Tượng Thánh Phaolô trước vương cung thánh đường Thánh Phêrô

  1. Lời Chúa

13 Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi,14 mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó.15 Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?

29 Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý. 30 Thật vậy, trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng phục;31 họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.32 Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người.

 

  1. Tìm hiểu Rm 11: 13-15, 29-32

Bởi vì bài đọc tuần này bao gồm hai phần khác nhau của chương 11, cho nên việc suy tư cả chương 11 sẽ giúp độc giả dễ hiểu hơn. Chương này bắt đầu với câu hỏi của thánh Phao-lô: “Phải chăng Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân Người?” (Rm 11:1). Câu trả lời của Thánh Phao-lô là “không.”. Đúng hơn phải nói rằng việc có quá nhiều dân ngoại chấp nhận niềm tin mới cuối cùng sẽ làm dân Ít-ra-en ghen tỵ và hối cải. Tuy nhiên, có một nguy hiểm là dân ngoại sẽ áp đặt vị thế mới của họ lên dân Ít-ra-en. Vì vậy, Thánh Phao-lô cảnh báo họ đừng quá tự mãn. Nếu họ không nghe, tình thế của họ cũng sẽ không khác gì dân Ít-ra-en cứng tin. Để diễn tả điều này, Thánh Phao-lô kể dụ ngôn về cây ô-liu (Rm 11:17-24). Không lâu sau đó, ngài nhắc thính giả dân ngoại của ngài rằng những quà tặng của Chúa thì không thể thu hồi. Những dân ngoại vốn không vâng phục được thương xót thế nào thì dân Ít-ra-en không vâng phục cũng sẽ được thương sót như vậy.

Bản văn này cũng cho phép chúng ta nói về mối nguy hiểm của chủ nghĩa bài Do Thái. Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo hoàn toàn mới; nó là con gái của dân Ít-ra-en. Mặc dù đa số Ki-tô hữu hiện đại có dòng dõi ngoại giáo (so với Do Thái giáo), niềm tin của họ đã bắt nguồn từ Ít-ra-en. Mối tương quan thân thiết giữa hai tôn giáo cần được hiểu biết và chữa lành hơn là lên án và loại trừ. Đó là nhiệm vụ của các Ki-tô hữu và những người hữu trách.

 

Chuyển ngữ: Nguyễn Hữu Phong, SJ.

Nguồn:  Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 40.