Môn học: Triết học Tôn giáo
Giáo sư: Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R.
Học viên: Trần Quang Huy, S.J.

 Khi khoa học ngày càng phát triển thì dường như người ta càng ít coi trọng vai trò của Thượng Đế. Vậy đâu là mối tương quan giữa vô thần và khoa học hiện đại? Để trả lời cho câu hỏi này, tác giả bài viết lần lượt nêu lên các lập trường của vô thần khoa học. Dựa trên tất cả những điều này, tác giả đưa ra những phê bình đối với vô thần khoa học.

Trong một thế giới tràn ngập những ứng dụng của khoa học thực nghiệm như hiện nay, dường như người ta ít quan tâm hơn đến những vấn đề thiêng liêng, tâm linh. Bởi thế, không ít người cho rằng chính sự phát triển của khoa học thực nghiệm- đặc biệt là trong thế kỷ XVIII- là căn nguyên gây ra thực trạng kể trên.[1] Luận điểm trên tìm thấy sự ủng hộ từ thực tế rằng trong thời gian nói trên, dường như sự phát triển của khoa học[2] tỉ lệ thuận với sự lớn mạnh của chủ nghĩa Vô thần, cũng như từ việc có không ít nhà vô thần đã vin vào những tiến bộ của khoa học để phủ nhận Thượng Đế. Tuy nhiên, thực tế lại cũng cho thấy rằng trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa Vô thần khoa học – tức là hệ thống tư tưởng dùng khoa học để phê bình niềm tin vào Thiên Chúa- không còn lớn mạnh nữa dẫu cho khoa học thực nghiệm vẫn phát triển như vũ bão. Những dữ liệu kể trên mời gọi chúng ta tìm hiểu bản chất của mối tương quan giữa Vô thần và khoa học hiện đại từ thế kỷ XVIII đến nay cũng như bản chất của các lập trường Vô thần khoa học, để rồi có thể đưa ra nhận định cá nhân về các lập trường nói trên.

I. Khoa học góp phần gia tăng cảm thức vô thần[3]

          Với những thành tựu và ứng dụng của khoa học thực nghiệm, con người có thể thông hiểu, kiểm soát và khai thác thế giới. Thật vậy, đã qua rồi cái thời của thần Sét, thần Lửa, thần Mặt Trời… Thay vào đó, con người tìm được nơi khoa học những lý giải hữu lý về các hiện tượng tự nhiên, phân loại chúng và thiết lập một hệ thống tri thức về nhiên giới. Bởi đó, không ít người tự xem mình là trung tâm, là chủ thể thực sự duy nhất. Thế là mọi thứ khác, kể cả Thiên Chúa, phải trở thành đối tượng cho con người. Chính trong bối cảnh đó, chủ thuyết Vô thần gặp những điều kiện thuận lợi để phát triển.

          Như thế, có thể nói rằng khoa học thực nghiệm là một trong những căn nguyên ngẫu trừ (accidental causality) góp phần gia tăng cảm thức vô thần theo nghĩa là nó gỡ bỏ một trong những rào cản- cái nhìn “phiếm thần” về thế giới- ngăn không cho căn nguyên tự thân (causality in itself) của thái độ vô thần- tức là quyết định từ chối niềm tin vào Thượng Đế- diễn ra. Thế nhưng các nhà vô thần khoa học còn muốn đi xa hơn thế nữa khi họ vin vào khoa học để phủ nhận niềm tin vào Thượng Đế.

II. Các lập trường vô thần khoa học trong thời hiện đại

          Tựu trung lại, trong thời hiện đại, có ít nhất ba lập trường vô thần khoa học với những màu sắc khác nhau.

