Ảnh từ Internet

Như chúng ta đã thấy trong chương trước, các Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa đã khởi sự một tương quan với các thọ tạo của Ngài. Thiên Chúa mặc khải chính mình cho chúng ta. Nhưng hãy nhớ đến câu châm ngôn, “Đừng bao giờ cho một người ăn nhiều hơn người ấy có thể tiêu hóa.” Sự tự mặc khải của Thiên Chúa bị giới hạn bởi khả năng hiểu biết của con người. Mặc khải này chỉ được hiểu một cách tiệm tiến và đạt đến đỉnh cao nơi con người của Đức Giêsu, Ngài là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Dù vậy, sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa vẫn phải được lớn lên và phát triển theo thời gian. Mối tương quan của chúng ta với Ngài cũng phải được lớn lên.

Khi chúng ta suy gẫm sự hiểu biết của các Kitô hữu về Thiên Chúa, chúng ta sẽ cố gắng nhìn từ hai viễn cảnh: những hình ảnh về Thiên Chúa nơi Thánh, và những quan niệm thần học về Thiên Chúa.

 

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn đã hiểu hoặc hình dung thế nào về Thiên Chúa khi bạn còn bé? Sự hiểu biết của bạn có thay đổi gì không? Thay đổi làm sao?

 

1.      NHỮNG HÌNH ẢNH VỀ THIÊN CHÚA TRONG KINH THÁNH CỰU ƯỚC: GIA-VÊ, ĐẤNG CỨU ĐỘ, ĐẤNG BAN LUẬT, ĐẤNG TẠO DỰNG, ĐẤNG XÉT XỬ, VÀ HIỀN MẪU

Chúng ta đều biết rằng Cựu Ước là một bộ gồm bốn mươi sáu quyển sách được Thiên Chúa linh hứng. Các sách này rất khác nhau về chủ đề và ý tưởng. Các học giả đã cố gắng để tìm ra một “sợi chỉ đỏ” nhằm kết nối tất cả các sách thành một chủ đề chung. Học giả Thánh Kinh John McKenzie cho rằng có một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt Cựu Ước:

 

Sợi chỉ ấy chỉ có thể là sự khám phá về Gia-vê, Thiên Chúa của Ít-ra-en…Sự khám phá về Gia-vê cũng tương tự như khám phá ra Châu Mỹ. Dân Ít-ra-en phải mất hằng thế kỷ trước khi bắt đầu thực sự nhận ra Gia-vê. Tuy nhiên Gia-vê vẫn luôn có đó và không thay đổi (A Theology of the Old Testament. Dobleday, N.Y. p. 29).

Sự hiểu biết về Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đã từng bước được lớn lên và phát triển theo thời gian. Chúng ta sẽ lược sơ qua một số hình ảnh quan trọng nhất về Thiên Chúa đã được mặc khải trong Cựu Ước. Hình ảnh là một cách “hình dung về Thiên Chúa” trong cả tâm trí lẫn tâm hồn. Không có hình ảnh nào diễn tả đầy đủ về Thiên Chúa. Khi phải dùng nhiều hình ảnh để diễn tả Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy rằng nỗ lực nhằm diễn tả một Thiên Chúa vượt quá ngôn ngữ của con người là điều hết sức phức tạp. Đó là lý do vì sao cần nhiều hình ảnh để có thể có một cái nhìn quân bình và đầy đủ hơn. Những hình ảnh này ít nhất cũng cho phép chúng ta có một chút ánh sáng nào đó về chân lý.

Gia-vê. Theo sách Xuất Hành:

Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao? “Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hằng Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Đấng Hằng Hữu sai tôi đến với anh em.” (Xh 3, 13-14).

Danh xưng “TA LÀ Đấng Hằng Hữu” là bản dịch tiếng Anh dùng cho từ “Gia-vê”. Nghĩa của từ “Gia-vê” thực ra không rõ, dù được bắt nguồn từ tiếng Do Thái có nghĩa “hiện hữu.” Từ “Gia-vê” có nghĩa như là điều gì đó tương tự như “đấng tạo dựng tất cả.” Đối với người Do thái, khi đặt tên cho một ai hoặc một điều gì, thì người đặt tên có quyền trên người hoặc sự vật ấy (như Ađam đã đặt tên cho các loài vật). Chính vì lý do này, người Do Thái không được phép dùng danh xưng Gia-vê. Gia-vê là một danh cực thánh. Vì vậy, cho dẫu Thiên Chúa có danh xưng, nhưng danh xưng ấy không được phép nói ra. Sự thánh thiêng và ý nghĩa của danh xưng Gia-vê cho chúng ta biết điều gì đó rất quan trọng về Thiên Chúa: Thiên Chúa không giống bất kỳ thọ tạo nào của Ngài và trổi vượt mọi loài thọ tạo. Các loài thọ tạo đều mau qua, trong khi Thiên Chúa luôn hiện hữu và Ngài làm chủ tất cả. Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa siêu việt: trổi vượt trên các loài thọ tạo của ngài. Chúng ta thấy ý niệm về sự siêu việt của Thiên Chúa luôn được nhấn mạnh xuyên suốt Cựu Ước. Danh xưng Gia-vê dạy chúng ta rằng Thiên Chúa trổi vượt tất cả những hình ảnh hay những ý nghĩ mà chúng ta dùng để nói về Ngài.

