CHƯƠNG II

ĐỨC TIN: TƯƠNG QUAN CHÚNG TA VỚI THIÊN CHÚA

Ảnh từ Internet

Trở nên một người có đức tin có nghĩa là gì? Có phải là việc chúng ta đi lễ mỗi Chúa Nhật? Hay cầu nguyện? Hay là có tượng Đức Maria và các thánh? Tất cả những điều này chắc chắn là những biểu hiện bên ngoài của một con người có đức tin. Thế nhưng, đức tin thực ra là điều gì đó ẩn chứa trong tim và không dễ diễn đạt thành lời. Chương này, chúng ta sẽ xem xét những khía cạnh khác nhau của một người có đức tin và cố gắng nhận ra rằng, đức tin được hiểu là những thái độ cần có trong tương quan với Thiên Chúa.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Theo bạn, ai là người được cho là có đức tin sâu xa? Điều gì nơi người đó làm bạn xác tín như vậy?

 

1.      TIN LÀ TÍN THÁC

Ba tôi mất lúc tôi lên tám. Tôi còn nhớ, khi đang ngồi trên xe bus từ trường về nhà, tôi thấy xe cứu thương chạy bên kia đường. Sau đó, tôi được dẫn tới nhà một người hàng xóm, và một giờ sau thì mẹ mới tới và nói với tôi rằng, ba tôi đã mất. Khi đang ngồi với anh chị, tôi còn nhớ mẹ nói với chúng tôi rằng, dù thế nào đi nữa mọi sự rồi sẽ qua. Lúc ấy, đối với tôi, thế giới dường như đang sụp đổ và tôi chắc rằng mẹ tôi còn thất vọng hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn một lòng tín thác.

Có lẽ đây là ý niệm mạnh mẽ nhất về đức tin mà tôi kín múc được hồi còn nhỏ. Dẫu cho mọi sự xem ra có thể tồi tệ nhất, nhưng, ở một mức nào đó, chúng tôi vẫn tín thác vào Chúa. Đây thực sự là ý niệm về đức tin được gửi gắm trong bản nhạc thiếu nhi: “Ngài nắm gọn cả thế giới trong tay Ngài.” Ý nghĩa của nhạc khúc này là chúng ta không cô đơn nơi thế giới. Thiên Chúa không dựng nên thế giới và rồi bỏ rơi nó. Cuộc đời của chúng ta hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa. Điều này xem ra là một đức tin rất giản đơn và ngây thơ, nhưng lại là cốt lõi của đức tin Kitô Giáo. Chúng ta phải sống tín thác vào Thiên Chúa như trẻ thơ. Điều này không có nghĩa là chúng ta né tránh trách nhiệm, nhưng đúng hơn, chúng ta phải sống và yêu hết mức có thể, và đặt mọi sự khác trong bàn tay Thiên Chúa. Dẫn chứng kinh điển cho điều này là tổ phụ Abraham ở trong Cựu Ước. Ông đã tín thác vào lời Thiên Chúa hứa nên được gọi là cha của một dân tộc lớn.

Thái độ tín thác cũng được thể hiện nơi cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu. Ngài dạy các môn đệ rằng:

Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? … Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. (Mt 6, 26-27. 31-33)

Hơn hết, Chúa Giêsu đã rao giảng đức tin là sự tín thác vào Thiên Chúa và chính Ngài đã sống điều đó. Ngài bị từ chối bởi hầu hết những người nghe Ngài giảng, một trong những môn đệ thân tín nhất cũng phản bội Ngài, và tận cùng là việc Ngài bị giết chết vì sứ điệp Ngài rao giảng. Trong đêm trước cái chết của Ngài, chúng ta biết rằng, Ngài đã hết mực cầu xin được theo con đường khác, nếu có thể. Tuy nhiên, cuối cùng Ngài vẫn đặt sự tín thác vào Thiên Chúa, dẫu cho phải đối mặt với một cái chết nhục nhã và tàn khốc trên thập giá.

Lời cầu nguyện ẩn danh “Những dấu chân”[1] diễn tả thái độ đức tin này:

Một đêm kia tôi bỗng nằm mơ,

Thấy tôi cùng Chúa bước ven bờ

Bầu trời biển là gương phản chiếu,

Quãng đời tôi từ thuở còn thơ.

Với mỗi cảnh hai dấu tôi nhận ra:

Chân in cát trắng bước gần xa

Dấu của tôi kề bên của Chúa

Dấu ân tình người con nép bên Cha.

