Giáo đoàn Thanh Chiêm thời sơ khai 1623-1626

Tác giả: Linh mục Nguyễn Hai Tính, S.J.
Tu sĩ Nguyễn Huy Hoàng, S.J.

Lời dẫn: Bài viết này không đề cập trực tiếp đến vai trò của Thanh Chiêm đối với sự hình thành chữ quốc ngữ, nhưng dựa vào những tư liệu viết tay[1] mà tái cấu lại bối cảnh lịch sử của cộng đoàn và sứ vụ của các thừa sai Dòng Tên ở đó trong những năm đầu, khi họ bắt đầu Latinh hoá tiếng nói người Đàng Trong. Chúng tôi hy vọng đây là một đóng góp nhỏ bé nhưng hữu ích, cung cấp một khởi điểm cho các nhà sử học và ngữ học nghiên cứu sâu rộng hơn.

Các chữ viết tắt:  t = mặt trước; s = mặt sau.

Thanh Chiêm hay Dinhciam, Cacciam, Kecham, Dinhcham, Cacham là thủ phủ của trấn Quảng Nam, cách Hội An 7 km về phía Tây, được xây dựng từ khoảng 1610 đến 1612 và tồn tại đến thế kỷ XIX. Các thừa sai Dòng Tên đã thiết lập cư sở ở đây từ năm 1623[2], tức 5 năm sau khi thiết lập cư sở ở Nước Mặn (Quy Nhơn). Cha Pina là bề trên tiên khởi của cộng đoàn ở đây.

Có thể nói so với các vùng khác ở Đàng Trong, Thanh Chiêm là nơi các vị thừa sai đến hoạt động khá sớm. Trong quá trình truyền giáo, cha Pina nhắm đến giới quần chúng bình dân nhưng cũng không bỏ quên người trí thức. Đối với tầng lớp trí thức, ngài đã mang đạo Chúa đến với những người tiêu biểu sau đây:

Về các giáo dân tiên khởi tại vùng Thanh Chiêm (hay Dinh Chiêm)

Ông Giuse là người được kính nể trong trấn Quảng Nam, vì là thành viên chính của một giáo phái (seita) ở đây nên ông  có nhiều môn sinh[3]. Cha Pina đã trao đổi, bàn thảo rất nhiều với ông về những câu chuyện tôn giáo và con đường truy tầm chân lý. Vì nghi ngờ cha Pina, ông đã đến tận Nước Mặn để gặp cha Buzomi nhằm đối chiếu giáo thuyết. Cuối cùng, ông được cha Pina rửa tội với tên thánh là Giuse. Sau khi trở lại, ông đã giữ đạo cách chân thành, khiêm nhường, nêu gương sáng cho mọi người. Việc ông trở lại đã lôi cuốn được nhiều người, trong đó có những người nổi tiếng: cụ Phê-rô, cụ Manuêlê và nhất là cụ Phaolô[4] (cố vấn hình luật của quan trấn Quảng Nam).

Cụ Phê-rô vốn là một viên quan[5], từ khi cáo lão về hưu đã dành quãng đời còn lại để tu trì nhiệm nhặt, truy tầm chân lý. Chính ông Giu-se là người đã chia sẻ nhiều với cụ về đạo mới và cụ đã xin chịu phép rửa. Cha Pina đã rửa tội cho cụ với tên thánh là Phê-rô[6]. Điều đặc biệt ở đây là ông cụ Phê-rô vốn là người thạo chữ nghĩa, vì ông sống chung nhà với các thừa sai nên đã dạy chữ và ngôn ngữ bản địa cho các thừa sai, đồng thời cũng dạy cho những người bản xứ ở trong nhà các cha[7]. Mặc dù già yếu, ông không từ nan bất cứ điều gì chỉ với mong ước được phụng sự Chúa nhiều hơn.

Cụ Manuêlê là một thầy sãi (bonzo) có tiếng ở Quảng Nam và cũng là một thầy dạy trong xứ này[8], vốn cũng là người quen biết với hai cụ Giu-se và Phê-rô. Ban đầu, cụ Manuêlê đã hết lòng can ngăn cụ Phê-rô về việc trở lại, nhưng không thành, ngược lại còn được cụ Phê-rô giảng giải cho về đạo mới. Cụ đã được cha Pina rửa tội với tên thánh là Manuêlê. Sau khi trở lại, cụ Manuêlê trở thành một người tông đồ hết sức nhiệt thành, cụ đi giảng đạo cả cho các gia đình quan liêu lẫn thứ dân, và rất nhiều người đã tin theo.

Theo nhận định của cha Fontes, hai cụ Phê-rô và Manuêlê sau khi trở lại đạo đã sống chung với các cha trong cộng đoàn nơi đây với vai trò là các giáo lý viên (người dạy giáo lý). Họ rất nhiệt tình với đạo, họ đã tham gia vào việc rao giảng Lời Chúa cho lương dân chứ không chỉ là những người giúp việc trong cộng đoàn. Đặc biệt, họ đã làm Linh Thao 8 ngày và sau đó, ông Manuêlê thể hiện sự quyết tâm dấn thân của mình qua lời khấn vâng phục, đồng thời ông cũng đã giữ hai lời khấn khiết tịnh và khó nghèo trước đó[9]. Như thế, có thể thấy từ rất sớm, tiền đề của hội “thầy giảng” đã xuất hiện – tức những người dấn thân phục vụ Chúa qua các lời khấn (không mang tính chất bó buộc bởi Giáo luật) dưới sự hướng dẫn sát sao của các thừa sai Dòng Tên.

