HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM

Michel Foucault – Quyền Lực Qua Lăng Kính Khảo Cổ Luận

Luận văn tốt nghiệp
Chương trình Dự Bị và Triết Học
tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

Học viên thực hiện
Phêrô Vũ Trung Hưng, S.J.

Giáo sư hướng dẫn
Giuse Vũ Kim Chính, S.J.

Tháng 03 năm 2020

Mục Lục

Dẫn nhập

Khi được hỏi về đề tài quyền lực thì người ta có thể liệt ra những gì nhỉ? Phải chăng là thống trị, người mạnh, kẻ yếu, hay đàn áp, giam cầm, hoặc tiền tài, danh vọng, hay các điều đại loại thế! Nietzsche[1] từng nói thế này: “Bất cứ chỗ nào tôi tìm thấy sinh vật sống thì ở đó tôi tìm thấy ý chí quyền lực.”[2] Phải chăng quyền lực như chuyện con cá lớn có quyền lực trên con cá bé qua việc nó ăn con cá bé, hay nói cách khác, quyền lực thuộc về quyền sở hữu nằm trong tay của chủ thể nào đó? Còn Alfred Adler[3] đã sử dụng cụm từ “quyền lực sáng tạo” (creative power),[4] là khả năng được phú ban cho con người dưới dạng các thuộc tính của hồn để giúp con người phát triển nhân cách bản ngã. Ngoài ra, trong tác phẩm Dẫn Nhập Trường Phái Hậu Cấu Trúc Và Hậu Hiện Đại, Madan Sarup[5] có một tóm kết bàn về tư tưởng Foucault như sau: “Đối với Foucault, tri thức ngưng trở thành cách nói về sự giải phóng và đang dần trở thành kiểu mẫu giám sát, quy định và kỷ luật.”[6] Với câu nói trên, Madan Sarup đang chỉ về một lối phân tích quyền lực của Foucault. Ở đây, có thể nói vấn đề quyền lực là chủ đề khá phức tạp và mang nhiều dáng vẻ khác nhau không chỉ đối với các nhà xã hội học mà còn đối với nhiều học giả trong lãnh vực triết học, tâm lý học, và nhiều ngành khác.

Thế nên, để giới hạn phạm vi dàn trải và phong phú liên quan đến vấn đề quyền lực, bài luận này xin men theo con đường phân tích lịch sử của Foucault, cụ thể quan điểm của ông về khảo cổ luận. Bằng lối tiếp cận lịch sử mới mẻ này, nghĩa là dưới lăng kính khảo cổ luận, Foucault đã thực hiện các cuộc thực nghiệm “phân tâm lịch sử” và “giải phẫu lịch sử” và nỗ lực diễn tả các lớp quyền lực tại các điểm đứt gãy lịch sử. Có lẽ để dễ tiếp cận hơn với tư tưởng của Foucault, đôi nét về cuộc đời của ông có chăng cần thiết như bước đệm sơ khởi trước khi bắt đầu phần trình bày về Michel Foucault – Quyền lực qua lăng kính khảo cổ luận.

Michel Foucault (1926-1984) là triết gia, sử gia và nhà hoạt động xã hội người Pháp. Thuở nhỏ, ông cho thấy khả năng thông minh nhưng mắc bệnh tâm thần khi học ở École Normale. Ông là một trong nhiều gương mặt tư tưởng Pháp có ảnh hưởng và được vinh danh vào trường Collège de France năm 1969. Sau này, ông giảng dạy về nhiều đề tài liên quan đến hoạt động chính trị, xã hội, và viết nhiều sách về tội phạm và tình dục.[7]

Ngoài ra, ông còn là người đóng góp cho hoạt động chính trị và xã hội. Sự căm ghét các cuộc đàn áp và giam cầm cùng ước muốn giải phóng và tự do được thể hiện qua các tác phẩm của ông. Các công việc tri thức này được xem như dụng cụ để người ta chống lại các chuyên chế khác nhau.[8] Qua đó, ông trình bày những quan điểm mới mẻ và phê phán bằng các tác phẩm nghiên cứu lịch sử rất khác so với các tác phẩm lịch sử đương thời. Ông mô tả phương pháp nghiên cứu lịch sử của mình với thuật ngữ đặc biệt là khảo cổ luận (archaeology) và sau này là phả hệ luận (geneology). Qua khảo cổ luận tư tưởng, Foucault đã trình bày quan niệm của ông về bệnh điên, bệnh viện và trật tự sự vật trong lịch sử tư tưởng. Từ đây, ông khám phá ra các cấu trúc ngầm qua các phân tích của mình.

Trước nhiều khởi hứng mới mẻ về lối tiếp cận lịch sử và diễn ngôn quyền lực của Foucault, bài luận này trước hết xin giới hạn trong phạm vi của khảo cổ luận và tìm hiểu quan niệm của ông về phương pháp nghiên cứu này (chương 1). Sau đó, qua lăng kính khảo cổ luận, bài luận muốn tìm hiểu những cấu trúc ngầm mà Foucault mô tả qua hình ảnh bệnh điên, bệnh viện và trật tự sự vật trong các giai đoạn lịch sử tư tưởng và những dấu vết và tác động của quyền lực (chương 2). Tiếp theo, người viết xin trình bày vài nhận định và liên hệ (chương 3). Sau cùng, phần kết luận là đúc kết quan điểm Foucault về phương pháp này và quyền lực.

Chương 1: Khảo cổ luận

Quan điểm của Foucault về khảo cổ luận

Có thể nói lịch sử tư tưởng của Foucault đã hình thành trước khi ông phản tỉnh theo hướng phương pháp khảo cổ. Từ đây, ông xây dựng các tác phẩm thành một thể thống nhất theo hệ thống phương pháp luận. Với một vài tác phẩm đầu tay, đặc biệt là ba tác phẩm Bệnh Điên Và Văn Minh (MC),[9] Sự Ra Đời Của Bệnh Viện (BC), Trật Tự Vạn Vật (OT), Foucault đã cho thấy bề dày nghiên cứu đi kèm với lối tiếp cận đặc thù về lịch sử tư tưởng. Tiếp nối với ba tác phẩm này, Khảo Cổ Luận Tri Thức (AK) là nỗ lực trình bày lối tiếp cận theo phương pháp luận về lịch sử tư tưởng.

Mục đích chính của AK là đưa ra lối tiếp cận về lịch sử tư tưởng mà ở đó vai trò căn bản của chủ thể lịch sử đã bị loại bỏ. Vì thế, “khảo cổ luận sẽ vận hành như thể là ngành khoa học […] trong bối cảnh hậu hiện đại về một cuộc chuyển dịch muốn thoát khỏi quan niệm về con người xét như đối tượng vốn cấu trúc nên thế giới sự vật.”[10] Các nghiên cứu trong MC, BC và OT là những ví dụ điển hình mà Foucault muốn định hình nên một phương pháp luận về lịch sử tư tưởng mang tính phi chủ thể. Nhưng liệu có thể có kiểu lịch sử tư tưởng mà không liên quan đến chủ thể suy tư chăng?

Theo Foucault, lịch sử tư tưởng mang tính “duy chủ thể tính” sẽ rơi vào sự gắn chặt với hoạt động của chủ thể suy tư. Để mô tả cho điều này, Foucault lập luận như sau. Tại mức độ căn bản nhất là “cuốn sách” (book) (AK 25) (hay tập thơ, bài luận hoặc điều gì ai đó nói); sau đó là “tuyển tập” (œuvre) (AK 25) (đây là hợp tuyển các tác phẩm của một tác giả). Cao hơn là xét đến “các giai đoạn lịch sử” (AK 23) và “truyền thống” (AK 23) (tác phẩm liên quan đến những lợi ích và ảnh hưởng). Sau cùng là “kỷ luật” (discipline) (AK 51) (chúng được sắp xếp theo trật tự theo nhiều giai đoạn khác nhau). Từ những gì ở mức độ căn bản nhất mang chủ thể tính, chúng được liên kết bởi vô số phương tiện chuyển dịch. Do đó, sự phát triển của một tác giả từ tác phẩm này đến tác phẩm khác, sự ảnh hưởng của tác giả này đến tác giả khác, và sự ảnh hưởng mang tính tổng thể được gọi là “tinh thần” thời đại (x.AK 24).

Foucault sắp xếp các đối tượng mang chủ thể tính và những phương thế chuyển dịch này. Qua các phương thế chuyển dịch, lịch sử tư tưởng đi theo “sự ảnh hưởng” (AK 24) của tác giả này trên tác giả khác. Nghĩa là yếu tố thông tin và tinh thần thời đại sẽ trở nên tiệm cận hay lặp lại trong nhiều bản văn của họ. Tuy nhiên, điều ông muốn nói không phải để chỉ ra thông tin hay nội dung mang chủ thể tính và các phương thế chuyển dịch trên là vô dụng hay sai lầm, nhưng ông thấy rằng chúng không phải là không có vấn đề nếu toàn bộ lập luận trên được khảo cứu trên bình diện các phạm trù phi chủ thể tính dưới lăng kính khảo cổ luận.

Các Yếu Tố Của Khảo Cổ Luận

Để nghiên cứu lịch sử, khảo cổ luận bắt đầu với “các tư liệu” (documents) (AK 7), là tập hợp “những tuyên bố” (statements) (AK 90). Lịch sử thông thường, đặc biệt là lịch sử ý niệm, xem các tư liệu như dữ liệu chỉ về nội dung hay hoạt động mang ý hướng (chẳng hạn như niềm tin, đam mê, tình cảm) do chủ thể tạo ra. Từ đó, người ta sẽ dùng dữ liệu ngôn ngữ khách quan để tái cấu trúc lại cuộc sống bên trong của chủ thể. Ngược lại, Foucault xem chúng như “những tượng đài” (monuments) (AK 7) hơn là tư liệu. Ở đây, Foucault muốn nhấn mạnh đến tính nội tại của các dữ liệu.

Theo Foucault, người ta giải thích các tuyên bố theo kiểu ngữ pháp (ngữ pháp định nghĩa những điều kiện mà một tuyên bố có nghĩa) và logic (logic xác định điều gì có thể và không thể được thêm vào các tuyên bố) mà không xét đến trường hợp các tuyên bố này không được hình thành trên nền tảng kinh nghiệm, niềm tin và ý hướng của chủ thể (x.AK 90-91). Trong thực tế, có nhiều tuyên bố hợp với ngữ pháp và logic nhưng lại không phù hợp với kinh nghiệm và niềm tin. Ví dụ, không ai nói sao Hỏa đốt cháy tất cả vệ tinh đến gần nó vì người ta không tin. Người cổ đại không nói đến các chuyến du hành vũ trụ vì họ không có kinh nghiệm về nó. Lời giải thích cho trường hợp này là nhận thấy những tuyên bố đó phụ thuộc vào các quy tắc sâu xa (hơn cả ngữ pháp lẫn logic) mà người nói thường không ý thức đủ.

Các nguyên tắc này là “sự hình thành diễn ngôn” (discursive formation) (AK 41) gồm bốn yếu tố căn bản: “Đối tượng” (the objects) (x.AK 35-36) mà các tuyên bố nói đến; “mẫu thức” (enunciative modality) (x.AK 36-38) là loại tình trạng nhận thức và thẩm quyền chúng có; “khái niệm” (concept) (x.AK 38-39) chỉ về điều mà chúng được hình thành; và “chủ đề” (theme hay strategy) (x.AK 39-40) là quan điểm lý thuyết phát triển từ những điều kể trên.

Tuy nhiên, Foucault không nghĩ sự hình thành diễn ngôn là hệ thống giống nhau về các đối tượng, mẫu thức, khung khái niệm đặc thù hay chủ đề. Nhưng sự hình thành diễn ngôn là phương tiện diễn ngôn của nhiều hệ thống khác nhau về các đối tượng, khung khái niệm, mẫu thức và quan điểm lý thuyết. Do đó, Foucault gọi sự hình thành diễn ngôn là “hệ thống phân tán” (system of dispersion) (AK 41) các yếu tố, nghĩa là nó định nghĩa một lãnh vực với vô số các yếu tố khác nhau, thậm chí xung đột với nhau, có thể vận hành và tương tác. Như vậy, sự hình thành diễn ngôn phải đặt nền tảng trên “những quy tắc” (rules of formation) (AK 42) vốn điều khiển sự hình thành các tuyên bố thuộc nhiều hệ thống khác nhau về các đối tượng, mẫu thức, khái niệm, và quan điểm lý thuyết. Ngoài ra, Foucault phân tích sự hình thành diễn ngôn được phân loại chi tiết theo các quy luật vốn điều khiển chúng qua bốn kiểu. Mỗi kiểu ứng với một trong bốn yếu tố của sự hình thành diễn ngôn đã kể trên (x.AK 42).

Kiểu đầu tiên là quy luật hình thành các đối tượng (x.AK 44-54) gồm ba loại. Loại đầu tiên chỉ về các đối tượng xuất hiện trên “bề mặt” (AK 45) xã hội và đi vào sự hình thành diễn ngôn. Ví dụ Gary Gutting[11] đã mô tả bề mặt này như sau. Trong xã hội hiện đại, hành vi của trẻ em được xã hội (cụ thể gia đình) xem xét có sai lạc hay không. Nếu có, em sẽ được xem như mắc vấn đề về rối loạn thần kinh và trở thành đối tượng của ngành tâm thần. Vì vậy, gia đình là bề mặt cho các đối tượng của ngành tâm thần học hiện đại xuất hiện.[12] Loại thứ hai liên quan đến những ai mà xã hội trao thẩm quyền để quyết định đối tượng nào thuộc sự hình thành diễn ngôn (x.AK 46). Chẳng hạn, sau khi bác sĩ xem xét hành vi của một người và quyết định người đó có bị rối loạn tâm thần và cần điều trị hay không. Thứ ba, người ta sử dụng “bảng phân loại” (the grids of specification) (AK 46) để đánh giá. Ở đây, người được cho là đối tượng của ngành tâm thần vì họ được định vị theo từng thông tin của bảng phân loại. Nhờ đó, sự hình thành diễn ngôn phân loại các đối tượng cùng các thông tin theo các hệ thống và chúng liên kết thành những dạng đối tượng. Ví dụ, ngành tâm thần thế kỷ 19 xem linh hồn (the soul) như một hệ thống các năng lực (faculties) và thân xác (the body) như một hệ thống các bộ phận (organs). Chúng được phân biệt trong bảng phân loại. Do đó, khi ai đó có tình trạng hay khuynh hướng bất thường sẽ trở thành đối tượng của ngành tâm thần (x.AK 46-47).

Ba loại quy luật hình thành đối tượng này có liên hệ với nhau. Ví dụ, gia đình thấy hành vi nào đó của đứa trẻ cho thấy sự bất ổn tâm thần. Sau đó, em được bác sĩ chẩn đoán và được đánh giá theo các quy luật của việc phân loại trong tâm thần học. Nhưng có lẽ quá đơn giản để nói rằng khảo cổ luận chỉ bàn về tương quan của ba loại quy luật là đủ. Vì trong thực tế có nhiều trường hợp mà những quy luật phân chia theo tâm thần học phải theo các quy luật khác. Chẳng hạn, một kẻ ám sát chủ tịch nước có thể được phán quyết là hoàn toàn tỉnh táo thậm chí khi phán quyết này ngược lại với các quy luật của bảng phân loại hay chẩn đoán y học. Nghĩa là, sự hình thành các đối tượng này còn lệ thuộc vào nhiều mối tương tác phức tạp khác chứ không chỉ dừng lại giữa ba loại quy luật trên (x.AK 47-49).

Kiểu quy luật thứ hai liên quan đến sự hình thành các mẫu thức (x.AK 55-61). Mẫu thức của tuyên bố là chức năng của bối cảnh mà từ đó nó xuất hiện, gồm thẩm quyền của người nói (ví dụ thẩm quyền của người có chuyên môn hay được đào tạo) (x.AK 55-56), tổ thức có chuyên môn (chẳng hạn, bài chuyên luận hay trang nghiên cứu) (x.AK 56-57) và vị trí của chủ thể thực hiện tuyên bố trước những đối tượng của diễn ngôn (bản tường thuật được trực tiếp tri nhận hay kết luận được rút từ bằng chứng lý thuyết) (x.AK 57-58).