Rồi trông lại những dấu chân trên cát,

Tôi nhận ra có những lần mất mát

Trong cuộc đời gặp những lúc đắng cay

Một dấu chân khiến lòng thêm tan nát.

Tôi hoang mang chua xót mới hỏi rằng,

Chúa ơi Ngài có biết cho chăng

“Này con khi quyết lòng theo Chúa,

Suốt cuộc đời khỏi hối tiếc ăn năn.

Ta sẽ mãi bước cùng con yêu dấu,

Lúc an bình trong hiểm nguy chiến đấu.”

Phải lời Ngài âu yếm nói con nghe

Sao hiểm nguy chỉ cô đơn nung nấu?

Và tôi nghe tiếng Chúa trả lời,

“Này con yêu dấu của Ta ơi,

Nào có bao giờ Ta quay gót

Để mình con nguy khốn Ta bỏ rơi?”

Ta đã yêu và mãi mãi bên con,

Lúc con đau buồn – lẫn cô đơn

Lúc duy còn một dấu chân trên cát

Là chính lúc Ta đang ẵm bồng con!”

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn tin tưởng vào ai nhất trong cuộc đời bạn? Có lúc nào bạn phải đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa chưa? Đó là hoàn cảnh nào?

 

2.      TIN LÀ NHẬN BIẾT VÀ YÊU MẾN THIÊN CHÚA

Hơn cả sự tín thác vào Chúa, đức tin là mối tương quan với Ngài mà chúng ta được sinh vào đó. Vì thế, đức tin là ơn Thiên Chúa ban, nó cũng là tên gọi của tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Đôi khi con người khám phá nơi mình lòng khao khát Thiên Chúa – lòng khao khát biết và yêu mến Thiên Chúa cách tròn đầy hơn. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn nỗi khao khát này. Bởi vì, chúng ta không phải là Thiên Chúa nên chúng ta không bao giờ có thể biết Ngài cách trọn vẹn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản chúng ta tìm biết Thiên Chúa là ai và điều Ngài mong muốn nơi chúng ta. Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh 42 đã diễn tả lòng khao khát nhận biết Thiên Chúa thế này:

Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,

hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.

Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

      Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?

Chúa Giêsu cũng nói về lòng khao khát này, “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7, 7). Ngài không có ý nói về những thỉnh cầu chúng ta muốn Chúa thực hiện cho ta (“xin giúp con vượt qua bài kiểm tra môn toán này!”), nhưng muốn nói về  một cuộc sống liên lỉ tìm kiếm Chúa. Nếu chúng ta lên đường tìm kiếm, chúng ta sẽ đạt được mục đích của mình.

Lòng khao khát này nằm ở tâm điểm hiện hữu của chúng ta. Mọi ao ước và hy vọng được hạnh phúc và thành toàn của chúng ta thực sự chính là lòng khao khát Thiên Chúa, Đấng là cùng đích và là sự thành toàn đích thực của đời sống chúng ta. Thế nhưng, sự đói khát Thiên Chúa trong chúng ta có nguy cơ dẫn chúng ta đi sai đường. Thông thường, những người tìm kiếm sự thành toàn của mình nơi các sự vật thì sẽ không thể nào tìm được. Chẳng hạn, thánh Augustino dấn mình vào việc nghiên cứu triết học và tương quan với một người phụ nữ, người đã sinh cho ông một đứa con, nhưng, cuối cùng, triết học cũng như cô tình nhân không làm thỏa mãn nhu cầu sâu xa nhất của ngài. Để rồi, khi trở thành một kitô hữu, ngài đã nhận ra mình được dựng nên vì tình yêu và vì vinh quang của Thiên Chúa. Nhìn lại cuộc đời, Augustino thốt lên, “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và lòng con hằng khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài”.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đâu là những “cùng đích chết” mà người đời có thể theo đuổi trên con đường tìm kiếm hạnh phúc?

 

3.      TIN LÀ MỘT LỐI SỐNG

Đối với Dân Do Thái, cách thức tốt nhất để biết Thiên Chúa và yêu mến Người là trung thành với Torah (giáo huấn hay “giới luật”). Đức Tin không đơn giản là một tập hợp những ý tưởng – đó là một lối sống. Torah là một hướng dẫn chắc chắn để có thể bước đi trong đường lối của Thiên Chúa. Do vậy, tác giả Thánh Vịnh 1 viết:

Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,

chẳng bước vào đường quân tội lỗi,

không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,

nhưng vui thú với lề luật CHÚA,

nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày…

Vì CHÚA hằng che chở nẻo đường người công chính,

còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.

