Môn học: Triết học Trung Hoa
Giáo sư: Vũ Minh Trí, S.J.
Học viên: Huỳnh Minh Thiện, S.J.

 

Sống kiếp phàm nhân, con người được đặt trong nhiều mối tương quan khác nhau: tương quan với vạn vật, với tha nhân và với Đất Trời. Trong tất cả những mối tương quan như vậy, con người cần phải “ứng xử” ra sao? Đứng trước nỗi băn khoăn đó, tác giả bài viết tìm về chữ Hòa () trong sách Trung Dung. Vậy, chữ Hòa là gì? Và con người cần đạt tới Hòa ở mức độ nào?

 

Dẫn nhập

Hòa () là một trong những khái niệm, tư tưởng được mến chuộng và xuất hiện nhiều trong các bản văn triết học Trung Hoa[1]. Cách chung, khái niệm Hòa mang ý nghĩa như là một giá trị căn bản. Theo dòng chảy xuyên suốt của tư tưởng Nho Giáo, chữ Hòa diễn tả khao khát của con người sống hài hòa với nhau, với tự nhiên và trong khuynh hướng hài hòa với Đất Trời.

Với lý do đó, thật thú vị để tìm hiểu khái niệm chữ Hòa theo truyền thống Nho Giáo trong tiểu luận này. Điều cần tìm hiểu trước tiên là vấn đề nguyên ngữ của chữ Hòa theo Nho Giáo trong các bản văn cổ. Tiếp đến là việc tìm hiểu sách Trung Dung nói gì về chữ Hòa. Sau cùng, Hòa ở mức độ nào là điều mà mỗi người cần đạt đến.

1.      Chữ Hòa trong các bản văn cổ

Theo triết sử Trung Hoa, chữ Hòa được tìm thấy trong các bản văn cổ thời nhà Thương (1554 – 1045/1040 B.C.E) và nhà Chu (1045/1040 – 256 B.C.E).[2] Vào thời nhà Thương, chữ Hòa xuất hiện trong giáp cốt văn ghi trên các mảnh xương và mai rùa. Sau này, vào thời nhà Chu, người ta lại thấy ghi trên các vật dụng bằng đồng[3]. Chữ Hòa () được hợp bởi hai chữ tượng hình: Hòa – : cây lúa; và Khẩu – : cái miệng. Cây lúa là loại cây vùng nhiệt đới có độ số giao hòa lý tưởng giữa hai khí Âm (Khôn – Hàn) và khí Dương (Càn – Nhiệt). Cái Miệng là cơ quan phát ngôn của con người. Khi Khẩu đứng cạnh Hòa () diễn tả những ao ước về sự quân bình, tốt đẹp, hài hòa được phát ra từ con người.[4]

Trong các bản văn cổ thời nhà Thương và nhà Chu, chữ Hòa thường được phát âm là Họa. Với cách phát âm là Họa thì ý nghĩa của chữ Hòa gắn liền với những từ diễn tả âm thanh và cách thức các âm thanh đối ứng, hòa điệu với nhau. Vì thế, chữ Họa (Hòa) thường được dùng như là một động từ hơn là một danh từ.

Trong Kinh Dịch,[5] quẻ Trung Phu (quẻ 61) cho biết rằng: 鶴 鳴 在 陰.其 子 之-(Minh hạc tại âm, kỳ tử họa chi). Quẻ này được dịch: “Như con hạc mẹ gáy ở bóng râm, con con nó họa lại.” Các sách viết về lịch sử của Trung Hoa cũng cho thấy bằng chứng về chữ Họa (Hòa) được dùng trong vai trò là động từ. Cụ thể ở đây là Tả Truyện[6] (左 傳) – Trang Công năm 22 (莊 公 二 十 二 年): Thị vị phượng hoàng vu phi, họa minh thương thương (是 謂 鳳 皇 于 飛, 鳴 鏘 鏘)[7]. Họa (Hòa) ở đây một cách rõ ràng được dùng để diễn tả hành động xướng họa âm thanh của các loài vật.

Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy cùng một cách thức sử dụng chữ Hòa theo lối Họa trong các bản văn thời Tiền Tần và Hán. Tuy nhiên, khi tìm hiểu các bản văn này, người ta nhận thấy Họa (Hòa) giờ đây còn là hành động đối ứng âm thanh giữa người với người. Cụ thể như trong Thác Hề 1 của Kinh Thi: 叔 兮 伯 兮、倡 予 女 (Thúc hề! Bá hề! Xướng dư huệ (hoạ) nhữ)[8]. Trong Luận Ngữ, chương Thuật Nhi – 31, Khổng Tử thấy người ta hát hay thì yêu cầu người ta hát lại rồi ông họa theo sau cốt để học lấy cái nghệ thuật hát của người và bắt chước cho tường tận[9] – 子 與 人 歌 而 善,必 使 反 之,而 後 之  (Tử dữ nhân ca nhi thiện, tất sử phản chi, nhi hậu họa chi).