Cuộc trở lại của cụ Phao-lô (ông nghè Bảo Lộc Rin hay ông Xabin Paolo[10]). Ông Xabin Paolo biết đạo Chúa trước tiên không phải do các thừa sai rao giảng nhưng qua tác phẩm Thiên Chủ thực nghĩa do cha Ricci biên soạn bằng Hán văn ở Trung Hoa, sau đó, ông đã được cha Pina rửa tội năm 1622[11]

Ông là một người trí thức, từng cầm đầu sứ bộ của chúa Nguyễn sang Xiêm. Trong chuyến đi này, trên những chặng dừng khi cập cảng, ông không làm lễ tế các thần như thói quen người ta vẫn thường làm. Trái lại, ông biến hẳn một căn phòng trên tàu để làm nơi cầu nguyện và dùng hai người biết tiếng Thái và tiếng Trung để cầu nguyện với các tín hữu biết hai thứ tiếng này[12]. Tại Xiêm, ông đã gặp cha đại diệngiám mục (Vigajro), đưa thư của các cha gởi từ Đàng Trong và đã được chúc lành[13].

Sau chuyến đi sứ thành công, ông đã được cất nhắc làm “đầu các quan văn ở Sinoa (Xứ Hóa, Xứ Huế). Tuy nhiên, vì nhiệt tình rao giảng đạo Chúa, ông đã bị chúa Nguyễn cách chức, cạo đầu, đánh 100 roi và đuổi về. Sự việc này xảy ra năm 1633[14].

Ông Xabin Phaolo, cùng với Phê-rô và Manuêlê, là những người Việt đầu tiên làm linh thao 8 ngày (một tiến trình cầu nguyện 8 ngày theo phương pháp của thánh I-nhã Loyola) với các cha Dòng Tên ngay tại cư sở Thanh Chiêm. Cuộc linh thao đã thành công mỹ mãn, ông rất sốt sắng, được nhiều ơn an ủi, khóc đến độ sưng mắt, cũng như ước ao làm nhiều việc hãm mình và ăn chay[15].

Ông Đavid, không rõ tên Việt là gì, là người thông thái, vốn là một lương y, từng đi Trung Hoa tầm đạo mà không đạt. Khi quay về, ông nghe nói ở Thanh Chiêm có thừa sai truyền Đạo Thật, nên ông đến tầm đạo và được rửa tội bởi cha Buzomi năm 1616[16].

Bà Lớn Gioanna vốn là người chị (em) của chúa Nguyễn Phước Nguyên. Bà không ở kinh đô Đàng Trong nhưng lại ngụ tại Thanh Chiêm. Bà được cha Pina rửa tội khoảng năm 1620. Khi đã trở lại, bà rất hăng say và nhiệt thành với đạo Chúa; chính bà đã đưa ra nhận định: “đạo Hoa lang hơn hẳn các đạo trong nước”. Nhà của bà trở thành nhà nguyện và nơi các thừa sai ở cũng như tập hợp dân chúng để giảng đạo. Chính bà cũng khuyên người anh của mình lúc đó đang ở cách Hội An một ngày đi đàng (đã 74 tuổi) chịu phép thánh tẩy[17].

Ngọc Liên công chúa là công chúa của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên, kết hôn với tướng Nguyễn Phước Vinh. Bà được rửa tội khoảng năm 1636 tại Phú Yên. Từ năm 1643, bà theo chồng về Dinh Chiêm và hăng say hoạt động rao giảng Đạo Chúa. Bà lập nhà thương cho người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho các thầy giảng. Khi đạo bị bách hại dữ dội, bà không chịu được cảnh tra tấn nên đã chối đạo, tuy nhiên sau đó đã hối cải trở lại và vẫn là một tín hữu nhiệt thành[18].

Bà Minh Đức Vương Thái Phi[19]:

Trong báo cáo thường niên của mình, cha Fontes ghi như sau: “Trong số tất cả những người này [đã chịu phép Thánh tẩy] có một nhân vật quan trọng nhất là một bà Orancaya, hay là vợ bé của Tiên Vương đã từ trần, cha của vua đương trị, ở Huế, bà được một cha rửa tội cho, bà rất sốt sắng và sùng kính đạo Chúa Trời… Bà lấy tên thánh là Maria”[20]. Ta hiểu rằng, bà đã được rửa tội ở Huế, như lời cha Đắc Lộ kể: “Từ đó chúng tôi vào trong phủ và khi đi qua chúng tôi ở lại ít bữa ở Huế nơi có một bà hoàng, họ gần với chúa và rất sùng thần ngoại…, bà liền bỏ sai lầm và xin chịu phép rửa  tội, lấy tên là Maria Madalena”[21].

Làm sao bà ở Huế mà lại được nhắc đến khi bản tường trình đề cập đến cư sở và sứ vụ ở Dinh Chàm hay Thanh Chiêm? Linh mục Trương Bá Cần dựa vào bản tường trình của linh mục Cadim, trong đó có nói rằng: “Cha Buzomi đã nhiều lần tranh cãi với các nhà sư và đã dùng lý lẽ thuyết phục họ, làm cho nhiều người quay về với Thiên Chúa, trong đó có bà thứ phi của nhà vương đã băng hà”. Cuộc tranh luận này diễn ra ở Quảng Nam, do thế cha Trương Bá Cần khẳng định bà Orancaya đã có lần ghé Quảng Nam. Điều này giải thích vì sao Pina và Đắc Lộ trên đường lên kinh đô lại dễ dàng ghé nhà bà (bởi có quen biết trước) chứ dễ gì các thừa sai lại được tiếp xúc bà vương phi[22]

Cho nên, có thể hiểu lời cha Fontes kể bà Orancaya là một “trong số những người chịu rửa tội ở nhà này (DinhCham) và các sứ vụ xung quanh”[23] là giữa bà và giáo đoàn Thanh Chiêm có mối liên hệ khắng khít qua mối dây các thừa sai, và cũng vì bà đã từng đặt chân đến vùng đất này. Như thế, bà cũng được kể là thuộc về cộng đoàn tín hữu, hoa trái của sứ vụ ở Thanh Chiêm.

