Thị kiến của Thánh Inhã về Chúa Giêsu và Chúa Cha ở La Storta

Môn học: Thần học trong Linh Thao của Thánh Inhã
Giáo sư: Phạm Trung Hưng, S.J.
Học viên: Trần Vinh Danh, S.J.

Comigo – “Ở với Ta”[1] là kết quả của một hành trình kết thân với Đức Ki-tô của I-nhã được truyền tải qua tính năng động và cơ cấu trong sách Linh thao. Bài viết này tìm hiểu tiến trình kết thân với Đức Ki-tô của thánh I-nhã, để đạt đến một ơn trọng đại là được đặt với Chúa Con, cùng Chúa Con vác thập giá đi vào sứ mạng. Tiến trình kết thân với Đức Ki-tô cũng được I-nhã chia sẻ trong sách Linh Thao, với tính năng động đầy sức mạnh mạnh của nó, hầu ước mong đem lại nhiều ích lợi cho những ai muốn đi vào hành trình kết thân với Đức Ki-tô theo Linh Đạo I-nhã.

 

“Ở Với Ta” – Hành Trình Kết Thân Với Thiên Chúa theo Kinh nghiệm của thánh I-nhã

Comigo – “Ở với Ta”[2] là kết quả của một hành trình kết thân với Đức Ki-tô của I-nhã được truyền tải qua tính năng động và cơ cấu trong sách Linh thao. Trong bài viết ngắn này, tôi muốn tìm hiểu tiến trình kết thân với Đức Ki-tô của thánh I-nhã, để đạt đến một ơn trọng đại là được đặt với Chúa Con, cùng Chúa Con vác thập giá đi vào sứ mạng. Tiến trình kết thân với Đức Ki-tô cũng được I-nhã chia sẻ trong sách Linh Thao, với tính năng động đầy sức mạnh mạnh của nó, hầu ước mong đem lại nhiều ích lợi cho những ai muốn đi vào hành trình kết thân với Đức Ki-tô theo Linh Đạo I-nhã.

  1. Hành trình kết thân với Đức Ki-tô của I-nhã

Khởi đi từ một con người “chỉ xả thân vào những chuyện hư danh thế tục,”[3] sau biến cố ở Pamplona, I-nhã dần dần được biến đổi và đi vào kinh nghiệm kết thân nên một với Thiên Chúa. Đây là kinh nghiệm về Thiên Chúa của I-nhã được kể lại trong sách Tự Thuật và kinh nghiệm về Thiên Chúa theo I-nhã được ngài chia sẻ trong sách Linh thao.[4]

Qua cuốn Tự Thuật, ta biết được hành trình thiêng liêng của I-nhã. Ngài đã có cuộc gặp gỡ thực sự với Thiên Chúa, và đây là một kinh nghiệm trực tiếp về Ngài, cho nên I-nhã nói mọi tín hữu đều có thể hưởng hồng ân này (Lt. 15). Từ khi ở Manresa, I-nhã được Thiên Chúa thông truyền cho kinh nghiệm gặp gỡ Ngài, được Ngài dạy dỗ như người thầy dạy cho cậu học trò nhỏ. Thiên Chúa tỏ mình ra cho I-nhã là một Đấng Tạo Hóa, nhưng trực tiếp đến và hành động với thọ tạo, với con người (Lt. 15). Ngài là Thiên Chúa của loài người, sống tự để mình ra nhưng không (self-emptying) và cam kết sống vĩnh cửu với người nghèo khổ (x. Lt. 111-190)[5].