(Tv 1, 1-2.6)

Một điều rất quan trọng cần lưu ý: đức tin liên quan đến mọi ngõ ngách nơi đời sống của chúng ta. (Đó là “nẻo đường của người công chính”). Người Do Thái bị cám dỗ giảm thiểu đức tin thành những nghi thức tôn giáo thuần túy. Điều này đã bị các ngôn sứ lên án gay gắt. Các ngôn sứ nhấn mạnh, đức tin chân thật phải liên hệ đến đời sống và nhu cầu thực của người khác. Ngôn sứ Amos đã kết án đức tin sai lầm trong thời của ông, khi họ dùng lễ hội và lễ vật thay cho lẽ phải và lòng thương xót. Hãy lắng nghe lời công bố của Amos về sấm ngôn của Đức Chúa:

Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;

hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.

Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu. ..

những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,

chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.

Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi

Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.

Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,

cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.

(Am 5, 21-24)

Vấn nạn này cũng đã tồn tại trong thời Giáo Hội sơ khai (và trong suốt lịch sử của Giáo Hội). Rõ ràng, vấn đề này đã diễn ra nơi một trong những cộng đoàn sơ khai khi một số người trong cộng đoàn ấy không sống đức tin của mình. Dưới đây là những điều thánh Giacôbe viết cho họ trong thư của ngài:

Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. (Gc 2, 14-17)

Ngày nay, dường như có một xu hướng tồi tệ khi liên kết đức tin với một giờ đồng hồ mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật. Chắc chắn Thánh Thể hết sức quan trọng, nhưng Thánh Thể không phải toàn bộ của đức tin. Người kitô hữu tụ họp với nhau vào ngày Chúa Nhật để cử hành đức tin mà họ được mời gọi sống hàng ngày và hàng giờ. Cần nhớ rằng Kitô Giáo khởi đầu có nghĩa là “con đường” và dấu chỉ để nhận ra người kitô hữu là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chính Chúa Giêsu đã không ngừng khẳng định điều này. Ngài nói:

“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7, 24-27).

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn có thể áp dụng sứ điệp của ngôn sứ Amos thế nào cho thời đại của chúng ta?

 

4.      TIN BẰNG CON TIM

Những tương quan quan trọng nhất trong cuộc sống luôn được bám rễ sâu xa nơi con tim của chúng ta. Nơi những tương quan này, mối dây liên kết bằng tình yêu mạnh mẽ đến mức người ta thực sự trở nên một phần của nhau. Cũng thế, tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng cần một mối liên kết tương tự. Khi tương quan của chúng ta với Thiên Chúa càng lớn mạnh, thì tương quan ấy ngày càng trở nên một phần con người của chúng ta chúng ta. Chúng ta không thể hình dung được chúng ta sẽ thế nào nếu không có những tương quan tình bạn thân thiết hay gia đình. Tuy nhiên, không dễ để chúng ta có được một đức tin như vậy, và nhiều người (nếu không muốn nói là tất cả mọi người,) không thể đạt đến chiều sâu như vậy cho đến tuổi trưởng thành. Tin Mừng Maccô trình bày một câu chuyện minh họa ba cách hiểu đức tin khác nhau, nhưng chỉ có một cách đúng đắn. Câu chuyện này diễn ra khi Chúa Giêsu đang ở trong đền thờ Giêrusalem.

Trong lúc giảng dạy, Đức Giêsu nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”

Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12, 38-44).

Câu chuyện này minh họa ba cách hiểu ý nghĩa của đức tin rất khác nhau. Với những kinh sư, đức tin là những hình thức đạo đức bề ngoài hầu được người khác kính trọng. Không có phân biệt nào giữa người đạo đức và người sống đức tin. Tuy nhiên, các kinh sư thực sự chỉ chú tâm đến địa vị và danh dự của mình. Họ dùng đức tin của dân Israel để tôn vinh bản thân. Đó cũng là cám dỗ rất thường gặp đối với những người “đạo đức”một cách chuyên nghiệp (như tác giả của cuốn sách này).

