Thánh Gioan Tông Đồ

Môn học: Tin Mừng Gioan
Giáo sư: Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Học viên: Trần Thanh Minh. S.J.

Trình thuật Ga 13,31-35 nằm trong diễn từ ly biệt của Đức Giêsu (13,31-17,26). Nội dung chính của trình thuật này nói về việc ra đi của Đức Giêsu (cc.31-33) và lệnh truyền yêu thương của Người (cc.34-35). Tác giả bài viết đọc và khám phá ý nghĩa bản văn trong khung cảnh của diễn từ ly biệt, đồng thời liên hệ nó với biến cố rửa chân cho các môn đệ (x. 13,1-20), và giới răn yêu thương của Chúa Giêsu (x. 14,15; 15,10;15,12). Từ mối liên hệ này, tác giả cho thấy yêu thương và phục vụ là nền tảng căn bản của cộng đoàn cũng như dấu chỉ sự hiện diện của Đức Giê-su giữa cộng đoàn dân Chúa.

TÌM HIỂU BẢN VĂN

Ga 13, 31-35

31 Ὅτε  οὖν  ἐξῆλθεν,  λέγει  Ἰησοῦς  Νῦν  ἐδοξάσθη  ὁ  Υἱὸς  τοῦ  ἀνθρώπου,  καὶ  ὁ  Θεὸς  ἐδοξάσθη  ἐν  αὐτῷ·  32 εἰ  ὁ  Θεὸς  ἐδοξάσθη  ἐν  αὐτῷ,  καὶ  ὁ  Θεὸς  δοξάσει  αὐτὸν  ἐν  αὑτῷ,  καὶ  εὐθὺς  δοξάσει  αὐτόν.  33 τεκνία,  ἔτι  μικρὸν  μεθ’  ὑμῶν  εἰμι·  ζητήσετέ  με,  καὶ  καθὼς  εἶπον  τοῖς  Ἰουδαίοις  ὅτι  Ὅπου  ἐγὼ  ὑπάγω  ὑμεῖς  οὐ  δύνασθε  ἐλθεῖν,  καὶ  ὑμῖν  λέγω  ἄρτι.  34 ἐντολὴν  καινὴν  δίδωμι  ὑμῖν,  ἵνα  ἀγαπᾶτε  ἀλλήλους,  καθὼς  ἠγάπησα  ὑμᾶς  ἵνα  καὶ  ὑμεῖς  ἀγαπᾶτε  ἀλλήλους.  35 ἐν  τούτῳ  γνώσονται  πάντες  ὅτι  ἐμοὶ  μαθηταί  ἐστε,  ἐὰν  ἀγάπην  ἔχητε  ἐν  ἀλλήλοις. [1]

1. Vị trí bản văn

Ga 13,31-35 nằm trong diễn từ ly biệt của Đức Giêsu (13,31-17,26), và thuộc phần sách về vinh quang, theo như cách phân chia của các học giả nghiên cứu về Tin Mừng Gioan. Đối với Raymond Brown, đoạn Ga 13,31-35 được sắp xếp vào phần dẫn nhập cho diễn từ cuối cùng của Đức Giêsu.[2] Nội dung chủ yếu của bản văn 13,31-35 tập trung vào hai chủ đề chính: sự ra đi của Đức Giêsu (cc.31-33) và lệnh truyền yêu thương của Người (cc.34-35).

Diễn từ cuối cùng của Đức Giêsu diễn ra trong bữa ăn Vượt Qua sau hết giữa Người với các môn đệ, do đó, những lời văn của Ga 13,31-35 mang văn thể như của một lời di chúc, nghĩa là dùng những từ ngữ hết sức quan trọng và long trọng. Một số quan điểm khác lại cho rằng đoạn văn này ảnh hưởng phong cách của một diễn văn khích lệ, như kiểu diễn văn trước khi bước vào trận đánh để khích lệ mọi người trước biến cố sắp xảy đến (x. 14,31) hoặc để an ủi, động viên ai đó trước một hoàn cảnh khó khăn (x. 16, 33). [3]

Ở đây, việc tìm hiểu bản văn Ga 13,31-35 trong bối cảnh của diễn từ ly biệt của Đức Giêsu sẽ góp phần nối kết giữa nội dung của bản văn này với trình thuật hoặc diễn từ diễn ra trước hoặc sau đó, như việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ (x. 13,1-20) hoặc tuyên bố của Đức Giêsu sau thắc mắc của Tôma và Philipphê (x. 14,5-11) cũng như việc Đức Giêsu nhắc lại điều răn mới (x. 14,15; 15,10;15,12).

