông không đồng ý với Moltmann khi cho rằng đau khổ nằm trong Thiên Chúa.[81]

Ngoài ra, khi nhấn mạnh đến chiều kích đau khổ của Thiên Chúa, Moltmann chủ trương mời gọi những người đang đau khổ hướng tới khoảnh khắc cánh chung bằng cách thể hiện căn tính Kitô Giáo của mình là bước theo Đức Kitô, đồng hóa mình với Đức Kitô thập giá,[82] bằng cách chia sẻ đau khổ với Ngài.[83] Theo như Metz, lối lập luận như trên sẽ làm cho người ta sống một lối sống cam chịu, và mất đi sự kháng cự, chống lại sự bất công.[84] Gloria L. Schaab cũng phê bình một cách tương tự như thế khi bà cho rằng lối tiếp cận và giải quyết vấn đề của Moltmann dường như cho thấy Thiên Chúa không có khả năng để tạo ra sự chuyển biến cho những đau khổ mà Người đang chia sẻ với con người. Lối hiểu này không khuyến khích và thúc đẩy những hành động cho công bình.[85]

Một phê bình khác cho rằng kiểu lập luận của Moltmann biến Thiên Chúa thành kẻ gây ra cái chết khủng khiếp của Đức Giêsu. Thật vậy, Helen Bergin cho rằng khi Moltmann phát biểu “Chúa Giêsu bị Cha loại bỏ và nguyền rủa trên thập giá[86] thì dù ông có lập luận Chúa Cha yêu Con, những từ ngữ ấy của ông đã tạo ra những tranh luận như thể chính Chúa Cha liên quan trực tiếp đến cái chết khủng khiếp của Đức Giêsu.[87] Thật vậy, ngay cả khi Moltmann phủ nhận rằng ông không hề có ý như thế,[88] nhưng nhiều nhà thần học vẫn thấy trong lập luận của ông dáng dấp một Thiên Chúa tàn bạo và ác độc.[89] Cụ thể ở đây là Gloria L. Schaab. Bà cho rằng quan niệm của Moltmann về sự đau khổ của Thiên Chúa có nguy cơ dẫn đến vài hệ luận tiêu cực liên quan đến hình ảnh Thiên Chúa của Kitô Giáo và mối tương quan của Thiên Chúa với thế giới. Theo đó, bà cho rằng việc Moltmann nhấn mạnh Thiên Chúa như Đấng cố tình bỏ rơi Người Con trên thập giá dễ làm cho người ta có nguy cơ hiểu về Chúa Cha như Đấng lạm dụng, thích đau khổ (divine Sadist). Ngoài ra, việc Moltmann cho rằng cả Chúa Cha và Chúa Con đi vào trong đau khổ chỉ vì tình yêu thế giới đổ vỡ này có nguy cơ làm người ta hiểu Đức Giêsu như “con dê tế thần” (scapegoat), dù vẫn biết rằng ông không có ý như thế.[90]

Ngoài ra, các thần học gia cũng lưu ý Moltmann về tính mầu nhiệm của sự dữ. Thật vậy, không đồng tình với quan niệm của Moltmann, Metz lưu ý tới tính mầu nhiệm đau khổ vốn như là điều cần nhìn nhận trong thực tại của đời sống con người. Đồng thời, ông cũng đề cập tới khía cạnh cánh chung trong lời hứa cứu độ của Thiên Chúa như là một trong viễn cảnh giúp cho con người cảm thấy tin tưởng và hy vọng vào lời hứa cứu độ này. Theo Metz, bằng con mắt đức tin người ta sẽ nghiệm thấy đặc tính về lời hứa yêu thương của Thiên Chúa sau khi biến cố đau khổ đã xảy ra chứ không phải là trong lúc họ đang phải vật lộn với đau khổ.[91] Cũng vậy, Edward Schillebeecks cũng cho rằng trong quan niệm của Kitô Giáo, đau khổ vẫn là một mầu nhiệm bất khả hiểu thấu. Hơn nữa, vì quan niệm đau khổ là một mầu nhiệm Schillebeeckx còn lưu ý rằng niềm tin tôn giáo không bao giờ quy lỗi cho sự bất lực của con người khi phải đối diện với đau khổ và sự dữ. Ngược lại, niềm tin ấy giúp cho con người thoát khỏi những kinh nghiệm đau thương, bất lực ấy bằng cách cho họ thấy ý nghĩa và khả thể mới từ Thiên Chúa. [92]