Một nơi khác là trong Chu Lễ, quyển 3 (卷 三 ) – chương 30: 以 金 錞 鼓 (Dĩ kim thuần họa cổ). Ở đây, người ta dùng chữ Hoạ (Hoà) để miêu tả việc sử dụng một loại nhạc khí thời xưa, làm bằng đồng, thường dùng trong quân đội. Loại nhạc khí này được đánh nhịp với trống để điều khiển binh sĩ.

Từ những ví dụ trên, một cách rõ ràng, chữ Hoà (Họa) đóng vai trò là động từ hơn là danh từ. Với vai trò ấy, chữ Hoà diễn tả sắc thái đối đáp âm thanh giữa các nhạc cụ, giữa động vật, và giữa người với nhau. Với cách thức sử dụng chữ Hoà cho các đối tượng khác nhau như thế, người ta nhận thấy sự khao khát một cuộc sống hài hoà trong tâm thức con người. Khao khát đó không gì khác hơn là sự hài hoà giữa người với người, người với thiên nhiên – đất trời, và vạn vật.

2.      Hòa trong sách Trung Dung

Nho Giáo đề cao chữ Hòa hơn là sự đồng nhất mang tính tập thể – Quân tử hoà nhi bất đồng (Luận Ngữ 13.23). Bởi thế, chữ Hòa trong tuyền thống Nho Giáo nhấn mạnh đến tính cá vị. Tính cá vị ở đây kết hợp với chữ Hòa để hình thành nên bậc quân tử. Bậc quân tử lấy Hòa làm quý[10]. Người quân tử vận dụng cái giá trị của Hòa mà quy hướng về với Đạo. Đạo chính là thực tại mà người quân tử không thể lìa bỏ – Đạo dã giả, bất khả tu du ly dã[11] (Trung Dung – chương 1). Tuy nhiên, sự gắn kết với Đạo của người quân tử luôn cần đến những biểu hiện cụ thể qua việc biểu lộ trạng thái hài hòa trong tương quan. Tương quan hài hòa được nhấn mạnh trong sách Trung Dung chính là sự hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng. Cộng đồng ở đây bao gồm cả con người, tự nhiên và đất trời. Vậy, để có được mối tương quan hài hòa với cộng đồng thì sách Trung Dung nói gì về chữ Hòa?

Chữ Hoà trong sách Trung Dung chỉ được nhắc đến 5 lần[12] so với con số 115 lần mà sách Lễ Ký đề cập đến. Tuy nhiên, chữ Hoà trong Trung Dung được xem là một khái niệm mang giá trị cốt lõi và căn bản. Ngay chương đầu sách Trung Dung, Tử Tư nhắc lại lời của Khổng Tử truyền qua Tăng Tử:

喜怒哀樂之未發,謂之中;發而皆中節,謂之

(Hỷ, nộ, ai, lạc chi vị phát, vị chi trung; phát nhi giai trúng tiết, vị chi hoà.)

中也者,天下之大本也;也者,天下之達道也。

(Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã; hoà dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã).

致中,天地位焉,萬物育焉。

 (Trí trung hoà, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.)

Cách chung, chữ Hòa được định nghĩa là sự hòa hợp, là một trạng thái cân bằng khi mà sự vui sướng, hạnh phúc, tức giận, và buồn phiền được kiểm soát và kiềm chế khi phát ra đúng chừng mực gọi là Hòa – phát nhi giai trúng tiết, vị chi hoà. Điều đó có thể được xem như là sự hài hòa ngay chính nội tại của mỗi cá nhân. Trong cõi nhân sinh, con người không thể tránh khỏi các mối tương quan. Tâm cảnh tương giao ắt sẽ phát sinh tình cảm, người người tương giao cũng không nằm ngoài cái quy luật ấy. Cho nên, Hoà dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã – Hòa được xem là cách thức, đường lối cho con người đạt đến “Đạo”, thành tựu nhân tính. Do đó, con người xứng đáng là người thì phải hòa hợp với các yếu tố ngoại tại. Cụ thể, người quân tử cần biết chung sống hòa nhịp với vợ, vui vẻ với huynh đệ:

詩曰:“妻子好合,如鼓瑟琴;兄弟既翕,樂且耽;宜爾室家,樂爾妻孥。

(Thi viết: “Thê tử hảo hiệp, như cổ sắt cầm, huynh đệ ký hấp, hoà lạc thả thầm;  nghi nhĩ thất gia, lạc nhĩ thê noa.)[13]

