Chúa Kitô phục sinh

Tác giả; Jean Milet

Jean Milet là giáo sư thần học tại Institut Catholique de Paris. Bài viết này trích từ tập chí Esprit et Vie, 1988, trang 97-104, 121-124, 133-139. Chúng tôi ghi ơn tạp chí Esprit et Vie đã cho phép dịch và in bài này.

Trong bài này chúng ta sẽ đề cập đến một vấn đề rất phức tạp là sự sống lại của Đức Kitô: sau khi chịu chết trên thập giá như một cử chỉ yêu thương hoàn toàn để làm chứng cho sứ mạng của ngài, Đức Kitô đã không bị rơi vào ách của sự Chết một cách vĩnh viễn (vì nếu không, sứ mạng của ngài sẽ là một thất bại). Chúng ta nghe nói: ngày thứ ba, sau khi chịu khổ hình, ngài đã sống lại và ra khỏi mồ. Những điều này có ý nghĩa gì ? Đó là điều chúng ta cố gắng suy tư dưới đây.

Trước tiên, chúng ta cần để ý tới tầm quan trọng của vấn đề Đức Kitô phục sinh. Một cuộc song đấu quyết liệt, toàn diện và sâu đậm đã diễn ra trong vụ này. Vấn đề ở đây là xem sự Chết – vốn là kẻ thù mà chúng ta không thể tránh nổi trong thân phận làm người – có chiến thắng trong trường hợp của Đức Kitô hay không: nếu sự Chết chiến thắng, thì Đức Kitô sẽ bị liệt vào hàng phàm nhân mà thôi, cho dù sứ mạng của ngài cao cả đến đâu đi nữa. Nếu sự Chết chiến thắng trong cuộc song đấu này, thì không còn vấn đề nhìn nhận ngài là Thiên Chúa nhập thể làm người nữa. Vì vậy, đây là vấn đề rất quan trọng. Nó có quan hệ tới toàn bộ sứ mạng của Đức Kitô, và tới toàn bộ đức tin của chúng ta. Thánh Phaolô đã có lý khi quả quyết: Nếu Đức Kitô không sống lại, thì tất cả lời giảng của chúng tôi đều là vô ích (1 Cor. 15,14).

Chúng ta đã nghe nói: Hình như Đức Kitô đã sống lại ra khỏi mồ. Sau khi ngài qua đời, người ta đã gặp lại ngài, đã nói chuyện với ngài, đã nhận biết cuộc sống thật của ngài. Tất cả những điều đó có nghĩa gì? Chúng ta có thể coi những sự kiện đó là hoàn toàn vững chắc không? Và nếu chắc như vậy, thì chiến thắng của sự sống trên sự chết được quan niệm như thế nào? Tư tưởng con người thời nay có thể phản ứng thế nào Đối với những lời xác quyết đó? Chúng ta sẽ bàn tới vấn đề này về mặt triết lý và, nếu cần, thì cả về mặt khoa học nữa.

I. NHỮNG DỮ KIỆN KINH THÁNH

Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng cũng cần nhắc lại ở đây những dư  kiện kinh thánh để dựa theo đó chúng ta sẽ suy tư dưới khía cạnh triết lý.

Ở đây, chúng tôi không cần lập lại những nghiên cứu toàn diện về những dư  kiện kinh thánh liên quan đến việc sống lại của Chúa Kitô, vì đã có hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách viết về vấn đề này (xin đan cử một trong những cuốn sách gần đây viết về vấn đề này: M. Georges Galichet, La Résurrection: fiction ou réalité?, Ed. Résiac,1988). Chúng tôi chỉ liệt kê những điều dường như đã được các học giả coi là chắc chắn, sau bao nhiêu nghiên cứu phê bình lịch sử, trong thế kỷ 19 và 20. Chúng tôi làm nổi bật các dữ kiện có thể gợi lên những suy tư hoàn toàn có tính cách triết lý. Dưới đây là những dữ kiện cốt yếu nhất.

1. Đức Kitô Thực Sự Đã Chết Sau Khi Chịu Cực Hình

Ngày nay không ai còn tranh luận, nghi ngờ hoặc nghĩ rằng Đức Kitô chỉ ở trong tình trạng hôn mê, nửa sống nửa chết khi được mai táng, và ngài đã tỉnh dậy trong ngôi mộ mát lạnh nữa. Những cực hình ngài phải chịu, những phản ứng sau cùng của ngài, thái độ của các lý hình và các nhân chứng, những chi tiết liên quan đến cuộc an táng,v.v. tất cả những điều đó xác nhận rằng người chịu hành hình đã chết thực sự. Thi hài mà người ta an táng quả thực là một xác chết và người ta đã khóc thương một người đã qua đời thực sự. Từ ngày thứ sáu đau thương đó, quả thực là mọi sự đã hoàn tất.

Tình trạng sầu thảm, thái độ tuyệt vọng của những người thân yêu của Đức Kitô, rồi thái độ mãn nguyện và đắc thắng của những Đối thủ Ngài (và cho đến cả nhát đòng mà một trong những người âm mưu giết Ngài đã đâm vào cạnh sườn ngài), tất cả những dữ kiện đó xác nhận sự Chết đã chiến thắng. Nhân vật đã đại thắng khi làm cho sóng biển yên lặng, khi chữa trị hằng trăm bệnh nhân và phục sinh cho cả những người đã chết nữa, nay đã bị thất bại ê chề. Sự Chết – kẻ thù gian ác của loài người – rốt cuộc đã đạt được ưu thế hơn Ngài. Sự thất bại sau cùng này dường như đã xóa nhòa tất cả những thành công trước đó của ngài. Người tự nhận là Con Thiên Chúa rốt cục chỉ là một phàm nhân như bao nhiêu người khác. Không còn phải tranh luận về thần tính của ngài nữa, bởi vì một thần linh đâu có chết được !

2. Sự Kiện Mồ Trống

Chúng ta biết chi tiết những sự kiện này. Việc an táng đã được cử hành vội vã, và sau ngày Sabbat trùng vào lễ Vượt qua, tức là ngày thứ ba kể từ khi an táng, các phụ nữ đến mộ để hoàn tất việc tẩm thuốc thơm như đã dự trù trước và hoàn tất những nghi thức an táng cổ truyền. Nhưng kinh hoàng thay, thân xác người đã chịu cực hình không còn ở trong mộ nữa, và ngôi mộ trống trơn. Trước đó các phụ nữ nghĩ rằng họ sẽ thấy một thi hài, nhưng lúc nhìn vào trong mộ họ chỉ thấy những tấm khăn liệm. Và rồi những nhân vật lạ đến nói với họ: Người mà các bà tìm kiếm không còn ở đây nữa.

Người ta có lý khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của sự kiện mồ trống. Vì giả sử các phụ nữ thấy trong mồ một thi hài đã hồi sinh, thì người ta có thể nói đương sự đã không chết hoàn toàn, nhưng chỉ có vẻ chết bên ngoài và nay đã hồi sinh. Trong trường hợp như thế, người ta cũng có thể so sánh sự hồi sinh này với sự sống lại của ông Ladarô hay của con trai bà góa thành Naim. Nhưng thực tế, người ta đã không thể nêu lên các giả thuyết đó. Vì thi hài hoàn toàn biến mất khỏi mồ và ngôi mộ trống rỗng.

Nhưng có nhiều người cho rằng thi hài đã bị lấy mất và mang đi khỏi mồ. Đây là một giả thuyết cổ xưa từ 20 thế kỷ nay. Giả thuyết này hầu như đã được liên tục đưa Celso (thế kỷ thứ hai) cho đến Harnack (thế kỷ mười chín) và Bultmann (thế kỷ hai mươi). Họ cho rằng thi hài Đức Giêsu đã bị một số môn đệ cuồng tín lấy đi, và những môn đệ này cố tình âm mưu làm cho người ta tin rằng sư phụ của họ đã chiến thắng sự Chết và vì thế thiên tính của ngài không hề hấn gì.

Nhưng chúng ta biết tất cả những câu chuyện đại loại như vừa nói đã được phân tích và phê bình hằng trăm lần và rốt cục bị bác bỏ. Lý do vì tình trạng thất vọng và mất tinh thần của các môn đệ, sự thiếu những dấu chỉ rõ rệt biện minh cho những giả thuyết vừa nói, chứng tá can đảm của các môn đệ sẵn sàng chấp nhận cái chết để làm chứng về sự phục sinh của Thầy mình, đó là những sự kiện bác bỏ những lối giải thích không đứng vững nói trên.

3. Rất Nhiều Người Đã Gặp Lại Đức Kitô Sau Khi Ngài Chịu Chết Và Họ Thấy Ngài Vẫn Sống

Sự kiện thi hài Đức Kitô biến mất khỏi mồ tự nó không đủ để xác quyết ngài đã chiến thắng sự chết. Người ta cần phải biết chắc chắn rằng ngài đã tìm lại được sự sống, ít là dưới một hình thức sống nào đó. Đây là điều đã được xác quyết bởi những cuộc tái hiện ra của ngài trong mấy tuần lễ sau khi ngài biến mất. Những cuộc tái xuất hiện đó xảy ra nhiều lần: với Mađalena và các phụ nữ thánh thiện khác; với các môn đệ trên đường Emmaus; với các tông đồ trong phòng hội trên gác, trong khi cửa nhà đóng kín. Ban đầu tông đồ Tôma vắng mặt, nhưng sau đó ông cũng có mặt trong cuộc hội như vậy; Ngài cũng hiện ra trên bờ hồ Génézareth, với Simon Phêrô, rồi với hơn 500 môn đệ khác, và ngài vẫn còn hiện ra với các tông đồ cho đến giây phút cuối cùng, trước khi ngài thăng thiên.

Ngoài những cuộc hiện ra hữu hình thể lý đó, còn có những cuộc hiện ra thần bí qua dòng lịch sử sau đó, dành cho một số nhân vật, từ thánh Phaolô trên đường Đamas, cho tới thánh Phanxicô thành Assisi, từ thánh nữ Margarita Maria cho tới các nhà thần bí được ơn chịu in các thương tích hay được đồng hóa với cuộc khổ nạn của Đức Kitô (như thánh nữ Angela thành Foligno và nhiều người khác nữa).

Nhưng ở đây, chúng ta chỉ chú ý tới những cuộc hiện ra từ sau khi Đức Kitô chịu chết ngày thứ sáu tuần bi thảm ấy cho đến ngày ngài thăng thiên: đây là những trường hợp các chứng tá nói rằng họ đã được thấy Đức Kitô vẫn còn sống. Nghiên cứu kỹ lưỡng các sự kiện đó, chúng ta thấy trước hết các tác giả trình bày những dữ kiện “thể ly”, có thể cảm nghiệm được. Đức Giêsu mà người ta gặp lại không phải là bóng ma, một thị kiến nội tâm hay một giấc mơ. Người ta thấy ngài như một người sống thật, cũng nói, cũng nghe, cũng di chuyển, và người ta có thể động chạm đến ngài, như ông Tôma đã làm; ngài cũng ăn uống, như đã dùng cá nướng trên bờ hồ. Tiếp đến, ngài thi hành quyền bính thực sự: ngài khích lệ, ban hành mệnh lệnh, sai các môn đệ đi rao giảng (“các con hãy đi, giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ…”). Ngài khơi dậy niềm hy vọng nơi các môn đệ, ngài hứa ban Thánh linh cho họ.

