Tượng Thánh Phaolô trước vương cung thánh đường Thánh Phêrô

  1. Lời Chúa

Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em;6 còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban:7 bởi vậy anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a.8 Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa.9 Khi nói về chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật,10và chờ đợi Con của Người từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, là Đức Giê-su, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến. (1 Tx 1:5c-10)

  1. Tìm hiểu 1 Tx 1:5c-10

Tiếp nối tuần trước, bài đọc này tiếp tục phần còn lại của lời nguyện tạ ơn được thánh Phao-lô công bố thay mặt tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Trong những lời nguyện tạ ơn của mình, thánh Phao-lô thường công bố những chủ đề mà sẽ được khai triển trong phần còn lại của bức thư, ví dụ như chủ đề về sự tuyển chọn. Trong phân đoạn tạ ơn này, ngài làm nổi bật hai chủ đề khác: sự noi gương và cuộc trở lại cận kề của Đức Ki-tô.

Chủ đề noi gương cũng đã quen thuộc với chúng ta (trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê). Tuy nhiên, ở đây có một yếu tố mới: thông qua việc bắt chước thánh Phao-lô, các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã trở thành mẫu gương cho những tín hữu khác ở khắp các miền Macedonia và Achaia (Hy Lạp). Các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã trở thành kiểu mẫu cho người khác khi họ từ bỏ ngẫu tượng để phục vụ Thiên Chúa hằng sống và khi họ đợi chờ sự trở lại của Con Thiên Chúa. Tin Mừng đòi hỏi các tín hữu một sự thay đổi sâu xa trong lối sống và tách biệt họ ra khỏi xã hội mà họ đang sống. Không còn tôn thờ ngẫu tượng, giờ đây họ phục vụ một Thiên Chúa mà người đương thời không biết đến. Hơn nữa, lối sống của họ được đặt nền tảng trên niềm hy vọng rằng Con Thiên Chúa sẽ cứu họ thoát khỏi một sự phán xét kinh hoàng khi ngài trở lại.

Thật khó để các tín hữu đương thời hiểu được giá trị của sự thay đổi mà đức tin trong Đức Ki-tô của các Ki-tô hữu đầu tiên đòi hỏi. Ki-tô giáo không phải là một lối sống được chấp nhận vì nó bị xem là một mối nguy đối với xã hội cơ chế, đặc biệt đối với gia đình. Thánh Phao-lô ý thức điều này và ngài đã làm hết sức để nhắc nhở các tân tòng của ngài rằng họ thuộc về một gia đình mới vốn siêu việt hóa gia đình tự nhiên của họ: Dân được tuyển chọn của Thiên Chúa. Những ai ở trong Đức Ki-tô trở thành anh chị em với nhau. Những nhà giảng thuyết có thể sử dụng bản văn này để nhắc cộng đoàn của mình rằng Ki-tô giáo không phải lúc nào cũng được chấp nhận.

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong chuyển dịch) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 56-7.