Thật vậy, tự thuật các số 21, 41, và 48 cho thấy I-nhã khởi đầu có kinh nghiệm về Thiên Chúa khi Ngài đọc sách Vita Christi,[6] viết bởi Ludolph the Carthusian, và điểm đến của kinh nghiệm này là I-nhã được Chúa Cha đặt “với Chúa Con” trên đường vào Rô-ma (Tt. 96). Đặc điểm của cuốn sách này là có nhiều hình ảnh và sự gợi hứng để I-nhã đọc, chiêm ngắm và tưởng tượng. Cùng với ơn nhận định và hoán cải sâu xa, Ngài có ước mơ bắt chước vẻ bề ngoài của Chúa Ki-tô. I-nhã ước ao và đã đến nơi Chúa sinh ra, nơi Chúa hoạt động, để thăm, để sờ chạm vào những nơi Chúa Giê-su đã sờ chạm, để đặt chân mình vào nơi Chúa đã đặt chân và cùng nhìn về nơi Chúa nhìn khi Ngài lên trời (x. Tt. 45, 47).  Và thậm chí sau này, khi học xong, Ngài còn mơ ước trở lại Giê-ru-sa-lem để sống như vậy cùng với các bạn đồng chí hướng của Ngài. Tuy nhiên ước mơ này đã được dẫn theo một chiều hướng khác là dâng mình cho vị đại diện Đức Ki-tô ở trần gian. Điều này đã được chuẩn nhận qua thị kiến La Storta (TT 96), I-nhã được đặt cùng với Chúa Con, và cùng Chúa Con đi vào cánh đồng thế giới để cho Thiên Chúa được tôn vinh hơn và phục vụ ích lợi cho các linh hồn hơn.

Sự hiểu biết của I-nhã về Chúa Ki-tô cũng có những nét đặc biệt. Thứ nhất là nhân tính của Đức Ki-tô được I-nhã nhấn mạnh hơn, bởi kinh nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa (Lt. 15) luôn đến với con người thông qua nhân bản.[7] Đây là một Thiên Chúa nhập cuộc, đang làm việc trong thế gian để biến đổi thế gian. Thứ hai, I-nhã có sự biến đổi tâm điểm của cuộc sống, từ việc quy về mình chuyển thành quy về Thiên Chúa, để Chúa dẫn dắt đời mình, và để sống cho tha nhân. Điều này giúp I-nhã có được cái nhìn mới, cái nhìn ngài có được từ kinh nghiệm thần bí ở Cardone (Tt. 30) để rồi dần dần có được sự kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa Ba, để có cái nhìn của Ba Ngôi về thế giới. Thiên Chúa và thụ tạo có mối liên hệ với nhau, Thiên Chúa làm việc qua thụ tạo và hiện diện trong thụ tạo; qua mọi sự có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Với thời gian, I-nhã càng thân quen với Chúa hơn, sùng kính hơn, đến nỗi “Cha (I-nhã) ngày càng tìm thấy Chúa dễ dàng. Lúc nào muốn gặp Chúa là cha gặp được ngay” (TT 99).  Đây là một lối thần bí của I-nhã, sự thần bí của Thiên Chúa hiện diện trong mọi sự, trong thế gian này. Đây là một hành trình kết thân với Thiên Chúa, mà I-nhã diễn tả kinh nghiệm này trong Linh thao: kinh nghiệm này khởi đi từ Nguyên Lý và Nền Tảng được soi sáng và biến đổi thành kinh nghiệm gặp Chúa trong Chiêm Niệm Để Được Tình Yêu – yêu mến và phụng sự Thiên Chúa trong mọi sự” (Lt. 230-237).