Kiểu quy luật thứ ba bàn về sự hình thành khái niệm (x.AK 62-70). Khái niệm được phân biệt theo các quy luật phức tạp sao cho chúng ứng với các diễn ngôn, được phân biệt thành ba loại như sau. Loại thứ nhất là tương quan trật tự của các tuyên bố (những tuyên bố của lịch sử tự nhiên có liên quan với nhau theo trình tự bắt đầu từ tiền đề rồi đến kết luận, có nhiều giả thiết được kiểm chứng hay quy luật áp dụng) (x.AK 63). Loại thứ hai là “đồng tồn tại” (coexistence) các thái độ khác nhau trong việc chấp nhận hay bác bỏ tuyên bố, gồm có ba dạng (x.AK 64-65): “miền hiện tại” (a field of presence) là dãy các tuyên bố trong sự hình thành diễn ngôn được đặt vào trong nghi vấn. Có dãy được chấp nhận, có dãy bị bác bỏ, và có dãy dường như cần sự phê bình; “miền sánh đôi” (a field of concomitance) là dãy các tuyên bố bắt nguồn từ sự hình thành diễn ngôn khác; và “miền ký ức” (a field of memory) là dãy các tuyên bố không còn được chấp nhận hay thậm chí được bàn luận theo nghĩa riêng của nó nhưng được kết nối với nhiều tuyên bố được chấp nhận. Loại thứ ba là “thủ tục can thiệp” (procedures of intervention) (x.AK 65-66) khác nhau có thể áp dụng cho tuyên bố để tạo ra các tuyên bố mới.

Kiểu thứ tư liên quan đến sự hình thành các chủ đề (x.AK 71-78). “Chủ đề” (strategy) là một lý thuyết cụ thể hay chủ đề vốn phát triển cùng với sự hình thành diễn ngôn (ví dụ thuyết tiến hóa trong sinh học hay thuyết tương đối trong vật lý). Foucault cho rằng những lý thuyết phát triển từ “khả thể gặp gỡ giữa các ý niệm, ảnh hưởng và phát kiến, […] mà một nhà kiệt xuất nào đó đã sắp xếp thành một tổng thể có kết cấu trật tự” (AK 71-72). Tuy nhiên, trong miền các lý thuyết ấy có các quy luật đang chạy ngầm và điều khiển tư tưởng của những ai đang suy tưởng về chúng. Miền các lý thuyết hình thành bởi các “điểm nhiễu xạ” (the points of diffraction) (AK 73). Những điểm này tồn tại ở nơi có nhiều tuyên bố, trong cùng một mức độ và không thể thay thế cho nhau. Chẳng hạn trong OT, Foucault bàn về học thuyết bất biến (fixism) của Cuvier[13] và thuyết tiến hóa (evolutionism) của Darwin[14] cùng xuất hiện tại điểm nhiễu xạ (x.OT 163). Hay học thuyết kinh tế của Marx[15] và Ricardo[16] (x.OT 284).

Tuy nhiên, trong thực tế không dễ để tìm thấy những điểm nhiễu xạ này. Vì có nhiều yếu tố sâu xa hơn mà Foucault gọi là “thẩm quyền” (authorities) vốn giới hạn số lượng sự khác biệt. Ông cho biết yếu tố thứ nhất là “nền diễn ngôn” (the economy of the discursive constellation) (AK 74), là nơi xuất phát sự hình thành diễn ngôn, nghĩa là sự hình thành diễn ngôn thuộc về nền diễn ngôn này. Chính mối tương quan này dẫn đến việc giới hạn và loại bỏ điểm nhiễu xạ vốn tồn tại cùng với sự hình thành diễn ngôn. Thứ hai là sự hình thành diễn ngôn tồn tại trong “phạm vi của thực hành phi diễn ngôn” (field of non-discursive practices) (AK 75). Ví dụ, sự hình thành diễn ngôn y học sẽ được vận dụng trong việc chẩn đoán hay sự hình thành diễn ngôn kinh tế trong quản trị, nghĩa là thẩm quyền phi diễn ngôn có thể tác động đến các lý thuyết trong sự hình thành diễn ngôn.

Tóm lại, khảo cổ luận có bốn yếu tố căn bản ứng với bốn kiểu quy luật ngầm chi phối chúng. Ngoài ra, sự liên kết giữa các hệ thống quy luật khác nhau chi phối sự hình thành diễn ngôn, được gọi là “tương quan diễn ngôn” (discursive relations) (AK 50). Nhiều hình thành diễn ngôn khác nhau có thể có các quy luật giống nhau nhưng giữa các quy luật, những tương quan khác nhau sẽ tạo nên nhiều hình thành diễn ngôn khác nhau.

Tuyên bố

Foucault cho rằng phân tích khảo cổ khác với phân tích theo ngữ pháp và logic. Ông bác bỏ việc xác nhận tuyên bố như là một câu vì câu là đơn vị của ngữ pháp hay xem như mệnh đề vì mệnh đề là đơn vị của phân tích logic. Còn tuyên bố không hoàn toàn là đơn vị của ngôn ngữ nhưng đúng hơn là “chức năng” (x.AK 97). Ông lập luận như sau: “Ngôn ngữ là tập hợp các ký hiệu (signs) được định nghĩa theo các đặc điểm khác nhau và quy luật vận dụng chúng” (AK 95). Qua tập hợp này, vô số chuỗi ký hiệu được hình thành. Chuỗi ký hiệu là câu hay mệnh đề sẽ phụ thuộc vào các quy luật của ngữ pháp hay logic. Nó không đòi buộc chuỗi này có liên quan đến chuỗi khác hay không. Ngược lại, theo Foucault, chuỗi ký hiệu là tuyên bố chỉ khi nó liên quan đến chuỗi các ký hiệu khác và tạo nên “miền liên kết” (associated field) (AK 110). Tuy nhiên, đơn vị ngôn ngữ như câu hay mệnh đề hoặc thậm chí biểu đồ, công thức,… đôi khi cũng có thể là tuyên bố. Tất nhiên, điều này không phải vì chúng là câu hay mệnh đề nhưng bởi vì chúng thuộc về “vị trí của chủ thể có thể được ấn định” (AK 107).

Foucault cho rằng “việc phân tích những tuyên bố […] không cần tham chiếu đến một chủ thể (a cogito)” (AK 138), nghĩa là khi thực hiện tuyên bố thì người nói đã đứng vào một vị trí vốn đã được định nghĩa bởi các quy luật của sự hình thành diễn ngôn. Mỗi tuyên bố có một “chủ thể” (subject) không phải là chủ thể có ý thức đang nói nhưng đúng hơn là “một vị trí được lấp đầy trong những điều kiện của cá nhân” (AK 129). Tất nhiên, vị trí này do các quy luật của sự hình thành diễn ngôn tạo ra.

Sau cùng, khi phân tích tuyên bố, khảo cổ luận không quan tâm đến phân tích bản văn, từ ngữ nào có nghĩa gì hay cách thức tuyên bố được kết nối hợp lý như thế nào. Công việc bề nổi này dành cho việc sử dụng ngôn ngữ. Hơn nữa, phân tích khảo cổ không đi vào thực tại phi diễn ngôn vốn làm nền cho hình thành diễn ngôn (x.AK 174). Tóm lại, khảo cổ luận không bàn về những “từ ngữ” cụ thể, cũng không bàn về “chính thực tại” (things themselves) (AK 49), nhưng nó tập trung vào “các quy luật […] định nghĩa không phải về hiện hữu của thực tại hay lối sử dụng tiêu chuẩn của từ vựng, nhưng là sự sắp xếp trật tự các đối tượng” (AK 50). Foucault không chối bỏ diễn ngôn được cấu thành bởi các ký hiệu hay các ký hiệu có thể được dùng để chỉ về sự vật, nhưng ông muốn khẳng định có điều gì đó “hơn” trong diễn ngôn. Và “chính vì điểm ‘hơn’ này mà chúng ta phải tìm kiếm và mô tả nó” (AK 54).

Khảo cổ luận và lịch sử ý niệm

Quan niệm truyền thống xem lịch sử tư tưởng được chủ thể con người tạo ra. Còn khảo cổ luận nghiên cứu hệ thống các tuyên bố, đưa lịch sử tư tưởng tách khỏi chủ thể con người và hướng đến những “điều kiện” (x.AK 42) của diễn ngôn mà ở đó chủ thể tồn tại. Hệ quả của các điểm khác biệt này sẽ giúp làm sáng tỏ hơn những điểm đặc biệt của phân tích khảo cổ. Hệ quả khác biệt này bàn về thái độ truyền thống và canh tân, giải pháp cho các mâu thuẫn bề nổi và vấn đề về liên tục và bất liên tục (x.AK 157-195).

Truyền thống và canh tân

Lịch sử ý niệm được tạo nên từ hai cột trụ “cổ” và “tân.” Loại lịch sử này quan tâm đến việc sắp xếp các tư tưởng của những cá nhân trong chuỗi niên đại, với từng phần của chuỗi mang đặc tính giống với các phần trước đây. Do đó, quan tâm trước hết là tìm ra ai là người đầu tiên mang đến tư tưởng này và ai là người đã nhắc lại và “chế biến” nó (x.AK 153-154).

Khảo cổ luận nghiên cứu quy tắc của các thực hành diễn ngôn. Quy tắc này là những mô hình do mối tương quan giữa các tuyên bố tạo ra. Những mô hình này xác định phạm vi từ những tuyên bố gốc cho đến tuyên bố được chế biến. Do đó, quy luật của tuyên bố gốc nhất không hơn cũng không kém các quy luật của tuyên bố được chế biến từ nó. Vì chúng đều thuộc về một nền quy luật. Thế nên, vấn đề canh tân cũng chẳng mấy có giá trị với khảo cổ luận (x.AK 155-156).

Tóm lại, ở điểm này, một điểm căn bản trong nguyên tắc của khảo cổ luận ít quan tâm đến việc truy tìm phương thế chủ thể đã truyền tải những ý niệm.

Những mâu thuẫn

Việc nghiên cứu mạch ngầm nằm dưới những mâu thuẫn bề nổi là điểm cơ bản trong phương pháp học của các nhà sử học ý niệm. Họ cho rằng “bên dưới sự đối lập này […] mọi người đã chấp nhận các luận đề căn bản (nghĩa là sự liên tục và phong phú của tự nhiên)” (AK 169) hay họ cố gắng chỉ ra “trong lịch sử tự nhiên, sự đối lập phản ánh xung đột tổng quát vốn phân chia tất cả tư tưởng thế kỷ 18 (ví dụ sự đối lập giữa chủ đề tự nhiên về một lần sáng tạo và chủ đề về sự sản sinh dần dần diễn ra trong lịch sử)” (AK 169).

Các nhà khảo cổ cho rằng: “Những mâu thuẫn không phải là hiện tượng bên ngoài để giải quyết, cũng không phải là nguyên lý ẩn khuất để khám phá” (AK 169). Khảo cổ luận quan tâm nhiều hơn đến việc mô tả cấu trúc diễn ngôn vốn tạo nên các khả thể đối lập. Do đó, qua thuyết bất biến và thuyết tiến hóa “thời Cổ Điển,”[17] khảo cổ luận chỉ ra cách thức những bất đồng này tương ứng với “điểm nhiễu xạ” trong việc hình thành diễn ngôn của lịch sử tự nhiên thời Cổ Điển (x.AK 270).

Tóm lại, thay vì giải thích những mâu thuẫn này như các nhà sử học ý niệm thì các nhà khảo cổ đã mô tả những điều kiện diễn ngôn.

Liên tục và bất liên tục

Vai trò của “bất liên tục” (discontinuity) được vận dụng trong lối tiếp cận lịch sử tư tưởng. Foucault nói: “Một trong những đặc điểm chủ yếu của hình thái lịch sử mới hầu chắc là sự trình bày điểm bất liên tục. […] Sự tháp nhập nó vào trong diễn ngôn của các sử gia mà ở đó nó không còn thực hiện vai trò của điều kiện bên ngoài nhưng là điều kiện bên trong của khái niệm đang lưu vận” (AK 10). Ở đây, Foucault muốn nhấn mạnh điều kiện nội tại của diễn ngôn qua tính bất liên tục. Còn lịch sử ý niệm nhấn mạnh chuỗi liên tục tư tưởng con người như “những bề mặt đồng nhất từ một trí óc cá nhân hay từ não trạng chung” (AK 4). Đào sâu chuỗi liên tục này, người ta sẽ nhận thấy vai trò của chủ thể con người. Tuy nhiên, theo lịch sử tư tưởng, “bên dưới chuỗi liên tục tư tưởng […] người ta đã dò tìm phạm vi của những điểm gián đoạn” (AK 4). Do đó, “vấn đề đặt ra không phải là cách thức tạo ra chuỗi liên tục này, […] nhưng vấn đề thuộc về điểm chia cắt.” (AK 5-6). Từ đây, lối hiểu biết này đã đánh dấu việc giảm trừ vai trò trọng tâm của chủ thể con người.

Ngoải ra, khảo cổ luận có bàn về những thay đổi từ một hình thành diễn ngôn đến hình thành diễn ngôn khác và thay đổi này có thể diễn ra dưới nền tảng của tính liên tục. Tuy nhiên, trong mạch liên tục, Foucault vẫn nhận thấy những điểm gián đoạn nhưng “sự gián đoạn này diễn tả mối tương quan hiện thời của sự hình thành diễn ngôn.” (AK 184).

Tóm lại, “khảo cổ luận không khác so với lịch sử ý niệm truyền thống về sự liên tục và bất liên tục. Điểm khác ở chỗ khảo cổ luận xem điểm bất liên tục quan trọng như sự liên tục. Ngược lại, Foucault cho rằng lịch sử ý niệm cố gắng giảm trừ tất cả sự bất liên tục bề mặt thành chuỗi các thay đổi tiệm tiến.”[18]

Diễn ngôn và phi diễn ngôn

Trên bình diện tri thức, AK xem hình thành diễn ngôn như kết quả của những thực hành ngôn ngữ. Tuy nhiên, AK cũng khẳng định mối tương quan giữa diễn ngôn và thực hành phi diễn ngôn. Các thực hành phi diễn ngôn là “những thể chế, biến cố chính trị, thực hành và tiến trình kinh tế” (AK 179-180).

Lịch sử ý niệm giải thích mối tương quan này bằng nhiều phân tích “biểu tượng” hoặc “nhân quả” (x.AK 180). Về biểu tượng, diễn ngôn (như diễn ngôn về y học thời Cổ Điển) và những thực hành phi diễn ngôn (ví dụ phát triển chính trị, kinh tế và thể chế thời Cổ Điển) như chia sẻ hình thức chung hay phản ánh lẫn nhau. Về nhân quả, lịch sử ý niệm “khám phá mức độ mà các thay đổi chính trị hay tiến trình kinh tế có thể xác định ý thức của các nhà khoa học” (AK 180). Ví dụ, tư bản công nghiệp hiện đại cần nguồn lao động lớn đã tác động đến ngành y dược trong việc nghiên cứu nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh tật.[19]

Khảo cổ luận bàn nhiều hơn về hình thành diễn ngôn như điều kiện khả thể của những kết nối biểu tượng và nguyên nhân. Nghĩa là khảo cổ luận “mong đợi không phải là cách thức mà thực hành chính trị xác định ý nghĩa và hình thức của […] diễn ngôn, nhưng cách thế và hình thức mà nó tham dự vào trong những điều kiện xuất hiện, tham dự và thực hành chức năng” (AK 180). Ví dụ, khảo cổ luận trong BC về y học thời Hiện Đại cho thấy cách thế mà hiện tượng xã hội chẳng hạn như những đội quân và bệnh viện chữa trị cho người nghèo được cung ứng trong bối cảnh đang xuất hiện quy chuẩn thống kê về sức khỏe mà ngành y học lâm sàng thời đó đang tranh cãi![20]

Tóm kết quan niệm Foucault về khảo cổ luận

Tóm lại, AK đã công thức hóa lối tiếp cận lịch sử tư tưởng vốn được Foucault phát triển từ trước trong MC, BC, và OT. Mặc dù phương pháp của nó không hoàn toàn ứng hợp với thực hành của các nghiên cứu trong các tác phẩm đó nhưng nó là sự tái cấu trung thành với những đặc điểm trọng tâm của thực hành đó.

