Tác phẩm “Triumph of Christianity” của họa sĩ Gustave Dore

 

Điều gì làm cho đức tin Kitô Giáo thành Kitô hữu? Tắt một lời, đó là Đức Kitô.

Con tim, linh hồn và trọng tâm của đức tin Kitô Giáo là con người Đức Giêsu Kitô. Vậy nên, chúng ta chẳng thể biết được gì về Kitô Giáo hay Đạo Công Giáo nếu không tìm biết con người Đức Kitô. Vì tất cả những gì chúng ta biết về Đức Giêsu phát xuất từ bốn sách Tin Mừng, cho nên, cần phải xem xét Tin Mừng, chúng ta mới có thể hiểu sâu xa và đầy đủ hơn cốt lõi đức tin của chúng ta: đó chính là Đức Giêsu Kitô.

  1. ĐỨC GIÊSU CỦA LỊCH SỬ, ĐỨC KITÔ CỦA ĐỨC TIN

Nhiều khi, các học giả phân biệt hai mức độ hiểu biết về Đức Kitô: Đức Giêsu của lịch sử và Đức Kitô của đức tin. “Đức Giêsu của lịch sử” là con người lịch sử của Đức Giêsu thành Na-da-rét – những biến cố trong cuộc đời của Ngài: đó là những việc Ngài đã làm, những điều Ngài đã nói và tầm ảnh hưởng của Ngài trên cuộc đời của những ai biết Ngài. Trong khi đó, “Đức Kitô của đức tin” nhắm đến những điều chúng ta tin nơi Đức Giêsu thành Na-da-rét (chẳng hạn, Ngài là Con Thiên Chúa). Trong bốn sách Tin Mừng, không chỉ là Đức Kitô của đức tin, nhưng chúng ta cũng biết về Đức Giêsu của lịch sử. Vậy nên, ở chương này sẽ tập trung về những điều chúng ta biết về Đức Giêsu. Còn một chương khác sẽ nói về những gì chúng ta tin nơi Ngài.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Khi nói về Đức Giêsu thành Na-da-rét cho người chưa bao giờ nghe về Ngài, bạn hãy liệt kê những biến cố mà chúng ta biết về Đức Giêsu (chứ không phải là những điều chúng ta tin vào Ngài).

 

  1. BỐI CẢNH THỜI ĐỨC GIÊSU: ĐẤNG MÊ-SI-A, ĐỨC GIÊSU NGƯỜI DO THÁI, CÁC NHÓM DO THÁI GIÁO

Chúng ta hầu như không thể hiểu một người nếu không biết gì về bối cảnh sống của người đó. Con người bị ảnh hưởng rất nhiều bởi xã hội và văn hóa nơi bối cảnh họ sống. Cũng vậy, khi muốn biết Đức Giêsu, chúng ta phải biết bối cảnh Ngài đã sống.

Khi Đức Giêsu giáng sinh, Palestine là một phần của đế quốc Rôma. Người Rôma để cho Hêrôđê Cả làm vua cai trị từ năm 37 TCN đến sau khi Đức Giêsu giáng sinh không lâu. Tin Mừng Mathêu thuật lại truyện vua Hêrôđê truy sát các hài nhi vô tội ở Belem nhằm tìm cách giết vị vua mới sinh của người Do Thái. Không biết chuyện này có thực sự đã xảy ra không, những chắc chắn rằng, đó chính là tính cách của vua Hêrôđê. Ông bị ám ảnh sát hại các thành viên thân thuộc để bảo vệ quyền lực của mình.

Sau khi Hêrôđê băng hà, vương quốc của ông bị chia cắt bởi ba người con trai của ông là: Hêrôđê Antipas, Archelaus và Philip. Hêrôđê Antipas cai trị Galilê, Philip cai trị các vùng phía đông, và Archelaus cai trị một phần tư lãnh thổ vùng Idumea là Samaria và Judea. Người Do Thái căm ghét Archelaus, nên sau này người Rôma đã thay thế ông bằng một tổng trấn người Rôma. Nổi tiếng nhất chính là tổng trấn Philatô.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Hãy hình dung thử thế nào khi sống trong một đất nước bị đô hộ bởi một đế quốc ngoại bang. Bạn nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng lên tinh thần của dân tộc thế nào?

Đấng Mê-si-a. Người Do Thái tiếp tục hy vọng rằng, một ngày nào đó, Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài. Họ trông mong đấng Mê-si-a đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma và phục hồi lại thời oanh liệt của Ít-ra-en. Từ “Mê-si-a” có nghĩa là “đấng được xức dầu,” ngụ ý nói đến vua Đavít và các vị vua Do Thái. Các vị vua được xức dầu nhằm biểu lộ họ là những người đại diện của Thiên Chúa và quyền lực của họ tùy thuộc vào lòng trung tín của họ đối với Thiên Chúa là vị vua đích thực duy nhất của Ít-ra-en. Cuối cùng, khi chế độ quân chủ suy thoái và sụp đổ, người ta đã hy vọng rằng, Thiên Chúa sẽ sai đấng cứu độ đích thực đến. Tuy nhiên, chẳng có một dẫn chứng rõ ràng nào cho thấy đấng cứu độ sẽ đến và những điều ngài sẽ thực hiện. Vì, đối với một số người, Mê-si-a nghĩa là “ngày Đức Chúa” đến. Đó sẽ là một sự kiện mang tính quyết định đối với việc thiết lập triều đại của Thiên Chúa. Những người khác lại nghĩ, đấng cứu độ đến để giải phóng dân tộc, trong khi số khác tin rằng, khi đấng cứu độ đến, Tô-ra được tuân giữ một cách tuyệt đối trung thành. Niềm hy vọng này của người Do Thái đã được thắp lên khi Gioan bắt đầu phép rửa của ông. Có lẽ, Thiên Chúa rốt cuộc sẽ hành động vì dân của Người.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Ngày nay, người ta vẫn trông mong đấng cứu độ: một đấng nào đó hay thứ gì đó làm cho họ sống một cuộc sống dồi dào. Nền văn hóa của chúng ta, có xu hướng tạo nên những đấng cứu độ bằng sức mạnh quân sự hoặc thành công tài chính.