Cách hiểu thứ hai về đức tin được trình bày bởi người giàu có đang dâng cúng trong đền thờ. Chúa Giêsu không bình luận người ta phải dâng cúng bao nhiêu tiền, nhưng Ngài dùng số tiền họ dâng cúng như một biểu tượng về đức tin của họ. Theo câu chuyện, người giàu có chỉ dâng một phần của họ. Đức tin là một phần của cuộc sống, nhưng không phải là cốt lõi của họ. Những bổn phận tôn giáo cũng là một phần trong số các phần khác như việc họ có gia đình, bạn bè, công việc, sở thích riêng. Họ trung thành với những bổn phận tôn giáo, nhưng Thiên Chúa chỉ chiếm một phần trong cuộc sống của họ.

Trái lại, bà góa cho thấy một người có niềm tin đích thật. Bà đã dâng hết tất cả những gì bà có. Bà thực hiện giới răn đứng đầu trong số các giới răn mà Chúa Giêsu đã chọn:

“Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (Mc 12, 29-30).

5.      TIN LA SỰ CAM KẾT CA VỊ

Một sự thật đáng buồn là có vô số kitô hữu chỉ mang danh kitô hữu mà thôi. “Đức tin” của họ không gì hơn là một sự tình cờ của cuộc đời. Họ được rửa tội khi mới sinh, được gia nhập Giáo Hội, và thế rồi đã trở thành “Kitô hữu” hay “người công giáo.” Điều này khác xa với cách hiểu về đức tin của Chúa Giêsu. Với Chúa Giêsu, đức tin có nghĩa là sự hoán cải cá vị. Chìa khóa của đức tin phải là tự mình chọn đức tin cho chính bản thân mình. Đức tin cho thấy họ là ai và điều họ tin quan trọng thế nào.

Trong Giáo Hội Công Giáo, bí tích Thêm Sức thường được liên kết với việc cá nhân chọn lựa để dấn thân trở thành một Kitô hữu. Nhưng, những người lãnh nhận bí tích này có thực sự hiểu như thế, hay đây chỉ là một minh chứng cho thấy đức tin là một “hệ thống”? Chỉ việc xếp hàng và lãnh nhận các bí tích. Nhiều khi những người trẻ gặp khó khăn khi dấn thân trong đời sống đức tin của mình. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Khả năng dấn thân của chúng ta chỉ bắt đầu vào thời niên thiếu. Nếu từng lứa tuổi đều gặp phải những bối rối, thì đức tin cũng không ngoại lệ. Có lẽ, câu hỏi quan trọng thời niên thiếu là liệu tôi có đang cố gắng lớn lên trong đức tin hay không? Tôi có sống các giá trị của đức tin không? Tôi đang tìm kiếm thời gian để cầu nguyện? Tôi đang tìm đáp án cho các câu hỏi của tôi? Đối với nhiều người, đây là thời gian chuẩn bị nền tảng cho sự dấn thân trong tương lai. Trong khi đó, cũng có những người đã và đang dấn thân rồi!

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong mức độ từ 1 đến 10, bạn đã chọn lựa và dấn thân cho đức tin của bạn ở mức nào? Bạn sẽ làm gì để giúp cho đức tin ngày một lớn mạnh hơn?

 

6.      NHIỀU ĐỨC TIN HAY MỘT ĐỨC TIN

Nếu hiểu đức tin là tương quan của con người với Thiên Chúa, thì chúng ta phải thừa nhận rằng đức tin rộng lớn hơn Kitô Giáo. Nhiều người không phải là kitô hữu, nhưng họ có một đức tin vào Thiên Chúa rất sâu xa và thiết thực. Các tôn giáo trên thế giới là những diễn tả về đức tin đa dạng và phong phú của nhiều người, nhiều dân tộc. Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Ấn Độ Giáo, Phật Giáo và Kitô Giáo là những tôn giáo lớn trên thế giới. Ngoài ra, trên khắp thế giới còn có những truyền thống tôn giáo khác nơi các nhóm hay các nền văn hóa nữa. Vậy phải chăng chỉ có một tôn giáo trong số các tôn giáo ấy là tôn giáo thật, trong khi những tôn giáo khác là sai lầm? Giáo Hội Công Giáo bác bỏ cách hiểu trên về các tôn giáo khác. Một mặt, chỉ có một đức tin duy nhất vì chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nhưng có nhiều cách thức diễn tả đức tin duy nhất ấy. Những cách thức diễn tả có thể đa dạng và phong phú, tùy vào văn hóa và truyền thống của các dân tộc. Cũng có thể, một số “đức tin” hay tôn giáo diễn tả đức tin duy nhất một cách tròn đầy, sâu xa và phong phú hơn, so với các tôn giáo còn lại.

Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, tin vào Chúa Giêsu Kitô không phải là cách duy nhất để đến với Thiên Chúa, nhưng là cách thức đặc biệt và đỉnh cao để đến với Thiên Chúa. Lý do không phải vì các kitô hữu là những người độc đáo hay đặc biệt, nhưng đúng hơn, vì Chúa Kitô là duy nhất trong toàn bộ lịch sử. Chúa Giêsu Kitô là mạc khải tròn đầy và trọn vẹn của Thiên Chúa Cha mà không một ai khác có thể hoặc thậm chí sẽ mặc khải tròn đầy và trọn vẹn hơn. (Trên bình diện cá nhân, có thể có những tín đồ nhiệt thành của Hindu, Hồi Giáo, Do Thái Giáo…thánh thiện hơn hay gần gũi Thiên Chúa hơn một kitô hữu. Và quả thật, các kitô hữu cũng có thể học từ những tôn giáo khác, hoặc những người không phải là kitô hữu về cầu nguyện, về nghi lễ và về cách sống một đời sống đức tin. Tuy nhiên, không điều nào trong những điều này có thể thay thế sự duy nhất của Đức Kitô và vai trò của Ngài trong lịch sử cứu độ.)

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Dường như những người Kitô hữu đang ở trong sự giằng co. Một mặt, họ phải tránh thói kiêu căng xem mình là những người có đức tin đúng và thật. Mặt khác, họ vẫn phải tin vào sự độc nhất của Chúa Giêsu. Trong mối giằng có ấy, bạn nghĩ gì về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội tại các quốc gia có truyền thống tôn giáo không phải là Kitô Giáo? Chúng ta có nên tích cực tìm cách cải đạo giúp họ quay về Kitô Giáo không? Nếu có thì tại sao?

7.      ĐỨC TIN KITÔ GIÁO: CHẤP NHẬN ĐỨC GIÊSU LÀ CHÚA

Ở trên, chúng ta đã nói đức tin là sự tín thác vào Thiên Chúa. Đây là một đức tin căn bản và nền tảng. Một người Do Thái, Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo hay bất cứ người nào khác cũng có thể sở hữu loại đức tin cơ bản đó. Tuy nhiên, đức tin này trổi vượt nơi Ki tô giáo bởi đó là một đức tin độc đáo, có một không hai. Các Kitô hữu tin rằng, Thiên Chúa mà họ tín thác và tìm kiếm đã mạc khải cho họ trong và ngang qua Đức Giêsu Kitô. Đức tin trở nên đức tin Kitô Giáo khi một người và một cộng đoàn chấp nhận Đức Giêsu là mạc khải của Thiên Chúa trong lịch sử. Đây là ý niệm chính yếu của đức tin được tìm thấy trong Tân Ước. Tin Mừng cho biết, người ta tin vào Chúa Giêsu bởi vì họ nhận ra và chấp nhận quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi Ngài.

Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi!” là nó đi, bảo người kia: “Đến!” là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!” là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. (Mt 8, 5-10).

Trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, đức tin được hiểu như việc thừa nhận Thiên Chúa đang hoạt động nơi Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, có nhiều người từ chối điều này. Một số nhà lãnh đạo tôn giáo xem Chúa Giêsu là hiểm họa đe dọa đức tin thật của Israel. Họ bị vấp ngã vì việc Chúa Giêsu đi lại với những người tội lỗi, và xem quyền năng lạ lùng nơi Người như dấu chỉ hiện diện của Satan.

Sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, tin vào Chúa Giêsu nghĩa là chấp nhận cái chết và sự phục sinh của Ngài là quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Điểm nhấn được chuyển từ lời và những hành động sang cái chết và sự phục sinh của Ngài. Giờ đây, đức tin Kitô Giáo quy về chính Đức Kitô như là Đấng Messiah và là Thiên Chúa.

Ngày nay, đức tin Kitô Giáo dù rất đa dạng nhưng tất cả đều có một điểm chung duy nhất. Đó là, chấp nhận Đức Giêsu là con đường cứu độ của Thiên Chúa.