Mặt khác, AK trước hết nhắm đến việc mô tả về sự hình thành diễn ngôn nhưng AK cũng mở ra nhiều lối suy tư sau này của Foucault về các thuật ngữ và thực hành nhân quả phi diễn ngôn trong lịch sử tư tưởng. Tuy nhiên, theo Gary Gutting thì nó còn nhiều điểm chưa rõ ràng! Tóm lại, AK là phương pháp vừa tổng kết tác phẩm lịch sử trước đây của ông vừa tập tễnh hướng đến các tác phẩm mang tính phả hệ luận sau này của ông như DP và HS.[21]

Chương 2: Quyền lực qua lăng kính khảo cổ luận

Tìm hiểu quyền lực dưới lăng kính khảo cổ luận qua ba tác phẩm

Với bệnh điên trong MC, bệnh viện trong BC và khối ý niệm trong OT cùng khảo cổ luận trong AK, Foucault đã dò dẫm và nghiên cứu diễn ngôn, cấu trúc quy tắc và điểm đến là hiểu về quyền lực. Men theo hành trình nghiên cứu, bài luận sẽ lần lượt trình bày chúng qua các chặng lịch sử cùng phương pháp mà Foucault sử dụng. Vậy chân dung quyền lực được lột tả đến đâu qua các tác phẩm của ông?

Quyền lực và bệnh điên qua tác phẩm Bệnh Điên Và Văn Minh

Với diễn ngôn bệnh điên, Foucault đã nhận thấy những căng thẳng giữa người khỏe mạnh và người bệnh, giữa người có lý trí và người phi lý trí, giữa việc xua đổi người điên và việc chữa trị. Qua một loạt các giằng co này thì quyền lực qua lăng kính khảo cổ được nhận thấy thế nào?

Phương pháp khảo cổ luận trong tác phẩm bệnh điên và văn minh

Khảo cổ luận trong MC phân tích diễn ngôn bệnh điên và phân biệt những lớp nghĩa của diễn ngôn. Phân tích diễn ngôn không phải là khám phá các thành phần cụ thể vì diễn ngôn đòi hỏi mối tương liên giữa các yếu tố. Hơn nữa, nhiều phân tích thông thường dường như mang khuynh hướng phân tách chủ thể – khách thể khi tập trung vào các yếu tố cụ thể. Để tránh khuynh hướng này, Foucault xét diễn ngôn trong mối tương quan. Ví dụ, về bệnh điên, Foucault giải thích các nhân tố kinh tế xã hội cũng như vai trò quyền lực trong xã hội mà một người có thẩm quyền tác động lên người khác khi họ bị xem là người điên. Ngoài ra, ông cũng xét đến mối tương quan giữa lý trí và phi lý trí, giữa chủ thể và khách thể, giữa các nhân tố kinh tế và xã hội, … khi nghiên cứu về bệnh điên.

Tóm lại, khảo cổ luận không nghiên cứu các diễn ngôn như thể khám phá “cái gì đó” nhưng là khảo cứu về mối tương quan. Vì thế, khi nói đến bệnh điên thì khảo cổ luận không nghiên cứu nó như là đối tượng và cũng không là chủ thể, nhưng khảo cổ luận cố gắng giải thích các tương quan và chuyển vận trong diễn ngôn bệnh điên.

Bệnh điên qua lăng kính khảo cổ luận

Khảo cổ luận của Foucault nghiên cứu diễn ngôn bệnh điên để khám phá các tương quan và chuyển vận trong nó. Qua phương pháp này, bệnh điên được nhận thấy qua hai điểm như sau.

Trước hết, bệnh điên được xem như mặt kia của lý trí. Foucault trình bày diễn ngôn bệnh điên theo các điều kiện khả thể, nghĩa là cấu trúc điều kiện để diễn ngôn bệnh điên tồn tại và lưu vận. Hơn nữa, bệnh điên bị điều kiện đến mức mà nó tồn tại như một cấu trúc của lý trí. Mặt khác, khi nói đến lý trí thì người ta hiểu rằng đi kèm với nó phải có một “cái khác” nữa. Cái khác đó là phi lý trí. Người điên bị loại trừ khỏi xã hội như thể là “hình dạng khác” (x.MC x) so với những người có lý trí. Thế nên, bệnh điên xuất hiện như khái niệm từ sự phân chia này của lý trí và phi lý trí. Vì vậy, diễn ngôn bệnh điên nói về lý trí và phi lý trí xuất hiện đồng thời từ hành vi quyết định có sự gắn chặt bản lề giữa lý trí và phi lý trí.

Trong MC, Foucault chỉ ra “khoảng trống giữa lý trí và phi lý trí” (MC x). Quan niệm về bệnh điên tồn tại như hệ luận của lý trí tách khỏi phi lý trí. Vì vậy, bệnh điên được cấu thành “trong hành vi chia cắt.” Sự chia cắt này là khoảnh khắc lý trí tách khỏi phi lý trí. Qua cấu trúc này, Foucault chỉ ra cuộc chuyển vận đứt gãy vốn ở nơi lý trí tách khỏi phi lý trí và cấu trúc nên những quan điểm xã hội về bệnh điên.

Thứ hai, bệnh điên được xem như kết cấu xã hội. Foucault bắt đầu nghiên cứu diễn ngôn bệnh điên từ thời Trung Cổ. Thời đó, người mắc bệnh phong bị xã hội tẩy chay. Khi bệnh phong dần biến mất thì “truyền thống loại trừ” trong xã hội tìm cách thay thế người mắc bệnh phong bằng những người bị coi là người điên. Ở đây, Foucault bắt đầu chỉ ra dạng quyền lực của hành vi loại trừ, vốn có mặt dai dẳng trong suốt lịch sử xã hội (x.MC 3-37). Hơn nữa, Foucault chỉ ra “điều mang tính tất yếu trong xã hội” luôn đối nghịch với “phần kia.” Được xem là phần kia của lý trí, bệnh điên trở nên chiếm giữ vị trí “phần kia” của các quy tắc xã hội. Vì các quy tắc khác nhau tạo nên các nhóm xã hội khác nhau và được hình thành dựa trên quan điểm tôn giáo, chính trị, tính dục,… Qua đây, sự loại trừ như có khuynh hướng xã hội. Vì vậy, quan niệm về người có lý trí và người điên như đối nghịch trong xã hội. Người bị loại trừ trình diễn như “thực thể” bị trật tự xã hội chống lại và đẩy ra bên rìa. Những người mắc bệnh phong và người bị xem là điên được cho là cố chấp mang tính đe dọa, quấy rối và bị xua đuổi, giam cầm. (x.MC 24-27).

Chiếc tàu chở người điên (Ships of fools) (x.MC 22) là biểu tượng mô tả diễn ngôn bệnh điên. Trong nền văn học thế kỷ 15, hình ảnh này diễn tả việc trục xuất những ai bị xem là người điên lên các con thuyền. Con thuyền này xuất hiện như biểu tượng về tình trạng mù mờ, giận dữ và hỗn loạn hình thành từ những gì được xem như lệch lạc xã hội. Bệnh điên thời Trung Cổ được hiểu như phải chịu sự kiểm soát của người có lý trí để bảo vệ và gìn giữ trật tự xã hội và lợi ích của người khác.

Vào thời Phục Hưng, thái độ trên chuyển thành thái độ mới mang vẻ lãng mạn như thể người điên ý thức về các chân lý cao siêu và ẩn khuất mà những ai có lý trí không thể thấy được. Thời này, nghệ thuật và văn chương du nhập các ý niệm về bệnh điên. Trong các vở kịch của Shakespeare, người điên thường sở hữu sự khôn ngoan mà người khác không có (x.MC 31). Bệnh điên khiến con người hành động có suy tính và các vở kịch kết cục bi thảm. Bệnh điên trở thành một phần trong bản chất con người.

Đến thời Cổ Điển, quan niệm mới về bệnh điên ra đời. Thay vì người điên được đưa lên các con thuyền thì bệnh viện hay đúng hơn là trại tập trung (asylum hay madhouse) (x.MC 35) trở thành nơi dành cho người điên. Ngoài ra, xã hội còn gắn một nghĩa về trách nhiệm vào bệnh điên để nó không chỉ dành cho người điên mà còn những ai bị xem là lệch lạc so với các nguyên tắc xã hội thì họ sẽ bị loại trừ và giam giữ trong các phương tiện được thể chế hóa, chẳng hạn các trại tập trung (x. MC 50-64). Ở đây, các phương tiện giam giữ thực hành quyền lực trên những ai bị giam cầm hơn là thực hành y tế.

Đến thế kỷ 18, bệnh điên được xem như đối lập với lý trí. Vì lý trí là “điều phải có” nơi con người nên người điên bị xem như tách khỏi tính nhân, như động vật (x.MC 74). Đến thế kỷ 19, những thái độ về bệnh điên có nhiều chuyển đổi sâu xa hơn và trở thành bệnh về thần kinh và cần được chữa trị (x.MC 132-143). Nếu bệnh điên có thể được chữa trị thì nó phải lệ thuộc vào nghiên cứu khoa học. Ở đây, Foucault phê phán sự vận dụng các mẫu nhân cách con người được phát triển trong tâm lý. Ông mô tả vai trò quyền lực liên quan đến việc điều trị bệnh điên khi người điên là đối tượng theo sự sắp đặt của người có lý trí. Nghĩa là người có lý trí sẽ hành động khẳng định quyền lực trên người điên trong việc điều trị cho người điên.

Tóm lại, MC chỉ ra bệnh điên trong mối liên quan với quyền lực. Vai trò của quyền lực trong các diễn ngôn bệnh điên quan trọng tới mức mà lý trí đã liên tục khẳng định chính nó trên bệnh điên. Foucault chỉ ra những tương quan cụ thể với bệnh điên và chuyển vận trong các tương quan như vậy từ thời Trung Cổ đến thế kỷ 19. Chuyển dịch này xuất hiện vì các vấn đề xã hội khác nhau. Bối cạnh xã hội cung cấp cho nó nhiều phương tiện để hiểu tại sao các lý thuyết khoa học cụ thể xuất hiện và phát triển liên quan đến bệnh điên.

Tóm kết

MC nghiên cứu nhiều phương pháp khác nhau và các giai đoạn lịch sử với sự chuyển dịch diễn ngôn. MC tập trung vào những sự giống nhau xuất hiện xuyên suốt lịch sử: Bệnh điên dai dẳng như “phần khác” của lý trí, như “thứ” phải bị phân tích và bị sửa trị bởi lý trí. Tuy nhiên, ở bất kỳ diễn ngôn nào, lý trí không thể loại bỏ bệnh điên, vì bệnh điên tồn tại như phần kia của lý trí.

Quyền lực và bệnh viện trong tác phẩm Sự Ra Đời Của Bệnh Viện

Lịch sử BC là điểm quan trọng trong lịch sử bệnh điên mà toàn bộ hệ thống giam cầm phân chia thành các khu tách biệt cho người điên, tội phạm và bệnh nhân. BC là bước đi xa hơn của Foucault trong phân tích khảo cổ về nhận thức qua nền y học thời Cổ Điển, lâm sàng và giải phẫu lâm sàng.

Y học thời Cổ Điển

Trong thời Cổ Điển, khái niệm được mô tả qua ba mẫu thức “không gian hóa” (spatialization): “Không gian hóa đầu tiên” hay “không gian hình thái” (space of configuration) (BC 3) định vị bệnh lý theo quan niệm định nghĩa bản chất nền tảng của nó (x.BC 15), nghĩa là qua quan sát để thấy những điểm bất thường so với những đặc điểm bình thường tự nhiên theo bảng phân loại triệu chứng. Các triệu chứng được xem như biểu hiện rối loạn của bệnh. Khởi từ kinh nghiệm, bác sĩ sẽ thấy các triệu chứng để khám bệnh. Theo Foucault, điều này chỉ dừng ở bề mặt vì đây chỉ là “không gian phóng chiếu mà không có chiều sâu, không gian trùng hợp mà không khai triển […] Ở hình thái này, sự thật được thấy ban đầu chỉ là bề mặt mà ở đó sự chữa trị chỉ mang tính […] biểu tượng” (BC 6).

“Không gian hóa thứ hai” hay “không gian định vị” (space of localization) (BC 3) kết nối bệnh lý với các cơ thể mà nó đã được nhận diện (x.BC 15-16). Nghĩa là nhận diện bệnh lý được thay bằng tiến trình mà bệnh lý trở nên “có thể thấy được trong hệ thống khối lượng địa lý vốn được phân biệt theo thể tích và khoảng cách […] mà nó mang đặc tính bởi vị trí của nó trong một sinh thể” (BC 10). Ở đây, Foucault bàn về “ánh nhìn” (the gaze) (BC 136) của bác sĩ chọc thẳng vào không gian thân xác để thấy căn bệnh. Tuy nhiên, ông cho rằng việc định vị này “cắm neo chỉ trong điểm khởi không gian và thời gian” (BC 140) thích hợp với những vấn đề đương thời gắn với việc điều chỉnh của bề mặt sự sống và thay đổi mà thôi.

“Không gian hóa thứ ba” đặt bệnh tật và sự khác biệt trong bối cảnh xã hội (x.BC 16). Điều này nói đến không gian mà các thể chế và các nhóm y học diễn ra. Ở đây, “bệnh lý được khoanh tròn, nghiên cứu, cách ly, phân chia thành các vùng chặt chẽ theo y học hay được phân loại qua các trung tâm, sắp xếp theo cách thỏa đáng nhất” (BC 16).

Với mẫu thức trên, Foucault đã mô tả những giai đoạn chính của tiến trình y học thời Cổ Điển với diễn ngôn bệnh lý. Tiếp theo, việc tái cấu trúc bắt gặp “ý thức y học” đã xuất hiện khi cuộc cách mạng Pháp bắt đầu. Ý thức này hội tụ những khía cạnh chính yếu với ý thức chính trị của cuộc cách mạng. Thế nên, cuộc hội tụ dẫn đến việc cải cách tận căn các thể chế và thực hành y học. Tuy nhiên, Foucault cho rằng chẳng có sự cải cách tận căn nào có hiệu lực mãi cho tới khi có sự chuyển đổi tận căn tương ứng với kinh nghiệm và diễn ngôn y học. Điều này chỉ diễn ra trong thời đầu của thế kỷ 19 liên quan đến việc cải tổ ban quản trị tư vấn về thực hành y tế năm 1803. Sự kiện này mở ra ngành y học lâm sàng. Sau đó, y học lâm sàng kết hợp với phẫu thuật mở ra một ngành gọi là y học giải phẫu-lâm sàng.[22]

Ý thức về một nền y học mới

Trước khi cách mạng nổ ra, mối quan tâm về bệnh dịch hình thành nên “một xã hội trung thành với y học” như thẩm quyền y học tại Pháp. Loại hình tổ chức mới đi kèm với ý thức y học mới cho thấy bản chất tập thể của nó: “Xã hội […] trở thành bộ phận chính thức về ý thức tập thể về hiện tượng bệnh lý vận hành vừa ở cấp độ kinh nghiệm vừa ở cấp độ tri thức” (BC 28).

Foucault kết nối ý thức y học mới và khái niệm tri thức y học. Ở đây, bác sĩ trở thành người có quyền lực trên thân xác. Thậm chí, bác sĩ không còn được xem là người chữa trị thân xác nhưng là người quan tòa sẽ định ra các tiêu chuẩn về tình trạng thể lý của một người. Trong khi y học Cổ Điển quan tâm đến việc phục hồi các phẩm tính khỏe mạnh đã bị mất khi bị bệnh thì ý thức y học mới thế kỷ 19 “hình thành những khái niệm và công bố sự can thiệp của nó liên quan đến tiêu chuẩn về cấu trúc mang tính chức năng và bộ phận” (BC 35). Sự chuyển đổi này dẫn đến khái niệm về sự sống của thế kỷ 19 không phải là “cấu trúc nội tại của ‘hữu thể có bộ phận’ (the organized being), nhưng là ‘lưỡng cực y học về bình thường và bệnh lý’ (the medical bipolarity of the normal and the pathological)” (BC 35).

Trong những năm cách mạng diễn ra, một lực đẩy hướng đến việc cải cách xuất phát từ sự hội tụ các nhu cầu về ý thức y học mới và lý tưởng chính trị cách mạng. Ý thức y học mới đòi hỏi việc truy vấn phù hợp với lý tưởng cách mạng, nghĩa là “không gian truy vấn tự do” (x.BC 38-53) muốn được giải phóng khỏi tính chuyên quyền của chế độ cũ. Đặc biệt, y học và chính trị đòi hỏi bãi bỏ các thể chế như bệnh viện, hướng dẫn của bác sĩ và phân khoa y tại đại học. Vì cho rằng chúng là những trở ngại cho việc theo đuổi tri thức y học và thiết lập xã hội tự do.[23]

Tuy nhiên, đầu thế kỷ 19, y học “lâm sàng” phát triển thể chế mới, là kiểu bệnh viện mới, và là hình thức mới về tư tưởng và thực hành y học.