2. Phân tích bản văn

a) 13,31-32: Giờ ra đi của Đức Giêsu

 31 Ὅτε  οὖν  ἐξῆλθεν,  λέγει  Ἰησοῦς  Νῦν  ἐδοξάσθη  ὁ  Υἱὸς  τοῦ  ἀνθρώπου,  καὶ  ὁ  Θεὸς  ἐδοξάσθη  ἐν  αὐτῷ·  32 εἰ  ὁ  Θεὸς  ἐδοξάσθη  ἐν  αὐτῷ,  καὶ  ὁ  Θεὸς  δοξάσει  αὐτὸν  ἐν  αὑτῷ,  καὶ  εὐθὺς  δοξάσει  αὐτόν.

(“31Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.”[4])

Câu 31 cho thấy việc ra đi của Giuđa, kẻ sẽ nộp Đức Giêsu (x. 3, 21), dẫn ngay đến “giờ” của Đức Giêsu, giờ mà ngay lúc này đây (νῦν), Đức Giêsu cất tiếng nói về việc Con Người (ὁ Υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου) được tôn vinh (ἐδοξάσθη), và Thiên Chúa (ὁ Θεὸς) cũng được tôn vinh nơi Con Người. “Giờ” ở đây được hiểu trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, đó là giờ ra đi của Đức Giêsu. Giờ này trước đó đã được đề cập ở ngay đầu chương 13, “Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ của Người để bỏ thế gian mà về cùng Cha” (εἰδὼς  ὁ  Ἰησοῦς  ὅτι  ἦλθεν  αὐτοῦ  ἡ  ὥρα  ἵνα  μεταβῇ  ἐκ  τοῦ  κόσμου  τούτου  πρὸς  τὸν  Πατέρα) (x. 13,1). Trạng từ νῦν (bây giờ) gợi về những “giờ” mà Đức Giêsu đã loan báo trước đó về sự ra đi, cũng đồng nghĩa với cái chết của Người trên thập giá, đó là là “giờ” Con Người được tôn vinh (x. 12,23), “giờ” của tâm trạng xao xuyến ở trên núi Ô-liu (x. 12,27), hay “giờ” được giương cao trên thập giá (x. 12,32). Schnackenburg đặt giả thiết rằng nếu “giờ” theo cách hiểu là cuộc ra đi của Đức Giêsu bắt đầu đến kể từ khi những người Hy Lạp đến gặp Đức Giêsu (x. 12,20-24), và sau đó Người bắt đầu cảm thấy xao xuyến trên núi Ô-liu, thì rõ ràng “giờ” ở đây không chỉ về một thời điểm nhất định nhưng chỉ về một sự kiện đặc biệt, và đó chính là biến cố Đức Giêsu “được giương cao” trên thập giá.[5]

“Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.” (13,31-32) Bản văn Hy Lạp của hai câu này nếu xếp thành năm dòng sẽ cho chúng ta một cái nhìn mang tính liên kết hơn giữa các động từ:

(1) νῦν ἐδοξάσθη ὁ Υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου,

(2) καὶ ὁ Θεὸς ἐδοξάσθη ἐν αὐτῷ· 

(3) εἰ ὁ Θεὸς ἐδοξάσθη ἐν αὐτῷ, 

(4) καὶ ὁ Θεὸς δοξάσει αὐτὸν ἐν αὑτῷ,

(5) καὶ εὐθὺς δοξάσει αὐτόν.

Động từ “tôn vinh” (δοξάzw) được nhắc đến năm lần trong hai câu 31 và 32, và có một sự thay đổi ở đây, đó là động từ δοξάzw đi thì quá khứ (ἐδοξάσθη) đến thì tương lai (δοξάσει). Hai động từ “ἐδοξάσθη” ở dòng 1 và 2 được dùng ở thì quá khứ (aorist) diễn tả sự tôn vinh qua lại giữa Con Người, ở đây hiểu là Đức Giêsu, và Thiên Chúa đã và đang diễn ra. Sự tôn vinh qua lại này, theo cách hiểu của một số nhà chú giải, đã được khơi mào trong biến cố Nhập Thể (x. 1,14), nghĩa là trong biến cố này, sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giêsu trở nên “có thể nhìn thấy được” (visible) đối với thế gian, và trong cuộc đời tại thế sau đó, lời nói và hành động của Đức Giêsu tiếp tục tỏ lộ vinh quang của Con Người và của Thiên Chúa (x. 2,11; 7,18; 8,54; 11,4). Cuối cùng, với đỉnh điểm là “giờ” của Đức Giêsu trên thập giá, cũng là giờ Đức Giêsu sẽ trở về cùng Thiên Chúa, vinh quang trọn vẹn của Thiên Chúa và của Đức Giêsu sẽ được tỏ lộ hoàn toàn (x. 17,1). Như vậy, qua cái chết, sự phục sinh và lên trời của Đức Giêsu, những kẻ tin sẽ được mặc khải cho biết Thiên Chúa là ai, Đức Giêsu là ai, và tương quan giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu là như thế nào.[6]

