Ảnh từ Internet

                                                                                                Môn học: Tin Mừng Luca
Giáo sư: Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Học Viên: Nguyễn Đức Thắng S.J.

 

Thánh sử Luca cho thấy cầu nguyện có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống của Đức Giêsu. Nhiều lần, trước và trong nhiều biến cố, Đức Giêsu cầu nguyện (Lc 3,21 -22; 5,16; 9, 28). Phải chăng đây là một trong những dụng ý thần học và Kitô học của Luca? Bài viết này tổng hợp và phân tích những đoạn văn nói về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu nhằm khám phá dụng ý thần học và Ki-tô học của Luca trong việc trình bày về dung mạo đức Giê-su Ki-tô – mẫu gương và Thầy dạy cầu nguyện.

I. DẪN NHẬP

Cầu nguyện là trung tâm đời sống của người Do Thái giáo. Đối với Đức Giêsu, trong tư cách là một người Do Thái, cầu nguyện ắt hẳn là điều không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của Ngài. Thật vậy, các Tin Mừng nhiều lần kể cho chúng ta việc Đức Giêsu đi cầu nguyện. Tuy nhiên, có lẽ thánh Luca là người lưu tâm và cho thấy ý nghĩa đặc biệt của cầu nguyện trong đời sống của Đức Giêsu nhất. Chính vì thế chúng ta có thể đọc thấy nhiều câu chuyện Tin Mừng được các thánh sử Nhất Lãm trình bày song song, nhưng chỉ có Luca là người đã chủ động thêm vào chi tiết cầu nguyện trong các đoạn văn như ấy.[1]

Phải chăng đây chính là một trong những dụng ý thần học và Kitô học của Luca? Để trả lời các câu hỏi trên, bài viết này sẽ cố gắng phân tích, tổng hợp các đoạn văn nói về cầu nguyện của Luca để làm sáng tỏ tư tưởng trên của ông. Với mục đích như thế, trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về từ ngữ “cầu nguyện” trong Luca. Sau đó chúng cùng nhau làm sáng tỏ hình ảnh Đức Giêsu của Luca như là mẫu gương về cầu nguyện. Kế đến, chúng ta cùng xét xem Ngài đã dạy các môn đệ mình cầu nguyện thế nào. Và cuối cùng là một vài phản tỉnh bản thân liên quan đến chủ đề cầu nguyện này.

II. TỪ NGỮ CẦU NGUYỆN TRONG LUCA

Trong bài nghiên cứu của K. S. Han, ông cho rằng Luca đã dùng hai từ Hy Lạp để nói về việc cầu nguyện 41 lần trong Tin Mừng của ông. Động từ thứ nhất là προσεύχομαι (proseukomai) và hình thức danh từ của nó là προσευχή (proseuche) được Luca sử dụng 22 lần. Nếu tính luôn cả trong sách Công vụ tông đồ thì Luca đã sử từ ngữ này 35 lần trong tổng số 86 lần xuất hiện trong Tân Ước.  Động từ thứ hai được Luca sử dụng nói về cầu nguyện là động từ δεησίς (deesis), dùng 19 lần.[2] Đây là hai từ ngữ chính yếu mà K.S Han cho rằng Luca đã dùng để nói về cầu nguyện trong Tin Mừng thứ ba.

Đi sâu vào phân tích hai từ ngữ này, một học giả khác là O.G. Harris, ông cho thấy có sự khác biệt giữa hai từ ngữ mà Luca sử dụng để diễn tả việc cầu nguyện này. Theo ông, với từ προσευχή, Luca diễn tả cầu nguyện như là sự nhiệt tâm, là điều gì đó thẳm sâu trong con người. Còn với từ δεησίς, thánh sử thường diễn tả cầu nguyện là để đạt được một nhu cầu cá nhân. Hơn nữa, từ δεησίς thường được dùng phổ quát, nghĩa là không chỉ dành riêng cho Thiên Chúa nhưng cũng được dùng để cầu xin điều gì từ một con người. Chúng ta có thể thấy Luca dùng từ δεησίς này ở (Lc 2,37 và Lc 5,33) khi ông nói về việc ăn chay và cầu nguyện; hay trong (Lc 5,12) khi người bệnh phong cầu xin Đức Giêsu chữa lành; hoặc ở (Lc 22,32) Đức Giêsu cầu nguyện cho Phêrô khỏi mất lòng tin…. Trong khi đó,  từ ngữ προσευχή thì chỉ dùng để nói riêng việc cầu nguyện với Thiên Chúa.[3] Chẳng hạn, ở (Lc 6,12) thánh sử dùng từ ngữ này để nói về việc Đức Giêsu lên núi và cầu nguyện thâu đêm với Chúa Cha; hay trong (Lc 1,10), Luca dùng từ này để nói về việc dân chúng đang cầu nguyện cùng Thiên Chúa trong khi Dacaria dâng hương trong đền thờ.