  1. Kinh nghiệm về sự kết thân với Thiên Chúa được diễn tả trong tính năng động của Linh Thao

Kinh nghiệm về sự kết thân với Chúa Giê-su Ki-tô được I-nhã diễn tả cụ thể trong tiến trình năng động của Linh thao. Qua tuần I, thao viên được thanh tẩy, và được mời gọi tiếp tục chiêm niệm, “nhập vào và đắm chìm vào mầu nhiệm nhân tính của Chúa Ki-tô; xuyên thấu đến tận cùng của nhân tính đó, để nơi Đấng Phục Sinh, khám phá ra Thiên Chúa của con.”[8] Tiến trình khởi đi từ con người tội lỗi của mình, nhận được lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa qua Đức Ki-tô, “Đấng chết vì tôi” đến việc hiểu biết thâm sâu, chi tiết, thân mật với Ngài trong tuần 2. Qua các bài suy niệm như Vị vua trần gian; Hai cờ hiệu, Ba bậc khiêm nhường (Lt 91. 136. 161) giúp thao viên được uốn nắn theo cách sống của Đức Ki-tô. Họ chuyển từ “những gì họ muốn” thành “những ước muốn Thiên Chúa gợi lên trong lòng của họ”. Đây là một bước chuyển, họ sống theo gương Đức Ki-tô tự hủy (self-emptying), để trong Đức Ki-tô và cùng Đức Ki-tô họ đi vào Mầu Nhiệm Thiên Chúa và phục vụ nhân loại. Đây là đặc tính đặc biệt của các bài chiêm niệm của I-nhã để thao viên đi vào khung cảnh Tin Mừng và đưa Tin Mừng vào trong khung cảnh sống của mình. Kết quả của linh thao tuần hai đem lại cho thao viên một sự hiểu biết cá vị, chi tiết, thân mật (intimacy) với Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su trở thành người yêu của họ, và tình yêu này dẫn họ tới những việc làm cụ thể, để biểu lộ tình yêu hai người dành cho nhau.[9] Đức Giê-su Ki-tô, từ một vị Chúa vĩ đại, nay trở thành một người cụ thể, “một người yêu[10]. Chính vì thế, sau khi yêu Giê-su, I-nhã muốn đi Đất Thánh để cùng nghiệm lại những gì người yêu mình đã trải nghiệm: đụng chạm, sờ mó và đứng vào những nơi người yêu mình đã đứng, đã chạm với “lòng sốt mến” (x. TT, 45-48).

Trong Linh thao, I-nhã cũng mời gọi thao viên đi vào tình yêu thân mật này, đặc biệt từ tuần 2. I-nhã mời thao viên đi sâu vào các chi tiết của cuộc đời Giê-su như ở với Chúa trong máng cỏ, ôm ấp Ngài… chiêm ngắm con người Ngài: từ ánh mắt, khuôn mặt… cảm nhận cùng Ngài, cùng chia ngọt sẻ bùi với Ngài… những điều đó, làm cho thao viên “rơi vào tình yêu với Giê-su” (has fallen in love)”.[11] Đây là một tình yêu đặc biệt, một tình yêu cá vị, nhờ có được sự hiểu biết thâm sâu không chỉ về thân xác, nhưng còn cả tâm linh, tâm cảm và những ý hướng sâu xa của nhau. Điều khao khát mà I-nhã mơ ước sau một hành trình chuyển động của linh thao, từ nguyên lý nền tảng, qua các tuần, đến chiêm niệm để được tình yêu là “chỉ ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa” và như vậy là “đủ cho con”. Tình thân với Chúa Giê-su đạt tới đỉnh điểm : tình yêu thân mật: Giê-su yêu tôi, tôi yêu Giê-su, với tình yêu và ân sủng để sống trong tình yêu đó, thế là trọn vẹn, tròn đầy ước mơ.[12]

Bên cạnh đó, cách chiêm niệm của I-nhã không mang tính ảo tưởng, nhưng hướng thao viên đi vào cuộc sống. I-nhã nhấn mạnh đến khả năng chiêm niệm, nhập cảnh, để thao viên đi vào tương quan tình yêu với Chúa nhanh hơn, và đi vào đời sống thực tế của thao viên hơn. Thật vậy, từ việc hình dung Chúa Ki-tô (x. Lt 53) đến nhận ra Ngài hiện diện trong thực tế hiện tại của tôi (x. Lt 95), và như thế Ngài đang sống và ban cho tôi sự sống, cuối cùng Ngài cho tôi được đặt ở với Ngài (Tự thuật 96), để “tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20) và tôi hiến dâng trọn vẹn cho Ngài, để cùng Ngài và nhờ ơn Ngài giúp, tôi đi vào sứ vụ (Lt 233). Tôi trở nên giống Đấng mà tôi chiêm ngắm. Trong Linh thao, hệ thống ơn xin cũng giúp hiểu hơn về hành trình kết thân với Đức Giê-su.