Sự hòa hòa hợp của bậc quân tử phải khởi phát từ bên trong ra bên ngoài. Điều này bao hàm ý nghĩa: trước hết là hài hòa trong chính nội tâm của chủ thể; tiếp đến là làm  lan tỏa sự hài hòa ấy ra cuộc sống bên ngoài. Hình ảnh hài hòa với vợ và vui vẻ với anh em là ví dụ điển hình cho sự lan tỏa ra môi trường bên ngoài. Sự hài hòa ấy diễn tả trạng thái vui mừng, hạnh phúc trong đời sống. Hình ảnh hòa hợp này được Kinh Thi nhắc lại nhiều lần: Lộc Minh 3 và Thường Đệ 7: 樂 且 湛 (Hòa lạc thả đam); hay Thường Đệ 6: (Hòa lạc thả nhụ). Để làm rõ hơn về sự hài hòa của bậc quân tử, chương 10 sách Trung Dung trình thuật lại lời dạy của Khổng Tử với Tử Lộ rằng: 故 君 子 而 不 流 (Cố quân tử hoà nhi bất lưu)- người quân tử hoà thuận với mọi người mà không a dua, luôn giữ vững lập trường, giữ vững tiết tháo trong mọi cảnh huống cuộc đời.

Sách Trung Dung không dừng lại ở mức độ Hòa trong chính nội tại của chủ thể, hay chỉ đi đến sự hài hòa giữa người với người. Hơn thế nữa, chữ Hòa trong Trung Dung còn nhắm đến sự hài hòa giữa con người với Đất Trời, với thiên nhiên vạn vật.

致中,天地位焉,萬物育焉。

(Trí trung hoà, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.)

Một khi đạt đến mức độ hòa điệu với Trời Đất, vạn vật thì Trời Đất được đúng ngôi vị (thiên địa vị yên), muôn vật được dưỡng nuôi và phát triển tốt tươi (vạn vật dục yên). Sự đúng ngôi và được nuôi dưỡng cũng như triển nở tốt đẹp không chỉ dành riêng cho Đất Trời, vạn vật nhưng luôn bao gồm cả con người trong đó. Bởi vì, con người cũng là một ngôi vị trong Tam Tài – Thiên, Địa, Nhân. Nhờ Hòa với Thiên Địa mà con người được đúng ngôi vị của mình. Khi đúng ngôi vị Tài Nhân, con người có vai trò cùng với Tài Thiên và Tài Địa đặt nền cho nhân loại, nâng đỡ cho nhân loại cùng vạn vật phát triển tốt đẹp.[14] Tuy nhiên, để đứng đúng ngôi vị là Tài Nhân thì con người ấy phải đạt đến mức độ Trí Trung Hoà[15]. Với đỉnh cao ở mức độ Trí Trung Hòa, sách Trung Dung xem đây là tình trạng tốt đẹp của bậc thánh nhân, một người lý tưởng có tài đức vẹn toàn. Vậy Trí Trung Hòa ở đây nghĩa là gì?

3.      Trí Trung Hòa – đích đến của bậc thánh nhân

Tử Tư đã nhắc lại truyền thống Nho Giáo nhấn mạnh vai trò của Trí Trung Hòa ngay chương khởi đầu trong sách Trung Dung. Sở dĩ ông nhấn mạnh đến Trí Trung Hòa vì là yếu tố đem lại sự hưng thịnh cho vạn vật, đưa con người đến tình trạng tốt đẹp trong vị thế Tài Nhân liên kết với Tài Thiên và Tài Địa: Trí trung hoà, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên.

Chữ Trí () ở đây có nghĩa là trọn vẹn, suy cho đến cùng, đạt đến mức độ cao nhất. Chữ Trung () là chữ đa nghĩa trong sách Trung Dung. Trung nghĩa là không thiên lệch, không rời bỏ đạo[16]Bất thiên chi vị trung – 不 偏 之 謂 . Trung cũng được phát âm là Trúng[17] – 誠  者, 不 勉 而 (Thành giả, bất miễn nhi trúng) – nghĩa là chính xác, không sai lệch. Hơn hết, Trung được truyền thống Nho Giáo đẩy lên địa vị là đức Trung và đó là con đường chính đáng, là cái gốc lớn của mọi người. Do đó, khi kết hợp ba từ Trí Trung Hòa, sách Trung Dung mời gọi mỗi người hãy nhắm đến cái phần trời ban (Thiên Mệnh) cho mỗi người đó là tính. Khi tuân theo tính gọi là đạo.[18] Tuy nhiên, để đạt đến mức độ trọn hảo (Trí) theo thiên tính trời ban, để theo đúng (Trung) đường lối của đạo mà không có thiên lệch hay bất cập thì con người cần thực hành theo cách thức của sự hài hòa (Hòa). Một khi đạt đến Trí Trung Hòa thì không chỉ là phát nhi giai trúng tiết, thiên hạ chi đạt đạo dã mà còn thiên địa vị yên, vạn vật dục yên là điều tất yếu sẽ xảy ra. Bởi cái vai trò lớn lao của Trí Trung Hòa như thế nên Chu Hy mới viết rằng: 此 學 問 之 極 功、聖 人 之 能 事[19] (Thử học vấn chi cực công, thánh nhân chi năng sự). Nghĩa là, việc đạt Trí Trung Hòa ấy là cái công tột cùng của việc học, là việc phải làm của thánh nhân.