Y học lâm sàng

Chiến tranh xảy ra từ năm 1792 kéo nhiều bác sĩ có năng lực vào quân đội khiến cho chỉ còn những bác sĩ thiếu năng lực cho người dân. Điều này dẫn đến phong trào cải cách y học liên quan đến việc tổ chức nghề y và hệ thống bệnh viện. Về nghề y, Foucault mô tả khái niệm “năng lực y học” (medical competence) (BC 75) qua sự phân biệt giữa “bác sĩ” (doctor) (BC 80) và “nhân viên y tế” (officer of health) (BC 81). Bác sĩ có năng lực và kiến thức cao hơn nhân viên y tế. Vì bác sĩ không dừng ở mức độ lý thuyết nhưng còn thủ đắc kiến thức từ việc quan sát trực tiếp bệnh nhân trong bệnh viên lâm sàng.

Hệ thống bệnh viện là nơi thực hành y tế và gắn với ý niệm cách mạng thời đầu là xã hội có trật tự sẽ không cần các bệnh viện. Thế nên, người bệnh phải được chăm sóc tại nhà, chứ không phải tại các cơ sở của nhà nước. Tuy nhiên, có quá nhiều người nghèo và nhà nước phải bỏ ra số tiền lớn cho các gia đình nghèo để chăm sóc cho người bệnh. Do vậy, loại hình bệnh viện bác ái cho việc nghiên cứu y học ra đời. Nó tạo ra lớp nghĩa cao thượng cho người giàu ủng hộ cho các bệnh viện để điều trị cho người nghèo. Bệnh viện trở thành nơi nghiên cứu và huấn luyện với mục tiêu gia tăng kiến thức y tế và hoàn thiện năng lực của bác sĩ. Còn người nghèo sẽ “trả phí” điều trị bằng cách để chính mình làm đối tượng cho việc nghiên cứu. “Bệnh viện lâm sàng […] là lợi tức được người nghèo trả vốn là số tiền mà người giàu bằng lòng để đầu tư vào bệnh viện” (BC 85). Vì vậy, bệnh viện lâm sàng là bệnh viện từ thiện, là nguồn kiến thức y học mới. Còn huấn luyện bác sĩ trở thành điểm trọng tâm của lâm sàng theo nghĩa hệ thống thực hành y học đặt nền trên việc quan sát trực tiếp các bệnh nhân liên quan đến việc “nhìn ngắm” đối tượng y học qua bảng phân tích mới.[24]

Y học giải phẫu lâm sàng

Tại sao ở thời điểm đó y học giải phẫu lâm sàng mới phát triển? Câu trả lời là thực hành giải phẫu xác người bị trì hoãn vì nó được xem là đối nghịch với “tôn giáo, luân lý, và thiên kiến” (BC 124). Tuy nhiên, theo Foucault, quan điểm này dường như trái ngược với sự kiện lịch sử. Thực tế, các bác sĩ chẳng gặp khó khăn để có các thi thể và thực hành phẫu thuật ở thế kỷ 18. Do đó, lý do có vẻ đúng hơn là y học giải phẫu cắm rễ quá sâu trong y học lâm sàng! Vì y học lâm sàng bàn về những hiện tượng được quan sát trực tiếp, các biểu mẫu biến thiên theo thời gian và thống kê xác suất các hiện tượng xảy ra. Theo Foucault, đây là bằng chứng cho thấy y học giải phẫu lâm sàng và “cấu trúc của nó lạ lẫm với việc nghiên cứu các thân xác câm lặng” (BC 126) trong khi những thân xác này có thể được giải phẫu. Do đó, trước khi y học giải phẫu lâm sàng ra đời, ắt hẳn phải có sự biến đổi nền tảng trong quan niệm y học lâm sàng.

Phương pháp và tóm kết

Trong phần kết của BC, Foucault trình bày tác phẩm này như việc thực hành viết sử: “Trong số các tác phẩm, BC là nỗ lực áp dụng phương pháp cho phạm vi còn nhập nhằng, chưa được cấu trúc hay có cấu trúc lỏng lẻo của lịch sử ý niệm” (BC 195). Ông nghiên cứu khảo cổ qua việc tập trung vào các yếu tố diễn ngôn và phi diễn ngôn. Sự phát triển của y học hiện đại được phác họa như kết hợp các tư duy mới cùng hình thái thể chế mới. Ông trình bày và phân tích diễn ngôn lâm sàng và giải phẫu lâm sàng. Hơn nữa, ông phê bình y học dưới ảnh hưởng của khung tri thức luận bên dưới các khái niệm của nó.

Trong BC, Foucault bàn về sự kết nối giữa y học lâm sàng với các thể chế tư sản mới và những giá trị của cách mạng Pháp. Cùng với đó, Foucault phê bình những giá trị luân lý ngầm nằm dưới tính khách quan của y học hiện đại. Hơn thế, ông phê bình ý hướng khoác vẻ nhân văn trong “bản hợp đồng” (BC 85) giữa người giàu và người nghèo khi tạo nên bệnh viện lâm sàng. Tuy nhiên, điểm nhấn của BC là phê phán khung tri thức luận của y học. Foucault muốn chỉ đến quyền lực của từng khung tri thức ngầm chi phối và định hình lối tư duy về phương pháp chữa trị cũng như các tương quan với các quyền lực kinh tế và chính trị trong điều trị bệnh và loại hình bệnh viện.

Khối ý niệm về sự vật trong tác phẩm Trật Tự Sự Vật

OT bàn về tình trạng nhận thức của “các ngành khoa học con người.” Để hiểu tình trạng này, người ta cần xác định vị trí của các ngành khoa học này trong phạm vi tri thức luận. OT đã cố gắng nắm bắt hiểu biết này qua những mệnh đề nhận thức như sau. Đầu tiên, tri thức biến thiên qua từng giai đoạn lịch sử: thời Phục Hưng, thời Cổ Điển và thời Hiện Đại. Thứ hai, khái niệm tri thức theo từng thời kỳ có tương quan với “kinh nghiệm về trật tự.” Ở đây, kinh nghiệm trật tự có nghĩa là lối tiếp cận cho thấy sự liên kết các sự vật. Thứ ba, vì tri thức hình thành các chân lý về các sự vật, nên bản chất của nó trong một thời kỳ sẽ phụ thuộc vào việc giải thích của thời kỳ đó về bản chất của các dấu hiệu được sử dụng trong việc hình thành chân lý. Thứ tư, vì những dấu hiệu quan trọng nhất trong việc hình thành tri thức là ngôn ngữ, nên bản chất của tri thức phụ thuộc vào khái niệm ngôn ngữ của thời kỳ đó. Do vậy, để hiểu được tình trạng tri nhận của các ngành khoa học con người, người ta cần hiểu được khái niệm trật tự, dấu hiệu và ngôn ngữ. Foucault gọi hệ thống khái niệm như vậy cùng với khái niệm của tri thức mà chúng đòi hỏi là “khối ý niệm” (episteme) (x.OT xxiii; x.AK 211) của một thời kỳ. [25]

Khối ý niệm thời Phục Hưng

Theo Foucault, thời này quan niệm rằng các sự vật có trật tự vì chúng “giống với” vật khác (resemblances) (x.OT xxvi, 19). Bản chất giống hay tương tự này được thể hiện qua lối tư duy giữa ngôn ngữ và các sự vật. Điều này được nhận thấy qua các hình thái như “kề” (convenience hay convenientia) (x.OT 20-21) cho thấy mọi thứ giống nhau trong thế giới kết dính với nhau trong chuỗi kề cận về mặt không gian; “đối” (emulation hay aemulatio) (x.OT 21-23) cho thấy các vật giống với vật kia từ rất xa như khúc xạ qua tấm gương, chẳng hạn gương mặt con người và bầu trời; “suy” (analogy) (x.OT 23-26) là sự kết nối tinh vi khác với hai hình thái trên vì xem con người là trung tâm của sự kết hợp thế giới; “lý” (sympathy) (x.OT 26-27) cho thấy sự giống nhau liên quan đến hoạt động như nguyên lý chuyển động không gian và thay đổi phẩm tính. Ví dụ vật nặng bị hút xuống đất và vật nhẹ sẽ bay lên trời. Ngoài ra, còn có một lực khác gọi là “phản lý” (antipathy) (x.OT 27). Sự cân bằng giữa lý và phản lý khiến các sự vật “giống với vật khác và bị kéo về chúng […] mà không bị nuốt chửng hay đánh mất tính đơn nhất của chúng” (OT 27-28).

Trên đây cho thấy cách thức tư tưởng thời Phục Hưng nghĩ về trật tự thế giới bằng lý lẽ của các tương quan của sự giống nhau. Ví dụ, Foucault đề cập về “cây phụ tử” (aconite) (x.OT 30) một thực vật giúp chữa bệnh mắt bởi vì có lý (sympathy) giữa nó và mắt. Dấu hiệu để nhận ra lý này là suy (analogy) giữa con mắt và cái hạt của cây này. Thế nên, dấu hiệu về sự giống nhau của vật này là loại dấu hiệu về sự giống nhau của vật kia. Thế nên, Foucault cho rằng dấu hiệu lý thì có thể là suy, dấu hiệu suy là đối, dấu hiệu đối là kề, và dấu hiệu kề là lý (x.OT 32). Theo cách này, tư tưởng thời Phục Hưng truy tìm “tri thức về thế giới ngang qua hình xoắn ốc vô hạn về các sự giống nhau kết nối với nhau” (x.OT 35). Do đó, hệ thống thế giới và hệ thống tri thức về thế giới có cùng kiểu cấu trúc căn bản. Đó là kiểu cấu trúc về các điểm giống nhau có gắn kết với nhau (x.OT 32).

Tóm lại, vào thời này, ngôn ngữ là hệ thống các dấu hiệu, là phần của thế giới. Sự đan dệt giữa ngôn ngữ và các sự vật trong thế giới được quan niệm qua những điểm giống nhau. Thế nên, ngôn ngữ được nghiên cứu theo cách tương tự như nghiên cứu đối với các đối tượng tự nhiên khác.

Khối ý niệm thời Cổ Điển

Trật tự sự vật thời này thay thế căn tính (identity) và sự khác biệt (difference) cho các sự giống nhau (resemblances) của thời Phục Hưng. Người ta không dừng để nhận diện các điểm giống nhau nhưng phân tích chúng. Vài trò chính không còn là ghép chúng vì điểm giống nhau nhưng là tách chúng theo những khác biệt. Để giải thích khối ý niệm thời này, Foucault bàn về ba phạm vi cụ thể của tri thức Cổ Điển: ngữ pháp tổng quát (general grammar) (x.OT 90-136), lịch sử tự nhiên (natural history) (x.OT 139-179) và phân tích của cải (the analysis of wealth) (x.OT 180-218) liên quan đến đời sống con người là ngôn ngữ, sự sống, và lao động.

Ngữ pháp tổng quát

Ngôn ngữ được đồng hóa với diễn ngôn vì “‘sự trình diễn’ (representation) được diễn tả bằng dấu hiệu của lời nói” (OT 90). Thế nên, đặc điểm này của ngôn ngữ trở thành nơi cho phạm vi tri thức luận mới. Thời Cổ Điển gọi phạm vi này là ngữ pháp tổng quát. Đây là “nghiên cứu về trật tự lời nói liên quan đến tính đồng thời của hành vi trình diễn” (OT 91). Để làm rõ mối tương quan giữa ngôn ngữ và diễn ngôn, Foucault có ví dụ như sau. “Đối với ánh nhìn của tôi, sự rực rỡ cùng với hoa hồng” (to my gaze, brightness is within a rose) (OT 91). Mặc dù trong tư tưởng, “ánh nhìn của tôi,” “sự rực rỡ,” và “hoa hồng” xảy ra đồng thời nhưng trong ngôn ngữ và diễn ngôn, trật tự trình bày mang tính liên tiếp với nhau. Vì thế, ngôn ngữ “phân tích ‘sự trình diễn’ theo trật tự liên tục” (OT 90). Ngoài ra, Foucault lưu ý ngữ pháp tổng quát không phải là cấu trúc chung cho mọi ngôn ngữ mà từ “tổng quát” ở đây nhằm giải thích hệ thống trình diễn như lớp nền nằm dưới tất cả các quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ (x.OT 101).

Ngữ pháp tổng quát hiểu theo bốn chức năng: “quy” (attribution) (OT 105) là sự kết nối hai trình diễn với việc quy vật này thành vật khác; “phát” (articulation) (OT 107) giúp các nội dung của sự trình diễn được diễn tả bằng ngôn ngữ; “gọi” (designation) (OT 114) là sự kết hợp giữa âm và từ; “tiến” (derivation) (OT 121) là tiến trình ý nghĩa của ngôn ngữ phát triển tinh vi so với ban đầu. Tuy nhiên, các đặc điểm này thường không rõ ràng trong các lý thuyết ngữ pháp vì sự phân chia này không cốt ở việc khảo cứu lý thuyết nhưng ở phân tích cấu trúc của ngôn ngữ theo bốn yếu tố.[26]

Ngoài ra, bốn chức năng căn bản của ngôn ngữ được xem như những chóp đỉnh của tứ giác. Foucault sử dụng “tứ giác ngôn ngữ” (the quadrilateral of language) (x.OT 127) để tóm tắt những tương quan trong ngữ pháp tổng quát giữa bốn chức năng. Tại trọng tâm của tứ giác là điểm giao nhau giữa hai đường chéo, là yếu tố mà toàn bộ lý thuyết thời Cổ Điển về ngôn ngữ xoay quanh nó được hình thành: “Tên” (the name) (OT 128). Một mệnh đề có thể kết nối với các trình diễn chỉ khi nó được đặt tên. Vì qua việc đặt tên thích hợp cho các sự vật thì ngôn ngữ có thể giúp người ta thoát khỏi sự mơ hồ về các điểm giống nhau và xác định những căn tính và khác biệt vốn định nghĩa thực tại đúng đắn của chúng (x.OT 128-129).

Lịch sử tự nhiên

Người ta quan tâm đến các nguyên nhân khoa học và truy tìm nguồn gốc những biểu lộ của nó như qua các lợi ích nông nghiệp (x.OT 137, 141), các cây trồng và động vật ngoại lai (x.OT 137, 143), và “ổn định hệ thống quy cách về tự nhiên” (ethical valorization of nature) (x.OT 137, 143). Những biểu lộ này được mô tả như sự đối nghịch giữa khái niệm khoa học và lý thuyết. Ví dụ, đối nghịch giữa sự sống thuyết (vitalism) (OT 137) và cơ giới thuyết (mechanism), giữa nhà kinh nghiệm (experimentalist) và nhà hệ thống (partisan of the system), giữa cố định thuyết (fixism) và biến đổi thuyết (transformism) (x.OT 139). Foucault cho rằng không thể giải thích tại sao các xung đột này lại mạnh mẽ đến vậy và phải chấp nhận sự bất đồng giữa chúng. Theo ông, khảo cổ luận ở đây rất khác so với các lối tiếp cận khác. Nó đặt câu hỏi về nguyên nhân của hình thức mới trong tư tưởng khoa học vào dấu ngoặc. Điều này không phải vì Foucault nghĩ câu hỏi như vậy vô nghĩa nhưng ông nghĩ rằng người ta cần những mô tả về các hiện tượng tại mức độ sâu hơn trước khi tìm nguyên nhân của chúng.

Ngoài ra, Foucault cho rằng, lịch sử tự nhiên thời này quan niệm về các dấu hiệu là phần của thế giới cũng như các cấu trúc sinh thể của cây cối và động vật. Thế nên, để sắp xếp và để hiểu lịch sử tự nhiên thì nó trình diễn sự vật trong ngôn ngữ bao nhiêu có thể để thu hẹp khoảng cách giữa ngôn ngữ và sự vật, “để đưa ngôn ngữ tới gần bao nhiêu có thể với ánh nhìn quan sát và các sự vật được quan sát tới gần bao nhiêu có thể với ngôn từ” (OT 144). Vì vậy, “lịch sử tự nhiên không gì hơn là tên của các vật khả thị” (OT 144).