Nói tóm lại, từ những phê bình của các thần học gia ở trên, chúng ta có thể thấy tính phức tạp của quan niệm về Thiên Chúa mà Moltmann đặt ra. Thật là không dễ dàng để có thể đưa ra câu trả lời mang tính chung cục. Theo nhận định riêng của người viết, nhưng suy tư của Moltmann thật ra có những điểm đáng ghi nhận như đã đề cập ở trên. Trong đó, đáng kể nhất phải thừa nhận rằng Moltmann đã giúp chúng ta ý thức hơn về chiều kích và tương quan của Ba Ngôi nơi công trình cứu chuộc. Tuy nhiên, nếu đẩy đi xa hơn nữa theo kiểu Moltmann khi ông cho rằng biến cố thập giá hình thành nên Ba Ngôi thì có lẽ sẽ không thỏa đáng. Chính ở điểm này, người viết đồng quan điểm với các phê bình của các thần học gia công giáo. Bởi vì phải chăng Moltmann đã quá giản lược khi tiếp cận với mầu nhiệm Thiên Chúa, vốn là điều mà Ủy Ban Thần Học đã lưu ý khi đề cập tới tính giới hạn của lý trí con người trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Hơn nữa, người viết cũng đồng tình phần nào với các ý kiến cho rằng lý luận của Moltmann về Thiên Chúa đau khổ có nguy cơ phát sinh ra vô số hệ luận không đúng đắn. Chẳng hạn như nguy cơ biến Thiên Chúa thành hữu thể lệ thuộc vào lịch sử, bóp méo hình ảnh Thiên Chúa như là Đấng tàn bạo, thích đau khổ và bất lực trước sự dữ…

MỘT VÀI NHỮNG SUY TƯ PHẢN TỈNH CÁ NHÂN TRONG MỤC VỤ TRƯỚC VẤN ĐỀ ĐAU KHỔ CỦA CON NGƯỜI

Từ những phê bình phần trên, chúng ta thấy rằng những quan điểm của Moltman về Thiên Chúa đau khổ không hoàn toàn phù hợp với Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, những suy tư của ông không phải là không có ích để giúp chúng ta ý thức và cần phải lưu tâm hơn tới thực tại Thiên Chúa và thực tại đau khổ khi giảng dạy, chăm sóc mục vụ và hoạt động xã hội.

Thật vậy, chẳng ai muốn đau khổ, kể cả Thiên Chúa, nhưng đau khổ là một thực tại của cuộc sống. Đó là một phần trong kiếp sống nhân sinh của con người.[93] Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng đau khổ không xuất phát từ Thiên Chúa. Như mỗi người chúng ta, ắt hẳn Thiên Chúa cũng không muốn đau khổ hay sự dữ nào đó xảy ra cho con người. Bởi vì ngay trong ý định tạo dựng của mình, Thiên Chúa dựng nên con người là để cho họ được chia sẻ hạnh phúc với Người (x. Sáng Thế 2). Do đó, có thể nói đau khổ và sự dữ là điều Thiên Chúa không hề muốn xảy ra. Hiểu như thế, một đàng trong mục vụ con người, chúng ta diễn tả sự cảm thông với những người đang phải đối diện với đau khổ. Nhưng đàng khác chúng ta cũng giúp họ hiểu về Thiên Chúa, thay vì gán cho đau khổ xuất phát từ Thiên Chúa.

