Lão Tử
(604-531 B.C.)

Môn học: Triết học Trung Hoa
Giáo sư: Vũ Minh Trí, S.J.
Học viên: Nguyễn Đình Minh Trị, S.J.

 

Đạo không chỉ là một lý tưởng cao vời khó nắm bắt, Đạo còn mời gọi con người hòa với Đạo, với Đức. Sự hòa đồng ấy không chỉ mang đến một sự thành toàn nào đó cao siêu, nhưng còn dẫn người học hòa với niềm vui của Đạo, có thể gọi là Đạo Lạc. Đó là một niềm an ủi cho những người theo Đạo. Người học sẽ có thanh thoát hơn khi có niềm vui trong chặng đường đầy vất vả đi tìm Đạo, sống Đạo và hoà với Đạo. Hơn nữa, đó cũng là một đích đến để người theo Đạo hướng đến. Người đắc Đạo được vui với Đạo; cũng có thể nói, nếu đắc Đạo mà không vui thì không phải là Đắc Đạo.

Từ lạc (樂) có những nghĩa chính: 1.vui, thích; 2.niềm vui hay 3.nghĩa là cười.[1] Trong sách Đạo Đức Kinh, ta thấy chỉ có 8 từ lạc (樂) và hầu hết các từ lạc (樂) ấy đều có nghĩa là niềm vui. Duy chỉ một từ ở chương 35 mang nghĩa khác với các từ còn lại: nghĩa là âm nhạc nhưng ít nhiều nó cũng hàm ý về niềm vui. Trong bài viết này, tôi sẽ thử phác họa một cách đọc Đạo Đức Kinh ngang qua những từ lạc ấy.[2]… Chúng như những điểm dừng chân nghỉ ngơi để con người tiếp tục trở lại với Đạo, “Thành thật trọn vẹn để mà trở về”[3] (“thành toàn nhi qui chi”) (Ch.22). Giờ đây, Đạo Đức Kinh[4] sẽ dẫn người học đạo những bước đi đầu tiên.

Chặng đường đầu tiên: sơ lược về Đạo

Để phù hợp cho người mới bắt đầu, Đạo Đức Kinh giới thiệu một cách sơ lược về Đạo. Trước hết, Đạo như một thực tại vừa huyền bí: “Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh” (Ch.1), nhưng cũng vừa gần gũi, hòa đồng với cả những gì sáng tỏa và cả những gì tầm thường, trần tục: “hoà với ánh sáng, đồng với bụi bặm, thanh khiết thay [, – người viết] e rằng như còn mãi”[5] (Ch.4).

Đạo ấy vừa vô, vừa hữu: “Vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu”, nghĩa là: “Không tên là khởi đầu của trời đất; có tên là mẹ của vạn vật” (Ch.1). Đạo ấy đã có từ xa xưa: “Phải nắm được đạo xưa thì mới chế ngự được sự vật ngày nay; ai có khả năng biết sự khởi đầu ngày xưa, thì gọi là được mối đạo.”[6] (Ch.14).

Tuy nhiên, Đạo không chỉ là một lý thuyết siêu hình xa vời về một thực tại huyền bí nào đó, Đạo còn là một cách sống cụ thể, một cách sống quý hậu: “Công thành thân thoái, thiên chi đạo.”, nghĩa là: “Công nghiệp thoả thích thì thân lui, đó là đạo Trời.” (Ch.9). Dù vậy, quý hậu không có nghĩa là ẩn dật hay tránh đời nhưng vẫn rất yêu đời, yêu người. Yêu đời, yêu người đến quên mình: “Sinh ra rồi nuôi nấng, sinh mà không chiếm hữu, làm mà không cậy công, khiến cho trưởng thành mà không làm chủ, thế gọi là đức huyền diệu”[7] (Ch.10).