 

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn hãy vẽ một bức tranh về Thiên Chúa. Hãy cố gắng để tìm cách trình bày cách tượng trưng về Thiên Chúa trong hình vẽ. Bức tranh nói điều gì về sự hiểu biết của bạn về Thiên Chúa?

 

Đấng Cứu Độ: Như Bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ đã xác định căn tính của đất nước Hoa Kỳ, thì cuộc Xuất Hành cũng đã hình thành nên dân Thiên Chúa. Người Do Thái từng là một nhóm người liên kết với nhau hết sức lỏng lẻo và sống dưới chế độ nô lệ của vua Pharaô khi Thiên Chúa chọn Môsê để giải thoát dân của Ngài. Đỉnh điểm của việc giải thoát này được diễn ra tại Biển Sậy, nơi người Do Thái được giải thoát, trong khi các chiến mã của Pharaô bị nhấn chìm dưới lòng biển. Chúng ta tìm thấy bài ca ca ngợi cuộc chiến thắng vĩ đại này trong sách Xuất Hành:

“Tôi xin hát mừng CHÚA, Đấng cao cả uy hùng:
Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương.
CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi.
Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc,
Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng.
Người là trang chiến binh, danh Người là “ĐỨC CHÚA!”
Xa mã Pharaô, Người xô xuống lòng biển,
tướng dũng với binh hùng chết chìm trong Biển Sậy. (Xh 15, 1-4)

Đối với người Do thái, việc được giải thoát lạ lùng khỏi cảnh nô lệ đã mặc khải một Thiên Chúa là đấng giải thoát họ khỏi ách nô lệ và là Đấng chiến đấu cho Dân để chống lại người Ai Cập.

Ngày nay có nhiều người đặt vấn đề về hình ảnh Thiên Chúa như một trang chiến binh. Tuy nhiên, nhiều Kitô hữu ngày nay đang sống trong nghèo đói và áp bức ao ước hình ảnh một Thiên Chúa trong cuộc xuất hành như một kiểu mẫu bởi lẽ Ngài không chỉ giải thoát họ khỏi những áp bức tinh thần, nhưng còn giải thoát khỏi những áp bức chính trị và tình trạng nô lệ nữa.

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn nghĩ gì về hình ảnh Thiên Chúa được phản ảnh nơi bài ca trên đây? Bạn có nghĩ rằng hình ảnh đó vẫn thích hợp cho chúng ta ngày nay không?

 

Đấng Ban Luật. Do Thái là một dân tộc được Thiên Chúa mời gọi đi vào một giao ước đặc biệt. Thiên Chúa mặc khải cho Dân biết chính Ngài đã giải thoát họ khỏi người Ai-cập vì một lý do đặc biệt:

Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai Cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en. (Xh 19, 4-6)

           

Nhưng giao ước là một hiệp ước song phương. Chính Thiên Chúa đã ràng buộc mình với dân Ít-ra-en, và theo chiều ngược lại, họ phải tuân theo những điều luật của Ngài. Mười Điều Răn đại diện cho một số điều quan trọng về những điều luật của Gia-vê Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa, Đấng đã đòi buộc Dân phải tuân theo những điều luật này. Dân Ít-ra-en là một dân thánh, và đường dẫn tới sự thánh thiện được là ngang qua luật của Thiên Chúa.

Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây:

 “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta…. Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng… Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát,… Ngươi hãy thờ cha kính mẹ…

Ngươi không được giết người.
Ngươi không được ngoại tình.
Ngươi không được trộm cắp.
Ngươi không được làm chứng gian hại người.
Ngươi không được ham muốn nhà người ta,

Ngươi không được ham muốn vợ người ta,… (Xh 20, 1-17)

Luật của Thiên Chúa luôn trổi vượt hơn những quy tắc ứng xử tốt đẹp. Ý định của Thiên Chúa dành cho con người là muốn con người bám rễ sâu nơi sự công chính của Ngài, cũng như ban cho con người nền tảng vững chắc cho cuộc sống. Điều này được diễn tả trong Thánh vịnh 1:

Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
nhưng vui thú với lề luật CHÚA,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

Mười Điều Răn là nền tảng cho giao ước trên núi Sinai, nhưng ngôn sứ Giêrêmia mong đợi ngày luật mới sẽ đến, một Luật không phải được ghi trên đá, nhưng được ghi khắc trong tâm hồn của dân:

Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. (Gr 31, 31-33).

 

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

 

Tuân giữ lề luật và có luật “ghi khắc trong tâm hồn” có điều gì khác nhau không? Hãy cho một ví dụ cụ thể.

 

Đấng Tạo Hóa. Ít-ra-en không phải là dân tộc duy nhất có tôn giáo đề cập đến những trình thuật tạo dựng. Tuy nhiên, những trình thuật tạo dựng nơi các tôn giáo của những dân tộc khác trình bày một ý nghĩa rất khác về tạo dựng. Cách chung, theo “các thần thoại,” thì việc tạo dựng được sinh ra từ một trận chiến giữa các vị thần. Một trong những thần thoại này được biết đến là Enuma Elish. Nơi đó, việc tạo dựng được phát sinh từ cuộc chiến giữa thần Marduk và mẹ của ông là Tiamat. Marduk sát hại mẹ và tạo ra trái đất từ thi thể của bà. Con người được tạo ra nhằm phục vụ của các thần. Vũ trụ này không phải là kết quả quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa nhưng từ những cuộc tranh đấu của các sức mạnh thù địch. Cần lưu ý rằng những trình thuật nơi sách Sáng Thế không phải chỉ là “một huyền thoại khác”. Các câu chuyện này là một phần trong các lời được Thiên Chúa linh ứng. Trong Sáng Thế chúng ta có hai trình thuật về tạo dựng. Trình thuật thứ nhất nhấn mạnh việc tạo dựng được phát sinh từ sức mạnh của lời Thiên Chúa. Trình thuật thứ hai mặc khải việc tạo dựng như là kết quả từ lao tác của Thiên Chúa. Quan điểm về tạo dựng của dân Ít-ra-en rất tích cực khi không có sự hiện diện của cuộc giao tranh giữa thiện và ác. Điều này có thể được thấy rõ nơi Thánh vịnh 104:

Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt,
cẩm bào Ngài khoác: muôn vạn ánh hào quang.
Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng,
điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không.
Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió.
Sứ giả Ngài: làm gió bốn phương,
nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn.

Chúa lập địa cầu trên nền vững,
khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời!
Áo vực thẳm choàng lên trái đất,
khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao.
Nghe tiếng Ngài doạ nạt, chúng đồng loạt chạy dài;
sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát,

Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi.

Chúng ta có thể nhận thấy việc tạo dựng con người được miêu tả như là đỉnh cao của công trình sáng tạo ra sao: con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Hình ảnh Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa rất quan trọng đối với người Do Thái, nhưng hình ảnh này chỉ có thể được hiểu với niềm xác tín Thiên Chúa ấy là Đấng vẫn luôn hoạt động nơi lịch sử và cũng là Đấng đã giải thoát dân Ngài. Thiên Chúa tạo dựng muôn loài cũng chính là Đấng giải phóng dân Ngài khỏi ách nô lệ và thiết lập một giao ước với họ.

 

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

Cho đến thời gian gần đây, chúng ta đã bắt đầu nhận ra trái đất này thật quý giá và cũng hết sức mỏng manh. Những thay đổi về môi trường buộc chúng ta phải lượng giá cách thức chúng ta sử dụng hoặc lạm dụng trái đất. Hãy viết một bài ca, ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa vì món quà tạo dựng của Ngài.

 

Thẩm Phán. Thiên Chúa của Cựu Ước là một Thiên Chúa đứng về phía người nghèo và người bị áp bức chống lại những kẻ áp bức họ. Ngài là Thiên Chúa mời gọi dân Ngài vượt lên những nghi lễ tôn giáo để tiến những thực hành đích thực nơi niềm tin của họ: chăm sóc người nghèo, trẻ mồ côi và người quá bụa. Lời mời gọi đầy thách đố này của Thiên Chúa thường đến qua các tiên tri. Khái niệm chung về một tiên tri là người tiên báo về tương lai, nhưng trong Thánh Kinh thì tiên tri chính yếu là người nói nhân danh Thiên Chúa. Các tiên tri đóng vai trò như “lương tâm của dân tộc,” và thường thì chân lý họ loan báo lại là điều dân chúng không muốn nghe.

