Tượng Thánh Phaolô trước vương cung thánh đường Thánh Phêrô

  1. Lời Chúa

20 Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.21 Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.22 Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.23 Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người.24 Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.

25 Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người.26 Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết. 28 Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài. (1 Cr 15:20-26, 28)

  1. Tìm hiểu 1 Cr 15:20-26, 28

Bài đọc hôm nay sử dụng thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô một lần nữa trong năm A, vào Lễ Chúa Ki-tô Vua, Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Thường Niên. Bản văn được trích từ chương 15, trong đó thánh Phao-lô suy xét hai câu hỏi. Thứ nhất, người chết có được sống lại không? Thứ hai, nếu có thì đâu là bản chất của sự phục sinh của thân xác?

Bản văn này là phần cuối cùng trong giáo huấn của thánh Phao-lô về sự phục sinh của kẻ chết. Ở đây, thánh Phao-lô cho rằng người chết sẽ được phục sinh bởi vì Thiên Chúa đã làm Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết. Người là hoa trái đầu tiên của tất cả những người đã chết. Nói cách khác, sự phục sinh của Đức Ki-tô không phải là một biến cố tách biệt, nhưng nó là một sự khởi đầu cho sự phục sinh chung cho người đã qua đời. Bởi vì Đức Ki-tô đã được sống lại từ cõi chết, các tín hữu có thể tự tin rằng Thiên Chúa cũng sẽ làm họ sống lại giống như thế. Tuy nhiên, mọi thứ xảy ra theo một trật tự nhất định.

  • Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết.
  • Đức Ki-tô trở lại vào ngày tận thế.
  • Người chết được sống lại và không còn hư hoại.
  • Thần chết bị tiêu diệt và mọi sự sẽ tùng phục Đức Ki-tô.
  • Đức Ki-tô trao lại vương quốc cho Chúa Cha.
  • Đức Ki-tô tùng phục Thiên Chúa.
  • Sáng tạo được phục hồi và Thiên Chúa trở nên tất cả trong mọi sự.

Lối nhìn cánh chung này cho thấy một cảnh tượng tuyệt đẹp về điều đang xảy ra và điều vẫn chưa đến. Nó là một bài đọc thích hợp cho ngày lễ Mừng Đức Ki-tô Vua bởi vì nó cho thấy Đức Ki-tô đã đang trị vì rồi, và kẻ thù của người đang tùng phục người. Ngày nay, các tín hữu sống ở giữa sự phục sinh và ngày trở lại của Đức Ki-tô. Đức Ki-tô đã được phục sinh rồi, còn họ thì chưa. Khi họ được trỗi dậy vào ngày sau hết, kẻ thù cuối cùng và lớn nhất (tử thần) sẽ bị tiêu diệt. Và rồi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự. Đó sẽ là khoảnh khắc của sự cứu độ sau cùng.

Bài đọc này là một cơ hội tốt để giảng về bản chất vương đế của Đức Ki-tô, vốn rất gần với lề luật Thiên Chúa và hoàn toàn thuộc về Chúa Cha. Đây là thời điểm để nhắc các cộng đoàn rằng dù Đức Ki-tô đã chiến thắng trong trận chiến quyết định trên thập giá, chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa trên sức mạnh của thần chết vẫn chưa xảy ra. Nếu không có sự hiểu biết như thế về quyền lực của sự chết, tín hữu sẽ vẫn suy nghĩ một cách liều lĩnh rằng thọ đã hoàn toàn được cứu độ.

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 14-15.