Những vị anh hùng của xã hội Hoa Kỳ là ai? Bạn có nghĩ những vị này chỉ cho ta cách thức tuyệt vời để thành người không?

Đức Giêsu là người Do Thái. Chính trong bối cảnh hy vọng của dân tộc mình, Đức Giêsu đã lên Ga-li-lê và bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Điều đầu tiên chúng ta phải thừa nhận đó là: Đức Giêsu là người Do Thánh chính gốc. Ngày nay, khi chúng ta chiêm ngắm những bức họa về Đức Giêsu, chúng nghĩ về nền văn hóa thời đó. Bức họa chân dung Đức Giêsu với nước da trắng ngần và đôi mắt xanh biếc đang nhìn chúng ta, không có nghĩa đó là một bức chân dung chính xác về con người Giêsu thành Na-da-rét. Ở phương Đông, Đức Giêsu được xem là người Phương Đông; Châu Phi lại nhìn Giêsu là người da đen. Những nét biểu họa mang tính nghệ thuật này muốn nói một sự thật rằng, Đức Giêsu là đấng cứu độ của toàn thể nhân loại và thân thể Đức Kitô ôm lấy tất cả các nền văn hóa của con người. Tuy nhiên, Đức Giêsu của lịch sử là người Do Thái. Ngài được cắt bì, đã cầu nguyện ở các hội đường, đã thờ phượng ở đền thờ, đã học Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái và ý thức mạnh mẽ về sứ điệp của các tiên tri. Ngài được sinh ra trong bối cảnh đức tin của Ít-ra-en, nên giáo huấn và sứ điệp Ngài loan báo phải được hiểu trong chính bối cảnh đó.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Mọi thành kiến đều phi-Kitô giáo, nhưng điều quan ngại nhất chính là chủ trương bài-Do Thái. Thiên Chúa của chúng ta là người Do Thái. Mẹ Maria là người Do Thái. Thánh Phêrô và các tông đồ cũng là người Do Thái.

Đâu là cách thức chống lại thành kiến trong con người và trong xã hội của chúng ta?

Các Nhóm Do Thái Giáo. Khi đọc các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rằng, có nhiều niềm tin và cách sống khác nhau trong Do Thái Giáo. Theo một nghĩa nào đó, điều này giống với Kitô Giáo ngày nay, nơi cũng có nhiều nhà chiêm niệm và hoạt động, các giáo sĩ và giáo dân, Công Giáo và Tin Lành, nữ tu và hiền mẫu. Cũng vậy, dân Ít-ra-en không phải là một nhóm thuần chủng.

Trong Tin Mừng, một trong những nhóm thường được đề cập là Nhóm Pharisêu. Đây là những người hoàn toàn tin vào Luật được giải thích bằng ngôn từ và bằng bản văn. Khoản luật được viết ra gọi là những giới luật (Tô-ra). Còn những ngôn luật là những giải thích về những điều luật được viết ra bởi các thầy thông luật (rabbi). Danh xưng “Pharisêu” có nghĩa là “những người tách biệt,” vì họ không tương quan với những kẻ kém thánh thiện hơn mình. Bốn sách Tin Mừng thường phác họa chân dung Đức Giêsu và những người Pharisêu trong sự xung đột với nhau. Người Pharisiêu phản đối cách giải thích luật của Đức Giêsu và việc Ngài giao du công khai với những người tội lỗi.

Thông thường, khi nói đến những người Pharisêu, Tin Mừng cũng đề cập đến những kinh sư. Họ là tầng lớp có học thức và là những chuyên gia về luật Do Thái Giáo. Nhiều kinh sư thuộc nhóm Pharisêu. Giống như những Pharisêu, trong Tin Mừng, các kinh sư thường được đề cập đối lập với giáo huấn và hành động của Đức Giêsu. Họ đã phẫn nộ khi Đức Giêsu giảng dạy một cách có thẩm quyền, vì các kinh sư tin rằng, luật là Nguồn đích thực duy nhất để nên công chính.

Các tư tế của Ít-ra-en được gọi là những người thuộc nhóm Xa-đốc. Đây là những người thuộc tầng lớp quý tộc, nên có tầm ảnh hưởng lớn cả về chính trị lẫn tôn giáo. Nhóm người này phụ trách đền thờ và việc phụng tự cho dân. Khác với nhóm Pharisêu, các tư tế chỉ chấp nhận các sách Luật được viết ra chứ không thêm điều nào khác. Họ chống lại nhóm Pharisêu và sự xâm phạm của nhóm này lên đời sống tôn giáo của dân. Nhân vật nỗi tiếng trong nhóm Xa-đốc là thượng tế Caipha, người chủ tọa trong bản án của Đức Giêsu và dẫn tới cái chết của Ngài.