Tiên tri A-mốt là một trong những tiên tri vĩ đại loan báo về sự công bình của Thiên Chúa. Dân Ít-ra-en đã phát minh nhiều nghi lễ để tôn thờ Gia-vê. Những nghi lễ này thường bao gồm những của lễ chiên bò và múa hát trong buổi lễ. Vào thời của A-mốt (ca. 750 BCE) khoảng cách giữa một số người giàu và nhiều người nghèo là rất lớn. A-mốt đã nói nhân danh Gia-vê :

Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.
Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu. ..
những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.
Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi
Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.
Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,
cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn. (Am 5, 21-24)

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. (Am 8, 4)

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn là tiên tri của Thiên Chúa và sẽ nói một sự thật khó nghe cho dân của Ngài. Vậy sứ điệp của bạn là gì?

 

Hiền Mẫu. Một trong những sai lầm lớn nơi nhiều Kitô hữu đó là cho rằng Thiên Chúa của Cựu Ước là Thiên Chúa của lề luật, trong khi Thiên Chúa của Tân Ước là Thiên Chúa của tình yêu. Chỉ có một Thiên Chúa và Ngài rất mực yêu thương dân Ngài. Tiên tri Isaia đã diễn tả tình yêu này hết sức tuyệt vời. Sau khi lưu đày ở Babilon, Dân cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi. Isaia đoan chắc với dân rằng tình yêu của Thiên Chúa như tình yêu của người mẹ dành cho con thơ của mình:

Xion từng nói: “ĐỨC CHÚA đã bỏ tôi,
Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi! “
Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.
Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta,
thành luỹ ngươi, Ta luôn thấy trước mặt. (Is 49, 14-16)

Thánh vịnh 139 cho thấy Thiên Chúa rất gần gũi và biết sâu xa từng con cái của Ngài. Ngài không chỉ là đấng tạo dựng vũ trụ, nhưng còn là đấng tạo nên từng người chúng ta:

Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,

Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. (Tv 139, 1-2. 13)

 

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

Các Kitô hữu thường gọi Chúa là Cha, nhưng Isaia lại so sánh Thiên Chúa với một phụ nữ mang nặng đẻ đau. Chúng ta có thể học hỏi điều gì từ hình ảnh Thiên Chúa là “hiền mẫu”?

2.      NHỮNG HÌNH ẢNH NƠI TÂN ƯỚC: ABBA, CHA ƠI, VÀ CÁC DỤ NGÔN

Abba, Cha ơi. Đức Giêsu đã dùng từ Abba trong tiếng Aram để nói về Thiên Chúa. Abba là một thuật ngữ đầy yêu thương như “bố” hoặc “ba,” được con cái dùng khi gọi cha của mình. Thuật ngữ này vừa thân mật, vừa kính trọng. Dù từ Abba chỉ được trích dẫn một lần trong Máccô 14: 36, nhưng trong cả bốn Tin Mừng, Chúa Giêsu luôn nói đến Thiên Chúa như là “Cha” và “Cha tôi”. Ngài cũng mời gọi các môn đệ của Ngài làm tương tự. Thánh Phaolô cũng dùng thuật ngữ này trong các thư của ngài để diễn tả ơn gọi Kitô hữu:

Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!”

Khi gọi Thiên Chúa là “Abba,” “Cha”, các Kitô hữu được nhắc nhở về tình thân mật sâu xa giữa Thiên Chúa và con cái của Ngài. Những bản văn này đôi khi được dùng để dạy rằng Thiên Chúa là một người nam, nhưng không phải thế. Chúa Giêsu không muốn dạy chúng ta về giới tính của Thiên Chúa, nhưng về tình yêu vô điều kiện của Ngài dành cho chúng ta. (Chúng ta sẽ nói thêm về vấn đề này ở chương sau). Chúa Giêsu miêu tả Thiên Chúa là Cha rõ nét nhất trong dụ ngôn người con hoang đàng (có thể có một tựa đề tốt hơn là người cha nhân hậu). Trong dụ ngôn này (Lc 15, 11-31), người con trai đòi chia gia tài trước khi cha của anh chết. Cha của anh bán một nửa gia tài của ông, và người con đi xa, tiêu xài phung phí hết tiền của vào một sống vô luân và bất cần. Chỉ sau khi tự vùi mình dưới nhục nhã ê chề, người con mới quay về để xin cha giúp đỡ và để được thuê như một người làm công trong nông trại của cha. Tuy nhiên, người cha đã không nghe những toan tính của anh. Ông đã chạy đến ôm lấy người con bướng bỉnh và mở tiệc đón anh. Người cha thực sự hạnh phúc khi thấy con trở về an toàn và lành lặn.