Yêu người như thế, vị tha như thế; tuy nhiên, Đạo trong Đạo Đức Kinh không chỉ đơn thuần là hướng ngoại. Vị tha phải bắt đầu từ chính mình. Làm sao để bỏ bớt đi các mối bận tâm quá đáng nơi mình, “Tuyệt học vô ưu”, nghĩa là: “Dứt học không có ưu phiền” (Ch.20). Nhờ bỏ bớt, người ấy lại càng gần với Đạo hơn: “Đạt đến trống vắng cùng cực, giữ cho yên lặng thuần nhất. Muôn vật đều triển khai, ta nhân đó thấy sự trở lại”[8] (Ch.16); vì “Trí tuệ nẩy sinh mới có lắm dối trá”[9] (Ch.18).

Tóm lại, Đạo trong Đạo Đức Kinh là: “Đạo tạo nên vật, chỉ thấy mập mờ, chỉ thấy thấp thoáng…”, tuy nhiên, “Từ đó tới nay, tên đó không mất, vẫn chi phối vạn vật.”[10] (Ch.21).

Dường như người tầm sư học Đạo không khỏi “dội” khi đọc đến đây. Bao nhiêu tối tăm, bao nhiêu huyền ảo, bao nhiêu thách đố, bao nhiêu nghịch lý về Đạo hiện ra trong tư tưởng của người đọc. Làm sao Đạo có thể vừa hữu vừa vô, Đạo có nghĩa gì khi “công thành” thì phải “thân thoái”, ngược đời quá! Làm sao một người mới học Đạo có thể nuốt nổi những điều huyền nhiệm như vậy. Trước những băn khoăn ấy, Đạo Đức Kinh mời gọi người học hãy “dĩ thử” (以此) (Ch.21). Câu cuối trong chương 21 này (chỉ vỏn vẹn hai chữ) có nghĩa là cứ trở về với Đạo đi, rồi sẽ tìm được câu trả lời.[11] Lời mời gọi ấy đòi hỏi người học phải hành, “dĩ thử”.

Một lựa chọn ngược dòng đời nhưng cũng là một lựa chọn đầy niềm vui. Một lời mời gọi thách đố nhưng cũng là lời mời gọi đầy hoan lạc. Vui và hoan lạc có được khi hòa với Đạo:

Cho nên theo việc làm với Đạo thì đồng với Đạo; theo với Đức thì đồng với Đức; theo với mất thì đồng với mất. Đồng với Đạo, Đạo cũng hợp vui với. Đồng với Đức, Đức cũng hợp vui với. Đồng với mất, mất cũng hợp vui với.[12] (Ch.23).

Đây là lần đầu tiên Đạo Đức Kinh nhắc đến từ lạc (樂). Chương 23 này như một trạm dừng chân đầu tiên cho những ai đang thực hành đi theo Đạo. Dường như niềm vui là điều không thể thiếu trong những chặng đường ngược dòng và thách đố đó. Tuy nhiên, niềm vui đó có khác gì với niềm vui trần thế? Đạo Đức Kinh trả lời rằng đó không phải là một niềm vui chóng qua như niềm vui trần thế nhưng là một niềm vui trường cửu. Những niềm vui khác chỉ như gió thoáng, mây trôi. Dù gió và mây là do trời đất tạo ra, nhưng chúng cũng không thể tồn tại qua một ngày (Ch.23).

Như vậy, Đạo không chỉ là một lý tưởng cao vời khó nắm bắt, Đạo còn mời gọi con người hòa với Đạo, với Đức. Sự hòa đồng ấy không chỉ mang đến một sự thành toàn nào đó cao siêu, nhưng còn dẫn người học hòa với niềm vui của Đạo, có thể gọi là Đạo Lạc. Đó là một niềm an ủi cho những người theo Đạo. Người học sẽ có thanh thoát hơn khi có niềm vui trong chặng đường đầy vất vả đi tìm Đạo, sống Đạo và hoà với Đạo. Hơn nữa, đó cũng là một đích đến để người theo Đạo hướng đến. Người đắc Đạo được vui với Đạo; cũng có thể nói, nếu đắc Đạo mà không vui thì không phải là Đắc Đạo.