Thời Đức Giêsu, có một nhóm người Do Thái tin rằng đế quốc Rôma phải bị trục xuất khỏi đất nước của họ. Nhóm này được gọi là những người nhiệt thành (zealots). Họ chủ trương những chiến lược mang tính khủng bố và bị người Roma và hầu hết những người Do Thái thù ghét. Thời Đức Giêsu, phong trào của những người nhiệt thành tạm lắng xuống, nhưng họ đang âm mưu một cuộc nỗi dậy chống là người Rôma vào cuối những năm 60, dẫn đến kết cục đền thờ bị phá đổ.

Một trong những nhóm được nói đến trong các Tin Mừng là người Samaria. Ngày nay, khi nghe từ “Samaria”, chúng ta thường nghĩ ngay về người Samaria nhân hậu, người đã giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn. Đây là sự châm biếm vì người Do Thái đương nhiên đã không cho rằng người Samaria lại “tốt lành” như vậy. Quả thật, họ căm ghét người Samaria. Có một sự hiềm khích lâu đời giữa người Do Thái và người Samaria. Khởi đầu, người Samaria là một thành phần trong đức tin của người Ít-ra-en,  nhưng sau đó, người Samaria kết hôn với những người dân ngoại và xây đền thờ trên Núi Gêrizim. Vậy nên, khi Đức Giêsu biến người Samaria thành người hùng trong dụ ngôn Ngài kể là nhằm mục đích gây sốc. Điều này cũng sẽ giống như việc biến Martin Luther King, Jr. thành người hùng trong câu chuyện Ku Kluz Klan.

Đối với người bình dân, đức tin của họ chủ yếu xoay quanh hội đường và ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát là ngày thứ bảy trong tuần, ngày dành cho Thiên Chúa. Đó là ngày để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Đền thờ là nơi cầu nguyện của một địa phương. Ngày Sa-bát và hội đường là để toàn dân cử hành đức tin của Ít-ra-en và là một phần trong đời sống thường ngày của người dân.

Các hội đường không được nhầm lẫn với đền thờ. Chỉ duy nhất một đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự. Đền thờ đó được xây dựng ở Giêrusalem trên Núi Sion. Người Do Thái có thể hành hương tới thành thánh và đền thờ vào những dịp lễ trong năm như: Lễ Vượt Qua, Lễ Hội Mùa (Pentecost) và Lễ Hòm Bia (Tabernacles). Đức Giêsu cũng hành hương dịp lễ Vượt Qua khi Ngài bị bắt và bị kết án tử.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Các nhóm Pharisêu, nhóm Xa-đốc, nhóm người Samaria, ngày Sa-bát và đền thờ có tương ứng nào với các thành phần trong Kitô giáo?

Sau khi đã xem xét bối cảnh sống của Đức Giêsu, giờ đây chúng ta hãy hướng về chính con người của Ngài. Chúng ta thấy, bốn sách Tin Mừng thực sự không phải là những quyển tiểu sử, nhưng như thế không có nghĩa là chúng sai lầm hay không có thực. Chúng ta có thể khám phá ra điều lớn lao về Đức Giêsu từ bốn Tin Mừng, ngay cả khi không một từ hay chi tiết nào xảy ra chính xác như được mô tả.

Chúa Giêsu giáng sinh (xx. Mt 1-2 và Lc 1-2). Mọi trẻ nhỏ đều biết câu chuyện Chúa Giêsu giáng sinh. Câu chuyện Giáng Sinh cơ bản phát xuất từ hai sách Tin Mừng Lu-ca và Mát-thêu. Ngoài hai sách này, trong Tân Ước chúng ta không thấy bất cứ thông tin nào liên quan tới biến cố Chúa Giêsu giáng sinh. Theo nghiên cứu, những trình thuật về biến cố giáng sinh của Chúa Giêsu, đôi khi được gọi là các trình thuật thời thơ ấu, các học giả ngày nay cho rằng, những câu chuyện đã được các tác giả định hình thành “những tin mừng –thu nhỏ (mini-gospels)” với mục đích tìm kiếm ý nghĩa hơn là sự kiện giáng sinh. Hai trình thuật này hoàn toàn khác nhau. Lu-ca đề cập đến việc sứ thần hiện ra báo tin cho Đức Maria, hành trình tới Bê-lem, con trẻ được sinh ra trong máng cỏ, các mục đồng tới thăm viếng. Trong khi đó, Mát-thêu lại không đả động gì tới những điều này. Thay vào đó, ông thuật lại việc sứ thần truyền tin cho Giuse, việc ba nhà đạo sĩ thăm viếng, và việc Hêrôđê mưu toan lấy mạng con trẻ Giêsu. Những điều này Lu-ca cũng không mảy may đề cập. Vậy, điều này nghĩa là gì? Tại sao các trình thuật lại khác nhau như thế? Bởi vì Mát-thêu và Lu-ca dựa theo “các truyền khẩu” khác nhau và nhấn mạnh những sứ điệp khác nhau. (Chúng ta sẽ thấy rõ hơn về điều này ở chương sau.) Nếu chúng ta để tâm đến những điểm chung của hai trình thuật, điều này sẽ giúp chúng ta nhận ra trọng tâm của vấn đề:

  1. Đức Giêsu được thụ thai khi Giuse và Maria đã đính hôn, nhưng trước khi họ chung sống với nhau.
  2. Biến cố thụ thai là một phép lạ. Maria vẫn còn đồng trinh khi đã thụ thai.
  3. Một sứ thần hiện ra và loan báo rằng, con trẻ được cưu mang là bởi quyền phép Chúa Thánh Thần và ông bà sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu.
  4. Đức Giêsu được Maria sinh ra tại Bê-lem.