 

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

 

Hình ảnh Thiên Chúa là Cha khác với hình ảnh là mẹ của tiên tri Isaia thế nào? Những hình ảnh này dạy chúng ta về những nét khác biệt của Thiên Chúa như thế nào? Liệu rằng hình ảnh Thiên Chúa là Cha có bị méo mó nếu một người lớn lên trong tương quan thiếu lành mạnh với chính người cha của mình?

 

Những hình ảnh trong Dụ Ngôn. Đức Giêsu dùng nhiều hình ảnh để nói về Thiên Chúa và có nhiều hình ảnh khá tinh tế vì được miêu tả trong các dụ ngôn. Đức Giêsu cũng không minh nhiên liên kết Thiên Chúa với bất kỳ hình ảnh nào. Trong các dụ ngôn, Thiên Chúa được so sánh với một số các hình ảnh như sau:

  1. Thiên Chúa như vị mục tử đi tìm chiên lạc (Lc 15, 1-7).
  2. Thiên Chúa như người phụ nữ tìm đồng cắc bị mất (Lc 15, 8-10).
  3. Thiên Chúa như một nông dân gieo hạt giống khắp nơi (Mt 13, 4-9).
  4. Thiên Chúa như một nông dân gieo hạt giống tốt (Mt 13, 24-30).
  5. Thiên Chúa như sức mạnh trong hạt cải mọc thành cây to (Mt 13, 31-32).
  6. Thiên Chúa như men làm cho bột dậy lên (Mt 13, 33).
  7. Thiên Chúa như ông chủ vườn nho trả lương cho các người làm nhiều hơn họ đáng được hưởng (Mt 20, 1-16).

Cần lưu ý rằng một số hình ảnh có liên hệ đến người nam, số khác lại liên hệ đến người nữ, số khác lại liên hệ đến thiên nhiên. Mỗi hình ảnh miêu tả một khía cạnh về Thiên Chúa và tương quan của Ngài vời chúng ta.

 

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

 

Bạn hãy chọn ba dụ ngôn được liệt kê phía trên và đọc trọn vẹn ba dụ ngôn ấy. Bạn nghĩ mỗi dụ ngôn đang dạy chúng ta điều gì về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa?

 

3.      CHÚA GIÊSU LÀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA

Chúng ta đã lược sơ qua một số hình ảnh Đức Giêsu đã dùng để nói về Thiên Chúa. Tuy nhiên, sau biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, Hội Thánh sơ khai đã nhận ra Đức Giêsu chính là “hình ảnh” đầy đủ và đích thật về Thiên Chúa. Hơn bất kỳ hình ảnh nào khác, chính Đức Giêsu đã mặc khải Thiên Chúa là ai cho các tín hữu. Tác giả của thư gởi tín hữu Côlôsê viết:

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
vì trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng
hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
nhờ Người và cho Người. (Cl 1, 15-16)

Cùng một chủ đề, tác giả của thư gởi tín hữu Do Thái viết:

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. (Do Thái 1, 1-3a)

Và Tin Mừng Thánh Gioan cũng rất nhấn mạnh vào chủ đề này, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).

 

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

 

Trong số những hình ảnh dưới đây, hình ảnh nào diễn tả sự hiểu biết của bạn về Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa: Chúa Giêsu, thầy dạy? Đức Giêsu, Đấng chịu đóng đinh? Chúa Giêsu Hài Đồng? Chúa Giêsu, bạn của những người tội lỗi? Chúa Giêsu, Đấng chữa lành? Tại sao?

 

4.      Chúa Thánh Thần

Hội thánh sơ khai đã khám phá một điều lạ thường nơi Đức Giêsu Kitô: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài qua Đức Giêsu. Tuy nhiên, sau khi Đức Giêsu phục sinh và lên trời, Hội thánh vẫn tiếp tục cảm nghiệm sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa giữa họ. Đức Giêsu đã không bỏ mặc để Hội Thánh tự xoay sở. Thiên Chúa tiếp tục hiện diện với họ trong và qua Chúa Thánh Thần. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ là Ngài sẽ không bỏ rơi các ông:

Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em… Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (Ga 14, 16-17.26)

Trong đoạn văn trên, Chúa Thánh Thần được mô tả như “đấng bảo trợ” hoặc “đấng an ủi.” Đây là những thuật ngữ pháp lý nhằm diễn tả người đại diện pháp lý của ai đó. Chúa Thánh Thần là vị đại diện của Chúa Cha và Chúa Con.