Trên đây là những sự kiện, tuy chúng có vẻ lạ lùng nhưng người ta không thể phủ nhận chúng chứa đựng sự thật lịch sử: Đức Kitô đã phục sinh”; đó là “từ ngư” họ dùng sau này; ngài đã từ cõi chết trở lại cõi sống của nhân trần, hoàn toàn sống động hơn bao giờ hết. Sự kiện này xác thực đến độ các nhân chứng đã sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho sự thật đó. Họ chẳng thà chịu chết, chịu bị tra tấn, còn hơn chối bỏ những sự kiện mà họ đã chứng kiến. Christos anesthi, Chúa Kitô đã sống lại, đó là câu nói mà các môn đệ của Đức Kitô vẫn không ngừng lập lại qua bao thế kỷ: đó cũng là lời chúc mừng các tín hữu chính thống vẫn dùng để chào nhau trong mùa phục sinh.

Như thế, thực sự Đức Kitô đã sống lại, đã ra khỏi mồ đã chiến thắng sự chết. Kẻ thù muôn thuở này vẫn hằng chiến thắng con người yếu đuối, chiến thắng cả những người hùng mạnh nhất, nhưng nay sự chết đã gặp phải một Đối thủ chiến thắng được nó. Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Đức Kitô là Đấng hằng sống. Đó là niềm tin của mọi chứng nhân thời các tông đồ xưa kia và đó cũng là niềm tin mà họ truyền lại cho chúng ta ngày nay, qua bao chướng ngại và tranh đấu, và chúng ta tiếp nhận niềm tin đó như một bảo chứng từ hậu về thiên tính của Đức Kitô.

II. Ý NGHĨA CÁC SỰ KIỆN

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa các sự kiện kinh thánh trên đây, thiết tưởng cũng cần nhắc đến và phê bình các vấn nạn đã được một số người nêu lên để phủ nhận sự phục sinh của Chúa Kitô.

1. Những Vấn Nạn Và Phê Bình

Có rất nhiều vấn nạn đã được nêu lên để phủ nhận sự sống lại của Chúa Kitô ngay từ thời kỳ đầu của đạo Kitô cho đến ngày nay. Ở đây, chúng tôi chỉ nhắc lại những vấn nạn đặc sắc nhất có thể góp phần cho cuộc thảo luận triết học và khoa học. Tùy thời đại khác nhau, người ta đã đưa ra những giả thuyết sau đây:

Ảo giác của các môn đệ: Một số môn đệ của Đức Kitô có lòng nhiệt thành say mê ngài đến độ họ không thể chấp nhận sư phụ của họ đã bị sự chết đè bẹp và phải chịu chung một số phận như các phàm nhân khác được. Họ nghĩ rằng: Không! không thể xẩy ra được! Một cách nào đó ngài đã phải thắng sự chết; cho nên ngài vẫn còn sống; ngài đã không chết vĩnh viễn. Vì vậy, hình như nơi các môn đệ Đức Kitô đã xảy ra hiện tượng ảo giác tập thể. Niềm tin của họ mạnh đến độ họ xác tín người ta đã gặp ngài sống lại. Ví dụ như những phụ nữ thánh thiện, vốn là những người nhạy cảm, từ buổi sáng thứ nhất họ tưởng tượng đã gặp thấy ngài vẫn còn sống; rồi đến các tông đồ nhiệt thành nhất cũng có cùng một xác tín đó; rốt cuộc tất cả các môn đệ khác cũng đều chấp nhận như vậy.

Thật ra lối giải thích trên đây rất cổ xưa. Giả thuyết này cũng là điều mà những người đa nghi, trước tiên là các tông đồ đã nghĩ ra, khi nghe các phụ nư  thánh thiện kể lại họ đã gặp Chúa phục sinh. Tiếp đến, nhà cầm quyền Roma cũng nghĩ như thế. Rồi đến phần lớn những người đa nghi qua các thế kỷ… ví dụ như Renan vào thế kỷ 19. Ông cho rằng hình ảnh đức Kitô còn sống mạnh mẽ trong tâm hồn các tín hữu đến độ họ tin rằng họ còn nhìn thấy ngài tận mắt. Chính niềm tin đã tạo ra hình ảnh đó.

Vấn nạn trên đây đã bị bác bỏ hàng trăm lần trong lịch sử. Lý do là vì sau khi Đức Kitô Kitô chết, các môn đệ đâu còn tin tưởng mạnh mẽ nữa. Trái lại họ ở trong tình trạng thất vọng, chán nản và khiếp đảm khi thấy sư phụ của họ bị chết thảm thương như vậy. Có thể nói họ đã đánh mất niềm tin. Tông đồ Tôma là thí dụ điển hình cho thái độ cứng lòng tin ban đầu của các môn đệ: ai cũng biết ông chậm tin và chỉ tin khi thấy rõ bằng chứng. Mặt khác chính ý tưởng sống lại cũng là điều xa lạ Đối với con người thời đó. Nơi những người Do thái (bắt đầu từ những người Sađđuxêô) cũng như nơi những người Hy lạp (qua cuộc gặp gỡ của họ với thánh Phaolô ở Hội trường Areopago thành Athênê). Dầu sao ngày nay giả thuyết ảo giác tập thể hầu như không còn được nhắc đến nữa, vì người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết khác có vẻ dễ chấp nhận hơn.

Lường gạt: Những người chủ trương giả thuyết này cho rằng các tông đồ đã đánh cắp xác Đức Giêsu và dựng đứng lên một câu chuyện diễn tả ngài sống lại, để làm cho người ta tin rằng sư phụ của họ không bị thảm bại vĩnh viễn, nhưng đã chiến thắng được sự chết. Giả thuyết này cũng rất cổ xưa, nhưng người ta chỉ còn giữ gìn nó lại như một chuyện tiểu thuyết. Nếu sự việc Chúa sống lại không có các bằng cớ vững chắc thực nghiệm mà chỉ là chuyện bịa đặt thì chắc chắn từ lâu người ta đã vạch trần được sự lường gạt của các tông đồ và những người này đã bị nhạo cười thậm tệ rồi. Nhưng thực tế còn đó. Các chứng nhân làm chứng về sự thực họ đã thấy tận mắt và đã chịu chết để minh chứng sự thật đó. Người ta đâu có ai dám chịu chết vì muốn bênh vực một điều bịa đặt.

Huyền thoại do các cộng đồng Kitô tiên khởi tạo ra: Luận đề này có vẻ tinh vi hơn những giả thuyết trên đây, và do những người chủ trương các trường phái bên Đức khai triển và giải thích dựa trên Formgeschichte. Luận đề này được đề xướng vào cuối thế kỷ 19 và phổ biến trong thế kỷ 20 này. Người ta cho rằng Đức Kitô sống mạnh mẽ trong tâm hồn các tín hữu thuộc những thế hệ đầu tiên. Ngài sống mạnh đến độ làm cho lòng sốt sắng của tín hữu tỏ lộ rõ qua những lối diễn tả tưởng tượng, những câu chuyện đầy huyền thoại, và dần dần những huyền thoại ngụ ngôn trở thành những câu chuyện có tính chất lịch sử thực sự. Từ đó đã phát sinh những trình thuật về những cuộc hiện ra, những cuộc gặp gỡ giữa Đức Kitô với các môn đệ sau khi phục sinh. Những cuộc đối thoại được trang điểm bằng những hình ảnh; và thế là bối cảnh toàn diện được vẽ ra: với thời gian, những văn bản đó dần dần được đưa vào truyền thống tông đồ và thế là chúng được coi như có giá trị chứng từ lịch sử.

Luận đề trên đây quả thật là tinh vi, vì trong thực tế đã có bao nhiêu là câu chuyện được ghi vào sử sách và được coi như tài liệu lịch sử có thực, nhưng thực ra đó chỉ là những nét độc đáo trong văn thơ được người ta biến thành sử liệu (ví dụ như Bài ca Roland đã kéo dài tiểu sử của hoàng đế Charlemagne). Trong luận đề trên đây, chúng ta thấy ảnh hưởng chủ thuyết duy tâm của Đức. Theo thuyết này, biên giới giữa điều tưởng tượng và sự thật không còn nữa. Dĩ nhiên là Lối giải thích này từ lâu đã được các nhà chú giải tranh luận.

Người ta liệt những đoạn kinh thánh cho là không có tính cách sự thật lịch sử vào loại văn midrash. Tuy nhiên cần phải nhận rằng sự phân loại này có giới hạn, vì từ lâu người ta đã đặc biệt chứng tỏ rằng không có lý do gì để coi các văn bản phúc âm, các văn bản của các thánh tông đồ là midrash hơn là các văn bản lịch sử các tác giả thời kỳ ấy, như Julius Cesar, Titus Livius, Tacitus, v.v. Vả lại chúng ta cũng cần phải nhắc lại rằng những chứng nhân đã mục kích các sự kiện ấy họ chịu chết để làm chứng cho những điều họ thấy. Người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy họ không hề nghi ngờ về những sự kiện đó khi bị đe dọa giết chết. Không ai dám chịu chết vì một giả thuyết tưởng tượng; nghĩa là không ai dám chịu chết để bảo vệ một midrash, một câu chuyện ngụ ngôn.

Những dữ kiện liên quan đến sự phục sinh của Đức Kitô chỉ có ý nghĩa tượng trưng: Đây là phát minh gần đây với mục đích mặc cho sự sống lại của Đức Kitô những chiều kích nhân trần để dễ được người ta chấp nhận. Những người chủ trương giả thuyết này cho rằng sự việc các tông đồ và các môn đệ rao giảng sự sống lại của Chúa Kitô, chỉ là một kiểu nói của các vị mà thôi, và vì thế cần phải hiểu câu nói Chúa sống lại theo nghĩa tượng trưng, nghĩa là một kiểu nói bóng bẩy nhằm diễn tả niềm tin mạnh mẽ đối với tính cách trường cửu của sứ điệp Kitô. Cần phải đọc các trình thuật về cuộc sống lại của ngài như những bản tuyên xưng đức tin, những tiếng kêu xuất phát từ con tim, được diễn tả qua những thành ngư  bóng bẩy tượng hình. Chính danh từ sự sống lại cũng phải được hiểu là sự duy trì lòng ngưỡng mộ vô biên Đối với Đức Kitô, chứ không có nghĩa là một sự thật lịch sử. Vì thế đừng tìm những bằng chứng về sự sống lại hoặc dùng sự kiện mồ trống để chứng minh Chúa sống lại, vì chứng minh như thế là uổng công vô ích; và cũng không nên coi sự sống lại là một phép lạ, trái lại chỉ nên nhấn mạnh đến chiều kích tượng trưng của các trình thuật đó mà thôi.

Lối giải thích “tượng trưng” trên đây đã bị nhiều người phê bình. Tại sao chỉ coi các văn bản cổ xưa là có tính cách tượng trưng mà không áp dụng cùng một phương pháp như vậy cho các văn bản gần đây hơn? Tính cách khách quan vốn là qui luật của mọi thời đại chứ không phải chỉ có ở thời đại gần đây mà thôi. Và tại sao người ta chỉ ưu tiên áp dụng việc giải thích tượng trưng cho các văn bản kinh thánh, mà lại không muốn áp dụng cùng một đường lối đó cho các văn bản lịch sử cùng thời? Tại sao lại coi các tài liệu lịch sử cùng thời với các văn bản kinh thánh tân ước là tài liệu lịch sử đích thực, trong khi đó lại coi những trình thuật về cuộc phục sinh của Đức Kitô chỉ có tính cách tượng trưng mà thôi?

Một nhận xét khác cũng cần được nêu lên ở đây: thường thường cần phải mất một thời gian dài để một Lối giải thích tượng trống có thể xuất hiện. Ví dụ phải mất hơn một thế kỷ để những sự kiện và hành động của Roland, cháu của hoàng đế Charlemagne được ghi vào trong bối cảnh tượng trưng của Bài ca Roland. Thế mà chúng ta biết người ta bắt đầu nhận thực rằng các văn bản phúc âm đầu tiên – ít là những nguồn mạch (Quellen), những đoạn trình thuật rời sau này họp thành toàn bộ sách phúc âm- đã được viết ra trong khoảng 20 năm (có thể là sớm hơn nữa) sau khi Đức Kitô qua đời. Vì thế việc giải thích các sự kiện đó theo nghĩa tượng trưng không có thời giờ để xuất hiện. Những nhân chứng trực tiếp về cuộc đời của Đức Kitô, những người đã chia xẻ những thăng trầm trong cuộc sống của ngài và biết hoàn cảnh cái chết của ngài, những người đó còn sống sót cho đến những năm đầu của thế kỷ thứ hai. Làm sao những người đó lại không có phản ứng trước sự tượng trưng hóa cuộc đời của Đức Giêsu ra cái gọi là phục sinh

2. Lối Giải Thích Có Thể Chấp Nhận Được

Sau khi phê bình và bác bỏ các lối giải thích trên đây, chúng ta cần nhìn nhận giá trị lịch sử của các sự kiện liên quan đến sự phục sinh của Đức Giêsu như các phúc âm đã thuật lại. Trong phần sau của bài này, chúng ta sẽ nghiên cứu các sự kiện đó dưới khía cạnh tâm lý, triết học và cả khoa học nữa. Vì thế, bây giờ chúng ta cần trình bày các sự kiện đó một cách chính xác, để có thể xác định rõ rệt điều mà người ta gọi là toàn bộ vấn đề phục sinh.

a. Tình Trạng Các Sự Kiện Được Ghi Lại

Theo các chứng từ thu thập được, người ta xác nhận rằng Đức Giêsu đã hiện ra với nhiều người trong những tuần lễ sau khi ngài đã chết. Trước tiên cần minh xác rằng, trong trường hợp Đức Kitô, ngài không phải là một cái xác được hồi sinh (như trường hợp ông Lazarô). Các nhân chứng không thấy tận mắt cảnh tượng một thi hài tìm lại được sự sinh động tự nhiên trước kia. Người ta không thấy thi hài đó bắt đầu cử động lại, vứt bỏ các khăn liệm sang một bên. Người ta chỉ nhận thấy ngôi mộ trưng trơn sáng sớm ngày thứ ba sau khi Đức Giêsu chịu chết. Trong những lần ngài xuất hiện sau đó, người ta thấy ngài là một nhân vật rất sống động, hiển hiện trong vài giờ, vài ngày, tại những địa điểm khác nhau: chẳng hạn như trên đường Emmau hoặc trên bờ hồ Tibêriat… Trạng thái thể lý của ngài được mô tả rõ rệt. Ngài vẫn có vóc dáng và cử điệu như thường: người ta nhận ra ngài qua cử điệu (và đó không phải là một giấc mơ, hay một ảo tưởng). Người ta có thể động chạm đến ngài (như tông đồ Tôma đã làm). Ngài nói và người ta nghe được. Ngài mở đầu cuộc Đối thoại với người khác. Ngài ban hành mệnh lệnh (Các con hãy đi giảng dạy muôn dân!). Ngài tham dự vào đời sống thường ngày của những người tiếp nhận ngài, ngài ăn với họ, đi với họ. Tất cả những chi tiết đó cho chúng ta nghĩ rằng đây quả thực là một nhân vật hữu hình, một con người; và hơn nữa, đó là người hoàn toàn giống như người mà người ta đã gặp biết trước khi ngài chịu chết.

Tất cả những nhân tố để nhận định căn cước của một nhân vật đều được áp dụng ở đây. Tuy nhiên phải nhận rằng có những đặc tính mới được thêm vào những đặc tính của nhân vật ấy, và khác biệt với những phàm nhân khác. Ngài có thể hiện ra và biến đi, không chịu những hạn chế và bó buộc của không gian và thời gian. Tất cả những sự kiện đó quả thực là mới mẻ, và vì thế có một vấn đề đặc biệt cần được nêu lên ở đây.

b. Vấn Đề Sống Lại

Chúng ta nhận thấy những đặc tính mới mẻ đó dường như từ bên ngoài đã được thêm vào cho cách cư xử hành động bình thường của Đức Giêsu sau khi ngài sống lại.Con người của ngài không hề làm cho người Đối thoại nghi ngờ gì. Người ta nói với ngài cũng giống như khi nói chuyện với mọi người khác. Người ta không cảm thấy phải kinh sợ, như khi đứng trước một bóng ma. Tiếp xúc của ngài với người khác có tính cách trực tiếp và không gây nên vấn đề gì. Ví dụ, ngài đưa ra những dự phóng tương lai cho toàn thể các môn đệ : Các con hãy dạy dỗ họ, rửa tội cho họ…, Các con hãy đợi Thánh linh…. Ngài còn dạy một số điều quan trọng để bổ sung các giáo huấn của ngài trước khi chết.

Những đặc tính khá lạ lùng chúng ta vừa nêu lên đây thoạt đầu có thể gây ngạc nhiên. Nhưng các chứng nhân dường như đã quen thuộc ngay với những đặc tính đó. Họ kêu lên Chúa đấy ! khi thấy ngài xuất hiện bất thình lình. Vì vậy vấn đề được đặt ra là cần phải tìm hiểu xem lý trí loài người có thể chấp nhận được sự việc Đức Kitô, do bản tính Thiên Chúa của ngài, có thể nhập thể một cách khác sau khi đã chịu chết trên thập giá hay không? Nói khác chúng ta cần tìm hiểu xem sự nhập thể sau khi Đức Giêsu chịu chết có thể có những tính chất khác với sự nhập thể trước khi ngài chịu chết hay không? Đó là điều mà chúng ta cần khách quan và khiêm tốn tìm hiểu sau đây.

III. Ý NGHĨA TÂM LÝ VÀ TRIẾT LÝ CỦA SƯ  SỐNG LẠI

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: các tông đồ và các môn đệ đã cảm thấy thế nào khi họ gặp Đấng Phục Sinh? Dĩ nhiên, ban đầu họ tỏ ra do dự, và đó là thái độ dễ hiểu. Dường như phản ứng đầu tiên của họ là tưởng mình đang đứng trước một bóng ma hoặc nghĩ rằng mình bị ảo giác. Nhưng sau khi loại bỏ được phản ứng hồ đồ đó và sau khi đã kiểm chứng sự kiện, họ tỏ ra có thái độ rất khách quan. Họ xác nhận đúng là Đức Giêsu đang ở giữa họ. Họ có thể nói với ngài, sống với ngài… như trước.

1. Ý Nghĩa Tâm Lý Của Sự Sống Lại

Trước tiên chúng ta cần xét các sự kiện sống lại dưới khía cạnh tâm lý, sau đó chúng ta sẽ bàn đến ý nghĩa các sự kiện đó dưới khía cạnh triết học. Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng trong những cuộc tiếp xúc giữa Đức Kitô và các môn đệ ngài sau biến cố sống lại cũng có những điều kiện tâm lý thường tình giống như trong mọi tiếp xúc giư a con người với nhau. Ở đây cũng có sự trao đổi cái nhìn, trao đổi câu chuyện, cử chỉ. Đức Kitô thực sự hiện diện như một con người, biểu lộ ý tưởng qua những Lối diễn tả của con người. Đó là những sự kiện hiển nhiên trước mắt chúng ta, khi chúng ta đọc các văn bản phúc âm một cách khách quan và bình tĩnh.

Dĩ nhiên là có những lối cư xử mới so với cung cách của Đức Giêsu trước khi ngài chịu chết. Ví dụ như chúng ta thấy sự di chuyển của Đức Giêsu sau khi phục sinh trở nên mau lẹ và như tự phát hơn. Ngài xuất hiện một cách tức khắc, nhanh chóng hơn… Nhưng chúng ta phải nói rằng những điều đó xảy đến một cách không thường xuyên. Đó là sự đột phát của những tiềm năng siêu nhiên vốn ở ẩn cạnh những khả năng tự nhiên của ngài. Một vài hiện tượng đó cũng đã xảy ra trong cuộc đời công khai giảng đạo của Đức Kitô. Ví dụ như khi ở trên núi Tabor, ngài đã biến hình, vượt ra ngoài những điều kiện bình thường của con người; hoặc khi đi trên mặt biển, dường như ngài đã khắc phục được trọng lực của con người bình thường. Đây cũng là những hiện tượng người ta thấy xảy ra nơi ngài sau khi sống lại.

Dù có những nét siêu nhiên được thêm vào cung cách bình thường như thế, chúng ta cũng phải nhận rằng trong những cuộc gặp gỡ với các tông đồ sau khi sống lại, Đức Kitô đã biểu lộ thực tính của ngài cũng giống như trước đó trong đời sống công khai của ngài. Các môn đệ trên đường làng Emmau đã nhận ra được một số đặc tính đó nơi người đồng hành của họ, giống như trong ba năm trước đó khi họ sống cạnh Thầy mình. Cũng vậy, tông đồ Tôma đã xỏ được ngón tay vào những lỗ đanh ở bàn tay , bàn chân, và vào cạnh sườn của Đức kitô nơi lưỡi đòng đã đâm thâu qua. Chúng ta có thể giả thiết rằng những vết thương đó một phần đã thành sẹo nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Trên đây là những dư  kiện đã được kể lại trong Phúc âm.

Những điều kiện tâm lý đã được tôn trọng, và người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Kitô phục sinh tiếp tục sống chung một cách mới với các tông đồ và các môn đệ. Trong thời kỳ 40 ngày đó, Đức Kitô đã nối lại những liên lạc với các môn đệ đã bị gián đoạn vì cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của ngài trên thập giá. Đó là điều mà người ta cảm thấy được về mặt tâm lý, khi đọc các trình thuật của Phúc âm.

2. Ý Nghĩa Triết Học Của Sự Sống Lại

Chúng ta có thể thử suy nghĩ sâu xa hơn nữa và tìm hiểu: làm thế nào để có thể giải thích những sự kiện sự sống lại? Chúng ta thử tìm cách trả lời câu hỏi này về phương diện triết lý và khoa học. Chúng ta đề cập đến vấn đề này không phải để thỏa mãn óc tò mò của chúng ta cho bằng để phòng ngừa những lời phê bình cho rằng sự sống lại là điều không thể nào chấp nhận được nữa.

Trước tiên chúng ta cần biết rằng khó khăn trong việc chấp nhận sự sống lại không phải là điều mới có gần đây.

Ngay thánh Phaolô cũng đã gặp phải khó khăn đó tại hội trường thành Athênê. Bấy giờ thánh nhân đang thao thao nói về giáo lý cứu độ do Đức Kitô mang lại, và các thính giả đang chăm chú lắng nghe ngài: họ là những người Hy lạp ham chuộng kiến thức và văn hóa. Họ muốn được biết về một học thuyết mới đến từ Đông phương. Nhưng khi thánh Phaolô bắt đầu nói với họ về sự sống lại của Đức Giêsu Kitô và sự sống lại mai sau của các môn đệ Chúa, thì những người Hy lạp đó cười ầm ĩ lên, chế nhạo và nói: Thôi đủ rồi… chúng tôi sẽ nghe ông nói tiếp lần tới. Đó quả là một thất bại ê chề cho Phaolô.

Phản ứng như trên của người Hy lạp dĩ nhiên sẽ còn xảy ra trong dòng lịch sử. Bất cứ người nào có óc duy lý một chút cũng không thể nào chấp nhận được ý tưởng có sự sống lại sau khi chết. Người ta còn cho rằng thật là điều đáng tiếc vì một giáo lý cao cả như giáo huấn của Đức Kitô, vốn gây được thiện cảm nơi mọi người, lại kèm theo một niềm tin lạ lùng và lố bịch như giáo thuyết về sự sống lại. Một số người khác cho rằng đạo Kitô đã bị mất tín nhiệm vì dạy người ta phải tin Đức Kitô đã sống lại.

Như chúng ta đã nói trên đây: sự sống lại của Đức Kitô là điều rất quan trọng trong chương trình cứu chuộc của Chúa: Nếu Đức Kitô không sống lại, thì toàn thể những lời giảng của chúng tôi là vô ích hết”, như thánh Phaolô đã từng nói. Nếu Đức Kitô không sống lại, thì có nghĩa là quyền lực Sự Ác đã chiến thắng được ngài, và như vậy thì còn làm gì được nữa? Vì thế lý trí con người phải can đảm đương đầu với vấn đề này, làm sao chứng minh được rằng những sự kiện liên quan đến sự sống lại là những sự kiện có thể chấp nhận được, cho dù không thể giải thích hoàn toàn được.

Quả thực ở đây chúng ta đang đứng trước những sự kiện hầu như vượt ra ngoài giới hạn của lý trí con người và chúng ta cũng phải nhận rằng trong lãnh vực này có nhiều tính chất mầu nhiệm. Dầu vậy cũng phải làm sao chứng tỏ được rằng các sự kiện liên quan đến sự sống lại là những điều mà lý trí con người có thể chấp nhận được. Khởi điểm của những khó khăn chúng ta gặp phải ở đây là sự kiện lý trí con người vốn quan niệm sự chết là một cái gì vĩnh viễn, không thể lật ngược được. Theo truyền thống triết học sau Platon, người ta có thể chấp nhận rằng linh hồn vẫn sống sau khi thân xác này chết đi. Nhưng người ta không chấp nhận xác loài người lại phục sinh sau khi hồn đã lìa khỏi xác rồi. Đó là xác tín chung của mọi người. Cái gì vốn là một hợp thể khi còn sống, thì sau khi chết nó sẽ bị tan rã.

Tuy nhiên, ở đây cần ghi nhận rằng tan rã không có nghĩa là trở nên hư vô và sự chết không hủy diệt, nhưng biến đổi. Những nhân tố trước kia cấu thành một vật nào đó, khi vật đó tan rã đi, thì chúng lại kết hợp với những nhân tố khác để làm thành những thực thể khác. Như thế có nghĩa là sự chết đảo lộn, phân tán, tái phân phối các nhân tố, chứ nó không tạo nên hư vô.

Sau khi chấp nhận nguyên tắc trên đây rồi, chúng ta có thể dễ dàng đề cập đến vấn đề sống lại, đặc biệt là trường hợp của Đức Kitô. Trên nguyên tắc: một điều gì nhất thời bị phân tán, nó vẫn có thể được Đấng Toàn năng, vì một nhu cầu nào đó, tập hợp chúng lại, làm cho chúng được tái hiệp nhất như trước. Đó là điều chúng ta có thể tưởng tượng được. Trong trường hợp Đức Kitô, ngài vốn là đấng có quyền năng trên các nguyên tố, nên ngài có khả năng tái lập sự toàn vẹn của thân xác ngài sau khi đã chết. Trong trường hợp này, có một lý do khẩn cấp, đó là để chứng tỏ cho mọi người thấy Sự Chết (tức là quyền lực sự Ác) đã không chiến thắng một cách chung kết. Đức Kitô không thể nào xuất hiện như kẻ chiến bại trong công trình Cứu chuộc được, trái lại ngài xuất hiện như người đại thắng. Khi chiến thắng sự chết, Đức Kitô chứng tỏ ngài đã thắng sự dữ, ngài đã thắng tội lỗi.

Đức Kitô đã biểu lộ chiến thắng của ngài bằng cách tái hiện ra nhiều lần, và luôn sống động trước mắt mọi người. Tất cả những ai muốn đến gần ngài đếu có thể thấy, nghe và động chạm đến ngài được. Và những điều đó đã diễn ra trong mấy tuần lễ. Ở đây chúng ta chỉ nói rằng : điều mà Đức Giêsu có thể thực hiện được qua cuộc biến hình, qua biến cố khiến bão táp yên lặng, hóa bánh ra nhiều… thì ngài cũng có thể thực hiện được trong việc tái hợp những nguyên tố sống động đã bị cái chết phân tán. Có thể nói việc sống lại như vậy cũng là một cuộc tái nhập thể, trong một cách thức khác.

Sự nhập thể trước và sau khi Đức Kitô chịu chết, thực ra vẫn là một, tuy có những sắc thái hơi khác nhau. Vì vậy, cần phải xác quyết rằng Đức Kitô, trong những tuần lễ sau khi sống lại, vẫn có cùng một bản sắc như trong cuộc nhập thể đầu tiên mở màn cho cuộc sống 33 năm trên trần thế của ngài. Và người ta cũng phải nhận rằng giáo huấn ngài ban sau khi sống lại cũng có cùng một giá trị như giáo huấn ngài đã dạy trong cuộc sống công khai trước đó. Vì thế, ngài đã truyền dạy cho các môn đệ. Các con hãy đi giảng dạy muôn dân… hãy rửa tội cho họ… Quả thực, người ta nhận thấy có một vài khác biệt trong giọng nói ngài xử dụng. Trong thời kỳ giảng đạo, trước khi chịu tử nạn, ngài đề nghị, mời gọi, thúc giục các thính giả của ngài: ngài biết rõ uy tín của ngài tùy thuộc những hoàn cảnh, và ngài đã cảm thấy một sự đe dọa nào đó Đối với tính mạng khi hành động (ví dụ câu ngài nói: Con Người sẽ bị bắt, bị kết án tử hình…).

Trái lại, trong thời kỳ sau khi đã sống lại, tất cả những đe dọa đó không còn nữa. Vì thế, Đức Kitô nói trong tư cách của một người đã chiến thắng, với xác tín từ nay ngài đã thủ đắc được ơn Cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Trên đây là một sự nhận xét triết lý về sự sống lại của Đức Kitô. Chúng tôi thiết nghĩ những suy tư đó không giải thích tường tận được mầu nhiệm sống lại, vì đây là mầu nhiệm khôn lường, nhưng ít ra chúng ta có thể chấp nhận được những sự kiện đó, chấp nhận với sự khôn ngoan, khiêm tốn và với thái độ khách quan hoàn toàn.

Bây giờ, nhiệm vụ còn lại của chúng ta là tìm hiểu ý nghĩa đích thực của sự sống lại, trước hết là ý nghĩa siêu hình, rồi đến ý nghĩa thiêng liêng. Chúng ta cần tìm hiểu xem đâu là những giá trị mà Đức Kitô muốn nêu bật khi ngài sống lại ra khỏi mồ? Phụng vụ sáng ngày lễ Phục sinh vẫn vui mừng hát trong bài ca tiếp liên: Mors et vita duello conflixere mirando: Vậy đâu là bản chất cuộc song đấu độc nhất vô nhị đó giư a sự Sống và sự Chết? Đâu là tầm quan trọng của cuộc song đấu và sự chiến thắng của sự Sống?

IV. CUỘC SONG ĐẤU GIỮA SƯ SỐNG VÀ SƯ CHẾT

1. Chúa Kitô, Mầu Nhiệm Sự Sống

Đức Kitô thường tự đồng hóa mình với sự sống. Ta là đường, là sự thật và là sự sống; Ta đến để họ được sống, và sống sung mãn (Gioan 10, 10). Và dường như những quả quyết như vậy rất được các người thân cận cũng như đám đông dân chúng lắng nghe. Mỗi người cảm nghiệm được ý nghĩa của những xác quyết đó. Vì người ta ý thức được sự sống là gì: sự sống như nòng cốt cuộc sống của mỗi người. Ngữ vựng Aram cũng như tiếng Do thái đều diễn tả sự sống giống như một hơi thở, và tiếng la tinh cũng theo đường hướng đó và diễn tả sự sống là linh hồn (anima), là cái gì làm cho sinh vật được linh hoạt (animat) cho đến hơi thở cuối cùng (spiritus do chư  spirare là thổi hơi). Tiếng Hy lạp có tính chất phân tích hơn và phân biệt rõ ràng giữa bios, zôon, pneuma, psykhé” v.v… Nói chung, những người nghe Đức Giêsu giảng thì họ hiểu sự sống như một năng lực nội tại làm cho cuộc sống của mọi hữu thể được sung mãn, những hữu thể mà người ta gọi là sinh vật, và những sinh vật này không ngừng bị đe dọa trở lại tình trạng bất động (quán tính) là sự chết.

Ở đây chúng ta chú ý tìm hiểu ý nghĩa của sự kiện: Đức Kitô, khi sống lại đã làm cho Sự Sống chiến thắng Sự Chết. Việc xác định ý nghĩa này là điều hữu ích và cần thiết nếu chúng ta muốn làm cho vấn đề Sống lại không những được con người ngày nay chấp nhận, nhưng còn trở thành kích lực cho đời sống thiêng liêng của mỗi tín hữu nữa. Trước khi tìm hiểu sự sống lại, chúng ta cần minh định sự sống là gì.

a. Sự Sống Là Gì?

Con người ngày nay tự hỏi: phải chăng sự sống là một thực tại riêng biệt hay nó chỉ là một tình trạng phức tạp hơn của vật chất bất động mà thôi? Ở đây chúng ta cần làm sáng tỏ vấn đề này.

Người ta đã chế nhạo nhiều định nghĩa của nhà sinh vật học Bichat, hồi đầu thế kỷ 19 . Theo ông thì sự sống là toàn thể những chức năng chống cự lại sự chết (Recherches physio-logiques sur la vie et la mort: Nghiên cứu sinh lý học về sự sống và sự chết, 1800). Định nghĩa đó có vẻ là một điều quá hiển nhiên không đưa ra thêm điều gì lạ. Nhưng thực ra, định nghĩa này ít nhất cũng có công đặt rõ vấn đề. Điều lạ lùng trong sự sống, đó là nó chống lại quán tính của mọi vật chất. Vì vật chất nếu để nguyên, thì chúng chỉ bất động. Hơn nữa, vật chất còn có khuynh hướng suy thoái, bởi vì trong chúng có năng lượng: xu hướng bẩm sinh của thiên nhiên (từ khởi thủy Big Bang) là tiến dần về trạng thái bất động.. nghĩa là tiến dần về sự chết. Nói khác đi, vũ trụ được sinh ra để chết đi.

Trong bối cảnh đó, sự sống là năng lực chống lại sự suy thoái, chống lại quán tính. Sự sống nâng vật chất lên , để vật chất được ở trong những trạng thái mới; sự sống lao mình vào trong vô vàn những cuộc phiêu lưu sáng tạo mới. Sự Tiến hóa trở thành sáng tạo nhờ một sức thiêng, (vis a tergo”: Bergson). Sự sống giúp duy trì những cơ cấu phức tạp, và nếu không có sự sống thì những cơ cấu vật chất đó lại rơi vào trạng thái ù lỳ bất động.

Đặc điểm nổi bật trong hiện tượng sự sống là thách đố phải đương đầu liên tục với sự chết và quán tính, nghĩa là sự sống chống lại xu hướng tự nhiên của vạn vật là tiến dần đến tình trạng bất động, đến gần sự chết. Những sự kiện trên đây soi sáng cho chúng ta trong việc suy tư về sự sống lại. Khi khẳng định là sau cuộc song đấu mầu nhiệm giữa Sự Sống và Sự Chết, Đức Kitô đã chiến thắng Sự Chết, người ta có thể nói rằng Đức Kitô đã biết đương đầu với thách đố của sự chết, điều mà không người phàm nào có thể thực hiện được. Ngài đã đương đầu với thách đố của sự chết không những trong cuộc sống trần thế, nhưng ngài còn đương đầu với sự chết trong giai đoạn cuối cùng nữa. Trong khi mọi phàm nhân khác, lúc kết thúc cuộc đời, đều bị quán tính thu hút, đều bị luật bất động đè bẹp, thì Đức Kitô đã chiến thắng Sự chết, đã tìm lại được Sự Sống vĩnh cửu. Sự chiến thắng của Đức Kitô là điều rất hợp lý, vì ngài là Ngôi Lời nhập thể, nơi ngài có sự sống (thánh Gioan), nên ngài không thể thảm bại chung kết được trong cuộc chiến đấu với sự chết. Ngôi Lời phải chiến thắng, vì ngài là nguồn mạch Sự Sống.

b. Sự Sống Chiến Thắng Sự Chết

Chiến thắng của Sự Sống trên sự Chết có một ý nghĩa đặc biệt trong trường hợp Đức Kitô. Nói đúng ra, cứ theo quyền năng tuyệt Đối của ngài, Chúa có thể biểu lộ sự Toàn năng của ngài trên Sự Chết một cách thức khác, thay vì chịu khổ nạn và chịu chết trên thập giá. Ví dụ như Ngài có thể kết thúc sứ mạng của ngài trong lúc biến hình trên núi Tabor để khỏi phải chịu cực hình thê thảm. Tuy nhiên, Đức Kitô đã muốn dùng sự đau khổ và cái chết để biểu lộ lòng gắn bó của ngài với sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa, như lễ qui của thánh lễ đã ghi nhận rất đúng: Ngài đã nộp mình chịu khổ hình.

Nghĩa là Đức Kitô chỉ muốn biểu lộ huy hoàng khả năng chiến thắng của ngài trên sự chết, sau khi chịu khổ và sự chết. Qua những đau khổ, qua cái chết thể lý, Đức Kitô muốn biểu lộ cho mọi người thấy ngài là chủ tể tuyệt Đối của vạn vật, ngài tự ban lấy cho miình một sự sống thể lý mới, là một thứ thách thức triệt để nhất cho sự chết và quán tính của mọi sự.

Khi sống lại, Đức Kitô đã tái trở thành nguồn mạch của Sự Sống. Teilhard de Chardin đã đoán đúng; nhưng các sự kiện Phúc Âm là đủ để hiểu mầu nhiệm phục sinh một phần nào. Khi sống lại, Đức Kitô đã đại thắng sự Chết: vậy, cuộc chiến thắng này có ý nghĩa gì?

2. Đức Kitô, Người Chiến Thắng Sự Chết

Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu?, đó là lời thánh Phaolô kêu lên, dựa theo một kiểu nói rút từ Cựu ước. Chúng ta phải quan niệm thế nào về sự chiến thắng của Chúa Kitô trên Sự chết? Trong lịch sử có nhiều luận đề được đưa ra để giải thích vấn đề này.

a. Lối Giải Thích Biện Chứng Pháp: Sự Sống Lại Là Một Điều Tất Nhiên Phải Xảy Ra Vì Cơ Cấu Đòi Hỏi Như Vậy

Có những người muốn giải thích biến cố Đức Giêsu sống lại cũng như mọi hiện tượng lịch sử khác, dựa trên

biện chứng pháp: đề, phản đề và hợp đề. Các nhà thần học thuộc khuynh hướng này (thí dụ: Bonhoeffer) giải thích mọi biến cố trong cuộc đời của Đức Kitô theo khuôn mẫu biện chứng, nghĩa là, theo họ, biến cư đi sau là một phản ứng. Đối với biến cố đi trước đó, cũng như trong thế giới, các hiện tượng đi từ phản ứng này tới phản ứng khác vậy. Người đầu tiên đã áp dụng phương pháp giải thích biện chứng vào cuộc đời của Đức Kitô, là triết gia Hegel, trong cuốn sách nổi danh Cuộc đời Chúa Giêsu (1795).

Theo ông, nếu Thiên Chúa (Đề) đã sáng tạo thế giới (Phản đê), thì phải có sự Nhập thể, phải có sự gặp gỡ giữa tạo vật và Tạo Hóa, và đây là điều đã xảy ra trong trường hợp Đức Giêsu Kitô. Tiến trình này được tiếp tục giữa Đức Giêsu và nhân loại phàm trần, đưa đến sự phát sinh Giáo hội, v.v…

Dựa theo khuôn mẫu trên đây, các nhà thần học gần đây, đặc biệt là Bonhoeffer và một số người khác, đã giải thích rằng cuộc song đấu giư a Sự Sống và Sự Chết, tất nhiên đưa tới một hợp đề là sự Sống lại. Đi vào chi tiết hơn, các nhà thần học này nói rằng: trong sự Nhập thể, Thiên Chúa (Đề) đứng trước thế giới do ngài tạo dựng (Phản đề), đã tự biểu lộ trong Đức Kitô, đấng vừa là Thiên Chúa vừa là loài người (Hợp đề). Tiếp đến Đức Kitô (Đề) đã gặp cái chết (Phản đề), và đã trổi vượt lên thành Chúa Kitô phục sinh (Hợp đề). Theo Lối giải thích này, thì sự sống lại của Đức Kitô là điều tất nhiên phải xảy ra, vì đó là một một giai đoạn cần thiết trong tiến trình cứu độ.

Phê bình vắn tắt lối giải thích trên đây, chúng ta có thể nói rằng việc câu nệ sử dụng luật đối nghịch (Đề, Phản Đề và Hợp Đề) là điều mang nặng tính chất giả tạo. Những sự đối nghịch mà những nhà thần học biện chứng này chủ trương, thật ra chỉ là những sự khác biệt mà thôi.

b. Lối Giải Thích Truyền Thống: Chúa Kitô Chiến Thắng Sự Chết

Phúc âm thuật lại rằng sau khi chịu chết trên thập giá cái chết được nhiều nhân chứng xác nhận và kiểm chứng Đức Kitô đã bắt đầu một cuộc sống mới sau đó. Điều này có nghĩa là gì ? Và đâu là ý nghĩa sự sống mới đó ? Toàn thể ý nghĩa chương trình cứu độ phần lớn tùy thuộc vào những câu trả lời các câu hỏi trên đây.

Sự sống lại của Đức Kitô không phải là một hành vi bó buộc, tất yếu, nhưng là một hành vi tự ý nhưng không của ngài. Cũng như Đức Kitô đã tự ý đi vào cuộc khổ nạn, chúng ta cũng có thể nói rằng ngài đã tự ý phục sinh. Theo một ý nghĩa nào đó, sự sống mà Đức Kitô lấy lại khi phục sinh cũng có tính cách loại suy so sánh với sự sống trước đó của ngài khi nhập thể. Cuộc sống trước và sau khi chết nơi Đức Giêsu chỉ là hai trạng thái của cùng một sự sống. Vì người ta nhận ra đó là cùng một nhân vật, cùng một căn cước. Ngài nói với các môn đệ khi hiện ra sau khi đã sống lại: Ta đây. Cuộc nhập thể không thể chia xẻ được. Nói tóm lại, sự sống của Chúa vẫn liên tục kéo dài mãi mãi. Khi Đức Kitô trút hơi thở cuối cùng và rồi được an táng trong mồ bề ngoài đó là một cuộc thất bại hoàn toàn. Trước kia ngài chỉ biết có chiến thắng: chiến thắng bệnh tật, đói khát, chiến thắng sự nhạo cười của các đối thủ, chiến thắng thiên nhiên. Nhưng nay, thân xác ngài bị táng trong mồ sẵn sàng làm mồi cho hư nát. Các môn đệ ngài bỏ trốn hết. Họ bị phân tán, sợ hãi, phải ẩn nấp. Nhưng chính trong bối cảnh đó chúng ta hiểu được rằng sự Sống lại có thể thay đổi tất cả. Khi người ta khám phá ra Đức Kitô đã sống lại và hiện ra với các môn đệ, thì tất cả sứ mạng của ngài nói lên trọn cả ý nghĩa toàn vẹn của nó. Ngài là đấng không thể bị hủy diệt, ngài là đấng chiến thắng mãi mãi.

Đó là ý nghĩa của sự sống lại, xét về khía cạnh nhân bản, thiêng liêng, lịch sử và triết học. Chính sự sống lại đã biểu lộ mầu nhiệm lớn lao của Đức Kitô. Hình ảnh đích thực mà mọi thế hệ mai sau phải giữ mãi về Chúa Kitô, đó là hình ảnh ngài là đấng đã chiến thắng sự chết và ra khỏi mồ là đấng Hằng sống. Các nhà tu đức Đông cũng như Tây phương đã hiểu rõ điều đó nên đã nhấn mạnh rằng: cái chết hôm thứ sáu tuần thánh không hề tách biệt khỏi chiến thắng của ngày Phục sinh. Hai biến cố này không thể tách rời nhau.

V. Ý NGHĨA CHIẾN THẮNG CỦA SƯ SỐNG TRÊN SƯ CHẾT… VỚI CHÚA KITÔ PHỤC SINH.

Thường thường sự sống vẫn là điều được người ta ca ngợi. Nhưng cũng có một số người cảm thấy sự sống không phải là điều hữu ích, và trong giới khoa học ngày nay, danh từ sự sống bao hàm nhiều ý niệm hỗn độn, mơ hồ. Vì thế, ở đây chúng ta cần tìm hiểu xem có phải sự sống thực sự tự nó là một giá trị từ cao hay không? Đâu là ý nghĩa của sự sống?

1. Sự Sống, Vinh Quang Của Công Trình Sáng Tạo

Đối với đại đa số người Tây phương, sự sống là một điều phúc lợi từ Trời xuống. Nhưng Đối với nhiếu người Đông phương, nhất là những người chịu ảnh hưởng của truyền thống VedaVedanta, đặc biệt là ảnh hưởng của phật giáo, thì cuộc sống này được coi là điều bất hạnh, đời là bể khổ. Mọi khổ đau bất hạnh chúng ta gặp phải đều phát sinh từ lòng ham sống tiềm ẩn trong mọi sinh vật. Ham muốn đưa tới lầm than nhiều hơn là tới hạnh phúc. Tại Tây phương, vào thế kỷ 19, triết gia Schopenhauer, cũng đã khai triển đề tài này dựa trên triết học Đông phương, và tư tưởng của ông vẫn còn thu hút được một số người tây phương. Schopenhauer nói rằng: “Sống là hành động; hành động là cố gắng; cố gắng là đau khổ; vậy sống tức là đau khổ. Triết gia này đi xa tới độ khuyên người ta tự tử như là một cách hành động khôn ngoan: Người khôn ngoan phải biết thoát ra khỏi cuộc sống như thoát ra khỏi căn phòng đầy khói.

Những quan niệm trên đây về cuộc sống vẫn còn thịnh hành nơi một số đông người Á châu (và nơi một thiểu số người tây phương). Đó cũng là một trong những lý do giải thích tại sao có một hàng rào ngăn cản sự cảm thông giữa những nhà truyền giáo đến từ tây phương với đại đa số dân Á châu. Các dân tộc Á châu này không hề ca ngợi sự sống, vì làm như vậy có nghĩa là hứa dẫn đưa người ta tới lầm than khổ sở (Xem bài giảng của Đức Phật ở Benarès: Đời là bể khổ…). Nhiều khi người ta không để ý tới những hàng rào ngăn cách sự thông cảm đó giữa đại đa số dân Á châu với Đức tin Kitô giáo. Giư a hai bên có sự hiểu lầm không thể giải trừ được. Đặc biệt khi nhà truyền giáo rao giảng rằng khi sống lại, Đức Kitô đã biểu lộ chiến thắng chung cục của Sự Sống trên sự chết, họ thường gặp thái độ ngỡ ngàng của dân Á châu.

Làm sao chúng ta có thể nói được rằng sự sống tự nó là một cuộc chiến thắng và là một điều tốt đẹp? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể nhờ tới khoa học, nhất là khoa cổ sinh vật học. Theo sự hiểu biết của chúng ta hiện nay trong lãnh vực này, thì lịch sử sự sống đã bắt đầu cách đây hai tỷ rưỡi năm trên trái đất của chúng ta. Hiện tượng này là một thứ phi phàm huyền bí. Sự sống đã và vẫn luôn là một tiến trình tự phát và nội tại, chiếm hữu lấy vật chất ở trong tình trạng bất động, như kiểu nói của một trẻ em: bất thình lình hạt cát bắt đầu động đậy. Một kích lực nội tại đột nhiên được biểu lộ trong một hữu thể, và vật đó hoàn thành một cái gì đó có một ý nghĩa. Hiện tượng này thật là kỳ diệu, kỳ diệu đến độ tất cả các quan sát viên từ Jean Rostand cho đến Teilhard de ChardinHuxley đã phải kinh ngạc thốt lên lời ngưỡng mộ trước phép lạ sự sống đó. Có hai phép lạ chưa được giải thích và dường như không giải thích được, đã xảy ra trong lịch sử hành tinh của chúng ta: đó là sự xuất hiện của sự sống cách đây khoảng hai tỷ rưỡi năm; tiếp đến là sự xuất hiện của tư tưởng, cách đây Lối hai, ba triệu năm. Đây là hai giai đoạn lớn trong lịch sử hành tinh của chúng ta. Ở đây, chúng ta không muốn chú giải, bình luận về những biến cố lớn lao đó, nhưng chỉ muốn tìm hiểu: đâu là chiến thắng của sự sống ? Tại sao khi chiến thắng sự chết và sống lại, Đức Kitô là đại sinh vật, là đấng hằng sống, và ngài hiển trị mãi mãi ?
2. Sự Sống, Trung Tâm Mầu Nhiệm Vạn Vật

Sự xuất hiện của sự sống đánh dấu một giai đoạn thiết yếu trong hoạt động của Ngôi Lời Tạo hóa (trong khi chờ đợi sự xuất hiện của Tư tưởng). Chúng ta nên dừng lại trước sự huy hoàng của mầu nhiệm này. Suy nghĩ cho cùng, chúng ta thấy sự sống tự nó là một hiện tượng huyền diệu, lạ lùng. Vì từ một Đối tượng vật thể đột nhiên nó trở thành chủ thể độc lập: nó hướng về một mục đích nào đó. Nó xác định hành động của mình. Các triết gia vẫn cố gắng tìm hiểu xem ai là người hướng dẫn hoạt động của các sinh vật đó, nhưng họ chỉ nêu lên được vấn đề mà không giải quyết được. Triết gia Aristotê xưa kia đã nói: Sự sống là một chuyển động tự phát và nội tại. Từ đó đến nay, người ta vẫn chưa nói hơn được, tuy rằng người ta đã mặc cho câu nói này những sắc thái khác nhau. Người ta cũng không hoàn toàn giải thích được nó. Và, như Bichat đã nói trên đây, khi chúng ta quả quyết: Sự sống là toàn thể những chức năng chống lại sự chết, nói như thế, là chúng ta chỉ đưa ra một nhận xét thực tế, chứ chúng ta không giải thích gì cả. Chúng ta chỉ ghi nhận rằng sự sống luôn luôn chống lại quán tính (về phương diện nhiệt động, lý hóa và năng lưọng), mà không giải thích hoàn toàn được hiện tượng huyền bí đó.

Ở đây, để tôn trọng hoàn toàn sự khách quan, chúng ta cũng phải đề cập đến những cố gắng gần đây của những nhà bác học, nhằm giải quyết mầu nhiệm sự sống. Ví dụ như những phân tích nổi danh do nhà vi sinh vật học (microbiologiste) Jacques Monod đưa ra vào năm 1971, trong cuốn sách nổi tiếng của ông, tên là Le hasard et la nécessité. Sự sống chỉ là cái phát sinh từ sự kết hợp của hàng tỷ tỷ những nhân tố theo hàng tỷ tỷ những phù hợp khác nhau, và sự sống phát triển một cách tình cờ. Xét vì có vô vàn những phân tử được kết hợp với nhau, nên chúng nhất thiết phát sinh ra những hữu thể có một hướng đích nào đó.

Luận đề trên đây đã có thời được coi là thành công. Nhưng ít lâu sau, cũng vào năm 1971, một nhà vi sinh vật học khác, (Francois Jacob) cũng từng được giải Nobel (với giáo sư Lwoff), đã vạch rõ những giới hạn và khuyết điểm trong luận đề của ông Monod. Trong cuốn La logique du vivant, cũng nổi danh như cuốn của Monod, F. Jacob minh chứng rằng nêu lên sự tình cờ để giải thích nguồn gốc sự sống là điều vô ích. Vì sự sống không phải chỉ là một kích động thuần tuý của các phần tử. Vì ngay trong các phân tử, người ta đã thấy có trật tự rồi (như cái gọi là intégron), chứ không phải là tình cờ. Ở đây có một thứ hướng đích (télénomie). Vì thế, sự sống là một dự án, là một ý muốn hiện hữu và hiện hữu tốt đẹp hơn, chứ không phải là kết quả của sự tình cờ.

Dựa trên những dữ kiện trên đây, chúng ta suy tư về ý nghĩa của sự Sống lại, dưới khía cạnh triết lý. Ở đây, Đức Kitô xuất hiện như một đại sinh vật. Hơn nữa, như ngài đã nói nhiều lần, ngài đến để mang lại sự sống: Ta đến để họ được sống, và được sự sống dồi dào (Gioan 10, 10). Do đó, Sự Sống lại phải được chúng ta quan niệm như một cuộc tuyên dương sự sống. Nhưng sự tuyên dương này xảy ra theo nghĩa nào ?

3. Tuyên Dương Sự Sống… Trong Sự Sống Lại

Trong tư tưởng và hành động của Đức Kitô người ta không hề thấy dấu vết bi quan nào, như trong tư tưởng Phật giáo. Ngài không ngừng tuyên dương sự sống: sự sống của chim trời, của súc vật ngoài đồng; sự sống của những người hoạt động ở Galilêa hay ở Giudêa: những người chài lưới, những bách quân quan, những công chức; sự sống của những người sắp chết cần hồi sinh, hoặc những người đã chết cần cho sống lại. Ngài tuyên dương tình yêu và vợ chồng mắn con. Ngài coi sự chết là một thất bại: vì thế chiến thắng là làm cho đứa con trai bà góa được phục sinh và giao lại cho bà mẹ anh ta, hoặc phục sinh một người thân của ngài như ông Ladarô.

Nhưng ngoài sự sống thể lý ra, Ngài còn nhắm đến sự sống của linh hồn nữa. Vì, nói theo kiểu của các triết gia, Đức Kitô biết rõ sự sống trí thức là hình thức cao nhất của sự sống, vượt lên trên sự sống cảm giác hay sự sống của cây cỏ. Sự sống trí thức có tột đỉnh là sự chiêm niệm và đây là sự sống khẩn trương nhất và đồng thời cũng là sự sống độc lập nhất. Vì linh hồn khi chiêm niệm, nó động viên mọi năng lực của con người và hướng chúng về sự siêu việt của Thiên Chúa.

Đức Kitô đã nói đúng và ngài thường minh chứng rằng Maria là người sống động hơn, so với Martha, tuy rằng Martha làm việc nhiều: Maria đã chọn phần tốt hơn. Thực vậy, chiêm niệm là hình thức sống cao hơn mà Đức Kitô sẽ thực hiện sau khi sống lại. Ngài minh chứng rằng những thời kỳ trước đó của cuộc đời chỉ là những giai đoạn để đạt tới tình trạng cao độ đó. Ngài đã nói với các môn đệ trên đường làng Emmau: Đức Kitô đã chẳng phải chịu đau khổ để đạt tới vinh quang hay sao?. Đối với tất cả mọi người, sự sống lại của ngài loan báo cho biết Thần trí sẻ đến, Thần trí yêu thương, Thần trí sự thật; Thần trí đó là chính hơi thở của đời sống chiêm niệm.

Luôn luôn kẻ thù vẫn là sự chết: sự chết làm son sẻ, làm cho cứng nhắc và lạnh lẽo, làm cho bất động. Trạng thái đó Đối ngược lại với Sự sống chiêm niệm, vì sự sống này vốn là lòng nhiệt thành, nồng hậu và phong phú thiêng liêng. Qua cái chết và sự phục sinh, Đức Kitô đã trả lại mọi quyền lợi cho sự sống, sự sống dưới tất cả mọi hình thức, từ hình thức thực vật, cảm giác cho đến sự sống trí thức và chiêm niệm. Khi làm như vậy, Đức Kitô trở thành chủ tể của sự sống.

4. Đời Sống Của Chúa Kitô Phục Sinh

Đâu là bản chất sự sống của Đức Kitô phục sinh? Chúng ta cần tìm hiểu vấn đề này, vì có lẽ sự sống của ngài cũng sẽ là sự sống của chúng ta sau khi được sống lại, như ngài đã hứa cho chúng ta.

a. Chúa Kitô Hiện Diện Giữa Các Môn Đệ Của Ngài, Sau Khi Sống Lại

Đâu là trạng thái thể lý của Đức Kitô, sau khi ngài sống lại và tái xuất hiện giữa các môn đệ của ngài? Trên đây chúng ta đã nói sự hiện diện của ngài thực sự có tính cách thể lý, chứ không phải là một bóng ma, hoặc một phóng ảnh tưởng tượng nào. Đức Kitô vẫn hiện diện bằng xương bằng thịt giữa các môn đệ của ngài. Tuy nhiên, sự hiện diện của ngài trong hoàn cảnh này có một sắc thái đặc biệt: trọng lực không còn giư  vai trò quan trọng nữa, sự cản trở của vật chất cũng không còn Đối với thân xác ngài. Tuy nhiên, tất cả các đặc tính khác của con người vẫn còn đó: ngài hiện diện trước mặt ngưới khác, nói, truyền lệnh, yêu mến, phán đoán và có những khả năng khác như mọi người.

Chúng ta phải nghĩ gì về tình trạng như vậy ? Ở đây chúng ta có thể gợi lại một số nhận xét về tình trạng thể lý của một số nhà thần bí nổi tiếng: ví dụ như thánh Phaolô được cảm thấy như ở tầng trời thứ ba; Thánh Phanxicô Assisi được chịu 5 dấu thánh; Thánh nư  Têrêxa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá được xuất thần… Những trường hợp như thế vẫn còn xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta không nên ngạc nhiên trước những trường hợp lạ như thế. Vì thử hỏi quả thực chúng ta biết gì về những tính cách sâu kín của năng lượng và vật chất? Chúng ta chỉ quen nhận diện những trường hợp thông thường của vật chất. Nhưng những trường hợp này rất là tương Đối. Các lý thuyết gia về môn vi vật lý (microphysique) gần đây đã bác bỏ những dư  kiện trước kia vẫn được coi là sự thật hiển nhiên. Người ta không còn do dự gì nữa khi nói đến những hoạt động từ khoảng cách xa (thần giao cách cảm), về tính cách hoán chuyển được của những nguyên nhân, kể cả thời gian cũng có thể hoán chuyển được.

Trưng dẫn những dư  kiện đó ở đây, chúng tôi không muốn đi sâu hơn vào vấn đề này, nhưng chỉ muốn nói rằng những điều chúng ta đã và đang biết về các thực thể vật chất thì thật ra vô cùng ít ỏi so với những điều chúng ta chưa biết về chúng. Điều mà những người thường coi là không thể xảy ra được, lại là điều mà những nhà đại chuyên môn coi là có thể xảy ra. Có lẽ ở đây nên lập lại câu danh ngôn: Biết ít kiến thức khoa học, người ta xa Thiên Chúa; càng đi sâu vào khoa học, người ta càng đến gần ngài.

Điều mà chúng ta đang biết về cơ thể con người, thật ra rất ít so với những huyền nhiệm còn tiềm ẩn trong cơ thể con người. Những tiềm thể của nó thật là bao la so với những điều chúng ta hiểu biết hiện nay. Vì thế chúng ta hãy chấp nhận rằng trong một số hoàn cảnh, cơ thể con người có thể thoát được trọng lực, vượt được sự cản trở của vật chất… Trong thế giới vi vật lý học và vi sinh vật học, người ta nói nhiều đến hiện tượng tâm lý vận động (psychocinèse) và coi đây là điều có thể chấp nhận được. Vì thế chúng ta không nên la lối, phản đối khi người ta nói đến sự tái sinh của thân thể Đức Kitô khi ngài sống lại. Chúng ta không ở trong thế giới ma thuật, nhưng ở trong thế giới siêu kinh nghiệm. Và thế giới này không có giới hạn.

Do đó chúng ta có thể coi tình trạng thể lý của Đức Kitô phục sinh ở trong viễn tượng siêu-khoa học (chứ không phải là phi khoa học). Có thể nói được Đức Kitô phục sinh ở trong trạng thái tiền chờ đợi so với toàn thể nhân loại. Về phương diện triết học, khoa học và thần học, chúng ta có thể nói được rằng Đức Kitô phục sinh là mầm mống sự sống lại của chúng ta trong tương lai.

Linh hồn đạt tới mức độ hiện sinh khẩn trương đến nỗi xâm chiếm toàn thể các nhân tố cấu thành thân xác và mang lại cho chúng những đặc tính chưa được biết tới nhưng vẫn đoán được. Chúng ta hãy nghĩ tới hành động của những nhà thần bí (ví dụ như thánh nư  Têrêxa Avila, thánh Gioan Thánh Giá, thánh nư  Catarina thành Siena, hay thánh Angela de Foligno). Những sự kiện liên quan đến các nhà thần bí đó là những sự kiện lịch sử (như ông Darmester, Shuré, Bergson, v.v. đã chấp nhận), và nó chứng tỏ rằng khi linh hồn xâm chiếm toàn thân xác, thì có thể xảy ra những hiện tượng lạ thường. Nói tóm lại, chúng ta nhận thực rằng tình trạng mà chúng ta thấy trước mắt liên quan đến chất thể, thân xác con người, chỉ là một trạng thái nhất thời, chóng qua. Sự sống đến từ những trạng thái rất thô sơ cách đây hai ba tỷ năm (khoảng thời gian này dài kinh khủng, vượt ra ngoài óc tưởng tượng của trí khôn); nhưng sự sống đó có thể có những trạng thái khác trong khoảng thời gian dài hoặc ngắn hơn thời gian vừa nói. Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể quan niệm được sự sống lại của Đức Kitô là một sự báo trước sự sống cao hơn nhiều so với sự sống hiện nay của loài người.

Sức mạnh của tinh thần gia tăng, và vật chất như bị thu hút vào tiến trình tinh thần hóa như vậy. Đức Kitô phục sinh, nói theo kiểu của thánh Phaolô và của Teilhard de Chardin, là plêrôma” (sự sung mãn) của nhân loại, là hình thức đời sống mai hậu của con người, sau khi công trình cứu độ hoàn toàn kết cục. Đức Kitô phục sinh là hình ảnh nhân loại sẽ được vinh quang vào thời đại cánh chung.

b. Đức Kitô Sống Lại Là Mầm Mống Của Mọi Sự Phục Sinh Khác

Tất cả những gì chúng ta vừa nói trên đây có liên hệ trước tiên tới Đức Kitô. Nhưng chúng ta có thể coi trường hợp của ngài là mẫu thức sự sống lại mai sau của toàn thể nhân loại. Thực vậy, như chúng ta đã thấy, Đức Kitô phục sinh cũng có một vài đặc tính của thân phận làm người. Trạng thái thân xác như vậy cũng có thể là tình trạng thân xác của loài người trong từng ngàn năm sau này. Nhưng ngài còn có một thân xác thiêng liêng. Và rất có thể, đó cũng là thân xác của con cái của chúng ta trong tương lai xa vời; giả thuyết này đâu có vô lý.

Thánh Phaolô đã nói: Chúng ta sẽ sống lại với thân xác không hư nát nữa (1 Cr 15,54). Từ kinh nghiệm những gì đã xảy ra cho Đức Kitô, chúng ta có thể rút ra được những ý niệm về tương lai của chúng ta. Điều chắc chắn là thân xác thể lý này sẽ không hoàn toàn biến mất; cho nên phải bỏ học thuyết của Platon.

Người ta có thể quả quyết chắc chắn rằng chính nhân vị đích thực và trọn vẹn của chúng ta sẽ sống lại. Thế mà nhân vị chúng ta được cấu thành bằng cả xác lẫn hồn. Chính nhờ thể xác mà chúng ta được một chỗ đứng trong không gian và trong thời gian . Chính nhờ thân xác mà chúng ta đang ở đây và lúc này hic et nunc. Sự có một chỗ đứng trong không gian và thời gian như vậy là đặc điểm riêng của mỗi người chúng ta. Nhân vị của chúng ta nhất thiết vừa có xác vừa có hồn. Không thể nào tưởng tượng được có sự tách biệt hai nhân tố đó. Trong những điều kiện như vậy, cuộc sống mai hậu của con người vẫn phải bao gồm hai nhân tố xác thể và linh hồn, hay nói theo kiểu triết học Hy lạp, đó là một cuộc sống tâm vật lý (psycho-somatique). Chính vì thế chúng ta thấy luận đề của Kitô giáo về sự sống lại là điều mà lý trí có thể chấp nhận được, cho dù các triết gia Hy lạp có chế nhạo, như đã chế nhạo Phaolô ở Hội trường thành Athênê xưa kia. Đó là luận đề mà mọi nền triết học lành mạnh và cả khoa học nữa cũng có thể chấp nhận được. Tất cả đều góp phần biện minh cho sự sống lại của thân xác.

Vì thế chúng ta có thể nói được rằng sau khi sống lại, Đức Kitô đã xuất hiện như người vừa có xác lẫn hồn; làm như vậy ngài cho chúng ta biết đó cũng là tình trạng của bất cứ sự sống lại nào. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng nơi ngài mẫu thức cuộc sống lại mai sau của chúng ta. Ngài cũng chứng tỏ rằng cả chúng ta nữa cũng có thể chiến thắng được sự chết, vốn là kẻ thù truyền kiếp của loài người và mọi sinh vật. Như vậy, Đức Kitô phục sinh chính là bảo chứng và kiểu mẫu của sự sống lại mai sau của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ được sống lại như ngài. Chúng ta cũng sẽ được một hình thức sống mới và chúng ta sẽ sống mãi mãi như ngài.

VI. LINH ĐẠO PHỤC SINH

Qua những phân tích trên đây, để giúp nhận định cho dễ chúng ta đã phải trình bày sự sống lại của Chúa Kitô như một sự kiện quá khứ, và sự sống lại của chúng ta như một điều sẽ xảy ra mai sau. Nhưng thực tế không phải như vậy. Tất cả những hiện tượng mà chúng ta đã nghiên cứu trên đây, đều ở ngoài thời gian, vượt ra ngoài những bó buộc của thời gian và không gian. Do đó, chúng ta có thể nói được rằng sự sống lại của Đức Kitô và của chúng ta là cùng thời với nhau, nghĩa là giữa hai hiện tượng đó không có khoảng cách.

Vì thế, chúng ta có thể nói về sự sống lại của chúng ta như một hiện tượng ngay từ bây giờ đang hiện diện nơi thẳm sâu của con người chúng ta. Nhờ sự sống lại của Đức Kitô, chúng ta được mang trong mình mọi tiềm năng của sự sống lại mai hậu rồi. Dưới đây chúng tôi nói rõ hơn về điểm này.

1. Chúa Kitô, Bảo Chứng Chắc Chắn Chúng Ta Sẽ Sống Lại

Tất cả những dấu chỉ liên quan đến cuộc sống lại của chúng ta đã được ghi trong sự sống lại của Đức Kitô rồi. Đức Kitô đã từng tuyên bố ngài là Sự sống và ngài đến để cho nhân loại được sống sung mãn. Vì thế, nơi ngài đã chứa đựng mọi năng lực để chiến thắng sự chết. Sống với Chúa và bởi Chúa, tức là bước vào trong nguồn mạch sự sống.

Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng trong sâu thẳm của mỗi người chúng ta đã có tiềm ẩn những nguyên lý của sự sống lại. Nguyên lý đó đã được ghi vào trong ơn gọi của mỗi người chúng ta. Và như thế, sự chết của chúng ta có tác dụng thanh tẩy những chất phế thải vô ích và chóng qua, để sau cùng làm tỏ lộ bản sắc sâu xa của chúng ta, biểu lộ lý do hiện hữu của mỗi con người. Điều bị tan biến trong cái chết của chúng ta, đó là cái con người bề ngoài của chúng ta, những nhân tố gắn liền chúng ta vào vị thế địa lý và lịch sử, là những nhân tố phụ thuộc. Sau cái chết, bản chất sâu xa của chúng ta được tỏ hiện. Vì thế sự chết Đối với chúng ta là một sự hoàn tất.

Vì vậy, sự chết không thêm không bớt gì. Nó chỉ giúp làm nổi bật một bản sắc sâu xa vốn tiềm ẩn trong mỗi người. Nói tóm lại, đó là ơn gọi riêng của mỗi người. Gioan Maria Vianney không trở nên cha sở họ Ars trong một sớm một chiều. Ngài đã phải loại trừ rất nhiều điều nơi ngài, ngay từ khi còn nhỏ. Trong mỗi giai đoạn của tiến trình thanh tẩy như vậy, ơn gọi của ngài được củng cố thêm. Đối với các vị thánh khác cũng thế. Chúng ta cũng có thể nói như vậy được Đối với mọi người: trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta đều đang phác họa cuộc sống lại mai sau của chúng ta. Chúng ta đang tiến đến sự sống lại. Đây cũng là ý tưởng nòng cốt chúng ta thấy diễn tả trong Kinh thánh. Sự sống lại đang hiện diện trong chúng ta ở trạng thái khởi đầu quaedam inchoata vita, một cuộc sống đã được bắt đầu một cách nào đó.

  1. Những Mầm Mống Sự Sống Lại Của Chúng Ta Ở Đâu?

Nhưng làm sao để khám phá ra những mầm mống sự sống lại của chúng ta? Ở đây chúng ta cần tránh Lối giải thích dễ dàng của chủ thuyết Platon. Chúng ta đừng tưởng rằng mình phải đi tìm cái gì có vẻ là bất tử trong con người chúng ta. Vì làm như thế chúng ta sẽ đi tới chỗ chọn lựa những đặc tính như tư tưởng, luận lý, kiến thức trừu tượng, là những đặc tính chung chung của mọi người, nhưng không phải là đặc tính riêng của riêng từng người chúng ta. Điều sẽ sống lại nơi chúng ta không phải là trí tuệ, hiểu theo nghĩa một cơ năng; nhưng là nội dung của trí tuệ với hình dạng chúng ta đã nắn nót nên. Nói khác đi, chính chủ thể tư duy, hành động trong chúng ta một cách không ai có thể bắt chước, chính cái tôi đặc thù một không hai: ấy là bản ngã sẽ sống lại.

Chính vì thế, chúng ta phải đi tìm cái dự án tiên khởi trong chúng ta, ở sâu thẳm nhất trong chúng ta. Theo ý nghĩa này, thì câu nói của Socratê: Hỡi người, hãy tự biết mình đi, là câu nói rất thích hợp ở đây. Nói khác đi, chúng ta hãy trở thành những người duy sáng tạo: bạn đã được tạo dựng để mang những dấu vết riêng trong bản hợp ca bao gồm ơn gọi của toàn thể mọi người, để ca ngợi Thiên Chúa, huy hoàng hơn những vì sao.

Nói cho cùng chính những sắc thái phong phú của các ơn gọi khác nhau đó biểu dương vinh quang khôn lường của Thiên Chúa. Đồng điệu là nghèo nàn, còn khác biệt thiên hình vạn trạng là phong phú. Và mỗi người trong chúng ta, dù hèn mọn đến đâu đi nữa, đều mang lại một tia sáng mới đặc biệt góp vào trong vinh quang sáng ngời của Thiên Chúa.

Để tìm lại bản sắc riêng của mỗi người, cần phải thanh tẩy, xua đuổi bóng đêm và mọi mây mù che phủ không cho chúng ta nhận thấy được ngọn lửa tí hon ấy. Đó là cách thức tìm ra những mầm mưng sự sống lại của chúng ta. Để thi hành điều đó, cần phải bình tĩnh, thinh lặng, thanh thản, suy tư.. và cầu nguyện. Cũng cần phải có thời gian nữa. Thánh Augutinô đã tìm kiếm lâu năm. Pascal cũng vậy. Charles de Foucauld tìm kiếm còn lâu hơn nữa. Nhưng sau cùng họ đã thấy. Chúng ta hy vọng không phải đợi lâu như vậy. Tìm ra rồi còn phải trung thành nữa, vì đó là công trình của suốt cả cuộc đời.

  1. Sống Như Người Đã Phục Sinh

Nếu ngọn lửa tí hon nội tâm ấy là ơn gọi chúng ta tiến về vĩnh cửu, ắt chúng ta phải dồn hết ý chí về với nó. đó chính là lý do hiện hữu của chúng ta. Mục tiêu cao cả đó cũng phải là nguồn mạch phát sinh mọi tư tưởng và hành động của chúng ta. Nói khác đi sự sống lại đã tiềm ẩn nơi mỗi người chúng ta và chúng ta được mời gọi phát huy ơn gọi sống lại này. Ở đây thiết tưởng cũng nên lập lại câu danh ngôn của Hêsiôdô: Bạn hãy trở thành cái bạn đang là. Nghĩa là chúng ta phải chu toàn trong suốt cả cuộc đời chúng ta mục đích bẩm phú của chúng ta. Thiên Chúa muốn ban sự ấy cho ta. Đó là ý nghĩa của mọi cuộc sống; thiết tưởng từ đấy cũng lộ ra khá rõ ý nghĩa của cả sự chết nữa. Chính khi chết là lúc chúng ta đạt tới sự sung mãn của chính mình. Có thể sự sung mãn này rất giới hạn; có lẽ tôi nhỏ bé, nhưng là chính tôi thật. Chúng ta biết câu nói của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux: ở đời sau, chắc hẳn là chúng ta sẽ khác biệt nhau. Chúng ta sẽ như những cái ly cần phải đổ đầy: có ly to ly nhỏ, nhưng tất cả đều được đầy tràn. Chúng ta sẽ được hoàn toàn sung mãn theo khả năng tinh thần của chúng ta. Hình ảnh này thật thích hợp. Sự chết sẽ là sự hoàn tất tất cả mọi khả năng của chúng ta, cho dù nó bé nhỏ tới đâu đi nữa, trừ khi có sự can dự của thất bại là tội lỗi.

Vì vậy, chúng ta cần xóa bỏ khoảng cách giữa sự sống và sự chết. Chúng ta không biến tan, chúng ta bước vào một cuộc sống mới. Vita mutatur, non tollitur: Đời sống thay đổi, chứ không bị tiêu diệt. Chúng ta đạt tới sự sung mãn của cuộc sống. Chính theo nghĩa đó mà thánh Phaolô đã nói: Quotidie morior, mỗi ngày tôi chết dần. Mỗi ngày cái chết đến gần nghĩa là những gì cũ kỹ trong tôi dần dần tan biến, để nhường chỗ cho bản sắc thật của con người tôi được tỏ hiện, để cho mầm mống sự sống lại trong tôi được hoàn toàn triển nở.

Đức Kitô đã sống lại, ngài không chết nữa. Kinh thánh quả quyết như vậy. Sự sống lại của Ngài báo trước và mở đường cho sự sống lại của chúng ta. Vì thế chúng ta hãy sống như những người đang mang trong mình những mầm mống của sự sống lại: nghĩa là ngay từ dưới thế này, chúng ta hãy sống như những người đã sống lại.

J. Trần Đức Anh, O.P. chuyển ý.