8.      ĐỨC TIN VÀ MẶC KHẢI

Một trong những vấn đề lớn mà Giáo Hội sơ khai đã phải đối diện đó là “các ngôn sứ giả”. Nhiều sách Tân Ước đã đề cập đến loại người này và cảnh báo tín hữu cần cảnh giác với họ. Nói cách khác, đức tin giờ đây chứa đựng những điều thực sự được Thiên Chúa mạc khải. Những điều này tạo thành nội dung của đức tin. Đấy là những điều người tín hữu tin. Đến nay, chúng ta vẫn nhấn mạnh Đấng người tín hữu tin, đó là Thiên Chúa. Nhưng, có những yếu tố khác của đức tin mà chúng ta thấy nơi các tín điều của Giáo Hội. Đức tin có nội dung. Đức tin Công Giáo có một nội dung cụ thể khác với đức tin của Do Thái Giáo, Hồi Giáo hay Phật Giáo, v.v… Đó là những giáo huấn của đức tin.

Một trong những khác biệt lớn nhất giữa đức tin Công Giáo và đức tin Tin Lành là Giáo Hội Công Giáo khẳng định đức tin bao gồm “một sự gắn bó của lý trí đối với những điều được Thiên Chúa mạc khải.” Điều này không phủ nhận ý niệm đức tin là sự tín thác vào Thiên Chúa, nhưng còn thêm vào một chiều kích khác của đức tin. Điều này cũng không loại bỏ sự cần thiết phải sống đức tin của mình bằng hành động. Hơn nữa, đức tin cũng không chỉ là niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và đi theo “đường lối” của Ngài, đức tin ấy còn là chân lý nữa. Đức tin là mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, và tương quan này cho phép chúng ta hiểu được những chân lý do Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta. Những chân lý ấy còn được gọi là các tín điều. Tín điều là những điều căn bản của đức tin (chẳng hạn như: sự phục sinh của Chúa Giêsu, thiên tính và nhân tính của Người, mầu nhiệm Ba Ngôi, v.v…). Trong quá khứ, chiều kích này của đức tin đôi khi hạ thấp tầm quan trọng của việc sống đức tin và đi vào tương quan cá vị với Thiên Chúa. Điều này có thể được thấy nơi cách giáo dục đức tin cho người Công Giáo trước Công Đồng Vatican II (1962-1965). Người ta thường học hỏi đức tin bằng cách ghi nhớ theo kiểu hỏi-thưa liên quan đến các giáo huấn của Giáo Hội. Các giáo huấn và con người Đức Giêsu thì hiếm khi được nhấn mạnh, cũng như Kinh Thánh thì hầu như không bao giờ được đụng đến. Kể từ sau Công Đồng, Giáo Hội đã nỗ lực hơn trong việc tái khám phá những ý niệm của đức tin khi dựa vào Thánh Kinh, nhưng đồng thời vẫn duy trì tầm quan trọng của đức tin được hiểu như là tri thức về chân lý đã được mạc khải.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Hãy hỏi ba mẹ và các thầy cô về nền giáo dục tôn giáo khi họ còn nhỏ. Dựa vào đó, bạn hãy xét xem cách học ấy có phản ánh ý niệm đức tin như việc học thuộc lòng các tín điều của Giáo Hội không?

 

9.      NỘI DUNG CỦA ĐỨC TIN

Đức tin Công Giáo không được tái chế theo từng thế hệ. Có những xác tín cơ bản làm nên trọng tâm của Giáo Hội Công Giáo. Những xác tín này không phải là những ý tưởng khô khan xa rời cuộc sống. Điều chúng ta tin nên được áp dụng cho cách chúng ta sống. Chẳng hạn, những niềm tin của chúng ta về Thiên Chúa sẽ ảnh hưởng đến lý tưởng sống của chúng ta. Khi chúng ta tin Chúa là Đấng oán giận và thích báo thù, chúng ta có thể sống trong sợ hãi và tùng phục, nhưng không phải là yêu mến. Khi chúng ta tin Giáo Hội Công Giáo là con đường duy nhất để được ơn cứu độ, chúng ta có thể dành cả đời mình để cố gắng thuyết phục những người khác rằng họ đã sai, còn chúng ta đúng. Phần mục lục của cuốn sách này sẽ cho thấy một sự quan tâm lớn về “nội dung” của đức tin. Người Công Giáo có những niềm tin đặc thù về Thiên Chúa, về cứu độ, về Chúa Giêsu, về Giáo Hội, về các bí tích và luân lý. Cuốn sách này sẽ nỗ lực để xem xét những niềm tin này. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là chúng ta cần luôn tự hỏi: niềm tin này ảnh hưởng đến tôi, đến cách tôi sống và đến tương quan với người khác thế nào?

