Công đồng Trentô

Môn học: Lịch sử Giáo hội Công giáo
Giáo sư: Nguyễn Mai Kha, S.J.
Học viên: Trần Thiên Kính, S.J.

 Công Đồng Trentô là một trong những công đồng chung quan trọng, góp phần canh tân Giáo Hội và chống lại phong trào cải cách Tin Lành đang bùng nổ ở Châu Âu. Trong các phiên họp của Công Đồng, người ta dần dần nhận ra dung mạo của một dòng tu nhỏ bé và non trẻ ngang qua đóng góp của các Giê-su hữu tham dự với tư cách là những thần học gia của công đồng. Bài viết này trình bày những tham gia và đóng góp cụ thể của dòng Tên cho công đồng cải cách và chống cải cách của Giáo Hội trong những năm giữa thế kỷ XVI.

Công đồng Trentô diễn ra trong một giai đoạn lịch sử quan trọng sau cuộc cải cách của Tin Lành và sự ra đời của Dòng Tên. Dòng Tên chỉ mới được thành lập năm 1540 với một số lượng thành viên khiêm tốn; thế nhưng, Dòng đã Đức Giáo Hoàng ưu ái, tin tưởng cho phép góp tiếng nói của mình trong Công đồng. Sự đóng góp của Dòng Tên trong Công đồng đã làm cho Giáo hội có được những bước chuyển mình quan trọng trong việc đạt được nhiệm vụ đặt ra; nhiệm vụ hai mặt của Công đồng là “khẳng định giáo thuyết” chống lại các lạc giáo mới và “canh tân luân lý” chống lại các lạm dụng lâu dài về kỷ luật. Trong bài viết này, trước hết người viết sẽ trình bày tổng quan sự tham gia của các Giêsu hữu tại Công đồng, sau là trình bày chi tiết những đóng góp cụ thể của Dòng Tên trong Công đồng ngang qua các Giêsu hữu.

Tổng quan sự tham gia của các Giêsu hữu tại Công đồng

Công đồng Trentô được nhóm họp trong ba giai đoạn: từ tháng Mười Hai năm 1546 tới tháng Ba năm 1547; từ tháng Năm năm 1551 tới tháng Tư năm 1552; và từ tháng Một năm1562 tới tháng Mười Hai 1563. Trong cả ba giai đoạn này đều có sự tham gia của các Giêsu hữu.

Trong giai đoạn thứ nhất, Claude Jay đã có mặt tại Công đồng như là đại diện của Giám mục Augsburg, hồng y Otto von Truchsess, Jay có quyền bỏ phiếu tư vấn. Tháng Hai năm 1546, Đức Giáo Hoàng Phaolô III chỉ định thêm ba Giêsu hữu tham dự Công đồng. Lainez, Salmeron và Farve được chọn. Lainez và Salmeron đến tham dự ngày 18 tháng Năm, 1546; Farve nhận được tin khi ở Tây Ban Nha, sau một hành trình dài đến Roma, ngài đã bị bệnh và mất ngày 1 tháng Tám.[1]

Lúc đầu, các Giêsu hữu được gửi tới Công đồng không có nhiệm vụ nào hơn là chăm sóc thiêng liêng cho các đại biểu (phần lớn là các giám mục) và những người phụ tá các đại biểu. Tuy nhiên, họ đã thực hiện nhiều công việc tông đồ khác nhau trong thành phố. Cung cách hành xử trong hoạt động tông đồ này, họ nhận được từ thánh Inhã ngang qua một bản chỉ dẫn, được viết vào khoảng giữa năm 1546.[2]

Lúc đầu hai Giêsu hữu trẻ (Lainez 34 tuổi, còn Salmeron 31 tuổi) ăn bận nghèo nàn và không mấy ấn tượng, đã không được đón nhận từ nhiều người, nhất là từ những đại biểu ở Tây Ban Nha. Nhưng danh tiếng họ lớn dần ngang qua lối sống khiêm tốn, kiến thức và kinh nghiệm; cả hai già dặn trong kinh nghiệm; chính điểm này làm nên sự trưởng thành của họ. Một tuần sau khi đến, họ đã được nhìn nhận là những nhà thần học, được trao nhiệm vụ chuẩn bị các chủ đề cho các phiên họp của Công đồng.[3]