1. Vô thần Thực chứng (Positivistic Atheism)

          Auguste Comte (1798-1857) được xem là cha đẻ của chủ nghĩa Thực chứng với lập trường cơ bản là chỉ có những dữ kiện mà ta có khả năng thực nghiệm, thực chứng mới có giá trị.[4] Từ đó, các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa này đi đến kết luận rằng tất cả những điều mà con người không thể kiểm chứng đều không có giá trị. Bởi đó, Thượng Đế là điều gì đó không có giá trị hay nói cách khác thực tại Thượng Đế là điều gì đó vô nghĩa.[5]

2. Vô thần Duy vật (Materialistic Atheism)

          Thuyết Duy vật (Materialism) đi xa hơn thuyết Thực chứng khi cho rằng thực tại khách quan chỉ là vật chất hay nói cách khác, không tồn tại bất cứ thực tồn nào vượt quá vật chất hay khả năng thâu nhận của giác năng.[6] Vì suy tư như thế, các nhà tư tưởng theo thuyết này gạt Thượng Đế sang bên lề ngay từ đầu. Thật vậy, họ đã cố gắng chứng minh rằng con người chỉ cần dựa trên những bằng chứng khoa học thực nghiệm để đưa ra những giải thích hữu lý về sự hình thành và phát triển của vũ trụ chứ không cần dựa trên khái niệm về một Thượng Đế.[7]

          Cách cụ thể, nhiều nhà vô thần duy vật đã giải thích thuyết Tiến Hóa của Darwin (1809-1882) theo lối duy vật, rồi vin vào đó để phê bình niềm tin tôn giáo về sự sáng tạo của Chúa Trời.[8] Thật vậy, Marx (1818-1883) khẳng định rằng thuyết Tiến Hóa đã chỉ ra rằng không có Thiên Chúa sáng tạo, còn Lenin (1870-1924) cho rằng thuyết Tiến Hóa đã đánh đổ hẳn được quan niệm cho rằng vũ trụ là do Thượng Đế tạo ra, đánh đổ hẳn được thuyết Sáng Tạo.[9]

3. Vô thần Tân-thực chứng (Neo-Positivistic Atheism)[10]

          Ba khuôn mặt tiêu biểu cho lập trường này là Bertrand Russell (1872-1970), Moritz Schlick (1882-1936) và Rudolf Carnap (1891-1970). Tiêu chí của lý thuyết này là nguyên tắc xác minh (principle of verification)- nguyên tắc cho rằng mỗi khái niệm được phát biểu có tính chân thực khách quan chỉ khi nó có thể được xác minh cách liên chủ thể từ góc độ thực nghiệm. Bằng không, phát biểu không đúng cũng chẳng sai, nhưng đơn giản là “không có ý nghĩa”. Bởi thế, những diễn luận về Thượng Đế không có ý nghĩa và cùng lắm chỉ có giá trị cảm xúc, thiếu hẳn giá trị khách quan. Nói cho cùng, Vô thần Tân-thực chứng dẫn con người đến thái độ “bất khả tri” (agnosticism) về Thiên Chúa: con người không thể biết gì về Thiên Chúa.

III. Phê bình Vô thần khoa học

1. Nhược điểm

          Điểm yếu của Vô thần khoa học là khẳng định tính hiệu quả toàn diện của khoa học cho con người.[11] Thật vậy, kinh nghiệm của con người không chỉ dừng lại ở những nhận thức giác tính, thực nghiệm mà nó còn đẩy chúng ta đi xa hơn đến những chân trời mênh mông của những phi vật chất và tinh thần.[12] Làm sao khoa học thực chứng có thể đo lường được những tình cảm, khao khát, xao xuyến… của con người? Thật thế, có ai nói rằng tôi đang yêu ở “cấp độ một” hay “cấp độ mười” không?

          Thêm vào đó, khi sử dụng kết quả của khoa học thực nghiệm để phủ định niềm tin vào Thiên Chúa, Vô thần đang lạm dụng khoa học. Bởi lẽ, đối tượng của khoa học là những gì mà ta có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm, hay nói cách khác luận đề khoa học tự nó chỉ có giá trị như những giải thích về thế giới tự nhiên. Bởi thế, những phát biểu khoa học không nhắm đến việc chứng minh có Thượng Đế hay không. Do đó, việc Vô thần khoa học dùng những kết quả của khoa học thực nghiệm để phê bình niềm tin vào Thiên Chúa là một sự lạm dụng.