Quan sát sự chuyển dịch của động từ δοξάzw từ thì quá khứ đến thì tương lai (cc. 31-32) cho ta thấy bản chất đặc biệt của “giờ” của Đức Giêsu, đó là một “giờ” không nên hiểu theo nghĩa chặt về mặt thời gian, theo như nhận định của Schnackenberg.[7] Schnackenburg cho rằng động từ ἐδοξάσθη (thì quá khứ / aorist) được dùng ở câu 31 trong bối cảnh sau khi Giuđa đã đi khỏi. Và đây chính là lúc (νῦν) “giờ” đã đến, bởi vì Đức Giêsu được tôn vinh. “Giờ” được nhìn trong công thức của một sự ứng nghiệm, giống như trong bối cảnh của Ga 12,23, sau khi những người Hy Lạp đến tìm gặp Đức Giêsu, lúc ấy Đức Giêsu nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh.” (Ἐλήλυθεν ἡ ὥρα ἵνα δοξασθῇ ὁ Υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου). Vì thế cho nên động từ δοξάzw ở dòng 4 và dòng 5 được dùng ở thì tương lai chỉ về sự tôn vinh của Thiên Chúa dành cho Đức Giêsu cũng có thể được giải thích một cách tương ứng, nghĩa là không theo nghĩa chặt về mặt thời gian, hay hiểu tuyệt đối ở thì tương lai. Điều quan trọng hơn khi quan sát các động từ ở câu 31 và 32, theo Schnackenburg, đó chính là sự tập trung vào việc tôn vinh qua lại giữa Con Người và Thiên Chúa. Trạng từ thời gian εὐθὺς (ngay lập tức) do đó, có chức năng kéo việc tôn vinh của Thiên Chúa vào trong “giờ” của Con Người, bởi lẽ vào “giờ” đó, Con Người đang tôn vinh Thiên Chúa.[8] Theo Craig Keener, εὐθὺς có nghĩa chưa rõ mấy. Tin Mừng Gioan chỉ có ba lần dùng trạng từ này (x. 13,30, 32; 19,34). Có thể Gioan dùng trạng từ này ám chỉ đến 13,30 nhằm nối kết việc tôn vinh Đức Giêsu với sự phản bội của Giuđa. Trạng từ này có thể có ý nghĩa tương đương như trạng từ “bây giờ” (nun ) ở 13,31, nhấn mạnh đến việc sắp xảy đến của các sự kiện. Trạng từ εὐθὺς cũng có thể nói lên mới liên kết về mặt thời gian giữa vinh quang của Cha và vinh quang của Con: một khi Đức Giêsu tôn vinh Cha bằng cái chết trên thập giá thì Cha sẽ đưa cái chết ấy vào trong vinh quang của Con qua việc ngay lập tức tôn vinh Con.[9]

b) 13,33: Các môn đệ – những người con bé nhỏ

33τεκνία, ἔτι μικρὸν μεθὑμῶν εἰμι· ζητήσετέ με, καὶ καθὼς εἶπον τοῖς Ἰουδαίοις ὅτι Ὅπου ἐγὼ ὑπάγω ὑμεῖς οὐ δύνασθε ἐλθεῖν, καὶ ὑμῖν λέγω ἄρτι. 

(“33Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.”)

“Những người con bé nhỏ” (τεκνία) gợi cho độc giả về bầu khí gia đình đang diễn ra trong bữa ăn kỷ niệm Lễ Vượt Qua giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Trong bữa ăn này, người đứng đầu gia đình sẽ giải thích cho con cái ý nghĩa của những gì sắp được thực hiện. Trong bối cảnh này và với ý nghĩa của bữa tiệc sau hết, những lời của Đức Giêsu có thể được coi lời từ biệt, lời di chúc của một người cha sắp ra đi nói với con cái mình.