Luca diễn tả kinh nghiệm đầu tiên về Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần:

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2, 1-4).

Trong trình thuật này, Luca dùng các biểu tượng gió và lửa để mô tả Thánh Thần. Cả hai biểu tượng ấy trong Cựu Ước đều là những biểu tượng cho sự hiện hiện của Thiên Chúa. Gió và lửa là những biểu tượng của tự nhiên diễn tả sức mạnh của Thánh Thần biến đổi các tông đồ. Các ông bỏ lại sợ hãi phía sau và trở thành những chứng nhân ngoan cường của đức tin. Các ông có khả năng rao giảng cho mọi người đến từ các quốc gia với những ngôn ngữ khác nhau.

 

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

 

Bạn có thể mô tả Chúa Thánh Thần cho những ai chưa bao giờ được nghe biết như thế nào?

 

5.      THẦN HỌC KITÔ GIÁO: CHÚA BA NGÔI

Đến nay, chúng ta đã xem xét nhiều hình ảnh cũng như những hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa nơi Thánh Kinh. Tuy nhiên, sự hiểu biết của Kitô hữu về Thiên Chúa không chỉ dừng ở đó. Hội Thánh vẫn tiếp tục cố gắng để hiểu Thiên Chúa là ai.

Hội Thánh sơ khai đã đối mặt một vấn đề. Hội Thánh biết chỉ có một Thiên Chúa. Hội Thánh cũng tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài không phải là Cha. Cũng vậy, Thánh Thần cũng là sự hiện diện của Thiên Chúa nhưng không thể hoàn toàn đồng hóa với Cha và với Con. Liệu rằng Hội Thánh phải thay đổi niềm tin căn bản của Do Thái giáo: chỉ có một Thiên Chúa duy nhất? Chẳng lẽ có ba Chúa sao?

Để có thể giải quyết vấn đề nan giải này, cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã phải suy tư và phản tỉnh sự hiểu biết của họ về Thiên Chúa. Cuối cùng Hội Thánh kết luận là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất nhưng có ba ngôi vị: Cha, Con, và Thánh Thần. Nếu chúng ta cố gắng hiểu điều này theo toán học này thì không thể nào hiểu được. Không thể có chuyện một cộng một cộng một mà vẫn bằng một. Cũng không phải mỗi ngôi vị là một phần ba của Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa thật, dù vẫn phân biệt với nhau.

Nỗ lực để hiểu điều này theo lô-gích thuần túy là một sai lầm. Cần lưu ý rằng mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả nhất của Kitô giáo: mầu nhiệm này vượt trên khả năng hiểu biết của con người. Không có thần học gia nào ngồi suy niệm về Thiên Chúa và kết luận Thiên Chúa phải là Ba Ngôi. Tín điều Ba Ngôi đến từ kinh nghiệm Kitô giáo về mặc khải của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã mặc khải chính mình cho chúng ta là Cha, Con, và Thánh Thần. Đức tin cho chúng ta biết Ba Ngôi hoàn toàn hiệp nhất với nhau, tuy vẫn phân biệt với nhau từng ngôi vị. Hãy xem chúng ta có thể học được điều gì từ mỗi ngôi vị:

  1. Chúa Cha là ngôi thứ nhất của Ba Ngôi. Ngài là nguồn của tất cả, và Chúa Con được sinh ra từ Ngài. Là ngôi thứ nhất, nên Ngài là Đấng Tạo Hóa, là nguồn của mọi sự. Khi gọi Ngài là “Cha,” chúng ta nhắc nhở chính mình rằng Đấng Tạo Hóa là Đấng đã đi vào tương quan tình yêu với thụ tạo của Ngài.
  2. Chúa Con là ngôi thứ hai. Chúa Con là sự diễn tả về Chúa Cha. Ngài còn được gọi là Lời của Thiên Chúa hay Ngôi Lời. Như một họa sĩ thể hiện mình nơi bức tranh, Chúa Cha cũng diễn tả chính Ngài nơi Chúa Con. Chúa Con đã mặc lấy xác phàm nơi con người của Đức Giêsu Kitô. Trong Tân Ước, Chúa Con được hiểu là diễn tả tròn đầy về Chúa Cha. Chúa Con mặc khải cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không chỉ là nguồn gốc của mọi sự, nhưng còn là Thiên Chúa nhập thể. Ngài là Thiên Chúa nhưng đã trở nên một trong chúng ta.
  3. Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba. Thánh Thần là tình yêu được Chúa Cha và Cha Con sinh ra. Tình yêu này là sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa dành sẵn cho chúng ta và hiện diện sâu xa trong lòng chúng ta. Đây là tình yêu cho phép chúng ta chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa.