Một vài yếu tố trong nội dung của đức tin cần được lưu ý:

  1. Tín điều: Đây là những giáo huấn cốt yếu của Giáo Hội. Đó là những điều cốt lõi của đức tin của chúng ta. Chẳng hạn, Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Tín điều không thể thay đổi mà không làm thay đổi đức tin. Tuy nhiên, sự hiểu biết của chúng ta về một tín điều có thể thay đổi và tiến triển.
  2. Giáo thuyết/giáo huấn: Đây là những giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Theo lý thuyết, một số giáo huấn có thể thay đổi. Chẳng hạn, phụ nữ không thể trở thành linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Mặc dầu giáo huấn này có thể chẳng bao giờ thay đổi, nhưng về mặt lý thuyết thì hầu hết các thần học gia tin rằng, giáo huấn này có thể thay đổi bởi vì nó không phải là tín điều của đức tin. (Tất cả các tín điều là những giáo thuyết, nhưng tất cả các giáo thuyết không phải là tín điều.)
  3. Giáo luật: Đây là những luật chính thức để điều phối sự vận hành của Giáo Hội. Chúng bao trùm nhiều chủ đề rộng lớn khác nhau.
  4. Thần học: Đây là nỗ lực hiểu biết và giải thích giáo huấn của Giáo Hội. Các thần học có thể thay đổi từ thầy dạy này đến thầy dạy khác miễn sao chúng tìm thấy cách thức tốt nhất để giải thích ý nghĩa của đức tin Kitô Giáo.

10.  ĐỨC TIN CÔNG GIÁO

Đâu là tính độc nhất của đức tin Công Giáo? Đức tin Công Giáo phân biệt với các hình thức khác của đức tin Kitô giáo như thế nào? Đây là một câu hỏi hết sức khó trả lời, nhưng một số đặc tính của đức tin Kitô Giáo Công Giáo khi được đặt chung với nhau có thể cho thấy tính độc đáo của đức tin này. Cùng với những yếu tố mang tính “tín điều”, một số đặc tính của đức tin Kitô Giáo Công Giáo có thể bao gồm những điều sau:

  1. Từ “Công Giáo” có nghĩa là chung, phổ quát. Đức tin Công Giáo luôn mở ra với kinh nghiệm phổ quát của con người. Đức tin ấy dành cho mọi người và bao gồm mọi người. Đạo Công Giáo không bao giờ có tính loại trừ. Trong Giáo Hội Công Giáo luôn có những tư tưởng, quan niệm và văn hóa hết sức đa dạng. Vì thế, Công Giáo đủ lớn cho tất cả mọi người.
  2. Đức tin Công Giáo có “tính bí tích” sâu xa. Điều này đơn giản nghĩa là đức tin Công Giáo nhìn nhận rằng sự hiện diện của Thiên Chúa có thể được nhận ra nơi thế giới này. Thế giới không phải là Thiên Chúa, nhưng thế giới phản ánh sự hiện diện của Ngài. Thế giới và kinh nghiệm của con người mang tính bí tích, vì chúng là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa; người Công Giáo tin rằng Thiên Chúa phải được tìm thấy nơi kinh nghiệm sống thường ngày.
  3. Đức tin Công Giáo có “tính tông truyền.” Công Giáo có một lịch sử lâu dài và thánh thiêng. Tuy nhiên, ý niệm “truyền thống” không bị trói buộc với quá khứ. Các truyền thống mới luôn trong tiến trình được ra đời và truyền rao. Mục đích của truyền thống không phải làm cho Giáo Hội sống trong quá khứ, nhưng đúng hơn là giúp đức tin sống động cho mỗi thế hệ. Vì vậy, Thánh Thể là một truyền thống xa xưa và đáng tôn kính trong Giáo Hội, nhưng có thể được cử hành theo nhiều hình thức khác nhau hầu làm cho bí tích đó sống động đối với con người của thế kỷ 20 và đối với con người thuộc các nền văn hóa khác nhau.
  4. Đức tin Công Giáo mang tính cộng đồng. Giáo Hội Công Giáo là đức tin của một dân tộc. Chúng ta sẽ thấy điều này rõ hơn trong chương nói về Giáo Hội. Hành trình đức tin là hành trình của một cá nhân, nhưng cá nhân đó không bao giờ đi một mình. Chúng ta sống đức tin trong tương quan với những người khác. Trở thành một người Công Giáo nghĩa là trở thành một phần của cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn làm phong phú đời sống của mọi thành viên trong đó.
  5. Đức tin Công Giáo xem tội rất nghiêm trọng, nhưng lại nhìn nhận vai trò của ân sủng còn quan trọng hơn. Giáo Hội Công Giáo nhìn con người giới hạn, bị tổn thương và cần được chữa lành. Tuy nhiên, một cách sâu xa, Giáo Hội hiểu con người được Thiên Chúa yêu thương, con người có khả năng yêu thương và chăm sóc. Hai yếu tố này luôn căng thẳng nơi con người chúng ta, và chúng ta không nên phớt lờ yếu tố nào. Thế nhưng, Giáo Hội Công Giáo luôn luôn nhấn mạnh ân sủng của Thiên Chúa vượt trên tội lỗi của con người.
  6. Đức tin Công Giáo chấp nhận Đức Giáo Hoàng là người kế vị thánh Phêrô và là đầu của các Giám Mục, những người kế vị các Tông Đồ. Đức tin Công Giáo xem trọng thẩm quyền của Giáo Hội, đồng thời nhìn nhận tầm quan trọng của lương tâm cá nhân.