Từ τεκνία (c. 33) chỉ xuất hiện duy nhất một lần ở đây trong Tin Mừng Gioan. Việc Đức Giêsu gọi các môn đệ là “những người con bé nhỏ” cho ta thấy một tương quan mới đã hình thành giữa các Đức Giêsu với các môn đệ, và ngang qua đó, giữa các môn đệ và Thiên Chúa. Qua tên gọi τεκνία này, các môn đệ được chứng thực là những người đã tin và đón nhận Thiên Chúa Con Một (μονογενὴς Θεὸς)  (x. 1,12).[10] Francis Moleney cho rằng khi Đức Giêsu gọi các môn đệ là τεκνία, Người tỏ cho thấy tình yêu vô điều kiện của Người dành cho họ. Trong 13,33, các môn đệ cũng giống như người Do Thái, là những người không biết Đức Giêsu là ai và cũng không hiểu rằng Đức Giêsu đang trở về cùng Cha (x. 8,21). Mặc dầu vậy, Đức Giêsu vẫn yêu thương các môn đệ “đến cùng” (εἰς  τέλος)  (x. 13,1) ngay cả khi họ không hiểu về Người và thậm chí chối bỏ Người (x. 13,36-38).[11] Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các môn đệ và những người Do Thái ở chỗ cuối cùng các môn đệ sau này cũng sẽ theo chân Đức Giêsu (x.13,36), sẽ lại thấy Người, sẽ được sống và ở với Người nơi nhà Cha trên trời (x. 14,2-3,19).

c) 13,34-35: Điều răn mới

34 ἐντολὴν καινὴν δίδωμι ὑμῖν, ἵνα ἀγαπᾶτε ἀλλήλους, καθὼς ἠγάπησα ὑμᾶς ἵνα καὶ ὑμεῖς ἀγαπᾶτε ἀλλήλους. 35 ἐν τούτῳ γνώσονται πάντες ὅτι ἐμοὶ μαθηταί ἐστε, ἐὰν ἀγάπην ἔχητε ἐν ἀλλήλοις.

(“34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.”)

Điều răn yêu thương đã có từ trước trong đạo Do Thái, vào thời Cựu ước (x. Lv 19,18). Cái “mới” (καινὴν) trong điều răn yêu thương Đức Giêsu truyền cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly đến từ nhiều ý nghĩa. Trong khung cảnh của bữa ăn sau hết, sau khi rửa chân cho các môn đệ và loan báo “giờ” ra đi, Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ rằng nơi Người đi bây giờ các môn đệ không thể đến được (x. 13,33), nhưng họ sẽ nhận được lệnh truyền của Người, đó là yêu thương nhau như Thầy đã yêu họ (καθὼς ἠγάπησα ὑμᾶς) (x. 13,34). Yêu như Thầy đã yêu là một hành vi và là một tâm tình tái hiện lại đời sống của Thầy nơi trần gian. Raymond Brown nhìn thấy trong lệnh truyền yêu thương của Đức Giêsu một dấu chỉ của giao ước mới. Giao ước này gợi nhắc giao ước Sinai xưa kia nhưng còn đi xa hơn giao ước cũ: Đức Giêsu ban giới răn cho những kẻ được Người tuyển chọn và việc giữ giới răn này như là dấu hiệu phân biệt “môn đệ Thầy” với những người khác (x. Xh 19,5-6; Ga 13,35); hơn thế nữa, giới răn này là một quà tặng cho đến từ Chúa Cha ngang qua Đức Giêsu, “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (x.15,9). Tình yêu của Đức Giêsu được diễn tả ngang qua cái chết của Người trên thập giá, và là một tình yêu có sức cứu độ con người. Như thế, Đức Giêsu vừa là nguồn của tình yêu vừa là tiêu chuẩn của tình yêu giữa các môn đệ.[12] Rõ ràng, yêu như “Thầy đã yêu” trong điều răn mới này vượt quá mức độ yêu như “chính mình” mà luật Cựu Ước đề nghị: đó là yêu thương đến nỗi thí mạng vì tha nhân (x. Lv 19,18; Ga 15,13). Bên cạnh đó, nơi giao ước cũ, việc tuân giữ lề luật là nghĩa vụ của dân Israel đối với Đức Chúa, Đấng đã “cứu chuộc” họ ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập (x. Xh 19,3-6); nơi giao ước mới, việc sống lệnh truyền yêu thương của Đức Giêsu là điều kiện để một người “ở lại trong tình thương” của Đức Giêsu (μενεῖτε ἐν τῇ ἀγάπῃ μου) và trở nên bạn hữu (φίλοι) của Người (x. 15,10-14). Điều răn yêu thương của Đức Giêsu đến từ hành vi yêu thương của Người, cũng là hành vi diễn tả tình yêu của Thiên Chúa. Hay có thể nói như Raymond Brown rằng “tình yêu của Thiên Chúa không thể được biểu lộ hoàn toàn cho đến khi Ngài ban chính Con của Ngài”.[13] Yêu như Thầy đã yêu là dấu hiệu nhận ra môn đệ Đức Giêsu. Quả vậy, cũng như đời sống của Đức Giêsu đã thách thức con người thực hiện một cuộc lựa chọn giữa ánh sáng và bóng tối thế nào thì tình yêu các môn đệ Đức Giêsu dành cho nhau cũng thách thức mọi người ở thế gian như vậy. Nói cách khác, qua đời sống yêu thương giữa các môn đệ, thế gian một lần nữa gặp gỡ chính Đức Giêsu, và tiếp tục được mời gọi đứng về phía Ngôi Lời, là ánh sáng thật đã đến thế gian (x. 1,9).[14]