Đồng với Đạo, đồng với Lạc của Đạo vẫn còn ở phía trước. Đây chỉ mới là một trạm dừng chân cho người mới học. Sau chặng đường dài giới thiệu về Đạo và một trạm dừng đầy hứa hẹn, Đạo Đức Kinh tiếp tục dẫn những ai chấp nhận lời mời gọi, những ai “dĩ thử”, thật sự nhập cuộc để đi đến đích. Chắc người ấy sẽ không khỏi hoài nghi mà thầm nghĩ: Điều đó thật khó tin. Nhưng để có niềm vui ấy, con người phải tin đủ: “Tín bất túc yên, hữu bất tín yên”, nghĩa là: “Niềm tin không đủ thì có sự chẳng tin.” (Ch.23).

Chặng đường thứ hai: vượt qua những ngộ nhận[13]

Dường như hiểu được những khó khăn, những hoài nghi của những người mới nhập cuộc, Đạo Đức Kinh cố gắng giải thích những hoài nghi thường thấy của người học Đạo. Cũng giống như khi đứng trước thử thách leo lên một ngọn núi cao, con người thường hay tự hỏi: “Sức mình làm sao chinh phục được đỉnh thái sơn ấy?”. Cũng vậy, khi cảm thấy lời mời gọi của Đạo, con người cũng thảng thốt: con người là chi mà có thể đạt được Đạo? Đạo Đức Kinh trả lời rằng: “…Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, con người lý tưởng cũng lớn. Trong cõi đời có bốn thứ lớn, mà con người lý tưởng ở một trong những thứ lớn đó. Người noi theo đất, đất noi theo trời, trời noi theo Đạo, Đạo noi theo năng lực tự mình.”[14] (Ch.25). Con người cũng có một địa vị lớn lao trong trời đất nên con người cũng có thể được hoà với Đạo.

“Tuy vậy, nhưng làm sao để theo Đạo?”

Đạo Đức Kinh tiếp tục trả lời: không thể làm như cách của người thường, vì: “Người tự tỏ mình [thì – người viết] không sáng, tự cho mình là phải [thì] không rực rỡ, tự kể công [thì] không công, tự khoe khoang [thì] không đứng đầu.”[15] (Ch.24). Con người phải nương theo Đạo, phải hòa với Đạo, nghĩa là sống lối sống quý hậu: “Đi khéo không dấu vết, nói khéo không lỗi lầm”[16] (Ch.27); “biết mầu trắng, giữ mầu đen”[17] (Ch.28); “…bỏ cái quá, bỏ cái nhiều, bỏ cái vượt mức.”[18] (Ch.29).

Điều đó trái ngược nhiều với lẽ thường. Vì trái với lẽ thường nên cái vui của Đạo cũng trái ngược với cái vui bình thường: “Thắng mà không cho là hay, nếu cho là hay [thì – người viết] ấy là vui trong việc giết người, thì không đạt được chí nguyện ở thiên hạ.”[19] (Ch.31). Nhiều người ngộ nhận cái vui của Đạo là cái vui nơi chiến thắng, chiến thắng giết chóc. Không, cái vui của Đạo ở sự sinh, chứ không phải cái vui ở sự chết. Cái vui làm cho người sống với nhau chứ không phải cái vui của chiến thắng đầu rơi máu chảy.

Đến đây, Đạo Đức Kinh lại tiếp tục dẫn chúng ta đến một chặng đường mới. Phải tập trung vào chính mình: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh.”, nghĩa là: “Biết người là khôn, tự biết mình là sáng.” (Ch.33). “Đến cùng không tự cho là lớn, cho nên mới thành được việc lớn.”[20] (Ch.34). Một lần nữa Đạo không giống như cách nghĩ thông thường của người đời cho nên niềm vui của Đạo không phải là niềm vui của người đời. Người đời thường vui khi có nhạc, có bánh; còn Đạo có vẻ như vô vị, nhạt nhẽo: “Có nhạc và bánh, khách qua đường dừng lại. Đạo nói ra miệng, thì lạt lẽo vô vị làm sao?”. Tuy nhiên, “nhìn thì chẳng thấy được, lắng nghe chẳng nghe thấy được, dùng chẳng hết được.”[21] (Ch.35). Ấy là một ngộ nhận nữa và cần phải vượt qua. Cái vui của Đạo thì “vi diệu”, không nằm ở cái vui của nhạc và bánh.