Ngoài hai từ ngữ chính trên đây, chúng ta có thể thấy nhiều từ ngữ khác được Luca dùng để để diễn tả các hoạt động liên quan đến cầu nguyện[4], chẳng hạn như Chúa Giêsu dâng lời  tạ ơn trong phép lạ hóa bánh ra nhiều (Lc 9,16); Đức Maria chúc tụng Thiên Chúa bằng bài Magnificat (1,46-55) – là bài ca tán dương thường được sử dụng trong Phụng Vụ của cộng đoàn tín hữu[5]; sau  khi Đức Giêsu lên trời các môn đệ thường tụ họp nhau trong đền thờ và chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,53)…

Qua những quan điểm như trên, chúng ta có thể kết luận rằng cầu nguyện là đặc nét rất độc đáo của Luca, được ông sử dụng và diễn tả bằng nhiều từ ngữ khác nhau. Việc sử dụng từ ngữ đa dạng và phân biệt theo cấp độ như thế cho thấy Luca có sự lưu tâm và nhấn đặc biệt về việc cầu nguyện của các nhân vật trong Tin Mừng, trong đó nổi bật nhất là Đức Giêsu. Trong phần dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu chân dung của Đức Giêsu được Luca phác họa như một mẫu gương về cầu nguyện.

III. ĐỨC GIÊSU – MẪU GƯƠNG VỀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Nhiều người cảm thấy thú vị khi quan sát thấy Luca đã mở đầu đầu và kết thúc Tin Mừng của mình trong bầu khí cầu nguyện. Ở Luca (1,10) toàn thể dân chúng cầu nguyện bên ngoài đền thờ trước khi thiên thần truyền tin cho Dacaria. Và ở câu cuối cùng của Tin Mừng (24,53), Luca diễn tả cho thấy các môn đệ tụ họp trong đền thờ để chúc tụng Thiên Chúa. Như thế, Luca dường cho thấy sợi chỉ xuyên suốt trong Tin Mừng của ông là cầu nguyện. Vậy Đức Giêsu – nhân vật trung tâm của mọi sách Tin Mừng được Luca kể thế nào về việc Ngài cầu nguyện? Ngài cầu nguyện với tinh thần và thái độ nào?

1. Đức Giêsu cầu nguyện trong nhiều hoàn cảnh

Nếu đọc xuyên suốt Tin Mừng Luca, chúng ta có thể bắt gặp nhiều đoạn nói về việc  Đức Giêsu cầu nguyện. Ngài có thể cầu nguyện một mình (5,16; 6,12; 9,18…) hay cầu nguyện trước sự hiện diện của đám đông (9,16; 22,19,23,33…). Ngài cầu nguyện trong nhiều thời khắc khác nhau. Đôi khi là lúc nửa đêm (6,12), nhiều lúc là vào sáng sớm, hay vào lúc chiều tối. Và Ngài cầu nguyện trong nhiều  hoàn cảnh khác nhau. Thật vậy, nhiều đoạn trích Tin Mừng Luca cho chúng ta thấy Đức Giêsu luôn cầu nguyện khi Ngài đối diện với những tình huống quan trọng của cuộc sống mình.[6]

a. Đức Giêsu cầu nguyện để mở ra với Thánh Ý Chúa, để Tìm Ý Chúa

Trước những biến cố quan trọng Đức Giêsu luôn cầu nguyện. Luca 6,12 kể cho chúng ta biết Đức Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện trước khi Ngài chọn  nhóm mười hai. Phân tích văn phạm của cụm từ “ cầu nguyện với Thiên Chúa”, Garland cho rằng Đức Giêsu đã tâm sự với Chúa Cha, nhưng không phải là để nói lên nhu cầu của mình nhưng đúng hơn là để lắng nghe Ý Cha. Học giả Green cũng bình giải tương tự khi ông cho rằng  việc Đức Giêsu chọn 12 tông đồ là một quyết định  dựa trên sự thúc đẩy và mục đích hoàn toàn thiêng liêng.[7]

Trong biến cố phép rửa của Đức Giêsu, Luca cho thấy rằng chính lúc Ngài cầu nguyện thì Thánh Thần ngự xuống. Theo một vài học giả, phân tích từ ngử của câu này cho thấy việc Thánh Thần hiện xuống là kết quả của việc cầu nguyện. Do đo, nếu so sánh biến cố này với bản văn của Marcô (1,10), Luca khác với Marcô ở chỗ ông cho thấy việc trời mở ra gắn liền với việc Đức Giêsu cầu nguyện hơn là khi Ngài lên khỏi nước. Chính trong ý nghĩa này mà Crump cho rằng “Qua cầu nguyện Đức Giêsu không chỉ trò chuyện với Chúa Cha, nhưng Ngài cũng làm cho mình nhạy cảm hơn với Thánh Ý Thiên Chúa bất cứ khi nào Người cần.” [8]

Tương tự như trên, trong biến cố Đức Giêsu biến hình trên núi (9,28), Luca cũng kể cho chúng ta biết rằng “Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà”. Chỉ có Tin Mừng Luca đề cập mục đích của Đức Giêsu là lên núi cầu nguyện và đang khi cầu nguyện thì việc biến hình xảy ra. Đối với Luca, cầu nguyện là cách khám khá và đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa. Qua cầu nguyện các môn đệ nghe được những gì về Đức Giêsu.[9] Qua cầu nguyện, Thiên Chúa mạc khải kế hoạch của Người cho chung ta. Nhờ cầu nguyện, các môn đệ nhìn thấy và nghe được những gì Chúa Cha mạc khải về Đức Giêsu.[10]

Tương tự như trên, Luca (22,40;46) cho thấy Đức Giêsu cầu nguyện để vượt thắng cám dỗ, để sống cho Ý Cha. Nói như Garland, cầu nguyện là mở ra những cánh cửa, qua đó con người nhìn thấy những hoạt động của Thiên Chúa và tham dự vào chính hoạt động đó. Do đó người cầu nguyện là người luôn mở ra cho Ý Chúa được thể hiện.[11]