  1. Tiến Trình kết thân với Đức Ki-tô trong hệ thống ơn xin của Linh Thao

Bên cạnh tính năng động của linh thao, thì hệ thống các ơn xin trong sách Linh Thao cũng giúp ta hiểu hơn tiến trình kết thân với Thiên Chúa của I-nhã và của thao viên. Thật vậy, trong tuần 1, ơn xin hướng về mình hơn “xin xấu hổ thẹn thùng” (Lt. 48) vì chính mình và vì thấy tha nhân phạm một tội trọng đã bị phạt, còn tôi phạm biết bao là tội mà không bị phạt. Điều này giúp thao viên nhìn nhận mình là tội nhân, và nghiệm ra được tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho mình. Trong số 55 của Linh thao, thao viên xin “được tăng thêm lòng đau đớn, chua xót và khóc lóc vì các tội của tôi.” Và xin vì sự sợ hãi hỏa ngục mà mình không dám phạm tội nữa (Lt 65). Các ơn xin này cho thấy thao viên vẫn hướng về mình, để xin ơn Chúa thanh tẩy. Sang tuần 2, thao viên vẫn quy về mình, nhưng mức độ hướng về Chúa nhiều hơn: “Xin ơn đừng giả điếc làm ngơ trước tiếng gọi của Chúa” (Lt. 91) và xin  hiểu biết thâm sâu hơn về Chúa, để yêu Ngài hơn và theo Ngài sát hơn (Lt. 104); biết chọn điều giúp cho vinh quang Thiên Chúa hơn (Lt. 152). Đến tuần 3, các ơn xin cho thấy, thao viên đã có sự phát triển đời sống tâm linh cao hơn, khi họ xin được cùng cảm nghiệm, cùng đau khổ với Chúa Ki-tô, hướng về Chúa Ki-tô hơn là quy về bản thân mình. Xin đau đớn, hổ thẹn với Chúa, bởi vì tội con mà Chúa đã chịu cực hình như vậy (x. Lt 193. 203). Thao viên trong tuần ba đã đi ra khỏi mình, để đi vào cùng cảm, cùng chia sẻ nỗi khốn khổ với người yêu của mình hơn. Tuần 4 mời gọi thao viên xin ơn được chia sẻ niềm hoan hỷ, và được vui mừng mãnh liệt vì vinh quang và vui mừng với Chúa Ki-tô, Đấng Phục sinh vinh hiển (Lt. 221).

Như vậy, hệ thống ơn xin cho thấy một tiến trình phát triển thiêng liêng của thao viên:[13] từ thanh đạo, đến minh đạo và hợp đạo. Sự thay đổi của hệ thống ơn xin cho thấy một sự chuyển biến lớn: thao viên ở tuần 1 và 2 còn hướng về mình, quy về cái tôi của mình (self-centered); nhưng sang tuần 3 và 4 thì quy hướng về Đức Ki-tô, về Thiên Chúa (God-centered). Hệ thống ơn xin cho ta thấy được sức năng động biến đổi của Linh thao, để giúp một người trở nên bạn đường của Giê-su. Nhưng, đâu là lời mời gọi để trở thành bạn đường của Giê-su ? 

  1. Ở với Giê-su (Comigo) : Một mời gọi cho Bạn đường Giê-su

Bạn Đường của Đức Giê-su được mời gọi không phải bước theo một lý tưởng, nhưng bước theo một con người mang tên Giê-su, nghĩa là có “mối tương quan cá vị với Giê-su”. Trở nên bạn đường của Giê-su, cùng bước theo Ngài và cùng Ngài thi hành sứ vụ: Điều này được thánh I-nhã nhấn mạnh trong linh thao: ‘theo Ta trong gian khổ’ [95]; ‘được theo Ta trong vinh quang’ [95]; ‘yêu mến và theo Ngài hơn’ [104]; với các mẫu gương : ‘thánh Anrê và các vị khác theo Đức Giêsu thế nào’ [161]; ‘thánh Phaolô và thánh Mátthêu đã làm như thế khi các Ngài theo Đức Giêsu’ [175].