Giáo Hội Công Giáo luôn khẳng định sự xác thực mang tính lịch sử của biến cố Đức Maria thụ thai Đức Giêsu nhưng vẫn còn trinh khiết. Giáo Hội dạy rằng, đó không phải là một câu chuyện mang tính biểu tượng, nhưng là một biến cố mầu nhiệm.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Tái khám phá về sự kiện giáng sinh của Đức Giêsu là điều không thể, nhưng những chi tiết đó thực sự chẳng mấy quan trọng. Các trình thuật trong Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca cho chúng ta ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm Giáng Sinh: hài nhi hạ sinh, Thiên Chúa đã viếng thăm và cứu độ dân Ngài.

Bạn cảm thấy thế nào với mùa Giáng sinh? Việc cử hành lễ Giáng Sinh còn duy trì được ý nghĩa của nó không? Trong dịp lễ này, bạn có thể làm gì để nhớ lại lý do thực sự của mùa giáng sinh?

Các Tin Mừng không cung cấp cho chúng ta các sự kiện lịch sử về tiến trình phát triển của con người Đức Giêsu. Câu chuyện Đức Giêsu giảng dạy trong đền thờ (Lc 2, 41-52) là câu chuyện duy nhất kể về giai đoạn này. Tuy nhiên, câu chuyện này hầu như mang tính huyền thoại hơn là thực tế.

Phép Rửa của Đức Giêsu (đọc Mc 1, 1-11; Mt 3, 13-17). Đức Giêsu chịu phép rửa bởi ông Gioan trong lòng sông Giodan là khởi điểm cho sứ mạng công khai của Ngài. Cho tới lúc đó, chúng ta dường như chẳng biết gì về cuộc đời của Ngài. Thông tin duy nhất các Tin Mừng cung cấp chỉ biết rằng, Ngài ở Na-da-rét, làm nghề thợ mộc và tầm 30 tuổi. Tuy nhiên, sau khi chịu phép rửa, Ngài đi từ làng này qua làng khác để giảng dạy và rao giảng.

Phép rửa của ông Gioan không phải là phép rửa mà sau này người Kitô hữu lãnh nhận để trở nên Kitô hữu. Đó là phép rửa tỏ lòng sám hối. Gioan rao giảng thời kỳ Thiên Chúa hành động đang tới. Phép rửa là để chuẩn bị cho Thiên Chúa đến.

Thật khó để xác định chắc chắn lý do tại sao Đức Giêsu gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa. Dù bất cứ lý do nào thì biến cố này cũng cho chúng ta biết “dạng” đấng cứu độ mà Đức Giêsu sẽ trở nên: đó là đấng dìm chính mình vào dòng nước tội lỗi của con người. Ngài không phải là một vị vua đầy quyền lực và cao xa, cũng chẳng phải là một vị ẩn tu. Trong phép rửa, Đức Giêsu đồng hóa mình với người tội lỗi và với những thường dân Palestine.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Gioan là một ngôn sứ kêu gọi dân dứt khỏi các bận tâm thực tại để đối diện với những đòi hỏi của Thiên Chúa trong đời sống của mình. Bạn có thể nghĩ về bất cứ “Gioan Tẩy Giả” nào ngày nay?

 

  1. GIÁO HUẤN VÀ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU: TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN

Dưới đây là một số phản hồi khi được hỏi: Sứ điệp của Đức Giêsu Kitô là gì?

Nữ:                     Đức Giêsu dạy chúng ta hãy yêu thương nhau.

Nam:                  Tôi nghĩ là Đức Giêsu đến nói cho chúng ta hãy giữ các giới răn.

Thiếu niên:         Đức Giêsu nói Thiên Chúa yêu thương mọi người, bất luận chủng tộc hay tôn giáo.

Cao niên:            Sứ điệp của Đức Giêsu rất đơn giản: “Hãy làm cho người khác những gì mình muốn người ta làm cho mình.”

Nam thanh:        Một từ thôi: tha thứ. Thiên Chúa tha thứ tất cả, và chúng ta cũng sẵn sàng tha thứ cho nhau như vậy.

Nữ tú:                 Đức Giêsu đến để dạy cho chúng ta về Thiên Chúa. Ngài dạy chúng ta cách Thiên Chúa mong đợi chúng ta sống yêu thương nhau.

Cao niên:            Nếu phải tóm tắt lại giáo huấn của Đức Giêsu bằng một từ thôi thì đó là, “Trắc ẩn”. Đức Giêsu đã dạy chúng ta sống yêu thương người nghèo, bệnh tật và những người bị xã hội bỏ rơi.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Nếu phải giải thích sứ điệp của Đức Giêsu Kitô cho người chưa biết gì về Ngài, bạn sẽ nói gì?

