Môn học: Tri Thức Luận
Giáo sư: Trần Thanh Tân, S.J.
Học viên: Trần Quang Huy, S.J.

Ernst Friedrich Schumacher (1911-1977)

Nhắc tới Ernst Friedrich Schumacher, người ta không thể không đề cập tới lý thuyết về tri thức luận của ông. Theo Schumacher, nhận thức tự nó có tính thống nhất và sự khôn ngoan chính là nhận thức trong tính toàn thể của nó. Do đó, ta chỉ có thể đạt được nhận thức hầu mon men đến gần lẽ khôn ngoan khi trau dồi cả bốn địa hạt: nhận thức về nội tâm của tôi, về nội tâm của người khác, về những gì người khác nghĩ về tôi và về thế giới xung quanh tôi. Một loại nhận thức như thế không chỉ đòi ta phải nội tâm hóa, cá vị hóa những điều ta biết, mà còn phải sống chúng cách cụ thể.

Dẫn nhập

            Con người không chỉ biết mà còn ý thức rằng mình biết và còn biết khao khát biết. Quả thế, xuyên suốt dòng lịch sử, có biết bao nhà tư tưởng vĩ đại như Plato, Aristotle, Kant… đã bị chất vấn bởi những câu hỏi nền tảng của tri thức luận như: “Nhận thức và sự khôn ngoan là gì?”, “Làm thế nào để đạt được nhận thức hầu vươn đến sự khôn ngoan?” và cố gắng đi tìm câu trả lời. Dẫu biết rằng đã là câu hỏi triết học thì không dễ, thậm chí không thể, được trả lời cách trọn vẹn, nhưng bị thúc bách bởi khao khát biết, nhiều nhà tư tưởng sau này vẫn cất công trả lời hai câu hỏi trên, và Schumacher là một trong số đó. Trong quyển A Guide for the Perplexed, thay vì rập khuôn theo những lối mòn xưa, ông chỉ men theo chúng để vạch ra một lối nẻo riêng hầu đạt được nhận thức trong tính toàn thể của nó nhằm vươn đến sự khôn ngoan.

I. Con đường đạt được nhận thức hầu vươn đến sự khôn ngoan

            Đầu tiên, tác giả giới thiệu một “bản đồ” để định hướng đời sống. Sau đó, ông chia nhận thức thành bốn địa hạt, và chỉ ra rằng nhận thức mang tính toàn thể chỉ có thể được đạt đến ngang qua cả bốn địa hạt. Cuối cùng, ông mời gọi người ta sống thiện hảo theo lẽ khôn ngoan.

1. “Bản đồ”[1]

            Schumacher cho rằng trong hành trình tìm kiếm nhận thức đích thực, con người cần một “bản đồ” với những cột mốc quan trọng và thiết yếu nhất. Đầu tiên là cấu-trúc-có-cấp-trật của thế giới với ít nhất bốn mức độ hiện hữu: vật chất có chất thể (matter), thực vật có thêm sự sống, động vật có thêm nhận thức (consciousness) và con người có thêm tự-ý thức (self-awareness). Tiếp theo, ông đề cập đến sự tương hợp: con người được phú bẩm những năng lực, trong đó quan trọng nhất là năng lực tự-ý thức, để có thể tương hợp với thực tại và với nhau. Sau đó là bốn địa hạt của nhận thức. Cuối cùng là việc “sống” trong thế giới: phân biệt giữa vấn đề “hội tụ” và vấn đề “phân kỳ”.

            Sở dĩ những cột mốc vừa nêu quan trọng và thiết yếu vì cũng như người du hành sẽ lạc lối nếu không có những cột mốc quan trọng để xác định đường đi, con người sẽ sống sai lầm nếu không có hay xác định sai lầm những niềm tin cốt yếu trong cuộc sống.

2. Đạt được nhận thức mang tính toàn thể

a. Sự thống nhất trong đa dạng của nhận thức

            Bốn địa hạt của nhận thức theo thứ tự là: nhận thức về nội tâm của tôi, về nội tâm của người khác, về những gì người khác nghĩ về tôi và về thế giới xung quanh tôi.[2]

            Tuy được phân chia như thế, nhưng nhận thức và sự khôn ngoan tự nó có tính thống nhất (unity) và chỉ có thể được đạt đến khi ta trau dồi cả bốn địa hạt. Sự thống nhất vừa nêu sẽ bị phá hủy khi một trong bốn địa hạt không được trau dồi, hay khi một địa hạt được trau dồi với những khí cụ và phương pháp không thích hợp.[3] Quả thế, làm sao ta có thể rút ra một niềm tin hợp quy (valid) chỉ từ địa hạt thứ tư, vốn chỉ cho ta sự quan sát bên ngoài?[4] Bên cạnh đó, tác giả dựa vào sự khôn ngoan truyền thống để khẳng định rằng: “Tôi chỉ có thể biết người khác đến mức độ mà tôi biết bản thân tôi”[5]. Cuối cùng, việc biết nội tâm của mình (địa hạt thứ nhất) và nội tâm của người khác (địa hạt thứ hai) phải được cân bằng và bổ khuyết bởi việc biết người khác nghĩ gì về mình (địa hạt thứ ba) và ngược lại.[6]

b. Con đường đạt nhận thức trong từng địa hạt

            Chúng ta hãy bắt đầu với địa hạt thứ nhất. Schumacher cho rằng cần phát huy năng lực tự-ý thức như là khí cụ hữu hiệu nhất để đi vào chiêm ngắm cõi thâm sâu bên trong. Bên cạnh đó, việc biết mình trông như thế nào trong con mắt người khác cũng giúp tôi biết nội tâm của tôi hơn.[7]