Kế đến, những suy tư của Moltmann và các thần học gia phần nào cho thấy sự nan giải trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và thực tại đau khổ của con người đang diễn ra nơi cuộc sống. Trước các đau khổ của con người chúng ta không biết Thiên Chúa có đau khổ như chúng ta không, hay Người đau khổ thế nào trong thiên tính. Nhưng chắc chắn với tấm lòng đầy từ bi và thương xót của Người, Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc con người. Chúng ta có thể bắt gặp đầy rẫy những chi tiết cho thấy tấm lòng trắc ẩn của Thiên Chúa nơi Kinh Thánh. Hơn thế nữa, trong các đau khổ mà con người đang phải đối diện, Thiên Chúa – Người có thể vẫn luôn ở đó, Người hiện diện cách thầm lặng để cùng cảm thông và chia sẻ với họ những nỗi đau do sự dữ hay do chính con người gây ra cho nhau. Trong những cảnh huống như thế, Martin Buber có một một từ ngữ để diễn tả là “sự ẩn khuất của Thiên Chúa”. Thật vậy, đối với những người có đức tin, Thiên Chúa không thật sự vắng mặt nhưng đúng hơn, Người chỉ đang bị đám mây đau khổ che phủ. Đó chính là xác tín của Kitô Giáo trước các tình huống đau khổ của con người. Giống như kinh nghiệm của thánh Job trong Kinh Thánh, Thiên Chúa vẫn luôn ở đó. Người vẫn luôn hiện diện ẩn khuất đàng sau những đau khổ của ông. Hay nói theo kiểu của Schillebeeckx trong biến cố đau khổ của Đức Giêsu, sự thinh lặng của Thiên Chúa không có nghĩa là Người rút lui, không còn ở đó với Con của Người. Nhưng sự thinh lặng ấy có thể mạc khải những sự mới mẻ về Người. Theo Schillebeeckx, thinh lặng không phải là sao nhãng nhưng Thiên Chúa hiện hiện ở đó với Đức Giêsu trong thinh lặng. Sự thinh lặng của Thiên Chúa trong biến cố thập giá mạc khải cho Đức Giêsu rằng Thiên Chúa ở với Ngài theo một cách thức khác.[94] Jean Galot cũng lý giải tương tự khi ông cho rằng nhìn bề ngoài, Đức Giêsu như bị Cha bỏ rơi và thậm chí cả bề trong, linh hồn Đức Giêsu cũng cảm thấy trống rỗng…Tuy nhiên sự thật thì Cha vẫn ở bên Con ngay cả khi Người Con không cảm nhận được.[95] Và nếu Thiên Chúa đã hiện diện thinh lặng với Đức Giêsu như thế thì hôm nay Người có thể cũng hiện diện cách thinh lặng với những con người đang phải đối diện với thách đố của cuộc sống này. Như thế, đôi khi người ta không thể hiểu thấu trước những khổ đau xảy ra trong cuộc đời này trong sự im lặng hay ẩn mình hoàn toàn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự im lặng, hay không cảm thấy sự hiện diện thần thiêng này không có nghĩa là Thiên Chúa vắng mặt trước những biến cố nhân loại. Thiên Chúa, Người vẫn luôn ở đó. Người hiện diện mọi nơi. Người đang chung chia những đau khổ mà thế nhân gánh chịu. Nói theo Dermot Lane, “vấn đề không phải là Thiên Chúa vắng mặt đối với cá nhân nhưng chính cá nhân vắng mặt đối với Thiên Chúa”.[96] Như thế, để nghiệm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nằm ở đức tin và kinh nghiệm của con người chứ không phải là của Thiên Chúa.

Hơn nữa, đôi lúc chúng ta phải nhìn nhận rằng dù đau khổ là điều không ai muốn, nhưng đôi khi đau khổ cũng có ý nghĩa và giá trị của riêng nó. Như xác tín của Thánh Phaolô: “Thiên Chúa có thể làm cho mọi sự đều sinh ích đối với ai yêu mến Người” (Rm 8, 28). Qua đau khổ, con người có thể được huấn luyện về lòng tin, lòng tín thác, kiên nhẫn và trung thành. Thật vậy, đôi khi đức tin cần trải qua thanh luyện (1Pr 1,7), cần được tôi rèn để con người trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Thư gửi tín hữu Do Thái nói cho chúng ta biết chính Đức Giêsu Kitô cũng phải trải qua nhiều đau khổ như thế mới học được thế nào là sống tình con thảo với Chúa Cha (Dt 5, 8). Qua cuộc khổ nạn của Người, mọi người sẽ tìm thấy nơi đau khổ một ý nghĩa mới là được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Trong ý nghĩa như trên, đối diện với những đau khổ đôi khi lại trở thành những cơ hội tốt để con người tiến triển trong tương quan đối với Thiên Chúa. Cũng vậy, đôi khi cần trải qua đau khổ, người ta mới có thể nghiệm thấy được Thiên Chúa mới là cội nguồn của hạnh phúc đời sống con người.[97] Đồng thời, người ta cũng nghiệm thấy mọi phương tiện, vật chất, tương quan cá nhân… ở trần gian không giúp giải thoát con người khỏi đau khổ. Bởi vì phàm là thọ tạo, tất cả đều có giới hạn của chúng và những giới hạn này không thể thỏa lấp con người cách hoàn toàn được. Chỉ có ở nơi Thiên Chúa – Đấng là Tuyệt Đối con người mới tìm thấy nguồn an vui đích thực. Nói theo cách nói của Bernard Lonergan, chính kinh nghiệm về sự yếu đuối và mỏng dòn nơi phận người mà người ta nảy sinh ra câu hỏi về ơn cứu độ và dẫn câu hỏi về Thiên Chúa. Đó mới là cùng đích để con người hướng tới.[98]