Phân tích của cải

Foucault nhận ra sự tương đồng về vấn đề tài sản giữa thời Cổ Điển và thời Phục Hưng liên quan đến cách hiểu về tiền bạc với giá của sản phẩm được trao đổi. Tiền thời Phục Hưng là một kim loại quý với giá trị nội tại của nó (x.OT 186-187, 189). Tiền sử dụng trong trao đổi như dấu hiệu về giá trị của sự vật khác. Thay vì tiền là dấu hiệu của tài sản qua giá trị nội tại và kinh tế thời Cổ Điển là “nền kinh tế trọng thương” (mercantilism) (OT 189) thì tiền được xem như kênh trung gian trao đổi và có giá trị khi nó trình diễn giá trị của vật khác (x.OT 192).

Ở đây, Foucault trình bày tiền ở thời Phục Hưng và thời Cổ Điển liên quan đến dấu hiệu. Thời Phục Hưng xem dấu hiệu (tiền) chỉ về điểm giống nhau với điều mà nó chỉ thị, còn thời Cổ Điển xem dấu hiệu như sự trình diễn thuần túy mà không giá trị của riêng nó (x.OT 191). Ngoài ra, tiền sử dụng như sự trình diễn về của cải có thể được xem như “loại thế chấp” (a pledge) (OT 196) trong việc trao đổi hàng hóa.

Tóm lại, qua ba lĩnh vực thực nghiệm thời Cổ Điển, Foucault phân biệt những hệ thống tư tưởng thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Hơn nữa, ông chú ý đến những tương đồng cấu trúc sâu xa của chúng về trật tự, dấu hiệu, ngôn ngữ để diễn tả khối ý niệm thời Cổ Điển. Qua đó, ông muốn cho thấy nhiều cấu trúc chi phối và liên quan đến các ngành khoa học trên. Đó là những liên quan quyền lực và kiểm soát của khối cấu trúc ẩn ngầm mà Foucault muốn mô tả ở thời này.

Khối ý niệm Hiện Đại

Thời này có lối nhìn mới về sự vật và các tương quan giữa chúng. Các sự vật không liên quan đến vật khác về căn tính và sự khác nhau giữa thuộc tính của chúng. Foucault trình bày chúng như “các cấu trúc sinh thể” (organic structures) (OT 236) so với vật khác qua “phép loại suy” (analogy) giữa các cấu trúc, sau đó là giữa những chức năng (x.OT 236). Hơn nữa, trật tự sự vật bây giờ được xác định theo các nguồn lực lịch sử ẩn khuất nơi chúng (x.OT 237-240).

Do đó, quan niệm mới về dấu hiệu thời này mô tả sự trình diễn gắn với khuynh hướng. Nghĩa là nó không còn như một chức năng giống với tư tưởng về chính nó.[27] Đúng hơn, sự trình diễn phải đặt nền trên một điều gì khác hơn và khi đó, “sự trình diễn đã đánh mất quyền lực cung cấp nền tảng […] cho các mối liên kết vốn có thể gắn kết các yếu tố khác nhau lại cùng nhau. Không kết cấu, không phân ly, không phân tích vào các căn tính và các sự khác biệt bây giờ có thể điều chỉnh kết nối trình diễn của vật này vào vật khác” (OT 259). Quyền lực trình diễn phải được tìm thấy “ở sự trình diễn bên ngoài, vượt quá khả thể thấu thị trực tiếp, là một dạng thức nằm ẩn sau, là thế giới sâu hơn và dày hơn chính sự trình diễn” (OT 295).

Tiếp theo, tương tự như các ngành khoa học thực nghiệm như thời Cổ Điển, Foucault trình bày về ngữ văn, sinh học, và kinh tế hiện đại liên quan cấu trúc khảo cổ luận tư tưởng.

Ngữ văn

Foucault nói rằng sự phát triển của ngôn ngữ hiện đại liên quan đến tác phẩm của Bopp[28] (x.OT 305-321). Đặc biệt, ngôn từ của Bopp cho thấy những chức năng trình diễn và diễn đạt ý. Qua đó, từ ngữ diễn đạt các yếu tố của hệ thống ngữ pháp mà bên dưới là các quy luật ngôn ngữ chi phối và vận hành chúng. Thế nên, quyền lực trình diễn của chúng bắt nguồn từ vai trò của chúng thuộc về cấu trúc của hệ thống này. Hơn nữa, giống như sinh học, Foucault xem ngôn ngữ như sinh thể sống và có tiến hóa do các quy luật của các cấu trúc bên trong của nó. Do vậy, ngôn ngữ trở thành thực tại lịch sử và là đối tượng của tri thức (x.OT 321-327).

Sinh học

Lịch sử tự nhiên thời Cổ Điển dựa trên hệ thống của sự trình diễn qua bảng phân loại theo những căn tính và các sự khác biệt. Còn sinh học hiện đại mở đầu về khái niệm của “cấu trúc sinh thể” (organic structure) (OT 245) của Lamarck[29] và Cuvier liên quan hệ thống chức năng mà một bộ phận thực hiện (x.OT 287-304). Từ đây, các bộ phận sinh thể được phân loại theo sự giống nhau liên quan đến chức năng. Sinh học hiện đại trở thành là “ngành khoa học về sự sống” (x.OT 138). Sự sống ở đây liên quan đến ba đặc điểm như sự bất liên tục trong các hình thái của sự sống vì người ta không thể xác định rõ số lượng bộ phận và chức năng của mỗi hình thái (x.OT 297); sự kết nối với môi trường sống qua việc các sinh vật sống liên kết với nhau để bảo vệ sự sống (x.OT 298); và sự sống gắn chặt với yếu tố thời gian để làm nên một thực tại mang lịch sử tính cũng như phi lịch sử tính (x.OT 300-304). Tóm lại, theo Foucault, quan niệm về sinh học trên đây chi phối lối suy tư của các nhà nghiên cứu thời hiện đại liên quan thuyết tiến hóa mà từ đây, nhiều cuộc tranh cãi xảy ra giữa Cuvier, Lamarck và Darwin (x.OT 299-301).

Kinh tế

Theo phân tích của cải thời Cổ Điển, giá trị được hiểu theo sự trình diễn vì giá trị kinh tế của hàng hóa liên quan đến hệ thống trao đổi. Sự đứt gãy giữa kinh tế Hiện Đại và lối tiếp cận Cổ Điển là việc tái quan niệm giá trị kinh tế gắn với sản xuất của lao động hơn là gắn với sự trình diễn (x.OT 273). Chẳng hạn, khi Adam Smith[30] xem lao động như thước đo giá trị hàng hóa trong hệ thống trao đổi (x.OT 275). Hay Ricardo (x.OT 275-286) xem lao động không chỉ là thước đo mà còn là “nguồn giá trị” (OT 277). Từ đây, các sự vật không mang giá trị kinh tế bởi vì chúng có thể được thương mại để đổi tiền hay hàng hóa khác nhưng chúng có giá trị vì người ta làm việc để sản xuất ra chúng. Từ đây, Foucault trình bày ba hệ quả mới xuất hiện.

Đầu tiên, lịch sử kinh tế như chuỗi nhân quả tuyến tính về nhân công, công cụ, hệ thống đầu tư kết nối liên tiếp nhau (x.OT 277). Thứ hai, vai trò của lao động trong kinh tế hiện đại là quan niệm mới về con người như một tác nhân kinh tế (x.OT 278-279). Thứ ba liên quan đến tương quan của thời gian tuyến tính mới của kinh tế với tính hữu hạn của con người (x.OT 280-282). Lịch sử lao động là lịch sử nhu cầu của con người gia tăng khi dân số tăng và các nguồn nguyên liệu giảm. Kết quả là con người ngày càng đối mặt với những giới hạn.

Ở đây, tư tưởng kinh tế hiện đại có hai hướng. Một là quan điểm đóng của Ricardo về kết quả sau cùng của lịch sử kinh tế là con người bị ghim vào tình trạng khan hiếm lâu dài (x.OT 282). Còn Marx đưa ra một quan điểm mở. Mỗi điểm khan hiếm là nơi con người chạm vào vạch cùng quẫn, là lúc xuất hiện một ý thức mới. Một ý thức về điều kiện khốn khổ không phải là số phận hữu hạn nhưng chỉ là hình thái “bị tha hóa” mà con người có thể vượt qua bằng sự biến đổi tận căn của việc điều chỉnh kinh tế và xã hội (x.OT 283-284). Ngoài ra, cả Marx và Ricardo đều thấy kinh tế như một lịch sử tuyến tính của các cuộc đấu tranh của con người để sống sót ngang qua lao động của mình. Hơn nữa, cả hai đều thấy lịch sử này như di chuyến đến một chóp đỉnh mà ở đó con người đối mặt với các giới hạn sau cùng của mình (x.OT 284). Hai tư tưởng khác nhau về sự phát triển nhưng căn bản giống nhau về kinh tế vì cả hai đều đặt trên cấu trúc khảo cổ luận của kinh tế hiện đại.

Phương pháp và tóm kết

Trong OT, Foucault cố gắng tìm kiếm sự hình thành chủ đề ẩn ngầm của những gì được cho là tương đồng hay khác biệt về diễn ngôn. Ví dụ, lịch sử tự nhiên trình bày “cấu trúc” và “đặc tính” như hai diễn ngôn thời Cổ Điển về sinh vật sống, xoay quanh nhiều bất đồng lý thuyết quan trọng (giữa hệ thống và phương pháp). Tương tự, tranh luận của ông về kinh tế liên quan đến sự hình thành (từ Smith đến Ricardo) về “lao động” như diễn ngôn bắt đầu phân biệt kinh tế từ phân tích của cải thời Cổ Điển và kinh tế thế kỷ 19. Ngoài ra, Foucault còn mở rộng phương pháp này vào bối cảnh liên ngành bằng việc kết nối các ngành khác nhau để trình bày những sự tương đồng trong các khái niệm căn bản của chúng như ngôn ngữ, sinh học và kinh tế,[31] chẳng hạn diễn ngôn “sinh thể sống” trong sinh học được dùng để chỉ sự trình diễn trong ngôn ngữ và kinh tế.

Tóm lại, khảo cổ luận mà Foucault vận dụng trong OT có hai cấp độ. Đầu tiên, Foucault phân tích về khoa học thực nghiệm thời Cổ Điển và Hiện Đại. Thứ hai, ông phân tích về các khối ý niệm vốn có quyền lực chi phối các khả thể của nhiều ngành khoa học thực nghiệm.

Quyền lực qua lăng kính khảo cổ luận

“Quyền lực” là khái niệm thu hút nhiều sự chú ý của các trường phái tư tưởng triết học và xã hội. Từ đây, nhiều quan niệm và tư tưởng về nó xuất hiện trên dòng lịch sử tư tưởng. Trong số đó, Foucault cho rằng có nhiều quan điểm đã hiểu sai về quyền lực.

Các lối hiểu sai về khái niệm quyền lực

Theo Foucault, có ba quan niệm hiểu sai về quyền lực. “Trước hết, Foucault không cho rằng quyền lực là một nhóm các thể chế và cơ chế đảm bảo dân chúng phục vụ cho một nhà nước. Thứ hai, quyền lực không phải là một mẫu thức tuân phục như một mẫu quy luật. Thứ ba, quyền lực không phải là một hệ thống áp đặt do một nhóm kiểm soát trên người khác” (HS 92). Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến các lối hiểu sai này?

Nguyên nhân hiểu sai

Foucault cho rằng quan niệm hiểu sai liên quan đến lớp nghĩa “diễn ngôn pháp lý” (juridico-discursive) (HS 82) từ lịch sử phương Tây (x.HS 83). Nhìn chung, chúng được chấp nhận và có chức năng như mặt nạ mà qua đó sự vận hành quyền lực mang tính mơ hồ và khiến cho cơ chế quyền lực trở nên dễ chịu.[32] Theo nghĩa diễn ngôn pháp lý, quyền lực thể hiện qua năm đặc điểm như sau (x.HS 83-85). Trước hết, quyền lực vận hành khá tiêu cực như công cụ cấm đoán. Thứ hai, hình thái quyền lực như luật lệ đòi hỏi hệ thống có thể cho phép hay cấm đoán, hợp pháp hay không hợp pháp. Hai đặc điểm trên tạo nên đặc điểm thứ ba. Thứ ba là quyền lực vận hành như một vòng tròn các sự cấm đoán. Đặc điểm thứ tư diễn tả ba hình thái cấm đoán trên như “điều này không được phép, ngăn không được nói và bác bỏ nó tồn tại” (HS 84) cho thấy tính kiểm duyệt. Thứ năm, bộ máy quyền lực này mang tính phổ quát và đồng bộ trong mẫu thức vận hành của nó. Nhưng tại sao ở đây quyền lực lại có tính diễn ngôn pháp lý?

Foucault chỉ ra hai nguyên nhân. Thứ nhất, quyền lực mang tính pháp lý vì mẫu thức của nó liên quan đến “luật pháp và sự vận hành của các điều cấm đoán” (HS 85). Tuy nhiên, “vận hành quyền lực thực tế không thể bị giới hạn vào một khuôn thước như luật lệ, nhà nước, hay sự thống trị nào đó nhưng là những chức năng với nhiều hình thái và phương tiện khác nhau.”[33] Thứ hai, quyền lực mang tính diễn ngôn. Nhiều cấm đoán được gắn với điều mà ai đó nói cũng như hành động và nó kéo theo nhiều bó buộc về ngôn ngữ cũng chức năng như những bó buộc về thực tại và hành động qua sự kiểm duyệt. Ngoài ra, diễn ngôn là phạm vi đầu tiên mà quyền lực phô diễn và hơn nữa, diễn ngôn còn liên quan đến quyền lực theo nhiều cách phức tạp khác.[34] Ví dụ về để mô tả về quan điểm này như sau. Về việc ăn mặc, thường thì người ta sẽ chọn quần áo sao cho phù hợp với kích cỡ thân thể hay sở thích bản thân,… Ở đây, có một quy luật diễn ngôn cấm đoán về thứ mà người ta mặc hoặc không mặc với giả thiết rằng không có những can thiệp bên ngoài. Nhưng trong thực tế, việc ăn mặc còn bị ảnh hưởng của các người xung quanh, thị hiếu thời trang và môi trường.[35] Điều này muốn nói rằng ngoài quy luật diễn ngôn pháp lý thì còn có các mối tương quan quyền lực khác và thoát khỏi lối tiếp cận “quyền lực như là khoản luật hay mẫu thức nào đó” (HS 90). Vậy “các mối tương quan quyền lực khác” là gì?

Hai cấp độ quyền lực theo Foucault

Foucault chia quyền lực theo hai cấp độ thực nghiệm và lý thuyết. Về thực nghiệm, Foucault mô tả các mẫu thức lịch sử về quyền lực và cách thức các mẫu thức này xuất hiện khác so với các hình thái trước đây. Từ đây, ông mô tả những mẫu thức tiền hiện đại là “quyền lực tối cao” (sovereign power) (BC xiii; OT 239; HS 135; DP 36) và những hình thái hiện đại về quyền lực như “quyền lực kỷ luật” (disciplinary power) (DP 153; HS 149) hay “quyền lực sinh học” (biopower) (HS 140). Để dễ hiểu về ba hình thái quyền lực này, Foucault đã mô tả chúng đơn giản như sau.

Đầu tiên là “quyền lực tối cao” qua mô hình kim tự tháp với hình ảnh vị vua đứng ở trên đỉnh và các quan thần ở giữa, và dân chúng ở dưới cùng. Vua ban sắc chỉ, sau đó các quan thi hành mệnh lệnh được nhận và truyền nó đến dân chúng. Theo truyền thống, quyền lực được hiểu như từ “ở đỉnh của kim tự tháp” đi xuống.[36]

Tuy nhiên, Foucault thử lật ngược quan điểm truyền thống về quyền lực và chỉ ra lối hiểu khác. Ông quan sát trong thực tế và nhận thấy quyền lực xuất hiện trong mọi dạng tương quan và có thể từ đáy của kim tự tháp hay bất kỳ cấu trúc nào, tức là từ dân chúng chứ không phải từ mệnh lệnh ở trên đỉnh đưa xuống. Đây là “quyền lực kỷ luật.” Ví dụ, bảng điểm khiến mỗi học sinh phải tự điều chỉnh và kỷ luật hành vi và lối sống của bản thân (x.DP 146, 174, 177) hay chỉ số thông tin cá nhân qua camera giám sát khiến mỗi người phải tự kỷ luật lối sống của mình.