            Tiếp theo, tác giả chỉ ra rằng tôi phải biết nội tâm của mình trước rồi mới có thể biết nội tâm của tha nhân: “Bạn chỉ có thể biết người khác đến mức độ mà bạn biết chính mình”.[8] Như thế, nhận thức nơi địa hạt đang bàn phải khởi đi từ địa hạt đầu tiên.

            Nhận thức trong địa hạt thứ ba chỉ có thể được đạt đến khi tôi ra khỏi chính mình nhờ năng lực tự-ý thức. Sau đó, phải có sự thông cảm, đồng cảm với người đó hầu có thể “yêu tha nhân như yêu chính mình”. Làm sao tôi “yêu chính mình” nếu tôi không thật sự biết mình là ai! Như thế, sự vị tha (altruism) và tự-ý thức là điều kiện tiên quyết để đạt nhận thức trong địa hạt này.[9]

3. Lời mời sống thiện hảo theo lẽ khôn ngoan[10]

            Schumacher đóng lại quyển sách thú vị của ông bằng việc giới thiệu ba bước trong tiến trình đi lên không ngừng của con người. Bước thứ nhất là học hỏi từ bên ngoài: xã hội và truyền thống. Sau đó, ta cần nội tâm hóa những nhận thức đó, sàng lọc chúng trong tiến trình “cá vị hóa” (individuation). Cuối cùng, con người đạt được sự bình tâm sâu thẳm trước những gì bên ngoài cũng như bên trong mình. Đây chính là tình trạng của người có được tự do đích thực, của người khôn ngoan được dẫn dắt bởi Thiên Chúa. Bằng cách này, Schumacher đã nối kết Chân Lý và Thiện Hảo: hành vi vươn lên Chân Lý vốn là hành vi thiện hảo cách chắc chắn, và khi càng đến gần Thiện Hảo hơn thì con người càng khôn ngoan hơn.

II. Phê bình triết học về nhận thức của Schumacher

1. Điểm tích cực

            Schumacher có cái nhìn rộng và sát thực hơn về nhận thức: nhìn nhận thức trong tính toàn thể của nó. Trong lịch sử, có không ít tác giả đã phân mảnh nhận thức cũng như loại trừ một số loại nhận thức. Thật vậy, các nhà Duy thực chứng (positivists) chỉ chú ý đến nhận thức trong địa hạt thứ tư của Schumacher; còn cách định nghĩa nhận thức như là justified true belief quả thật chưa đủ để nói về nhận thức.[11] Trái lại, Schumacher đã chỉ ra sự thống nhất trong đa dạng của tri thức. Thêm vào đó, lối nhìn nhận thức của ông không loại trừ các loại nhận thức thẳm sâu như nhận thức huyền bí, nhận thức nội quan.

            Tư tưởng của Schumacher còn đáng quý vì nó nhắc nhở ta khơi dậy và rèn giũa năng lực tự-ý thức. Năng lực này vốn được ban tặng ngay từ giây phút con người đi vào hiện hữu, nhưng thực tế cho thấy không phải ai cũng nhận ra và phát huy nó. Bởi đó, nhiều khi ta sống như là “cỗ máy vi tính” được lập trình sẵn bởi bản năng, thói quen, định kiến… và do đó làm cho điều vốn vô giá (priceless) trở nên vô giá trị (worthless) đối với ta. Trong bối cảnh đó, lời nhắc nhở của tác giả là vô giá đối với mỗi người chúng ta, theo nghĩa là nó góp phần giúp ta hiện thực hóa một điều vô giá có sẵn nơi ta. Một khi tự-ý thức, ta sẽ “lập trình” cho đời sống, để rồi thoát khỏi những thứ vốn đang kìm tỏa bản thân ngõ hầu đạt đến sự tự do đích thực- tự do vươn mãi lên Cấp Độ Hiện Hữu cao hơn cả mức độ của loài người.

2. Đối thoại với Schumacher

            Đầu tiên, tôi cho rằng tác giả nên đào sâu hơn bản chất của nhận thức huyền bí. Thật vậy, theo Schumacher, khi đi vào cõi nội tâm, con người có kinh nghiệm thần bí hay là kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Siêu Việt. Đây là loại nhận thức mỏng manh (slender) nhất, nhưng lại là cao trọng nhất.[12] Chỉ tiếc là tác giả mới nêu ví dụ chứ không đào sâu bản chất của nó!