Chặng đường thứ ba: Vô Vi (無爲)

Sau khi tránh những cách hiểu sai về Đạo, hiểu sai về niềm vui của Đạo, Đạo Đức Kinh mời gọi người tầm sư học Đạo hiểu rõ bản chất của Đạo hơn. Có thể tóm Đạo (Đức) trong một từ “Vô Vi”. Nhưng Vô Vi là gì? Vô Vi không phải là không làm gì như nhiều người lầm tưởng: “Đạo vĩnh hằng không làm, thế mà không phải chẳng làm gì”[22] (Ch.37).

Nhưng nếu chỉ nói phủ định như vậy, người học vẫn chưa biết Vô Vi là gì dù từ các chương trước đến chương 37 này, từ Vô Vi đã được nhắc đến. Tuy nhiên, vì chỉ được nhắc đến có 3 lần, nên từ Vô Vi trong những chương trước như để giới thiệu hơn là minh giải về nó. Đến đây, bắt đầu từ chương 37, Vô Vi được dùng nhiều hơn: 9 lần từ chương 37 đến chương 64. Với tần suất cao và dày hơn, Vô Vi sẽ được triển khai rõ hơn để người học Đạo có thể theo.

Đạo Đức Kinh dùng nhiều cách để định nghĩa về Vô Vi. Vô Vi có thể là vô cầu (Ch.38). Người đó nương theo Đạo, hòa theo Đạo, không cố, không tự sức cho là đạt được Đạo. Vô Vi là mềm yếu, mất đi, là trở lại, trở về (Ch.40). Không chỉ là trở lại vòng tuần hoàn của tự nhiên (bốn mùa, sinh tử) nhưng còn là sự trở về với nội tâm để tìm được nguồn cội của mình, tìm được Đạo trong mình.[23] Đạo chứa đầy những nghịch lý (không phải là vô lý) như vậy. Như để làm rõ hơn, Đạo Đức Kinh dùng hình ảnh của bậc “hạ sĩ” (下士), những người cười chê trước cái nghịch lý của Đạo (Ch.41). Cười chê vì chỉ thấy được cái bên ngoài của nghịch lý nơi Đạo mà không thấy được cái vi diệu bên trong của Đạo. Dường như Đạo muốn đánh đố người học phải nỗ lực để thấy được cái tinh tế ấy. Như đã nói ở trên, đó là cách hành xử của Đạo, sáng tỏa mà dường như tối tăm: “minh đạo nhược muội, tiến đạo nhược thối, di đạo nhược loại; thượng đức nhược cốc”, nghĩa là: “Đạo sáng dường như mờ tối, Đạo tiến dường như lùi, Đạo bằng phẳng dường như gập ghềnh, đức cao dường như thung lũng.” (Ch.41). Khi thấy như thế, bậc “thượng sĩ” (上士) phải thốt lên rằng: “Ôi, chỉ riêng Đạo, khéo cho lại thành toàn.”[24] (Ch.41).

Vô Vi còn có nghĩa là biết đủ: “Tri túc bất nhục”, nghĩa là: “Biết đủ không nhục” (Ch.44). Chính cái tri túc sinh ra bất tranh. Khi đã bất tranh thì tất nhiên dẫn đến hòa bình. Đạo Đức Kinh đã dùng một hình ảnh dân dã để diễn tả điều đó: “Mọi người có Đạo, ngựa cưỡi lui về lấy phân bón.”[25] (Ch.46). Chính tư tưởng bất tranh ấy mà làm cho thánh nhân lòng không cố chấp. Không cố chấp nghĩa là không theo ý của mình. Không theo ý của mình không phải là không làm gì nhưng là lấy ý của dân làm ý của mình (Ch.49). Lấy ý dân là ý của mình không phải là ba phải mà là đối xử tử tế với người tốt cũng như người xấu; thành tín với người thành tín cũng như người bất tín. Nhờ thế mà thánh nhân có thể vui với Đạo, người đời có thể dõi mắt theo thánh nhân (Ch.49).