Từ thị kiến ở La Storta, thánh I-nhã được Chúa Cha hứa “Ego ero vobis Romae propitius” (FN I, 313)[14]. Điều này như là một chuẩn nhận cho chọn lựa của I-nhã và nhóm bạn là đến đặt mình trong tay Đấng đại diện Chúa Ki-tô ở trần gian ở Rô-ma và Chúa Cha sẽ phù hộ họ ở đó. Điều này cũng giúp I-nhã xác tín hơn vào việc đặt tên cho nhóm là Compañía de Jesús, vì ngài thấy và muốn rằng, Chúa Giê-su là đầu và là trung tâm của nhóm. Đây là một bước chuyển cả về văn hóa lẫn thiêng liêng của I-nhã, từ văn hóa quy ngã (self-centered) trở thành một thành viên của đoàn Giê-su, lấy Thiên Chúa làm trung tâm (God-centered) và sống cùng nhóm bạn để làm mọi sự cho vinh quang Chúa hơn và lợi ích cho các linh hồn.[15] Như vậy, ao ước được đặt với Giê-su là ao ước nhập cuộc với Ngài, trong cờ hiệu của Ngài để “chinh phục cả thế gian và mọi kẻ thù của ta, và nhờ vậy mà đi vào trong vinh quang của Cha ta” (Lt 95). Lý tưởng cùng Chúa đi vào sứ vụ này thật là đẹp, tuy nhiên, nó có khi nào rơi vào chủ nghĩa ảo tưởng không?

  1. Được đặt với Giê-su nhưng không ảo tưởng về lý tưởng của mình

Vấn đề đặt ra tiếp là “được đặt ở với Giê-su” nhưng người môn đệ làm sao để sống không mang tính chủ quan, xa thực tế, không sống trong ảo tưởng? Khi đối diện với các khó khăn và thực tại của đời sống, hoặc cảm thấy mình bị giới hạn, liệu người môn đệ có nguy cơ sống trong ảo tưởng thiêng liêng, khiến đời sống trống rỗng và giả tạo không ? Đáp lại các vấn nạn này, I-nhã mời gọi chúng ta gắn bó với con người Giê-su và luôn dính liền với kế hoạch sống của Ngài.[16] Trong Linh Thao, I-nhã cung cấp cho chúng ta hiểu rõ hơn để đi theo Chúa mà không ảo tưởng. Theo Chúa “là cùng theo ý muốn với Ngài,… cùng lao nhọc và vinh quang với Ngài” (Lt 95). Ngài sống thế nào thì mình cũng sống như vậy (x. Lt 109). I-nhã viết Hiến Luật và chỉ rõ bước theo Giê-su là “tuân theo các lời khuyên của Ngài” (Hl 50, x. Hc 61). I-nhã mời gọi những tu sĩ Dòng Tên và những ai muốn vào Dòng, hãy từ bỏ mình, từ bỏ khát vọng vinh quang, nổi danh, trần tục… để chỉ hết lòng sống theo gương Chúa Giê-su, thậm chí là chịu “sỉ nhục, coi thường, bị vu khống và bị coi như điên rồ” (Hl 101).

Hơn nữa, theo Chúa thì làm việc của Chúa. Thật vậy, trước khi gọi ai theo mình, Chúa Giê-su đều rao giảng về Nước Trời như là tâm điểm kế hoạch của Ngài (x. Mc 1,14-15; Mt 4,17.23-25; Lc 4,43), sau đó Chúa mới gọi người ta đi theo. Theo Chúa vì sứ mạng Nước Trời, có kế hoạch cụ thể. Kế hoạch này gắn liền với kế hoạch của Giê-su. Để biết kế hoạch này, người môn đệ cần đọc và nghiền ngẫm Phúc Âm[17] để biết Giê-su hơn, và theo đúng hơn. Thánh I-nhã cũng cung cấp các quy tắc phân định thần loại, để người môn đệ không bị lừa gạt bởi sa-tan nhưng luôn đi đúng con đường mang tên Giê-su. I-nhã đã sống điều này, không còn đi viếng nơi Chúa Giê-su ở, nhưng ở lại Roma phục vụ vị đại diện Ngài ở trần gian. Ngoài các công việc điều hành Dòng, I-nhã theo mẫu gương của Chúa Giê-su, giúp đỡ các linh hồn, sống phục vụ người nghèo với các công việc từ thiện, dạy giáo lý dự tòng ở nhà thánh Marta, ở nhà cô nhi… (TT 98). Lối sống này được thánh I-nhã nói rõ trong bản Định Thức Thể Chế, số 1 : “Trên hết nhắm đến sự thăng tiến của con người trong đời sống Ki-tô hữu và trong đường nhân đức; sau đó nhắm đến việc truyền bá đức tin qua việc rao giảng, làm linh thao và những công việc bác ái, cách cụ thể nhắm đến việc dạy giáo lý cho trẻ em và những người mù chữ.”