“Quyền lực sinh học” khác “quyền lực kỷ luật” ở chỗ dạng quyền lực này không trực tiếp đặt vào các cá nhân cụ thể nhưng đặt trên một nhóm người hoặc dân chúng theo nghĩa tổng thể. Chẳng hạn, căn bệnh ung thư gan khiến người ta phải tránh xa rược bia hay dịch viêm phổi Covid-19 khiến người ta phải tránh xa nơi công cộng và phải vệ sinh tay thường xuyên,…

Về lý thuyết, Foucault mô tả các đặc điểm lịch sử và các mẫu thức khác nhau về quyền lực với các đặc điểm tổng quát và nền tảng nhất về quyền lực và cách vận hành của nó. Tóm lại, với hai cấp độ này, Foucault đã cố gắng phân tích về quyền lực là điều mà trước đây được hiểu là sở hữu của một người hay nhóm người, nhưng nay “quyền lực ở khắp mọi nơi” (HS 93).

Quyền lực theo khảo cổ luận

Có lẽ trước khi đi tìm hiểu quyền lực theo khảo cổ luận, có lẽ cần thiết tìm hiểu quan điểm chung của Foucault về quyền lực với tác phẩm HS (in tại Pháp năm 1976 và bản dịch năm 1977). Người viết tạm gọi hậu Foucault với quan niệm về phả hệ luận, còn tiền Foucault với quan niệm khảo cổ luận với những bước đi ban đầu của ông khi tìm hiểu về diễn ngôn và dấu vết quyền lực nơi những tác phẩm đầu tay.

Quan niệm quyền lực và tương quan của nó được biến đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Điều này được diễn tả theo mạch thời gian trong DP và HS và Foucault đã trình bày về quyền lực như thế này.

“Dường như đối với tôi, quyền lực phải được hiểu trước hết như vô số tương quan năng lực nội tại trong phạm vi mà ở đó chúng vận hành và cấu thành nên kết cấu của chúng; như tiến trình qua những giằng co và đối đầu không ngừng thì tiến trình đó đã biến đổi, gia tăng hoặc đảo ngược chúng; như sự ủng hộ mà những tương quan quyền lực này tìm thấy trong cái khác, vì vậy hình thành nên một chuỗi hoặc hệ thống […] và sau cùng, như chiến lược (strategies) mà ở đó chúng ảnh hưởng, với những thiết kế chung hay sự kết tinh thể chế của chúng được hiện thân trong bộ máy nhà nước, lên sự hình thành của luật, lên quyền xã hội khác nhau.” (HS 92-93).

Lịch sử của các thể chế xã hội là lịch sử các tương quan quyền lực. Quyền lực được thực hiện thông qua sự giám sát, quản lý và những hình thức quy định khác của cuộc sống con người (x.DP 194). Khi Foucault nghiên cứu diễn ngôn về bệnh điên, bệnh viện, tính dục và việc trừng phạt, ông nhận ra “quyền lực được phân tích như thứ có thể lưu vận, hay như thứ có chức năng trong một chuỗi […] Quyền lực được thực hành qua mạng lưới […] Mỗi cá nhân là các phương tiện của quyền lực.”[37] Mặt khác, “mỗi cá nhân và tri thức của anh ta cùng thuộc về sự sản sinh” (DP 194) vì quyền lực có tính sản sinh và có tương quan với tri thức.

Ngoài ra, Foucault xem thế giới như được tạo nên bởi ngôn ngữ như đã phân tích ở trên trong OT. Ý nghĩa của ngôn ngữ được cấu trúc trong xã hội, văn hóa và các diễn ngôn. Khi ý nghĩa của ngôn từ được liên kết với các từ khác và toàn bộ ngôn ngữ thì một diễn ngôn được gắn với các diễn ngôn khác và tương tự với những bản văn khác. Mặt khác, một chủ đề Foucault quan tâm là phạm vi của tri thức luận. Ông muốn khám phá và nghiên cứu tri thức để dẫn lối cho ông tìm ra dấu vết của quyền lực. Mặt khác, theo Foucault, quyền lực được phân biệt khắp xã hội. Nó luôn chuyển vận và không định vị ở đây hay ở kia. Nó không thuộc về ai cả và cũng không như sản phẩm của tài sản (x.HS 93).

Foucault cho rằng giữa diễn ngôn và quyền lực có mối dây liên kết chặt chẽ thông qua các diễn ngôn và các bản văn. Nói đơn giản, diễn ngôn là các thể chế xã hội và các kỷ luật. Ví dụ, tội phạm là một diễn ngôn. Tương tự, tham nhũng, lãnh đạo, phát triển nông thôn, công nghiệp hóa, tư bản và môi trường cũng là diễn ngôn. Theo Foucault, các diễn ngôn ở khắp mọi nơi và có mặt trong xã hội và trung gian trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Diễn ngôn không chỉ là khía cạnh trừu tượng như gia đình như về từ ngữ và hình ảnh. Nó còn tồn tại trọng các các sự kiện xã hội. Hơn nữa, “diễn ngôn lan truyền quyền lực và sản sinh quyền lực; nó tăng cường nhưng cũng đào bới và phơi bày quyền lực” (HS 101).

Sau cùng, thuật ngữ khối ý niệm là chuỗi các tương quan giữa các diễn ngôn, tri thức và khoa học mà phân tích khảo cổ luận khảo cứu trong phạm vi của tri thức luận. Khối ý niệm chính nó không phải là hình thái của tri thức. Nói chung, nó không có nội dung bên trong và về chính nó. Nó không phải quan điểm thế giới hay lát cắt của lịch sử chung cho mọi nhánh của tri thức trong một giai đoạn nhưng nó là cấu trúc chi phối và thể hiện quyền lực ngầm nằm sâu và quy định các thực hành diễn ngôn. Khối ý niệm “giới hạn phạm vi tri thức, định nghĩa mẫu thức của đối tượng xuất hiện trong phạm vi này, cung cấp cho tri nhận hằng ngày của con người với những quyền lực mang tính lý thuyết, và định nghĩa những điều kiện […] mà một diễn ngôn về sự vật được xác nhận là đúng.”[38]

Trên đây là một vài lối tiếp cận phả hệ luận của Foucault để trình bày tương quan giữa quyền lực, tri thức và diễn ngôn. Còn trong phạm vi của bài luận này, người viết xin trình bày quan niệm khảo cổ luận của Foucault đã lột tả điều gì liên quan đến khía cạnh quyền lực cùng với tri thức và diễn ngôn. Thế nên, quan niệm của Foucault về quyền lực sẽ tiếp tục được trình bày như mạch kết nối dưới lăng kính khảo cổ luận với ba tác phẩm đã trình bày ở trên xét như mang những nét chính gắn với quan niệm về quyền lực trong phần trình bày tiếp theo này. Phần trình bày về quyền lực qua lăng kính của khảo cổ luận sẽ lần lượt như sau: tương quan quyền lực và sự phân chia giữa lý trí và phi lý trí; sau đó là tương quan quyền lực, diễn ngôn và tri thức; và bước chuyển khảo cổ luận và phả hệ luận.

Tương quan quyền lực và sự phân chia giữa lý trí và phi lý trí

Trong diễn ngôn bệnh điên, Foucault đã thấy ba cuộc chuyển đổi trong việc đối xử với bệnh này qua các giai đoạn lịch sử như phần ở trên đã trình bày như thời Phục Hưng, thời Cổ Điển và thời Hiện Đại. Bệnh điên ban đầu được gắn với lý trí, với sự khôn ngoan nhưng rồi chuyển đến một phạm vi khác là phi lý trí. Khi ấy, lý trí được đặt trên tất cả “cái khác” và đối cực với nó như bệnh điên phải bị loại trừ. Diễn ngôn cho thấy tính phi lý trí phải bị loại trừ giống như người bị xem là phi lý trí bị đuổi ra khỏi xã hội và bị giam cầm trong các trại tập trung (x.MC 35). Foucault dùng thuật ngữ “phi lý trí” chỉ về “kinh nghiệm bệnh điên” (x.MC -84) được lý trí mô tả. Ở đây, Foucault cho rằng có một thứ thẩm quyền của lý trí đặt trên phi lý trí để khiến cho người có lý trí “áp đặt” trên người phi lý trí . Mặt khác, Foucault cho rằng lý trí với phi lý trí có mối tương quan gắn bó với nhau (x.MC x). Tuy nhiên, giữa sự phân chia giữa lý trí và phi lý trí có một nhát cắt tạo nên sự phân chia trong lối tư duy của con người. Tóm lại, lý trí đã vận dụng nó để áp đặt trên phi lý trí.

Trong MC, Foucault khám phá ra mối tương quan thay đổi qua các giai đoạn lịch sử giữa bệnh điên và phi lý trí. Phi lý trí được định nghĩa là “lý trí bị hoa mắt” (x.MC 108) hay bị rối loạn trong thời Đại Giam Cầm (x.MC 38-64). Không những thế, có giai đoạn lịch sử, phi lý trí được đẩy xuống tận sâu dưới lớp bề mặt của xã hội và có thể hiểu được chỉ ngang qua các nhà họa sĩ và các nhà văn (x.MC 32-37). Mặt khác, bệnh điên trở thành loại bệnh thần kinh và phải được điều trị bởi các thực hành y tế và thần kinh. Ở đây, Foucault muốn nhấn mạnh quyền lực của lý trí trên phi lý trí cho dù tới thời hiện đại mà ở đó bệnh điên được “chữa trị.”

Ngoài ra, nỗi sợ xuất hiện như mang tính hiện đại căn bản trong một trại tập trung hay bệnh viện nào đó. Nhưng các nỗi sợ này được bao quanh bệnh điên từ những gì nằm bên ngoài, đánh dấu vành đai của lý trí và phi lý trí (x.MC 211), một điểm chia cắt thể hiện quyền lực trong tương quan. “Quyền lực kép tồn tại qua nỗi sợ để chứa lây quyền lực và qua lý trí để có được quyền lực từ xa. Nỗi sợ hoàn toàn nằm ở bề mặt. […] Nỗi sợ một khi ngự trị là dấu hiệu khả thị về sự tha hóa của bệnh điên trong thời Cổ Điển. […] Nỗi sợ bây giờ mang quyền lực chống lại sự tha hóa, nó hồi phục sự nối kết ban đầu giữa người điên và người có lý trí” (MC 245)

Mặc dù hầu hết trong MC bàn về các quan niệm về bệnh điên phát triển từ quan điểm của lý trí, nhưng còn có một chủ đề đảo ngược và mang tính gợi mở nằm ở phần kết của MC về kinh nghiệm bệnh điên của người điên. Ở đây, Foucault nhấn mạnh đến sự thật về thực tại bệnh điên. Đặc biệt được diễn đạt qua văn chương về bệnh điên, ông cũng cho rằng sự thật này là chìa khóa để hiểu về thực tại con người vốn sẽ dẫn người ta vượt quá các giới hạn độc đoán của chỉ lý trí. Vì vậy, ông nói đến các tác giả như Hölderlin,[39] Nerval,[40] Nietzsche và Artaud[41] như “những tia lóe sáng” (x.MC 276-279) đã diễn tả “hoạt động tối cao của phi lý trí” (MC 278) và ảnh hưởng lên “toàn bộ tranh luận” (MC 281) của văn hóa phương Tây qua văn chương, hội họa và nghệ thuật như báo hiệu một cuộc thoát khỏi “sự tù đày luân lý vĩ đại” (MC 278) vốn là cuộc sống của lý trí.[42]

Tương quan quyền lực, diễn ngôn và tri thức

Với phương pháp khảo cổ luận, Foucault đã mô tả cấu trúc ngầm nằm dưới các diễn ngôn. Thế nên, để mô tả cho tương quan giữa quyền lực, diễn ngôn và tri thức, người viết xin lấy trường hợp “nạn dịch Covid-19” để mô tả cho tương quan này.

Hãy tưởng tượng năm 2018 khi ai đó ra đường và nghe cụm từ “Covid-19” hay “Virút Corona” có lẽ chẳng ai hiểu gì (Ngoại trừ các nhà nghiên cứu chuyên môn về y học biết về virút Corona hay Corona là tên một loại bia xuất xứ Mêxicô)! Nhưng năm 2020, điều này lại khác. Khi nghe hai cụm từ trên khiến người ta nghĩ ngay đến đại dịch viêm phổi trên thế giới khởi phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Theo Foucault, chúng được gọi là diễn ngôn. Foucault đã mô tả diễn ngôn như ngôn ngữ, các ý niệm và các giá trị được thực hiện do các ngành, các thể chế và xã hội. “Covid-19” đã tác động vào diễn ngôn của chúng ta, đã ảnh hưởng khiến cho các thể chế như chính phủ, luật và ngành y tế gọi chúng như vậy. Ví dụ về cách thức nó tác động lên ngôn ngữ của chúng ta có thể được thấy trong cụm từ “virút Trung Quốc,” “Ghen Cô Vy,” hay “vỡ trận chống dịch,”… Khi chúng được lan tràn qua mạng truyền thống hay báo chí thì chúng đã đi vào diễn ngôn của chúng ta và “đan dệt” vào các đời sống của chúng ta. Để đáp lại nạn dịch này, cả thế giới phải “ngăn tình trạng vỡ trận chống dịch.”

Theo Foucault, các tuyên bố là các khối diễn ngôn khi chúng cung cấp nội dung và liên quan với nhau. Ví dụ: “Covid-19 là virút nguy hiểm có nguồn gốc từ Trung Quốc” và “chúng ta hãy bảo vệ sức khỏe chính mình.” Hai tuyên bố này liên kết với nhau như thế nào? Chỉ cần đặt chúng lại gần nhau như thế này: “Chúng ta cần bảo vệ sức khỏe của chính mình vì Covid-19 là virút nguy hiểm có nguồn gốc từ Trung Quốc.” Chúng ta hầu hết chấp nhận các tuyên bố này mà không đặt vấn đề. Chẳng ai lại hỏi rằng tôi có quyền bảo vệ sức khỏe của mình hay không? Chính việc chấp nhận của chúng ta về những tuyên bố này đã cho phép các thể chế hay cơ quan điều chỉnh việc sử dụng quyền lực của chúng. Hơn nữa, những ý niệm này không thường trực tiếp chỉ đến nó, đúng hơn chúng được diễn đạt theo các hình thái khác. Hai tuyên bố trên thường thông tri như “ở nhà là yêu nước” hay “cách ly cộng đồng” hoặc “kiểm tra sức khỏe cá nhân qua mã vạch QR,”[43] và “sự kỳ diệu của công nghệ AI trong nhận diện khuôn mặt chống dịch,” …

Quyền lực được trao cho các chính phủ qua khái niệm “kiểm tra sức khỏe qua mã vạch” mang tính hiện tượng. Có lẽ sự kiện Covid-19 nó được dùng để điều chỉnh nhiều hành vi khác. Ví dụ, hồ sơ sức khỏe điện tử định kỳ, tải app kiểm tra phạm vi di chuyển (app là phần mềm trên điện thoại di động) hay đẩy mạnh nghiên cứu y học bằng công nghệ AI và mã vạch QR. Qua đây, bằng việc thu thập thông tin và tri thức về sức khỏe người dân và phòng tránh lây nhiễm cùng nhiều ảnh hưởng khác đến kinh tế và ổn định trật tự xã hội, chính phủ hợp thức hóa việc sử dụng quyền lực của nó. Foucault gọi sự sản sinh này của tri thức là “sự hình thành diễn ngôn.” Tri thức này sau đó được sử dụng để điều chỉnh các hành động của các thể chế xã hội. Trước khi WHO gọi “Covid-19” là đại dịch thì có lẽ người ta chỉ gọi nó là dịch cúm thông thường (epidemic) hay dịch viêm phổi lạ nào đó mà thôi! Nhưng sau khi, dịch lan sang châu Âu và châu Mỹ và số người nhiễm cùng người chết tăng chóng mặt thì WHO đã gọi nó là đại dịch toàn cầu (pandemic)!

Tóm lại, qua lý thuyết của Foucault, quyền lực cùng các diễn ngôn và tri thức đan quyện trong mối tương quan. Ở đây, khảo cứu mối tương quan này cùng sự xuất hiện của cấu trúc của chúng là cách thức Foucault trình bày “hộp dụng cụ” của ông để những ai muốn tìm kiếm các cấu trúc ngầm trong đời sống xã hội.