Bên cạnh những người có tên tuổi được nêu đích danh cũng như địa vị xã hội và nguồn gốc gia đình, trong bản tường trình của mình, linh mục Fontes còn đề cập đến những người khác đã theo đạo hoặc có cảm tình với đạo, sống theo sự hướng dẫn của các thừa sai nhưng chưa vào đạo vì còn vướng một vài ngăn trở gia đình. Những người này thuộc nhiều giới và có địa vị xã hội khác nhau: có người là cận thần của vua (chúa), có người thuộc giới bình dân, có người già, trẻ em… Cách chung, các cha tích cực dạy giáo lý, tuy nhiên không ép mà để họ tự do xin chịu rửa tội hay không. Thông thường, họ tự nguyện trở lại đạo, một số trường hợp trở lại đạo sau những kinh nghiệm thiêng liêng đặc thù (thấy Chúa cứu mình khỏi tay ma quỷ,  hay thấy các phép lạ). Và một khi trở lại, họ sống đạo rất sốt sắng[24].

Một cái nhìn tổng quát về cộng đoàn Ki-tô hữu ở Thanh Chiêm

Như đã đề cập, cộng đoàn Dòng Tên tại Thanh Chiêm được thành lập 5 năm sau cộng đoàn ở Nước Mặn (Bình Định), cha Pina là người đã chủ động đề xướng việc thành lập này. Hẳn nhiên việc lập cộng đoàn không diễn ra một sáng một chiều ngay trong năm 1623 bởi trước đó cha Pina đã hiện diện và truyền giáo tại đây. Trong quá trình hoạt động ở Hội An năm 1620-1623, cha Pina đã nhiều lần đến vùng Thanh Chiêm (Dinhcham ) để giảng đạo.

Thừa sai João Roiz ghi lại trong bản tường trình của năm 1620, viết ngày 20.11.1621 tại Macao như sau: “Công cuộc dạy giáo lý thứ hai của cha này (Pina) là ở Cacham, nơi dinh của hoàng tử, trong nhà của một bà Kitô hữu tốt bụng… Họ rất vui khi được nghe giảng về đạo Chúa bằng tiếng của họ và được chính miệng cha đó giải thích tường tận”[25]. Họ nói trước đây khi nghe các cha giảng qua thông ngôn, họ không chắc những gì thông ngôn nói đều chính xác. Bây giờ nghe cha giảng bằng tiếng địa phương, giải thích rất rõ ràng, họ hiểu được gốc rễ của giáo lý. Họ nhận thấy rằng đây là đạo tốt, tốt hơn những đạo trong nước họ[26].

Tại đây, nhờ lòng hảo tâm của bà lớn Gioana, các cha đã mua được hai căn nhà: một nơi để xây dựng nhà nguyện và một nơi để xây dựng nhà cộng đoàn cho các cha, nơi các cha ở cũng là nơi để tập trung dạy đạo cho dân chúng[27]. Bước đầu, việc truyền giáo đã diễn ra khả quan, cha Pina đã rửa tội được cho 275 người ngay trong năm đầu tiên[28]. Sang năm sau (tức 1625), số người rửa tội là 306 người[29]. Riêng về phía các thừa sai, ngay khi thành lập cộng đoàn hẳn là có Pina, và có lẽ thêm thầy António Dias. Có thêm ai nữa không, điều này không rõ. Hai năm sau, tức năm 1625, cộng đoàn Dòng Tên ở đây gồm có 4 thành viên: cha Francisco de Pina (bề trên), thầy António Dias, cha António de Fontes, và cha Alexandre de Rhodes. Bên cạnh đó còn có hai giáo lý viên[30]. Cha Fontes và de Rhodes vốn vừa đến Đàng Trong (12/1624) và được gửi đến sống với cha Pina, chủ yếu là để học ngôn ngữ[31]. Thống kê nho nhỏ này thực ra chỉ là xét về phương diện “biên chế”, còn thực tế chúng ta có thể suy đoán rằng số thừa sai đã đặt chân đến Thanh Chiêm hẳn là nhiều bởi đây là trụ sở của Quảng Nam Dinh, là nơi đồn trú của thái tử nhà Chúa (lúc này là Nguyễn Phước Kỳ) mà theo lẽ thường các thừa sai khi mới đến Đàng Trong (Cửa Hàn) phải đi yết kiến nhà Chúa, thay vì phải ra tận Quảng Bình (Trà Bát), họ sẽ đi đến Quảng Nam[32].

Cộng đoàn tăng số, hoạt động của các thừa sai cũng có phần được thuận lợi nhờ có “những người thế giá” đã trở lại đạo như bà lớn Gioana, hay bà Minh Đức Vương thái phi (sống ở Huế chứ không phải Quảng Nam), và đặc biệt là được sự che chở của quan trấn thủ Quảng Nam – Nguyễn Hoàng Kỳ, con của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên. Nhờ sự che chở này mà giáo đoàn đã vẫn được bình yên trong lệnh bắt đạo năm 1625[33].