Trong các phiên họp toàn thể của Công đồng, Lainez và Salmeron đưa ra các chủ đề về tội nguyên tổ, công chính hóa và các bí tích. Những chủ đề này được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu. Lainez đã chống lại lý thuyết về công chính hóa hai mặt – nội tại vốn có và được quy gán cho – do Girolamo Seripando bảo vệ.[4]

Bên cạnh những hoạt động trong các phiên họp toàn thể, hai Giêsu hữu này còn có các hoạt động trong các phiên họp trù bị khác của các nhà thần học. Nhiều đại biểu tham khảo ý kiến của họ và trao cho họ nhiệm vụ nghiên cứu và đưa ra danh sách những sai lầm của Tin Lành.[5]

Khi quyết định chuyển Công đồng tới Bologna, Lainzez và Salmeron rời Công đồng Trentô ngày 14 tháng Ba năm 1547. Tại Bologna họ tham dự phiên họp thứ chín và nêu ý kiến về các chủ đề bí tích giải tội, thêm sức và hôn phối.  Tại Bologna, Peter Canisius tham dự với họ, ngài được hồng y Otto von Truchsess gửi đến để cùng làm việc với Jay.[6]

Công đồng bị hoãn lại bốn năm, từ năm 1547 đến năm 1551, và được triệu tập lại tại Trentô ngày 1 tháng Năm năm 1551. Lainez và Salmeron đến vào ngày 27 tháng Bảy năm 1551 và nhận thấy Công đồng hầu như trì trệ hoàn toàn và chỉ một số đại biểu tham dự. Việc họ đến nâng dậy tinh thần của các vị lãnh đạo, các vị này đã nói: “giờ đây chúng tôi tin rằng sẽ thực sự có một Công đồng.”

Lúc này Lainez và Salmeron hiện diện với tư cách là các nhà thần học của Đức Giáo Hoàng. Trong các phiên họp được tổ chức trong giai đoạn này của Công đồng, họ đã can thiệp vào việc thảo luận các chủ đề về các bí tích Thánh Thể, Giải Tội và Truyền Chức Thánh. Lainez nổi bật trong phiên họp thứ mười bốn, ngày 7 tháng Mười Hai năm 1551, ngài đã diễn thuyết rất dài với sự uyên bác về chủ đề thánh lễ như là một hy tế.[7]

Trong giai đoạn hai của Công đồng, tình hình chính trị làm ảnh hưởng đến Công đồng, nên Đức Giáo Hoàng Julius III hoãn Công đồng vào ngày 15 tháng Tư năm 1552.[8]

Lainez và Salmeron trở lại Công đồng Trentô vào giai đoạn thứ ba, 1562-1563. Lúc này, Lainez với tư cách là bề trên cả dòng Tên, cùng đi với ngài có cha Polanco, thư ký của mình. Trong giai đoạn này, các Giêsu hữu cũng được chú ý bởi việc định hướng cho Công đồng về những vấn đề cụ thể như: quyền Đức Giáo Hoàng vốn liên hệ đến viêc canh giáo triều, huấn luyện hàng giáo sĩ. Với học thức, tài hùng biện cũng như uy tín của mình, Lainez đã gây một ảnh hưởng lớn trong việc nới rộng quyền giáo hoàng. Nhờ Jay, người đã nêu lên một nhận thức về sự cần thiết của việc đào tạo hàng giáo sĩ, mà Công đồng đã có một sắc lệnh liên quan đến việc thiết lập chủng viện để huấn luyện linh mục tại giáo phận; hình thức này vẫn được tiếp tục đến hôm nay.

Nhìn chung uy tín của Lainez và Salmeron được đánh giá cao tại Công đồng. Các nhà sử học đồng thuận với nhau rằng Công đồng Trentô chịu ảnh hưởng lớn bởi sự hiện diện của Carlo Borromeo và Diego Lainez vốn “là một Giêsu hữu nghiêm nghị, có tài hùng biện, kiên vững như một người khổng lồ.”[9] Trong giai đoan ba, Peter Canisius viết cho Phanxicô Borgia từ Công đồng ngày 18 tháng 6 năm 1562 rằng: “Ý kiến chung ở đây rằng cha Alonso (Salmeron) là nhà thần học Số Một của Công đồng. Ngài đã mang lại vinh dự lớn lao cho dòng Tên.” Peter thêm rằng ngài tin chắc là Lainez đã làm gia tăng thiện cảm cho Dòng.[10]

Những đóng góp cụ thể

Trước khi đi vào chi tiết những đóng góp của các Giêsu trên, chúng ta cần phải nhắc đến đến một đóng góp âm thầm nhưng hết sức quan trọng của thánh Inhã trên Công đồng, đó là sự ảnh hưởng ngài trên các Giêsu hữu tham dự Công đồng ngang qua những chỉ dẫn của mình. Mặc dù thánh Inhã được mời tham dự Công đồng, ngài đã tránh vị thế này, nhờ thế mà ngài có sự chuẩn bị kỹ càng cho các Giêsu hữu tham dự Công đồng.[11] Đầu năm 1546, thánh Inhã gửi cho Lainez, Salmeron và Jay một bản chỉ dẫn để biết nên cư xử như thế nào tại Công đồng. Tài liệu này được chia thành ba phần, gồm những điều quan trọng nên làm cũng như những điều không nên làm. Phần thứ nhất khuyên họ khiêm tốn khi trình bày ý kiến của mình, lắng nghe tôn trọng quan điểm của người khác, luôn xem lại và suy xét cả hai mặt của vấn đề tranh cãi, và đồng thuận theo phán quyết hơn là ý riêng của mình.[12]

Phần thứ hai hướng dẫn họ thực hành tại Công đồng việc thuyết giảng, dạy giáo lý, cho linh thao, thăm viếng người bệnh và người nghèo, “thậm chí mang cho họ một ít quà nếu có thể.” Ba Giêsu hữu đã theo hướng dẫn của Inhã một cách trung thành, và họ đã thành công trong việc hướng dẫn một số giám mục thực hành một vài hình thức của linh thao. Linh thao là phương cách dòng Tên “canh tân Giáo Hội” ở chiều sâu. Mặc dù các tài liệu dòng Tên không bao giờ minh nhiên nói việc canh tân Giáo Hội như một nhiệm vụ của Dòng.[13]

Phần thứ ba liên quan đến lối sống và cách hành xử của Giêsu hữu, đó là gặp nhau mỗi tối để thảo luận về những kinh nghiệm trong ngày, lên lịch trình cho ngày tới và lượng giá chỉnh sửa những điều có thể sai trong lối hành xử. Dĩ nhiên trong lá thư không có những điều liên quan đến những vấn đề lớn mà Công đồng đối diện. Nhưng Inhã tin rằng, với bất cứ vấn đề nào, thì các Giêsu có được sự trợ giúp khi theo hướng dẫn của mình. Ngài xem các Giêsu hữu không phải như những người trung gian nhưng là những người khởi xướng tại các cuộc họp đặc thù. Đối với những chỉ thị này của Inhã về Công đồng cũng là một cơ hội, để Dòng có được thiện cảm từ các vị lãnh đạo quy tụ tại đó.  Polanco nói về đóng góp của các Giêsu hữu này đối với giai đoạn thứ nhất được thể hiện qua việc không dính bén đến những vấn đề đặc biệt đang tranh luận trong Công đồng. Polanco chỉ lưu ý rằng Inhã muốn các Giêsu hữu tránh bất cứ lập trường nào.[14]

Tóm lại, chắc chắn rằng lối sống và cách hành xử của các Giêsu hữu ảnh hưởng đến những người tham dự Công đồng; sự ảnh hưởng này sẽ dẫn đến những hệ quả trên nội dung những gì họ trình bày liên quan đến những vấn đề được thảo luận trong Công đồng. Lối sống và hành xử này họ có được chính là nhờ thánh Inhã.

Sự đóng góp trực tiếp của dòng Tên trong Công đồng ngang qua việc tham dự của các Giêsu hữu, cụ thể ở những vấn đề có sự can thiệp của họ.

Công đồng đối diện với hai trong số những vấn đề tranh cãi nhất trong việc đối phó với phong trào cải cách Tin Lành: thứ nhất là mối tương quan giữa Kinh Thánh và Truyền Thống như là nguồn của thẩm quyền giáo hội; thứ hai là vai trò của đức tin và việc thiện trong công chính hóa.[15] Trước hết, liên quan đến vấn đề về mối tương quan giữa Kinh thánh và Truyền Thống, việc đóng góp của các Giêsu hữu là không nhiều. Chỉ có những đóng góp nhỏ của Jay. Jay là người được trao phó cho việc chuẩn bị cách thức phân biệt giữa các truyền thống giáo điều và những điều khác. Trong kết luận của mình nhắc nhở hồng y Marcello Cervini nhấn mạnh ý nghĩa nền tảng của sự phân biệt này và thêm vào những điểm còn tranh cãi.[16] Và cùng với Tổng giám mục Palermo, Jay thúc giục Công đồng sửa lại bản dịch Kinh Thánh Vulgate thay vì để cho Đức Giáo Hoàng làm việc này.[17]

Tuy nhiên, về vấn đề công chính hóa, các Giêsu hữu đã góp phần quan trọng trong việc hình thành sắc lệnh Công chính hóa bởi đức tin. Sắc lệnh quan trọng nhất về công chính hóa được soạn ra đề đáp lại lập trường “duy đức tin” (sola fide) của Tin Lành và có ảnh hưởng lớn đến linh đạo Kitô giáo.[18]

Trước khi sắc lệnh ra đời, giáo thuyết gai góc, dài dòng về công chính hóa này đã gây nhiều hoang mang cho những đại biểu tham dự. Seripando, tổng quyền Dòng Âu Tinh, cố gắng chỉnh sửa học thuyết công chính hóa bằng việc phân biệt giữa công chính hóa nội tại vốn có và công chính hóa được quy gán cho-sự công chính của con người chỉ mới là khởi đầu, bất toàn và đầy khiếm khuyết.[19]

Các Giêsu hữu phản đối quan điểm trên với tất cả nỗ lực của mình. Phản biện đáng ghi nhớ nhất về học thuyết công chính hóa được Lainez trình bày với một ấn tượng sâu đậm nhất. Ngày 26 tháng Mười, với bài diễn thuyết dài mười bảy trang được Lainez trình bày hai tiếng liên tục trước cử tọa. Với khả năng lý luận mạnh mẽ, Lainez phân tích cấu trúc nội tại và những hệ quả của học thuyết dưới mọi góc cạnh.[20] Với nỗ lực làm việc phi thường, ngài đã đưa ra một bản các vấn đề và các lập luận. Phần lớn đại biểu đồng ý với ý kiến của ngài. Các bình giải của ngài được đưa vào xem xét tại Công đồng, và ngài được chỉ định để chọn lọc tất cả các vấn đề bàn luận. Hầu hết là công trình của ngài được đưa ra để thảo luận và biên soạn thành sắc lệnh.[21]

Hơn nữa, sắc lệnh về công chính hóa liên hệ đến tội nguyên tổ vốn đi ngược lại với tư tưởng của các nhà Cải cách lúc bấy giờ. Các nhà Cải cánh nhấn mạnh rằng tội nguyên tổ làm cho bản tính con người ra hư hoại hoàn toàn, chỉ có ân sủng (sola gratia) của Thiên Chúa mới cứu độ được. Trong khi đó, các Giêsu hữu khẳng định rằng ân sủng nhưng không của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô là cần thiết cho ơn cứu độ, nhưng ngang qua ân sủng này “thúc đẩy” chúng ta làm việc thiện, nó không “trói buộc” hay “ép buộc” ý chí tự do của cá nhân. Sắc lệnh của Công đồng Trentô về công chính hóa bởi đức tin đã được ban hành năm 1547, trong đó Công đồng tuyên bố rút phép thông công những ai từ chối sự hiện hữu của ý chí tự do sau khi Adam và Eva sa ngã.[22]

Thứ đến, Công đồng đã có một sắc lệnh liên quan đến bản chất các bí tích và xác định số lượng các bí tích là bảy như hiện nay. Công đồng tái khẳng định lại lập trường của Giáo Hội về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể và bản chất bí tích của Thánh Lễ. Để có được sắc lệnh này, chắc chắn có sự đóng góp lớn lao của các Giêsu hữu. Với một nền học vấn vững chắc, Lainez và Salmeron diễn thuyết, tranh luận về đề tài hi tế trong Thánh Lễ và các bí tích. Lainez trình bày ba tiếng đồng hồ về đề tài hy tế của Thánh Lễ, với chỉ bốn tiếng chuẩn bị. Ngài nói về bí tích hòa giải và để “lại một ấn tượng rằng ngài chưa bao giờ trình bày tốt đến như vậy”[23]. Đối với Lainez, tất cả các bí tích phải được minh chứng bởi Kinh Thánh. Ngài nói: “Không có bí tích nào mà không chứa đựng trong Kinh Thánh”. Lập trường của Lainez không phải không bị phản đối, ví dụ bề trên cả dòng Conventuals và bề trên cả dòng Carmelites tranh luận về khả thể bằng chứng Kinh Thánh cho các bí tích. Còn đối với Alfonso Salmeron, ngài xem hy tế trong sự  thánh hiến kép, nghĩa là trong sự phân biệt giữa mình và máu Chúa Giêsu. Sự thánh hiến làm cho hoàn thiện ý nghĩa mầu nhiệm Thánh Thể, và vì thế dẫn đến sự hoàn thiện của việc thờ phượng. Ngài nhận thấy “cái chết của một nạn nhân” được “biểu trưng” trong Thánh Thể; vì ngài đã chỉ ra  rằng cái chết đích thực của một nạn nhân đòi buộc chỉ khi nạn nhân hiện diện trong hình thức riêng của mình (in propria specie), nhưng không phải khi hiện diên, như Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, dưới hình thức khác (sub aliena specie). Điều này đã trở thành một giải thích thần học rất phổ biến.[24]

Tiếp đến, để canh tân Giáo Hội trên hết phải canh tân giáo triều vốn liên hệ đến quyền giáo hoàng. Khi thảo luận đến đến vấn đề quyền tài phán của giám mục, Công đồng mất hết hi vọng vì không tìm được hướng đi rõ ràng. Tuy nhiên, Lainez đã khơi dậy niềm hi vọng, khi phát biểu với sự khôn ngoan và uyên bác để bảo vệ cho các quyền của giáo hoàng; thậm chí người chua chát và thành kiến như Paolo Sarpi cũng đã gọi bài phát biểu đó là một kiệt tác.[25] Trong những can thiệp công khai của Lainez tại Công đồng vào ngày 20 tháng 10 năm 1562, ngài cho thấy khuynh hướng nới rộng các quyền của giáo hoàng. Ngài lập luận rằng quyền tài phán của các giám mục không xuất phát từ chức vụ của họ nhưng được ban cho họ ngang qua giáo hoàng. Lập trường của Lainez phù hợp hoàn toàn với quan điểm của Inhã.[26] Mặc dù vậy, Công đồng vẫn từ chối luận đề của Lainez. Một số người đặt lại vấn đề về động lực của ngài, vì bằng việc đề cao quyền giáo hoàng, ngài rõ ràng gián tiếp bảo vệ các đặc ân của Dòng. Những ai biết ngài hơn cả thì loại trừ những nghi kỵ đó vì đi ngược lại tính cách của ngài.[27] Vấn đề về quyền giáo hoàng vẫn chưa được giải quyết trọn ven.

Mùa hè năm 1563, Công đồng đi đến đỉnh điểm về vấn đề tương quan của thẩm quyền giám mục với thẩm quyền của giáo hoàng, làm khơi lại việc cải cách giáo triều. Vào ngày 16 tháng Sáu năm 1563, Lainez đã phát biểu lại quan điểm của mình và gây nên một sự bất đồng quan điểm trong Công đồng. Sự can thiệp của Lainez cho thấy thái độ tôn trọng đối với giáo hoàng như là nét đặc thù của các Giêsu hữu đầu tiên. Tuy nhiên, trong lần này, lập trường của họ ít được xác quyết hơn lần đầu vì trước đó Polanco nhắc nhở Laiznez về việc cải cách giáo triều rằng ngài có thể bị Đức giáo hoàng đe dọa truất quyền nếu thất bại trong việc cải cách. Sự can thiệp của Lainez không cho thấy rằng Công đồng bị điều khiển bởi các Giêsu hữu vì các luận cứ cho lập trường của mình được đặt nền trong các phương châm mang tính quy chuẩn[28] của Giáo Hội nhằm chống lại không chỉ lạc giáo nhưng còn các vụ tai tiếng.[29] Hơn nữa sự can thiệp của Lainez chắc chắn cũng không có ý rằng ngài không quan tâm đến việc canh tân giáo triều. Trước đó, năm 1556 Lainez đã bàn về vấn đề canh tân giáo triều trong tài liệu “Tractutus de simonia” do Đức Giáo Hoàng Phaolô IV yêu cầu.[30]

Các Giêsu hữu trong giai đoạn này hướng tới việc bảo vệ mạnh mẽ quyền giáo hoàng trong Giáo Hội. Lập trường của họ đặt nền trên những suy tư nền tảng, được tôn trọng nhiều lúc bấy giờ. Các Giêsu hữu không chỉ bàn tới những vấn đề liên quan đến giáo hoàng như là vấn đề thần học và cơ cấu nhưng còn là chính bản thân cá nhân các giáo hoàng. Họ hăng hái nhiệt thành nhưng không phải luôn luôn thành công.[31] Dù Công đồng không có một sắc lệnh nào về quyền giáo hoàng, thì nỗ lực của các Giêsu trong việc bảo vệ và nâng cao quyền giáo hoàng là không thể phủ nhận.

Một trong những điều liên hệ đến việc canh tân Giáo Hội nữa là việc huấn luyện hàng giáo sĩ. Chúng ta biết rằng lúc bấy giờ, việc huấn luyện hàng giáo sĩ không theo một khuôn mẫu nào cả và hết sức bừa bãi, không được hoạch định rõ ràng. Mặc dù một số giáo sĩ được đào tạo tốt và có đời sống đạo đức, nhưng phần lớn được đào tạo quá kém dẫn đến nhiều vụ tai tiếng như buôn bán chức thánh hay phạm đến đời sống khiết tịnh. Nhận biết được thực trạng trên, Dòng Tên đã nỗ lực để làm giảm bớt tình trạng này bằng việc chú tâm huấn luyện các Giêsu hữu trẻ.[32]

Tại Công đồng, các Giêsu hữu đã đóng góp trong sắc lệnh nổi tiếng về các chủng viện của Công đồng Trentô. Năm 1563, Jay đã nêu lên sự cần thiết của việc đào tạo tốt hơn cho hàng giáo sĩ. Theo đề nghị của Inhã trước đây, Jay đã đưa ra thỉnh nguyện đối với các giám mục thiết lập chủng viện trong giáo phận của họ.[33] Sự đóng góp của Jay tác động ít nhiều trên các đại biểu tại Công đồng, họ nhận thấy rằng việc huấn luyện và đào tạo linh mục giáo phận là chìa khóa cho việc canh tân. Vì thế, Công đồng đã ra một sắc lệnh là mỗi giáo phận thiết lập một chủng viện của riêng mình.[34]

Cuối cùng, Công đồng Trentô được “mệnh danh” là Công đồng Cải cách (Reformation) và Phản-Cải cách (Counter-Reformation). Trong bối cảnh diễn ra Công đồng, cách chung, vai trò của Dòng Tên là khá lớn trong phong trào Cải cách và Phản cải cách. Gothein và Ranke đặt Dòng Tên như là trung tâm chống lại phong trào Cải cách Tin Lành.[35] Đồng quan điểm với Ranke, Jedin đưa ra ba yếu tố tương xứng với nhau liên quan đến vấn đề Cải cách trong Giáo hội Công giáo và Phản Cải cách Tin lành: Công giáo-Giáo triều, Cải cách-Dòng Tên và Phản Cải cách-Công đồng Trentô. Công đồng Trentô muốn các giáo hoàng thực hiện, với các Giêsu hữu “là một công cụ mạnh mẽ trong tay các ngài.”[36]

Những đóng góp của Giêsu hữu trong Công đồng Trentô là cách thức Dòng Tên canh tân Giáo hội và “tranh đấu” chống lại phong trào Cải cách Tin lành. Trong việc canh tân Giáo hội, trước hết là việc các Giêsu hữu giúp linh thao một số giám mục, những người vốn ảnh hưởng nhiều trên đời sống của giáo dân. Nếu cuộc sống của họ được đổi mới thì sẽ giúp cho đời sống thiêng liêng của giáo dân cũng được thay đổi tích cực. Hơn nữa, việc canh tân giáo thuyết cũng rất quan trọng, các Giêsu hữu đã đưa ra những lập trường thần học vững chắc về các bí tích nhất là bí tích Thánh thể. Ngoài ra việc canh tân hàng giáo sĩ trong Giáo hội sau này đã được thể hiện nhờ việc đề xuất thành lập các chủng viện của các Giêsu hữu.

Trong việc chống lại phong trào cải cách Tin lành tại Công đồng, các Giêsu hữu đã đưa ra hai lập trường quan trọng về vấn đề công chính hóa và vấn đề quyền của Đức giáo hoàng. Liên hệ đến vấn đề công chính hóa, khi khẳng định về vai trò của đức tin cũng như việc thiện, các Giêsu hữu chống lại quan điểm duy đức tin của Tin lành. Vấn đề công chính liên hệ đến tội nguyên tổ, khi nhìn nhận cả ân sủng của Thiên Chúa và tự do của con người, các Giêsu hữu chống lại quan điểm duy ân sủng của Tin Lành. Trong khi nỗ lực bảo vệ quyền Giáo hoàng, các Giêsu hưu chống lại quan điểm của Tin lành khi họ không nhìn nhận quyền tối thượng của ngài. Như thế, những điểm trên như là những phương thế được Chúa quan phòng trong việc chống lại phong trào Cải Cách.

Kết luận

Đóng góp của Dòng Tên trong Công đồng Trentô không chỉ về mặt giáo thuyết mà còn về việc canh tân. Trước hết là sự đóng góp âm thầm nhưng hết sức lớn lao của thánh Inhã ngang qua bản hướng dẫn giúp các Giêsu sống và hành xử khi tham dự Công đồng. Ngoài lối sống và cung cách hành xử đầy cảm hóa của các Giêsu đối với những đại biểu tham dự Công đồng, còn có những vấn đề cụ thể mà các Giêsu hữu đã đóng góp trong Công đồng như: tương quan giữa Kinh Thánh và Truyền Thống, công chính hóa vốn liên hệ đến tội nguyên tổ, bản chất các bí tích nhất là bí tích Thánh thể, quyền đức giáo hoàng, huấn luyện hàng giáo sĩ, vấn đề canh tân trong Giáo hội và chống lại phong trào cải cách Tin lành.

Trong nhiệm vụ hình thành nên các sắc lệnh với sự rõ ràng và chính xác, các Giêsu hữu đóng góp một vai trò quan trọng. Claude Jay, và đặc biệt là Diego Lainez và Alonso Salmeron dấn thân miệt mài trong việc nghiên cứu, báo cáo, hội thảo và bằng tài năng của họ đã mang lại một bầu nhiệt huyết mới trong kết quả của Công đồng. Họ đã mang lại uy tín cho Dòng Tên ngay từ những buổi đầu Dòng được thành lập; họ còn là nguồn khởi hứng cho các thế hệ Giêsu hữu tiếp theo nối bước trong công cuộc bảo vệ và truyền bá đức tin với tất cả khả năng của mình trong mọi bối cảnh tông đồ mà Dòng trao phó.

Tài Liệu Tham Khảo

  1. Bangert, William V., S.J., A History of the Society of Jesus (St. Luis: The Institute of Jesuit Resource, 1986).
  1. Bulman, Raymond F. & Parrella, Frederick J., From Trent to Vatican II: Historical and Theological Investigations (New York: Oxford University Press, 2006).
  1. Campbell, Thomas J. , S.J., The Jesuits, 1534-1921 (New York: The Encyclopedia Press, 1921).
  2. Dalmases, Candido de , S.J., Ignatius of Loyola, Founder of the Jesuits: His life and work (St. Luis: The Institute of Jesuit Resource, 1985).
  3. DeVries, Kelly, Jesuit and Fortification-Volume 73 (Boston: Koninklijke Brill NV, 2012).
  4. Echaniz, Ignatius , S.J., Passion and glory : a flesh-and-blood history of the Society of Jesus (Gujarat, India : Gujarat Sahitya Prakash, 1999).
  5. Hsia, R. Po-Chia, The Cambridge History of Christianity-Volume 6 Reform and Expansion 1500–1660 (New York: Cambridge University Press, 2008).
  6. Jedin, Hubert , A history of the Council of Trent-Volume 2 (Edinburg: Thomas Nelson and Sons Ltd., 1961).
  7. O’Malley, John W. , S.J., The First Jesuits (Massachusetts: Harvard University Press, 1993).
  1. O’Malley, John W. , S.J., Trent and All That: Renaming Catholicism in the Early Modern Era (Massachusetts: Harvard University Press, 2002).
  1. Steinmetz, Andrew , History of the Jesuits (London: Richard Bentley, New Burlington Street, Publisher in Ordinary to Her Majesty, 1848).
  2. Tanner, Norman P. , S.J., The Councils of the Church: A Short History (New York: The Crossroad Publishing Company, 2001).
  3. Worcester, Thomas , The Cambridge Companion to the Jesuits (New York: Cambridge University Press, 2008).

[1] Candido de Dalmases, S.J., Ignatius of Loyola, Founder of the Jesuits: His life and work (St. Luis: The Institute of Jesuit Resource, 1985),  203.

[2] Ibid.

[3] Ibid.

[4] Candido de Dalmases, S.J., Ignatius of Loyola, Founder of the Jesuits: His life and work (St. Luis: The Institute of Jesuit Resource, 1985),  203.

[5] Ibid.

[6] Ibid.

[7] Ibid.

[8] Ibid,  203-204.

[9] Kelly DeVries, Jesuit and Fortification-Volume 73 (Boston: Koninklijke Brill NV, 2012), 39.

[10] William V. Bangert, S.J., A History of the Society of Jesus (St. Luis: The Institute of Jesuit Resource, 1986), 58.

[11] Thomas J. Campbell, S.J., The Jesuits, 1534-1921 (New York: The Encyclopedia Press, 1921), 45.

[12] John W. O’Malley, S.J., The First Jesuits (Massachusetts: Harvard University Press, 1993), 324.

[13] Ibid.

[14] Ibid, 325.

[15] Norman P. Tanner, S.J., The Councils of the Church: A Short History (New York: The Crossroad Publishing Company, 2001), 78.

[16] Hubert Jedin, A history of the Council of Trent-Volume 2 (Edinburg: Thomas Nelson and Sons Ltd., 1961), 62.

[17] Ibid, 76.

[18] R. Po-Chia Hsia, The Cambridge History of Christianity-Volume 6 Reform and Expansion 1500–1660 (New York: Cambridge University Press, 2008), 148.

[19] Andrew Steinmetz, History of the Jesuits (London: Richard Bentley, New Burlington Street, Publisher in Ordinary to Her Majesty, 1848), 337.

[20] Hubert Jedin, A history of the Council of Trent-Volume 2 (Edinburg: Thomas Nelson and Sons Ltd., 1961), 256.

[21] Andrew Steinmetz, History of the Jesuits (London: Richard Bentley, New Burlington Street, Publisher in Ordinary to Her Majesty, 1848), 337.

[22] Thomas Worcester, The Cambridge Companion to the Jesuits (New York: Cambridge University Press, 2008), 122.

[23] Ignatius Echaniz, S.J., Passion and glory : a flesh-and-blood history of the Society of Jesus (Gujarat, India : Gujarat Sahitya Prakash, 1999), 103.

[24] Raymond F. Bulman & Frederick J. Parrella, From Trent to Vatican II: Historical and Theological Investigations (New York: Oxford University Press, 2006), 90.

[25] William V. Bangert, S.J., A History of the Society of Jesus (St. Luis: The Institute of Jesuit Resource, 1986), 58.

[26] John W. O’Malley, S.J., The First Jesuits (Massachusetts: Harvard University Press, 1993), 303.

[27] Ibid.

[28] “Không ai có quyền phán xét Giáo hoàng, trừ khi ngài lạc xa đức tín.”

[29] John W. O’Malley, S.J., The First Jesuits (Massachusetts: Harvard University Press, 1993), 303.

[30] Ibid, 305.

[31] Ibid, 306.

[32] Ibid, 232.

[33] Thomas J. Campbell, S.J., The Jesuits, 1534-1921 (New York: The Encyclopedia Press, 1921), 44.

[34] R. Po-Chia Hsia, The Cambridge History of Christianity-Volume 6 Reform and Expansion 1500–1660 (New York: Cambridge University Press, 2008), 155.

[35] John W. O’Malley, S.J., Trent and All That: Renaming Catholicism in the Early Modern Era (Massachusetts: Harvard University Press, 2002), 25.

[36] Ibid, 56.