Triều Đại Thiên Chúa Đang Đến. Hầu hết các Kitô hữu đều biết những chủ đề trong sứ điệp của Đức Giêsu. Ngài dạy về tình yêu, lòng trắc ẩn, sự tha thứ và hòa giải. Tuy nhiên, tất cả những chủ đề này đều hướng về triều đại Thiên Chúa. Các học giả Thánh Kinh đều cùng quan điểm: sứ điệp Đức Giêsu có chủ đề trọng tâm là triều đại Thiên Chúa đang đến. Trong Tin Mừng Mác-cô, lời đầu tiên phát ra từ môi miệng Đức Giêsu chính là chủ đề trọng tâm mà Đức Kitô loan báo: “Thời đã mãn. Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Vậy nên, muốn hiểu sứ điệp của Thầy Giêsu, trước hết, chúng ta phải hiểu được đâu là ý nghĩa của “triều đại Thiên Chúa” mà Ngài muốn mặc khải.

Đối với người Ít-ra-en, triều đại Thiên Chúa được bày tỏ lúc Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài, khi dân Chúa thờ phượng Ngài hết lòng. Isaia thấy đó là thời chiên con nằm với sư tử, là thời muôn dân được mời gọi đến chia sẻ cùng một bữa tiệc thịnh soạn. Triều đại Thiên Chúa là dấu chấm hết đối với triều đại của tội lỗi và sự chết. Với người Do Thái, triều đại Thiên Chúa báo hiệu cho thời đại chung cục khi Thiên Chúa sẽ thực thi công lý vì dân Ngài.

Triều Đại Thiên Chúa đã Đến Gần. Đức Giêsu hiện ra giữa các môn đệ và nói: “Thời anh em mong chờ đã đến đây rồi. Nó đang đến. Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.” Với Đức Giêsu, triều đại Thiên Chúa đã đến giữa dân Người. Chúng ta thấy Đức Giêsu tỏ lộ triều đại Thiên Chúa bằng việc sử dụng những bối cảnh rất bình thường và phổ biến trong đời sống của thính giả. Vậy, triều đại Thiên Chúa là gì? Nó giống như men hay như hạt giống, hoặc như người phụ nữ làm mất đồng xu hay như một người kia đi tìm viên ngọc quý, hoặc là một nông dân ra đi gieo hạt giống. Đối với Giêsu, triều đại Thiên Chúa đã đến gần.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Triều đại Thiên Chúa đã đến trong thế giới này – tuy nhiên chưa hoàn tất và đang chờ mong hoàn tất trong tương lai. Thuật ngữ thông thường để chỉ triều đại Thiên Chúa là “thiên đàng.” Ngày nay, làm thế nào để trình bày về triều đại Thiên Chúa trong cuộc sống và trong hoàn cảnh sống của bạn?

Các Dụ Ngôn. Để hiểu ý nghĩa của triều đại Thiên Chúa, tốt nhất là tìm hiểu nơi các dụ ngôn mà Đức Giêsu đã kể. Các dụ ngôn là những câu chuyện và hình ảnh mà Đức Giêsu sử dụng trong lời giảng dạy của Ngài. Các học giả tin rằng, các dụ ngôn trong Tin Mừng không chỉ tập trung vào chủ đề chính triều đại Thiên Chúa, nhưng chúng còn cho ta thấy tính xác thực của những lời Đức Giêsu giảng dạy. Vậy, triều đại Thiên Chúa giống như thế nào? Chúng ta hãy nhìn xem cách Đức Giêsu dùng hình ảnh để diễn tả:

Nước Trời cũng như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột cho đến khi cả khối dậy men (Mt 13, 33)

Tương tự, triều đại Thiên Chúa là kết quả từ quyền năng siêu nhiên của Thiên Chúa hành động trong thế giới. Triều đại Thiên Chúa không phải là thành quả con người đạt được, nhưng đó là quyền năng đến từ Thiên Chúa.

Có điều gì đó mâu thuẫn trong sứ điệp Đức Giêsu rao giảng. Một mặt, triều đại Thiên Chúa được chính Thiên Chúa mang đến. Mặt khác, con người lại phải “nhào bột”. Điều này dường như nói đến sự cộng tác giữa Thiên Chúa với dân của Người. Người ta thường bị cám dỗ có thể tự mình xây dựng vương quốc Thiên Chúa hoặc phó thác mọi sự trong tay Người.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Khi xây dựng triều đại Thiên Chúa, truyền thống khôn ngoan Kitô Giáo dạy rằng: “Hãy cầu nguyện như thể mọi sự phụ thuộc vào Chúa; hãy làm việc như thể mọi sự nằm trong tay bạn.” Cả hai yếu tố đều thiết yếu cho trách nhiệm xây dựng triều đại Thiên Chúa. Bạn cộng tác thế nào trong việc đem triều đại Thiên Chúa đến với con người trong đời sống của bạn?