Một số ghi nhận liên quan đến cách viết chữ quốc ngữ trong các bản tường trình viết tay:

Linh mục Đỗ Quang Chính đã liệt kê một số dạng thức điển hình của chữ quốc ngữ thời “sơ khởi” mà ngài rút ra từ các tài liệu viết tay[34]. Ở đây, chúng tôi chỉ xin bổ túc thêm một số ghi nhận, với hy vọng qua đó chúng tôi có thể cung cấp một số dữ kiện nhỏ hữu ích cho quá trình tìm hiểu chữ quốc ngữ giai đoạn này.

Tài liệu viết tay vào ngày 01.01.1626 của Antonio de Fontes có 2 nét chữ khác nhau. Nét chữ của tác giả, cùng nét với chữ ký chỉ chiếm 2 trang cuối của bản tường trình.

Tương tự, bản tường trình ngày 01.01.1626 của Gaspar Luis cũng có nét chữ không phải nét chữ của tác giả (mà chúng tôi giả định là nét của chữ ký ở cuối bản tường trình ngày 12.12.1621). Phần chữ ký bị mất (ngay cả trong bản gốc ở Rôma), chỉ còn lại vài nét mờ nhạt.

Bản tường trình ngày 12.12.1621 của Gaspar Luis cũng có nét chữ khác với nét của chữ ký của tác giả ở cuối thư.

Nội dung của hai bản tường trình cùng ngày (01.01.1626) của A. Fontes và G. Luis gần giống nhau về mặt nội dung: cũng kể về các sự kiện như nhau, với cùng một trình tự trước sau.

Chúng tôi tạm suy đoán thế này: các tác giả đã nhờ các thư ký viết bản tường trình bằng cách đọc cho họ chép hoặc kể chuyện cho họ, sau đó họ tự viết ra theo những gì nhớ được, theo văn phong riêng của mình. Các tác giả chỉ viết vài trang hoặc vài dòng cuối rồi ký tên.

Khảo sát bản văn, chúng tôi thấy người viết không hoàn toàn nắm vững chính tả và văn phạm tiếng Bồ Đào Nha (nhiều chỗ lẫn lộn hay đảo lộn các ký tự i với j, a với o, v.v.; văn phong đơn giản như văn nói, nhưng cũng khá lủng củng, chẳng hạn như dùng nhiều lần cụm từ “em que”, “ja”, v.v.).

Ai có thể là thư ký viết các bản tường trình này? Có thể là tu huynh Antonio Dias hay các linh mục và tu huynh người Nhật. Nhưng cũng có thể là “hai giáo lý viên” người Việt được đề cập trong thư là các cụ Phêrô và Manuele, vì A. Fontes nói rõ họ giỏi chữ nghĩa và có thể dạy chữ cũng như ngôn ngữ cho các thừa sai, cũng như cho những người bản địa; họ cũng dạy giáo lý và đi giảng đạo nữa[35].

Họ dạy chữ gì? Chắc chắn là dạy chữ Hán, Nôm cho các thừa sai cũng như người bản địa. Nhưng vì họ cũng đi giảng đạo, có thể như là thông ngôn, mà cũng có thể như là người giảng chính. Vậy chắc chắn họ cũng học tiếng Bồ từ các cha để thấu triệt giáo lý trước khi có thể giảng. Như vậy, họ cũng có thể dạy tiếng Bồ cho các thiếu niên người bản xứ ở trong nhà các cha nữa.

Như vậy, chúng tôi chỉ xin đưa ra một khả thể để các nhà nghiên cứu có thể xem xét: rất có khả năng họ là những người thư ký viết các bản tường trình giúp các cha. Và như thế, các chữ quốc ngữ trong bản tường trình không chỉ là của các cha, mà còn của những người bản xứ (trong trường hợp hiện tại là của các cụ Phêrô và Manuele). Thực tế cụ thể ủng hộ lập luận này của chúng tôi: trong bản tường trình năm 1626 của A. Fontes, Thanh Chiêm được viết là Digcham trong bản văn do thư ký viết, còn trong 2 trang cuối (giả định là do chính A. Fontes viết) thì lại được viết là DinhCham (không rõ Digcham hay DinhCham phản ánh đúng giọng người Thanh Chiêm hơn?).

Như vậy, nếu các học giả nhận thấy cách viết chữ quốc ngữ thời kỳ sơ khai còn chưa nhất quán, thì một trong các nguyên do có thể là các bản văn được viết bởi các thư ký khác nhau, chứ không chỉ thuần tuý do các thừa sai tự tay viết.