Lời cầu nguyện cuối cùng của Đức Giêsu ở Lc 23,46 cũng là lời cầu nguyện mong cho Ý Cha được thể hiện. Tuy nhiên ở đây không chỉ là tìm và thực thực thi Ý Cha nhưng là lời cầu phó thác trọn vẹn con người và vận mạng mình trong tay Cha. Như một người con hiếu thảo, Đức Giêsu tin tưởng và trao phó hoàn toàn nơi Cha. Thật vậy, đây là lần thứ 3 Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha (lần đầu ở 3,22 và lần thứ hai ở 22,34), và diễn tả sự thân mật, tín thác trọn vẹn vận mạng đời mình trong tay Người.

b. Đức Giêsu cầu nguyện để tạ ơn và ngợi khen

Trước sự thành công của 72 môn đệ khi rao giảng trở về, Đức Giêsu đã vui mừng hớn hở và cất lời tạ ơn cha (10,21-22). Ngài tạ ơn Cha vì Người mạc khải cho những kẻ bé mọn. Tuy nhiên ở đây Ngài lưu ý các môn đệ rằng lý do để vui mừng không chỉ đơn thuần là sự thành công của họ, nhưng quan trọng hơn là vì tên của họ được ghi ở trên trời. Như thế, Ngài tạ ơn vì Cha đã thương mạc khải và đã cho các môn đệ đi vào trong tương quan với Người; cho họ được hưởng ơn cứu độ của Người.[12] Và chính khi đi vào trong tương quan với Chúa Cha, người môn đệ sẽ có niềm vui để thực hiện công việc của Chúa Cha trao phó, ngang qua Đức Giêsu. Họ ra đi rao giảng,  làm cho danh cha cả sáng, Nước Cha trị đến (11,1-4).

Nếu nối kết lời cầu nguyện ở đây của Đức Giêsu với phần đầu của lời kinh mà Đức Giêsu dạy các môn đệ, chúng ta có thể thấy cả hai cùng diễn tả một tâm tình tạ ơn và ngợi khen. Tạ ơn vì Cha đã thương mạc khải, đã cho con người đi vào tương quan với Người. Phần đầu kinh lạy Cha là lời ngợi khen vì Người thánh thiện tuyệt đối vượt trên mọi thọ tạo.[13] Lời kinh Lạy Cha Đức Giêsu dạy các môn đệ ở đây chắc hẳn cũng là lời cầu xin mà Ngài thường xuyên dâng lên để tạ ơn và ngợi khen Cha hằng ngày.

c. Đức Giêsu cầu nguyện để cầu xin và tha thứ cho người khác

Đức Giêsu cầu nguyện nhiều, nhưng Ngài không chỉ cầu nguyện cho mình mà Ngài còn dâng cả những người xung quanh cho Thiên Chúa. Theo nhận định của Crump, những đoạn Kinh Thánh (6,12; 9,18; 10,21–22; 22,32; 23,34) cho thấy Đức Giêsu như là Đấng chuyển cầu và lời cầu nguyện của Ngài dẫn đến một nhận thức thiêng liêng mang lại ơn cứu độ cho người khác.[14]

Trước khi hỏi các môn đệ nói về căn tính của mình ở 9,20, Đức Giêsu đã cầu cầu nguyện một mình. Theo Schnackenburg, chính nhờ lời cầu nguyện của Đức Giêsu mà Phêrô đã được thêm vững mạnh, tuyên xưng Ngài là Đấng Messiah và sau đó Đức Giêsu mạc khải về con đường khổ nạn của Ngài. [15] Paul Anderson cũng giải thích tương tự như trên.[16] Như vậy, qua lời cầu nguyện, Đức Giêsu muốn củng cố các môn đệ để mạc khải về cuộc thương khó của mình. Điều tương tự cũng xảy ra trong biến cố biến hình (9,28), khi Đức Giêsu đưa ba môn đệ lên núi cầu nguyện. Cũng trong chính lúc cầu nguyện, Đức Giêsu mạc khải vinh quang của mình để củng cố và làm vững mạnh môn đệ.

Đoạn Kinh Thánh khác là Lc (22,31-32), Đức Giêsu đã cầu nguyện cho Phêrô để ông khỏi sa ngã và trở thành người nâng đỡ đức tin cho anh em mình. Phải chăng chính nhờ lời cầu nguyện này của Đức Giêsu mà sau khi chối thầy, Phêrô đã hối cải và trở thành chỗ dựa, trụ cột nâng đỡ đức tin cho Hội Thánh sơ khai.