Như vậy, ở với Giê-su vác thập giá cũng là bước theo Đức Giê-su trên hành trình cứu độ của Ngài, mà đó là một cách sống, một lối sống, là linh đạo. Người chọn và sống linh đạo I-nhã biết rằng: “mỗi người chỉ tiến bộ trong đời sống thiêng liêng, bao lâu họ thoát ra khỏi tự ái, ý riêng và tư lợi” (Lt. 189). Nhờ đó, họ mới có thể ở với Giê-su vác thập giá, cùng bước đi với Giêsu khó nghèo, khiêm hạ, và chịu sỉ nhục, để đi vào sứ vụ cứu độ, họ dấn thân trên con đường tử nạn với Đức Giê-su để cùng Người chung hưởng hạnh phúc vinh quang trong Nước Chúa.

  1. Kết luận

Tóm lại, “Ở với Ta” – được đặt ở với Giê-su, kết thân với Ngài là một hồng phúc lớn lao, được diễn tả qua một hành trình đời sống thiêng liêng của thánh I-nhã. Đây là kinh nghiệm giá trị, mang tính phổ quát. Những đặc sủng mà Thiên Chúa đã ban cho I-nhã cũng là những ân huệ mà Chúa muốn ban cho nhiều người khác,[18] qua từng thế hệ khác nhau, được chia sẻ trong Tự Thuật, và dạy người ta nên thánh qua sách Linh Thao[19]. Nhờ những kinh nghiệm kết thân với Thiên Chúa của I-nhã, tính năng động của Linh thao, và những bài thao luyện thiêng liêng đã, đang và sẽ giúp biến đổi nhiều con người trở nên giống Chúa Kitô, hầu bước theo Người mà tìm vinh quang lớn mãi cho Thiên Chúa Cha.

Sách thao khảo:

 

Thánh I-nhã , Linh Thao, (bản dịch của Giu-se Nguyễn Công Đoan và Mai Sơn, Thủ  Đức 2005)

Thánh I-nhã, Tự Thuật,

Carlos Palacio, “Experiencita de Dios”, in Diccioinario de Espiritualidad Ignaciana, Fr. Eli Thành chuyển ngữ.

  1. Guibert, “The Sources and Characteristic Trait of St. Ignatius’ Spirituality” in The Jesuits – Their Spiritual Doctrine and Practice, St. Louis: IJS 1964.

Robert R. Marsh,  ID QUOD VOLO The Erotic Grace of the Second Week, p. 8. In The Way, 45/4 (October 2006)

William A. M. Peter, S.J. Bình Giảng Linh Thao, (The Spritual Exercises of St. Ignatius – Exposition and Interpretation), Nhóm nhà tập năm Ba 1988.

Lcdo. D. Hưng Trung Phạm, S.J., GNATIAN INCULTURATION: Spirituality for Mission of the First Jesuits in Asia, Exemplified by Alexandre de Rhodes (1591 – 1660) and His Cathechismus in Vietnam, UNIVERSIDAD PONTIFICIA COMILLAS FACULTAD DE TEOLOGÍA Instituto Universitario de Espiritualidad, MADRID 2011.

José M. Castillo, “SEGUIMIENTO DE CRISTO”, Diccionario de Espiritualidad Ignaciana. Fr. Eli chuyển ngữ.

[1] Thánh I-nhã , Linh Thao, số 95 (bản dịch của Giu-se Nguyễn Công Đoan và Mai Sơn, Thủ  Đức 2005). I-nhã thường tha thiết nài xin với Đức Mẹ ơn cho ngài được đặt ở với Chúa Con. Và ở La Storta vào năm 1537, I-nhã được Chúa Cha đặt ở với Chúa Giê-su, vai vác thập giá. Trong Linh Thao, I-nhã cũng mời gọi thao viên đáp trả lời mời gọi “ở với Chúa” (Lt. 95), được nên đồng hình đồng dạng với Ngài, để trong mọi sự yêu mến và phụng sự Thiên Chúa (Lt. 233). (Trong các trích dẫn về sau về sách Linh Thao sẽ viết là Lt. 233).