Suy đoán về vai trò của giáo đoàn Thanh Chiêm trong việc hình thành chữ Quốc Ngữ

Như chúng ta đã biết, chữ quốc ngữ là thành quả của một công trình tập thể của các thừa sai Dòng Tên thế hệ đầu tiên đến Đàng Trong của Đại Việt. Tất nhiên, sẽ chẳng thể có thứ chữ này nếu các thừa sai không nhờ đến sự giúp đỡ của những người bản xứ. Các thừa sai khi vào Đàng Trong đầu tiên ngụ ở Hội An (Faifo) sau đó đã nhanh chóng hoạt động tại Qui Nhơn (Nước Mặn từ năm 1618), và năm năm sau tiếp tục thành lập cư sở ở Thanh Chiêm (1623). Trong khoảng thời gian này (1620) tại Hội An, các thừa sai đã viết một quyển sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong”, tức chữ Nôm. Tuy nhiên, theo suy đoán của tác giả Đỗ Quang Chính, quyển sách này hẳn cũng được viết bằng thứ chữ Việt mới (chữ Quốc ngữ) và người có công là linh mục Pina bởi ở thời điểm này, ông là vị thừa sai Châu Âu thạo tiếng Việt nhất[36]. Tuy nhiên, quyển sách này đã thất lạc nên chúng ta không biết được gì hơn về chữ Quốc ngữ giai đoạn ấy. Nhắc lại sự kiện này như là một tiền đề cho điều chúng ta sẽ bàn luận: đâu là cái nôi của chữ Quốc ngữ? Hội An? Nước Mặn? Hay Thanh Chiêm?

Vấn đề hệ ở chỗ đa số dư luận ngày nay đồng thuận linh mục Pina là cha đẻ của chữ Quốc ngữ, việc ông sống và hoạt động ở đâu sẽ góp phần quyết định cho cho việc khẳng định vùng đất ấy là cái nôi của chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, lược lại lịch sử truyền giáo của Pina ở Đàng Trong, ta thấy ông chỉ hiện diện được một khoảng thời gian ngắn ngủi và không cố định ở một địa điểm. Vừa khi đặt chân đến Đàng Trong năm 1617, cha Pina sống một năm ở Hội An, sau đó vào Nước Mặn hoạt động hai năm (1618-1620), rồi trở lại Hội An hoạt động ba năm (1620-1623), và sau cùng hoạt động ở vùng Dinh Chiêm hai năm còn lại của đời (1623-1625). Phân chia căn bản là vậy, nhưng có vị thừa sai nào lại “ở yên một chỗ”, nhất là khi Thanh Chiêm và Hội An chỉ có cách nhau 7 km. Thật vậy, ít nhất từ khoảng năm 1620-1622, Cha Pina đã bắt đầu hiện diện ở Thanh Chiêm[37] cho đến khi thành lập cộng đoàn (1623). Trong nhãn quan của cha Pina thì Thanh Chiêm là nơi tốt nhất để học tiếng bởi đây là vùng đất thủ phủ của trấn Quảng Nam, người ở đó nói giọng chuẩn hơn và đặc biệt tầng lớp trí thức ở đây nhiều hơn trong khi nếu ở Hội An, việc học tiếng Việt sẽ khó khăn bởi đây là vùng đất thương mại, người ta chỉ nói tiếng Nhật hoặc tiếng Bồ[38].

Ta thử nhìn ở một góc độ khác: phương pháp truyền giáo của các thừa sai có giúp gì trong việc hình thành chữ quốc ngữ hay không? Các cha luôn dạy giáo lý một thời gian, rồi tuỳ vào người học giáo lý có muốn và xin chịu rửa tội hay không thì các cha mới rửa, chứ không ép người ta chịu rửa tội, hay rửa tội ngay tức khắc. Thực tế có nhiều người tới nghe giảng đạo mà không hay chưa quyết định chịu rửa tội. Điều này nói lên sự đối thoại, cởi mở, tôn trọng tự do, v.v. Bên cạnh việc thuyết giáo, cha Pina còn có các cuộc tranh luận (disputas) về lẽ đạo với các ông sãi, ông nghè. Các ông này sau này theo đạo và chịu rửa tội vì đã nhận thấy lẽ đạo sâu xa, cao đẹp. Điểm đặc biệt là ở đây, ta thấy dường như có một mối liên hệ nào đó giữa ba yếu tố: Pina ßàCác cuộc tranh luận về tôn giáo ßàchữ quốc ngữ. Thật vậy, chính Pina đã khẳng định Thanh Chiêm là nơi tốt nhất để học tiếng Việt; và cũng rất ngẫu nhiên, các cuộc tranh luận về tôn giáo của cha cũng diễn ra ở Thanh Chiêm, cha Pina viết lại: “Tại kẻ Chàm (Thanh Chiêm), tôi đã thu hoạch mọi hoa trái mà tôi đã gieo năm ngoái qua biết bao cuộc tranh luận, và thậm chí hơn thế nữa”[39].

Chính các cuộc tranh luận này đã đưa vào đạo những người có học. Nói rộng hơn, qua các cuộc tranh luận này, cha Pina có cơ hội tiếp xúc và làm việc nhiều hơn với giới trí thức ở đây. Đây là con đường để các thừa sai có thể đi sâu vào tâm thức, não trạng tôn giáo và văn hóa của dân bản xứ. Hơn nữa, một khi đối thoại với những người có học thức, các thừa sai cũng hiểu biết nhiều hơn về phong hóa và ngôn ngữ bản địa. Các cuộc đối thoại có thể là cầu nối để các thừa sai tiếp cận được với lối ngôn ngữ “học thuật” hơn, để có thể khởi động tốt quá trình phiên âm, ký âm. Đồng thời, một khi thuyết phục được những người có học như thế, các thừa sai lại có thêm những trợ thủ đắc lực cho quá trình sáng tạo thứ chữ mới này, mà quyển giáo lý năm 1620 có thể xem là một ví dụ. Cũng trong thời gian này, cha Pina đã biên soạn một khảo luận nhỏ về cách đánh vần (spelling), về các thanh (tones), và ngài tiếp tục viết một khảo luận khác về ngữ pháp của tiếng Việt[40].