Còn trong Luca (23,34), Đức Giêsu cầu nguyện xin tha thứ cho những kẻ giết hại mình. Theo Garland, lời cầu xin này trở thành một lời cầu nguyện mẫu cho Giáo Hội mà sau đó Stêphanô đã bắt chước lặp lại trong Cv 7,60. Theo giải thích của Brown, Luca xen ngang lời cầu nguyện của Đức Giêsu vào giữa câu 23,33 và câu 23,34b làm gia tăng ý nghĩa của lời nguyện xin tha thứ của Đức Giêsu trước cho những hành vi thù địch, chống đối của những người xung quanh.[17] Lời cầu nguyện trên thánh giá  này của Đức Giêsu cũng am hợp với những gì Ngài đã dạy  các môn đệ “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (6,27-28). Giữa những đau đớn cùng cực mà những kẻ xung quanh đang bách hại mình, Đức Giêsu đã cầu nguyện và xin Cha tha thứ cho cả những người không tỏ ra bất kỳ chút sám hối nào về những điều họ đang gây ra cho Ngài.[18]

d. Đức Giêsu cầu nguyện khi ở gặp khó khăn, quẫn bách

Trong Luca (5,16), sau khi Đức Giêsu chữa lành người phong hủi, Ngài đã rút vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Crump cho rằng chi tiết này cho thấy “rút lui vào nơi thanh vắng cầu nguyện” là hành vi quen thuộc của Đức Giêsu. Thói quen cầu nguyện không ngừng này của Ngài giải thích tại sao Ngài có năng lực chữa lành (5,17). Còn theo giải thích của Garland, ở đây Ngài cầu nguyện trước khi phải đụng độ với giới lãnh đạo Do Thái.[19] Thật vậy, nằm ngay sau câu nói về việc Đức Giêsu vào nơi thanh vắng cầu nguyện, Luca đã kể về cuộc đụng độ giữa Đức Giêsu và người Pharisêu liên quan đến quyền tha tội. Vậy phải chăng, đó cũng là lý do mà Đức Giêsu cần cầu nguyện để Ngài có được sự hướng dẫn của Thánh Thần, hầu có được sự khôn ngoan trước những thách thức của người Pharisêu.

Cũng vậy, khi phải đối diện với những đau khổ và cái chết đang dần ập đến, Luca đã cho thấy Đức Giêsu đi vào trong biến cố vượt qua này trong bối cảnh của cầu nguyện (22,41–45; 23;46). Và nhờ cầu nguyện, Ngài đã đứng vững và chiến thắng ý riêng để vâng theo Ý Cha, sẵn sàng trao nộp chính mình.

Nói tóm lại, chúng ta có thể thấy được sợi chỉ đỏ được Luca dùng để mô tả về đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu trong nhiều hoàn cảnh: cầu nguyện để tìm Ý Cha, cầu nguyện tạ ơn và ngợi khen Cha, Cầu nguyện cho người khác, và cầu nguyện cho chính mình trong những hoàn cảnh khó khăn. Phần tiếp theo dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu xem Ngài thường cầu nguyện với thái độ nào.

2. Thái độ cầu nguyện của Đức Giêsu

Trước hết, qua những tường thuật về việc cầu nguyện của  Đức Giêsu, Luca cho ta thấy rằng Đức Giêsu là người có tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Ngài đã cầu nguyện với Thiên Chúa như là Cha của mình và sau này ngài cũng dạy các môn đệ cầu nguyện như thế (11,1-4). Theo Garland, ý thức về mối tương quan Cha – Con này, Đức Giêsu không chỉ sống thái độ của một người con mà còn diễn tả một thái độ kính trọng và mật thiết.[20]

Chính trong tâm tình kính yêu và mật thiết này mà nơi vườn cây Dầu, trước biến cố Thập Giá, Đức Giêsu đã quỳ gối và cầu nguyện với Cha. Hình ảnh của Đức Giêsu lúc này cho thấy một sự vâng phục tuyệt đối vào Cha. Giữa những thử thách cùng cực đang ở ngay trước mặt, Đức Giêsu vẫn kiên trì cầu nguyện, dù Chúa Cha vẫn im lặng ẩn mình.[21] Đức Giêsu hoàn toàn phó thác vận mệnh của mình và đặt trọn mọi sự trong tay Cha.[22]Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.”(22,42) và trên thập giá, Ngài đã trao phó tất cả nơi Cha “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”(23,46).

Như vậy, trong tâm tình như một người con thảo với Chúa Cha, Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy mối tương quan mật thiết giữa Ngài và Cha. Trong mọi sự, Ngài luôn quy hướng về Cha, lấy Thánh Ý Cha làm trung tâm của cuộc sống mình. Do đó, Ngài luôn sống thái độ kiên trì, phó thác cho Cha trong cầu nguyện, ngay cả khi Chúa Cha dường như hoàn toàn ẩn mình. Ngài khiêm tốn bỏ mình, để Danh Cha mãi được tôn vinh.

Với đời sống và thái độ cầu nguyện như thế, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện thế nào? Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem Ngài hướng dẫn các ông cầu nguyện ra sao.

IV. ĐỨC GIÊSU – THẦY DẠY CẦU NGUYỆN

Trong Tin Mừng Matthêu, việc Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện được đặt trong phần bài giảng trên núi. Đối với Luca, ông lại đặt biến cố này trong bối cảnh các môn đệ thấy Đức Giêsu cầu nguyện (11,1) và họ đến xin Ngài dạy họ làm như thế. Ở đây, chúng ta biết rằng chỉ duy trong Tin Mừng Luca, các môn đệ đến xin Đức Giêsu dạy cho họ cầu nguyện. Luca dường như muốn cho thấy các môn đệ ấn tượng với cách cầu nguyện của Đức Giêsu. Để đáp lại lời cầu xin của họ, Đức Giêsu không những đã dạy họ cách cầu nguyện (11,2-4// Mt 6,9-13) mà Ngài còn không ngừng khuyến khích họ cầu nguyện (18,1; 21,36; 22,40). Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thu thập những hướng dẫn cầu nguyện khác của Đức Giêsu qua các dụ ngôn nói về cầu nguyện (11,5-8; 18,1-8; 18,9-14).[23]

