Ảnh từ Internet

Môn học: Triết học con người
Giáo sư: Phạm Trung Hưng, S.J.
Học viên: Đào Anh Tuấn, S.J.

 

Là con người, ai ai cũng đều có những nhu cầu. Trong số đó, nhu cầu hạnh phúc là thứ không thể bỏ qua. Thế nhưng, hạnh phúc là gì? Liệu có một thứ hạnh phúc đích thực ở trên cõi đời này không? Khởi đi từ việc trình bày các nhu cầu khác nhau của con người, bài viết đặt vấn đề và tìm ra hạnh phúc như là điều ẩn sau tất cả những nhu cầu đó. Nhờ thế, tác giả gợi lên một cách sống trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc đích thật.

 

Khi nhìn vào xã hội Việt Nam hiện tại, tôi thấy có sự thay đổi đáng kể trong lối sống của con người. Trước đây, phần lớn người dân làm lụng vất vả và chỉ mong sao có được miếng cơm manh áo. Giờ đây, họ không chỉ dừng lại ở chuyện ăn no mặc ấm nhưng còn ăn ngon mặc đẹp. Những người có của ăn của để thì quan tâm nhiều hơn đến việc trau dồi tri thức, tìm kiếm danh vọng, địa vị xã hội, và những nhu cầu giải trí cũng như nghệ thuật khác, kèm theo đó là sự ra đời của những tôn giáo hay tín ngưỡng mới… Điều đó nói lên rằng trong con người luôn tiềm ẩn những khao khát hay nhu cầu cần được thỏa mãn ở những mức độ khác nhau trong những bối cảnh nhất định.

Ban đầu, nhà tâm lý học Maslow đã phân chia nhu cầu của con người thành năm cấp độ (tháp nhu cầu). Theo đó, ông cho rằng con người khởi đi từ những nhu cầu căn bản nhất thuộc về thể lý (physiological) như thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi. Cấp độ thứ hai là sự an toàn (safety) về thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản. Cấp độ tiếp theo là tình cảm hay những tương quan trong xã hội (love/belonging), nghĩa là mong muốn được ở trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy. Tiếp đến là nhu cầu được tôn trọng, kính mến, tin tưởng (esteem). Nhu cầu sau cùng là thể hiện bản thân (self-actualization). Sau này, ông đã thêm vào hai loại cầu khác là nhận thức (cognittion) và thẩm mỹ (aesthetics). Cũng có nhiều người cho rằng vào những ngày cuối đời, Maslow có đề cập tới nhu cầu siêu nghiệm (transcendence), nhưng không xếp vào tháp nhu cầu theo mô hình bậc thang. Đồng thời, Maslow cũng cho rằng chỉ khi con người được đáp ứng nhu cầu thấp hơn thì mới phát sinh nhu cầu ở cấp cao hơn.

Bất chấp việc Maslow phân chia thành bao nhiêu cấp độ, hệ thống các nhu cầu của Maslow cũng giúp tôi nhận ra những thay đổi nơi nhu cầu của con người qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Nó cũng có thể áp dụng cho cả xã hội Việt Nam. Bênh cạnh đó,  nó cho thấy sự đa dạng và phong phú nơi chiều sâu những mong ước của con người. Tuy nhiên, kiểu phân chia này có nguy cơ tách con người ra thành những mảnh khác nhau. Trong khi đó, con người luôn là một tổng thể giữa các mặt hỗ tương như thể lý, tâm lý, tình cảm, tri thức, niềm tin… Mỗi mặt đó lại có những nhu cầu nhất định cần được thỏa mãn ở những mức độ khác biệt trong những hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ: con người luôn cần ăn uống để nuôi dưỡng thể xác, nhưng cùng lúc đó, họ luôn cần đến tình yêu, sự quan tâm của người khác. Đồng thời, con người luôn mong muốn có được sự an toàn cho dù ở hoàn cảnh nào, cho dù là trẻ em hay người lớn. Và tương tự như thế với các nhu cầu khác trong con người. Trường hợp danh họa Vincent van Gogh sẽ giải thích cho sự hạn chế của cách phân chia các nhu trên đây. Ông gần như không được đáp ứng các nhu cầu ở cấp độ bên dưới trong những năm cuối đời, nhưng lại sáng tác những tuyệt tác nghệ thuật còn lưu giữ cho tới ngày nay. Riêng ở Việt Nam, những giá trị tinh thần luôn được coi trọng hơn là vật chất. Điều này có thể thấy rất nhiều trong ca dao, tục ngữ. Đại để như “giấy rách phải giữ lấy lề”, “đói cho sạch rách cho thơm”… Như thế, việc phân chia này có lẽ sẽ trở nên hợp lý hơn khi những nhu cầu đó cùng nằm trên những đường đồng tâm và có tương quan qua lại với nhau. Vấn đề là điều gì khiến con người có những khao khát hay nhu cầu đó?