Nói một cách đơn giản hơn, chính Thánh Thần trong chúng ta cho phép chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Cha, để dâng lời ca ngợi và tôn vinh; và để quay về đón nhận lòng từ bi và thứ tha của Ngài. Cũng chính Thánh Thần diện diện trong chúng ta giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô nơi mọi người nam và nữ; và chấp nhận Ngài là Thiên Chúa của chúng ta.

 

Suy Tư Cá Nhân và Thảo Luận

 

Bạn liên hệ đến Ngôi nào nhất trong giai đoạn đức tin này của bạn? Tại sao?

 

6.      NHỮNG CÂU HỎI ĐẶC BIỆT: SỰ HIỆN HỮU, GIỚI TÍNH CỦA THIÊN CHÚA, VÀ VẤN ĐỀ SỰ DỮ

  1. Làm Sao Chúng Ta Biết Có Thiên Chúa Khi Ngài Vô Hình?

Chúng ta biết có một Thiên Chúa vì Ngài đã mặc khải chính mình Ngài cho chúng ta. Tuy nhiên, đây là tri thức của đức tin. Chúng ta tin vào Thiên Chúa là đấng đã mặc khải chính mình cho chúng ta.

  1. Có thể Chứng Minh Thiên Chúa Hiện Hữu không?

Thật sự là không thể hoàn toàn chứng minh được điều này theo cách theo cách “chứng minh” bình thường. Tuy nhiên có những bằng chứng đáng xem xét như sau:

  1. Thánh Tôma Aquinô, một nhà tư tưởng Công Giáo ảnh hưởng nhất trong lịch sử, tin rằng Thiên Chúa là “nguyên nhân đệ nhất” của việc tạo dựng. Khi chúng ta nhìn vào thế giới chúng ta đang sống, chúng ta có thể tự hỏi: “Mọi sự từ đâu mà đến?” Chúng ta có thể truy nguồn tìm kiếm những nguyên nhân tự nhiên xa nhất có thể, nhưng cuối cùng chúng ta phải chấp nhận rằng phải có một đấng nào đấy không được tạo ra nhưng đấng ấy đã tạo nên mọi sự. Đấng ấy là Thiên Chúa. Thật quan trọng để lưu ý rằng Thiên Chúa không giống như bất kỳ một hữu thể. Thiên Chúa không phải là một hữu thể, nhưng chính ngài là Hữu Thể. Chính tạo dựng giả định có Đấng Tạo Hóa và Đấng ấy vô biên, không giống với bất kì tạo vật nào.
  2. Thêm vào đó, khi chúng ta nhìn vào vũ trụ, chúng ta có thể thấy vũ trụ được tạo dựng với một trí thông minh lạ thường. Chỉ hoạt động của thân xác con người thôi cũng đã là một phép lạ lớn hơn phép lạ Biển Đỏ. Tính thông minh nơi tạo vật cho chúng ta thấy có một Trí Thông Minh vượt trên tính thông minh có thể được thấy nơi vũ trụ. Chúng ta gọi Trí Thông Minh ấy là Thiên Chúa.
  3. Kinh nghiệm con người về sự thiện cũng cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Con người có tự do để sống theo chọn lựa của mình. Con người nghiệm thấy nơi mình một lời mời gọi hướng đến sự thiện, một lương tâm mách bảo con người cần phải sống thế nào. Nếu thực sự được mời gọi để sống một đời sống thiện hảo, ắt hẳn phải có một nguồn tuyệt đối nào đó về sự thiện này. Nếu không, tốt và xấu chỉ là điều con người tự mình ấn định. Nếu tôi muốn là một người đánh thuê cho một tổ chức tội phạm thì cũng tốt thôi, vì đó là lựa chọn của tôi. Chính tôi xác định điều nào tốt và điều nào xấu. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng sống như Mẹ Têrêsa thì tốt hơn là một kẻ buôn bán thuốc phiện vì chúng ta có lương tâm. Chính Lương tâm cho thấy Sự Thiện Tuyệt Đối, đó là Thiên Chúa.
  4. Con người nghiệm thấy mình có khả năng để suy nghĩ, để phản tỉnh, để ca ngợi vẻ đẹp và sự thiện hảo. Đây là chiều kích tâm linh của con người và chiều kích ấy cho thấy có một thực tại tâm linh tuyệt đối, đó là Thiên Chúa.
  1. Thiên Chúa là một người đàn ông?