Những động thái này phải chăng cho phép chúng ta tái cấu một bức tranh tổng quát như sau: sau khi vào Đàng Trong năm 1617, cha Pina đã trải qua một năm ở Hội An chủ yếu là tiếp xúc và học tiếng, sau đó trải qua hai năm ở Nước Mặn cũng tiếp tục quá trình này, và có thể thai nghén quá trình dùng ký tự Latin để ký âm tiếng Việt, tuy nhiên điều này không rõ ràng bởi chúng ta không có cứ liệu. Sau đó, cha trở lại hoạt động ở Hội An (từ năm 1620) và bắt đầu đến truyền giáo ở Thanh Chiêm. Một trong những khía cạnh thú vị nhất trong việc truyền giáo có thể là những cuộc tranh luận tôn giáo như cha đã ghi lại trong bức thư của mình hoặc như đã được đề cập bởi các thừa sai khác. Qua hoạt động truyền giáo và đối thoại như thế, dần dần cha tiến đến việc biên soạn các tài liệu về ngôn ngữ địa phương, và bắt đầu quá trình ký âm Việt bằng mẫu tự Latin như đã thấy. Gia sản của cha về phương diện ngôn ngữ hiện nay không còn, nhưng dấu ấn của nó thì lại rất rõ qua lời các thừa sai khác kể lại; chính cha Đắc Lộ trong lời tựa quyển từ điển Việt-Bồ-La đã thừa nhận rằng mình đã học rất nhiều từ cha Pina, và hẳn là những tài liệu về ngôn ngữ mà cha đã biên soạn phải được biết đến bởi các thừa sai cùng thời bởi một trong những việc quan trọng của họ là học ngôn ngữ bản địa để có thể giảng đạo được cho quần chúng.

 Cho nên, rõ ràng hoàn toàn có cơ sở để nhận định rằng cha Pina là một nhân tố quan trọng trong việc hình thành thứ chữ mới, và rằng ngài có mối liên hệ đặc biệt với Thanh Chiêm. Mặt khác, tuy cha Pina rất xuất sắc trong quá trình học tiếng Việt và ký âm Việt bằng mẫu tự Latin, nhưng đây là một xu thế chung mà nhiều thừa sai khác cũng bắt tay vào thực hiện. Hơn nữa, hoạt động của Pina phủ rộng nhiều vùng ở trấn Quảng Nam, thậm chí lên tận xứ Hóa (xứ Huế). Như thế, nếu có thể kết luận về vai trò của một vùng đất gắn liền với sự ra đời của chữ Quốc ngữ, thiết tưởng chúng ta hãy đặt chữ Quốc ngữ vào một bối cảnh địa lý rộng hơn, vượt xa Thanh Chiêm hay Hội An (Faifo). Chữ Quốc ngữ đã ra đời trên vùng đất Quảng Nam dinh[41].

[1] Chúng tôi chủ yếu dựa vào các bản tường trình của các linh mục Antonio de Fontes và Gaspar Luis (trong Archivum Romanum Societatis Iesu, Jap-Sin. 71 & 72; từ đây sẽ được viết ngắn gọn là JS.) và bức thư được cho là của linh mục Francesco de Pina in trong Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 1650 (Orchid Press: Bangkok, 2002).

[2] Cư sở tức là một nhà được thiết lập theo đúng các quy định của Giáo luật. Theo A. Fontes, sứ vụ này đã bắt đầu từ năm 1616, nhưng không hình thành cư sở được do một cuộc bách hại (X. JS. 72, tờ 74s: “… e ja no anno d. 1616. se principiou, mas nao pode fixar por hua perseguicao que [entam] tivemos…”).

[3] JS. 72, tờ 76t. Thực ra, theo A. Fontes, ông Giuse người có vai vế trong một giáo phái được rửa tội theo tên của một ông Giuse khác là người thành lập giáo phái, vốn rất nhiệt thành và khao khát truyền giảng kho tàng chân lý đạo thật cho tất cả những người đồng bào của mình (“…chamouse no bautismo Joseph em memoria de outro Joseph fundidor, que este anno passou a melhor vida, como esperamos, o qual era tam fervoroso, e zeloso, que parece ardia em continuos desejos de communicar a todos seus naturaes o thesouro da verdadra Lij…”). Chúng tôi không rõ lm Nguyễn Hồng nói về ông Giuse nào.

[4] Daniello Bartoli, Istoria della Compagnia di Gesù, Volume V, Napoli 1859, 207-222.  Được trích bởi Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử Truyền Giáo tại Việt Nam, Tập 1 (Hà Nội: NXB Từ Điển Bách Khoa, 2009), 74.

[5] Theo A. Fontes thì cụ Phê-rô là một vị Thẩm Phán trong xứ này (JS. 72, tờ 74s: “P.o [eomem] ja de dias, oqual quando gentio foj desembargador do paco deste rejno, e depois de o nao ser, ouvindo as cousas de Ds foj tam bom concijto dellas”).

[6] Nguyễn Hồng, Sách đã dẫn, 72.

[7] X. JS. 72, tờ 74s: “e poristo, e juntamte por ser bom letrado, e poder ensinar as letras, e lingoa aos nossos, e aos seus naturaes que [tomos em casa]”.

[8] X. JS. 72, tờ 74s: “Manoel bonzo muy conhecido, e mestre de mtos neste rejno, o qual com sua conversao e exemplo trouxe a algunos no santo bautismo; e agora mtos mais por ser bom pregador, zeloso, e andar grande parte do anno em missao com os nossos”.