Khảo cổ luận và phả hệ luận

Theo Gutting, mối tương quan giữa khảo cổ luận và phả hệ luận là đặc điểm nổi bật trong tác phẩm của Foucault sau năm 1970. Điều này đòi hỏi sự nghiên cứu toàn bộ các thực hành phả hệ luận của Foucault, đặc biệt trong tác phẩm DP và HS cùng các bài tiểu luận khác và phỏng vấn bàn về thực hành phả hệ luận. Ông cho rằng khảo cổ luận sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng trong các tác phẩm sau này của Foucault. Tuy nhiên, nó được áp dụng không chỉ cho các thực hành diễn ngôn mà còn các thực hành phi diễn ngôn. Vì vậy, khi nghiên cứu DP về hình phạt dành cho các tội phạm qua việc bắt tù cho thấy nó liên quan đến bốn yếu tố của thực hành diễn ngôn. Nó cấu thành các đối tượng mới (tội phạm vị thành niên), được mô tả theo các khái niệm (đặc điểm tội phạm), phân biệt các thực hành về thẩm quyền (thẩm quyền của thẩm phán, người cai tù và ban tư vấn phòng chống tội phạm) và định nghĩa các chủ đề (cách áp dụng cách ly và đối xử với tù nhân). Việc áp dụng này của phân tích khảo cổ luận không phải là cải cách mới nhưng đúng hơn là sự quay về với MC.[44]

Khảo cổ luận được áp dụng cho thực hành diễn ngôn (như tội phạm học dẫn đến việc hiểu về tội phạm) và thực hành phi diễn ngôn (các thực hành như hệ thống nhà tù dẫn đến một sự kiểm soát các tội phạm) đã khiến cho Foucault phác họa sự kết nối giữa tri thức và quyền lực như đã trình bày ở trên. Sự kết nối này trở thành điểm nghiên cứu của ông trong những năm 1970. Qua đây, Foucault quay về câu hỏi đã nêu trong OT về nguyên nhân của các thay đổi trong hình thành diễn ngôn, chẳng hạn nguyên nhân hình thành các dạng bệnh viện. Qua nghiên cứu, ông thấy sự thay đổi trong các thực hành phi diễn ngôn vì nhiều nguyên nhân kinh tế, xã hội, chính trị và ý thức hệ. Nhưng, khác với các giải thích thông thường, ông cho rằng các nguyên nhân này không thể phù hợp với một lược đồ mục đích luận thống nhất (ví dụ sự trỗi dậy của nền tư bản). Đúng hơn, ông cho rằng các thực hành phi diễn ngôn thay đổi vì vô số các nhân tố nhỏ bé thường không gắn kết. Vì thế, sự thay đổi trong các thực hành phi diễn ngôn đã cấu thành nên cấu trúc quyền lực xã hội phải được hiểu do sự khác nhau phức tạp và khuếch tán của các dạng nhân tố nhỏ bé. Hoạt động của các nguyên nhân nhỏ bé có thể sau cùng dẫn đến những kiểu thực hành diễn ngôn mới và ứng với một cuộc dịch chuyển trong các thực hành diễn ngôn vốn liên quan với nhau.[45]

Đối với phương pháp phả hệ luận, Foucault nghiên cứu lịch sử phát triển của nó qua ba điểm sau đây. Đầu tiên, nó đưa khảo cổ luận về vai trò mô tả các thực hành diễn ngôn và phi diễn ngôn. Thứ hai, bằng cách ấy, nó trình bày một mối dây căn bản giữa tri thức và quyền lực. Thứ ba, việc khai thác mối liên kết này sẽ cung cấp một giải thích nguyên nhân về các thay đổi trong các thực hành diễn ngôn và các khối ý niệm. Do đó, phả hệ luận không thay thế hay thậm chí sửa đổi phương pháp khảo cổ luận.[46] Nhưng đúng hơn phả hệ luận kết hợp với khảo cổ luận như là kỹ thuật bổ sung về phần phân tích nguyên nhân.[47]

Tóm lại, Gutting cho rằng nếu các giải thích ở trên được xem là đúng thì khảo cổ luận tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong các công trình phả hệ luận của Foucault. Điều này có nghĩa là khảo cổ luận sẽ vẫn thích hợp với các công trình triết học sau này của ông. Hai phương pháp không thay thế nhưng bổ sung kỹ thuật phân tích cho nhau.

Chương 3: Một vài nhận định và liên hệ về khảo cổ luận và quyền lực

Đóng góp của khảo cổ luận cho việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng

Foucault nói phương pháp của ông cung cấp “các công cụ” (x.AK 17) cho những ai muốn khảo cứu lịch sử tư tưởng. Vậy đâu là đóng góp của phương pháp khảo cổ luận cho việc nghiên cứu này? Người viết bắt gặp một vài ý tưởng đúc kết của Sara Mills[48] khi bà trình bày về việc sử dụng phương pháp của Foucault cho nghiên cứu như sau:

Trước hết, khảo cổ luận “không phân tích” để có thể nắm bắt được các xu hướng hay các chủ đề trong một thời kỳ cụ thể, nhưng đúng hơn là khảo cứu những điều kiện khả thể về sự diễn tả vốn đang lưu vận trong thời kỳ đó (x.AK 17, 41-42). Điều này có thể thấy rõ trong các phân tích của Foucault khi ông bàn về khối ý niệm trong các chặng lịch sử đã trình bày ở trên.

Thứ hai, khảo cổ luận bàn về điểm ngẫu nhiên hơn là nguyên nhân (x.AK 4). Một trong những yếu tố quan trọng trong tư tưởng của Foucault là ông không tìm kiếm để giải thích tại sao sự kiện này xảy ra theo cách này, nghĩa là chúng có nhiều nguyên nhân khả thể để dẫn đến sự kiện đó phải xảy ra. Tuy nhiên, khảo cổ luận cho thấy rằng sự kiện đang được phân tích không cần thiết đã xảy ra hoặc có thể xảy ra theo cách khác nếu điều kiện khác nhau đôi chút. Trong phân tích khảo cổ, Foucault nhấn mạnh việc phân tích các điểm ngẫu nhiên để có thể vượt qua các phương thế đang giới hạn con người.

Thứ ba, khảo cổ luận tìm hiểu vấn đề hơn là một chủ thể (x.AK 8). Chẳng hạn tương quan giữa bệnh điên và thể chế y học, tiền tệ và việc trao đổi, cấu trúc sinh học và sự sống,… Ở đây không có nghĩa là Foucault tìm lời giải đáp cho các vấn đề nhưng trong những ví dụ mà ông chọn ngầm ý những lập luận và lời giải thích cho vấn đề. Chẳng hạn, phương thế điều trị “bác ái” cho người điên mà họ “trả tiền” bằng việc biến thân thể họ thành đối tượng cho việc nghiên cứu.

Tóm lại, những điểm trên có lẽ giúp người ta thực hiện mẫu nghiên cứu không đơn thuần là lặp lại các chủ đề của Foucault. Đúng hơn, họ học “cách thức thực hành” từ quan điểm của ông và điều chỉnh chúng sao cho ứng hợp với mối quan tâm của mình theo như lời Deuleuze qua cuộc phỏng vấn với Foucault năm 1972 nói rằng chúng là “hộp công cụ.”[49]

Khảo cổ luận và định hướng chính trị

Có lẽ phải thừa nhận rằng Foucault bắt đầu sự nghiệp là một người theo học thuyết Marxist.[50] Ông chịu ảnh hưởng của học thuyết này từ rất sớm và cho rằng bệnh điên là kết quả của sự tha hóa do chủ nghĩa tư bản gây ra. Tuy nhiên, sau này, ông cảm thấy chán ngán với Đảng Cộng Sản và ngán ngẩm với chính trị và tránh xa các hoạt động liên quan đến nó.[51] Với những thăng trầm như vậy, hỏi liệu có hay không tính định hướng chính trị trong khảo cổ luận của Foucault?

Trước hết, khởi đi từ MC là một khảo cổ luận về bệnh điên. Foucault khảo cứu sự cấu thành kinh nghiệm bệnh điên ở châu Âu từ thời Trung Cổ đến thời Hiện Đại. Nó cho thấy mối tương quan giữa các thể chế và diễn ngôn và sau này ảnh hưởng đến những tác phẩm chính trị của ông năm 1970. Trong MC, ông mô tả cuộc chuyển dịch hình thái kinh nghiệm về bệnh điên và cách thức mà người ta đối xử với người điên. Ở đây, MC đã cho thấy kết nối giữa diễn ngôn triết học và thực tại chính trị xã hội. Nhiều ý niệm về lý trí không chỉ những gì trừu tượng nhưng có nhiều dính dáng đến xã hội thực và tác động lên mọi khía cạnh của đời sống con người, đặc biệt những ai được coi là bị điên. Do đó, nó làm thay đổi cấu trúc xã hội.

Thứ hai, với tác phẩm BC, Foucault dường như trình bày mở rộng chủ đề liên quan đến bệnh viện ứng với diễn ngôn bệnh điên trong MC. Trong BC, Foucault tiếp tục nghiên cứu mối tương quan giữa các sự kiện lịch sử, sự thay đổi của các thể chế và lịch sử ý niệm. Với tác phẩm OT, Foucault như bỏ qua những gì bên ngoài diễn ngôn để trình bày một thứ lịch sử tư tưởng trừu tượng như ngữ pháp, kinh tế và sinh học là những ngành khoa học con người vốn xuất phát từ chủ đề về ngôn ngữ, lao động và sự sống. Ở đây, Foucault trình bày khái niệm “khối ý niệm” nằm ẩn dưới tuyên bố và diễn ngôn và điều khiển chúng. Tuy nhiên, trong OT dường như Foucault “không nêu” rõ quan điểm của ông về chính trị nhưng tập trung vào sự trình diễn và phô bày trật tự sự vật.

Tóm lại, khảo cổ luận đã “đào bới” để tìm ra chủ đề và cấu trúc qua diễn ngôn và quy luật của nó liên quan đến cấu trúc xã hội, kinh tế và chính trị. Qua đó, Foucault vạch ra những điểm biến đổi ngẫu nhiên trong từng giai đoạn và khối ý niệm chi phối cùng với các thực hành trong các thể chế và lối hành xử. Cùng với đó, những tác phẩm của ông dường như thách thức sự thống trị của lịch sử tư tưởng về đề tài “con người” có thể được xem là đề tài chính trị trong giai đoạn này cũng như tầm quan trọng của diễn ngôn. Tuy nhiên, ông cũng gặp phải nhiều cuộc phê phán vì chúng không có tính chính trị vì họ xem các bản văn của ông không mấy rõ ràng chủ yếu khảo cổ luận xoay quanh chủ đề về diễn ngôn và quy luật của nó vốn xạ lạ với các ý niệm chính trị đương thời.

Tính đúng đắn trong việc áp dụng phương pháp khảo cổ luận của Foucault

Foucault cho rằng ông không làm triết học theo nghĩa sẽ cung cấp một nền tảng cho thực hành khảo cổ luận của ông. “Đôi khi tôi có thể thấy rằng, diễn ngôn của tôi […] đang tránh khỏi tấm nền mà ở đó nó tìm thấy sự ủng hộ” (AK 205). Đúng hơn, khảo cổ luận cho thấy sự phong phú nơi cách áp dụng của nó. Vai trò của lập luận lý thuyết của AK không chứng minh rằng khảo cổ luận là một phương pháp đúng đắn về lịch sử, nhưng ít nhiều đưa ra một lý thuyết về thực tại con người. Mục tiêu của nó chỉ là trình bày khảo cổ luận như một lối nhìn về lịch sử sẽ giúp ta đi xa hơn khái niệm hiện đại về con người.[52]

Lối giải thích của khảo cổ luận không phải là một nỗ lực cho thấy một hiểu biết về mặt lý thuyết sau cùng nhưng chỉ là phương tiện tiếp cận cụ thể lịch sử tư tưởng. Phương pháp khảo cổ luận cho thấy nỗ lực của Foucault khi giải quyết các dữ liệu lịch sử cụ thể hơn là lý thuyết triết học. Do đó, có thể kết luận rằng phương pháp khảo cổ luận của Foucault không mô tả về cấu trúc của một lý thuyết thuần túy nhưng từng tác phẩm của ông là từng mắt xích trong chuỗi nghiên cứu giúp tìm kiếm sự giải phóng con người gắn với một tác phẩm của ông với tựa đề What Is Enlightenment?[53]

Quyền lực của Foucault có là một dạng ý thức hệ mới

Về mối tương quan giữa quyền lực và ý thức hệ, có lẽ trước hết xin bàn đến Hiện Tượng Luận Tinh Thần của Hegel về bản chất của ý thức. Trong đó, ông nói tới tương quan giữa chủ thể và khách thể diễn ra trong “cái tôi ý thức” (self-consciousness).[54] Đây là mối tương quan trung lập diễn tả sự phân biệt hay chia cắt thực tại trong tâm trí và tư tưởng, đặc biệt là sự phân chia giữa chủ thể và khách thể hay cá nhân với thế giới.[55] Hegel cho rằng trong thực tế không có sự khác biệt giữa chúng. Ông cho rằng ý thức về khách thể được coi như nằm bên ngoài chủ thể là một ảo tưởng và tất cả ý thức sau cùng là cái tôi. Chúng ta tạo nên thế giới cho chính mình. Khả năng lý trí là xác định thực tại.[56] Ví dụ, ta nhìn thấy một cây cao là “vật” ta có thể leo lên được hay khi nhìn thấy phong cảnh đẹp như “vật” ta có thể vẽ và từ đây, ta biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật. Ta ứng hợp thế giới xung quanh mình và biến khách thể ta bắt gặp vào những gì là của ta và chúng tạo nên cảm giác và giá trị mà ta có thể rút ra từ chúng.

Ngoài ra, qua hình ảnh biện chứng giữa ông chủ và nô lệ,[57] Hegel muốn chỉ ra chủ thể đóng vai trò như ông chủ có quyền trên người nô lệ và khách thể như người đầy tớ phải chịu sự chi phối và thỏa mãn những ước ao của ông chủ. Ở đây, hai hình ảnh ông chủ và nô lệ mang tính minh họa cho tương quan giữa chủ thể và khách thể trong việc trình bày về cái tôi ý thức. Một mối tương quan trung lập và vốn có trong nhận thức của con người. Một sự phân chia giữa chủ và khách. Có chủ thì có khách và ngược lại. Đây là quan niệm quyền lực giữa chủ thể và khách thể và là một quan niệm về ý thức hệ của Hegel.[58]

Tuy nhiên, đứng trước mô tả về hình ảnh ông chủ và nô lệ của Hegel thì Marx cho rằng nó cho thấy một ý niệm về quyền lực của giai cấp thống trị. Ông nói Hegel “hình thành việc tự tạo con người như một tiến trình, trình bày ‘khách quan tính’ (objectification) như sự đánh mất khách thể, như một sự tha hóa.”[59] Marx xem người nô lệ bị tha hóa bởi giai cấp thống trị, ở đây là giai cấp tư sản. Marx đã dùng khái niệm “lực lượng sản xuất” (force of production)[60] để chỉ về yếu tính của người lao động. Từ đây, mối tương quan giữa ông chủ và người lao động có một quyền lực áp đặt, đàn áp và bóc lột của ông chủ trên nô lệ. Đây là ý thức hệ về kinh tế cùng chính trị của Marx.[61] Vậy quyền lực mà Foucault quan niệm có phải là một dạng ý thức hệ như hai dạng kể trên không?

Đối với Foucault, đơn cử trong BC, khi y học đi vào trong ngôn ngữ xã hội, sự phân biệt giữa bác sĩ và bệnh nhân trở nên rõ ràng hơn. Việc tri nhận về mỗi bên trở nên mang tính cấp bậc. Trong mối tương quan này, bác sĩ là người có thẩm quyền, khôn ngoan và có chuyên môn. Trong khi đó, người bệnh được bác sĩ kiểm tra và tìm hiểu như một khách thể mắc bệnh và không có quyền lực. Để dễ hình dung, Foucault mô tả mối tương quan này trong diễn ngôn “ánh nhìn y học” (medical gaze) (BC 9) về cách thức bác sĩ điều chỉnh vấn đề của người bệnh và ứng hợp nó vào trong bảng mẫu y học. Ở đây có một cấu trúc quyền lực biến người bệnh thành một đối tượng trước ánh mắt “giải phẫu” của bác sĩ. Người bệnh trở thành một “vật” hơn là người. Ngoài ra, Foucault cho rằng người bệnh “không nhận trực tiếp là một hình ảnh của quyền lực tối cao, họ chỉ cảm thấy những tác động của nó như thể nó là một bản sao của quyền lực đó trên thân xác họ để nó trở nên dễ bảo và dễ đọc.”[62] Ở đây, quyền lực mà Foucault chủ trương dường như khác với quyền lực áp đặt của Marx mặc dù có đôi nét giống ở phần tác động giữa người có thẩm quyền và người bị chi phối bởi thẩm quyền đó. Ngoài ra, nó có vẻ giống với Hegel về tương quan trung lập giữa chủ thể và khách thể mặc dù quyền lực của Hegel nằm trong ý thức. Còn quyền lực của Foucault là một quyền lực nằm trong mối tương quan diễn ngôn, trong ví dụ trên là tương quan giữa bác sĩ và người bệnh, giữa tri thức y học và đối tượng được xem là mắc bệnh, và giữa người có thẩm quyền và người bị giản lược thành đối tượng bị khảo cứu.