Nhiều triết gia đều thừa nhận rằng hạnh phúc chính là khởi hứng cho những nhu cầu của con người. Triết gia Immanuel Kant cũng cho rằng con người sẽ đạt được hạnh phúc khi tất cả các nhu cầu hay khao khát của họ được thỏa mãn. Ở đây, thiết tưởng cũng cần phân biệt thế nào là một nhu cầu chính đáng cần được thỏa mãn. Bởi chưng, nếu việc đáp ứng nhu cầu cho người này lại có nguy cơ gây thiệt hại cho người khác, thì liệu khao khát đó có đáng được thỏa mãn hay không? Bằng chứng là trong lịch sử xã hội loài người, có những người tham vọng thống trị thế giới và đã gây ra những cuộc xung đột hay chiến tranh. Kết quả là chỉ đem lại những mất mát và đau khổ cho nhân loại. Những nhu cầu kiểu đó chỉ là những ước muốn sai lệch và cần phải được làm rõ cũng như điều chỉnh cho phù hợp trước khi được đáp ứng. Do đó, hạnh phúc không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng những nhu cầu của cá nhân, nhưng còn hệ tại ở việc không làm thiệt hại cho tha nhân.

Từ đó lại phát sinh một vấn đề mới là làm sao để dung hòa giữa những nhu cầu của cá nhân với nhu cầu của tập thể. Đây có lẽ là vấn đề nan giải với con người ở mọi thời đại và câu trả lời sẽ tùy thuộc vào sự hiểu biết và tự do chọn lựa của mỗi người. Con người luôn có xã hội tính, không ai là một hòn đảo. Do đó, mỗi người được mời gọi để học cách điều hợp việc thỏa mãn những khát khao hay ước muốn của mình, đồng thời, không làm tổn hại đến việc đáp ứng những khát khao của tha nhân. Để làm được điều này, mỗi người cần một quá trình học hỏi và dấn thân cho việc xây dựng hạnh phúc cộng đồng. Trên thực tế, mỗi cá nhân sẽ không thể có hạnh phúc nếu sống trong một cộng đồng bất ổn và xáo trộn. Điều này càng cho thấy hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc cộng đồng luôn có mối tương quan mật thiết với nhau. Không những thế, con người sẽ chẳng thể có hạnh phúc nếu như họ hủy hoại môi trường sống chung quanh chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân mình. Chính lúc đó, họ đang hủy diệt chính bản thân họ vì họ không thể sống ở đâu khác ngoài chính môi trường họ đang cư ngụ trong đó. Vì thế hạnh phúc còn hệ tại ở việc con người biết tôn trọng những quy luật của tự nhiên trong khi tìm kiếm để thỏa mãn những khát khao của mình.

Lạ lùng thay, có những con người dám hy sinh những nhu cầu chính đáng của mình để thỏa mãn nhu cầu của người khác. Tôi thấy điều này rất rõ nơi những bậc làm cha làm mẹ ở các làng quê Việt Nam. Họ quên mình để lo cho con cái. Chính vì vậy mà trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có rất nhiều hình ảnh diễn tả tấm lòng cha mẹ dành cho con cái, ví dụ như:

“Biển đông còn lúc đầy vơi

Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng”

Đặc biệt, có nhiều bà mẹ thức khuya dậy sớm, làm lụng khổ cực, nhưng lại không dám chi tiêu cho bản thân, cả đời không bước ra khỏi lũy tre làng. Trái lại, họ dành hết mọi phần tốt đẹp cho con cái. Khi chiêm ngắm họ, tôi liên tưởng tới hình ảnh những chú cá hồi vất vả lội ngược dòng nước để đẻ trứng, và sau khi ấp trứng để truyền sự sống cho đàn con thì nó kiệt sức, nên chỉ còn biết gửi lại tấm thân tàn tạ cho dòng nước mà thôi. Hạnh phúc của họ là khi thấy con cái của mình được thỏa lòng mong ước. Chưa hết, có những tu sĩ sẵn sàng từ bỏ nhu cầu chính đáng của mình để tự nguyện sống nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục giữa một thế giới ngày càng có khao khát lấp đầy những nhu cầu đó. Có khi họ hy sinh trọn tuổi thanh xuân để phục vụ những người mắc bệnh phong, HIV hay những người khốn khổ mà gọ gặp trên đường đời. Có lẽ còn có nhiều hành động cao thượng như vậy nữa mà tôi không tiện đề cập ở đây. Những người này gợi lên cho tôi câu hỏi về những khao khát ẩn đằng sau tất cả những hy sinh và những hành động cao thượng của họ là gì? Phải chăng hạnh phúc của họ là một lý tưởng vượt ra khỏi những nhu cầu thường hằng của con người? Họ nhắc nhở tôi về một hạnh phúc luôn gắn liền với một cam kết nghiêm túc và một quá trình dấn thân.