2. Ưu điểm

          Bên cạnh những nhược điểm, Vô thần khoa học cũng có những đóng góp đáng lưu ý: nó tạo ra những phản đề cần thiết cho sự thanh lọc đức tin qua suy tư phản tỉnh.[13]

          Vô thần khoa học đã phá đổ một số cách hiểu về Thiên Chúa theo lối duy khoa học. Thật vậy, chính khi đối thoại với Vô thần khoa học, thần học nhận ra sự phi lý của những cách lối tiếp cận Thượng Đế theo chủ trương lý tính hóa và khoa học hóa,[14] để rồi khẳng định cách minh nhiên rằng Thiên Chúa là siêu việt tuyệt đối vượt trên cả khoa học thực nghiệm cũng như khả năng lý trí của con người. Nói cách khác, Thiên Chúa không phải là “đối tượng tư duy” để người ta “khai thác” theo tính hợp lý, Ngài là Đấng mà con người yêu mến, tôn thờ và phụng sự.

          Bên cạnh đó, thật đúng đắn khi phê bình những cách chú giải Kinh Thánh sai lầm vì việc phê bình đó giúp cho người ta hiểu mặc khải cách đúng đắn hơn. Ví dụ như có một số nhà tư tưởng, vì đọc sách Sáng Thế theo nghĩa đen (tôi không nói là mọi cách hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen đều sai lầm), cho rằng vũ trụ và con người được tạo ra khoảng 6000 năm về trước, và mọi hóa thạch đều được hình thành trong Lụt Đại Hồng Thủy Noah- cái mà chỉ kéo dài một năm.[15] Những bằng chứng khảo cổ học đã phủ nhận lý thuyết này. Thật ra, chính Giáo Hội Công Giáo đã khẳng định rằng Sách Sáng Thế cho ta biết Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ chứ không nói rằng Ngài đã tạo dựng theo cách nào.

          Tắt một lời, khoa học thực nghiệm không phải là căn nguyên tự thân mà chỉ là một trong những căn nguyên ngẫu trừ cho vô thần khoa học. Thêm vào đó, một mặt việc Vô thần khoa học phủ nhận Đức tin là không hợp lý và bất khả thi; mặt khác việc chủ nghĩa này phủ nhận những cách nhìn sai lạc về Thượng Đế là hợp lý và rất đáng hoan nghênh. Tôi cho rằng chính từ thái độ này mà các Kitô hữu có thể đối thoại với những nhà vô thần khoa học một cách cởi mở, và những cuộc đối thoại như thế sẽ đem lại ích lợi thật sự cho cả đôi bên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hyman, Gavin. A Short History of Atheism. London-New York: Tauris, 2010.

Nguyễn Hữu Vui. Chủ nghĩa Vô thần khoa học. Hà Nội: Nhà xuất bản sách giáo khoa Mác-Lênin, 1985.

Nguyễn Ngọc Hải. Tổng quát về Vô thần. Lưu hành nội bộ.

Steele, David Ramsay. Atheism explained. Chicago: Carus Publishing Company, 2008.

Weger, Karl-Heinz. Phê bình tôn giáo qua các tác giả. Không rõ dịch giả. Lưu hành nội bộ.

[1] x. Gavin Hyman, A Short History of Atheism (London-New York: Tauris, 2010), 101-102.

[2] Trong bài viết này, tôi dùng từ khoa học theo nghĩa là khoa học thực nghiệm từ thế kỷ XVIII đến nay.

[3] x. Nguyễn Ngọc Hải, Tổng quát về Vô thần (Lưu hành nội bộ), 3-4, 30-31.

[4] x. Karl-Heinz Weger, Phê bình tôn giáo qua các tác giả, không rõ dịch giả (Lưu hành nội bộ), 82-83.

[5] x. Nguyễn Ngọc Hải, Tổng quát về Vô thần (Lưu hành nội bộ), 32.

[6] Ibid., 32-33.

[7]Ibid., 35.

[8] x. Nguyễn Hữu Vui, Chủ nghĩa Vô thần khoa học (Hà Nội: Nhà xuất bản sách giáo khoa Mác-Lênin, 1985), 190.

[9] Ibid., 223.

[10] x. Nguyễn Ngọc Hải, Tổng quát về Vô thần (Lưu hành nội bộ), 35-36.

[11] Ibid., 36.

[12] Ibid., 37.

[13] Ibid., 19.

[14] Ibid., 19.

[15] x. David Ramsay Steele, Atheism explained (Chicago: Carus Publishing Company, 2008), 25-26.