Hầu hết mọi người tin Thiên Chúa là đàn ông, nhưng thần học Kitô giáo tin rằng thì Thiên Chúa là tinh thần thuần túy. Ngài không phải là thụ tạo, vì vậy Ngài không có giới tính. Thiên Chúa không phải nam cũng không phải nữ. Tuy nhiên vì chúng ta nói về Thiên Chúa như một con người, nên chúng ta thường mô tả ngài là người nam vì Thánh Kinh dùng rất nhiều hình ảnh người nam. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bên cạnh hình ảnh người nam, còn có rất nhiều hình ảnh khác, và suy cho cùng, hình ảnh cũng chỉ là hình ảnh mà thôi. Thiên Chúa là Cha yêu thương, nhưng Thiên Chúa cũng là Mẹ hết mực yêu thương chúng ta. Thật quan trọng và hữu ích khi có thể thấy được cả nam tính và nữ tính nơi Thiên Chúa.

  1. Nếu Thiên Chúa toàn năng, tại sao Ngài lại cho phép sự dữ xảy ra?

Lời đáp sau cùng cho vấn nạn này là không thể biết được, tuy nhiên, chúng ta có thể có một vài tia sáng về vấn đề này như sau:

  1. Thiên Chúa tạo dựng con người để yêu mến Ngài và người khác. Để điều này có thể xảy ra, con người phải có tự do (vì nếu không, con người chỉ như những người máy đã được lập trình.) Con người đã lạm dụng tự do của mình và đã đưa đau khổ và tội lỗi vào trần gian.
  2. Một số đau khổ không phải do tội mang lại. Con người mắc phải những bệnh nan y và hết sức đau đớn. Trẻ em bị chết vì động đất và tai nạn. Một số bị chết khi sinh. Tại sao Thiên Chúa không làm điều gì đó cho các em? Dường như trong khi Thiên Chúa hoàn hảo, thì thụ tạo của Ngài lại bất toàn, và sự bất toàn này đem đau khổ đến cho con người. Từ quan điểm đức tin, không có đau khổ hoặc sự dữ nào có thể vượt qua tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không thể thấy được “bức tranh toàn thể” và nơi bức tranh ấy, Thiên Chúa sẽ cứu độ tất cả những ai đau khổ qua tình yêu của Ngài.

Những Câu Hỏi Ôn Tập

  1. Chủ đề nào kết nối tất cả các sách Cựu Ước?
  2. Danh của Thiên Chúa được mặc khải cho Môsê là gì? Danh đó nói cho chúng điều gì về Thiên Chúa?
  3. Bài ca của dân Ít-ra-en trong sách Xuất Hành chương 15 miêu tả Thiên Chúa theo hình ảnh nào?
  4. Vai trò của luật là gì trong giao ước?
  5. Tiên tri Giêrêmia đã mường tượng luật mới như thế nào?
  6. Các câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng Thế khác với những câu chuyện trong sách Enuma Elish thế nào?
  7. Sứ mạng của tiên tri Amót là gì? Sứ mạng đó cho chúng ta biết điều gì về Thiên Chúa?
  8. Hình ảnh người nữ nào được tiên tri Isaia dùng để diễn tả Thiên Chúa?
  9. Danh xưng “Abba” có nghĩa gì? Danh xưng cho chúng ta biết cách hiểu của Đức Giêsu về Thiên Chúa như thế nào? Câu chuyện dụ ngôn nào miêu tả đầy đủ nhất về danh xưng “Abba” này?
  10. Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh tự nhiên nào để nói về Thiên Chúa trong các dụ ngôn?
  11. Với các Kitô hữu, đâu là hình ảnh hoàn hảo nhất về Thiên Chúa?
  12. Gioan dùng thuật ngữ nào để diễn tả Chúa Thánh Thần? Thuật ngữ ấy cho chúng ta biết điều gì về Thánh Thần?
  13. Luca dùng những thuật ngữ nào để tượng trưng cho Thánh Thần? Tại sao?
  14. Tín điều về Ba Ngôi nói cho chúng ta điều gì về Thiên Chúa?
  15. Theo thần học Công Giáo, Thiên Chúa có phải là một người nam?
  16. Nếu Thiên Chúa toàn năng, thì tại sao Ngài không kết thúc các cuộc chiến ngay đi?

Chuyển dịch: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 67-84.