[9] X. JS. 72, tờ 78s: “Manoel sayo com resolucao de estar toda a vida em nossa casa, e com voto de obedecer em tudo o que lhe mandasse; [a lem] do da castidade e pobreza que tinha fijto antes”.

[10] JS. 72, tờ 77s: “Ja o anno passado se escreveo como Xabin Paulo pessoa bem conhecida na Corte do principe, fora escolhido, e mandado por embaixador a Sião” (Năm ngoái, chúng con đã viết về ông Xabin Paulo là người nổi tiếng trong dinh của hoàng tử thế nào và đã được chọn gởi đi sứ ở Xiêm thế nào).

[11] Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773 (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2008), 70.

[12] X. JS. 72, tờ 77s: “Nao arreceou por sua grande fee (fé) o castigo que mtos de seus natruaes lhe esperanao por nao fazer aos deosas das barras sua accustumada reverencia. No junco tinha hu camarote a modo de capella, e dentro seu oratorio, em que con certas horas se encomendava a N. Sor, e rezasse suas devacoas (devocaos). Aos passagejros praticava das cousas de Deos tomando dous que lhe serviao de lingoa, hu que sabia a sua e ada china, e por elle pregava aos chinas; e outro que sabia a lingoa de Cochimchina e de Siao, e por elle praticava aos Siames”.

[13] X. JS. 72, tờ 77s-78t: “como tambem pa conhecer e tratar o Pe Vigajro que ali esta, e os portugueses: pore os Siames lho nao deixarao fayer [pondo] lhe guardas; e chegou a cousa a tanto, que ne ainda alguas cartas que [levava] dos Pes desta missao pa o Vigro podia entregar, ne dar noticia de sy, ate que vindo hua vez do paco em embarcacao, e vendo ao Vigro e alguas protugeses a hua janella [poense] de joelhos na barca em que sia, faz o sinal da cruz, e deitalhe sua bencao, como bispo, dizendo Padre Padre por nao saber outras palansas (palavras) portuguesas”.

[14] Felippe do Rosario BỈNH, Truyện nc Anam Đàng Trão, Cuyền nhị, bản viết tay của cha F. Bỉnh tại Lisbõa, 1822, tr. 540-548 và 566-583 (Biblioteca Apostólica Vaticana, Borg. Tonch. 2). Được trích bởi Đỗ Quang Chính, sách đã dẫn, 70.

[15] X. JS. 72, tờ 78s: “Elle stava muy bem apparelhado pa ir, por que tomou ojto dias de exercicios nesta casa juntamte com Po e Manoel de que acima se fez mencao. Estes forao os primejros que desta nacao tomarao os exercicios spirituaes de Nosso Santo Pe Ignacio, que em o discurso delles tiverao, das lagramas continuas, particularmte Paulo, que sayo delles com os olhos inchados do mto chorar; do grande desejo de fazer penitencia e jejuar, como outro fizerao, e agora faze”.

[16] Đỗ Quang Chính, Sách đã dẫn, 69.

[17] Gaspar Luis, Cocincinensis missionis annuae Litterae, anni 1620, JS. 71, tờ 24-25. Được trích bởi Đỗ Quang Chính, Sách đã dẫn, 70-71.

[18] Đỗ Quang Chính, Sách đã dẫn, 73-74.

[19] Tên thật của bà là gì không rõ, sau này khi Gia Long lên ngôi, truy phong cho bà là Minh Đức Vương Thái Phi. Bà có một người con với Nguyễn Hoàng, tức ông Hoàng Phúc Khuê. Được trích trong Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (từ khởi thủy cho đến cuối thế kỷ XVIII)( Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2008), 61, chú thích số 81.

[20] JS.72, tờ 74s: “Entre todas estas pessoas a principal foj hua Orancaya, ou molher pequena do Rej velho ja defunto pais do que agora rejna, a qual vido hu pe a Sinua onde reside, se bautizou com bom concijto de Lej de D’s… Chamouse no bautismo Maria”.

[21] Alexandre de Rhodes, Hành Trình và Truyền Giáo, bản dịch của Hồng Nhuệ (Tp. Hồ Chí Minh: UBĐKCG TP HCM, 1994), 57.

[22] Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (từ khởi thủy cho đến cuối thế kỷ XVIII), trang 61-62.

[23] JS. 72, tờ 74s: “Bautizaranse na quella casa e polas aldeas em varias missoes…foj hua Orancaya”.

[24] X. JS. 72, tờ 75-77.

Một cận thần (privado) của vua có thiện cảm với đạo, ao ước được rửa tội, nhưng có nhiều vợ, nên chưa. Bà vợ cả và con muốn được rửa tội, khao khát mang tên Ina (tên rút gọn của thánh Ignatio).

Ông Joachim là lớn tuổi; có một giấc mơ thấy nhiều quỷ trên cánh đồng, kêu cứu các chùa, mà chùa không cứu được. Chỉ có Thiên Chúa trời đất mới cứu được. Ông thấy mình được đưa lên trời, thoát khỏi lũ quỷ, thấy nhiều sự tốt đẹp. Ông đã trở lại đạo, trở thành Ki-tô hữu.

Một bé gái, đi học giáo lý nhưng chưa muốn rửa tội. Một hôm mơ thấy Bà đẹp đẽ đáng kính hiện ra, la nó rằng sao nó không chịu rửa tội chung với những người học giáo lý với nó. Nó sợ quá, ngay hôm đó đến xin rửa tội, và nhận được nhiều sự an ủi, hăng hái sống đời Kito hữu tốt đẹp.