Có thể hiểu điều răn yêu thương của Đức Giêsu là điều răn mới ở khía cạnh phạm vi của những người được mời gọi sống giới răn này, đó chính là các môn đệ của Đức Giêsu, và mở rộng ra là cộng đoàn những kẻ tin, cộng đoàn các Kitô hữu. Bultmann hiểu hạn từ ἀλλήλους trong câu“Anh em hãy yêu thương nhau” (ἀγαπᾶτε ἀλλήλους) (x.13,34) ám chỉ đến tình yêu trong / giữa các môn đệ với nhau (love within the circle of disciples) chứ không phải là một tình yêu nhân loại nói chung, cũng chẳng phải là tình yêu dành cho người thân cận (x. Mt 19,19; 22,39; Mc 12,31), hay tình yêu dành cho kẻ thù (x. Mt 5,44; Lc 6,27-35).[15] Đó là một tình yêu thương giữa những người liên kết với Đức Giêsu để làm nên một cộng đoàn chứng nhân, một cộng đoàn hiệp nhất, để qua cộng đoàn này, mọi người (πάντες) nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cha sai đến (x. 13,35; 17,21). “Mọi người” (πάντες) trong nhãn quan Tin Mừng Gioan thường nói về những người chưa tin vào Thiên Chúa Con Một (μονογενὴς Θεὸς) (x. 17,21); ở đây (13,35) “mọi người” cũng đóng vai trò là người chứng kiến tình yêu hỗ tương trong cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô.[16]

3. Kết luận

Trong Tin Mừng Gioan, yêu thương nhau là giới răn (εντολή) duy nhất mà Đức Giêsu minh nhiên dạy các môn đệ tuân giữ (x. 13,34). Lệnh truyền yêu thương này được ban cho các môn đệ trong bối cảnh Đức Giêsu sắp bước vào cuộc khổ nạn, nơi đó Người bị phản bội, bị chối bỏ, bị sỉ nhục và chịu chết trên thập giá. Chắc chắn rằng sau cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu, cộng đoàn Kitô hữu của Gioan sẽ nhớ lại và thấm thía bài học và lệnh truyền yêu thương mà Thầy Giêsu đã để lại (x. 1Ga 3,11-24). Đức Giêsu đã đặt nền móng cho một cộng đoàn được xây dựng trên tình yêu và sự phục vụ, một cộng đoàn trở thành dấu chỉ và là nơi hiện diện sống động của Con Người, và cũng là Thiên Chúa Con Một. Đức Giêsu đã sống trọn vẹn “giờ” của Người, giờ mà qua đó và trên thập giá, vinh quang của Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Con Một được biểu lộ cách trọn vẹn (x.17,1-2). Khi sống điều răn yêu thương, các môn đệ cũng được Đức Giêsu kéo (ἑλκύσω) vào trong vinh quang của Thiên Chúa (x.12,32). Quả vậy, Đức Giêsu đã không hứa cho các môn đệ một vinh quang hư ảo, nhưng là một vinh quang của thập giá. Yêu như Thầy đã yêu không bao giờ là một điều dễ thực hiện, vì tình yêu ấy đòi người ta phải hành động, phải dám cúi xuống để rửa chân cho anh chị em mình, cũng có nghĩa là chấp nhận cho đi mạng sống của mình để phục vụ người khác. Hơn nữa, tình yêu ấy không quy vào chính mình hoặc vào người khác nhưng quy về chính Thiên Chúa, nghĩa là làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu (x. 1Ga 4,16).