Vô Vi còn là biết sâu: “Thấy được điều tế vi nhiệm mầu gọi là sáng, giữ được mềm dẻo gọi là mạnh.”[26] (Ch.52). Vì thế nên rất thận trọng trong cách hành xử của mình. Người Vô Vi phải biết khôn ngoan từ chối những gì mình không thể đảm đương được: “Giữ kín miệng, đóng tai mắt, trọn đời không lao nhọc.”[27] (Ch.52), để không rơi vào trường hợp việc gì cũng làm mà chẳng việc gì xong: “Mở miệng nói, bao biện các việc, trọn đời không cứu vãn được.”[28] (Ch.52).

Như vậy, phải có chí bền mới có thể sống thận trọng như vậy. Tuy nhiên, người đời lại ưa lối tắt thì sao lại có thể thành toàn được: “Đạo lớn rất tốt đẹp, thế mà dân lại ưa lối tắt.”[29] (Ch.53). Thêm nữa, Đạo Đức Kinh nhắc lại, Đạo khó ở chỗ, người học phải tập trung vào chính mình. Sửa mình hơn sửa thiên hạ: “Tu chi ư thân, kì đức nãi chân”, nghĩa là: “Chỉnh sửa ở thân mình, đức ấy mới thành thật.” (Ch.54). Bền chí, tu thân không phải theo ý riêng của mình mà phải dựa vào Đạo, Đạo Đức Kinh lại nhắc người học cách sống của Đạo: “hoà với ánh sáng, đồng với bụi bặm. Đó gọi là huyền đồng.”[30] (Ch.56). Như thế, họ sẽ không lung lay trước những thị phi của người đời: “Cho nên không thể lấy sự gần gũi quen biết mà chinh phục hay yêu sách họ, không thể lấy xa cách mà tranh thủ tâm hồn họ, không thể lấy lợi lộc mà quyến rũ họ, không thể lấy thiệt hại mà hăm doạ họ, không thể lấy sự sang trọng mà mua chuộc họ, cũng không thể lấy sự hèn hạ để làm e ngại họ.”[31] Được như vậy mới “nên bậc đáng quý trọng trong thiên hạ” (“Cố vi thiên hạ quí”) (Ch.56).

Khi làm rõ phần nào đó về Đạo và Đức qua Vô Vi, Đạo Đức Kinh khai triển Vô Vi ấy trong chiều kích chính trị. Vô Vi trong chính trị nghĩa là gì? Một lần nữa, Vô Vi không phải là không làm gì nhưng là “không bày việc”, “vô sự” (無事), nghĩa là tránh “đa kị huý” (多忌諱), “đa lợi khí” (多利器), “đa kỹ xảo” (多伎巧), “tư chương” (滋彰) (Ch.57). Không bày việc như vậy sẽ giúp cho dân bớt được gánh nặng. Dân chúng sẽ “tự cải hóa”, “tự chính đáng”, “tự giầu có” và “tự chất phác”.[32] Vô vi như thế, dân chúng cũng tự nhiên chất phác, không phải cố gắng tìm cách luồn lách, thoát khỏi kiềm kẹp của chính trị. Vô Vi trong chính trị còn là kiệm ước để tránh làm phiền đến dân chúng với thuế má, việc công vô ích và tốn kém: “Trị người thờ Trời không gì bằng kiệm ước.”[33] (Ch.59). Vô Vi còn là tùy dân ứng xử, không phải là lắt léo, xảo quyệt nhưng là biết mềm mỏng mà dụng Đạo đối với từng người dân, “Trị nước lớn giống như nấu cá tươi nhỏ”[34] (Ch.60). Đạo Đức Kinh đã dùng hình ảnh dụ ngôn về việc nấu con cá tươi nhỏ. Người nấu phải lật con cá thế nào để cá vừa chín đều nhưng lại phải đảm bảo cá nhỏ ấy không bị nát bấy.[35] Thêm nữa, bậc thánh nhân cai trị dân mà lại không phải cai trị, cứ thuận theo lẽ tự nhiên mà thực thi. Không làm theo ý riêng của mình, “…thánh nhân muốn [sự – người viết] không muốn, không quí của cải khó kiếm được, học [sự] không học”[36] (Ch.64), cũng không làm theo tuỳ hứng của dân nhưng cố theo tự nhiên, “đem chỗ qua mức của mọi người trở về, để giúp cho vạn vật được sống tự nhiên mà không dám can thiệp.”[37] (Ch.64).