Một bé gái từ 3 năm nay đã tới học giáo lý, xin phép cha mẹ cho được rửa tội. Từ sau khi rửa tội, bé tới nhà thờ dự lễ mỗi ngày Chúa Nhật và lễ trọng, dù sống ở xa. Cô bé có lòng sùng kính đặc biệt đối với cỗ tràng hạt (dùng để đọc kinh thường ngày).

Một fijticejro (fisticeiro?) ông trùm (mestre) của những trò mê tín ở các chùa chiền, khi nghe giảng đã có thiện ý về lẽ phải của đạo. Sau khi chịu rửa tội, ông lập tức phá huỷ các bàn thờ mê tín. Con gái ông chỉ trích ông về điều đó, liền bị Thiên Chúa phạt. Trong đêm đó, cô bị quỷ nhập và hành hạ đau đớn. Cha bề trên (Pina) đã đến, làm dấu thánh giá, rảy nước thánh và đẩy quỷ ra. Mọi người kinh ngạc.

Một ông học giáo lý nhiều lần, nhưng chưa theo đạo, vì vợ ông nói theo đạo sẽ bỏ không thờ ông bà. Vợ ông bị quỷ ám, hành hạ. Một Ki-tô hữu biết chuyện, đến đặt tràng hạt lên bà, bà trở lại bình thường, nhưng khi rút tràng hạt ra, bà lại bị quỷ hành hạ. Hai ông bà quyết định theo đạo. Phải đến khi cha (Pina?) trừ quỷ cho bà thì bà mới trở lại khoẻ mạnh, bình an.

[25] JS. 72, tờ 6s: “O segundo catecismo fez o Pe em Cacham corte do Principe em casa de hua boa christoa… Alegraraose pois grandemente, e satisfizerao muito por ouvire as cousas de lez de Deos em sua lingoa explicadas pola boca do Pe”.

[26] X. JS. 72, tờ 6s: “E assi agora q o Pe lhas hia explicando miuda e chramte ficavao pasmados, dizendo, Agora si, q serao os Cochinchinas verdadros Christaos, que dantes onao eramos, quando os Pes nos ensinavao por interpretes, dizendo elles dez cousas, e os interpretes duas, asges ainda, por cuidarmos, q nem tudo oque diziao era do Pe nao davamos credito. Jo nos parecia que era lez boa, e melhor q as de nossa terra”.

[27] Phan Phát Huồn, C.S.S.R, Việt Nam Giáo Sử. Quyển I (1533-1933), In lần thứ 2 (Sài Gòn: Nhà Sách Khai Trí, 1965), 48.

[28] Nguyễn Hồng, sách đã dẫn, 71.

[29] Đỗ Quang Chính, Sách đã dẫn, 68.

[30] X. JS. 72, tờ 74s: “…em que desdo principio do mez de marco morarao tres Pes e hu Irmao com dous catequistas hu por nome Po, e outro Manoel”.

[31] Cha de Rhodes chỉ ở đây một thời gian ngắn bởi đến giữa năm 1626 thì cha đã phải trở về Macao để chuẩn bị đi truyền giáo ở Đàng Ngoài. Tương tự, cha Fontes cũng vậy, chỉ ở đây một thời gian ngắn, không rõ cha đã rời Đàng Trong về Macao thời điểm nào, chỉ biết đến năm 1631 thì đã thấy cha ở Đàng Ngoài. X. Đỗ Quang Chính, Sách đã dẫn, 25, 57.

[32] Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam. Tập I: Thời kỳ khai phá và hình thành (từ khởi thủy cho đến cuối thế kỷ XVIII) (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2008), 60.

[33] Năm này nhà vương ra lệnh bắt đạo vì hai lý do: thuyền buôn Bồ Đào Nha không đến buôn bán, và lương dân vu khống người tín hữu rằng họ không thờ kính tổ tiên, vứt bỏ tâm tình thờ kính đối với tổ tiên.

  1. Alexandre de Rhode, Hành Trình và Truyền Giáo, bản dịch của Hồng Nhuệ, 58-59.

[34] X. Đỗ Quang Chính, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ, tr.31-49.

[35] X. JS. 72, tờ 74s: “Po…, que [se soje] hu dos bons pregadores de nossa santa Lij que ha neste rejno; e poristo, e juntamte por se bom letrado, e poder ensinar as letras, e lingoa aos nossos, e aos seus naturaes que tomos em casa…Manoel… e andar grande parte do anno em missao com os nossos”.

[36] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc Ngữ 1620-1659 (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2008), 26.

[37] Lập trường này hợp lý nếu chúng ta chấp nhận (như nhiều người đã chấp nhận) bản chép tay có tựa đề Parte de 22, e 23, declaro de seis centos; esta me parece de Pe Pinna trong volume số 49/V/7 của Jesuítas na Ásia đích thực là bản chép tay lại một bức thư của cha Pina. Cũng xem bản tường trình cho năm 1620 mà João Roiz viết năm 1621 (đề cập ở trên).

  1. Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics Prior to 1650 (Orchid Press: Bangkok, 2002), 20-24.

[38] Roland Jacques, sách đã dẫn, 42.

[39] Roland Jacques, sách đã dẫn, 41.

[40] Roland Jacques, sách đã dẫn, 43.

[41] X. Nguyễn Đình Đầu, Hành trình của một trí thức dấn thân (Tp. HCM: Tạp chí Xưa và Nay, 2010), 161.