            Hầu chắc việc khai quật nhận thức loại này sẽ giúp triết học về nhận thức của Schumacher trở nên sâu sắc hơn. Thứ nhất, ta sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về con người: nơi con người không chỉ có sự hiện diện của chất thể, sự sống, nhận thức và tự-ý thức mà còn có “dấu vết” nào đó của Đấng Siêu Việt, dấu vết vốn cao trọng hơn cả năng lực tự-ý thức. Thứ hai, ngang qua việc mời gọi, đưa dẫn người ta đi vào chiều sâu của nhận thức huyền bí, triết học của Schumacher sẽ vươn đến lý tưởng Minh Triết: nhấc bổng con người lên Mức Độ Hiện Hữu cao hơn. Thật ra, ngang qua việc nêu lên các ví dụ, tác giả đã mặc nhiên mời gọi người ta đến nếm cảm dữ liệu sống động của kinh nghiệm huyền bí, nhưng tôi cho rằng sẽ thuyết phục hơn nếu thêm vào đó, ta men theo cách lối triết học để trình bày nhận thức nói trên.

            Thực ra, đã có không ít triết gia và trường phái triết học cố gắng diễn tả sít sao, nhiệm nhặt kinh nghiệm vừa nêu. Quả thế, các quyển Hạ-Upanisad trong triết Ấn cho rằng khi đã rũ bỏ mọi dục vọng (kama) và quay về với chính mình, con người nhận ra Ngã-Tuyệt-Đối (Atman) vốn là một với Đấng Tuyệt Đối (Brahman).[13] Bên trời Tây, Thánh Augustine đã nỗ lực mô tả kinh nghiệm nhận ra Siêu Việt tính “trồi lên” từ tận đáy thẳm của nội tại tính: “Chúa vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con, và tìm Chúa ở bên ngoài”[14], Thiên Chúa sâu hơn chỗ sâu nhất của tôi vào cao hơn chỗ cao nhất của tôi theo cách lối đặc quánh chất triết học.

            Thứ hai, tôi cho rằng Schumacher có phần lạc quan thái quá khi nói về mối liên hệ giữa biết mình và biết người: giả định rằng hai người có kinh nghiệm tương đồng với nhau và thật lòng muốn thông tri chính mình cho nhau.[15] Điều gì sẽ xảy ra nếu một bên không thành thật hay không biết cách diễn tả? Vả lại, thực tế cũng cho thấy rằng có khi kinh nghiệm của hai bên không tương đồng với nhau, và thế là xuất hiện nguy cơ áp đặt kinh nghiệm nội tâm của mình lên người khác.

            Nhìn chung, vì vừa kế tục sự khôn ngoan truyền thống vừa mới mẻ, tri thức luận của Schumacher vừa chắc chắn vừa khả dĩ mở ra những lối nẻo mới cho hành trình tìm thỏa mãn khao khát “biết” của con người. Thật vậy, đối với tác giả, nhận thức tự nó có tính thống nhất và sự khôn ngoan chính là nhận thức trong tính toàn thể của nó. Do đó, ta chỉ có thể đạt được nhận thức hầu mon men đến gần lẽ khôn ngoan khi trau dồi cả bốn địa hạt. Một loại nhận thức như thế không chỉ đòi ta phải nội tâm hóa, cá vị hóa những điều ta biết, mà còn phải sống chúng cách cụ thể. Thế là Schumacher phần nào hiện thực hóa lý tưởng Minh Triết đã có từ thời Thượng Cổ, lý tưởng vốn luôn mời gọi con người biết đúng để sống đúng, lý tưởng vốn luôn nỗ lực nối kết tri với hành, Chân Lý với Thiện Hảo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Augustine. Tự Thuật. Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2007.

Hoàng Sĩ Quý. Triết sử Ấn Độ. Cà Mau: Nhà xuất bản Phương Đông, 2015.

Pritchard, Duncan. What is this thing called knowledge? New York: Routledge, 2006.

Schumacher, Ernst. A Guide for the Perplexed. New York: HarperCollins Publishers, 1977.

[1] x. E.F. Schumacher, A Guide for the Perplexed (New York: HarperCollins Publishers, 1977), 1-8.

[2] ibid., 61-63.

[3] ibid., 118.

[4] ibid., 116.

[5] E.F. Schumacher, 83.

[6] x. E.F. Schumacher, 94.

[7] ibid., 63-68, 85, 94-96.

[8] ibid., 82-83.

[9] ibid., 96-99.

[10] ibid., 135.

[11] Duncan Pritchard, What is this thing called knowledge? (New York: Routledge, 2006), 25-30.

[12] x. E.F. Schumacher, 3.

[13] Hoàng Sĩ Quý, Triết sử Ấn Độ (Cà Mau: Nhà xuất bản Phương Đông, 2015), 134-147.

[14] Augustine, Tự Thuật (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2007), 608-609.

[15] x. E.F. Schumacher, 82-87.