1. Đức Giêsu dạy cầu nguyện

a. Trước hết cầu nguyện là đi vào trong tương quan với Thiên Chúa

Cả đời sống Đức Giêsu là đời sống quy hướng về Cha và đi vào trong tương quan với Thiên Chúa Cha. Ngay từ khi 12 tuổi, ngài đã ý thức về công việc của của Cha (2,49); Ngài tạ ơn Cha vì Người đã mạc khải cho kể bé mọn; Ngài cầu nguyện với Cha thường xuyên trong suốt quãng đời sứ vụ. Ngài chạy đến với Cha khi phải chiến đấu trong Vườn Dầu (22,42). Vì thế, khi Ngài dạy các môn đệ về cầu nguyện, trước hết và trên hết Ngài dạy họ đi vào trong tương quan với Cha, biết chạy đến với Cha (11,2-4). Đó là những tâm tình mà người cầu nguyện cần có. Thêm vào đó, Đức Giêsu còn dạy cho các ông biết rằng Chúa Cha mong chờ ban ơn cho người nào kêu cầu tới Người (11,9-13).

b. Cầu nguyện là để tìm và thực thi Ý Cha

Động lực cầu nguyện mà Đức Giêsu dạy các môn đệ là “làm cho danh Cha vinh hiển” (11,2). Đây cũng là điều mà chính Ngài đã sống và đã làm trong suốt đời sống của mình. Ngài cầu nguyện để thực thi ý Cha, để làm đẹp lòng Cha nhiều lần trong đời sống của mình.

Để thấy rõ hơn điều này, chúng ta có thể xem xét Lc (22,4). Trong khi các bản văn song song Mt (26,37) hay Mc (14,33), các thánh sử ở đây đã tách nhóm Phêrô, Giacôbê và Gioan ra khỏi các môn đệ khác. Còn trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu để cho tất cả môn đệ được chia sẻ kinh nghiệm cầu nguyện với Ngài. Hơn nữa, Đức Giêsu của Luca ở đây không đau buồn, suy sụp như của Matthêu, nhưng Ngài quỳ trong tư thế cầu nguyện quen thuộc của mình.[24] Ngài trở thành kiểu mẫu cầu nguyện cho các môn đệ khi Luca mô tả hình ảnh trái ngược: Trong lúc ngài cầu nguyện thì các môn để đau buồn và ngủ say. Ngài trở thành gương mẫu vì đã dùng cầu nguyện để vượt thắng cám dỗ của kẻ thù. Cầu nguyện cho Đức Giêsu nhìn thấy những gì sắp sảy ra, nhận ra đâu là Ý Chúa để thi hành.[25]

c. Cầu nguyện để tạ ơn và ngợi khen

Dù chúng ta không thấy một sự hướng dẫn minh nhiên của Đức Giêsu dành cho các môn đệ về việc cầu nguyện để tạ ơn. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy đoán phần sự mặc nhiên của lời dạy này khi chính Ngài đã cầu nguyện tạ ơn Cha nhiều lần. Ắt hẳn các môn đệ cũng có thể học được tâm tình này của Ngài khi họ cầu nguyện. Bằng chứng là ở cuối Tin Mừng, Luca đã ghi lại rằng các môn đệ “và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”(24,53). Như thế, những điều Đức Giêsu đã sống, cách Đức Giêsu cầu nguyện tạ ơn cũng đã được các môn đệ ghi tạc và đã đưa vào lối sống của mình.

d. Cầu nguyện về những khó khăn hay những nhu cầu của cuộc sống

Dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy (18,1-8) là bài học tiêu biểu cho việc cầu nguyện Đức Giêsu muốn dạy cho các môn đệ. Dụ ngôn này một đàng cho chúng ta thấy thái độ kiên nhẫn,liên lỉ trong cầu nguyện là điều cần thiết. Đàng khác, chúng ta cũng thấy ở dụ ngôn hình ảnh của một con người đang phải đối diện với những khó khăn của cuộc sống và cầu xin được giúp đỡ. Do đó, kết thúc dụ ngôn Đức Giêsu đã khẳng định rằng: “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? (18,7). Như thế, Đức Giêsu đảm bảo rằng Chúa cha sẽ ra tay minh xét và trợ giúp cho ai cầu xin người. cũng vậy, trong phần tiếp sau của Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu cũng đảm bảo với các môn đệ rằng “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (11,9). Đức Giêsu quả quyết rằng Chúa cha sẽ đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con cái mình vì Người là Cha – Đấng Yêu Thương, Tốt Lành sẽ ban cho ai cầu xin người Thánh Thần để hướng dẫn và trợ giúp họ trong cuộc sống (11,13). Giải thích về điều này Garland cho rằng người cầu xin có thể xin một điều khác, Nhưng món quà tốt nhất của Thiên Chúa là Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho những ai cầu xin Người.[26] Từ đó, Thánh Thần sẽ hướng dẫn người ấy đối diện với những thách đố của cuộc sống.

e. Cầu nguyện là để đạt được ơn cứu độ

Đối với Luca, cầu nguyện không chỉ dừng lại ở những nhu cầu thường ngày, nhưng còn là cầu xin để có thể đạt tới ơn cứu độ. Chính vì thế, trong Lc 21,36, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ rằng “anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Lời cầu nguyện Đức Giêsu dạy ở đây diễn tả một ý nghĩa cánh chung. Ngài dạy các môn đệ không ngừng cầu nguyện để thoát khỏi những cám dỗ và trung thành với với Chúa.