Cứ vô vi như thế, bậc thánh nhân có thể cai trị được thiên hạ vì thiên hạ sẽ vui mừng cùng với thánh nhân gây dựng cơ đồ chung: “…thiên hạ vui vẻ đẩy lên mà không chán.”[38] (Ch.66). Đến đây, từ lạc không chỉ được dùng cho thánh nhân thôi nhưng đã lan ra mọi người dân. Đạo Đức Kinh đã chuyển từ niềm vui cá nhân sang tập thể. Như vậy, chính trị của Đạo Đức Kinh không phải chỉ nhắm đến thánh nhân, chỉ nhắm đến cánh hành xử của thánh nhân; nhưng còn nhắm đến công ích chung. Làm sao để mọi người cùng hoà niềm vui của Đạo.

Với trạm dừng chân này, Đạo Đức Kinh dường như chuyển hẳn hoàn toàn Đạo vào trong lĩnh vực chính trị.

Chặng đường thứ tư: niềm vui tập thể

Trong những chương tiếp theo, có thể thấy Đạo Đức Kinh viết rất nhiều về tinh thần trị dân theo Đạo. “Phù từ dĩ tắc thắng”, nghĩa là: “Phàm lấy từ mà chiến đấu thì thắng.” (Ch.67); “Người làm quan khéo khong vũ phu; người chiến đấu khéo không giận dữ; người khéo thắng địch không gia tranh…”[39] (Ch.68); “Cho nên cùng tham gia vào việc đối kháng bằng binh lực, người nào từ ái thì thắng.”[40] (Ch.69). Tuy nhiên, điều đó phải được bắt đầu từ chính người cai trị. Tiên vàn, người cai trị phải hoà với Đạo, phải thấm nhuần Đạo. Như thế, mới thành bậc thánh nhân mà cai trị, “…thánh nhân tuy mặc áo thô mà chứa ngọc trong lòng.”[41] (Ch.70). Điều đó cũng buộc thánh nhân phải luôn sửa mình để hòa với Đạo. Nghĩa là, thánh nhân luôn thận trọng, biết mình, biết được chân tướng sự vật: “Biết mà cho rằng không biết thì cao; không biết mà cho rằng biết thì lầm lạc. Thánh nhân không lầm lạc, ấy là cho lầm lạc là lầm lạc.”[42] (Ch.71).

Các chương cuối tiếp theo, Đạo Đức Kinh nhắc nhiều đến nhu nhược. Nhu nhược không phải theo nghĩa hèn nhát nhưng là bám chặt vào đạo và thuận theo đạo, “mạnh mẽ về đường bạo dạn thì bị giết, mạnh mẽ về đường nhút nhát (không bạo dạn) thì sống.”[43] (Ch.73). Được như vậy, thánh nhân mới luôn lấy hòa thắng sát (Ch.73), lấy vô vi thắng hữu vi (Ch.74,75), lấy nhu để thắng cương (Ch.76). Một đất nước như thế thật yên lành, hòa thuận. Nhưng điều đó có thể chăng? Giữa một thế giới rộng lớn như vậy có thể thực thi được điều to tát, lớn lao vậy chăng? Đạo Đức Kinh cho rằng chính trị không phải làm những việc lớn lao, to tát bên ngoài nhưng làm những điều to tát ngay bên trong, ngay nơi những điều nhỏ bé, nơi “nước nhỏ dân ít.” (“tiểu quốc quả dân.”) (Ch.80).