Hãy mở rộng đôi mắt và tâm hồn của bạn. Trong câu chuyện Hoàng Tử Nhỏ, chú sói khuyên cậu Hoàng Tử rằng, “chỉ có tâm hồn, người ta mới có thể chân nhận được sự thật. Cơ bản, đó là điều không thể hiểu với cặp mắt trần.” Đức Giêsu cũng khuyến khích những người lắng nghe Ngài giảng hãy nhìn cuộc đời bằng con mắt khác, như thế họ sẽ sửng sốt điều họ sẽ thấy. Đối với Đức Giêsu, triều đại Thiên Chúa đã khởi sự trong lời Ngài giảng, phép lạ Ngài làm và ơn hòa giải dành cho người tội lỗi. Một phần sứ điệp Đức Giêsu giảng dạy là lời mời gọi con người tỉnh thức: THỜI KỲ ĐÃ MÃN! ĐỪNG TRÌ HOÃN! Đức Giêsu mời gọi thính giả của Ngài hãy chú tâm và đáp lại sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ:

Đức Giêsu nói dân chúng: “Khi các ngươi thấy mây kéo lên ở phía tây, các ngươi nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: “Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét? (Lc 12, 54-56)

 

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đôi khi những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời ở ngay trước mắt mà chúng ta không thấy. Chúng ta chỉ cần nhìn chúng theo một cách khác. Chúng ta cần chiêm ngắm chúng bằng con mắt tâm hồn.

Bạn đã hành xử với ai như vậy chưa? Hãy nhìn lại một lần nữa – lần này, hãy nhìn từ tâm hồn.

Triều Đại Thiên Chúa là Một Bữa Tiệc! Trong Kinh Thánh Do Thái, hình ảnh thường được dùng nhất để chỉ về thiên đàng là hình ảnh một bữa tiệc. Ngôn sứ Isaia viết: “Trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25, 6), và Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh này. Triều đại Thiên Chúa là một bữa tiệc. Tiệc là nơi của niềm hân hoan và lễ hội. Tiệc là thời khắc của tình bằng hữu và của cộng đoàn. Đó cũng là lúc quẳng đi những gánh nặng của đời tạm, khi chúng ta được cuốn hút vào một thực tại khác và tốt đẹp hơn.

Trong một dụ ngôn về bữa tiệc (Lc 14, 15-24), Đức Giêsu kể chuyện một người tổ chức tiệc thịnh soạn mời nhiều người tới dự, nhưng người này đến người khác từ chối tới. Tuy nhiên, gia chủ không bỏ cuộc. Thay vào đó, ông sai gia nhân ra các ngã ba ngã tư phố phường mời hết thảy mọi người, bất luận giàu nghèo, đui què mẻ sứt đến. “Hãy mời tất cả vào nhà, nên tiệc đã đầy thực khách!”

Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống hạnh phúc, huynh đệ, vui mừng và hoan lạc!

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đôi khi, những bữa tiệc trong trường trung học chẳng phải là những tiệc mừng thực sự. Đó chỉ là cái cớ cho những kẻ cô đơn tụ họp để giết thời gian. Cũng có thể nói, dường như đó cũng là cơ hội tụ tập của những người lớn. Bạn có tham dự những bữa tiệc vì tình bạn không? Hay, đó chỉ là cái cớ để trốn tránh sự cô đơn và chán chường? Bạn có thực sự biết cách làm hài lòng và bày tỏ bản thân không? Đó chính là một trong những đòi hỏi để theo Đức Kitô.

Hãy thay đổi cõi lòng và loại trừ sự giận dữ. Nếu triều đại Thiên Chúa là bữa tiệc mừng của Cha yêu thương thiết đãi, thì làm sao Đức Giêsu lại phải chết? Sứ điệp đó đang cảnh cáo ai?

Đó như là mặt trái của một đồng xu. Nếu chúng ta là con cái của Thiên Chúa, chúng ta phải sống như con cái của Ngài. Hãy nhớ lại lời Đức Giêsu mời gọi trong Tin Mừng Mác-cô: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Hãy Sám Hối và tin vào tin mừng.” Sám hối là một phần của cả một hành trình. Vậy, sám hối về điều gì? Thực ra, điều này rất đơn giản. Nghĩa là, chúng ta không yêu như có thể yêu và mỗi ngày là một lời mời để gạt bỏ giận dữ, tổn thương, và ích kỷ, vốn ngăn cản chúng ta yêu một cách sâu xa hơn. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải ra khỏi chính mình.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Hãy nhìn vào một tương quan cần được hàn gắn. Bạn có thể làm gì trong tâm hồn của mình để hàn gắn tương quan đó?

Đức Giêsu Đòi Hỏi một Sự Dấn Thân. Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giêsu nói:

Nước trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. (Mt 13, 44-46).

Trong dụ ngôn này, chúng ta nhận thấy rằng, triều đại Thiên Chúa là một món quà không đến từ công trạng, mà là hết sức tình cờ gặp được. Tuy nhiên, đấy chỉ là một phần của sứ điệp. Quan trọng hơn, người đó đi và bán tất cả những gì mình có mà mua lấy thửa ruộng đó. Ông sẵn sàng làm một cuộc đánh đổi để đời, vì đã khám phá ra kho tàng đích thực. Cũng vậy, món quà Thiên Chúa tặng ban đòi hỏi một sự đáp trả bằng một lối sống mới nơi chúng ta. Chúng ta không thể gọi mình là những người Kitô hữu nếu sứ điệp Đức Giêsu không tác động thực sự trên cuộc sống của chúng ta.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong mức độ từ 1 đến 10, bạn dành ưu tiên cho tương quan của bạn với Thiên Chúa trong giai đoạn này ở mức nào?

Bất Khả Tách Rời: Mến Chúa và Yêu Người. Khi được yêu cầu chọn đâu là giới răn quan trọng nhất, Đức Giêsu chọn ra hai điều. Trước tiên, “Anh em phải yêu mến Thiên Chúa của anh em hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn.” Điều thứ hai là: “Anh em phải yêu tha nhân như chính mình.” Đối với Đức Giêsu, hai điều tuyệt hảo là: Mến Chúa và Yêu người. Và, hai điều này không thể tách rời nhau. Đức Giêsu nhấn mạnh điều này qua dụ ngôn người phú hộ và anh La-da-rô:

Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được ăn những miếng trên bàn ăn ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đêm chôn. Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ (Lc 16, 19-23).

Trong dụ ngôn này, người phú hộ xuống hỏa ngục không phải vì ông ta tàn nhẫn với kẻ ăn xin trước cổng nhà mình, nhưng là vì ông làm ngơ, không quan tâm kẻ ấy. Ông không làm hại, nhưng cũng chẳng yêu thương. Đối với Đức Giêsu, yêu thương có nghĩa lớn lao hơn là sống tốt hay không làm tổn hại tới người khác. Yêu có nghĩa là mở rộng con tim đối với người nghèo khó. Người phú hộ bị xa lìa Thiên Chúa vì ông đã không yêu thương người khác.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đức Giêsu nối kết hai giới răn: một là mến Chúa và một là yêu người. Đây là hai yếu tố căn bản của đức tin Kitô Giáo: chúng ta phải làm triển nở tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Cám dỗ thường gặp là chỉ làm điều này mà bỏ quên điều kia. Với một số người, tôn giáo chỉ là việc đến nhà thờ. Người khác lại cho rằng tôn giáo chỉ là sống tốt với người khác. Còn người Kitô hữu, tôn giáo là cả hai điều này và còn hơn thế nữa.

Dĩ nhiên, tôn giáo cũng giúp chúng ta yêu mình. Bạn nghĩ gì khi cho rằng, tôn giáo có nghĩa là yêu mình với một tình yêu lành mạnh?

 

  1. SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊSU: CÁC BỮA ĂN, CÁC PHÉP LẠ, LÒNG THƯƠNG XÓT

Đức Giêsu: Triều đại Thiên Chúa nơi Con Người [Đức Giêsu]. Chúng ta đã biết những gì Đức Giêsu nói, thế Ngài đã làm gì? Đức Giêsu đã sống và liên hệ với người khác thế nào? Có thể bạn hoài nghi, giữa lời nói và hành động (sứ vụ) của Đức Giêsu có một tương quan gắn kết với nhau. Sứ vụ của Đức Giêsu được đặt nền trên các tương quan. Ngài không phải là một nhà tổ chức hay một tác giả, cũng không phải là một nhà hoạt động xã hội. Đức Giêsu có một sứ vụ duy nhất vì Ngài có một vai trò độc nhất trong toàn bộ lịch sử. Ngang qua các hành động và tương quan, Đức Giêsu minh chứng ý nghĩa sứ điệp của Ngài. Triều đại Thiên Chúa hiện diện nơi và ngang qua người này, và đó là cách thức hết sức rõ ràng mà Ngài có thể đụng chạm và làm thay đổi lối sống của những người xung quanh.

Trong Tin Mừng Lu-ca, chúng ta nhận thấy bản tóm tắt về sứ vụ của Đức Giêsu. Trở về quê hương Na-da-rét sau khi chịu phép rửa, Ngài vào hội đường trong ngày Sa-bát, và khi được trao cho cuốn sách ngôn sứ Isaia để đọc, Ngài gặp đoạn:

Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa (Lc 4, 18-19).

Đức Giêsu hoàn tất lời ngôn sứ Isaia. Vì người nghèo, kẻ bị giam cầm, người mù lòa, và các tù nhân, mà Ngài đã đến theo một cách đặc biệt. Đức Giêsu đồng hóa chính mình như là người đem “tin vui” cho những người bị gạt ra bên lề xã hội.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Nếu như Đức Giêsu đang dạo quanh trên thế giới này, bạn nghĩ Ngài sẽ làm gì? Giáo Hội nên làm gì để mở rộng sứ vụ Đức Giêsu đối với những người bị xã hội ruồng bỏ?

Giêsu: “Bạn của phường Tội Lỗi.” Một trong những biệt hiệu mà kẻ thù gán cho Đức Giêsu là “bạn của phường tội lỗi.” Chính danh xưng này nói cho chúng ta nhiều điều về Đức Giêsu. Xuyên suốt các sách Tin Mừng, Đức Giêsu luôn đến với người tội lỗi và trao ban cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Những kinh sư thuộc nhóm Pharisiêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mc 2, 16-17).

Việc Đức Giêsu tha tội đóng vai trò hết sức quan trọng giúp chúng ta hiểu Ngài là ai và sứ vụ của Ngài thế nào. Trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta có thể đến với bí tích Thống Hối, nhưng người Do Thái thời Đức Giêsu lại tin rằng, việc một người tha tội cho người khác là một chuyện tày đình.

Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy. Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2, 5-7).

Chỉ duy một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi. Khi tha tội cho người khác, Đức Giêsu đã sử dụng quyền năng vốn dĩ thuộc về Thiên Chúa. Một lần nữa, chúng ta thấy rằng, Ngài đích thực là hiện thân của triều đại Thiên Chúa.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Nhãn dán trang trí trên một xe viết: “Những người Kitô hữu không phải là những người hoàn thiện, nhưng chỉ là những kẻ được thứ tha mà thôi.” Dường như câu này muốn nói rằng, trở nên người tội lỗi là điều kiện tiên quyết để theo Đức Giêsu. Điều này không có nghĩa là Đức Giêsu cổ võ tội lỗi, nhưng nếu chúng ta thành thật, tất cả chúng ta phải thú nhận chúng ta cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trong đoạn trích trên, Đức Giêsu nói về Ngài như là thầy thuốc, theo đó, bạn muốn được chữa lành điều gì?

Đức Giêsu và Lương Thực. Đức Giêsu và Lương Thực? Lương thực có liên hệ gì với sứ vụ của Ngài? Tin hay không, đó là một vấn đề lớn.

Trong trích đoạn trên, Đức Giêsu không chỉ bị phê phán vì qua lại với phường tội lỗi, nhưng còn ăn uống với họ. (“Tại sao Ngài lại ăn uống với những người như vậy?”) Những bữa ăn không chỉ là cho đầy bụng, nhưng chúng còn là dấu chỉ của tình bằng hữu và sự liên đới. Nhờ chia sẻ bữa ăn mà Đức Giêsu mở rộng tình thân với họ. Vậy nên, Đức Giêsu không chỉ nói rằng tội họ đã được tha, nhưng chính Ngài đã tha cho họ. Ngài đồng bàn với và trao cho họ mối tình thân ái.

Đức Giêsu cũng ăn uống với những người bạn hữu, người giàu có, bình dân, với những người Pharisêu, và cuối cùng Ngài đã chia sẻ “tiệc vượt qua” với các tông đồ. Trong tất cả những dịp này, Đức Giêsu trao ban một dấu chỉ về bữa tiệc chung cục, tức là triều đại Thiên Chúa.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong thời kỳ của thức ăn nhanh, chúng ta dễ dàng đánh mất ý nghĩa của các bữa ăn. Các bữa ăn có ý nghĩa lớn lao hơn là lương thực thuần túy. Chúng cũng có thể tạo nên một cộng đoàn. Đâu là những bữa ăn “truyền thống” trong chính gia đình của bạn?

Các Phép Lạ của Đức Giêsu. Ngày nay, nhiều người nghi ngờ tính xác thực của các phép lạ. Chúng ta hiểu phép lạ như là một sự kiện trái với luật tự nhiên, tuy vậy, thời Đức Giêsu, người ta chưa biết “luật tự nhiên” là gì. Họ hiểu, phép lạ là “dấu chỉ” của quyền năng Thiên Chúa.

Các phép lạ của Chúa Giêsu là một phần hết sức quan trọng đối với sứ vụ của Ngài. Nếu như Đức Giêsu dùng lời để loan báo triều đại Thiên Chúa đang đến, thì những phép lạ nhằm mặc khải rằng, triều đại đó đến với quyền năng. Các học giả Kinh Thánh tin rằng, một số câu chuyện phép lạ mang tính huyền thoại chỉ nhằm mục đích giáo huấn. Tuy nhiên, ít có ai nghi ngờ Đức Giêsu thực sự là người làm phép lạ. Hầu hết các phép lạ Đức Giêsu thực hiện là những phép lạ chữa lành và xua đuổi ma quỷ. Chúng là những dấu chỉ của triều đại Thiên Chúa vượt trên quyền lực bệnh tật và sự dữ trong thế giới. Các phép lạ là một phần của Tin Mừng Thiên Chúa chăm lo cho con cái mình. Ở trích đoạn dưới đây, Đức Giêsu thực hiện một phép lạ, một “dấu chỉ” cho thấy tình yêu chiếm ưu thế so với việc tuân thủ luật lệ cách khắt khe:

Đức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy ngày Sa-bát không, để tố cáo người. Đức Giêsu bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” Rồi Người nói với họ: “Ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liên trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pharisiêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu (Mc 3, 1-5).

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Nhiều khi chúng ta không nhận thấy sự thật rằng, luật tự nhiên là phép lạ! Hãy liệt kê ra những phép lạ trong đời sống thường ngày.

 

Những câu hỏi ôn tập

  1. Hãy giải thích sự khác biệt giữa Đức Giêsu của lịch sử với Đức Kitô của đức tin.
  2. Đâu là bối cảnh chính trị Palestin thời Đức Giêsu?
  3. Ý nghĩa nguyên tuyền của danh xưng đấng cứu độ (Mê-si-a) là gì? Và nó đã thay đổi thế nào?
  4. Hãy nêu định nghĩa: nhóm Pharisêu, kinh sư, Xa-đốc, Samaria, hội đường, ngày Sa-bát và đền thờ.
  5. Tại sao Mát-thêu và Lu-ca có những trình thuật khác nhau về biến cố giáng sinh của Đức Kitô?
  6. Đâu là điểm chung trong các trình thuật của hai vị thánh sử này?
  7. Tại sao Gioan làm phép rửa ở sông Giodan?
  8. Chủ đề chính trong lời rao giảng của Đức Giêsu là gì?
  9. Những dụ ngôn về men và kho báu nói gì với chúng ta về triều đại Thiên Chúa?
  10. Theo Đức Giêsu, hai điều răn lớn nhất là gì?
  11. Tại sao các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo lại ngạc nhiên về việc Đức Giêsu tha thứ tội lỗi cho người khác?
  12. Các bữa ăn có liên hệ gì với sứ mạng của Đức Giêsu?
  13. Mối tương quan giữa lời và các phép lạ của Đức Giêsu là gì?

Chuyển dịch: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 85-102.