Tương tự như thế ở nhiều nơi khác trong bản văn của Luca,  Đức Giêsu luôn yêu cầu các môn để cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, chẳng hạn trong 11,4; 22,40. Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ phải tình thức và cầu nguyện luôn để luôn đứng vững trước các bách hại. Cầu nguyện làm cho chúng ta có một nền tảng vững chắc không bị sụp đổ trước những thử thách cám dỗ của cuộc sống.

f. Cầu nguyện để có thể sống sự tha thứ.

Nếu như Đức Giêsu đã cầu nguyện xin tha thứ cho những người bách hại mình trong cuộc khổ nạn (23,34), thì Ngài cũng dạy các môn đệ cầu nguyện với tâm tình tha thứ. Thật vậy, trong Lc (6,28), Ngài dạy các ông rằng “hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” Kitô hữu phải là người cầu nguyện cho kẻ khác, thậm chí là cầu nguyện cho kẻ thù (Lc 6,28). Điều mà Chính Đức Giêsu  đã sống, giờ Ngài dạy lại cho các môn đệ và người Kitô hữu để họ cùng sống tinh thần đó với Ngài. Như vậy, Ngài không dạy cầu nguyện cách lý thuyết xa vời, nhưng cầu nguyện với những gì rất là thực tế. Cầu nguyện để nối lại hay để chữa lành những tương quan đổ vỡ giữa con người với con người hoặc giữa con người với Thiên Chúa. Do đó, trong Kinh Lạy Cha, Ngài đã dạy các môn đệ cầu xin Cha “xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (11,4). Hóa ra tha thứ cho người khác chính là tiền đề cho việc cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho chính mình.

Nói tóm lại, Đức Giêsu đã cầu nguyện và sống cầu nguyện thế nào Ngài cũng dạy các môn đệ cầu nguyện và sống như thế. Ngài dạy họ cầu nguyện để đi vào tương quan với Cha, để tìm và thực thi Ý Cha. Ngài cũng dạy họ dùng lời cầu nguyện để ngợi khen và tôn vinh Cha, để xin cha ban cho những ơn cần thiết trong cuộc sống, đặc biệt hơn là xin để được ơn cứu độ. Ngài cũng dạy họ cầu nguyện để có thể tha thứ cho anh em đồng loại. Phần tiếp theo dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu xem Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện với thái độ nào.

2. Thái độ cầu nguyện

a. Cầu nguyện với thái độ kiên nhẫn

Đối với Đức Giêsu, thái độ đầu tiên mà người cầu nguyện cần có chinh là lòng kiên nhẫn, không nản chí khi cầu nguyện. Dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa (18,1-8) là một ví dụ điển hình cho điều này. Qua dụ ngôn, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ bắt chước thái độ của bà góa khi nài nỉ không ngừng với quan tòa. Nếu người môn đệ cầu nguyện với Chúa Cha bằng một tinh thần và thái đố kiên trì liên lỉ như thế, lẽ nào Chúa cha có thể làm ngơ trước lời van xin của họ (18,8)? Thái độ kiên nhẫn trong cầu nguyện này cũng là điều mà đã áp dụng trong chính đời sống cầu nguyện của mình. Thật vậy, khi chọn 12 tông đồ, Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện với Cha. Trong vườn Dầu, Ngài cũng cầu nguyện liên lỉ để có thể trung thành với Ý Cha và bỏ được ý riêng, vượt qua được những yếu đuối của phận người (22,42-44).

b. Cầu nguyện với thái độ khiêm tốn để nhận ra mình cần Thiên Chúa

Một thái độ khác mà Đức Giêsu đòi hỏi người cầu nguyện cần có chính là lòng khiêm tốn. Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ (18,9) là một đơn cử cho điều này. Hình ảnh và thái đội khiêm tốn của người thu thuế trở thành mẫu mực người cầu nguyện. Ngược lại lối cầu nguyện của anh Pharisêu là thái độ người cầu nguyện phải tránh. Khi giải thích về dụ ngôn này Schweizer cho rằng: “Trong lời cầu nguyện của người biệt phái, anh ta đã cố ép Chúa kết tội người thu thuế. Anh ta quên rằng Thiên Chúa yêu thương cả người công chính lẫn kẻ bất lương.”[27] Chính trong bối cảnh này chúng ta hiểu tại sao ở Lc 20,45-47, Đức Giêsu dạy các môn đệ  cảnh giác với cách cầu nguyện kiểu biệt phái  “làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” cốt là để người ta thấy chứ không thực tâm diễn tả tương quan với Thiên Chúa.

Nói tóm lại,Thái độ và tâm tình thích hợp mà Đức Giêsu dường như muốn dạy chúng ta là cầu nguyện với lòng khiêm nhường, nghĩa là biết mình cần Thiên Chúa. Sự ý thức này sẽ được thể hiện qua tâm tình biết ơn và cảm tạ, cũng như diễn tả sự hối lỗi của mình trong cầu nguyện. Nếu một người cầu nguyện với một ý thức như trên, làm sao Thiên Chúa có thể không động lòng mà ban cho họ những ân sủng cần thiết được!

Cuối cùng, trong việc liên hệ đời sống cầu nguyện này với thực tế, người viết sẽ đưa ra một vài nhận định, phản tỉnh ở phần dưới đây.

V. MỘT VÀI PHẢN TỈNH LIÊN HỆ ĐẾN ĐỜI SỐNG SỐNG CẦU NGUYỆN

Những gì chúng ta đã tìm hiểu ở trên cho chúng ta thấy chủ đề cầu nguyện là một trong những chủ đề trọng tâm của Luca. Chủ đề này gắn liền và liên hệ với những chủ đề thần học khác của Luca như Kitô học, Thánh Thần, đặc biệt là cánh chung học. Chính vì thế, như chúng ta đã đề cập ở trên, quan niệm của Luca về cầu nguyện phải được đặt trong bối cảnh cánh chung; nghĩa là cầu nguyện để có thể hướng tới ơn cứu độ. Tuy nhiên ơn cứu độ này vẫn còn là một điều gì đó chưa thành toàn. Do đó người môn đệ được mời gọi không ngừng cầu nguyện, kiên nhẫn cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh. Luca nhấn mạnh kiên trì trong cầu nguyện chính là cơ hội diễn tả đức tin trước các thử thách cuộc sống.

Là người Kitô hữu,  người môn đệ của Đức Giêsu, chúng tôi nghĩ rằng việc cầu nguyện cần phải có một vị trí đặc biệt trong đời sống của chúng ta. Vì nếu Đức Giêsu đã cầu nguyện và cần cầu nguyện để làm cho đời sống mình trở nên tròn đầy thì  chúng ta cũng cần cầu nguyện mới có thể tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống. Vừa là Con Thiên Chúa và cũng là con người, Đức Giêsu đã trở thành trung gian, thành mẫu mực cho chúng ta trong đời sống cầu nguyện. Chúng ta được mời gọi bắt chước Ngài việc cầu nguyện. Ngang qua cầu nguyện Ngài dạy cho chúng ta biết làm sao để có thể kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, cũng như tuân phục Người (3,21-22; 4,42; 5,16; 11,1-4; 22,31-32, 39-46).

Cuộc sống người Kitô hữu là là không ngừng khám phá khuôn mặt của Thiên Chúa và Con của Ngài là Đức Giêsu. Chúng ta chỉ có thể làm được điều này ngang qua cầu nguyện. Thật vậy, nhiều lần Đức Giêsu cho thấy Ngài trở nên gần gũi và mất thiết với Cha hơn trong cầu nguyện. Cũng vậy, nhiều đoạn Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy người môn đệ được mạc khải về Đức Giêsu và hiểu sâu rộng hơn về Thiên Chúa nhờ lời cầu nguyện. Như thế, chúng ta cũng cần cầu nguyện để lại gần Thiên Chúa và hiểu về Đức Giêsu nhiều hơn.

Hơn nữa, chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã nhận được sự hướng dẫn và có được sự thành công trong sứ vụ nhờ việc cầu nguyện. Ngài đã không ngừng tìm và khám phá ra Thánh Ý của Chúa Cha để thi hành. Là những người muốn nên giống Đức Giêsu, chúng ta cần học nơi Ngài.  Là người muốn tìm kiếm Thánh Ý Thiên Chúa trong đời sống của mình như Giêsu, chúng ta cũng cần cầu nguyện, cần được Thánh Thần của Thiên Chúa hướng dẫn (11,13). Chỉ khi sống theo Thánh Ý Chúa, cuộc sống chúng ta mới có niềm vui và triển nở. Chỉ khi có sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, chúng ta mới làm đời sống của mình đạt tới thành tựu. Do đó, nếu Đức Giêsu đã cầu nguyện trước các biến cố quan trọng của đời Ngài, thì chúng ta cũng được mời gọi cầu nguyện để có thêm ánh sáng thực hiện những quyết định quan trong của đời mình. Thật vậy, chẳng ai không có những quyết định, những chọn lựa cần thực hiện trong đời mình. Vậy nếu Đức Giêsu đã dùng cầu nguyện để giúp Ngài có những chọn lựa tốt hơn, tại sao chúng ta cũng không làm như thế? Một quyết định, chọn lựa không có sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa có thể là một chọn lựa tai hại nhất cho đời sống. Do đó, với Luca, người môn đệ phải là người không ngừng cầu nguyện để thực hiện mọi quyết định của đời sống trong Thánh Thần.

Ngoài ra, đối với Luca, cầu nguyện là hành vi sám hối, là thú nhận mình hèn kém trước tình yêu của Thiên Chúa. (x 18,9-14). Thiên Chúa sẽ nhận lời những con người thực tâm sám hối và ý thức được sự mỏng dòn, mong manh của mình trước Chúa. Người sẽ nhận lời họ cầu xin và đứng về phía họ.    

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Brown, Raymond E. The Death of the Messiah. Vol.2. NewYork: Doubleday, 1994.

Byrne, Brendan. The Hospitality of God: A Reading of Luke’s Gospel. Collegeville: The Liturgical Press, 2000.

Garland, David E. Luke: Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament. Grand Rapids: Zondervan, 2011.

Han, Kyu Sam. ‘Theology of Prayer in the Gospel of Luke’. Journal of the Evangelical Theological Society 43 (2000):674–93.

Harris, G. Prayer in Luke-Acts: A Study in the Theology of Luke. Ph.d. diss. Vanderbilt University, 1966.

Holmås, G.O. Prayer and Vindication in Luke-Acts: The Theme of Prayer within the Context of the Legitimating and Edifying Objective of the Lukan Narrative. LNTS 443. London: T & T Clark, 2011.

Johnson, Luke T. The Gospel of Luke, Sacra Pagina 3. Collegeville: The Liturgical Press,1991.

Just S.J., Felix. ‘Prayer in the New Testament’. Truy cập ngày 12.05.2015. <http://catholic-resources.org/Bible/Prayer.htm>.

Neyrey, Jerome. The Passion according to Luke: A Redaction Study of Luke’s Soteriology. New York: Paulist, 1985.

Nygaard, Mathias. Prayer in the Gospels: A Theological Exegesis of the Ideal Prayer. Boston: Brill, 2012.

Powell, Mark A. Introducing the New Testament: a Historical, Literary, and Theological
Survey
. Michigan: Baker Academic, 2009.

Schnackenburg, R. Jesus in The Gospels: A Biblical Christology. Bản dịch của Nguyễn Luật Khoa và Phạm Thị Huy, Nxb Tôn Giáo, 2009.

Scheweizer, E. The Good News According to Luke.Tr. David E. Green. Atlanta: John Knox, 1984.

 

[1]  Ví du: Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều nói về việc trời mở ra khi Đức Giêsu chịu phép rửa nhưng chĩ có Luca thêm vào chi tiết cầu nguyện (Mc 1,9-11; Lc 3,21 -22; Mt 3,13-17); chỉ có Lc 5,16 nói cho chúng ta biết Đức Giêsu  rút vào nơi thanh vắng cầu nguyện trước khi đụng độ với giới lãnh đạo Do Thái; trong biến cố biến hình cũng vậy (9, 28), chỉ mình Luca mô tả Đức Giêsu dẫn theo các môn đệ lên núi cầu nguyện.  

[2] K. S. Han, ‘Theology of Prayer in the Gospel of Luke’, Journal of the Evangelical Theological Society 43 (2000):674–93.

[3] O. G. Harris, Prayer in Luke-Acts: A Study in the Theology of Luke. Ph.d. diss, Vanderbilt University, 1966, tr.59

[4] Trích dẫn từ  Felix Just, S.J. “Prayer in the New Testament,” http://catholicresources.org/Bible/Prayer.htm, ngày 12.05.2015

[5] Xem chú giải của nhóm GKPV trong Kinh Thánh Tân Ước – bản dịch có hiệu đính, Nxb Tôn Giáo, 2008, tr.273.

[6] Xem Rudolf Schnackenburg, Jesus in The Gospels: A Biblical Christology, bản dịch của Nguyễn Luật Khoa và Phạm Thị Huy, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr 233.

[7] D. E, Garland, Luke: Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament, Grand Rapids: Zondervan, 2011, tr. 272-273.

[8] Ibid, tr. 168.

[9] Ibid, tr.392

[10] Ibid, tr.392

[11] Ibid, tr. 886

[12] Xem Brendan Byrne, The Hospitality of God: A Reading of Luke’s Gospel, Collegeville: The Liturgical Press, 2000, tr.96.

[13] Xem L.T. Johnson, The Gospel of Luke, Sacra pagina 3, Collegeville: The Liturgical Press,1991, tr.177

[14] Geir Otto Holmås, Prayer and Vindication in Luke-Acts: The Theme of Prayer within the Context of the Legitimating and Edifying Objective of the Lukan Narrative, LNTS 443, London: T&T Clark, 2011, Tr.82 và Mathias Nygaard, Prayer in the Gospels: A Theological Exegesis of the Ideal Prayer, Boston: Brill, 2012, tr.127

[15] R. Schnackenburg, Jesus in The Gospels: A Biblical Christology, bản dịch của Nguyễn Luật Khoa và Phạm Thị Huy, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr.233

[16] Mathias Nygaard, Prayer in the Gospels: A Theological Exegesis of the Ideal Prayer, Boston:    Brill, 2012, tr.127

[17] R. E. Brown, The Death of the Messiah, Vol.2, NewYork: Doubleday, 1994, tr.976

[18] D. E, Garland, Luke: Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament, Grand Rapids: Zondervan, 2011, tr.886

[19] Ibid, tr. 240-241; tr.459.

[20] Ibid, tr.461

[21] Geir Otto Holmås, Prayer and Vindication in Luke-Acts: The Theme of Prayer within the Context of the Legitimating and Edifying Objective of the Lukan Narrative, LNTS 443. London:T&T Clark, 2011, tr.106.

[22] J. H. Neyrey, The Passion according to Luke: A Redaction Study of Luke’s Soteriology, New York: Paulist, 1985, tr. 54

[23] Mark Allan Powell, Introducing the New Testament: a Historical, Literary, and Theological Survey, Michigan: Baker Academic, 2009, tr. 158.

[24] D. E, Garland, Luke: Zondervan Exegetical Commentary on the New Testament, Grand Rapids: Zondervan, 2011, tr.881.

[25] Ibid, tr.884

[26] Ibid, tr. 471

[27]E. Scheweizer, the Good News According to Luke, Translated by David E. Green, John Knox, 1984, tr.283.