Ngoài ra, từ những suy tư ở trên, chúng ta nhận thấy rằng Thánh Thần chính là mối dây liên kết sự phân rẽ giữa Chúa Cha và Chúa Con trong biến cố thập giá. Cũng chính trong Thánh Thần, người kitô hữu tìm thấy ánh sáng cho cuộc sống của mình trước các đau khổ. Trước các khó khăn của cuộc sống nhân sinh, linh đạo Kitô Giáo không chủ trương rút khỏi thế giới này. Nhưng đúng hơn là vượt qua những thách đố ấy. Và phần nào giống như Ba Ngôi Thiên Chúa nơi biến cố thập giá, con người cũng được mời gọi mở ngỏ chính mình để dám tương quan và liên đới vào trong sự đau khổ của anh em đồng loại. Như thế, đau khổ cũng như cơ hội để mỗi người bày tỏ tình yêu và sự nâng đỡ của con người dảnh cho nhau (1Cr 12,16; Gl 6,2)

THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Galot, J. Lòng Chúa Cha. Translated by Không rõ dịch giả, (1998).
  2. Lane, D. Kinh Nghiệm về Thiên Chúa. Translated by Nguyễn Luật Khoa, (Tp.HCM: Nxb Đông Phương, 2008
  3. McDermott, B. O. Word Become Flesh: Demensions of Christology. Minnesota: The Liturgical Press, 1993.
  4. Metz, J. B. a Passion for God – the Mystical political Demension of Christtianity. Translated by J. Matthew Ashley. New York: Paulist Press, 1998.
  5. Moltmann, J. Hope and Planning. Translated by Margaret Clarkson. London: S.C.M. Press, 1971.
  6. __________ The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology. Translated by A. Wilson and John Bowden. New York: Harper & Row, 1974.
  7. __________ The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God translate by Margaret Kohl. Minneapolis: Fortress Press, 1993.
  8. __________ The Way of Christ: Christology in Messianic Dimensions. Translated by Margaret Kohl. London: SCM Press, 1990.
  9. O’Collins, G. The Tripersonal God – Understanding and Interpreting the Trinity. New York: Paulist Press, 1999.
  10. O’Donnell, The Mystery of The Triune God. London: Sheed & Ward, 1988.
  11. Schaab, G. The Creative Suffering of the Triune God. New York: Oxford University Press, 2007.
  12. Schillebeeckx, E. Christ: The Experience of Jesus as Lord. Translated by John Bowden. New York: Crossroad, 1990.
  13. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 1997.
  14. Tài liệu “Thần học, Kitô học và nhân chủng học” của UBTH Quốc Tế (1982).
  15. http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_1982_teologia-cristologia-antropologia_en.html.

CÁC BÀI VIẾT NGẮN

  1. Bergin, H. “The Death of Jesus and its impact on God – Jurgen Moltmann and Edward Schillebeeckx”, Irish Theological Quarterly 52 (1986).
  2. Moltmann, J. “The Ecumenical Church Under the Cross”, Theology Digest 24 (1976).
  3. __________ “The Triune God: Rich in Relationships,” The Living Pulpit (April, 1999).
  4. __________ “The Crucified God – Yesterday and Today: 1972 -2002in Cross Examinations Readings on the meaning of the Cross Today, ed. Marit Trelstad, 127-138. Minneapolis: Augsburg Fortress, 2006.

 


[1] Về phía Giáo Hội Công Giáo, chúng ta có thể thấy những tài liệu gần đây bàn về điều này như: Tài liệu “Theology, Christology, Anthropology” được Ủy Ban Thần Học Quốc Tế soạn thảo năm 1982, Tông thư Salvifici Doloris của Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1984; Tài liệu “God the Trinity and the Unity of Humanity” của Ủy ban Thần Học Quốc Tế soạn thảo năm 2014.

[2] Jurgen Moltmann, “The Crucified God – Yesterday and Today: 1972 -2002in Cross Examinations Readings on the meaning of the Cross Today, ed. Marit Trelstad, (Minneapolis: Augsburg Fortress, 2006), 127.

[3] X. ibid., 127.

[4] X. ibid., 129.

[5] Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, trans. Margaret Kohl (Minneapolis: Fortress Press, 1993), 47.

[6] X. Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 267 và Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 21.

[7] Jurgen Moltmann, The Trinity and the Kingdom: The Doctrine of God, 21.

[8] Ibid., 22.

[9] Ibid., 22.

[10] Đức Phanxicô trong năm 2015 vừa qua công bố Tông Sắc “Miresicordiae vultus” đã trích lại lời của Thánh Tomas Aquinas cho rằng: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, đúng ra không phải là một dấu chỉ của sự yếu nhược, nhưng là một nét đặc trưng nơi quyền năng của Ngài” (số 6).

[11] X. Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 201.

[12] Ibid., 201.

[13] Ibid., 201.

[14] X. ibid., 2.

[15] Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 21.

[16] Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 273-276.

[17] Jurgen Moltmann, The Trinity and the Kingdom: The Doctrine of God, 25-26 và Jurgen Moltmann, “The Crucified God – Yesterday and Today: 1972 -2002in Cross Examinations Readings on the meaning of the Cross Today, 129.

[18] Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 221.

[19] X. ibid., 214.

[20] X. ibid., 228-229.

[21] X. ibid., 219-226.

[22] X. ibid., 244.

[23] X. ibid., 205

[24] Ibid., 205.

[25] Ibid., 192.

[26] X. ibid., 203.

[27] Ibid., 203.

[28] Ibid., 243.

[29] X. ibid., 207; 244.

[30] Jurgen Moltmann, “The Crucified God – Yesterday and Today: 1972 -2002in Cross Examinations Readings on the meaning of the Cross Today, 133.

[31] Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 150.

[32] X. Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 207.

[33] X. ibid., 205-206.

[34] Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 159.

[35] Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 229.

[36] Ibid., 206.

[37] X. ibid., 207.

[38] X. Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 23.

[39] X. Ibid., 23; 31.

[40] X. Jurgen Moltmann, “The Crucified God – Yesterday and Today: 1972 -2002in Cross Examinations Readings on the meaning of the Cross Today, 131.

[41] Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 230.

[42] X. Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 75.

[43] Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 243.

[44] X. ibid., 227.

[45] Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 49.

[46] Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 240-241.

[47] Ibid., 207.

[48] Ibid., 244.

[49] X. Jurgen Moltmann, “The Triune God: Rich in Relationships,” The Living Pulpit (April, 1999), 3.

[50] X. Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 276.

[51] Jurgen Moltmann, The Way of Christ: Christology in Messianic Dimensions, trans. Margaret Kohl (London: SCM Press, 1990), 179.

[52] Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 274.

[53] Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 47.

[54] Ibid., 4.

[55] Jurgen Moltmann, “The Crucified God – Yesterday and Today: 1972 -2002in Cross Examinations Readings on the meaning of the Cross Today, 131.

[56] Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 49.

[57] Ibid., 49.

[58] Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 278.

[59] Jurgen Moltmann, “The Ecumenical Church Under the Cross”, Theology Digest 24 (1976), 383.

[60] Brian O. McDermott, Word Become Flesh: Demensions of Christology, (Minnesota: The Liturgical Press, 1993), 103.

[61] X. Jurgen Moltmann, “The Crucified God – Yesterday and Today: 1972 -2002in Cross Examinations Readings on the meaning of the Cross Today, 133-134.

[62] X. Jurgen Moltmann, The Trinity and the Kingdom: The Doctrine of God, trans. Margaret Kohl (Minneapolis: Fortress Press, 1993), 4.

[63] X. ibid., 49.

[64] Vế phía Moltmann, ông không đồng ý với sự phê bình cho rằng ông theo chủ trương này, tuy nhiên ông không giải thích rõ. (Xem từ Jurgen Moltmann, “The Crucified God – Yesterday and Today: 1972 -2002in Cross Examinations Readings on the meaning of the Cross Today, ed. Marit Trelstad, 134.)

[65] Theo nhận định của người viết, không biết Moltmann có chủ trương mạnh như Metz nghĩ ở đây không. Bởi vì dường như trong lập luận của Moltmann ông có phần lý thức về chiều kích loại suy cũng như biện chứng trong việc tiếp cận với mầu nhiệm Thiên Chúa.Tuy nhiên, người viết phần nào đồng ý với Metz lập luận của Moltmann ở những chỗ khác chưa cho thấy ý thức đó. (x. Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 27.)

[66] X. Johann Baptist Metz, a Passion for God – the Mystical political Demension of Christtianity, trans. J. Matthew Ashley (New York: Paulist Press, 1998), 69-71.

[67] X. International Theological Commission, “Theology, Christology, Anthropology.” Truy cập ngày 13 tháng 03, 2017. http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_1982_teologia-cristologia-antropologia_en.html.

[68] X. ibid.,

[69] DS 16 ; 166 ; 196t. ; 284, 293t. ; 300 ; 318 ; 358 ; 504 ; 635 ; 801 ; 852.

[70] X. John O’Donnell, The Mystery of The Triune God, (London: Sheed & Ward, 1988), 64-65.

[71] Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 159.

[72] X. John O’Donnell, The Mystery of The Triune God, 64-65.

[73] X. International Theological Commission, “Theology, Christology, Anthropology.” Truy cập ngày 13 tháng 03, 2017. http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_1982_teologia-cristologia-antropologia_en.html.

[74] Jurgen Moltmann, Hope and Planning trans. Margaret Clarkson (London: S.C.M. Press, 1971), 43.

[75] Chính Moltmann cho rằng mình theo quan điểm phiếm thần thuyết (xem Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 277.)

[76] X. Helen F. Bergin, “The Death of Jesus and its impact on God – Jurgen Moltmann and Edward Schillebeeckx”, Irish Theological Quarterly 52 (1986), 200.

[77] X. Gerald O’Collins, The Tripersonal God – Understanding and Interpreting the Trinity, (New York: Paulist Press, 1999), 158.

[78] X. Johann Baptist Metz, a Passion for God – the Mystical Political Demension of Christtianity, 69-71.

[79] Ở đây dường như Schillebeeckx đã hiểu lầm Moltmann. Vì theo Moltmann, chính Thiên Chúa là Đấng tự nguyện liên đới và ôm lấy đau khổ của con người chứ Người không bất lực trước sự dữ. Nhưng việc Moltmann đồng hóa Thiên Chúa với đau khổ như đã trình bày ở phần II.3 ở trên có thể đã dẫn đến phê bình của Schillebeckx là điều dễ hiểu.

[80] X. Edward Schillebeeckx, Christ: The Experience of Jesus as Lord, trans. John Bowden (New York: Crossroad, 1990), 726-728.

[81] X. Jurgen Moltmann, The Crucified God: The Cross of Christ as the Foundation and Criticism of Christian Theology, 227.

[82] X. ibid., 19.

[83] X. ibid., 55.

[84] X. Johann Baptist Metz, a Passion for God – the Mystical Political Demension of Christtianity, (New York: Paulist Press, 1998), 69-71.

[85] X. Gloria L. Schaab, The Creative Suffering of the Triune God,(New York: Oxford University Press, 2007), 19-20.

[86] Jurgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom: The Doctrine of God, 80.

[87] X. Helen F. Bergin, “The Death of Jesus and its impact on God – Jurgen Moltmann and Edward Schillebeeckx”, Irish Theological Quarterly 52 (1986), 196.

[88] X. Jurgen Moltmann, “The Crucified God – Yesterday and Today: 1972-2002in Cross Examinations Readings on the meaning of the Cross Today, 136.

[89] Ở điểm này, dường như Schabb đã đẩy vấn đề đi xa hơn tư tưởng của Moltmann và quên rằng Moltmann nói về sự đau khổ của Thiên Chúa trong tương quan tình yêu và tự nguyện trao hiến cho nhau giữa các ngôi vị.

[90] X. Gloria L. Schaab, The Creative Suffering of the Triune God, (New York: Oxford University Press, 2007), 19-20.

[91] X. Johann Baptist Metz, a Passion for God – the Mystical Political Demension of Christtianity, 69 -71.

[92] X. Edward Schillebeeckx, Christ: The Experience of Jesus as Lord, trans. John Bowden (New York: Crossroad, 1990), 727-728.

[93] X. Giáo lý GHCG (1997), số 385.

[94] X. Xem Helen F. Bergin, “The Death of Jesus and its impact on God – Jurgen Moltmann and Edward Schillebeeckx”, Irish Theological Quarterly 52 (1986), 197.

[95] Jean Galot, S.J., Lòng Chúa Cha, trans. Không rõ dịch giả, (1998), tr. 107.

[96] X. Dermot Lane, Kinh Nghiệm về Thiên Chúa, trans. Nguyễn Luật Khoa, (Tp.HCM: Nxb Đông Phương, 2008), 42.

[97] X. Giáo Lý GHCG (1997), số 1501 -1505.

[98] X. Dermot Lane, Kinh Nghiệm về Thiên Chúa, 21.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *