Tác phẩm Ông Gióp của họa sĩ Gonzalo Carrasco (1859-1936)

Bài viết môn: Thánh Vịnh và Văn Chương Khôn Ngoan
Giáo sư: Nguyễn Thị Cảnh Tuyết, OP.
Học viên: Nguyễn Khánh Duy, SJ.

Sự phát triển về quan niệm thưởng phạt trong truyền thống khôn ngoan Do thái[1].

Bài viết tìm hiểu dòng chảy của quan niệm thưởng phạt trong văn chương Khôn Ngoan (bao gồm các sách Châm Ngôn, Giảng Viên, Huấn Ca, Gióp và Khôn Ngoan). Tác giả cho thấy mỗi chặng tiến về quan niệm thưởng phạt cũng là một chặng tiến triển của mạc khải. Từ thuyết nhân quả của truyền thống Đệ Nhị Luật đến vấn nạn của Gióp đặt lại xác tín về thuyết nhân quả đời này, rồi đến quan niệm thưởng phạt đời sau, tiến trình mạc khải cũng hé mở từ từ về sự sống đời sau sẽ được mạc khải trọn vẹn nơi Tân Ước.

Khám phá truyền thống khôn ngoan trong Kinh Thánh là một trong những chủ đề khá thú vị bởi lẽ đây là cơ hội để tiếp cận và khám phá kho tàng minh triết cổ xưa của người Do Thái. Một trong những đề tài hay được nhắc đến trong truyền thống này chính là vấn đề thưởng phạt. Quan niệm về vấn đề này không bất biến theo dòng thời gian, nhưng đã có một sự biến chuyển trong cách hiểu và giải thích như đã được đề cập ở trong một số sách thuộc truyền thống khôn ngoan. Đó là từ thưởng phạt theo nhân quả ở đời này đến thưởng phạt theo nhân quả ở đời sau. Sở dĩ có bước chuyển là do những vấn nạn được đặt ra trong sách Gióp và Cô-he-lét đã thách đố quan niệm thưởng phạt theo truyền thống. Quả vậy, việc những vấn nạn được đặt ra tự nó đã là một chặng cho sự tiến triển của mặc khải. Để rồi vài thế kỷ sau đó, niềm tin về sự bất tử của linh hồn và sự thưởng phạt ở đời sau mới rõ rệt và đưa chúng ta đến gần hơn câu trả lời như đã được tìm thấy trong sách Khôn Ngoan.

Quan niệm về thưởng phạt theo thuyết nhân quả của người Do Thái đã có từ trước như được nói đến trong Đệ nhị luật. Khi dân Do Thái tuân giữ giao ước và sống theo luật dạy thì họ sẽ được chúc lành, còn nếu bất tuân, phản bội và chạy theo các thần ngoại bang thì sẽ bị giáng họa và gặp đau khổ. (x. Đnl 28:1,15) Thiên Chúa của họ là một Thiên Chúa công bình. Ngài xét xử và thưởng phạt dân theo lẽ công bằng. Cho nên con người sẽ phải nhận lại những gì tương xứng với những việc họ đã làm. Được chúc phúc là vì đã sống công chính, còn đau khổ là vì đã phạm tội.

Quan niệm thưởng phạt theo truyền thống này một lần nữa được khẳng định ở trong sách Châm ngôn. Người công chính và biết kính sợ Chúa sẽ được phần thưởng còn kẻ ác nhân sống xa luật Chúa sẽ bị luận phạt. Điều này đã được nói đến ở những câu như “chính nhân được ăn no, kẻ ác phải đói bụng,” (Cn 13:25) “kẻ bất trung lãnh hậu quả do cách mình sống, người tử tế hưởng hoa trái của việc mình làm,” (Cn 14:14) “kẻ đào hố bị sa xuống hố, người lăn đá lại bị đá đè.” (Cn 26:27) Những người công chính và biết kính sợ Chúa thì chẳng bao giờ họ bị Ngài lãng quên. (x. Cn 10:3) Tuy đôi khi người công chính cũng phải chịu đau khổ bất công nhưng cuối cùng Thiên Chúa vẫn xét xử và trả lại lẽ công bằng cho họ. (x. Cn 24:20; 28:20) Hơn nữa, những giáo huấn về tội ngoại tình và những hậu quả của nó như được bàn đến trong chương 5 chính là một minh chứng cụ thể cho việc thưởng phạt theo luật nhân quả. Bên cạnh đó, sách Huấn ca cũng giải thích thêm, vì Chúa dựng nên con người có tự do, nên họ phải chịu trách nhiệm về những gì họ làm, về cả những điều tốt lành lẫn những điều xấu xa (x. Hc 15:14-17). Khi tuân giữa luật và kính sợ Chúa, họ sẽ được hạnh phúc và sống lâu, còn khi thất bại làm những điều trên, họ sẽ gặp đau khổ và phải chết. Vấn đề thưởng phạt ở đây chỉ được hiểu như là thưởng phạt ở đời này vì không có chỗ nào trong Châm ngôn nói đến hay cho thấy dấu chỉ có đời sau. Sách Huấn ca cũng vậy, thưởng phạt cũng chỉ ở đời này dù cho nó có thể diễn ra lúc cuối đời.[2] (x. Hc 11:26-27)

Nếu như quan niệm thưởng phạt theo truyền thống được khẳng định trong sách Châm ngôn và Huấn ca, thì quan niệm này đã trở nên bế tắc với trong sách Gióp với vấn nạn đau khổ của người công chính. Mặc dù quan niệm này đã được ba người bạn của Gióp ra sức bảo vệ (x. Gióp 4:7-9, 8:8-13, 10:13-20), nhưng họ đã không thuyết phục được Gióp. Họ lập luận rằng Gióp đau khổ là do đã phạm tội. Họ tin rằng công bình là một nguyên lý vượt lên trên tất cả, thậm chí Thiên Chúa cũng buộc phải thực thi công bình như là một điều tất yếu. Vì vậy, không thể có đau khổ cách bất công. Tuy nhiên, vấn nạn của Gióp là một minh chứng chống lại thuyết nhân quả của truyền thống Do Thái vì Gióp 1:1-5 đã mô tả ông là người công chính và toàn vẹn. Đáng lý ông phải được chúc phúc nhưng trái lại Gióp vẫn gặp đau khổ. Những bế tắc và đau khổ đã làm cho Gióp suy nghĩ tiêu cực về Thiên Chúa. Gióp đã đứng trên lập trường của thuyết nhân quả để kết luận Thiên Chúa là nguồn của đau khổ, và coi Ngài là một vị Thiên Chúa bất công. Thật vậy, quan niệm về thưởng phạt theo lẽ công bằng như quan niệm của truyền thống đã không thể trả lời cho vấn nạn của Gióp. Có lẽ đó là lý do tại sao ở vòng 3 Xô-pha không nói nữa vì không còn lời nào để tranh luận với Gióp.

Sách Gióp cũng không đưa ra câu trả lời vấn nạn của Gióp nhưng chỉ nói đến sự giới hạn của con người. Vì là giới hạn nên con người không hiểu được mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa và thái độ cần có là cúi đầu tin tưởng và chấp nhận (x. Gióp 42:1-6) Vấn nạn đau khổ của người công chính vẫn còn bị bỏ ngỏ và chưa có lời giải đáp thỏa đáng trong sách Gióp. Hơn nữa, sách này cũng chỉ ra vấn đề thưởng phạt hay đền bù được thực hiện ngay ở đời này vẫn còn có những chỗ vô lý và khó hiểu. Gióp nhờ kiên trì trong đức tin, nên Chúa đã ban lại tài sản gấp đôi cho ông và ông sinh được bảy con trai và ba con gái (x. Gióp 42,13) nhưng liệu có thể bù đắp nổi sự mất mát những đứa con ông hằng yêu thương đã chết? Chẳng lẽ họ bị xem như là những vật hy sinh để cho Thiên Chúa – Đấng công bình và yêu thương thử thách người này hay người kia? Thật vậy, người ta có thể không cảm thấy thỏa mãn với sách Gióp vì sự chưa đầy đủ trong mặc khải của nó nhưng dù sao đây cũng là một chặng trong tiến trình của mặc khải, để từ đó chúng ta có thể tìm thấy những câu trả lời rõ ràng hơn ở những sách khác.

Không chỉ trong sách Gióp, quan niệm về việc thưởng phạt theo truyền thống cũng bị thách đố với những suy tư của Cô-he-lét. Việc thưởng phạt theo thuyết nhân quả trở nên không còn giá trị vì Cô-he-lét thấy rằng: “… có người công chính bị tiêu vong dầu đã sống công chính, có kẻ gian ác lại được sống lâu dầu đã làm điều ác.” (Gv 7:15) Và với những quan sát của mình về thế giới và con người, Qohalet còn chỉ ra thêm, dù tốt hay xấu thì tất cả chỉ có chung một định mệnh, “mọi người đều như nhau, cùng chung một số phận: người công chính cũng như đứa gian tà.” (Gv 9:2) Do vậy, sống công chính hay gian ác cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tất cả chỉ là phù vân, nghĩa là tất cả đều vô nghĩa và không có gì có thể biết chắc và nắm bắt được. Thuyết nhân quả mà khôn ngoan truyền thống xác tín đã trở nên vô nghĩa, nó không còn là nguyên tắc hay điểm tựa giúp người ta hiểu biết về cuộc đời. Khôn ngoan con người trở nên có giới hạn. (x. Gv 1:13-18) Có khôn ngoan nhưng rồi cũng trở nên vô nghĩa vì tất cả đều là phù vân. Dù khẳng định như vậy, nhưng dường như Cô-he-lét không hoàn toàn bi quan. Ở Gv 3:22, Cô-he-lét đã đặt ra vấn đề rất ý nghĩa, sau đời này còn có gì không? Thật vậy, nếu đời sau có thì mới đáng nói còn không thì chẳng có giá trị gì vì tất cả đời này đều là phù vân và vô nghĩa. Cô-he-lét không khẳng định có đời sau mà chỉ đặt ra câu hỏi, có lẽ ông tin nên mới đặt câu hỏi. Có thể nói đời sau được xem như là chìa khóa để giải quyết vấn nạn đau khổ của người công chính.

Quả vậy, với sách Khôn ngoan, chúng ta tìm thấy một câu trả lời cho vấn nạn đã được Gióp và Cô-he-lét đặt ra. Thưởng phạt không nhất thiết phải nhận được ở đời này, nhưng nơi đời sau với sự bất tử của linh hồn. Linh hồn con người bất tử là vì do chính Chúa dựng nên và giống hình ảnh bản tính của Ngài. (x. Kn 2:23) Sự bất tử của con người không hệ tại ở chọn lựa cá nhân của họ nhưng là do chương trình của Thiên Chúa. Họ được Ngài dựng nên với một định mệnh cao cả[3], cho họ được trường tồn bất diệt, và muốn cho họ sống trong niềm hạnh phúc vô biên với Ngài: “những ai trông cậy vào Ngài…sẽ được Ngài yêu thương và cho ở gần Ngài…” (Kn 3:9) Đây chính là ý nghĩa của sự bất tử, vốn được hiểu như phần thưởng Chúa dành cho người công chính. Nói cách khác, người công chính sẽ bất tử vì “đức công chính thì trường sinh bất tử.” (Kn 1:15) “Linh hồn họ ở trong tay Chúa” (Kn 3:1) và những đau khổ họ chịu chỉ là những thử thách chóng qua, nhằm thanh lọc tâm hồn họ và làm cho họ đáng hưởng ơn bất tử hạnh phúc hơn. (x. Kn 3:1-4; 5:15-16; 6:15-21) Cho nên, thử thách và cái chết không phải là hình phạt của Thiên Chúa dành cho người công chính. Tư tưởng này cũng là một lời giải thích cho vấn nạn đau khổ của người công chính ở trong sách Gióp. Thật vậy, nếu Gióp có thể nghe được những tư tưởng này, chắc ông sẽ cảm thấy bớt tăm tối và khó hiểu hơn về vấn nạn của mình. Có thể nói, sách khôn ngoan đã mở ra một chân trời mới về cuộc sống mai hậu theo sự thưởng phạt của Thiên Chúa ở đời sau chứ không phải ở đời này.

Tóm lại, chúng ta thấy có cả một dòng tiến trong quan niệm về việc thưởng phạt trong truyền thống khôn ngoan Do Thái, từ thưởng phạt ở đời này đến thưởng phạt ở đời sau. Khởi đi từ quan niệm theo truyền thống được ghi lại trong Đệ nhị luật, đó là quan niệm thưởng phạt theo nhân quả và theo lẽ công bằng ở đời này, thưởng phạt bởi Thiên Chúa và dựa trên những gì mình làm. Sau đó, quan niệm này đã bị chất vấn bởi những vấn nạn được đặt ra bởi Gióp và Cô-he-lét, nhưng chính việc đặt ra những vấn nạn cũng đã là những chặng đường của tiến trình mặc khải hay cụ thể hơn là của sự phát triển trong cách hiểu về vấn đề thưởng phạt. Để rồi sau này, chúng ta tìm thấy câu trả lời trong sách Khôn ngoan với chìa khóa chính là sự sống đời sau. Một viễn tượng mở rộng hơn với việc thưởng phạt không chỉ trong hiện tại của đời này nhưng còn trong tương lai của đời sau. Tuy vậy, sách này cũng chưa mặc khải cách minh nhiên về vấn đề thân xác sống lại hay tình trạng của con người ở đời sau. Phải đợi đến thời Tân Ước với Đức Giêsu, chúng ta mới có được mặc khải đầy đủ hơn về những điều này.

[1] Giới hạn của bài viết này chỉ bàn đến một số sách tiêu biểu trong văn chương khôn ngoan của người Do Thái như Châm ngôn, Huấn ca, Gióp, Giảng viên và Khôn ngoan.

[2] Thật vậy, Huấn ca mời gọi người ta luôn cố gắng sống tốt ở đời này vì “trong âm phủ, ai nào ca ngợi Đấng Tối Cao…người đã chết thì hết xưng tụng, vì nó không còn nữa; chỉ người đang sống và khoẻ mạnh mới ca ngợi Đức Chúa.” (Hc 17:27-28)

[3] Chính vì định mệnh cao cả – được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa – và vì mục đích sống của người công chính là ở đời sau chứ không phải ở đời này nên họ luôn làm lành lánh dữ, luôn kính sợ Thiên Chúa dẫu cho vấn nạn Qohelet đặt ra là ở đời này người xấu cũng như người tốt cùng một số phận như nhau. (X Gv 9:2).