Chương 80 này cũng là trạm dừng chân cuối cùng, trạm dừng để dân vui với niềm vui nơi cuộc sống hằng ngày của mình như thế. Nếu nhìn lại xuyên suốt các trạm dừng chân từ đầu tới giờ, có thể thấy niềm vui đã chuyển hẳn từ niềm vui cá nhân sang niềm vui tập thể. Niềm vui cũng chuyển từ niềm vui trần thế sang niềm vui của Đạo. Vui không còn là vui giết chóc, không còn là niềm vui nhạc, bánh nữa nhưng là niềm vui nơi phong tục gần gũi. Thêm nữa, niềm vui của Đạo cũng rất giản dị, quen thuộc. Nó nằm ngay nơi chính đời sống của con người. “Thấy đồ ăn của mình ngon ngọt, thấy áo quần của mình đẹp đẽ, thấy chỗ ở của mình yên ổn, thấy thói quen của mình vui vẻ.”[44] (Ch.80).

Tóm lại, qua những từ lạc (樂) trong Đạo Đức Kinh, tôi đã thử phác hoạ một cách đọc Đạo Đức Kinh. Đầu tiên, Đạo Đức Kinh giới thiệu về Đạo, luận giải các cách hiểu sai; sau đó, minh giải về Đạo trong hai từ “Vô Vi”; cuối cùng, bàn luận về việc đưa Đạo đến với mọi người. Trong đó, từ lạc vừa một từ khoá để đọc về bố cục như vậy của Đạo Đức Kinh, vừa là đích đến của những người muốn đắc Đạo.

Thư mục tham khảo

Lý Minh Tuấn. Lão Tử, Đạo Đức Kinh giải luận. Đồng Nai: Lưu hành nội bộ, 2009.

Nguyễn Hiến Lê. Lão Tử, Đạo Đức Kinh. Hà Nội: Văn Hoá Thông Tin, 2006.

[1] Hanviet.org; truy cập ngày 25-08-2017.

[2] Trong bài viết này, tôi chỉ đọc trên chính bản văn hiện tại chứ không đọc qua lịch sử hình thành bản văn.

[3] Trong bài viết, tôi sẽ dùng bản dịch của Lý Minh Tuấn. Xin xem Lý Minh Tuấn, Lão Tử, Đạo Đức Kinh giải luận, (Đồng Nai: Lưu hành nội bộ, 2009).

[4] Lão Tử là tác giả Đạo Đức Kinh chỉ là giả thuyết nên tôi sẽ dùng chính tên tác phẩm để thay cho tác giả của tác phẩm.

[5] “hoà kì quang, đồng kì trần; trạm hề tự hoặc tồn” (Ch.4).

[6] “Chấp cổ chi đạo, dĩ ngự kim chi hữu; năng tri cổ thuỷ, thị vị đạo kỉ.”

[7] “Sinh nhi súc chi, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trường nhi bất tể, thị vị huyền đức.”

[8] “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc, vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục.”

[9] “Trí tuệ xuất, hữu đại ngụy.”

[10] “Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt… Tự cổ cập kim, kì danh bất khứ, dĩ duyệt chúng phủ.”

[11] Lý Minh Tuấn, Lão Tử, Đạo Đức Kinh giải luận, (Đồng Nai: Lưu hành nội bộ, 2009), chương 21. (tôi xin ghi chú theo số chương thay vì số trang).

[12] “Cố tòng sự ư đạo giả, đồng ư đạo; đức giả, đồng ư đức; thất giả, đồng ư thất. Đồng ư đạo giả, đạo diệc lạc đắc chi; đồng ư đức giả, đức diệc lạc đắc chi; đồng ư thất giả, thất diệc lạc đắc chi.”