Đến đây tôi tự hỏi tại sao tôi lại suy tư về vấn đề hạnh phúc? Phải chăng là trong tôi cũng có những khát khao tìm kiếm hạnh phúc? Rốt cuộc hạnh phúc là cái gì vậy? Tại sao con người lại đi tìm hạnh phúc? Và hạnh phúc có thực hay chỉ là cái bánh vẽ do quan niệm xã hội tạo ra? Khi tôi tự vấn chính mình là lúc tôi đang tìm kiếm để thỏa mãn những khát khao đi tìm hạnh phúc. Những suy tư của tôi cũng chỉ dựa trên những gì học biết và kinh nghiệm được trong cộng đồng mà tôi sinh sống và lớn lên. Mỗi người có những cách thức tìm kiếm hạnh phúc riêng cho dù có lúc họ không ý thức về điều đó. Mỗi nền văn hóa khác nhau cũng có những cách thức tìm kiếm hạnh phúc khác biệt. Tuy nhiên, có một điều mà không ai có thể chối bỏ là có hạnh phúc và hạnh phúc là cùng đích của con người bởi tự bản chất hạnh phúc là sự thiện.

Nói đi cũng phải nói lại, mỗi người có thể cảm nhận phần nào về hạnh phúc, nhưng suy cho cùng, hạnh phúc đích thực luôn là một đích điểm mà con người còn đang trên đường tìm kiếm. Còn ở đời này, có khi hạnh phúc của người này lại là đau khổ của người kia. Đội bóng chiến thắng sẽ cảm thấy hạnh phúc còn thất vọng và chán chường sẽ là “phần thưởng” dành cho đội thua cuộc. Hơn thế nữa, hạnh phúc đó cũng chỉ kéo dài trong một thời gian rất ngắn rồi lại qua đi. Con người luôn đi tìm kiếm những điều mới để có những hạnh phúc mới khi  thỏa mãn những nhu cầu mới trong tương lai. Và như thế, hạnh phúc mà con người có được ở đời này chỉ là một phần nào đó phản ánh thứ hạnh phúc đích thật, vốn là động lực khiến nhân loại bước vào hành trình tìm kiếm không ngừng. Hạnh phúc đích thực hẳn phải là thứ hạnh phúc mà tất cả mọi người đều được chia sẻ hạnh phúc ấy.

Có lẽ những suy tư về hạnh phúc của tôi cũng chỉ là những kinh nghiệm cá nhân và phản ánh một phần rất nhỏ về kinh nghiệm của cộng đồng mà tôi là phần tử trong đó. Nhưng những suy tư này cũng giúp tôi ý thức hơn về hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mình. Đồng thời, tôi cũng ý thức được rằng tất cả mọi người đều có những khao khát tìm kiếm hạnh phúc. Điều này rất quan trọng trong đời sống mục vụ của tôi sau này. Những con người mà tôi gặp gỡ cũng sẽ có những băn khoăn và thao thức về hạnh phúc như tôi, nhưng khao khát đó luôn ẩn sau những nhu cầu cụ thể của họ. Tôi cần giúp họ nhận ra những khát vọng sâu thẳm nơi bản thân mỗi người. Từ đó, tôi và họ sẽ có thêm sự hiểu biết về “chiều sâu khôn dò khôn thấu” (unfathomable depth) của những khao khát nơi mỗi người. Ngoài ra, tôi cùng với họ có thể điều chỉnh những khao khát và ước muốn đó sao cho hạnh phúc của mỗi cá nhân tìm kiếm cũng sẽ là hạnh phúc của những người khác. Bởi chỉ khi đó, hạnh phúc mới là hạnh phúc đích thực và trường tồn.

Trên thực tế, hạnh phúc đích thực là điều không thể đối với con người trên trái đất này. Lịch sử xã hội loài người đã nói lên điều đó. Nếu nơi trái đất này có hạnh phúc đích thực thì sẽ không còn hận thù, chiến tranh, đau khổ và bất công. Nhưng trái lại, tất cả những thực tại đó vẫn diễn ra. Thực trạng này giúp cho mỗi người cùng suy nghĩ để tìm lời giải đáp cho chính mình. Để rồi từ đó, mỗi người cùng có những hành động thiết thực góp phần vào hành trình tìm kiếm hạnh phúc của nhân loại. Cũng như chiếc bánh lái của con tàu, hạnh phúc sẽ dẫn hướng để con người tiến tới đích điểm mà vì đó mỗi người có mặt trên trái đất này.  Để đạt được điều đó con người luôn phải biết điều chỉnh cánh buồm cuộc đời theo những luồng gió thích hợp. Những luồng gió ấy chính là những nhu cầu và ước muốn của con người trong những hoàn cảnh nhất định. Nếu luồng gió nào giúp tôi đến đích thì tôi sẽ căng buồm, tức là thỏa mãn những nhu cầu đó. Trái lại, tôi phải hãm dẹp và kiểm soát những nhu cầu không giúp ích cho tôi và cho tha nhân. Cố nhiên, con người cần mở ra để học biết và dấn thân để có thể sống tương hợp với nhân phẩm của mình.