[2] Thánh I-nhã , Linh Thao, số 95 (bản dịch của Giu-se Nguyễn Công Đoan và Mai Sơn, Thủ  Đức 2005). I-nhã thường tha thiết nài xin với Đức Mẹ ơn cho ngài được đặt ở với Chúa Con. Và ở La Storta vào năm 1537, I-nhã được Chúa Cha đặt ở với Chúa Giê-su, vai vác thập giá. Trong Linh Thao, I-nhã cũng mời gọi thao viên đáp trả lời mời gọi “ở với Chúa” (Lt. 95), được nên đồng hình đồng dạng với Ngài, để trong mọi sự yêu mến và phụng sự Thiên Chúa (Lt. 233). (Trong các trích dẫn về sau về sách Linh Thao sẽ viết là Lt. 233).

[3] Thánh I-nhã, Tự Thuật, số 1. (Trong các trích dẫn về sau sẽ viết là Tt. 1).

[4] Xem Carlos Palacio, “Experiencita de Dios”, in Diccioinario de Espiritualidad Ignaciana, Fr. Eli Thành chuyển ngữ.

[5] Carlos Palacio, “Experiencita de Dios”, op.cit.

[6] J. Guibert, “The Sources and Characteristic Trait of St. Ignatius’ Spirituality” in The Jesuits – Their Spiritual Doctrine and Practice, St. Louis: IJS 1964, p. 153.

[7] Carlos Palacio, “Experiencita de Dios”, op.cit.

[8] Carlos Palacio, “Experiencita de Dios”, op.cit.

[9] x. Robert R. Marsh,  ID QUOD VOLO The Erotic Grace of the Second Week, p. 8. In The Way, 45/4 (October 2006), 7-19.  

[10] Robert R. Marsh,  ID QUOD VOLO, op.cit.

[11] Robert R. Marsh,  ID QUOD VOLO, op.cit.

[12] Robert R. Marsh,  ID QUOD VOLO, op.cit.

[13] Xem. William A. M. Peter, S.J. Bình Giảng Linh Thao, (The Spritual Exercises of St. Ignatius – Exposition and Interpretation), Nhóm nhà tập năm Ba 1988 chuyển ngữ, p. 52.

[14] Lcdo. D. Hưng Trung Phạm, S.J., GNATIAN INCULTURATION: Spirituality for Mission of the First Jesuits in Asia, Exemplified by Alexandre de Rhodes (1591 – 1660) and His Cathechismus in Vietnam, UNIVERSIDAD PONTIFICIA COMILLAS FACULTAD DE TEOLOGÍA Instituto Universitario de Espiritualidad, MADRID 2011, p. 192.

[15] Lcdo. D. Hưng Trung Phạm, S.J., op.cit, p. 193.

[16] Xem. José M. Castillo, “SEGUIMIENTO DE CRISTO”, Diccionario de Espiritualidad Ignaciana. Fr. Eli chuyển ngữ.

[17] Xem. José M. Castillo, op.cit.

[18] Lý do I-nhã kể lại cuộc đời mình là vì kinh nghiệm của Ngài giúp ích cho các linh hồn khác. Qua nói chuyện với cha Nadal, cha I-nhã thấy rõ hơn về những gì Chúa ban cho cha I-nhã, thì Chúa cũng ban cho Dòng và cho tha nhân; và sau khi thấy kinh nghiệm chữa trị bệnh thiêng liêng của mình giúp ích cho cha Louis G. D. Camara, cha I-nhã mới chấp nhận làm nên cuốn Tự Thuật.

[19] Cuốn Linh Thao được nhiều Đức Giáo Hoàng ca ngợi, như Đức Piô XII nhận xét “cuốn Linh Thao nhỏ bé mà bao la của thánh I-nhã” (x. AAS. 1592, tr.29).