[13] Chặng này Đạo Đức Kinh dùng hai từ lạc. Một ở chương 31 và một ở chương 35.

[14] “Cố đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kì nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.”

[15] “Tự hiện giả bất minh, tự thị giả bất chương.”

[16] “Thiện hành vô triệt tích, thiện ngôn vô hà trích.”

[17] “Tri kỳ bạch, thủ kỳ hắc.” Nghĩa là, dù “thông tỏ sáng suốt” nhưng “cư xử như tăm tối dại khờ, thế là người biết khiêm nhường, không khoe khoang.”. Lý Minh Tuấn, chú giải chương 28.

[18] “Thị dĩ thánh nhân khứ thậm, khứ xa, khứ thái.”

[19] “Thắng nhi bất mĩ, nhi mĩ chi giả, thị lạc sát nhân. Phù lạc sát nhân giả, tắc bất khả đắc chí ư thiên hạ hĩ.”

[20] “Dĩ kì chung bất tự vi đại, cố năng thành kì đại.”

[21] “Nhạc dữ nhị, quá khách chỉ. Đạo chi xuất khẩu, đạm hồ kì vô vị, thị chi bất túc kiến, thính chi bất túc văn, dụng chi bất túc kí” (樂與餌, 過客止. 道之出口, 淡乎其無味).

[22] “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi” (道常無爲而無不爲)

[23] Lý Minh Tuấn, chương 40.

[24] “Phù duy đạo, thiện thải thả thành.”

[25] “Thiên hạ hữu đạo, khước tẩu mã dĩ phẩn.”

[26] “Kiến tiểu viết minh; thủ nhu viết cường. Dụng kì quang, phục qui kì minh, vô di thân ương. Thị vi tập thường.”

[27] “Tắc kì đoài, bế kì môn, chung thân bất cần; khai kì đoài.”

[28] “Khai kì đoài, tế kì sự, chung thân bất cứu.”

[29] “Đại đạo thậm di nhi dân hiếu kính.”

[30] “Hoà kì quang, đồng kì trần. Thị vị huyền đồng.”

[31] Lý Minh Tuấn, chú giải chương 56: “Cho nên không thể lấy gần gũi mà được, không thể lấy xa xôi mà được, không thể lấy lợi mà được, không thể lấy hại mà được, không thể lấy sang mà được, không thể lấy hèn mà được.” (“Cố bất khả đắc nhi thân; bất khả đắc nhi sơ; bất khả đắc nhi lợi; bất khả đắc nhi hại; bất khả đắc nhi quí; bất khả đắc nhi tiện.”)

[32] Lý Minh Tuấn, chương 57.

[33] “Trị nhân, sự thiên mạc nhược sắc.”

[34] “Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên. Dĩ đạo lị thiên hạ.”

[35] Lý Minh Tuấn, chương 60.

[36] “…thánh nhân dục bất dục; bất quí nan đắc chi hoá, học bất học”.

[37] “phục chúng nhân chi sở quá, dĩ phụ vạn vật chi tự nhiên nhi bất cảm vi.”

[38] “Thị dĩ thiên hạ lạc thôi nhi bất yếm.”

[39] “Thiện vi sĩ giả bất vũ, thiện chiến giả bất nộ, thiện thắng địch giả bất dữ…”

[40] “Cố kháng binh tương gia, ai giả thắng hĩ.”

[41] “Thị dĩ thánh nhân bị hạt hoài ngọc.”

[42] “Tri bất tri thượng; bất tri tri bệnh. Thánh nhân bất bệnh, dĩ kì bệnh bệnh.”

[43] “Dũng ư cảm tắc sát, dũng vu bất cảm tắc hoạt.”

[44] “Cam kì thực, mĩ kì phục, an kì cư, lạc kì tục.” (甘其食, 美其服, 安其居, 樂其俗).