Tóm lại, có thể nói dạng quyền lực của Foucault không hẳn là ý thức hệ mới vì không thấy ông nói rõ là ông sẽ hình thành một thứ quyền lực mới nhưng đúng hơn, ông cố gắng mô tả quyền lực mang tính tương quan diễn ngôn và tri thức trong xã hội và con người thời hiện đại và tìm ra dòng lưu vận trong cấu trúc quyền lực này.

Kết luận

Trước những phương pháp nghiên cứu lịch sử tư tưởng của các sử gia đương thời, dường như chúng chưa thỏa mãn Foucault nên ông đã đưa ra phương pháp tiếp cận lịch sử mới. Một phương pháp truy tìm tận căn hơn và đầy đủ hơn. Đó là phương pháp khảo cổ luận. Khảo cổ luận bàn về những cấu trúc ngầm bên lớp tư tưởng của thời đại. Đi kèm với khảo cổ luận, Foucault còn sử dụng các thuật ngữ khá lạ là diễn ngôn, khối ý niệm hay tuyên bố,… Chúng được xem như những yếu tố để hiểu cấu trúc tư tưởng vốn nằm trong nhiều chuỗi tương quan.

Có thể nói khảo cổ luận là sự đúc kết từ quá trình nghiên cứu bệnh điên, bệnh viện, các ngành khoa học thực nghiệm và khối ý niệm qua nhiều thời điểm trong lịch sử. Có lẽ ngay từ đầu, Foucault đã có ý định phác họa phương pháp tiếp cận lịch sử. Mãi tới AK, ông mới chính thức hình thành một tác phẩm nghiêng về việc trình bày quan điểm phương pháp nghiên cứu lịch sử tư tưởng. Trong quá trình hình thành tiệm tiến phương pháp này, khảo cổ luận đã “đào sâu” lớp tư tương của các thời đại để mô tả bệnh điên, bệnh viên, khối ý niệm có tương quan với nhau và với những thực hành như thế chế, xã hội, kinh tế,….

Ngoài ra, một trong những nỗ lực nghiên cứu của Foucault là đề tài quyền lực. Một thực tại diễn ra trong chiều dài lịch sử tư tưởng. Foucault đã dùng “lưỡi dao” khảo cổ luận để “mổ xẻ” từng “bó mô sợi” dữ liệu và “thân thể” lịch sử. Qua đó, những cấu trúc quyền lực được mô tả không phải theo lối áp đặt và đàn áp như người ta thường nghĩ tới nhưng theo ông quyền lực lại mang dáng dấp tinh vi và lưu vận giữa các tương quan. Quyền lực dường như mang bản sao thẩm quyền từ trên xuống nhưng không hẳn áp đặt và đàn áp. Ở đây, quyền lực có chức năng tương tác và ảnh hưởng trong mối tương quan giữa diễn ngôn và thực hành phi diễn ngôn.

Đóng góp của khảo cổ luận là mang đến những công cụ để người ta nghiên cứu lịch sử. Có nhiều thứ trong thế giới hiện đại thường được cho là “tốt đẹp,” nhưng trong quá khứ thật “tệ hại,” ví dụ các hành vi đối xử người điên. Foucault mời gọi người ta hãy tránh xa sự lạc quan thiển cận trong hiện tại mà thử đưa mắt ngược về quá khứ và nhìn xem lối tư duy và thực hành ở đó đang phổ biến hay thống trị. Lời mời gọi này không phải là hoài hương quá khứ cho bằng nhận ra những bài học để hoàn thiện “cung cách hành xử” mà người ta đang sống trong hiện tại.

Trước quan điểm khảo cổ, các sử gia cho rằng phương pháp và dữ liệu lịch sử của ông không chính xác và Foucault chẳng hiểu gì về chúng! Nhưng dường như Foucault chẳng quan tâm đến tính chính xác lịch sử. Đối với ông, lịch sử chỉ là nhà kho chứa ý niệm mà thôi! Thế nên, ông muốn khảo cứu nó hơn là chỉ giữ nó mang tính cổ xưa và tránh đụng vào. Do vậy, tư tưởng của Foucault như sự gợi hứng để nhìn vào các ý niệm và thế chế thống trị của thời đại và đặt vấn đề về chúng bằng việc nhìn vào lịch sử và sự phát triển của chúng. Foucault muốn lịch sử trở nên sự nâng đỡ cho cuộc sống hơn và phong phú tính triết lý hơn nữa! Ngoài ra, trong một tiểu luận, ông nói: “Tôi muốn viết cho người dùng nó, chứ không phải cho người đọc nó.”[63]

Với đề tài khảo cổ luận và quyền lực cùng nhiều chất chứa nơi tư tưởng của Foucault, người viết thấy ba vấn đề gợi hứng muốn tìm hiểu sau này. Thứ nhất, nhiều sử gia phê phán khảo cổ luận thiếu tính chính xác và giá trị lịch sử, vậy phả hệ luận sau này của Foucault có khắc phục được lời phê bình này không? Thứ hai, mục tiêu khảo cổ luận là giải phóng con người thế thì cuộc giải phóng này có liên lạc gì với khái niệm tự do không, trong khi Marx cho rằng “tự do” là thoát khỏi sự bóc lột, tha hóa và tư tưởng giai cấp,[64] hay Hegel bàn về tâm trí tự do và hiện thực hóa để đạt được tâm trí thế giới trong lịch sử thế giới?[65] Thứ ba, nếu vậy, mối tương quan giữa quyền lực và tự do sẽ được hiểu như thế nào?

Tài liệu tham khảo

Tài liệu chính

Foucault, Michel. Archaeology of Knowledge. Translated by Alan Sheridan. New York: Routledge, 2002.

—. Discipline and Punish. Translated by Alan Sheridan. New York: Vintage, 1995.

—. Madness and Civilization. Translated by Richard Howard. New York: Vintage, 1988.

—. The Birth of Clinic. Translated by Alan Sheridan. Routledge, 2003.

—. The History of Sexuality. Translated by Robert Hurley. Vol. I. New York: Pantheon, 1978.

—. The Order of Things. New York: Routledge, 2005.

Tài liệu chú giải

Adler, Alfred. Understanding Human Nature. New York: Garden City, 1927.

Armstrong, Timothy J., trans. Michel Foucault – Philosopher. London: Harvester Wheatsheaf, 1992.

Berki, X. R. N. “On the Nature and Origins of Marx’s Concept of Labor.” Political Theory VII (1979): 35-56.

Eribon, Didier. Michel Foucault. Translated by Betsy Wing. Massachusetts: Havard University Press, 1991.

Foucault, Michel. Language, Counter-Memory, Practice. Translated by Donald F. Bouchard, & Sherry Simon. New York: Cornel University Press, 1980.

—. Power/Knowledge – Selected Interviews and Other Writings 1972-1977. Edited by Colin Gordon. New York: Pantheon, 1980.

Gutting, Gary. Foucault – A Very Short Introduction. New York: Oxford University Press, 2005.

—. Michel Foucault’s Archaeology of Scientific Reason. New York: Cambridge University Press, 1989.

Hegel, G. W. F. Philosophy of Mind. Translated by W. Wallace, & A. V. Miller. Oxford: Clarendon Press, 2007.

—. The Phenomenology of Spirit. Edited by Terry Pinkard. Translated by Terry Pinkard. New York: Cambridge University Press, 2018.

Marx, Karl and Friedrich Engels. The German Ideology. New York: Prometheus Books, 1998.

Marx, Karl. Early Writings. Translated by Rodney Livingstone, & Gregor Benton. London: Penguin, 1992.

Merquior, J. G. Foucault. Berkeley: University of California Press, 1987.

Mills, Sara. Michel Foucault. New York: Routledge, 2003.

Nietzsche, Friedrich. Thus Spoke Zarathustra. UK: Cambridge University Press, 2006.

O’Farrel, Clare. Michel Foucault. London: Sage, 2005.

Rabinow, Paul, ed. The Foucault Reader. New York: Pantheon, 1984.

Sarup, Madan. Introductory Guide to Post-structuralism and Postmodernism. New York: Harvester Wheatsheaf, 1993.

Stern, Robert. Hegel and the Phenomenology of Spirit. New York: Routledge, 2002.

Taylor, Diana, ed. Michel Foucault – Key Concepts. UK: Acumen, 2011.

 


[1] Friedrich Nietzsche (1844-1900) là nhà triết học người Đức.

[2] Friedrich Nietzsche, Thus Spoke Zarathustra (UK: Cambridge University Press, 2006), 89.

[3] Alfred Adler (1870-1937) là bác sĩ khoa tâm thần học người Áo.

[4] Alfred Adler, Understanding Human Nature (New York: Garden City, 1927), 49.

[5] Madan Sarup (1930-1993) là một giảng viên và tác giả người Ấn Độ.

[6] Madan Sarup, Introductory Guide to Post-structuralism and Postmodernism (New York: Harvester Wheatsheaf, 1993), 67.

[7] X. J. G. Merquior, Foucault (Berkeley: University of California Press, 1987), 11-20.

[8] X. Gary Gutting, Foucault – A Very Short Introduction (New York: Oxford University Press, 2005), 2.

[9] Đây là quy ước viết tắt của người viết về một vài tác phẩm của Foucault để tiện cho việc trình bày và trích dẫn. Các quy ước viết tắt gồm có: MC: Bệnh Điên Và Văn Minh (Madness and Civilization), trans. Richard Howard (New York: Vintage, 1988); BC: Sự Ra Đời Của Bệnh Viện (The Birth of Clinic), trans. Alan Sheridan (Routledge, 2003); OT: Trật Tự Vạn Vật (The Order of Things) (New York: Routledge, 2005); AK: Khảo Cổ Luận Tri Thức (Archaeology of Knowledge), trans. Alan Sheridan (New York: Routledge, 2002); DP: Kỷ Luật Và Hình Phạt (Discipline and Punish), trans. Alan Sheridan (New York: Vintage, 1995); HS: Lịch Sử Tính Dục (The History of Sexuality), trans. Robert Hurley, Vol.1 (New York: Pantheon, 1978). Bằng việc quy ước viết tắt này, bài luận sẽ sử dụng lối trích dẫn riêng cho các tác phẩm của Foucault như sau: (tên tác phẩm viết tắt, số trang trích dẫn). Ví dụ, (MC, 1) nghĩa là phần trích dẫn trong trang 1 của tác phẩm Bệnh Điên Và Văn Minh.

[10] Gary Gutting, Michel Foucault’s Archaeology of Scientific Reason (New York: Cambridge University Press, 1989), 228.

[11] Gutting (1942-2019) là một triết gia người Mỹ.

[12] X. Gutting (1989), 234.

[13] Georges Cuvier (1769-1832) là nhà nghiên cứu người Pháp về tự nhiên và động vật. Ông được xem là cha đẻ của cổ sinh vật học.

[14] Charles Darwin (1809-1882) là nhà tự nhiên học người Anh. Ông chứng minh thuyết tiến hoa qua quá trình chọn lọc tự nhiên.

[15] Karl Marx (1818-1883) là nhà nghiên cứu triết học, kinh tế, lịch sử, chính trị người Đức gốc Do Thái.

[16] David Ricardo (1772-1823) là nhà nghiên cứu kinh tế người Anh. Ông chủ trương thương mại tư do với lý thuyết về lợi thế so sánh.

[17] Trong các tác phẩm, Foucault chia các giai đoạn lịch sử như sau: Thời Phục Hưng (thế kỷ 16), thời Cổ Điển (giữa thế kỷ 17 đến thể kỷ 18), thời hiện đại (thế kỷ 19 đến thế kỷ 20). Xem Gutting (1989), 139 hay xem Merquior (1987), 39.

[18] Gutting (1989), 248.

[19] X. Gutting, 256.

[20] X. Gutting, 256.

[21] X. Gutting (1989), 260.

[22] X. Gutting (1989), 115.

[23] X. Gutting (1989), 117.

[24] X. Gutting (1989), 120.

[25] X. Gutting (1989), 139-140.

[26] X. Gutting (1989), 157-158.

[27] X. Gutting (1989), 181-182.

[28] Franz Bopp (1791-1867) là nhà ngôn ngữ học người Đức nổi tiếng về công trình ngôn ngữ học liên quan đến việc so sánh hệ ngôn ngữ Ấn-Âu.

[29] Jean-Baptiste Lamarck (1744-1829) là nhà nghiên cứu tư nhiên người Pháp. Ông nghiên cứu thuyết tiến hóa sinh học và các quy luật tự nhiên.

[30] Adam Smith (1723-1790) là nhà nghiên cứu kinh tế, chính trị và triết học người Scotland.

[31] X. Gutting (1989), 218.

[32] X. Diana Taylor, ed., Michel Foucault – Key Concepts (UK: Acumen, 2011), 17.

[33] Taylor (2011), 18.

[34] X. Taylor (2011), 18.

[35] X. Taylor (2011), 18.

[36] X. Taylor (2011), 13.

[37] Michel Foucault, Power/Knowledge – Selected Interviews and Other Writings 1972-1977, edit. Colin Gordon (New York: Pantheon, 1980), 98.

[38] Merquior (1987), 36.

[39] Friedrich Hölderlin (1770-1743) là nhà thơ và triết gia thuộc chủ nghĩa lãng mạn Đức.

[40] Gérald de Nerval (1808-1855) là nhà soạn kịch và nhà văn thuộc chủ nghĩa lãng mạn Pháp.

[41] Antonin Artaud (1896-1948) là nhà soạn kịch, nhà thơ và đạo diễn người Pháp.

[42] X. Gutting (1989), 263.

[43] Mã vạch QR (QR Code hay Quick response code) là mã vạch ma trận dùng để quét dữ liệu.

[44] X. Gutting (1989), 271-272.

[45] X. Gutting (1989), 272.

[46] X. Michel Foucault – Philosopher, trans. Timothy J. Armstrong (London: Harvester Wheatsheaf, 1992), 17.

[47] X. Gutting (1989), 272.

[48] X. Sara Mills, Michel Foucault (New York: Routledge, 2003), 110-116.

[49] Michel Foucault, Language, Counter-Memory, Practice, trans. Donald F. Bouchard and Sherry Simon (New York: Cornel University Press, 1980), 208.

[50] X. Didier Eribon, Michel Foucault, trans. Betsy Wing (Massachusetts: Havard University Press, 1991), 33.

[51] X. Didier Eribon (1991), 56-57.

[52] X. Gutting (1989), 269-270.

[53] X. Paul Rabinow, ed., The Foucault Reader (New York: Pantheon, 1984), 32-50.

[54] G. W. F. Hegel, The Phenomenology of Spirit, trans. and edit. Terry Pinkard (New York: Cambridge University Press, 2018), 102.

[55] X. Hegel (2018), 20.

[56] X. Hegel (2018), 68-79.

[57] X. Hegel (2018), xxiii; 113.

[58] X. Robert Stern, Hegel and the Phenomenology of Spirit (New York: Routledge, 2002), 71-85.

[59] Karl Marx, Early Writings, trans. Rodney Livingstone and Gregor Benton (London: Penguin, 1992), 386.

[60] Karl Marx and Friedrich Engels, The German Ideology (New York: Prometheus Books, 1998), 1.

[61] X. R. N. Berki, “On the Nature and Origins of Marx’s Concept of Labor,” Political Theory, Vol. 7, No. 1 (1979): 35-56, www.jstor.org/stable/190823 (Accessed March 27, 2020), 51-54.

[62] Rabinow (1984), 199.

[63] Clare O’Farrel, Michel Foucault (London: Sage, 2005), 50.

[64] X. Marx and Engels (1998), 86-88.

[65] X. G. W. F. Hegel, Philosophy of Mind, trans. W. Wallace and A. V. Miller (Oxford: Clarendon Press, 2007), 15-16.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *