Chân phước Anrê Phú Yên tử đạo (1644)

 

Môn học: Giáo Hội Học
Giáo sư: Trần Thanh Tân, SJ.
Học viên: Hoàng Khắc Luận, SJ.

 

Loan báo Tin Mừng là sứ điệp trung tâm và mục đích minh nhiên của Chúa Giê-su. Hai ngàn năm qua, Giáo hội không ngừng tiếp nối sứ mạng này trên trần gian. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều nơi trên thế giới và nhiều người vẫn chưa một lần được đón nhận Tin Mừng. Hơn nữa, những chuyển biến và thách đố thời đại đang làm suy yếu tinh thần và động lực truyền giáo. Trước bối cảnh đó, tác giả bài viết muốn trở về nguồn, tìm hiểu nguồn gốc và nền tảng của sứ mạng truyền giáo, đồng thời, từ hiện trạng truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam, tác giả suy tư về công cuộc loan báo Tin Mừng trên đất nước “con rồng cháu tiên” hôm nay.

Dẫn nhập

Giáo Hội gắn liền với sứ mạng. Ở giữa lòng thế giới, Giáo Hội được mời gọi để tiếp tục thi hành sứ mạng của Đức Giêsu Kitô cho thế giới và cho con người. Sứ mạng đó là sứ mạng nào? ĐTC Phaolô VI đã rút ra sứ mạng chính, là sứ điệp trung tâm và mục đích minh nhiên của Đức Giêsu, là loan báo Tin Mừng về Triều Đại Nước Thiên Chúa[1]. Sứ mạng ấy là một thực tại đơn lẻ nhưng phức tạp, và nó được triển khai trong nhiều cách thế khác nhau[2]. Bài viết này nhắm đến một trong những chiều kích của sứ mạng chính là việc loan báo Tin Mừng. Nhưng tại sao lại là “loan báo Tin Mừng”? Vì bản chất của Giáo Hội chính là truyền giáo[3]. Hay nói cách khác việc loan báo Tin Mừng gồm tóm toàn bộ sứ mạng của Giáo Hội[4].

Mặt khác, ĐTC Gioan Phaolô II, trong thông điệp Redemptoris Missio, đã đưa ra lời cảnh tỉnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội khi đã gần kết thúc đệ nhị Thiên Niên của Công Cuộc Cứu Chuộc rồi mà vẫn thấy rõ là nhiều người trong đa số nhân loại vẫn chưa một lần nghe rao giảng về Chúa Kitô[5]. Bên cạnh đó, các nghị phụ của công đồng Vatican II cũng nhìn nhận việc Thiên Chúa hiện diện theo cách thức nào đó trong cuộc sống, trong những nền văn hoá, cũng như trong các tôn giáo khác[6]. Vậy đâu là lý do và bằng cách thức nào để ngày nay chúng ta tiếp tục loan báo Tin Mừng và mời gọi người ta rửa tội để trở nên những thành viên của Giáo Hội? Cách riêng, trong bối cảnh của Giáo Hội Việt Nam, phải chăng Giáo Hội tại Việt Nam đã và đang thi hành sứ mạng truyền giáo như được mời gọi?

Bài viết sẽ được trình bày gồm 3 phần: trước hết là nguồn gốc và nền tảng sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội (phần I), sau đó là lời mời gọi và thách đố cho việc thi hành sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội (phần II), và cuối cùng là hoạt động truyền giáo tại Việt Nam và lời mời gọi cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và cách riêng đối với từng người Kitô hữu.

I. Nguồn gốc và nền tảng sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội: “Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”

Đức Giêsu trong Tin Mừng Luca đã tỏ cho thấy về sứ mạng của Người: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lk 4,43). Câu khẳng định ấy cũng gồm tóm tất cả sứ mạng của Người: “Tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” (Lc 4,43). Những lời này còn mang một ý nghĩa quan trọng hơn nữa, nếu người ta liên kết chúng với các câu trước đó, tức với những lời của ngôn sứ Isaia được Chúa Giêsu dùng để chỉ áp dụng cho bản thân Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” (Lk 4,18; x.Is 61,1). Đức Giêsu còn loan báo bằng cách làm chứng cho sự thật mà Ngài đã nghe và thấy được từ Cha (x. Ga 3,11; 8,14; 18,37; Dt 1, 1-2).

Bên cạnh đó, các tác giả Tin Mừng đều kết thúc trình thuật của họ về cuộc gặp gỡ giữa Đấng Phục Sinh với các môn đệ của Người bằng lệnh truyền ra đi loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19-20; x.Mk 16,15-18; Lc 24,46-49; Ga 20,21-23). Sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi loại thụ tạo mà Giáo Hội nhận từ nơi Đức Kitô, chính là nối tiếp sứ mạng duy nhất mà Đức Kitô đã nhận từ nơi Chúa Cha: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Loan báo Tin Mừng không chỉ là một trong nhiều sứ mạng, cũng không chỉ là sứ mạng ưu tiên trên các sứ mạng khác, nhưng đó là sứ mạng duy nhất.

Đức Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho Giáo Hội; nơi mà Thánh Thần của Đức Giêsu hiện diện có một sự năng động hướng về việc loan báo Lời. Chính Đức Giêsu, khi Người được xức dầu bởi Thánh Thần lúc chịu phép rửa đã bắt đầu sứ mạng của Người bằng việc “loan báo Tin Mừng” (x. Lc 3,23; 4,18). Sự kiện ngày lễ Ngũ Tuần của các tông đồ thật là tiêu biểu: “chỉ sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ mới ra đi cho đến tận cùng trái đất, để mở màn cho công cuộc truyền bá phúc âm hoá cao cả của Giáo Hội.”[7]

II. Loan báo LỜI: Lời mời gọi và thách đố cho Giáo Hội

Tin Mừng là cội nguồn của niềm vui, sự giải thoát và ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Giáo Hội nhận được hồng ân này, và vì vậy Giáo Hội không ngừng loan báo cho mọi người “điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến.” (1Ga 1: 1). Do đó, loan báo Tin Mừng luôn luôn là một ưu tiên của sứ mạng. Giáo Hội không thể trốn tránh lệnh truyền hiển nhiên của Chúa Kitô, hay để cho những người nam nữ không biết đến “Tin Mừng” về việc họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ[8].

Thánh Phaolô tông đồ, trong thư gửi cho giáo đoàn Côrinthô, nói đến việc loan báo Tin Mừng như một đòi buộc tất yếu: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (I Cr 9, 16). Thật vậy, mỗi người đều có quyền được nghe ”Tin Mừng” của Thiên Chúa nhưng tương ứng với quyền lợi đó cũng là nghĩa vụ phải rao giảng “Tin Mừng”[9].

ĐTC Gioan Phaolô II trong thông điệp Redemptoris Missio đã trích lại lời của ĐTC Phaolô VI trong sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 1972 ghi nhận về hoạt động loan báo Tin Mừng cho “các dân nước” (ad gentes) như thể đang xìu xuống… Những khó khăn cả trong lẫn ngoài đã làm suy yếu đi những thúc đẩy cho việc truyền giáo của Giáo Hội hướng tới các người ngoài Kitô giáo, một sự kiện cần phải được tất cả mọi người tin vào Chúa Kitô quan tâm lưu ý đến. Bởi vì, động lực truyền giáo bao giờ cũng là dấu chỉ sinh động trong lịch sử của Giáo Hội thế nào, thì việc yếu kém truyền giáo là dấu hiệu khủng hoảng đức tin như vậy[10].

Trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ĐTC Phanxicô một lần nữa đã mời gọi: “Giáo Hội phải ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng”[11]. Hơn thế nữa, Giáo Hội phải thiết lập “một tình trạng truyền giáo thường trực” ở khắp mọi miền trên thế giới[12]. Ngài cũng gắn kết việc canh tân Giáo Hội với mục đích truyền giáo khi nhắc nhở các Giám mục châu Đại Dương: “để Giáo Hội khỏi rơi vào nguy cơ chỉ biết tập trung vào chính mình”[13].

III. LỜI được gieo trên quê hương Việt Nam

  1. Từ quá khứ hào hùng đến dấu chấm hỏi cho cả Giáo Hội Việt Nam và cho từng người tín hữu

Non sông gấm vóc nước Ðại Việt đón nhận Tin Mừng cứu độ Ðức Kitô từ những ngày đầu thế kỷ XVI. Đó là khởi điểm cho việc hình thành một Giáo Hội được “khai sinh trong đau khổ và trưởng thành trong máu đào”[14] sau này. Hạt giống Tin Mừng được gieo vào lòng dân Việt, âm thầm lớn lên và đâm hoa kết trái; nhưng biết bao giông tố kinh hoàng, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, thảm sát và phân sáp các tín hữu vì niềm tin sắt son vào Ðức Kitô qua những thăng trầm lịch sử các triều đại :

  • 000 anh hùng Việt nam Tử Ðạo dưới thời Chúa Trịnh Ðàng ngoài; Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn ở Ðàng Trong.
  • 000 chiến sĩ đức tin đã anh dũng tuyên xưng đức tin dưới ba triều đại: Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Ðức (1848-1883).
  • 000 tín hữu kiêu hùng chết vì tin vào Chúa Kitô do việc bắt bớ, thảm sát, phân sáp của phong trào Văn Thân (1862-1885).

Quá khứ hào hùng là vậy nhưng sau 500 năm Tin Mừng đến và hiện diện trên đất Việt, Giáo Hội Việt Nam đã làm gì để hạt giống đức tin đã gieo vãi được tiếp tục phát triển? Đức Cha Đinh Đức Đạo, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ báo điện tử vaticaninsider.lastampa.it về kết quả truyền giáo tại Việt Nam, đã cho biết như sau[15]:

  • Năm 1960, số tín hữu Công Giáo là 2,43 triệu người, số dân cả nước là 35 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 7%.
  • Bốn mươi năm sau, năm 2000, có 5,2 triệu người Công Giáo, số dân cả nước là 77 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 6,75%.
  • Năm 2014, có 6,6 triệu người Công Giáo, số dân cả nước là 95,2 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 7%.

Như vậy, dựa trên những con số trên đây thì kết quả của việc truyền giáo tại Việt Nam từ khi thiết lập hàng giáo phẩm cho đến nay dường như giậm chân tại chỗ!

Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn đã làm một so sánh về việc truyền giáo với Giáo hội Tin Lành ở Việt Nam, năm 1999: số tín hữu là 400,000 người. Năm 2008: con số này đã lên tới 1,500,000 người. Như thế, số tín hữu tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm.

Ngoài ra, những con số về kết quả truyền giáo tại Giáo Hội Hàn Quốc cũng có thể làm cho chúng ta khâm phục:

  • Năm 1949: Công giáo và Tin Lành chỉ chiếm 1% dân số ở Hàn Quốc.
  • Năm 2009: Công giáo 9.65% và Tin Lành 26%. Cả nước có 35.65% theo Kitô giáo.
  • Như vậy, chỉ trong vòng 60 năm (1949-2009) dân số Công giáo tăng từ 1% lên 9.65% và trong 10 năm (1999-2009) tăng từ 7.73% lên 9.65%.

Đứng trước thực trạng trên đây, mỗi người chúng ta phản tỉnh điều gì? Và được mời gọi phải làm gì cho Giáo Hội và xã hội Việt Nam hôm nay?

  1. Một khởi động mới từ “Niềm Vui Tin Mừng”

Làm sao để Tin Mừng có thể bám rễ sâu vào con người và thế giới hôm nay? Một thế giới, được ĐTC Phanxicô mô tả trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng là đang đứng trước nguy cơ bị thấm nhiễm bởi chủ nghĩa tiêu thụ làm cho con người trở nên cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Do đó, tâm hồn của con người cũng không còn chỗ cho người khác, tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm nhận, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ. Và đó cũng chính là mối nguy cho cả người tín hữu[16].

Làm thế nào để Giáo Hội có thể đến được với những con người đang ở bên lề Giáo Hội, khi họ không còn là Kitô hữu nữa hay chưa từng là Kitô hữu? Tông huấn Evangelii Gaudium của ĐTC Phanxicô là một lời mời gọi và một khởi động mới cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng không phải là sứ mạng của riêng ai nhưng là của chính bạn và tôi. Tất cả chúng ta đều được sai đi trên các nẻo đường thế gian để đồng hành với anh em của mình, trong khi tuyên xưng và làm chứng cho đức tin vào Đức Kitô của mình và làm sứ giả của Tin Mừng[17].

Nhà nhà phải truyền giáo, người người phải lên đường đi Loan báo Tin Mừng[18]. Lời mời gọi của sứ mạng thì không giới hạn đối với những người hay những vùng địa lý nhất định (“những vùng sứ mạng” hay “những sứ mạng”); nó bao gồm những con người của mọi chủng tộc, quốc gia, và thế hệ[19]. Sứ mạng thì không chỉ ở đâu đó nhưng là ở chính đây trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Truyền giáo chính là “kể lại câu chuyện Giêsu”[20] như các Tông đồ xưa trong bối cảnh của xã hội Việt Nam hôm nay. Tuy nhiên, muốn kể được câu chuyện này, bản thân người kể phải gặp được Ðức Giêsu, “phải cùng ăn cùng uống với Người” như các Tông đồ (Cv 10,41), như hai môn đệ trên đường đi về Emmaus (x. Lc 24,30-35), phải tai nghe, mắt thấy, tay chạm đến được Ngôi Lời sự sống như Gioan (x. 1 Ga 1,1), hay phải xỏ ngón tay và bàn tay vào những vết thương của Ðức Giêsu như Tôma (x. Ga 20,24-29)… Nếu không, chúng ta không thể làm chứng nhân của Ðức Giêsu (x. Cv 2,32).

Truyền giáo không bao giờ là một hành động cô lập, cá nhân hay riêng tư, nhưng luôn luôn là hành động của Hội Thánh. Người ấy không thi hành sứ vụ của riêng mình nhưng trong sự hiệp nhất với sứ vụ của Hội Thánh và nhân danh Hội Thánh[21]. Vì thế, khi đứng trước nhu cầu rất lớn của cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam hôm nay, các môn đệ là những người để cho mình được tình yêu của Chúa Giêsu nắm bắt mỗi ngày một chặt hơn và được đánh dấu bởi ngọn lửa say mê với Nước Thiên Chúa, trở thành những người có niềm vui Tin Mừng, được Tin Mừng ấy tác động và biến đổi cuộc sống của chính mình, để rồi luôn khao khát và nuôi dưỡng niềm vui Truyền Giáo[22].

Kết luận:

Tương tự câu hỏi của thánh Phaolô ngày xưa trong thư gửi cho giáo đoàn Rôma: “Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14), ĐTC Gioan Phaolô II cũng đặt ra một câu hỏi nhức nhối cho Giáo Hội tại Á Châu: “Tại sao Đấng Cứu Thế sinh ra tại Châu Á mà cho đến nay vẫn có nhiều người của lục địa này chưa biết đến Người[23].” Câu hỏi ấy không loại trừ chúng ta những người tín hữu đang sống trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam: tại sao nhiều người vẫn chưa biết đến Đức Giêsu hay chưa được nghe Tin Mừng? Làm sao để niềm vui Tin mừng ngập tràn con tim những Kitô hữu, những ai mong gặp gỡ Đức Kitô? Phải luôn là những câu hỏi làm cho con tim của mỗi người chúng ta ‘không ngủ yên’.

Tất cả mọi người đều có thể cảm nghiệm niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui của ơn cứu độ! Ước muốn tự nhiên của con người là làm cho tha nhân được chia sẻ những gì mình có. Vì sự chia sẻ này mà các phần tử của Giáo Hội mong ước chia sẻ với tha nhân đức tin mà họ đã được nhận lãnh nhưng không[24]. Và đức tin là một món quà mà người ta không thể giữ cho riêng mình, nhưng phải được chia sẻ: nếu chúng ta chỉ muốn giữ nó cho mình, khi đó chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu bị cô lập, không sinh hoa kết quả và bệnh tật[25]. Vì thế, tất cả chúng ta được mời gọi lên đường truyền giáo trên quê hương Việt Nam và cho đến tận cùng thế giới. Quả vậy, lòng nhiệt thành truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng về sự trưởng thành của một cộng đoàn Giáo Hội[26].

[1] ĐTC Phaolô VI, Thông điệp Evangelii Nuntiandi, số 6.

[2] ĐTC Gioan Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 41. Schroeder trong tác phẩm “What is the Mission of the Church: A Guide for Cathlics” nói đến 6 thành tố của sứ mạng.

[3] Công đồng Vatican II, Ad Gentes, số 2.

[4] Schroeder, Roger P., What Is the Missionof the Church? A Guide for Catholics, (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2008), 3.

[5] X. ĐTC Gioan Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 40.

[6] X. Công đồng Vatican II, Lumen Gentium, số 16.

[7] ĐTC Phaolô VI, Thông điệp Evangelii Nuntiandi, số 75.

[8] ĐTC Gioan Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 44.

[9] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Một Số Khía Cạnh Của Việc Loan Báo Tin Mừng, số 06.

[10] ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 02.

[11] ĐTC Phanxicô, Thông điệp Evangelii Gaudium, số 20.

[12] Ibid., số 25.

[13] Ibid., số 27.

[14] Trích http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/LichSu/LichSuGHCGVN.htm

[15] Trích http://vaticaninsider.lastampa.it/en/world-news/detail/articolo/vietnam-vietnam-vietnam-43960/

[16] ĐTC Phanxicô, Thông điệp Evangelii Gaudium, số 02.

[17] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2013, số 02.

[18] X. ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, số 02.

[19] Schroeder, Roger P., What Is the Mission of the Church? A Guide for Catholics, (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2008), 5.

[20] Đây là chủ đề của Đại hội Truyền giáo Châu Á được tổ chức ở Chiang Mai, Thái Lan vào năm 2005.

[21] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2013, số 03.

[22] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2014, số 04.

[23] ĐTC Gioan Phaolô II, Ecclesia In Asia, số 2.

[24] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Một Số Khía Cạnh Của Việc Loan Báo Tin Mừng, số 06.

[25] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2013, số 01.

[26] ĐTC Bendict XVI, Tông huấn Verbum Domini, số 95.