Trong chương này, chúng ta đã cố gắng xem xét ý nghĩa của đức tin, nhìn nhận rằng đức tin vượt quá bất cứ cố gắng diễn tả nào. Chúng ta cũng đã cố gắng xem xét một số cách hiểu về đức tin, thay vì dừng lại ở một ý niệm nào đó của đức tin. Những cách hiểu này không loại trừ lẫn nhau. Tất cả chúng tạo nên một phần trong toàn cảnh của đức tin.

Thật ra, có hai yếu tố riêng biệt của đức tin được trình bày ở đây. Yếu tố thứ nhất nhấn mạnh các thái độ của đức tin, là những thái độ cần có nơi cộng đoàn của những người tin: tín thác, tương quan cá vị, dấn thân, sống đức tin. Yếu tố thứ hai tập trung vào nội dung đức tin. Cả hai yếu tố này cần phải được duy trì. Đức tin không thể chỉ đơn giản là những giáo thuyết được viết trên giấy. Mặt khác, đức tin cũng không phải chỉ là một cảm nhận chủ quan. Những giáo thuyết của đức tin phải là sự trợ giúp lý tưởng để giúp con người đi sâu vào tương quan cá vị của họ với Thiên Chúa.

Cả hai yếu tố này cũng đi với nhau nơi con người Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu là khuôn mẫu cho đức tin của chúng ta nơi sự tín thác, dấn thân và tương quan của Ngài với Thiên Chúa Cha. Ngài cũng là trung tâm của nội dung đức tin. Chính khi tin vào Chúa Giêsu, đức tin Kitô Giáo trở thành người Kitô hữu.

MỘT SỐ CÂU HỎI ÔN TẬP

  1. Trong Kinh Thánh Do Thái, người nào được phác họa như là khuôn mẫu của đức tin? Tại sao?
  2. Sứ điệp của ngôn sứ Amos là gì? Sứ điệp đó nói với chúng ta điều gì về đức tin?
  3. Thư của thánh Giacôbê nói gì về đức tin không có việc làm?
  4. Trong câu chuyện về người góa phụ ở đền thờ, hãy so sánh thái độ của các kinh sư, người giàu và người góa phụ?
  5. Đức tin là sự dấn thân có nghĩa là gì?
  6. Đức tin Kitô Giáo là đức tin đúng đắn duy nhất? Đức tin đó liên hệ thế nào với các đức tin khác?
  7. Tin vào Chúa Giêsu trước và sau biến cố phục sinh khác nhau thế nào?
  8. Nội dung đức tin có nghĩa gì?
  9. Một trong những khác biệt lớn nhất giữa đức tin Công Giáo với đức tin Tin Lành là gì?
  10. Hãy nêu định nghĩa: tín điều, giáo thuyết, giáo luật và thần học?
  11. Thuật ngữ “Công Giáo” có nghĩa gì?
  12. Đức tin Công Giáo có “tính bí tích” có nghĩa gì?
  13. Vai trò của truyền thống trong đức tin Công Giáo?
  14. Người Công Giáo hiểu thế nào về mối tương quan giữa tội lỗi và ân sủng?
  15. Chúa Giêsu vừa là nội dung vừa là khuôn mẫu của đức tin nghĩa là sao?

Chuyển dịch: Nhóm Học viên Dòng Tên

Nguồn: Anthony Marinelli, The Word Made Flesh: An Overview of the Catholic Faith, (Manila, Philippines: Saint Paulus, 1999), 16-34.

[1] Bản dịch của Maranatha