Kết luận

Trong cái nhìn tổng quát, chữ Hòa trong truyền thống triết học Trung Hoa có một chỗ đứng vững chắc và mang ý nghĩa to lớn. Trải qua chiều dài lịch sử trong văn hóa Trung Hoa, vị thế và ý nghĩa của chữ Hòa không hề giảm sút, mai một hay bị xem nhẹ. Ngược lại, chữ Hòa theo dòng lịch sử càng được nâng lên vị trí cao hơn. Từ thuật ngữ mang tính chất mô tả những cách thức hòa điệu trong nhạc cụ, âm thanh hay lời ca tiếng hát, chữ Hòa đã được nâng lên vị thế Đức Hòa. Do đó, Hòa không còn đơn thuần là một động từ hay danh từ[20] nữa, nhưng Hòa giờ đây là một sự cộng gộp, sự hòa trộn. Sự cộng gộp và hòa trộn ấy hàm chứa ý nghĩa có tính siêu hình và mời gọi mọi người thủ đắc để hoàn thành nhân tính của mình.

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Li, Chenyang, Philosophy East and West, University of Hawai’i Press, 2006.
  2. Theodore De Bary and Irene Bloom, Sources of Chinese Tradition – From earliest times to 1600, Volume I, New York, Columbia University Press, 1999.
  3. Lê, Nguyễn Hiến, Kinh Dịch – Đạo của người quân tử.
  4. Tuấn, Lý Minh, Tứ thư bình giải, HCM, NXB Tôn Giáo.
  5. Tuấn, Lý Minh, Triết lý chữ Hòa, HCM, NXB Phương Đông.
  6. http://ctext.org
  7. http://www.thivien.net
  8. http://cohoc.net
  9. https://www.jstor.org

[1] Trong Lễ Ký: 115 lần –  Mặc Gia: 32 lần –  Đạo Giáo: 226 lần  –  Pháp Gia: 142 lần; ….

[2] WM. Theodore De Bary and Irene Bloom, Sources of Chinese Tradition – From earliest times to 1600, Volume I, (New York, Columbia University Press, 1999), p. 3.

[3] Chenyang Li, Philosophy East and West, (University of Hawai’i Press, 2006), p. 583. https://www.jstor.org/stable/4488054?seq=1#page_scan_tab_contents (accessed Aug 20, 2017).

[4] Lý MinhTuấn, Triết lý chữ Hòa, (HCM, NXB Phương Đông, 2011)pp. 10-12.

[5] Nguyễn Hiến Lê, Kinh Dịch – Đạo của người quân tử . http://cohoc.net/phong-trach-trung-phu-kid-61.html (accessed Aug 20, 2017).

[6] Tả Truyện (左傳)- Tả Thị Xuân Thu (春秋左傳).

[7] Người viết tạm dịch: Đôi chim Phượng Hoàng bay cùng nhau, âm thanh xướng đáp rất hùng hồn.

[8] http://www.thivien.net/Kh%E1%BB%95ng-T%E1%BB%AD/Th%C3%A1c-h%E1%BB%81-1/poem-B9cXG5uBeIppzklNxuNz3Q  (accessed Aug 20, 2017).

Thác Hề 1:  Chàng Thúc Bá ôi! Hễ chàng khởi xứng với em thì em sẽ đáp hoạ lại chàng.

[9] Lý Minh Tuấn, Tứ thư bình giải, (HCM, NXB Tôn Giáo, 2012),  p. 179.

[10] ibid., – Luận Ngữ 1.12: 有子曰:禮之用,和為貴. (Hữu Tử viết: “Lễ chi dụng, hoà vi quý”).

[11] “道也者,不可須臾離也”.

[12] ibid., – Trung Dung – Chương 1, 10, và 14.

[13] ibid., Chương 14.

[14] ibid., Chương 22.

[15] ibid., Chương 1: 致中

[16] ibid., Chu Hy chương cú, p. 1201.

[17] ibid., Chương 20.

  • Luận Ngữ : Chương 13,13 _子曰:夫人不言,言必有. (Tử viết: “Phù, nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trúng.”)

[18] ibid., Chương 1.

[19] Bản văn thời Hậu Hán, Tống Minh – Tứ Thư Chương Cú Tập Chú – Trung Dung Chương Cú của Chu Hy. – http://ctext.org/

[20] Luận Ngữ () – Học nhi (): “Lễ chi dụng, hoà vi quý” , 貴.