 

*Các sách tham khảo:

– Beasley-Murray, George R., ‘John’ in Word Biblical Commentary – Vol. 36 (2nd edition), ed. Bruce M. Megtzger (Columbia: Nelson Reference & Electronic, 1999)

– Brown, Raymond E., ‘The Gospel according to John – Vol. 2 (XII -XXI)’ in The Anchor Bible (London: Geofrey Chapman, 1982)

– Brown, Raymond E., The Gospel and Epistles of John – A Concise Commentary (Minnesota: The Liturgical Press, 1988)

– Bultmann, Rudolf, The Gospel of John – A Commentary (Oxford: Basil Blackwell, 1971)

– Keener, Craig S., The Gospel of John – A CommentaryVol. 1 (Michigan: Baker Academic, 2012)

– Moloney, Francis J., ‘The Gospel of John’ in Sacra Pagina Series – Vol. 4, ed. Daniel J. Harrington (Minnesota: The Liturgical Press, 1998)

O’Day, Gail R., ‘The Gospel of John’ in The New Interpreter’s Bible – A Commentary in Twelve Volumes – Vol.IX, ed. Neil M. Alexander (Nashville: Abingdon Press, 1995)

– Schnackenburg, Rudolf, The Gospel according to St. John, tr. Celicy Hastings & Richard Foley (New York: Crossroad, 1982)

[1] Bản văn Hy Lạp Gioan 13,31-35 và những trích dẫn Gioan bằng tiếng Hy Lạp sử dụng trong bài viết được trích từ tài liệu phát tay phục vụ cho khóa học Tin Mừng Gioan tại Học Viện Dòng Tên – Thủ Đức (tháng 10/2015) của cha giáo sư Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

[2] x. Raymond E. Brown, ‘The Gospel according to John – Vol. 2 (XII -XXI)’ in The Anchor Bible (London: Geofrey Chapman, 1982), 39.

[3] x. Craig S. Keener, The Gospel of John. A CommentaryVol. 1 (Michigan: Baker Academic, 2012), 896.

[4] Phần bản dịch tiếng Việt của Tin Mừng Gioan được sử dụng trong bài viết này chủ yếu được trích dịch từ bản dịch Kinh Thánh Tân Ước của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (x. Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Tân Ước (Tp. Hồ Chí Minh: NXB. Tp. Hồ Chí Minh, 1993).

[5] x. Rudolf Schnackenburg, The Gospel according to St. John, tr. Celicy Hastings & Richard Foley (New York: Crossroad, 1982), 49.

[6] x. George R. Beasley-Murray, ‘John’ in Word Biblical Commentary – Vol. 36 (2nd edition), ed. Bruce M. Megtzger (Columbia: Nelson Reference & Electronic, 1999), 732.

[7] x. Rudolf Schnackenburg, The Gospel according to St. John, tr. Celicy Hastings & Richard Foley (New York: Crossroad, 1982), 50.

[8] Ibid.,

[9] x. Craig S. Keener, The Gospel of John – A CommentaryVol. 1 (Michigan: Baker Academic, 2012), 921.

[10] x. Gail R. O’Day, ‘The Gospel of John’ in The New Interpreter’s Bible – A Commentary in Twelve Volumes – Vol.IX, ed. Neil M. Alexander (Nashville: Abingdon Press, 1995), 732.

[11] x. Francis J. Moloney, ‘The Gospel of John’ in Sacra Pagina Series – Vol. 4, ed. Daniel J. Harrington (Minnesota: The Liturgical Press, 1998), 385.

[12] x. Raymond E. Brown, ‘The Gospel according to John – Vol. 2 (XII -XXI)’ in The Anchor Bible (London: Geofrey Chapman, 1982), 612-13.

[13] Ibid., 614.

[14] Ibid.,

[15] x. Rudolf Bultmann, The Gospel of John – A Commentary (Oxford: Basil Blackwell, 1971), 528.

[16] x. Rudolf Schnackenburg, The Gospel according to St. John, tr. Celicy Hastings & Richard Foley (New York: Crossroad, 1982), 55.